Ông Từ Tệt là một nông gia Việt Nam, tánh tình của ông cũng như các nông gia khác. Thuở nay vẫn giữ mực giản dị, thận trọng, trầm tĩnh, kiên nhẫn. Dầu làm việc gì ông cũng tính trước lo xa; Mà hễ quyết đoán rồi, thì ông cố gắng nơi sự thành công, nên hăng hái làm chớ không hăng hái nói. Còn bà Tệt cũng là một phụ nữ giống như phần nhiều phụ nữ Việt Nam ở chốn thôn quê, bà vui vẻ bải buôi, thức khuya dậy sớm lo cho chồng con hơn lo phận mình, biết chuyện trong nhà hơn chuyện hàng xóm. Về việc mời khách đi xuống ruộng chơi, thì ông định cả nhà phải đi hết. Vợ con Triều cũng đi cho vui. Nhắm chiếc xe nhỏ của Triều chở không hết nên ở trên Sài Gòn về thì ông đã biểu sốp-phơ sửa soạn thêm chiếc xe của ông. Xe cũng lớn, chở được bảy tám người, xe tuy cũ nhưng máy còn tốt, ông thường dùng để đi thăm ruộng. Còn bà thì lo sắm phẩm thực. Trong nhà sẵn tiền, lại vui đãi khách, nên bà mua thứ gì cũng ngon và cũng nhiều, một tay bà coi mua để cho con dâu, con gái thong thả mà chơi với chúng bạn. Tảng sáng chủ khách thức dậy đặng sửa soạn đi Cà Mau thì đồ lót lòng đã dọn sẵn một bàn dài cơm rau, cháo vịt, lạp xưỡng, bánh mì, thứ nào cũng nhiều, bà Tệt vui mời, ông Tệt thúc hối ăn đặng có đi cho sớm. Mặt trời vừa mọc thì chủ khách lên xe. Bà Tệt đi xe mới với mấy cô, cháu nhỏ, giao cho sốp-phơ cầm bánh. Còn ông Tệt đi chung với ba cậu trên chiếc xe cũ. Triều lãnh cầm tay bánh và xe chở đồ bùm sùm. Mấy cậu đều mặc áo sơ mi, ông Từ Tệt thì mặc đồ mát, ông nói rằng xuống ruộng chẳng cần phải mặc y phục đàng hoàng tráng lệ. Từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu cô Quế đã được thấy nhiều cảnh đồng quê rộng lớn là những vựa lúa của xứ Nam Việt. Từ Bạc Liêu xuống Cà Mau đồng lại càng lớn hơn nữa, lớn mà lại không cây, không xóm, ngó minh mông mút mắt, bầu trời mặt ruộng giáp nhau nơi tuyệt mù. Cô Quế ngắm cảnh mà bồi hồi về công phu của nông dân khai khẩn nặng dầy mà càng bồi hồi về hồng phúc của quê hương chứa đầy điền địa phì nhiêu quảng đại. Bây giờ cô mới thấy cái đời của người thôn quê là đời lợi ích cho mình, lợi ích cho người, lợi ích cho quốc gia. Còn đời của người thị thành là đời húng hính, làm ít chơi nhiều, đời lạnh lẽo không có công với quốc gia xã hội. Cô ngó cô Quyên mà khen thầm, khen cô không nhiễm chí ý mới của phụ nữ tân thời, khen cô biết chọn thú vui trong sạch mà sống. Biết sợ thói nhảm nhí để tránh. Vì hôm qua ông Từ Tệt có sai người xuống trước mà sắp đặt cuộc tiếp khách nên quá 9 giờ xuống tới Cà Mau, thì đã có hai chiếc thuyền nhỏ trực sẵn để tiếp rước khách chở đồ vô ruộng. Tới đây thì về địa hạt của cô Quyên, bởi vậy cô lăng xăng sai nha dịch đem đồ xuống thuyền, cô sắp đặt từ chút, cô xem xét mọi việc, biểu lộ rõ ràng thái độ của điền chủ, thân thiện với kẻ dưới, vui vẻ trong lời nói làm người ta thương mà kính sợ, làm cho người ta cực