Mỗi khi ông đạo nhìn ra cửa sổ là ông rùng mình. Bên kia đường là nhà của một người đàn bà không biết xấu hổ. Cứ tối tối, mấy anh đàn ông lũ lượt kéo đến gõ cửa nhà chị ta - không chỉ tối, trưa cũng có nếu nhằm vào ngày nghỉ hay lễ lạc. Bọn đàn ông lai rai hút thuốc, nhai thuốc, nhổ phèn phẹt vô cống rãnh -đủ thứ bê bối trên đời dưới mắt ông đạo vốn sống khắc khổ, không gia đình vợ con, không đồ đạc tiền bạc, không chút tiện nghi. Với ông, căn phòng này, với hai cây dừa và cái giếng phía sau,đã đầy đủ lắm. Con đường trước nhà đầy nhóc trẻ con: thỉnh thoảng, ông gọi chúng vô, bảo chúng ngồi quanh ông, rồi ông dạy chúng những bài luân lý thậ tđơn sơ và vài câu thơ trong sách thánh. Dăm ba hình ảnh các đấng thần linh cắt ra từ mấy cuốn lịch cũ, ghim trên tường. Ông đạo bảo bọn con nít sụp đầu quì lạy trước khi cho mỗi đứa một miếng kẹo đường rồi xua chúng ra chơi bên ngoài.Mỗi ngày của ông đạo là một chuỗi lề thói không thay đổi. Như chim chóc gà vịt, ông đi ngủ khi trời mới tối, nằm ngay trên sàn nhà, không chiếu không nệm, một khúc gỗ làm gối dưới ót. Bốn giờ sáng, ông dậy, trước cả con gà hay gáy ở cuối đường. Ông ra tắm rửa ngoài giếng, rồi vô ngồi thiền định trên một miếng da nai. Sau đó, ông nhóm lửa trong cái lò than, nấu một vài chapattis cho bữa ăn sáng và trưa, cùng một ít rau cỏ thật lành, tránh dùng các thứ kích thích như khoai, hành, cải bắp, v.v... Ngay cả lúc ông đạo trầm tư sâu lắng nhất, ông cũng không thể không nghe tiếng cửa kèn kẹt bên kia đường khi một khách chơi nào đó ra về sau một đêm truy hoan. Riêng ông, ông quyết tâm triệt bỏ tất cả những thèm thuồng của cái mồm, và ông hành hạ thân xác ông đủ cách. Ông đạo là một con người hoàn toàn trái ngược với anh lực sĩ gồng bắp thịt lên rồi tự ngắm nghía trong gương. Ông săm soi từng chút hao gầy trên thân xác mình, và lấy làm thích thú vì đã đạt được chúng. Ông một mực tuân theo lời dạy của sư phụ xưa kia, và mong rằng một ngày tâm linh ông sẽ được hoàn toàn giải thoát. Một chiều nọ, mở cửa quét bụi, ông đạo thấy người đàn bà nhà bên kia đứng ở cửa nhìn mông ra đường. Máu dồn lên mặt; thái dương ông giật giật. Ông nhìn kỹ chị đàn bà - những nét sắc, rõ, nhưng chôn vùi trong thịt da đầy mỡ, xếp chồng lên nhau. Tuy nhiên, chị ta có một dáng người quyến rũ: hai cánh tay no đầy, mềm mại như hai cái gối. Hai cánh tay đó mà ôm, mà xiết, bọn đàn ông khoái là phải. Cái nhìn của ông đạo, một khi đã bắt đầu loay hoay loanh quanh thân hình con đĩ hàng xóm, nhất quyết không quay về vị trí đúng đắn của nó nữa - tức là về ở chóp mũi, như sư phụ ông đã nhiều lần nhắc nhở Chị đàn bà, bờ hông to tướng, đầy ơi là đầy, hai đùi bự như thân chuối... Nói chung, người chi mà như một cái nệm, dày, mềm, khách chơi, không một mảnh vải, có thể lăn qua trở lại suốt đêm -"Con quỉ! Xấu xa hiện thân!" Ông đạo bỗng thấy giận con mẹ quá. Mắc mớ chi nó đứng đó, phá phách đời tu tập của ông, bao nhiêu công đức ông thu lượm được trôi phăng như nướcchảy qua một cái rá. Thật khó mà nói cái gì ở chị đàn bà rù quến và làm tàn đời bọn đàn ông, hai cánh tay, hay đôi vú, hay cặp đùi, cái nào cái nấy bự sư, đầy cả thịt, mềm, và êm... Ông rít thầm: "Đi vô đi, đừng