Đêm càng về khuya, mưa càng nặng hạt. Nước từ chiếc máng hỏng trên mái nhà dội ào ào xuống con đường xi măng trước cửa phòng cấp cứu. Không gian chìm trong tiếng mưa.Trong phòng hành chính khoa ngoại, ba người đàn ông và một người đàn bà mặc quần áo blouse trắng, đầu đội mũ trắng, khẩu trang cũng màu trắng mang lòng thòng trước ngực đang sát phạt nhau với trò chơi tiến lên năm mươi ngàn một ván. Không ai để ý đến tiếng mưa sầm sập, tiếng gió gào rít. Người đàn ông lớn tuổi nhất, sống mũi gãy, râu con kiến, tên là Phức, bác sĩ trưởng khoa ngoại, đôi bàn tay chắc nịch và lông lá đang xóc lại bộ bài, đột ngột dừng tay, lật con bài đầu tiên trước chỗ mình ngồi. Người đàn bà còn trẻ là bác sĩ gây mê Hải Yến, miệng hơi rộng, khuôn mặt bì bì mỡ, reo lên: - Lại con rô! Chiều nay sếp ăn gì mà hên vậy? Người đàn ông nhếch mép cười: - Thua cả chục ván. Mới gỡ lại được hai ván! Nói xong, gã nhìn xoáy vào ngực Hải Yến, do ngồi gập người, hai khối thịt nầng nẫng ấy của Yến đùn lên, trắng nõn. Phức đặt con bài vừa lật vào rãnh ngực y: - Cho đặt bài vào chỗ này lấy hên! Hải Yến hất tay gã: - Đừng có ỡm ờ! Bốn tay bài lại cầm bài trên tay. Giọng một ai đó hỏi: - Ai đi trước nhỉ? - Đốc tờ Phức đại nhân! Phức xếp lại những con bài, miệng tủm tỉm cười, trải lên giường những quân bài đen đỏ lẫn lộn, dõng dạc: - Năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, ri, đầm, già. Có ai bắt không? Khuôn mặt rạng rỡ theo sau nụ cười, gã định xuống bài tiếp, chợt người ngồi trước mặt gã hô tiếp: - Sáu, bảy, tám, chín, mười, ri, đầm, già, xì. Không có ai theo chứ? Ba con. Đôi hai! Đốc tờ Phức dửng dưng, rút tờ năm mươi nghìn kẹp dưới đùi, chung cho người thắng cuộc, vội gom những con bài định chơi tiếp ván khác thì cánh cửa phòng bật mở. Cô y tá ngập ngừng trước cửa lấm lét nhìn Phức, hồi sau mới mấp máy được môi: - Dạ, thưa bác sĩ, có bệnh nhân cấp cứu. Phức tảng lờ như không nghe thấy, tay thoăn thoắt chia bài. Cô y tá đã đến không đúng lúc. Canh bài đang vui, người thắng kẻ bại đang say. Ai cũng đang cầu mong vận may về mình. Riêng Phức cháy túi từ chập tối đến giờ, đốt trụi cả bao ba số làm hai ngón tay ám khói vàng rộm, đôi môi thâm xì mới gỡ được hai ván thì lại thua tiếp ván nữa. Cô y tá bối rối với phận sự chưa tròn của mình, lại gọi tiếp với giọng lo lắng: - Dạ... mời bác sĩ Phức. Có bệnh nhân...! Hải Yến vỗ tay lên vai Phức: - Kìa. Đại nhân. Có bệnh nhân. - Hối hối cái con khỉ! Chờ tí - Phức gắt - xong ván này đã. Cô y tá ngượng nghịu. Những lá bài tới tấp được vụt xuống giường, tiếng cười cùng cục đầy khiêu khích của hai người đàn ông, tiếng the thé của Hải Yến làm Phức vã mồ hôi trán. Lại thua. Phức đứng dậy, trút cơn giận lên đầu cô y tá. - Sao? Bác sĩ ngoài cấp cứu chết hết rồi hả? Có chuyện gì? Người nhà