mà không phiền. Xuân đứng rình cô, thấy cử chỉ của cô như vậy thì lấy làm kỳ, khác hẳn với cô Quyên bơ phờ, đỏng đảnh liếng xáo như hồi trước, như đen khác với trắng. Chủ khách xuống thuyền xong rồi, hai chiếc thuyền mới nối đuôi nhau đi vào làng Tân Hưng. Thuở nay cô Quế chưa bước chân xuống thuyền lần nào, bởi vậy ngồi trong thuyền lúc lắc, nghe tiếng thuyền lạc xạc thì cô vui, song trong lòng lo ngại, cô bảo chị vú bồng bé Phượng cho chặt, dặn Quan coi chừng bé Minh. Cô Quyên hiểu ý nên nói: - Không sao đâu mà sợ, chị Quế. Em có một chiếc ca nô, để dùng đi chợ cho mau, vì chiếc ấy nhỏ quá không thể rước hết được nên phải dùng thuyền chèo cho vững. Cô Quế hỏi: - Cô có sắm ca nô hay sao? - Có ca nô nhỏ, đi chừng ba bốn người. - Xuống tới nhà rồi chiều cô chở tôi đi ca nô chơi thử nghe hôn? - Được, chiều mai rồi chị em mình đi. - Thuyền đi chừng một giờ đồng hồ thì thấy bên phía cột chèo lái có một toà nhà ngói cao cẳng, hai bên kềm hai lẫm lúa rộng và dài cũng lợp ngói đỏ lòm. Cô Quế hỏi: - Nhà của ai vậy cô Quyên? - Nhà ruộng của tía em cất cho em. - Tới rồi à? Gần chợ quá! Thuyền vừa xuôi chèo đặng cặp vào cầu thang thì trên nhà nổi trống vang rân, bởi vậy mấy anh em leo lên cầu thang đứng ngó, trong lòng vui vẻ phi thường, vui được hưởng không khí điền viên, vui được thấy cô Quyên quản xuất một đám người mặt thật thà, sức khoẻ mạnh. Ông Tệt cũng lên cầu mà đứng với khách, rồi ông đưa tay chỉ mà nói: – Phía trên nầy rạch là sở điền tôi đấu giá mua của nhà nước hồi trước. Tôi khai phá thành điền đã hơn mười năm rồi. Còn sở đất của Xuân thì ở bên kia rạch đó, thấy không cậu Xuân? Mấy người đứng ngó thì thấy cả hai bên lúa nở tốt tươi, chỗ nào cũng có lúa, không bỏ hoang một khoảng nào hết; song phía bên nầy thì cách quãng có hàng dừa trồng ngay thẳng đã có trái rồi, còn phía bên kia thì đồng bằng một mực, lúa xanh một màu, không có cây cối chi hết, rải rác có một ít chòi lá lum khum trên mé rạch quanh quẹo. Cô Quế được thấy cảnh đồng ruộng thuở nay cô chưa biết nên cô thoả thích hơn hết, cô hỏi ông Tệt: – Thưa bác, mỗi sở điền được bao nhiêu mẫu? – Mỗi sở khoảng mười ngàn công. – Mười ngàn công là bao nhiêu? Cháu không hiểu. – Một ngàn mẫu. – Cha chả! Nhiều quá. – Có nhiều đâu cháu. – Mỗi năm bác thâu lúa ruộng được bao nhiêu? – Đất nước mặn, lại dưới nầy ít tá điền nên tôi cho mướn rẻ. Phía bên nầy đất cũ nên tôi cho mướn mỗi công hai giạ. Mấy năm nay góp được chừng mấy chục ngàn giạ. Còn phía bên kia đất mới mở, con Quyên phải cho mướn rẻ hơn. Năm nay nó cho mướn giáp hết, mỗi công có một giạ. – Sở đất phía bên kia rạch là của cô Quyên hay sao? – Nó lãnh khai phá ba năm nay đó. – Nếu vậy thì chừng gặt cô Quyên sẽ có đến mười ngàn giạ lúa. – Phải nhưng vái trời cho khỏi sâu bọ, khỏi tim, khỏi háp, thì tới mùa nó góp mười ngàn. – Cô Quyên sẽ làm giàu… Sao