1. "Rơi từ chiếc cầu mộng
Của đêm xuân
Tôi thức giấc"
Đó là những câu thơ mà mẹ tôi ưa thích. Thực ra đó là một bài thơ dài, nguyên văn là:
"Rơi từ chiếc cầu mộng
Của đêm xuân
Tôi thức giấc
Trên trời một áng mây
Đã rời xa đỉnh núi"
Nhưng hễ mẹ tôi cho tôi chép bài thơ này - trong một cuốn vở học sinh có kẻ ô rất nhỏ màu xanh nhạt - thì bà chỉ đọc cho tôi chép ba câu đầu tiên. Đó là để giản lược đi một gánh nặng cho đứa bé mới học đọc học viết như tôi. Nhưng cũng có thể vì bà chẳng muốn cho tôi phải có một cảm thức u buồn của sự biệt ly mà bài thơ ấy nói rõ trong hai câu cuối ngay từ khi tôi còn quá bé bỏng. Bà chỉ muốn tôi hiểu được bài thơ và yêu nó ở cảm thức dịu dàng của những mơ hồ và bí ẩn của một kẻ mơ mộng vừa tỉnh thức.
Nhưng bài thơ này có lẽ chỉ mãi về sau tôi mới hiểu một cách rõ ràng như vậy. Đó là khi tôi đã trở thành người lớn. Có thể là tôi đã hiểu một cách khô khan quá đỗi về ý nghĩa của bài thơ. Khi đã hiểu vào một tầng nào đó trong những lớp ngữ nghĩa thì có lẽ tôi có thể nhớ một bài thơ rất lâu. Rồi thì tôi sẽ gán ghép nó với một triết lý nào đó của cuộc sống. Có thể rằng khi đó tôi mặc nhiên nghĩ rằng ồ, bây giờ mình mới hiểu. Nhưng thực ra đó là cách hiểu của một người đã già nua. Tôi vẫn thích cảm giác của tôi khi ban đầu được chép bài thơ mà mẹ tôi đọc ở bên song cửa bằng cái giọng thanh thanh của bà. Khi đó tâm trí trẻ thơ của tôi chỉ tràn ngập những giấc mộng.
Mẹ tôi đặc biệt quan tâm đến các giấc mộng bé thơ của tôi. Ngay từ khi tôi còn là một đứa bé tí xíu, nghĩa là khoảng 5 tuổi gì đó, bà ôm tôi vào lòng và ngồi lặng trước cái bàn gỗ ở trước khung cửa nhìn ra vườn rợp bóng những cây nhãn vào mùa hạ đang nở hoa thơm lừng. Bà chép ra một cuốn vở nhỏ, đó là cuốn vở của riêng bà về những giấc mộng của tôi. Tất nhiên khi đó tôi còn quá nhỏ và chưa biết chữ. Nhưng tôi vẫn nhớ những câu chuyện này là vì khi bà chép thì bà đọc lại cho tôi nghe. Những giấc mộng thời bé tí xíu của tôi thì có gì là ghê gớm đâu. Đại loại tôi kể cho mẹ nghe rằng tôi đã mộng thấy "một rừng ti mẹ". Hay là tôi đã mộng thấy "chỉ toàn là nhà và mẹ". Còn bà thì cần mẫn ghi lại những giấc mộng bé tí và đơn giản như thế. Bà rất thích thú khi nghe lại câu chuyện về những giấc mộng của tôi. Mỗi sáng, khi chải tóc cho tôi bằng một cái lược bằng ngà, bà thường âu yếm hỏi: Hôm nay con mơ thấy gì hả con trai của mẹ? Và tôi cố gắng nhớ lại một giấc mộng êm đềm nào đó của tuổi thơ và kể lại cho bà. Tất cả những giấc mộng này được ghi chép đầy đủ, ngay sau đó vào cuốn vở Mộng.
Đó là giai đoạn đẹp đẽ nhất của cuộc đời tôi. Khi mà tôi còn quá bé và thế giới của tôi chỉ có mẹ là quan trọng nhất. Khi tôi có thể lũn cũn chạy quanh nhà, đi ra vườn, thăm thú mấy chú gà thơ thẩn bới đất kiếm ăn hay lơ láo nhìn một con chó con mắt đen láy và ướt rượt.