đâu? - Dạ, bệnh nhân tai nạn giao thông. Chấn thương sọ não. Không có người nhà ạ. - Huyết áp? Tỉnh hay mê? - Dạ, huyết áp bắt đầu tụt. Bệnh nhân mê. - Cho hồi sức. Bảo mấy thằng ngoài cấp cứu động não đi! Bốn người lại vục đầu vào ván bài vừa chia xong. Phức nói lớn: - Ván này mà lại thua, ông thì ông đốt bài đi đấy. Hải Yến cười nham nhở: - Ghê nhỉ. Đốt rồi lại mua. Y như thằng nghiện thuốc lào "đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên"! Vận may lại đến với gã đàn ông ngồi cạnh Phức. Hắn vừa bốc bài lên đã tủm tỉm cười. Cười mỉa mai, trêu chọc Phức. Chờ cho ba người kia xuống bài "rác" xong, hắn làm một lèo ba đôi thông chín, mười, ri. Không ai bắt, hắn lại cho bốn con xì và kết thúc bằng đôi hai. Phức vứt mạnh tay bài xuống chiếu làm quân bài tung tóe. Vẻ bực bội làm cho gã không đủ bình tĩnh. Gã vừa móc hầu bao cho người đàn ông thắng cuộc vừa ra lệnh: - Đứa nào ra quán làm mấy chai bia xả xui! - Mưa to gió lớn, quán xá gì giờ này. May mà đêm nay mưa gió không mổ máy gì, chứ không lại rũ chân trong phòng mổ -Hải Yến đáp lại. Không ai hưởng ứng, Phức ngáp dài rồi để nguyên cả quần áo blouse, ngả lưng xuống giường. Bên ngoài mưa vẫn nặng hạt. Hải Yến và hai người đàn ông đã đi về phía phòng mổ. Phức đang thiu thiu, hai mí mắt nặng dần rồi một cảm giác mơ màng ập tới. Đúng lúc ấy, hai chân Phức như có ai nhấc bổng, bờ vai nhồn nhột. Có ai đang lay vào chân, vào vai gã. Tuy vậy, gã cũng không tỉnh nổi. Bên tai gã vẫn vang lên một giọng đàn bà, lúc dịu dàng lúc gắt gỏng. Cuối cùng, gã ngửi thấy mùi son lờ lợ, mùi nước hoa sực nức của ai đó và một bàn tay mềm mân mê tay gã, gã mới chống được mi mắt. Gã định gắt lên nhưng người ngồi bên cạnh gã là cô y tá Đoan Trang xinh đẹp ngoài phòng cấp cứu. Gã khó nhọc nở nụ cười thay cho lời chào: - Có gì vậy, người đẹp? - Thấy anh ngủ, thương ghê, không dám đánh thức. Ngoài cấp cứu có vợ chồng thằng cha trùm buôn lậu hàng tàu bên Quảng Ninh. Em nghe loáng thoáng tụi bác sĩ trực nghi lồng ruột. Phức bật dậy như chiếc lò xo, hỏi dồn: - Có phải thằng cha một mắt to, một mắt nhỏ, tóc hơi xoăn không? - Hình như thế. Phức cười, vỗ mạnh tay vào đùi, đưa chân đụng vào cửa ra vào. Cánh cửa từ từ khép lại. Phức ôm Đoan Trang vào lòng, vừa ngáp vừa định hôn lên đôi má phúng phính của cô. Đoan Trang vùng vằng, tát nhẹ lên má Phức: - Bộ anh cậy thế mổ giỏi, muốn hôn ai cũng được hả? - Ỡm ờ. Làm y tá là để cho những thằng giỏi như anh, em hiểu chưa? Còn hôm nay, thưởng công cho em đã báo cho anh một mối sộp. Phức mở cửa, đi dọc theo hàng hiên ướt sũng nước mưa ra phòng cấp cứu. Người bác sĩ trẻ, biệt danh "Tuấn cấp cứu", đang coi lại huyết áp cho bệnh nhân bị tai nạn, vừa nhìn thấy Phức đã dừng công việc, lễ độ đứng dậy: - Báo cáo anh, trường hợp này em nghi