Chúa nhựt tuần sau. Lối bảy giờ rưỡi sớm mai. Triều là con của ông Từ Tệt ở Bạc Liêu, với Quan là con một bà sương phụ ở Trà Vinh, cả hai đều học tại trường Chasseloup Laubat, ăn ngủ trong trường và là bạn thâm giao của cậu Xuân, y theo lời Xuân mời nên hiệp nhau ra nhà Xuân. Khi bước vô cửa, hai cậu có ý sụt sè, vì sợ có khách lạ đã tới trước rồi. Chừng thấy có một mình Xuân từ trong đi ra, y phục đàng hoàng, mặc đồ trắng mới ủi thẳng băng, cổ thắt nơ đen, đầu chải láng mướt thì Triều cười mà hỏi: – Cô Cúc chưa lại hay sao? – Chưa, mời hai anh ngồi. Có lẽ 8 giờ rồi cô mới lại. – Cô hứa chắc không? – Chắc chớ. Hôm thứ năm, moa có lại nhà mà xin phép với dì của cô. Dì cô bằng lòng, mà cô cũng hứa lời nữa. Tại sao mà toa nghi nên toa hỏi như vậy. – Con gái hay mắc cỡ. Moa sợ cô ái ngại không dám ăn cơm với mình chớ. – Không, đời nay con gái Việt mình dạn dĩ lanh lẹ lắm, chớ phải như con gái đời xưa hay sao? – Cô chịu kết tình bằng hữu với ba anh em mình hay không? – Việc đó cô chưa có hứa. Cô nói để cho cô suy nghĩ ít bữa. – Moa sẽ năn nỉ với cô. – Năn nỉ làm chi? – Toa ở ngoài nầy toa buồn; để toa năn nỉ cho toa có một người bạn đặng nói chuyện chơi cho vui. Nãy giờ Quan ngồi im lìm. Chừng nghe Triều nói như vậy Quan mới nói: ”Anh Triều bày chuyện quá! Anh muốn làm cho anh Xuân vui rồi cuối năm ảnh thi rớt cho mà coi.” Triều ngoe ngoảy hỏi Quan: - Vui mà sao lại thi rớt? - Mắc vui nên cứ chơi hoài, học có được đâu mà thi đậu. - Con người phải làm việc, mà cũng phải giải trí, nếu làm việc hoài mà không giải trí thì phải bịnh, hoặc phải điên. - Giải trí có nhiều cách. Ta đi chơi ngoài đồng, ta đi xem hát. Giải trí như vậy dầu không có ích thì cũng không hại. Chớ kiếm con gái mà làm bạn, đặng nói chuyện để giải trí. Trời ơi! Hiểm nghèo lắm, moa sợ có hại chớ không có lợi đâu. - Toa tụng kinh cho hai đứa moa nghe hả? Xuân can hai người: - Hai anh chẳng nên cãi. Triều sợ moa buồn, còn Quan sợ moa hư, hai người đều lo cho moa hết. Vậy moa cám ơn. Song moa xin Quan chẳng cần phải lo cho moa lắm, bởi vì moa như một gốc cây, không biết nhiễm ái tình, không để ý đến gia thất, bởi vậy moa gần đàn bà con gái không hại gì đâu mà sợ. Quan rùng vai mà đáp: - Cần phải thí nghiệm rồi sẽ đoan chắc. - Ba anh em bàn luận tới đó, kế cô Quế bước vô, tay cô cầm một gói giấy màu trắng hường. Bữa nay cô mặc một bộ y phục bằng lụa trắng mới tinh, may thiệt khéo, tuy cô không trang điểm cho lắm, song nhờ có vẻ đẹp thiên nhiên, nên cô thiệt có duyên, lại có sắc nữa. Ba cậu đứng dậy chào cô. Cô cúi đầu mà đáp lễ, vừa đoan trang, vừa nghiêm nghị. Xuân muốn tiến dẫn hai người bạn cho cô Quế biết, nên nói: – Anh nầy là Triều, tiêu biểu cho Lan; còn anh nầy là Quan, tiêu biểu cho Trước, hai người bạn thiết tôi đã nói cho cô nghe hôm trước. Cô Quế chào hai người một lần nữa rồi nói: – Còn cô Quế 20 tuổi mà thôi. Hết thảy phải tôn Triều làm anh cả, còn cô Quế đành chịu