Tôi cũng muốn kể lại ở đây ngôi nhà của tôi. Đó là một ngôi nhà gỗ điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng thay vì chỉ có ba gian thì nó rất rộng, với năm gian và hai chái. Mái lợp ngói mũi hài. Trần để trống và tôi có thể nhìn thấy những miếng ngói hình chữ nhật xếp ken với lớp gỗ làm xương của mái nhà. Những cây cột đều làm bằng gỗ lim đen bóng, tròn và to. Mỗi cây cột đều có câu đối. Cánh cửa nhà cũng làm bằng gỗ lim, chắc chắn và nặng nề. Chỉ trừ mùa đông lạnh giá, còn thì suốt những tháng còn lại, nhà của tôi mở cửa rộng. Tất cả các hành lang đều lộng gió từ bến sông thổi ùa vào. Và cây lá trong khu vườn xung quanh nhà tỏa ra hơi thở mát dịu của mùa hạ.
Tôi muốn nói thêm rằng ở trong một khung cảnh như thế tôi thường ngủ rất ngon và ít khi nằm mộng. Một giấc ngủ bằng thẳng và trôi lướt như một cánh buồm no gió. Nhất là khi những cơn gió mát lạnh của đêm bay lượn quanh tôi và mẹ thì ôm tôi thậåt chặt đến nỗi cằm của bà ấp vào đầu tôi còn toàn bộ cơ thể của bà áp chặt vào người tôi. Đến nỗi tôi chỉ cảm thấy sự ấm áp và mềm mại của cặp vú cùng đùi của bà. Bà thường kể cho tôi nghe câu chuyện duy nhất, đó là giấc mộng khi bà hoài thai tôi. Và sau đó, cơn ngủ nhanh chóng nhấn chìm tôi trong một giấc mộng êm ái.
Nhưng rồi tôi cũng biết thế nào là tan vỡ mộng tưởng. Đó là lần đầu tiên, vào năm tôi 6 tuổi, trong một đêm ngủ ngon giấc trong lòng mẹ, tôi bị lôi dậy và quăng vào một xó. Trong khi tôi ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra thì ba tôi nắm áo mẹ kéo lên, trong cơn điên hay cơn say, ông hét lớn, đập phá và tát mạnh vào gương mặt tái xanh của bà. Ông còn tiếp tục đấm đá túi bụi vào đầu mẹ tôi. Đó không phải là lần đầu tiên và là lần cuối cùng bi kịch này xảy ra. Nhưng với tôi là lần đầu tiên.
Trong lần tan vỡ mộng tưởng này, tôi hầu như không còn nhớ được cảm giác gì. Tôi không thể nhớ là mình đã khóc, đã gào thét hay đã chết lặng đi. Nhưng có một cảm giác mà tôi nhớ rất rõ, đó là mẹ tôi cố gắng thoát ra khỏi sự bạo hành của cha để chạy đến bên tôi và bịt mắt tôi lại.
Hốt nhiên, tôi nhớ lại hai câu thơ cuối của bài thơ về chiếc cầu mộng mà mẹ hay ru tôi hàng đêm:
"Trên trời một áng mây
Đã rời xa đỉnh núi"
Từ đó tôi bắt đầu có ác mộng. Trong cuốn vở Mộng mẹ có ghi lại những ác mộng của tôi. Tuy nhiên, bà không hỏi tôi về những ác mộng ấy. Bà chỉ lặng lẽ ghi lại. Một dòng chữ còn nhòe mực mà tôi ngờ là bà đã khóc khi chép lại một ác mộng của tôi cho thấy vào một đêm nào đó, tôi đã hốt hoảng khóc trong mơ và đến khi tỉnh lại thì mày mặt xám xanh, chân tay co quắp. Trong một giấc mộng không lành khác, tôi đầm đìa mồ hôi và miệng liên hồi gọi mẹ.
Tôi thì nhớ rất lâu những ác mộng của mình. Bởi vì tôi mộng thấy ma quỷ, những bóng áo trùm màu trắng hay màu đen đi lướt quanh mình và xung quanh bao la mênh mông là hoang vắng. Một giấc mộng hồi bé tí mà tôi rất sợ, đó là mộng thấy đang đi thì bước hụt xuống hố. Và thế là từ từ lăn xuống dốc. Một sự hụt hẫng đáng sợ. Kèm theo đó là cảm giác ngực bị đá đè. Có một điều đáng nói là sau sự kiện kinh khủng nói trên, tôi chẳng bao giờ mơ thấy những giấc mộng vui vẻ nữa.
