Cổng trường đại học đã hiện ra trong tầm mắt của tôi. Nó rất thân quen với tôi suốt mười mấy năm nay, nhưng hôm nay nó lại có một cái gì thật mới mẻ. Có lẽ vì tôi không còn là thằng bé con lẽo đẽo theo ba lên lớp những khi mẹ vắng nhà, mà đã trở thành một sinh viên thực thụ. Tôi không biết mình vui hay buồn.
Ba mẹ đều là tiến sĩ hóa, nên việc đậu vào đại học đối với tôi không quá khó khăn, nhưng không vì thế mà tôi không cảm thấy vui và hãnh diện. Chỉ có điều lẽ ra ngày này tôi có cả ba và mẹ chia sẻ niềm vui cùng tôi, thì cả hai lại đưa nhau ra tòa ly dị. Tôi đã đến tuổi mười tám, vấn đề tôi sẽ theo ai không còn quan trọng nữa. Tôi chẳng theo ai, lầm lũi đi mướn nhà trọ ở một mình. Ba tôi đứng chết lặng nhìn tôi dọn đồ đi. Mẹ tôi nước mắt như mưa, không ngờ có một kết cục như thế. Ai đã trắng tay sau phiên tòa ấy? Mẹ tôi ư? Bà có cả một sự nghiệp đồ sộ, đồ sộ hơn cả ba tôi. Ba tôi ư? Nay ông có cả một gia đình mới để chăm nom, có cô vợ chỉ hơn tôi năm bảy tuổi. Tôi ư? Một thằng bé suốt tuổi thơ lúc thì xa cha, lúc thì xa mẹ, thường xuyên phải gặm bánh mì khô cứng, ăn những món ăn để hết ngày này qua ngày khác trong tủ lạnh...
Sau buổi lễ khai giảng, tôi đi vào thư viện. Tất cả sinh viên mới chưa ai biết chỗ này trừ tôi, vì tôi đã từng thường xuyên ngồi đây chờ ba lên lớp giảng bài. Cô Liên thủ thư vồn vã chạy ra đón.
- Ôi, tân sinh viên đây mà. Mới nhập trường mà đã tìm đến thư viện rồi, coi bộ sau này sẽ thành tiến sĩ như ba như mẹ đây.
- Con vào thăm cô, không phải vào đọc sách. Con không thích làm tiến sĩ đâu - Tôi định nói không thích làm tiến sĩ như ba như mẹ, lại thôi. Tôi ngồi xuống bàn. Tất cả thứ gì cũng quen thuộc, kể cả không khí im phăng phắc nghe được cả tiếng ruồi bay qua, cả cái cảm giác như nhập thiền của các anh chị sinh viên đang say sưa nghiên cứu. Ôi, sao mà thân thuộc quá, chỉ có cái thằng tôi là không còn là mình nữa. Tôi, thằng bé con suốt tuổi thơ bị bỏ rơi, và hôm nay đã trở thành một đứa con thực sự bị bỏ rơi!
Ngày hôm sau tôi lên lớp. Người dạy đầu tiên là một cô giáo trẻ măng mới ra trường chỉ vài ba năm. Đó là Tôn Quyên, người vợ sau của ba tôi, người mà tôi thường gọi là chị, người mà có một thời gian tôi yêu mến hết mình, khi ba tôi hướng dẫn cho chị làm luận văn, khi chị thường lui tới nhà tôi nấu giùm một bữa cơm, chỉ dạy tôi một bài toán, ủi giùm tôi những bộ đồ đi học những khi tôi quá lười. Hồi ấy mẹ đang ở nước ngoài. Chị đã từng là cô tiên trong mắt tôi, một cô Tấm hiền hậu hay giúp đỡ người, cho đến một ngày tôi biết được mối quan hệ của ba và chị, cho đến một ngày ba phải chọn lựa chị hay tôi và mẹ. Ba không thể chọn lựa. Ba không thể bỏ hai mẹ con tôi, bỏ đi một thời vàng son của một mối tình đẹp như mơ, nhưng ba cũng không thể bỏ chị với một đời con gái dở dang, vụng dại... Mẹ trở về nước, nhìn chị với nỗi đau cộng lại của hai cuộc đời, của mẹ và của chị. Mẹ đã quyết định giùm ba. Mẹ mất cả gia đình, mất ba, và mất cả tôi.
