Từ xa, cô gái đã thấy một người đàn bà đội nón lá ngồi quay mặt ra biển. Nắng chiều rọi thẳng vào lưng áo màu gạch non làm mảng lưng áo như đang chín đỏ lên. Một thằng bé con cởi trần mặc quần cụt chạy chơi lăng xăng bên mép sóng gần đó. Những đợt sóng hăm hở tấp lên bờ những mảnh vỏ hà, phao lưới, vỏ đồ hộp cùng củi rác. Đang mùa biển nghỉ nên cả bãi biển vắng ngơ vắng ngắt, chỉ thấy trơ trọi có hai mẹ con người đàn bà.Hai mẹ con, cả dáng ngồi bất động đăm đăm của người mẹ lẫn cái bóng nhỏ say sưa chuyển động không ngừng của đứa con, cứ gợi lên một cái gì vừa ấm áp gần gũi vừa đơn côi nỗi niềm. Một hình ảnh của sự chờ đợi. Có vẻ như thằng bé đã quen theo mẹ, quen với việc chơi một mình ở nơi có mẹ. Cô gái đã tới sau lưng mà người đàn bà vẫn không quay lại, bóng cô từ phía sau tiến lên cao dần, in xuống trước mặt người đàn bà thành hai cái bóng một đứng một ngồi rõ rệt. Người đàn bà ngồi trên một khúc gỗ do sóng mang từ đâu tới hất dạt lên từ mùa trước. Trước mặt, chỗ cái bóng đổ xuống, có một cái giỏ lác đựng ít con cá dìa cá liệt còn tươi rói. Cô gái ngồi xuống đầu kia của khúc gỗ, người đàn bà quay sang nhìn cô rồi lại thản nhiên nhìn ra biển, không nói gì. Thằng bé thấy có người lạ đến thì chạy lại ngồi bên mẹ, nó vừa cầm que vạch ngang dọc lên mặt cát vừa nhìn trộm cô gái. - Chị ngồi đây làm gì vậy? - Cô gái lên tiếng hỏi. - Chờ ba tụi nhỏ - Người đàn bà trả lời. - Mùa này mà thuyền cũng đi hở chị? Người đàn bà lắc đầu, vẫn không nhìn cô, nói: - Đâu có. Ảnh đi lội bộ kiếm vài con về ăn vậy mà. - Ảnh đi lội bộ mà chị cũng dắt cháu ra đây ngồi đợi sao? - Quen rồi. Trong khi nói chuyện, cô gái nhận thấy gương mặt người đàn bà trẻ hơn nhiều so với dáng ngồi - chắc khoảng ngoài 30. Không, chưa đến, có lẽ chỉ 28, 29, trạc tuổi cô. Người làng chài thường già trước tuổi vì đông con, có một người đã nói với cô như vậy. Người đàn bà vẫn tiếp tục đăm đăm dõi mắt ra biển, không cần hỏi cô là ai, ra đảo mùa này làm gì, dù thoạt nhìn cũng biết cô là người nơi khác đến. Có lẽ đối với người đàn bà lúc này thì chẳng có gì quan trọng hơn việc dõi trông ra biển. Cô gái cũng cố nhìn theo nhưng chẳng thấy bóng dáng một người nào ngoài mấy chiếc thuyền đang neo đậu dập dềnh. Thằng bé hết nhìn mẹ lại nhìn người lạ. Cô gái vẫy tay cười với nó nhưng nó vẫn bám dính lấy mẹ không rời. Chiều xuống chậm nhưng nắng nhạt rất nhanh. Cái nắng mùa này yếu ớt, trời lại nhiều mây, nếu có hoàng hôn cũng chưa chắc đẹp. Cô gái nhìn người đàn bà rồi ngập ngừng hỏi: - Chị ở đây có thường thấy hoàng hôn không? - Hoàng hôn? - Lần này người đàn bà quay nhìn cô lạ lẫm - Là lúc mặt trời lặn hả? Có chứ, ngày nắng nào mà không có. Bất ngờ người đàn ông hiện ra lừng lững như từ thủy cung chui lên, đống lưới vắt trên vuông vai trần vẫn đang rỏ nước ướt át, trên mắt lưới còn mắc hai con cá nhỏ chưa gỡ đang giãy giãy. Gương mặt người đàn bà vụt tươi hẳn lên. Người đàn ông dịu dàng nói với vợ: - Về thôi. Người vợ đứng lên. Rồi không cả chào tạm biệt cô gái, họ cứ vậy quay lưng men theo mép nước đi ngược về hướng làng chài. Người đàn ông vác lưới, người đàn bà xách giỏ đi bên cạnh, thằng bé lăng xăng chạy trước. Họ đi xa dần, khuất lẫn vào những chiếc thuyền thúng quét nhựa màu đen úp rải rác trên bờ cát đằng xa. Bây giờ thì trên bãi