Em có còn yêu ai

Cuối tháng Chín, tôi đến trường đại học và học ở khoa Sử. Lúc ấy, tôi đã hai mươi lăm tuổi vì phải qua vài năm quân ngũ. Tôi cảm thấy kiến thức không hụt hẫng bao nhiêu khi giáo trình học có mấy điều ở trung học đã nói đi nói lại.
ở miền Nam, mùa Thu là mùa mưa dầm. Mẹ nói lúc còn nhỏ tôi rất khó tính. Chỉ khi nào ngoài cửa có gió đùa những chiếc lá rơi thì tôi chăm chú nhìn và mới chịu thôi khóc. Đó là chuyện ngày nhỏ. Bữa nọ, khi thầy phụ trách môn triết học đang thao thao bất tuyệt về những cặp phạm trù, tôi buồn ngủ nên chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ. ở đó có những chiếc lá khô tai tái rơi và đôi chim se sẻ đang rượt đuổi nhau. Phía xa xa là vùng đồi thấp lưa thưa vài bụi cò ke và hoa sim.
"Này, đứng dậy! Cả cô bé kia...".
Thầy giáo quát khi đứng trước mặt tôi. Tôi chẳng hiểu sao tôi không run khi nghe tiếng quát ấy.
"Nhắc lại những gì nãy giờ xem!" - Thầy bảo.
"Dạ, phạm trù...".
"Gì nào?".
Tôi liều:
"Ví dụ có hai con se sẻ. Một con trống và con kia là mái...".
Có nhiều tiếng cười nho nhỏ.
"Tốt lắm!" - Thầy giáo gầm lên - "Ngồi xuống! Một điểm".
"Còn cô bé kia, sao ngủ?" - Thầy giáo chỉ tay về phía cuối giảng đường, dãy nữ. Tôi thấy đó là một cô gái mảnh mai, mặt đỏ dừ.
Nàng lí nhí:
"Tối qua em không ngủ được!".
"Em đùa đó à?".
"Dạ, không".
"Vì sao?".
Nàng lúng túng. Tôi cảm thấy thích cô ta. Tôi im lặng...
Mười một giờ mười lăm, có tiếng chuông điện ngoài hành lang. Buổi học đã hết. Tôi không vội về ký túc xá sinh viên mà lại đi chầm chậm theo những con đường vòng qua chân đồi. Bầu trời mùa thu không nắng, đầy mây báo hiệu chiều sẽ có trận mưa lớn.
"Gì mà như mất hồn vậy?".
Tôi quay lại và bắt gặp câu hỏi của nàng. Nàng cười nhưng đôi mắt lại buồn như áng mây mưa.
"Có gì đâu" - Tôi đáp.
"Giấu?".
"Thật đó. Này, vào quán cà phê "Tí Ti" chút không?" - Tôi đề nghị.
"ờ..." - Nàng nhẹ nhàng.
Tôi gọi một cà phê đen và ly xí muội. Cô chủ quán tên Hạ có bộ ngực nhỏ nhưng có cái liếc mắt tuyệt vời tỏ ra giận dỗi khi thấy tôi ngồi với phụ nữ. Tôi giả tảng nhìn ra cửa và thấy vài người đang gò lưng đạp xe lên dốc. Phía cuối chân trời mù mù hình hài những ngọn núi.
"Bỏ cơm trưa à?" - Tôi hỏi.
"Thế này thú vị hơn" - Nàng đáp.
"Ngoại ngữ mà lớp nào đó?".
"Pháp".
"Ô là là... Cha người Việt. Mẹ người Việt. Mình nói tiếng Pháp. Cái đẹp của phương Tây kết hợp với cái duyên dáng của phương Đông. Tuyệt vời!".
"Anh định tán tỉnh tôi ư?" - Nàng gắt.
"Tinh lắm, Hạ Fim" - Tôi nói.
"Tôi không để anh vượt đến mười đâu. Tình bạn là chính".
"Vậy thì hãy uống nước đi và chia tay nhau. Tôi đói lắm rồi đây" - Tôi thở dài.