Ánh mắt chị dừng lại ở chỗ tôi ngồi. Mắt tôi vẫn nhìn chị không nao núng. Mẹå dạy tôi phải tôn trọng ba và chị, phải gọi chị là dì. Nhưng từ lúc ba mẹ chia tay đến giờ, tôi chưa hề nói chuyện với chị một lời, kể cả tiếng gọi chị thân thương trìu mến thuở nào. Kể cả ba và mẹ, tôi cũng chỉ trả lơìi khi cần thiết. Tôi đã không theo ai trong hai người, với quyết tâm tự lập không cần đến họ. Tôi đi dạy thêm, đi giao báo, cố gắng thu hẹp mọi nhu cầu của mình. Tôi biết mẹ vẫn nhét tiền qua khe cửa phòng tôi. Nhưng mẹ quên mất một điều, tôi là con của mẹ, thừa hưởng ý chí và nghị lực của mẹ. Những đồng tiền của mẹ cho tôi có mang lại hạnh phúc cho tôi không?
Khi tan học, chị Tôn Quyên đón tôi ở cửa ra vào. Chị rụt rè:
- Chị có thể gặp em một lát không?
Tôi lẳng lặng theo chị, không nói một lời. Chị dẫn tôi vào căng-tin, gọi cho tôi ly cà phê sữa.
- Không, tôi uống cà phê đen.
Chị không nói gì. Có lẽ chị biết, tôi không còn là thằng bé con lẵng nhẵng theo chị đòi uống cà phê sữa đá, hay mè nheo đòi chị dắt ra bến Bạch Đằng ăn kem. Tôi đã là một chàng trai trưởng thành vừa mất cả cha lẫn mẹ, đêm đêm ngồi quán cà phê một mình để suy ngẫm về nhân tình thế thái.
- Chị biết chị có lỗi với cô, với em, nhưng...
- Không - tôi kiên quyết ngắt lời - Chị đừng nói về chuyện ấy nữa, cũng đừng cố thuyết phục tôi về sống với mẹ hay với ba. Tôi đã từng sống thiếu một trong hai người, nên bây giờ có thiếu cả hai cũng không phải là vấn đề quan trọng lắm. Họ chỉ giả vờ đau khổ thôi, chứ không có tôi thì họ cũng không sao cả.
- Em không nên nói thế, không nên làm đau khổ mẹ mình.
- Thế còn chị, chị làm mẹ tôi đau khổ thì nên ư?
Tôi đứng phắt dậy bỏ đi, không quan tâm đến chuyện của họ nữa. Ba con người đó, ba người tôi từng rất đỗi yêu thương, ba tấm gương trong suốt qua họ tôi đã thấy được cuộc đời, bỗng chốc vỡ tan tành. Chỉ có điều mẹ tôi, một người tôi nghĩ không bao giờ biết đau khổ, nay nỗi đau của bà làm nhói trái tim tôi, dẫu tự sâu thẳm lòng mình tôi vẫn còn buồn giận một cách mơ hồ về mẹ, như một đứa bé giận dỗi vì mẹ không yêu thương nuông chiều nó.