biển chỉ còn mỗi mình cô gái. "Họ hạnh phúc", cô nghĩ và hình dung ra bữa cơm tối của họ ở một trong số những căn nhà mái tôn thấp lụp xụp kia. Hai vợ chồng và bầy con bốn năm đứa ngồi quây quanh mâm cơm có tô canh cá nấu ngọt và một đĩa mắm dầm ớt trái. Xung quanh bề bộn những lưới, mủng, thạp mắm và mùi cá khô... Họ chẳng cần biết đến cảm giác thiếu thốn, chẳng cần đi tìm gì. Có bao giờ họ nghĩ đến chuyện ra ngồi ngoài biển để đợi hoàng hôn như cô? Hoàng hôn! Cô gái sực nhớ ra thì đã muộn. Vì mải nghĩ ngợi lan man cô đã để hoàng hôn qua mất. Hay vì trời nhiều mây quá nên không thấy được? Cô gái đã từng đến làng chài này vào một mùa hè cách đây đã lâu. Lúc đó đường đi rất vất vả, còn đảo thì hoang sơ vắng lặng hơn bây giờ nhiều. Lần đó cô đã tình cờ được chứng kiến trọn vẹn cái giây phút rực rỡ nhất của hoàng hôn cùng với một người. Đó cũng là lần đầu tiên cô được thấy một cảnh tượng đẹp đến vậy và ngắn ngủi đến vậy. Một mặt trời to lớn, đỏ rực, treo rờ rỡ trước mặt, cùng lúc hòn đảo Rùa ở phía bắc cũng nhuốm vàng, rồi nhanh chóng rực lên như một khối kim loại vừa lấy trong lò lửa của thợ rèn ra đặt giữa biển khơi xanh sẫm. "Ôi!", cô chỉ kêu lên được một tiếng như vậy rồi ngồi lặng đi trong khoảnh khắc kỳ vĩ nhất của một ngày. Nhưng chỉ giây phút thôi, khi mặt trời chìm hẳn xuống chỉ còn vương lại vài tia sáng hắt lên nền trời phía tây, thì hòn Rùa cũng trở lại màu xanh xám như cục sắt nguội. "Đẹp quá phải không?". Tiếng nói cất lên ngay sau lưng. Cô gái quay lại, vui mừng nhận ra có một người nữa cũng vừa kịp chiêm ngưỡng và tiễn biệt hoàng hôn với mình. "Phải là một ngày nắng ra nắng hoàng hôn mới đúng là hoàng hôn. Muốn thấy một phút hoàng hôn đẹp phải chịu nực chịu khát cả ngày trời". Người đó đã nói vậy khi ngồi xuống bên cô sau khi hoàng hôn tắt. Hôm đó đúng là một ngày nắng kinh khủng, nền trời xanh ngăn ngắt không một vẩn mây. Trên đảo lúc đó còn rất hiếm nước ngọt, bàn chân cô căng đỏ lên vì sục dưới cát nóng khi phải vượt qua đồi. Cô đã được biết thế nào là giữa biển nước mà khát nước. Còn nữa, chỉ sau đó ít phút họ lại được nhìn thấy trăng lên. Cũng một không gian này, khoảng trời này, vừa đỏ rực ánh hoàng hôn đã lại xanh mát mặt trăng chiều... "Đừng tiếc. Hoàng hôn ngắn ngủi nhưng không mất, nó tắt để cho trăng lên thay thế và còn để chuẩn bị cho một bình minh rực rỡ khác ra đời. Nó tắt để bắt đầu cho sự chuyển tiếp những cái đẹp không giống nhau". Những lời nói như có phép mầu an ủi cô gái, làm cô lạc quan hẳn lên với ý nghĩ hoàng hôn tắt không phải là kết thúc, mà để bắt đầu cho sự chuyển tiếp những cái đẹp không giống nhau. Sau này thì cô nhận ra điều đó thật ra không mới mẻ, cũng như mùa đông tàn lụi là để chuẩn bị cho một mùa xuân tươi non ra đời, cô đã biết từ lâu. Vậy mà cô vẫn háo hức nghe như cô học trò nhỏ thích thú nghe giảng về những điều mới lạ. Những năm sau, cô gái đã nhiều lần phải dứt khỏi công việc để trở lại đảo, nhưng chưa lần nào cô bắt gặp lại được giây phút ấy. Hoặc có gặp nhưng không trọn vẹn. Chính cô cũng không ngờ một chuyện đơn giản ngày nào cũng lặp đi lặp lại như vậy mà cho đến bây giờ cô vẫn chưa lần nào bắt gặp lại được. Sau này trên đảo đông vui hơn. Người ta đã phát hiện ra hòn đảo còn khá nguyên sơ vì chưa được du lịch khai thác nên càng có