có đứng đó nữa!" Chị đàn bà bỗng quày quả xoay lưng đi vô, đóng cửa lại. Ông đạo có cảm tưởng mình thắng cuộc, mặc dù lệnh ông ban ra và hành động đi vô nhà của chị ta chỉ tình cờ mà trùng nhau thôi. Ông đóng cửa lại thật kỹ, rồi lui vào góc xa nhất trong phòng, ngồi xuống miếng da nai, rồi lẩm nhẩm, " Om, Om, Rama, Jayarama"... Chỉ xướng lên danh hiệu Rama là chận đứng lại được mọi lang thang vất vưởng của niệm lực. "SriRama...", ông lập lại, nhưng đó chỉ là liều thuốc đã pha loãng, không dứt nổi cơn sốt nặng. Thần chú vô hiệu quả. "Sri Rama, Jayarama..." ông lập đi lập lại với tất cả thành khẩn, nhưng tác dụng có chăng chỉ trong tích tắc. Không biết khi nào tâm trí ông đã lẻn đi hoang, đặt ra cho mình những câu hỏi đại loại: Cái thằng cha mặc áo ca-rô mình thấy bước xuống tam cấp tối qua là ai vậy cà? Thấy nó đâu đó rồi... Ở đâu nhỉ? Khi nào nhỉ?... À, thằng thợ may giàu sụ ở đường Market chứ ai vào đó nữa... mấy ông mấy bà sang trọng lui tới cửa hàng nó nhiều đa!... Thành viên của mấy cái hội du hí đó mà... Chen vai thích cánh với bọn sĩ quan và bọn doanh gia giàu có? và tối đến thì nằm lơi lả phởn phơ trên cái nệm người! Thế mà bọn sang trọng đó để cho nó đụng vào người với cái thước dây của nó! Bệnh hoạn, chỉ có bệnh hoạn; cả đời tội lỗi thê thúi. Ông đạo kêu lên trong căn phòng đơn chiếc, "Rama! Rama!" như thể ông gọi ai đó mà người đó không nghe. Đã đến lúc ông biết rằng việc ông làm không đem lại kết quả gì. Rama là một hiện thân toàn hảo, cố nhiên, nhưng Rama lành thật lành, hiền thật hiền. Rama là thần bao dung, và xướng danh hiệu Ngài lên chỉ đem lại an tịnh trong tâm hồn. Bây giờ đây, ông cần một giải pháp quyết liệt hơn. Chắc là nên đọc thần chú Siva. Siva, vị thần đã mở con Mắt Thứ Ba ra và biến Thần Ái tình thành tro bụi khi thần này nhắm bắn tên vào Siva khi Ngài đang ngồi trầm tư mặc tưởng. Ông đạo hình dung vị thần tóc bện, mắt sáng, và xướng lên: "Om Namasivaya". Căn phòng nhỏ vang lên tiếng khấn khàn đặc. Những tơ tưởng, nãy giờ lang thang đâu đâu, được chận lại một lúc, nhưng rồi bùng lên, rượt theo chị đàn bà bên kia đường. Cứ tối tối là chị nàng mở cửa, đóng cửa ít nhất sáu lần. Nó ngủ với cả mấy thằng cùng một lúc à? Ông đạo nghĩ cái ý này thật tức cười, đồng thời kịp nhận ra rằng công phu chiêm ngưỡng đấng thần linh đã biến đâu mất tiêu. Ông đập hai nắm tay vào thái dương, cảm thấy đau nhưng cũng thấy nội lực trầm tư của ông vững vàng hơn. " Om Namasivaya..." Đâu đó trong tâm trí, ông để ý đến tiếng kèn kẹt của cửa nhà bên kia đường. Con mẹ đàn bà này đúng là một con rắn lớn, quấn lấy ai là nghiền nát người đó? già, trẻ, trung niên, thợ may, sinh viên (hai ba hôm trước đây, ông thấy một cậu cử khoa học, một B.Sc (3), nơi cửa con mẹ), luật sư, quan tòa (tại sao không?)