hồi nãy nói đất nầy của anh Xuân? – Cô bảo cậu Xuân cắt nghĩa cho cô nghe. Năm anh hội đồng mất, cậu Xuân quyết đem sở đất đó mà bán cho họ. Tôi cản hết sức không được, vợ chồng tôi biểu thôi để cho vợ chồng tôi mướn đó mà ăn học. Cậu cũng không nghe, cứ nằng nằng đi kiếm người mà bán. Không muốn để cậu bán cho họ nên tôi phải mua, rồi mấy năm nay con Quyên lãnh coi làm đó. Cô Quế với Quan nghe chuyện đó thì chưng hửng. Đất của Xuân bây giờ về cô Quyên làm chủ, mà cô Quyên lại muốn kết tóc trăm năm với Xuân. Hễ Xuân ừ thì đất bán sẽ hoàn lại cố chủ. Tạo hoá khéo gây cuộc lăng nhăng quá. Quan hỏi Xuân: - Sao hồi đó toa bán vậy Xuân? Xuân có hơi thẹn, ngượng ngùng đáp: - Có đất mà không biết dùng thì để làm gì? Ông Tệt sợ Quan hỏi nhiều làm phiền lòng Xuân nên ông thôi thúc khách vô nhà. Bà Tệt, cô Quyên với vợ chồng Triều đã vô trước trong nhà. Xuân với vợ chồng Quan thủng thẳng bước theo ông Tệt, thấy trước nhà có một cái sân rộng lớn không trồng vật chi hết, song hai bên nhà dọc theo hai mé rạch thì trồng mít trồng chuối, thứ nào cây lá cũng sởn sơ. Cô Quyên tiếp khách ân cần, bà Tệt bải buôi, vợ chồng Triều vui vẻ. Vợ chồng Quan rất thoả thích về cuộc đi chơi nầy, duy có một mình Xuân sắc mặt buồn bã, không biết cậu buồn về chuyện cô Quyên, hay là buồn về sự bán đất. Chơi một lát dọn lên bữa cơm đơn sơ, dùng gà vịt và một ít món đồ mang theo mà thôi. Nhưng vì có lời cô Quyên cáo lỗi hữu duyên, lại nhờ đi đường đói bụng, nên ai nấy ăn ngon lắm. Đương lúc ăn cơm, tá điền bắt heo chọc huyết, heo la om sòm ở phía sau. Cô Quế hỏi cô Quyên: “Làm thịt heo hay sao?” Cô Quyên vừa cười vừa đáp: “Không mấy thuở anh chị đến chơi nhà em, tự nhiên em phải đãi chớ sao?” Bà Tệt tiếp nói: - Ở ruộng hễ có khách thì gà vịt với heo chớ có gì nữa đâu. Tôi có biểu người qua Đầm Dơi kiếm sấu, kỳ đà, cua gạch, nếu mua được thì mai mốt ăn đồ đó. Ăn cơm rồi, Triều lấy ra ba cây cần câu và hỏi: - Xuân với Quan có đi câu cá với moa hay không? Dân làm ruộng không biết ngủ trưa. Đi câu kiếm ít con cá trê chiều nấu canh chua ăn chơi. Đi câu cá trê. Một việc lạ nữa! Quan sốt sắng đi với Triều, Xuân cũng đi theo, duy cô Quế thấy trời nắng gắt, sợ nhức đầu nên cô ở nhà. Ba cậu trai đứng câu dài theo mé rạch, vì mỗi cậu đều có bắt được vài con cá trê hoặc con cá úc, nên cậu nào cũng say mê, kiếm chỗ có bóng cây mà đứng, rồi cầm cần câu hoài mà không biết mỏi. Người ta nói câu là môn giải trí, mà kỳ thiệt là một cách để giúp trí yên tĩnh mà suy nghĩ. Vì vậy nên người hay lo tính, thường thích ngồi. Hôm nay ba cậu trai nầy say mê đây, có lẽ cũng có chuyện lo tính trong trí. Xuân lo về nỗi bận bịu của cô Quyên, còn Triều với Quan tuy không nói cho nhau biết, song cả hai đều tính phải coi dùng chước nào mà chữa bịnh thần kinh cho Xuân, quay Xuân trở về đường hạnh phúc gia đình, cho hội Mai, Lan, Cúc, Trúc