chảy máu nội sọ. Huyết áp vừa nâng lên trăm mười. Nhờ anh xem và giải quyết sớm. Trên chiếc giường đệm, nạn nhân quần áo lấm lem bùn đất, đầu được băng lại bằng những dải băng trắng, máu thấm ướt xuống trán, xuống mặt. Khuôn mặt biến dạng, sưng nề, đang mê man, bất tỉnh. Phức hất mặt hỏi: - Người nhà đâu? - Dạ, bệnh nhân đi Honda bị chiếc xe Honda ngược chiều đâm phải. Không có người nhà đi theo. Nạn nhân được bác tài xế xe tải đưa đến đây. Phức xem mạch qua quýt cho người bệnh, quay lại Tuấn: - Chú mới vào nghề, hăng hái và thương người là tốt. Tôi chỉ xin lưu ý chú, bệnh nhân không có người nhà đi theo, mọi can thiệp của chúng ta phải dè dặt. Chú chưa vấp phải những lá đơn kiện, chú chưa tởn. Chú cứ theo dõi bệnh nhân, đừng để cho huyết áp tụt. Sáng mai giao ban chờ phán xử của giám đốc. Có muộn đâu mà sợ. Tuấn bước theo Phức. Hình như lời giải thích của Phức chưa đủ thuyết phục. Tuấn chần chừ: - Em nghĩ mổ sớm sẽ có lợi cho bệnh nhân. Khả năng cứu sống bệnh nhân lớn hơn. Phức nhún vai, cười khẩy: - Cậu mang vào phòng mà mổ đi! Có giỏi thì đụng dao vào! Tuấn lủi thủi bước đi, hai lần quay lại nhìn Phức. Còn Phức đã quá chai sạn với những cảnh ngộ thương tâm, gương mặt câng câng, vô cảm. Hắn bước một mạch đến bên giường bệnh phía cuối căn phòng, nơi những ánh mắt đang chờ Phức đến. Phức mừng ra mặt và cười thành tiếng khi nhận ra người đang nằm trên giường. Đó là một người đàn ông to béo nằm choán gần hết chiếc giường đệm mà tấm drap trải giường đã ngả màu vàng ố. Người ấy chìa tay cho Phức nắm, miệng vẫn rên ư hử: - Tôi chắc chết quá, bác sĩ ơi! Có lẽ một cơn đau kéo đến, người đàn ông khó nhọc chống hai tay lên thành giường, rướn người định nôn. Tấm thân đồ sộ vặn vẹo nhưng không nôn được. Phức vén áo người bệnh. Cả một bụng mỡ chảy ra hai bên. Những ngón tay của Phức ngập sâu trong khối mỡ ấy với vẻ mặt lạnh lùng và nghiêm trang. Chậm chạp, hắn lắc đầu, thở dài đứng dậy, bước từng bước nặng nề rồi chợt quay lại, tiếp tục sờ nắn lên bụng người bệnh. Khuôn mặt Phức căng thẳng, đầy vẻ lo âu. Kéo tay người đàn bà đang lấy khăn lau mồ hôi cho người bệnh ra ngoài, Phúc rỉ tai với giọng bí mật, trịnh trọng: - Ông nhà bị tắc ruột. Ruột có khả năng bị hoại tử. Phải mổ càng sớm càng tốt. Nhưng... Nghe nói đến mổ xẻ, mặt người đàn bà tái dần. Phức đã điểm đúng huyệt, thản nhiên châm thuốc hút. Người đàn bà mếu máo, níu lấy tay áo Phức: - Trăm sự em nhờ bác...! Phức lặng lẽ thả khói thuốc vào không gian, không chú ý đến lời người đàn bà vừa nói. Phía trong phòng, người đàn ông lại ôm bụng kêu. Tiếng kêu đau đớn rít qua kẽ răng nghe thảm và buồn. Người đàn bà mắt ngấn lệ, cứ níu lấy áo Phức: - Xin bác mổ cho nhà em đi, bác ơi. Tốn kém bao nhiêu nhà em xin chịu... Phức nhún vai: - Ruột đã hoại tử, trường hợp