Cho đến khi bắt đầu mơ thấy những ác mộng và tỉnh lại trong đêm thì tôi mới biết rằng mẹ tôi thường thức trắng đêm. Bà chẳng có một giấc ngủ hay mộng nào cho ra hồn. Và trong đêm mẹ tôi thường nằm lặng lẽ khóc. Nước mắt của bà chảy tràn ra gối ướt đẫm. Hồi đó tôi còn bé quá nên cứ tưởng rằng khi khóc, người ta phải than van thành tiếng. Giống như tôi vậy. Nào ngờ con người ta chỉ khóc được thành tiếng khi họ còn bé và khi họ mất cha mẹ thôi. Còn thì đa phần người đời khóc không có âm thanh. Thậm chí chẳng còn nước mắt.
Nhưng tôi biết mẹ tôi khóc là vì khi tỉnh ngủ, quờ tay tìm mẹ có khi tôi chạm phải cái gối đẫm nước mắt. Cũng có khi thì tôi rờ được vào dòng nước mắt đang chảy xuống từ đôi mắt đẫm lệ trong đêm của mẹ tôi. Khi đó, còn rất bé nhưng tôi đã cảm thấy được nỗi đau đớn của bà tuy chúng là nỗi đau không lời. Chao ôi, giờ đây tôi lại có cảm giác là những giọt nước mắt của bà nóng rát.
Vào một năm tháng nào đó tôi chẳng còn nhớ rõ - có lẽ là khi tôi đã đi học - tôi quyết định biến những ngày tháng của tôi thành những ngày tháng của ảo mộng tươi đẹp. Tất nhiên không phải vì tôi toàn mộng thấy sự tươi đẹp để mà sống như mộng ảo. Nhưng tôi muốn biến những giờ khắc ngắn ngủi bên cạnh mẹ tôi thành hạnh phúc, khi vào buổi chiều, ánh sáng còn đủ lọt qua khe cửa và hai mẹ con lại ngồi trước cái bàn nhỏ, khi bà muốn ghi lại những giấc mộng của tôi thì tôi liền sáng tác ra những mộng ảo mới.
Con đã nằm mộng và con mơ thấy mình hóa thành bướm. Bướm cứ bay nhởn nhơ và bay nhởn nhơ. Con mơ thấy con bay giữa cả một cánh rừng hoa - Tôi nói và mẹ tôi chăm chú ghi chép lại.
Con đã mộng và con thấy những cánh rừng mở rộng trước mắt con, ngoài kia là bến sông. Trên sông có sẵn một chiếc thuyền có buồm. Buồm nâu và không có một miếng vá nào. Nó không giống mấy cái buồm vá ngoài kia đâu mẹ ơi. Con trèo lên và thuyền bay đi rất nhanh rất nhanh. Đến nỗi con chỉ cảm thấy có gió lướt bên tai con, gió thổi u u... thế này thế này - Tôi làm bộ chun mũi vào thổi cho mẹ nghe thấy tiếng gió.
Con đã mộng và con mơ thấy...
Con đã mộng và con mơ thấy...
Con đã mộng và con mơ thấy...
Tôi đã phải suy nghĩ để sáng tác ra những ảo mộng tươi tắn cho mẹ tôi. May thay những giấc mộng mà tôi nghĩ ra cũng đủ phong phú và sống động đến nỗi mẹ tôi hoàn toàn tin đó chính là những gì mà tôi đã nằm mơ thấy. Bà ngày càng cảm thấy hứng khởi khi chép lại những giấc mộng của con trai. Tuy rằng công việc của bà trong nhà cũng khá bận rộn, và không phải chiều nào hai mẹ con tôi cũng có thể thư thái ngồi trong góc nhà để ghi chép lại các giấc mộng.