khỏi có người lạc lối. Đến xế mát nước lớn mà đầy, cô Quyên dắt cô Quế đi kiếm ba cậu. Gặp ba cậu đang ngồi chăm chỉ câu thì cô Quế cười ngất. Cô kêu Xuân mà nói: ”Anh Xuân, cô Quyên mời anh xuống ca nô đặng đi thăm ruộng của cô. Chiếc ca nô có ba chỗ ngồi. Vậy anh đi với chị em tôi.” Xuân dụ dự. Cô Quyên nói: - Em muốn mời ông Bác vật canh nông đi xem dùm kinh em đào và đập em đắp coi có trúng theo nông học không? Triều tiếp nói: - Toa đi đi Xuân, moa với Quan sẽ lấy xuồng đi theo sau, vì ca nô chở không hết năm người. Không hiểu Xuân muốn dọ ý cô Quyên hay là muốn xem tài làm ruộng của cô mà bây giờ Xuân không dụ dự nữa, cậu cuốn nhợ, trả câu cho Triều, rồi theo hai cô trở lại cầu thang đặng xuống ca nô. Xuân ngồi day mặt ra phía trước. Cô Quyên với cô Quế ngồi đâu mặt với Xuân. Người coi máy quay máy bành bạch rồi ca nô phát chạy trong rạch. Cô Quyên đem cô Quế với Xuân đi xem bờ đê đắp đập vòng theo ruộng của cô nhằm ngăn nước mặn, rồi vô kinh cái đào băng ngang sở đất, cô chỉ cho Xuân thấy mấy cái kinh nhỏ trổ ra kinh cái, trên bờ kinh cô đã bắt đầu trồng mít, trồng dừa, cô lại chỉ hai cái đập lớn dùng chặn nước, nhờ đập ấy nên mùa vừa rồi lúa không bị háp. Vì việc nào cô cắt nghĩa cũng rành rẽ, làm cho cô Quế không thạo nghề nông, cô nghe cô cũng rất phục, mà Xuân là bác vật canh nông, cậu cũng không thấy chỗ nào đáng chê. Xuân cắc cớ hỏi cô Quyên: – Ai dạy em mà em biết đào kinh đắp đập đây? – Tía em chỉ. – Chú giỏi quá. Công việc em làm đây qua thấy công phu lắm. Em tính chôn sống đời em luôn tại đây hay sao mà em chịu cực làm như vậy? – Đi đâu làm gì? Anh tưởng ở đây không có thú vui hay sao? Vui lắm. Anh ở đây rồi anh sẽ biết. Cấy xong rồi trong ít ngày mình trông thấy cây lúa lên tươi tốt, bụi nở lớn lá xanh dờn, chừng lúa trổ, sớm mai mình vui ngửi mùi thơm ngọt ngào. Đến khi lúa chín, mình thấy công phu của mình được kết quả. Người làm ruộng mới thưởng thức được những thú vui ấy, thú vui êm đềm, thú vui khoẻ khoắn, không lộn một mảy tật đố hay cạnh tranh. Đã vậy mà những tá điền ở chung quanh mình, nếu mình thương họ, mình giúp đỡ họ, thì họ tỏ lòng biết ơn một cách chân thành, dễ cảm động lắm. Em không có đủ lời mà nói rõ cái sự vui ở ruộng cho anh hiểu được. Anh phải ở trong ruộng thì anh mới biết được. Những lời thật thà tự nhiên ấy đã biểu lộ tâm hồn cô Quyên rõ ràng. Không cần dò xét làm chi nữa. Cô Quyên không tính đi đâu hết, cô quyết ở chốn nầy, ở đặng hưởng thú điền viên, ở đặng giúp đỡ nông dân. Rõ ràng cô thương mình chính vì cô nặng tình chờ không phải vì cô ham muốn làm bà Bác vật. Rõ ràng vì mình nên cô đổi hết tánh nết, vì mình nên cô lãnh mở sở đất nầy, vì mình nên mấy năm nay cô chịu dãi nắng dầm mưa muỗi mòng cực nhọc. Xuân nghe những lời của cô Quyên rồi nghĩ lại thì cậu rung động tâm can, ngẩn ngơ trí não. Cậu là người