Người vợ Pháp nhìn anh với ánh mắt trắc ẩn, nao lòng. Chị nhìn thấy cái răng vàng trong tận cùng hàm trên qua miệng anh mở rộng, phần còn lại chỉ là một cái đầu lâu bọc một lớp cao su cũ, vàng úa nhợt nhạt có điểm nhiều chấm nốt ruồi. Chị biết thân thể anh đã kiệt cùng sức sống, không còn đủ sức phấn đấu dù chỉ để đổi thế nằm. Trong tay anh, cái bấm đổi vị trí giường nâng phía đầu lên xuống, rớt ra. Cơn đau toàn thân cứ âm ỉ nhưng mãnh liệt, âm thầm mà tàn nhẫn đã hành hạ anh từ nhiều tháng nay. Các cơn đau oái oăm đó đã đẩy vợ chồng cha con gần lại, dù chỉ để nói với nhau vài tiếng không đâu vào đâu, hay chỉ nhìn nhau và biết là mọi việc đều trễ muộn - ngay cả lòng ân hận sao đã không tương hợp từ lâu. Chị trân trọng ngồi xuống mép giường, ấp bàn tay củi khô vào hai tay mình và nhìn anh với cái nhìn của những người đàn bà Âu Châu đón tin chồng trong hai trận chiến. Chị ngồi như vậy rất lâu, nhẫn nại như trời mùa đông xám ngắt bên ngoài chờ đèn lên để biết là ngày đã hết. Mắt anh nhắm nghiền, hơi thở nhọc nhằn không muốn thoát ra khỏi cổ, hai môi như hai vụn bánh tráng nướng vụng, bất động. Bỗng mấy ngón tay anh cựa quây trong tay chị, ánh mắt yếu lả qua đôi mắt anh hé mở, nhìn chị rất lâu. Chị cúi xuống, hai tay ôm chiếc sọ hầu như không còn tóc: - Tu veux dire quelque chose? (1) Anh gật đầu, ánh mắt hướng về phía sau lưng chị. Thằng con trai đang đứng đó nhìn cha, vẫn với cái nhìn hơi rụt rè xa cách. Nó có đời sống của nó mà anh không chấp nhận. Anh vẫn muốn có một cô con dâu cho anh vài đứa cháu nội, với hy vọng sẽ đền bù những thiếu sót với con vào các cháu tương lai. Nhưng người bạn đời nó chọn lại không phải đàn bà. Từ đó cha con trở nên hầu như xa lạ và khi anh chị chia tay, nó ngả hẳn về phía mẹ. Chị đứng lên đặt tay ấn vai con ngồi xuống, rồi tới bên cửa sổ nhìn mông lung mấy dãy xe đậu dọc sân bịnh viện ươm ướm sương chiều. Mắt chị ươn ướt đỏ. Thằng con vụng về cầm tay bố, không biết nói gì. Anh động đậy bàn tay trong tay con rồi thều thào: - Con, bố tiếc, là, đã không dạy, con văn, hoá, Việt Nam, bố... Ngoài hành lang vẳng lên tiếng gọi, tiếng chân hấp tấp chạy và tiếng khóc. Trời như sụp tối xuống nhanh hơn, mưa lất phất trên cửa kính óng ánh ánh đèn. Anh ngừng lại để thở, rất lâu. Thằng con bối rối gọi mẹ. Chị rời cửa sổ đến cúi người xuống gần. Anh thở cực nhọc đứt quãng: - Bố tiếc, là quá, khe, khắt với, con, bố tiếc, không, dạy, con tiếng, Việt, con chưa, biết, Việt, Nam, bố muốn, con ráng, sống, sao cho, ra, người, bố... Thằng con kêu lên: - Mais papa, j'ai rien compris. Tu délires ou quoi? Qu'est-ce que tu veux dire? (2) Anh nhắm nghiền mắt lại: - Ah oui, bố, veux, dire... (3) Hẳn là anh có nhiều điều muốn nói, ít nhất một lần trong đời, như tất cả các người cha đều có những chuyện phải nói với con. Anh đã từng ngồi hằng giờ với cơn đau thắt ruột để say sưa nói cho bạn bè nghe về những dự án của mình, với quyết tâm sẽ thực hiện khi lành bịnh. Nhưng bây giờ với con, dù chỉ vài câu thôi, anh cũng không toại nguyện... Như các dự án muôn đời vẫn chỉ là phôi thai ấy, những gì anh muốn nói cho con hiểu trước lúc lâm chung đã theo anh xuống lònghuyệt lạnh. Sau cố gắng đó đầu anh quẹo qua một bên, cả người bất động. Bên kia cửa kính, mưa bắt đầu nặng hạt. Điện thoại chợt reo vang, người vợ Pháp chụp lấy vội vàng như thể không muốn tiếng động khuấy rối sự yên nghỉ của chồng, chị nói rất khẽ: - A lô... Vâng... A chào anh... Ô cám ơn anh. Tôi vẫn thường nghe nhà tôi nói về quyển sách ấy... Vâng, anh ấy rất cần... Vâng, nhưng bây giờ thì trễ quá rồi. Cám ơn anh nhiều... Vâng... Xin chào anh. Có phải những điều người ta muốn nói với nhau nhất trong đời thườngkhông bao giờ đúng lúc? Miêng (Paris, 02 Fév. 1997)(1) Anh muốn nói gì phải không? (2) Nhưng bố ơi, con chẳng hiểu gì cả. Bố mê sảng hay sao? Bố muốn nói cái gì? (3) A ừ, bố, muốn, nói là...