nhiều người tìm tới. Những con đường đổ bê tông ra đời, xe cộ ngày càng tấp nập, không còn phải vượt đồi bằng đôi chân đi bộ, nhà mới mọc lên, cây cối cũng được trồng thêm... Vì vậy mà cô lại càng nhớ tiếc cái khung cảnh hoang sơ vắng lặng ngày trước. Muốn được trở về sự vắng lặng, cô phải mạo hiểm ra đảo vào mùa biển động này nhờ những chiếc thuyền buôn chở hàng tạp hóa. Mấy ngày nay đêm nào cũng có mưa lớn, ban ngày tuy có nắng nhưng "nắng không ra nắng". Chiều hôm sau cô gái lại ra chỗ cũ. Cô hy vọng sẽ được thấy lại hình ảnh hai mẹ con người đàn bà như chiều hôm trước. Cái hình ảnh gợi lên một điều gì vừa gần gũi ấm áp vừa đơn côi nỗi niềm, do cảm giác của cô sinh ra. Vì nó là hình ảnh của sự chờ đợi. Nhưng chiều nay không thấy bóng dáng hai mẹ con người đàn bà, chắc vì người đàn ông không đi lội bộ quăng lưới, hẳn nhiên là vậy rồi. Cô ngồi xuống khúc cây, lơ đãng nhìn về phía hòn Rùa. Bỗng hòn Rùa chợt ửng sáng lên, chuyển màu vàng đỏ... - Chào người đẹp. Một giọng nói cũng cất lên từ phía sau, cô ngẩng lên và thấy một anh chàng quen quen không biết đã gặp ở đâu. Cùng lúc một cảm giác hơi khó chịu nhen lên. Khi cô sực nhớ ra vội quay nhìn về hướng tây bắc thì muộn mất rồi. Hoàng hôn yếu ớt đã tắt, hòn Rùa đã trở lại màu xanh xám như cục sắt nguội. Cô gái thở dài. - Chào người đẹp mà người đẹp cũng không thèm trả lời. Tiếng nói lại cất lên. Bây giờ thì cô đã biết cảm giác khó chịu phát sinh từ đâu, đó là từ hai tiếng "người đẹp". Vẫn biết đây chỉ là cách nói xã giao nhiều hơn lời khen, nhưng cô vốn không thích bị gọi là người đẹp khi biết mình không đẹp. - Chào anh - Cô đáp - Anh vừa nói tôi à? - Còn với ai ở đây nữa. Cô nhớ ra tôi chưa? - Nhìn anh cũng quen quen, nhưng... - Bữa qua ở dưới bến đó... Tôi đã kéo cô từ dưới xuồng lên, chở cô về nhà trọ, giờ cô nhớ ra chưa? Từ bữa qua tới giờ tôi kiếm cô mà không được, vì không biết tên. - Có chuyện gì không? - Cô gái hỏi và nghĩ nhanh xem mình bỏ quên thứ gì. - Không. Chuyện gì đâu! Nhưng từ bữa qua về... cứ thấy nhớ nhớ! Cô gái cười. Anh chàng phật ý: - Cô không tin à? - Tôi xin lỗi. Ồ trăng kia rồi! - Cô gái reo lên. - Người lãng mạn ghê ta - Anh chàng nói. Cô gái bỗng trở nên hào hứng: - Anh biết không. Trước đây, lâu rồi, có một người cũng tình cờ có mặt ở đây cùng ngắm hoàng hôn với tôi. Hoàng hôn hôm đó không phải như chiều nay đâu. Phải nói chưa bao giờ tôi thấy một buổi hoàng hôn nào như vậy. Còn chiều nay... - Chiều nay thì sao? - Chiều nay anh cũng tình cờ ở đây nhưng anh lại làm hỏng mất hoàng hôn của tôi. - Vậy à...! - Rồi anh chàng chợt cao giọng - Vậy thì sao? Thử hỏi người thấy được buổi hoàng hôn đó với người chưa thấy bao giờ thì nhìn có gì khác nhau? Làm sao biết được ai là người đã thấy, ai là người chưa thấy? Cô gái nhìn anh chàng, ngạc nhiên: - Đúng vậy - Cô thì thầm nhắc lại - Anh nói đúng, người ta cần phải có cách nhận biết riêng. Anh có biết một thầy giáo tên là Việt, dạy học ở đảo cách đây mười năm không? - Việt? Ông Việt nào ta? À, chuyển đi lâu rồi. Các thầy cô giáo trẻ họ chỉ dạy ở đây nhiều lắm là hai năm rồi về đất liền. Đó, cô thấy chưa, những người có chí lớn người ta đều ra đi tung hoành ngang dọc hết, chẳng có ai chịu cột chân trên đảo này vì những buổi hoàng hôn đẹp cả. Cô cũng ra đây chỉ vì nhớ một người