Tôi cũng dần thích thú với trò chơi này của mình và thậm chí tôi còn tin là chính tôi đã mơ mộng như thế thật. Trong các câu chuyện về các giấc mộng, tôi đã mô tả lại cho mẹ tôi tất cả những gì mà tôi thấy. Những cây lá ngoài vườn, những con ong cần cù hút mật, những chú kiến đi lại lăng xăng kiếm mồi, con thạch sùng tặc lưỡi trên mái nhà, cây nhãn ngoài vườn đang nở hoa, vài bông hồng đang sắp tàn sau một ngày rạng rỡ, những cơn giông bất chợt mà tôi thấy trên bến sông. Tôi cũng kể cho mẹ tôi thấy hành trình của tôi trong những cuộc phiêu du trong mộng ảo tưởng tượng của tôi.
Và mẹ tôi bắt đầu dạy tôi học ngày càng nhiều hơn. Có một điều là tất cả những thứ mà bà dạy tôi, đặc biệt là thơ, chỉ toàn là thơ về các giấc mộng. Bài tập viết của tôi sau bài Chiếc cầu mộng là bài Quán bên đường. Tôi rất thích các bài tập viết này vì nó hầu như luôn là ba câu thơ ngắn. Chẳng hạn như:
"Quán bên đường
Các du nữ ngủ
Trăng và đinh hương"
Mẹ tôi duy trì các bài tập viết của tôi, ngay cả khi tôi đã mười mấy tuổi, bà vẫn muốn luyện chữ cho con trai của mình. Mẹ nói tôi phải luyện chữ cho đẹp và phải viết ngay hàng thẳng lối nhưng vẫn mềm mại. Bà bảo "Nhìn nét chữ là biết ngay nết người" - Tuy nhiên, càng ngày tôi càng thích các bài tập của bà vì bà đã cho tôi chép những bài thơ khó hơn và thực sự thì chúng ngày càng quyến rũ hơn. Bà cho tôi chép cả một chùm thơ Mộng mà tôi còn nhớ lõm bõm mấy bài sau đây:
- "Nhớ nhung người
Nên trong giấc ngủ
Đã tìm thấy nhau
Nếu biết là trong mộng
Không thức nữa đâu".
- "Nhớ thương vô bờ
Đêm đen như huyền ngọc
Em nằm bơ vơ
Khoác lên người áo trái
Mơ về ai trong mơ".
Đôi khi tôi dừng lại hỏi mẹ: Thế nào là "Đêm đen như huyền ngọc". Mẹ tôi cười. Bà tên là Ngọc. Khi ấy, tôi mừng biết bao khi thấy mẹ tôi có một niềm vui. Thực ra mẹ tôi rất đẹp, răng bà đều và trắng bóng. Và nụ cười làm gương mặt của bà sáng lên. Bà rất ít khi cười. Bà chẳng giải thích cho tôi đêm đen như huyền ngọc là thế nào, nhưng từ đó, đêm đen như huyền ngọc gắn với nụ cười của mẹ tôi.
Tôi bắt đầu học Truyện Kiều. Mẹ tôi là người có thể đọc Truyện Kiều bằng hai cách, đọc xuôi từ câu đầu tiên cho đến câu cuối cùng. Và đọc ngược lại. Tôi không hiểu vì sao mà mẹ tôi có thể thuộc làu câu chuyện thơ dày và có nhiều từ khó hiểu này. Nhưng mẹ bắt đầu dạy tôi hàng đêm bằng cách vừa kể chuyện theo kiểu diễn nghĩa nôm cho tôi hiểu và vừa đọc thơ minh họa. Bà luôn bắt đầu bằng câu mở đầu:
"Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"
Rồi bà lặng đi một lúc. Sau đó mới kể tiếp. Về sau này tôi biết là cứ mỗi khi lặng đi như thế là bà rơi lệ. Làm sao có thể cứ khóc như thế vào mỗi đêm khi đọc Truyện Kiều?
Nhưng rồi thì kết cục của tất cả mọi câu chuyện của bà xung quanh nàng Kiều cũng lại quy về các giấc mộng. Bà kể cho tôi nghe về các giấc mộng của nàng Kiều. Giấc mộng mấy lần nàng gặp Đạm Tiên. Hay là Đạm Tiên báo mộng cho nàng. Tôi nghe và trong trí óc non nớt ngây thơ của tôi khi ấy hình dung ra cảnh một người đẹp xương mai vóc hạc là Đạm Tiên hiện lên trong giấc mộng Thúy Kiều. Hai người đẹp và những giấc mộng buồn bã báo hiệu cả một kiếp đời thiếu may mắn.