Trong tất cả những câu chuyện về người mẹ, tôi thường gặp những bà mẹ hiền lành nhân hậu, chịu đựng và hy sinh. Đó là những mẫu người mẹ trong thế hệ trước. Tôi gặp hình ảnh đó ở bà tôi. Nhẫn nại, chịu đựng, bà đã nuôi năm đứa con thành tài khi một chữ cắn đôi bà cũng không biết. Nhìn bà rồi nhìn mẹ, tôi vẫn thường tự hỏi, mẹ có thể là con của bà sao? Bà có thể sinh ra một đứa con như mẹ sao? Hình ảnh về người mẹ ở mẹ tôi không hề giống bà tôi, không hề giống những mẫu người mẹ tôi thường đọc trong sách vở. Mẹ có một tấm hình chân dung rất đẹp khi mẹ còn rất trẻ, mặc áo thụng, đầu đội mão trong buổi lễ tốt nghiệp ra trường. Mắt mẹ sáng và thông minh, nụ cười tươi tắn. Mẹ khác hẳn bà, khác hẳn những người mẹ âm thầm, lặng lẽ trong những trang sách.
Ba kể, mẹ học rất giỏi - cả đời mẹ chỉ biết học và nghiên cứu mà thôi. Bụng mang dạ chửa vẫn miệt mài trong phòng thí nghiệm. Sinh con chưa đầy năm đã thi đậu nghiên cứu sinh. Nhưng mẹ đã không đi học, ở nhà nuôi con đến năm tuổi, khuyến khích ba đi học trước rồi đến mẹ sau. Thế là từ đó, ba và mẹ cứ thay phiên nhau đi học, người ở lại thì vừa nuôi con, vừa nghiên cứu giảng dạy. Tuổi thơ của tôi hết khao khát gặp cha, lại khao khát chờ mẹ. Tôi từng phục bà tôi, nhưng khi bắt đầu hiểu biết, tôi lại phục mẹ tôi gấp bội. Khi tôi tròn năm, ba đã đi học nước ngoài, mỗi ngày mẹ chỉ ngủ bốn năm tiếng, phần thì giờ còn lại trong ngày mẹ hết lo cho tôi, lại soạn giáo án, lại lên lớp, lại vào phòng thí nghiệm, đêm về lại đọc sách đến khuya. Người mẹ gầy quắt vì ăn uống qua quýt, vì thức đêm. Rồi đến khi mẹ đi học thì cũng chẳng hơn gì, vì ở nước ngoài mẹ còn cực hơn gấp bội. Để rút ngắn thời gian học, mẹ phải học ngày học đêm, học gấp đôi người thường. Tôi đã từng hỏi mẹ, vì cái gì phải như thế, sao mẹ không chỉ làm một người phụ nữ bình thường, tận hưởng những niềm vui hạnh phúc của người vợ, người mẹ. Mẹ không trả lời, chỉ bảo rằng con sẽ tự tìm thấy câu trả lời ở chính con, trong tương lai sau này, khi con đủ trưởng thành để hiểu thế nào là ý nghĩa của cuộc đời.
Ý nghĩa của cuộc đời ư? Tôi vẫn miên man nghĩ về điều đó khi nằm cô đơn trong căn phòng trọ của mình. Ý nghĩa gì khi mẹ đã mất cả một gia đình. Điều đó chẳng ai muốn xảy ra - Mẹ trả lời - Có chăng là con người vốn rất yếu đuối, có khi lại không vượt qua được những thử thách của cuộc đời.
Tôi tìm thấy mẹ trong phòng thí nghiệm hóa của trường. Mẹ đang chưng cất cái gì đó. Nhìn thấy mẹ, không hiểu sao tôi lại muốn trào nước mắt. Vì cái gì, vì ai, mà nước mắt lại rơi đây? Mẹ tôi kéo tôi ngồi kế bên. Như niềm mơ ước tuổi thơ, tôi lại muốn mẹ ôm tôi vào lòng, nhưng tôi đã quá lớn để có thể nhận được điều đó, lại quá khô khan lạnh lùng khiến mẹ không thể đối với tôi như với một đứa bé lên năm như ngày xưa. Mẹ ngồi mãi như thế, không nói gì. Tôi biết mẹ chỉ cần thốt ra một lời là cả hai mẹ con đều khóc. Cố nén nghẹn ngào, tôi bảo:
- Con không sao đâu, mẹ đừng gửi tiền cho con nữa. Con cần thời gian để quen với cuộc sống mới. Ngày mai con vào ký túc xá ở rồi. Khi nào ra trường con sẽ tự lo cho mình được.