làm em út. Xuân hỏi Triều vậy chớ được chức anh cả sao không đãi tiệc hoặc làm lễ gì, để ra mặt người lớn. Triều suy nghĩ rồi kêu thằng Chí đưa cho 5 đồng bạc và biểu nó đi mua hai đồng bạc bánh ngọt còn bao nhiêu thì mua nước cam với nước đá đặng đãi các em. Xuân với Quan vỗ tay mà khen cử chỉ xứng đáng. Lúc đợi thằng Chí đi mua đồ ăn uống thì Xuân mời hết anh em đi cùng trong nhà từ trước ra sau, đặng anh em thấy cách sắp đặt chỗ ăn ở của mình. Triều khen cái nầy chê cái nọ, nói vang rân, duy có Quan với cô Quế đi theo mà không nói chi hết. Xuống tới nhà bếp thấy chị Thiện đương lăng xăng nấu nướng, Triều kiểm soát các vật thực coi chủ nhà sẽ đãi món gì, rồi móc túi lấy ra một đồng bạc mà cho chị Thiện và nói: “Chị nấu cho ngon, nghe không. Nếu tôi ăn ngon thì tôi còn thưởng.” Quan cười nói với Xuân: – Anh Triều bữa nay rộng rãi quá. – Được chức “anh cả” người ta khoái, nên xài lớn. Xuân mời trở ra trước đặng nghe vặn “ra đô”. Cô Quế xin để cho cô tiếp tay với chị Thiện lo nấu ăn. Anh em đều không chịu, ép cô phải chơi, chớ không được làm. Đương hát trong máy thu thanh thì thằng Chí về, cô Quế đi lấy dĩa mà sắp bánh, còn Xuân với Quan thì vô trong lau ly và coi thằng Chí chặt nước đá, duy chỉ có Triều cứ ngồi nghe hát, làm ra tuồng anh cả để các em lo cho mình. Chừng bánh với nước cam dọn ra xong rồi, Triều mới tắt máy thâu thanh, buộc mỗi người phải ngồi ngay hiệu của mình. Xuân với tay tính lấy một cái bánh, Triều liền cản mà nói: – Khoan đã! Phải để cho anh cả đọc đích cua rồi mới được ăn uống. Quan có tánh trầm tĩnh hơn hết, mà nghe nói như vậy thì vỗ tay và nói: – Đích cua chắc hay lắm. Vậy để tôi vỗ tay trước. Triều không thèm để ý đến lời châm biếm của Quan, cậu thủng thẳng đứng dậy, bộ coi rất nghiêm nghị, mắt ngó tấm thêu trên bàn rồi nói lớn: – Các em. Bộ tứ thời của chúng ta mấy năm nay chỉ có ba tấm mà thôi là Mai, Lan và Trúc, còn thiếu một tấm Cúc chúng ta tìm không ra. Hôm nay chúng ta mới tìm được một bụi Cúc. Mà Cúc nầy vừa thơm tho, vừa tươi đẹp, thiệt chúng ta có phước không biết chừng nào. Vậy chúng ta mỗi người phải ăn vài cái bánh, uống cạn một ly nước cam, đặng chào mừng bụi Cúc xinh đẹp mới tìm được, cầu chúc cho tình Mai, Lan, Cúc, Trúc của chúng ta trăm năm bền vững, nhứt là thệ tâm gìn giữ thái độ và tánh tình cho cao thượng cũng như bốn thứ cây biểu hiện cho của chúng ta. Triều nói dứt lời liền lấy một cái bánh ăn. Anh em đều vỗ tay lốp bốp rồi ăn uống. Xuân nói: – Lan mừng Cúc, theo phép lịch sự thì Cúc phải cám ơn. Đợi nghe em Quế nói sao đây. Cô Quế nghe lời khiêu khích như vậy, thì cô đứng dậy, bộ rất yểu điệu, miệng chúm chím cười rất duyên dáng. Cô chậm rãi nói: – Kính thưa ba anh, phận em hèn mọn, em có phước nên được ba anh hạ cố, khứng kết nghĩa kim bằng với em, cái ơn ấy dù ngàn năm em cũng chưa quên được. Em là em út, vậy em xin ba anh dạy bảo cho em, nếu em có sơ sót chỗ nào xin ba anh dung