Chúng tôi chia tay nhau khi trời sắp mưa. Nàng leo lên ô tô buýt về Sài Gòn. Tôi trở về ký túc xá và xuống nhà ăn. Đã quá giờ ăn mười phút. Bà phát cơm càu nhàu nhưng cũng đem ra cho tôi một dĩa đầy những mẩu cháy dở và vài que đậu luộc. Tôi nói lời cám ơn.
Hai mùa Thu trôi qua lặng lẽ. Trong hai mùa Thu ấy tôi khám phá ra biết bao điều về nàng, ngay cả cái tên Đoàn Hạ Fim kỳ dị. Cha nàng người Kinh, hiện là cán bộ cấp cao ở Gia Lai - Kon Tum. Mẹ nàng người Ê-đê đã mất trong chiến tranh. Nàng mang hai dòng máu trong thân thể được tạo hóa phú cho dáng vẻ thanh mảnh và đôi mắt có quầng đẹp như một vũ nữ ấn Độ. Cái tên Hạ Fim chỉ là kỷ niệm của mẹ nàng khi lần đầu được ra Hà Nội xem phim. ở đó, người con gái Ê-đê đã gặp người con trai Kinh có ngón đàn tài hoa viết nền nhạc cho bộ phim. Khi ấy là mùa hạ, mùa hạ Hà Nội.
Tôi không nhớ nàng đã khéo léo như thế nào để chuyển từ tình yêu đơn phương của tôi đối với nàng sang tình bạn. Tôi chỉ nhớ rằng vào ngày Tết chúng tôi đi xem đá gà ở Bến Tre và đến Lái Thiêu vào mùa hè. Nàng rất mê đá gà còn tôi thì chỉ thích xem máu gà nhểu xuống đất. ở vườn trái cây Lái Thiêu thì thú vị hơn nhưng không bao giờ nàng để cho tôi được sờ vào người nàng.
Một lần, nàng bảo khi đang ngồi nơi quán cà phê "Tao Nhân" là hãy giới thiệu nàng với một chàng trai có thể đi đến hôn nhân.
"Được thôi" - Tôi đáp.
Và nàng mua cho tôi gói Pallmal. Lần đầu tiên trong đời tôi ăn hối lộ bằng cách bỏ gói thuốc vào túi áo và đốt một điếu. Sau đó là cơn ho kéo dài. Nàng cười khanh khách như để khỏa lấp thời gian lặng im ngượng ngùng của tôi.
Suốt buổi chiều hôm đó tôi đi lang thang. Tôi đến quán rượu số 128 và gọi mang loại Gò Đen. Ông chủ nói rằng loại Gò Đen đã hết nên tôi đành phải mua chai ruợu Hà thủ ô. Tôi uống để nhớ nàng. Nàng không yêu tôi nhưng tôi không muốn mất nàng. Đối diện với người con gái thì bất cứ chàng trai nào cũng tỏ ra cao thượng, dù là giả vờ nên tôi định giới thiệu người bạn nhạc sĩ của tôi cho nàng. Hắn là một nhạc sĩ chưa được tổ chức công nhận nhưng rất xứng đáng là một nhạc sĩ.
Họ gặp nhau vào năm ngày sau đó tại buổi khiêu vũ ở Nhà Văn hóa Lao động. Tôi ngồi ở vỉa hè với cốc cà phê đen và ngắm những đôi tình nhân dẫm qua lá khô trên mặt đường. Một gã phế nhân ẵm đứa nhỏ khoảng vài tháng tuổi và để đầu nó chúi xuống đất đi ăn mày. Tôi cho tay vào túi và phát hiện không còn đủ tiền, nên thôi.
Hai tuần trôi qua, nàng không đến tìm tôi như ngày trước. Tôi cũng không muốn gặp nàng chi nữa. Khoảng thời gian ấy, vào lúc chiều tôi đi đến bến Bạch Đằng nhìn những con tàu lừng lững trôi về phía biển và những con đò sang Thủ Thiêm... Có một lần tôi bị bọn móc túi cuỗm đi cái bóp có thẻ Đoàn và những phiếu ăn ở phía trong.
Nàng gặp lại tôi vào buổi trưa khi tôi đang ngồi nơi quán "Tí Ti". Lúc ấy tôi vừa uống cà phê vừa xem bức tranh "Vénus endormie". Nhìn bức tranh, nàng đỏ mặt như những người con gái thường đỏ mặt.