... Thảo nào thế giới bị nạn nhân mãn?cứ xét cái bản năng tự nhiên nơi mỗi con người! Ô, Siva, đấng thần linh, mụ đàn bà này, phải trừ bỏ mụ đi. Ông sẽ mặt đối mặt với mụ một ngày gần đây, và bảo mụ khôn hồn thì xéo đi. Ông sẽ nói: "Nghe đây, đồ tội lỗi đầy mình, đem bệnh hoạn và dơ dáy trải ra khắp nơi như một cái cống lộ thiên. Mày muốn bức hại cả nhân loại sao? Sám hối đi, cạo đầu phứt đi, lấy vải bố mà che đôi hông đầy đó đi, rồi kiếm cái xó nào ở một cổng đền mà ngồi, xin ông đi qua bà đi lại bố thí cho, và cầu Ơn Trên ban cho mày một cuộc đời sạch sẽ hơn, ít nhất trong kiếp sau..." Đó là những điều ông đạo định bụng sẽ nói chứ thật ra, đêm nằm vật vã không ngủ được, ông lăn qua trở lại, lúc nào cũng tơ tưởng đến chị đàn bà. Ông trở dậy, trước bình minh, quyết tâm. Ông sẽ ra đi ngay hôm ấy, ông sẽ lặn lội vượt qua vùng Nallappa, đến bờ sông bên kia. Đâu cần một mái nhà; ông sẽ lang thang nơi này chốn nọ, muốn nghỉ ngơi thì dừng chân lại một đền thờ nào đó, không thì bóng mát của một cây đa cũng tốt rồi: ông nhớ lại một chuyện xưa sư phụ đã kể ông nghe... Sau khi chết, một con đượi được lên thượng giới trong khi cái người lâu nay giúp nó hoàn lương thì lại phải xuống âm phủ. Ông được giảng giải cho nghe rằng thì là con đượi chỉ mang tội với thân xác của nó trong khi đầu óc con người kia lại tự hủ hóa đi vì chỉ săm soi vào con đượi, chúi mũi vào chuyện riêng tư của nó, bỏ bê công phu trầm tư mặc tưởng của chính mình. Ông đạo chỉ mang theo cái giỏ mây đựng mấy thứ nho nhỏ như hình ảnh một vị thần linh bằng đồng đỏ, chuỗi hạt mân côi, miếng da nai, và cái tô nhỏ bằng thau. Giỏ mây trong tay, ông nhẹ bước ra khỏi nhà, khẽ đóng cửa lại. Trong ánh mờ mờ sáng tinh sương, vài bóng người thấp thoáng anh bán sữa xua bò đi đằng kia, mấy người phu phen vác cuốc vác xuổng, vài mụ đàn bà đội thúng ra chợ. Dừng lại nhìn một lần cuối nơi mình giã từ vĩnh viễn, ông đạo bỗng nghe có tiếng người van vỉ: "Ôi, sư phụ,thầy ơi..." Tiếng gọi nghe như thiết tha, như cầu khẩn, phát ra từ nhà bên kia đường. Ông thấy người đàn bà, đúng là chị đĩ đó, tiến đến ông, hai tay bưng một mâm hoa quả. Chị sụp xuống, đặt mâm bên chân ông, rồi chắp hai tay: "Xin Thầy thương mà nhận lấy hoa quả mọn con dâng lên Thầy. Hôm nay là ngày giỗ Mẹ con. Kính lạy Thầy, con xin Thầy mở từ tâm mà ban phép lành cho mẹ con con..." Trong khoảnh khắc, ông đạo quên mất tiêu bao nhiêu điều ông đã chuẩn bị sẵn sàng để nói với con đĩ; bây giờ ông thấy rõ thân hình xồ xề thảm hại của chị ta, thấy rõ hai quầng thâm đen thui dưới mắt chị ta, và lòng ông tràn trề thương xót. Chị đàn bà khom mình xuống lạy và ông đạo nhận ra rằng tóc chị nhuộm bừa bãi, đường ngôi rẽ giữa trên đỉnh đầu lan rộng thành một vạt hói, phô cả da sọ ra. Một cái bông nhài cài lơ lửng trên đầu. Ông đạo đưa tay chạm nhẹ vào mâm hoa quả, cho biết như thế là ông đã nhận lấy cái quà, rồi ông lặng lẽ bước đi, đi xa dần. Chú thích 1.Narayan (Rasipuram Krishnaswamy) gốc Bà- la- môn, Ần độ,sinh năm 1906. Kể từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên được xuất bản, Swami andFriends, ông cho ra đời nhiều sách: tiểu luận, tiểu thuyết, đoản thiên, kể cả một tuyển tập những truyện mới viết, Under theBanyan Tree. Ông chuyển ra văn xuôi Anh ngữ những trường ca cổ đại của Ần như Mahabharata và bản Ramayana của nhà thơ Tamil là Kamban, thế kỷ 13. Ở Tây phương, truyện của ông từng xuất hiện trên The New Yorker. 2.Nguyên tác: "the hermit". Từ này có nghĩa là "người ở ẩn". Người dịch chọn "ông đạo", hợp với câu chuyện hơn. 3.B.Sc., trong nguyên tác Anh ngữ! |