Tôi dúi tiền vào tay mẹ, đứng dậy bỏ đi. Tôi cảm nhận dòng nước mắt mặn chát đang chảy dài trên má tôi, và cũng cảm nhận nước mắt mẹ rơi sau lưng mình.
Về phòng nằm, hình ảnh của ba, của mẹ, của chị Tôn Quyên lại hiện ra trước mắt tôi. Ngày ra tòa, tài sản của ba và mẹ không có gì để chia, ngoài căn nhà nhỏ ba để lại cho mẹ. Hơn hai mươi năm tận tụy với khoa học, những gì ba mẹ thu được không gì ngoài kiến thức và thật lạ kỳ, họ lại rất mãn nguyện với điều đó. Chỉ có chuyện gia đình tan vỡ là ngoài dự kiến. Tôi cho rằng đó là cái giá phải trả của mẹ. Mẹ đã chọn sự nghiệp, thì phải hy sinh gia đình. Mẹ lại không cho là như vậy. Mẹ bảo rằng, người ta có thể dung hòa được mọi thứ, nếu con người biết sống bằng tình yêu và sự cảm thông. Tôi hỏi ba. Ba nói đó là mẹ nói về ba. Hai cha con ngồi bên bờ sông Sài Gòn. Lâu lắm rồi tôi mới được ra đây. Khi còn bé, những đêm nhớ mẹ tôi cứ gào khóc, ba phải chở tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch của mình đi khắp Sài Gòn. Ba chỉ cho tôi những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời, bảo đó là ánh mắt của mẹ đang nhìn tôi. Mẹ đang ở rất xa, nhưng lúc nào mẹ cũng đang ở bên tôi. Tôi lớn lên bằng những hoài vọng về một tương lai có cả cha lẫn mẹ. Mẹ đi, rồi mẹ về. Lúc mẹ ở nhà, thì mẹ cũng tất bật như con thoi với những nghiên cứu, những báo cáo khoa học, những bài giảng. Tôi là đứa con duy nhất của mẹ, một người mẹ tài năng của một thế hệ mới đầy những phụ nữ tài năng, nên tôi cũng phải biết hy sinh. Thế nhưng tôi cũng như ba, có lúc chạnh lòng, vì phải chia sẻ quá nhiều cho thiên hạ người mẹ yêu quý của tôi. Khi hai cha con ngồi bên bờ sông Sài Gòn, nhìn những ngôi sao lấp lánh, bỏ qua mọi buồn phiền của phiên tòa định mệnh, hai cha con lại thấy gần nhau hơn.
Ba tôi đột nhiên trở nên yếu đuối hẳn, như đang cần ở tôi niềm an ủi cảm thông. Ông tâm sự:
- Con đã lớn khôn rồi, nhưng chắc con cũng chưa đủ kinh nghiệm để hiểu được những éo le của cuộc đời. Con chỉ có thể hiểu được nỗi vắng mẹ như thế nào. Tâm trạng ba cũng như con vậy. Chỉ có điều ba không phải là đứa trẻ như con, có thể xoa dịu lòng bằng vài viên kẹo, bằng một ly kem. Khi ba cưới mẹ con, ba rất tự hào về mẹ. Tài năng, sắc đẹp và sự thông minh của mẹ làm cho ba rất hãnh diện. Cả ba cả mẹ đều phấn đấu cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình. Ba đã tạo điều kiện tốt nhất cho mẹ phát huy hết mọi năng lực, sẵn sàng chịu cảnh gà trống nuôi con cho mẹ yên tâm học tập. Nhưng con người ta cũng có lúc yếu lòng, cũng có lúc thèm một bàn tay chăm sóc, một buổi họp mặt gia đình vui vẻ, một sự thương yêu chiều chuộng.