cách đây cả chục năm đúng không? - Cũng không hẳn vậy. Anh đừng buồn, tôi nghĩ những người đã từng ở đây, cho dù có đi ngang dọc những đâu thì cũng có lúc họ nhớ về đảo như một kỷ niệm đẹp. - Chuyện đó thì có. Cô gái nhận ra cảm giác khó chịu ban đầu đã biến mất từ lúc nào. Tuy cách nói chuyện của người này lúc đầu ào ạt như sóng nhưng không phải không có dấu hiệu của những khoảng lặng trầm tư bên trong vóc dáng dạn dày sóng gió kia. Cô hỏi giọng thân mật hơn: - Anh có thường đi biển không? - Đi chứ. Ở đây đàn ông không đi biển thì còn biết làm gì. - Chiều qua tôi thấy có một bà vợ dắt đứa con nhỏ ra đây ngồi chờ ông chồng đi lội bộ về. Có phải cứ chồng đi biển là vợ phải ra ngồi chờ không? - Cũng tùy người. Như tôi đây thì có đi cả tháng cũng chẳng ai chờ. - Vậy... Chị nhà anh đâu? - Tôi làm gì đã có. - Vậy mà tôi cứ tưởng anh phải có cả một đàn con. Anh không muốn có người chờ đợi à? - Sao lại không. Ai mà không muốn. Tôi... cũng thích hoàng hôn, nhưng tôi chưa thấy hoàng hôn của tôi. Chiều mai cô có ra đây nữa không? Chiều mai? Đột nhiên cô gái nhận ra mình đang đoái trông về quá khứ. Hôm qua cô ra đây để nhớ về sự tình cờ của mười năm trước. Hôm nay cô lại ra để mong gặp lại hình ảnh hai mẹ con người đàn bà của chiều hôm qua. Biết đâu ngày mai và cả sau này nữa, cô cũng lại bỏ qua giờ phút hiện hữu để nhớ về cuộc gặp gỡ này. Dĩ vãng bao giờ cũng buồn và đẹp. Chỉ vì cô cứ mải nghĩ về cái đã qua, cô để hồn vía ở một nơi khác, cô không hoàn toàn là cô của buổi chiều đó, nên cô không thể nào thấy lại được một hoàng hôn trọn vẹn như cô đã từng thấy. Sao lại cứ phải như vậy. Sao không phải là ngay lúc này. Và chiều tối đó, cô gái đã chào tạm biệt người con trai mới quen trong tâm trạng hoàn toàn khác trước. "Dĩ vãng bao giờ cũng buồn và đẹp. Cắt đứt dĩ vãng là một việc khó khăn và đau đớn". Cô gái đóng khung dòng chữ trong cuốn sổ cũ lại, nhìn ra bãi cát quen thuộc và mới mẻ đang tràn ngập ánh trăng. Chiều hôm sau, khi cô ra đến nơi thì đã thấy anh chàng ngồi ở đó như đợi sẵn từ bao giờ. Anh đưa cho cô một mảnh giấy, đó là một bài thơ cắt ra từ một tờ báo cũ. Mới nhìn tên tác giả cô gái đã thấy bồi hồi. Bài thơ nói về một hoàng hôn đã xa trên đảo vắng, có hai người không quen cùng tình cờ bắt gặp giây phút tuyệt vời và ngắn ngủi mà lúc đó họ không nghĩ là sẽ không còn có dịp nào như vậy nữa... Một bài thơ đẹp và buồn. - Cảm ơn anh - Cô gái xúc động nói. - Có gì đâu mà cảm ơn. Tờ báo này lâu rồi, tôi thấy viết về đảo mình nên giữ lại. Những người biết làm thơ kể cũng sướng. - Đây là một kỷ niệm đẹp của tôi... Nhưng nó đã thuộc về quá khứ rồi. Sáng mai anh tới sớm chở giùm tôi ra bến được không? - Vậy là mai cô về. Cô còn trở lại đây nữa không. Khi nào cô lại ra? - Tôi cũng không biết... - Cô không biết, nhưng tôi biết chắc cô sẽ còn quay lại. - Tại sao? - Tại vì cô nhớ tôi! - Có chuyện đó à? - Chứ sao. Cô thích chờ đợi lắm mà. - Nhất là đợi người đi biển đúng không? - Đúng đúng. Họ cùng cười. Câu chuyện trở nên thoải mái vui vẻ. Những câu nói đùa trong lúc ngẫu hứng thường vui vẻ. Chỉ khi còn lại một mình cô gái mới chợt thấy buồn như sắp vào cuộc chia ly. Chia tay với quá khứ cũng là một cuộc chia ly. Ngày mai cô sẽ trở về với chính mình, bắt đầu bằng một buổi sớm non tơ trong trẻo. Vân Hạ