Sau này, khi tôi đã thuộc phần nào Truyện Kiều thì tôi và mẹ cùng ôn lại những giấc mộng trong đó. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại bói Kiều. Đó là lúc không có một ai trong nhà ngoài hai mẹ con. Mẹ tôi đốt một lò hương và một khay trầm đặt trên bàn. Hương khói nghi ngút bay lên rồi trôi bảng lảng khắp nơi. Mẹ tôi đọc một câu thơ dài trong đó tôi nhớ lõm bõm mấy câu "Lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều" và nhắm mắt lại, mở khẽ khàng một trang của cuốn Truyện Kiều đã cũ mèm tuy vẫn còn đủ gáy. Rồi thì bà từ từ mở mắt ra, đọc câu thơ mà ngón tay của bà đã trỏ vào đó.
Thường thì những lần bói Kiều làm mẹ tôi rất buồn. Vì bà hay bói phải những câu thơ đại loại như: "Đường xa ngẫm lại nỗi mình mà kinh" hay "Thương thay thân gái dặm trường"... Mẹ tôi thành kính tin vào những cuộc bói thơ như vậy đến nỗi tôi cũng phải lây lan sự thành kính của mẹ tôi với cuốn sách nhỏ kia. Bà tin rằng cuốn sách kia, trang thơ kia đã vận vào đời bà từ kiếp nào xa lăng lắc và giờ đây nó chỉ nói ra những sự thực cay đắng. Tôi cũng đành tin là như thế, tuy rằng khi ấy tôi còn bé quá và chẳng hiểu gì về kiếp người hay thân phận.
Mẹ tôi đặc biệt trân trọng Tố Như tiên sinh. Bà gọi tác giả Truyện Kiều như thế tuy rằng rất ít người vào thời đó còn dùng chữ "tiên sinh". Bà bảo sinh thời, ông hay nằm võng. Nằm đu đưa đu đưa. Được vài lượt thì đọc một hồi truyện Kiều lên, sau đó chép lại. Cứ thế mà viết dần viết dần cho đến câu thơ cuối cùng. Hết ngày này sang ngày khác. Tôi tin rằng mẹ tôi mơ hồ hiểu Nguyễn Du. Bà cho tôi chép một bài thơ của Nguyễn Du làm trên sông La Phù. Một dòng sông nhỏ bé, nằm ở miền Trung và nước của nó có màu xanh đặc trưng của các dòng sông ở đây do chảy qua những rặng núi đá và đổ về biển cả. Một đêm ngồi trong thủy các trên sông La Phù, Nguyễn Du viết: "Mở đôi mắt mộng trăm năm hỡi - Nén nỗi lòng đau cố lý ơi".
Từ đó tôi chợt hiểu khi dạy truyện Kiều cho tôi, mẹ tôi hay nói chuyện về mộng ảo là như thế. Thực ra thì bài thơ viết trên thủy các ở sông La Phù ấy nguyên văn chữ Hán và mẹ tôi có chép cho tôi chữ "khai nhãn mộng" trong cả câu "Trần thế bách niên khai nhãn mộng" ấy ra một tờ giấy hoa tiên bằng mực nho. Chữ của bà không sắc sảo nhưng rất mềm mại và quyến rũ. Tôi vẫn còn giữ thủ bút của mẹ tôi. Tôi chẳng biết thủ bút đầu tiên của Nguyễn Du khi ông viết bài thơ này như thế nào nhưng "khai nhãn mộng" quả là một câu thơ đầy ẩn mật.
2. "Ôi con mực phủ
Nằm ngủ quên trong bẫy
Mơ màng thấy ánh trăng"
Đó là một bài thơ mà tôi thích. Tất nhiên nó cũng nằm trong danh mục các bài thơ mà mẹ tôi vẫn thường dạy cho tôi qua các bài tập viết năm nào. Tôi chẳng biết Basho đã viết bài thơ về con mực phủ kia trên đoạn nào của cuộc hành trình dài dằng dặc của ông, trên con đường về thăm lại cố hương Ueno và đi Nagoya hay trong cuộc du hành lên phương Bắc nổi tiếng dài 2.500 km để kết thúc ở Edo sau khi đã rời cố đô Kyoto vào năm ông 45 tuổi.