thứ. Em nguyện sẽ giữ gìn bản tánh như Cúc, cũng như ba anh hứa giữ gìn tánh tình như Mai, Lan và Trúc vậy. Em van vái ba anh ăn học, công sớm thành, danh được toại, rồi chung lộn với đời mà làm những việc ích quốc lợi dân, nghĩa là đem tài hay đức tốt làm cho dân tộc ta được tiến bộ, được văn minh, ngang hàng với những dân tộc tiên tiến trên thế giới. Ba cậu vỗ tay một hồi rất lâu, rồi mỗi người đều cúi đầu và đưa tay nắm tay cô Quế, để biểu hiện tình bằng hữu kết chặt từ đây. Chừng ngồi ăn uống lại, Triều mới nói: – Bữa nay vui quá. thiệt tôi không dè em Quế chơn chất mà lại dạn dĩ đến thế. Từ rày sắp lên, hễ chúa nhựt thì anh em mình tựu nhau lại đây đặng ăn uống đàm luận chơi cho vui, toa chịu hay không, Xuân? Xuân đáp ngay: – Chịu lắm. Triều suy nghĩ một lát rồi nói tiếp: – Mà đàm luận thì phải nói chuyện có ích, chớ không nên nói chuyện pha lửng bậy bạ, đã mất thời giờ, lại tổn đức nữa. Moa là anh cả sẽ coi chừng, nếu ai nói chuyện quấy hoặc vô ích, moa sẽ rầy thẳng tay. Bữa nay là buổi nhóm đầu tiên. Vậy mỗi người nên tỏ cho anh em biết quan niệm về sự ở đời của mình như thế nào. Ai nấy đều nín khe. Triều bèn nói lớn: – Xuân, toa nói trước đi. Toa nói cái ý toa muốn đường tương lai của toa ra thể nào. – Anh cả phải nói trước chớ. – Mấy em nói trước rồi anh cả sẽ nói sau. – Nếu muốn tôi nói trước thì tôi nói… Từ ngày tôi có đủ trí khôn, tôi thấy xã hội Việt Nam mình, tôi buồn lắm. Xã hội gì mà có rất ít người biết lo cho dân khôn ngoan, lo cho nước cường thạnh, mỗi người chỉ lo phận mình, ai cực chết mặc ai, nước nghèo nước yếu mặc nước. Giữa lúc trong hoàn vũ người ta lấy chủ nghĩa Quốc gia làm mục đích, còn mình cứ ôm thờ chủ nghĩa cá nhân. Tôi coi thế Quốc gia mình cứ mỗi ngày mỗi nghèo yếu, tôi thấy xã hội mình ngày càng thêm suy bại, chớ không thể phát đạt nổi, dầu vật chất hay là tinh thần cũng vậy. Vì thấy tình cảnh như vậy nên tôi nhứt định ráng học cho cùng đường, học thành tài rồi cũng không thèm lập gia đình, tôi để hết trí lực tài năng mà lo chấn hưng xã hội, lo nâng cao trình độ cho quốc dân, lo làm cho Quốc gia được giàu được mạnh. – Hứ! Chú nó có cái óc tham lo quốc sự, tính thí thân đi lo cho nước cho dân. Nầy, người ta nói gia đình là nền tảng của quốc gia, của xã hội. Nếu muốn cho quốc gia được phú cường, xã hội được cao thượng, thì trước hết phải lo bồi đắp tô điểm gia đình, chớ sao toa lại nói toa không thèm lập gia đình? Toa cày ruộng mà toa để lưỡi cày đi trước con trâu, thì làm sao toa cày được? Toa phải suy nghĩ lại. Mà toa quyết học cho cùng đường vậy chớ toa học khoa nào? – Việc đó moa chưa quyết định, để lấy đủ hai bằng Tú tài rồi sẽ hay. – Được. Toa có ý muốn lo việc công ích, lo bồi đắp Quốc gia thì cũng được. Song moa khuyên toa phải nhớ rằng chủ nghĩa gia đình là chủ nghĩa tối yếu, dầu làm việc gì cũng phải nương theo gốc ấy mới được… Còn Quan, toa có sắp tiến trình của toa rồi hay chưa? Quan