- Sao ba không nói với mẹ.
- Mẹ cũng biết. Nhưng mẹ sẽ chọn lựa sao đây? Mẹ không thể từ bỏ sự nghiệp, làm mai một chính bản thân mình vì sự ích kỷ của riêng ba. Xét cho cùng, khi mẹ ở nhà, như con đã thấy, mẹ dành thời gian cho riêng mẹ rất ít. Tất cả cho công việc, rồi cho cha con mình, nhiều khi từ trường về nhà rất xa mẹ cũng đạp xe về để nấu cho ba một tô canh chua ba ưa thích. Tiếc rằng, thời gian mẹ ở nhà quá ít. Cha con mình như những người đói khát quá lâu ngày, mỗi lần chỉ được cho ăn một chút nên cảm giác thiếu thốn thèm thuồng càng tăng lên.
- Vì vậy mà ba đến với chị Tôn Quyên?
- Đó là sai lầm của ba đối với cả hai người, mẹ và chị ấy. Ba là người từng trải, hiểu biết, lẽ ra không nên để cho chị ấy đến chăm sóc cho cha con mình. Hai cha con đã vượt qua được những đoạn đường chông gai nhất, chỉ vì một phút yếu lòng của ba mà đến nông nỗi này.
Ba úp mặt vào tay. Tôi biết tin ai? Mẹ cũng bảo đây là lỗi của mẹ, chị Tôn Quyên cũng bảo là lỗi của chị ấy. Nhưng không ai dám quyết định một điều gì, chỉ trừ mẹ. Mẹ quyết định một cuộc ly hôn, vì mẹ không có tình yêu, hay vì mẹ có quá nhiều tình yêu với ba, với chị Tôn Quyên, một cô học trò xuất sắc nhất của ba và mẹ? Hay vì mẹ muốn chuộc lại những sai lầm của mình với ba, muốn ba có một cuộc sống tốt đẹp hơn, toại nguyện hơn?
Nhưng ba có một cuộc sống tốt đẹp hơn không, khi hằâng ngày ba vẫn ăn cơm hộp, khi ba và chị Tôn Quyên cũng chỉ gặp nhau vài giờ trong ngày, chỉ trừ khi đi ngủ; khi vào niên học sau chị Tôn Quyên lại phải đi học ở nước ngoài?
Nỗi khắc khoải nhớ mong lại đưa chân tôi về tìm mẹ. Tôi bước chân vào nhà, lòng quặn lên những cảm giác bồi hồi khó tả. Kia là gian bếp nhỏ, cả nhà quây quần cùng nấu ăn. Những bữa cơm đầm ấm đó rất hiếm hoi, nhưng nó cũng đủ sức xua đi băng giá của những tháng ngày xa cách. Xét cho cùng, vì công việc của mỗi người, vì cơn lốc thời đại cuốn phăng người ta theo sự tiến bộ của nó mà người ta có ít thời gian để dành cho gia đình, nhưng những thứ đó cũng không ngăn chúng tôi có những tiếng cười hạnh phúc khi bên nhau. Mẹ tôi là một nhà khoa học có tiếng, ra đường ai cũng nể trọng, nhưng khi về nhà, bà cũng dịu dàng đằm thắm như ngoại tôi ngày xưa. Những món ăn mẹ nấu không ngon lắm, nhưng cha con tôi đã tận hưởng chúng một cách thú vị như nuốt vào lòng tình thương của mẹ. Phòng khách vẫn đầy những sách. Bao nhiêu tiền có được mẹ đều mua sách. Sức đọc của mẹ thật là kinh khủng. Sức làm việc của mẹ thật cũng chẳng ai qua được. Tất cả đều do lòng đam mê của mẹ. Lẽ nào mẹ phải trả giá cho sự đam mê của mình, cũng là nỗi đam mê chân chính của biết bao người?