Mẹ tôi chỉ cho tôi chép mà chẳng dạy gì cho tôi về ý nghĩa uyên ảo của bài thơ này. Cho tới khi tôi gặp được thầy tôi. Thầy bảo: Ai cũng như con mực, tất cả đều sa vào bẫy và đều mơ màng thấy ánh trăng của đời mình.
Tất cả những điều này được tôi hiểu ra khi tôi đã trưởng thành. Khi đó, tôi tình cờ tìm lại được trong di cảo của mẹ tôi sau khi bà đã từ giã cõi đời rất lâu một cuốn vở mà trong đó bài thơ về con mực phủ được chép một cách trân trọng ở hàng đầu. Đó là một cuốn vở Mộng. Nhưng là của mẹ tôi. Bà đã viết nó vào những đêm không ngủ. Tôi phải cố gắng đọc ra tất cả các ghi chép trong cuốn vở này. Tuy rằng điều đó rất khó khăn vì thời gian đã quá lâu, giấy đã ố vàng và từng trang muốn rơi rụng, có chỗ mực bị mờ đi. Tuy nhiên nét chữ của mẹ tôi thì vẫn mềm mại như bà mới dừng tay ở đâu đây.
Cuốn vở ghi chép lại tất cả các giấc mộng của cuộc đời thiếu nữ của mẹ. Thời gian kể từ khi bà còn là một cô bé con trường tỉnh, kế đó là cuộc sống ở trường trung học. Khi bà thầm yêu.
Có những giấc mộng thú vị. Ví như bà viết rằng mơ thấy bà biến thành nắng. Nắng lấp lóa vàng và trải dài ra như những sợi tơ. Rồi đột nhiên bà hiện nguyên hình thành một cô bé con mặc áo có đốm hoa tầm xuân và đứng trong một vườn hoa đầy dây leo dại. Giấc mộng này làm cho tôi khi nào đứng trong nắng cũng có cảm giác đang ở trong vòng tay êm ái của mẹ tôi.
Có nhiều giấc mộng bà gặp trong đó người bạn cũ đã chết cách đây nhiều năm của bà. Chỉ có điều mẹ tôi viết rằng bà không thể nào chạm vào tay của người bạn ấy trong mộng dù bà rất mong muốn.
Một giấc mộng mà tôi thuộc làu, đó là giấc mộng êm đềm khi bà hoài thai ra tôi. Nhưng có lẽ tôi cũng chẳng nên viết ra đây làm gì nữa. Nó là kỷ vật riêng của tình mẫu tử.
Chỉ có một ác mộng được ghi lại trong cuốn vở Mộng. Đó là giấc mộng đêm hôn lễ. Bà viết: Hôn lễ kết thúc, cô dâu và chú rể vào phòng hoa chúc. Nhưng khi động phòng thì cô dâu bất tỉnh. Nàng như đã chết.
"Thắt giải khăn màu vàng
Linh hồn nàng tự sát
Âm thầm một đám tang"
Rồi tỉnh lại - bà viết, hóa ra là ác mộng.
"Em sợ hãi, em sợ hãi, sợ hãi quá chừng"
Những dòng sợ hãi sợ hãi này được viết nho nhỏ và run rẩy, tựa hồ như nó cũng đang run sợ vì cơn ác mộng vừa qua...
Và đó là giấc mộng cuối cùng được chép ra trong cuốn vở Mộng của mẹ tôi.
Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn vở Mộng của mẹ tôi nhiều lần để cố gắng hiểu thêm về bà. Tất nhiên những hiểu biết này cũng đều là mông lung vì khi mẹ tôi mất đi, tôi còn ít tuổi quá. Bà hầu như chẳng nói gì với tôi về cuộc đời lặng lẽ của mình.
Tuy nhiên tôi cũng hiểu lờ mờ rằng dường như mẹ tôi thật khó sống trên cõi đời nghiệt ngã này vì rằng bà thuộc thế giới của những giấc mộng.
Dù sao thì tôi cũng cho khắc những lời này lên tấm bia đá thô sơ ở mồ mẹ tôi.
"Đến và đi trên cầu mộng".
Ngày 25/1/2003
V.B.H