chúm chím cười và thủng thẳng đáp: – Phận tôi mẹ goá con côi, trong nhà vừa đủ ăn chớ không có dư dả, bởi vậy quan niệm về tiến trình tôi không dám nuôi chí viễn đại. Tôi mong học thi cho đậu hai bằng Tú tài rồi tôi kiếm chút công việc làm để nuôi thân, cho má tôi và anh tôi khỏi tốn hao với tôi nữa. – Toa làm việc rồi toa cưói vợ, hay là toa cũng không thèm lập gia đình như Xuân vậy. Nghe Triều hỏi như vậy, Quan lộ sắc mặt mắc cỡ, liếc ngó cô Quế, rồi cúi mặt mà suy nghĩ. – Toa nói đại cho anh em nghe chơi, có chi đâu mà mắc cỡ. – Nếu tôi làm việc mà có tiền dư thì tôi sẽ cưới vợ. Mà cưới vợ thì tôi chẳng cần kiếm con nhà giàu sang, tôi chỉ lựa người bạn trăm năm có đức, có hạnh, ham cần lao, biết tằn tiện, biết quí trọng chồng, biết dạy dỗ con cái vậy thôi, để tạo lập một gia đình thuận hoà vui vẻ, mà hưởng hạnh phúc ở đời. Gia đình của tôi chẳng cần giàu, miễn được xum hiệp trong một căn nhà lá cao ráo sạch sẽ, chung quanh có một miếng đất để trồng cây, hoặc trồng rau cải, rồi sớm mai và buổi chiều, tôi tưới cây, tưới rau chơi cho giải trí. Tôi hy vọng nhỏ nhen thấp thỏm như vậy song không biết có được mãn nguyện hay không? – Moa biết tánh ý của toa. Moa chắc toa sẽ mãn nguyện. Toa có muốn giàu sang gì đâu mà thất vọng… Còn em Quế quan niệm của em về đời tương lai như thế nào, em nói cho mấy anh nghe thử coi. Cô Quế cười mà đáp: – Em không có tính tới việc tương lai. Phận em nghèo, nên em mắc lo bề hiện tại. – Em có tính lấy chồng đặng lo làm ăn chớ? – Việc ấy không phải việc của em phải tính. Mà em cũng đã nhứt định không thèm tính. – Phải, con gái dầu muốn lấy chồng mà không có chú trai nào xin cưới thì làm sao lấy chồng cho được mà tính. Anh muốn biết ví như có một chú trai nào xin cưới em, vậy chớ em có chịu lấy chồng hay không? – Anh hỏi như vậy, em không trả lời được. Vợ chồng phải tâm đầu ý hợp thì gia đình mới có hạnh phúc. Anh nói có một người trai xin cưới em, mà em không biết người ấy hay dở, cao thấp thế nào, làm sao em ưng được? Mà đời nay đàn ông con trai phần đông đều giả dối, họ có biết danh dự, có kể gia đình là gì. – Anh hiểu rồi. Em cũng trọng chủ nghĩa gia đình như Quan, song em kén chọn người bạn trăm năm phải tâm đầu ý hiệp em mới ưng, chớ không phải nuôi ý tưởng “vô gia đình ” như chú Xuân. Xuân rùn vai mà cãi với Triều: – Muốn hỏi em Quế về việc tương lai thì hỏi coi em tính làm ăn cách nào, chớ sao toa lại hỏi việc vợ chồng. Cử chỉ của toa coi khiếm nhã. – Chú Xuân quên tôi là anh cả hay sao nên kêu tôi bằng “toa” vậy hả? – Thôi, kêu bằng “anh cả”. Vậy xin anh cả hỏi em Quế có tính việc làm ăn thế nào hay không? Hay là cứ đi thêu mướn cho tới già. Triều gật đầu và ngó cô Quế mà nói: – Em trả lời với Xuân đi. Cô Quế suy nghĩ một chút rồi mới đáp: – Cần lao là chủ hướng của em thuở nay, bởi vì em nghĩ sanh làm con người thì phải làm việc; lại có làm việc cực nhọc thì trí mới mở mang, thân mới tráng kiện. Ngặt