đa cảm, bởi vậy cậu day mặt ngó lên ruộng chớ không dám ngó cô Quyên, và cậu cũng không dám hỏi chuyện chi khác. Cô Quế là gái sáng trí, liếc mắt xem sắc mặt của Xuân cô biết rõ tâm hồn của cậu trong lúc nầy; cô muốn thực hành cái lý tưởng và tấm tranh thêu của cô, nên cô nói: “Theo lời bác nói hồi trưa thì sở đất nầy hồi trước của anh Xuân, bây giờ cô Quyên làm chủ. Nếu anh Xuân muốn đòi lại, tôi chắc cô Quyên sẽ vui lòng mà giao liền, dẫu cô đã nhọc công khai phá cho thành điền. Anh muốn hay không anh Xuân? Như muốn thì năn nỉ với cô Quyên đi”. Cô Quế tưởng nói đùa như vậy tưởng Xuân giận, té ra Xuân cười. Còn cô Quyên thì cúi mặt có sắc thẹn. Xuân nói: - Nếu tôi làm chủ sở đất nầy có lẽ tôi phải thí nghiệm, như được thì tôi lên liếp mà trồng dừa. Ruộng nước mặn lúa hay háp, trồng dừa khỏi sợ thất mà lại có huê lợi nhiều hơn. Cô Quyên chăm hẳm hỏi: - Anh chắc trồng dừa lợi hay sao? - Dừa bây giờ có giá lắm, nên lợi nhiều hơn. - Người ta nói trồng dừa sợ đuông. Dừa của tía em trồng bên kia thiệt có một hai cây bị đuông ăn. - Dừa trồng lai rai thì đuông ăn, chớ trồng nhiều mình giữ gìn thì khỏi bị hại. - Bị ở dưới nầy đường chở chuyên xa quá, nên sợ dừa khô khó bán. - Phải cái đó một chút. Dừa tự nhiên bán giá nhẹ hơn miệt trên. Đi giáp vòng rồi ca nô trở về cầu thang. Triều với Quan bơi thuyền đi chơi trong sở đất bên nầy cũng lục thục về tới. Vợ chồng Quan lăng líu khen đất lớn, khen lúa tốt, nhứt là cô Quế tán dương tài làm ruộng của cô Quyên, nói rằng phải có cái cảm tình nồng nàn với điền viên hoặc phải say mê với nhiệm vụ nào đó thì mới làm được như vậy. Triều hỏi Xuân: - Sao? Toa coi em Quyên làm việc như vậy được hay không? - Được lắm, được lắm. - Toa vị tình nên nói vậy hả? - Không. Nói thiệt chớ. Moa chắc nội bọn mình đây không ai làm được như em Quyên đâu. Cô Quế nói với chồng: - Em muốn có một miếng đất nho nhỏ ở dưới nầy đặng lên xuống chơi với cô Quyên và bắt chước cô Quyên mà làm. - Làm sao mà có đất được em? - Mua. - Ý! Đất mắc lắm. Cô Quyên nói: - Không mắc đâu, anh Quan. Để thủng thẳng em hỏi thăm rồi em mua dùm cho vài trăm mẫu. Trời gần tối. Trong nhà cơm đã dọn sẵn. Bà Tệt sai người ra mời khách ra dùng cơm. Bữa cơm tối có làm heo nên đồ ăn đầy bàn, chủ khách vui vẻ, kẻ nói người cười, tiếng nghe không dứt, Xuân bây giờ cũng hết sụt sè ái ngại nữa, cậu tỏ lời chánh thức khen cô Quyên, khen lại kính, chẳng những kính công phu dày dặn trong cuộc phá rừng cấy lúa mà thôi, mà còn kính tâm hồn siêu phàm tìm thú chân chính mà vui riêng, vui theo hân hoan tinh thần trong lúc loài người áp nhau tranh dành khoái lạc vật chất. Triều, Quan và cô Quế ngó nhau chúm chím cười. Còn cô Quyên cô nghe lời khen của Xuân cô không ái ngại hay khiêm tốn, trái lại cô ngước mắt ngó ngay Xuân với sắc tự hào, tai lắng nghe, miệng mỉm cười, mà cặp mắt ướt rượt. Ông