"Sao?" - Tôi hỏi.
"Một kẻ ba hoa!" - Nàng bĩu môi.
"Lạ!".
"Chả cứ nói chính trị với con gái. Mọi người đều bất tài và chỉ có nhạc sĩ như chả mới có tài".
"Chắc nó đùa".
Tôi bênh vực cho thằng bạn nhạc sĩ của tôi dù tôi chưa hiểu gì về tính tình của nó. Nàng im lặng. Tôi nhìn luồng gió xoáy từng đụn cát trên đỉnh đồi. Sau đó nàng chê tôi là mất lịch sự khi không mời nàng uống nước. Tôi xin lỗi và gọi ly trà đá. Có một nhóm sinh viên tóc dài, mặt ngầu và một nhóm sinh viên tóc ngắn như ở tù bước vào. Theo sau là hai cô gái ăn mặc kiểu Việt kiều, vải mong mỏng. Họ huýt sáo ầm ĩ...
Chúng tôi ra khỏi quán và đi về phía rừng tràm. Nàng như con chim nhỏ cứ líu lo quanh những bụi cò ke. Chúng tôi hái được một nón đầy trái cò ke chín.
"Hắn được không?" - Tôi hỏi.
"Không" - Nàng nhìn tôi, rất lạ.
"Người khác nhé?".
"ờ, nhưng phải khá".
Dạo ấy tôi hiểu từ khá của nàng là giàu. Tôi trách nàng cho là tôi nghèo nên không để tôi vượt quá tình bạn.
Sau lần thi kỳ I khoảng một tháng, tôi giới thiệu với nàng người anh họ của tôi ở Hải quan. Hai người cười với nhau ở lần gặp đầu tiên và tôi không nhìn lâu cái cảnh gây khó chịu cho tôi.
Tiếp theo những ngày ấy là tôi bắt đầu vào việc làm tiểu luận. Tôi lê lết ở Thư viện Quốc gia và các đại lý sách báo nên hình bóng nàng thỉnh thoảng lóe lên thấp thoáng trong đầu tôi. Tôi thường uống cà phê gần nhà thờ Đức Bà. Mọi cô gái tóc dài đi ngoài đường tôi đều ngỡ là nàng. Nhưng họ đều dửng dưng với tôi như nàng đã dửng dưng.
Lúc đó có một người con gái đi đến và nói:
"Anh yêu! Cho em xin điếu thuốc" - Cô ta tự nhiên kéo ghế.
"Buồn ngủ à?" - Tôi hỏi.
"Thì anh biết đó. Cả đêm...".
"Đã lâu chưa?".
"Gần một năm. Rất bảo đảm và rất trẻ".
"Tôi ngỡ là thiếu nhi nghĩa địa chứ!".
"Anh đùa dai!".
"Ta yêu nhau nhé?".
Tôi đề nghị thẳng thừng điều ấy khi chợt nghĩ ra cách để trêu tức Fim. Khi đó là tháng Năm và trời thường đổ những trận mưa nhỏ, thật buồn.
Tôi biết vào đêm chúa nhật nàng hay đến Nhà Văn hóa Thanh niên. Quả nhiên nàng đã gặp tôi trong lúc tôi đang giả vờ âu yếm cô gái hành nghề mãi dâm mà tôi không cần biết tên. Tôi thấy nàng mím môi và bỏ đi về phía bãi gởi xe. Tôi vội buông cô gái và chạy theo nàng nhưng nàng đã lẩn mất giữa dòng người.
Anh họ tôi quát lên khi gặp tôi:
"Thằng ngốc, Fim nó yêu mày đó!"
"Điên! - Tôi nói.
"Tao đã qua mấy mùa kháng chiến, tao biết".
Và anh bỏ đi buồn bã như một người lính thất trận. Tôi cho tay vào túi quần vừa đi vừa huýt sáo như những người đàn ông châu Âu hay đi bách bộ dọc đại lộ vào những buổi sáng.