vì thêu mướn cho người ta mà ăn tiền ngày tiền tháng, thì tấm thân có hèn hạ đôi chút. Vì vậy em tính tiện tặn để dành tiền, đặng ngày nào em có chút ít vốn, em lập một tiệm may nho nhỏ, em thêu đồ em bán, em làm chủ thân em, cho khỏi cái thấp hèn tôi tớ. Hy vọng của em chỉ có bấy nhiêu đó. Quan ngồi trơ trơ mà sắc mặt coi tư lự lắm. Xuân nói: – Ba em đã nói đủ rồi. Bây giờ tới phiên anh cả. Anh nói đi. Triều tằng hắng rồi mới chậm rãi nói: – Để anh tóm tắt chủ trương của ba em coi rồi anh nói tới việc anh tính. Xuân thì chủ hướng về Quốc gia xã hội. Quan thì chủ hướng về gia đình. Còn em Quế thì chủ trương về cần lao. Ba em tuy chí khác nhau, song bổn tâm người nào cũng tốt hết. Còn phận anh bây giờ muốn cái gì nào. Mình ở nhằm xứ ruộng, lại con nhà làm ruộng. Thuở nay anh thích nghề nông lắm. Mình gieo một đám mạ, trong ít ngày mạ lên tốt, phơi màu xanh lặc lìa, xem khoẻ con mắt biết chừng nào. Chừng cày cấy rồi cũng vậy, lúa nở bụi coi vui quá. Còn nói gì lúa trổ, sớm mai mình đi thăm ruộng, mình hửi mùi thơm tho lạ thường, tới chừng lúa chín mình ngó đám ruộng, mình thấy một màu vàng tươi, mình mừng hết sức, mừng vì công phu của mình được kết quả và nhứt là mừng vì lúa sẽ làm cho mình có tiền nhiều. Ấy vậy học xong rồi có lẽ anh sẽ về nhà cưới vợ rồi lo làm ruộng đặng có lúa cho nhiều mà nuôi thiên hạ. Xuân cười và nói: – Anh nuôi người ta, mà người ta phải trả tiền cho anh. – Chớ sao!... Trả tiền mặt nữa à! – Tôi thay mặt cho dân làm ruộng mà cảm ơn anh! – Nếu tránh sự anh bán lúa mắc thì hết thảy ra làm ruộng như anh đặng có lúa mà ăn khỏi đi mua. – Nếu dân cả nước đều làm ruộng hết thì ai bán cá thịt, rau cải cho mà ăn, làm sao có áo quần mà mặc, làm sao có xe cộ mà đi? – Chưa gì mà toa đã bàn về vấn đề kinh tế, toa muốn binh xã hội rồi đó. Khoan đã, để sau rồi sẽ hay. Bữa nay mình nói chủ trương của mình cho anh em nghe chơi chớ có việc chi đâu mà cãi. Nhưng mà trong bọn có ba người biết yêu chủ nghĩa gia đình, duy có một mình toa khác ý. Toa phải suy nghĩ lại chỗ đó. – Tôi nhứt định không cưới vợ. Chắc chắn như vậy. – Không chắc chắn đâu, để sau rồi sẽ biết. Đồng chỉ 11 giờ, chị chín Thiện nấu nướng đã xong, thằng Chí bưng dọn lên bàn ăn ở trong, rồi ra nói nhỏ cho chủ hay. Xuân bèn đứng dậy mời khách vô dùng cơm. Chủ khách ngồi chung quanh bàn ăn, cũng theo thứ tự Mai, Man, Cúc, Trúc, tức thì cô Quế ngồi đối diện với Xuân bên tay trái của cô thì có Triều, còn bên tay mặt thì có Quan. Bữa ăn nầy ở trong một bầu không khí vừa vui vẻ vừa thân mật. Tuy Xuân thì có tánh nghiêm nghị, còn Quan ưa trầm tĩnh lại khiêm nhượng, nên hai người ít cười, song nhờ có Triều lanh lợi bãi buôi, nên câu chuyện kéo dài, mà chẳng bao giờ khiếm nhã. Gần một giờ trưa, ăn cơm rồi, cô Quế mới từ ba cậu mà về. Vì mấy anh theo nài xin, nên cô phải hứa cô sẽ xin phép với dì cô đặng mỗi chúa nhựt cô lại nhà Xuân nói chuyện chơi cho trọn niềm bằng hữu.