Từ Tệt ngồi trên đầu bàn, ông vuốt râu dài le the điểm bạc, sắc mặt vẫn giản dị tự nhiên, không luận đàm, không cãi lẽ. Bữa ăn vừa mãn, ông biểu mọi người cứ ngồi y chỗ để cho tôi tớ dọn dẹp chén dĩa, rồi đem đồ tráng miệng và bưng nước lại đó uống luôn. Ông nói tề chỉnh làm cho cái không khí ồn ào vui vẻ thành trở ra nghiêm trang an tịnh. Ông mới tằng hắng rồi chậm rãi nói: – Bữa hổm chú có nói với cháu Xuân rằng chú có thấy một việc nếu làm được thì có lợi lắm. Bữa nay cháu Xuân xuống đây chú nói chuyện ấy cho cháu nghe. Ở vùng Cà Mau nầy đất quốc gia còn hoang vu nhiều lắm. Bên Khánh An dọc theo sông Đốc đất hoang còn mấy chục ngàn mẫu. Nếu mình xin khẩn rồi ra công ra của mà khai phá thì trong vòng năm mười năm là thành sở điền to tát, nuôi được đôi ba ngàn nông dân. Làm việc ấy bây giờ chú có vốn sẵn. Ngặt vì chú đã lớn tuổi rồi, lại chú mắc lo mấy sở điền của chú nên chú không thể làm được. Cháu có sẳn tài học về nghề nông mà cháu lại còn trẻ tuổi chắc cháu làm được. Như cháu định hùn với chú thì chú ra vốn cho cháu làm, chú chịu của, cháu chịu công, mình hiệp nhau mà lập một sở điền cho đúng đắn theo cách văn minh, có máy móc, có kỹ thuật, có cơ quan nuôi tá điền cho đời sống của họ được bớt khó khăn cực khổ, dạy tá điền cho trí thức của học được sáng suốt thông minh. Việc chú tính làm đây, nếu được thành thì mình sẽ có lợi lớn, mà cũng lợi cho nhà nước nữa. Cháu suy nghĩ thử coi chú tính như vậy có được hay không. Ai nấy tưởng Xuân dụ dự té ra ông Tệt vừa dứt lời thì Xuân hăng hái đáp liền: - Thưa chú, được lắm, cháu bằng lòng dâng cả học thức, cả nghị lực cả tâm hồn của cháu để phụng sự và tán thành cái kế sách cao quý của chú mới tỏ ra cháu nghe đó. Ông Tệt gật đầu vừa cười vừa hỏi: - Cháu mắc làm Bác vật sở canh nông thì thong thả, đâu có lo việc nầy cho được? - Cháu sẽ bỏ hết. Cháu sẽ từ chức để hiệp với chú mà làm. Cháu thưa thiệt với chú, vì cháu ham giúp ích cho đời nên cháu mới bán đất mà đi học. Cháu học thành tài rồi trở về xứ mấy tháng nay, đem sở học mà giúp dân giúp nước. Chẳng dè điền chủ của mình lãnh đạm với chuyện công ích, nên cháu đã gần như ngã lòng thất chí. Hôm nay cháu được nghe những lời chú nói, cái chí công ích của cháu phấn khởi lại, cũng như bếp lửa gần tắt nhờ chú thêm củi nên cháy bùng lên. Cháu cám ơn chú nhiều lắm. Té ra điền chủ của mình cũng có người biết thương xã hội, biết trọng quốc gia, chớ không phải đều ích kỷ, đều vụ tư dục. - Cháu chẳng nên phiền trách điền chủ người mình, không phải họ không có lòng công ích. Nếu cháu nói việc phải mà không ai hưởng ứng, chú chắc một phần tại họ không hiểu rõ cái lợi, còn một phần họ dè dặt không dám tin ai nữa. Nếu cháu ráng làm cho thành việc, họ sẽ dòm thấy chỗ hay chỗ lợi mà có nghĩa, tự nhiên họ kính phục rồi cháu muốn bày làm việc công ích nào khác thì họ sẽ hưởng ứng hết