Nàng tránh gặp mặt tôi và không để lại một lời nói. Thấm thoát đã đến ngày tôi chia tay với trường đại học. Tôi đến tìm nàng nhưng các bạn nàng bảo rằng nàng bệnh. Tôi đi đến nhà người dì Ê-đê của nàng ở đường Đinh Tiên Hoàng nhưng bà nói là nàng đã đi Pleiku. Bà mời tôi vào nhà như một người thân quen lâu chắc là hàm ý để khoe những tài sản mà bà vừa sắm được. Tôi không nhớ gì về việc những vật ấy đã mua hồi nào và của nước nào theo lời bà nhưng tôi nhớ là tôi có xem quyển Album. Trong đó có ảnh của tôi và phía sau đề hàng chữ "Vua ngốc!".
Tôi từ giã bà Ê-đê và đón ô tô buýt đến quán cà phê "Tí Ti". Tôi ngồi đó suốt xế chiều và đêm tối. ở quán, họ mở nhạc Trịnh Công Sơn. Mưa tháng bảy dai dẳng xào xáo lòng người.
Hơn mười năm rồi tôi sống ở Bến Tre và không một lần có ý định trở lại Sài Gòn. Tôi cũng biết rằng nàng đang công tác ở ngành dịch thuật. Nàng đã trở thành một nhà văn dịch nổi tiếng.
Tôi gặp lại nàng ở Sài Gòn vào tháng chín khi nàng đang uống cà phê một mình nơi quán "Tao Nhân". Tôi ngồi xuống trước mặt nàng. Nàng sững sờ và sau đó thì khóc. Tôi đưa tay định lau những giọt nước mắt trên má nàng nhưng rồi dừng lại khi mắt tôi chạm vào bụng tròn của nàng.
"Fim đã lập gia đình?" - Tôi hỏi.
"Không!" - Nàng cúi mặt.
Suốt đời vẫn một tiếng không ấy. Và tôi đã hiểu điều tôi không muốn hiểu. Tôi đốt một điếu Scott và nhìn ra đường. ở đó đang có những giọt mưa nhảy nhót.
"Ngày ấy tôi có đến tìm Fim".
"Em biết... Nhưng... Fim không hề đi Pleiku!".
Tôi muốn cười vang như để hả hê cơn tức tối tích tụ đã hơn mười năm. Nhưng tôi thấy như thế là tồi nên tôi im lặng.
Chiều hôm ấy, khi chia tay nàng và hẹn sẽ còn gặp nhau, tôi đến quán cà phê "Tí Ti". Chủ quán là một cô bé cũng có bộ ngực nhỏ nhưng đôi mắt lại nghiêm nghị. Cô bé không biết tôi có một thời thường ngồi đây nên tự dưng tôi cảm thấy mình như đang lạc lõng ở xứ nào.
"Hạ tí ti đâu?" - Tôi hỏi.
Cô bé nhìn tôi lạ lẫm và chỉ ra phía đồi. Tôi thấy một nấm mồ trơ vơ. Sau đó cô bé kể cho tôi nghe vì sao chủ quán "Tí Ti" tên Hạ chết. Hạ tự tử khi đã gần kề ngày sinh vì kẻ lén lút ân ái với nàng bỏ đi về phương khác.
Tôi nhớ tới Fim. Tôi mường tượng cảnh nàng mang thai, thai hoang. Bây giờ, trước cốc cà phê, liệu tôi có dám chấp nhận làm cha cái thai ấy để tìm lại một tình yêu mà nàng đã cố công che giấu ở thời tuổi trẻ? Và chúng tôi sẽ lại tiếp tục giấu người đời một sự thật mà sự thật ấy đang hăm dọa đánh gục tiếng tăm của nàng, của một nhà văn dịch. Nếu hôm nay tôi không ngẫu hứng mà trở lại Sài Gòn thì mọi việc sẽ đi về đâu? ở đời có vô vàn cái ngẫu nhiên cũng như ngẫu nhiên cha và mẹ tôi yêu nhau để ngẫu nhiên mà tôi được hiện diện. Tôi cười ha ha một mình nhưng tôi thừa hiểu là tôi rất tỉnh táo.
Gió réo u u qua khoảng đồi. Ngoài đường, một nhóm sinh viên đang dầm mưa đi về phía ký túc xá.
Bến Tre, 1989