Hai mẹ con ăn cơm với nhau, một bữa ăn không có ba. Tôi đã trải qua nhiều bữa ăn như thế này, khi thì vắng mẹ, khi thì vắng ba, nhưng cảm giác hôm nay rất khác. Vĩnh viễn không bao giờ tôi được ngồi ăn cùng ba mẹ với niềm sở hữu thiêng liêng đây là ba của con, đây là mẹ của con, chúng mình là của nhau. Mắt mẹ cũng rưng rưng. Miếng cơm đắng nghét. Tôi bảo mẹ:
- Mẹ có muốn xem tranh con vẽ về mẹ không?
- Con vẽ ư?
- Mẹ không tin con vẽ được sao?
- Sao lại không tin. Con người có thể làm mọi thứ mình muốn, trừ hạnh phúc.
- Mẹ đừng nhắc đến hai từ ấy nữa - Tôi khó chịu - Con không muốn nhắc đến những chuyện đã qua, con không muốn nghe lời xưng tội của ai nữa. Con người có thể đạt được mọi thứ, cũng có thể có được cái này thì phải mất cái kia, có thể không được gì cả, như một trò may rủi. Con xem tấm hình mẹ chụp khi còn trẻ rất nhiều lần, cảm thấy nó như là một biểu tượng của sự thành đạt. Nhưng mặt sau của tấm chân dung đó là gì, là những tháng ngày vất vả của mẹ, sự hy sinh của ba, và có lẽ cũng có cả của con. Nụ cười của mẹ có được là nước mắt chảy vào tim, là...
- Thôi, con đừng nói nữa.
Mẹ bật khóc. Mẹ khóc cho nỗi niềm riêng của mẹ, cho những đau khổ riêng tư, nhưng tôi biết, ngày mai mẹ vẫn lên giảng đường với dáng vẻ ung dung, truyền hết mọi kiến thức khoa học lẫn niềm nhiệt huyết cho thế hệ sau, vẫn miệt mài bên những thí nghiệm mà quên hết mình đã mất mát những gì - tuổi trẻ, gia đình, con cái.
Tôi đưa cho mẹ tấm chân dung tôi nguệch ngoạc vẽ. Gương mặt mẹ tôi bê nguyên si từ tấm hình sang, nhưng già đi rất nhiều. Mẹ đang bồng một đứa bé là tôi, tay kia cầm ống nghiệm, mắt đang dò trên sách tìm công thức. Chân dung của mẹ tôi ấy, là chân dung của cả một thế hệ phụ nữ sau khi được giải phóng để phát triển tài năng của mình. Có bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu dòng nước mắt sau tấm chân dung ấy. Hôm rồi, khi thực tập tại phòng thí nghiệm, nhìn thấy chị Tôn Quyên đang cầm ống nghiệm làm phản ứng, tôi chợt liên tưởng đến mẹ, nên mới có ý tưởng vẽ tấm chân dung ấy. Vài ba năm nữa khi chị sinh em bé, thì có khác gì đâu. Chị là quá khứ của mẹ tôi. Mẹ tôi là tương lai của chị. Không biết hai mươi năm sau ba có còn đủ thời gian để cám cảnh cho mình.
Chân trời khoa học đang mở ra trước mắt tôi. Chân trời tình yêu cũng sẽ mở ra trước mắt tôi. Tôi sẽ yêu ai đây? Chắc hẳn cũng là một cô gái tân thời, tài năng như mẹ, như chị Tôn Quyên. Và tôi phải sống như thế nào hay lại phải loay hoay lựa chọn rồi lựa chọn...
Trương Thị Thanh Hiền

Xem Tiếp: ----