thảy. - Cháu xin vâng. Để cháu trở về Sài Gòn từ chức mà làm liền. - Khoan! Chú còn muốn nói với cháu một việc khác. Sở đất cháu bán cho chú đó, nay con Quyên đã làm thành điền rồi. Hồi trước chú muốn mua là tại vì chú không muốn để lọt vào tay người khác, mua đặng giữ đó cho cháu. Bây giờ nếu cháu muốn lãnh lại thì cháu biểu con Quyên nó giao cho. Chú còn hai sở đất khác, một sở bên nầy đây, với một sở bên Cổ Cò. Chú có hai đứa con mà thôi. Thằng Triều coi sở Cổ Cò, con Quyên coi sở bên nầy, hay là chúng nó thay đổi với nhau cũng được. Cháu muốn lãnh lại sở đất của cháu không? Cả nhà nghe lời ông Tệt nói đều cảm xúc. Rúng động cả tâm hồn, Xuân tái mặt, thủng thẳng trả lời: “Thưa chú, chú cao thượng quá! Bạn thiết của ông thân cháu, chú coi cháu cũng như con trong nhà, dạy dỗ không được, nên chú lo về tương lai cho cháu. Ông thân cháu mất, mà chú còn, hạnh phúc của cháu ở chỗ đó. Hôm nay cháu mới hay cháu có hai người cha, một cha sinh thành, một cha bảo bọc, nghĩa hai cha nặng như nhau, ơn hai cha dày như nhau. Chú muốn cháu lãnh lại sở đất của ông thân cháu. Trước khi tỏ ý, cháu xin phép chú thím hỏi em Quyên có vui lòng cho cháu làm như vậy hay không đã. Như em vui thì cháu mới ưng thuận. Triều với vợ chồng Quan đều nín thở, hổm nay thầm tính lập kế để xoay Xuân về gia đình, mà nghe những câu chuyện nãy giờ thì cảm động quá không dám chen vô một tiếng. Cô Quyên đứng dậy đáp với Xuân: – Tía má em định như vậy, thì em vui lòng lắm. Mấy năm nay em lo làm đó là làm dùm cho anh. Song anh phải bỏ chức Bác vật trở về đồng ruộng để dùng tài học mà giáo hoá tá điền, cải cách điền địa thì em mới chịu. – Cảm ơn em. Qua sẽ trở về đây, về sống với đồng ruộng, vui với thú điền viên, say với công cuộc canh tác nghề nông xứ mình. Triều vỗ tay la lớn: - Điền viên vạn tuế! Xuân nghiêm nét mặt mà nói: - Cháu xin chú thím vui lòng cho phép cháu cưới em Quyên đặng cháu đền bồi nghĩa nặng tình sâu của em đối với cháu. Triều với Quan vỗ tay la lớn nữa: - Gia đình vạn tuế. Ông Tệt hân hoan ngồi vuốt râu mà cười. Bà Tệt nói: – Tôi vui quá. Đám cưới rồi, giao luôn hai sở ruộng Cà Mau cho vợ chồng nó coi. Nó vừa làm vừa lo khẩn đất bên Khánh An thì tiện lắm. Con chịu như vậy hay không Xuân? Xuân với Quyên đáp một lượt: “Con chịu”. Triều nói: – Để kiếm mua dùm cho vợ chồng Quan một sở đất dưới nầy đặng gom hết mai lan cúc trúc đem về một chỗ mà chung hưởng thú điền viên với nhau. Xuân hớt nói tiếp: – Và đặng chung lo một mặt nâng cao kỹ thuật nông nghiệp, một mặt chấn hưng tinh thần, tài bồi nền luân lý cho xã hội Việt Nam. Cô Quế thêm: – Và đặng thêu thêm một bầy phụng hoàng để ngày đêm kêu mà chỉ đường hạnh phúc cho thanh niên nam nữ. Mấy anh em phấn chí vỗ tay la lớn: Gia đình viên miễn. Xã hội thăng bình. Nông nghiệp phú phong. Quốc gia cường thạnh. Vĩnh Hội 9 – 1938 11 – 1942 HẾT