này nặng lắm - Ngừng một lát, Phức hít mạnh một hơi thuốc - Mổ cho ông anh bụng đầy mỡ là khó lắm đấy. Tôi ngại... Người đàn bà cuống quýt xoay quanh người Phức, hết đứng trước mặt lại xoay ra sau lưng. Thái độ dửng dưng và lối dọa dẫm của Phức đã có hiệu lực. Phức bồi thêm đòn nữa: - Mổ, tốt không nói làm gì. Còn ngược lại lại mang vạ vào thân. Thôi tôi phải mổ cho người bị tai nạn giao thông trước. Chồng chị chờ đến sáng mai sẽ có người khác mổ. Phức toan bước đi. Người đàn bà tay níu lấy tay áo, chân khuỵu xuống thành một động tác quỳ cung kính trước mặt Phức. Chị ta gục đầu vào người Phức, nấc lên: - Bác sĩ ơi, bác sĩ giúp cho chồng em đi. Ngày mai thì đã muộn...! Đôi mắt đỏ ngầu toan tính của Phức nhìn ra ngoài màn mưa. Mãi sau, khi những giọt nước mắt của người đàn bà trẻ thấm qua lớp vải mỏng trên chiếc quần của Phức, một cảm giác dịu ngọt, lành lạnh trườn vào người, hắn bừng tỉnh, cúi nhìn khuôn mặt của nàng. Người ta đồn không sai. Trùm buôn lậu Hải xoăn bỏ ra cả trăm cây vàng để cưới người đàn bà xinh đẹp này. Bây giờ nàng trong tay Phức. Đôi mắt ủ dột, buồn bã của người đàn bà quyến rũ cứ dán vào Phức như cầu khẩn, như van lơn. Phức cảm giác râm ran khi đôi bàn tay mềm mại, thon nhỏ của nàng cứ níu chặt tay mình. Phức định cúi xuống nhưng đèn hành lang chỗ ấy sáng quá. Người đàn bà bắt gặp đôi mắt xoi mói, thèm thuồng của Phức. Chị ta chợt rùng mình, buông tay. Phức thấy không có cơ hội nào hơn để ra điều kiện với nàng, vội nói: - Ngày mai rồi cũng phải tôi cầm dao. Thôi, tôi sẽ giúp... Mắt người đàn bà sáng lên. Phức tiếp: -...với một điều kiện... - Vâng bác sĩ cứ cứu giúp. Em sẽ chi hết mọi khoản. - Không, tôi không cần tiền. Tôi xin được làm nô lệ cho em trong một phút... Lời tỏ tình chụp giật của Phức làm người đàn bà kinh ngạc. Tiền thì chị ta không thiếu. Cái điều mà vị bác sĩ vừa đòi cho cuộc mổ chị ta cũng... sẵn có. Có điều, chị ta không thể lường được, không bao giờ nghĩ tới... Chị ta nhìn chồng đang vặn vẹo kêu rên và lưỡng lự. Đáp ứng cái điều mà vị bác sĩ háu dục kia đòi thật ra không khó. Ngay bản thân chị ta cũng được Hải xoăn mua về làm vợ, có yêu thương gì đâu. Có điều chị ta đã bắt đầu nghiện cái cuộc sống sang giàu rồi. Chị ta không thể sống mà thiếu nó. Cho nên chị ta sẽ cho Phức cái mà chị ta có. Đọc được vẻ đồng tình trong mắt người đàn bà, Phức cười cùng cục trong cổ: - Thế chứ. Chiều mai năm giờ, em đến khách sạn X. gặp anh. Người đàn bà đứng tần ngần bên lan can hành lang, để mặc những giọt nước mưa bắn ướt lên tóc, lên mặt. Bên trong phòng mổ, tiếng Phức oang oang: - Cho xét nghiệm bản. Đẩy bệnh nhân vào phòng mổ. - Dạ thưa anh, trường hợp này em đang theo dõi, cũng chưa khẳng định là tắc ruột. Tại sao anh lại cho mổ? - Một giọng nói từ tốn nhưng mạnh mẽ. Tiếng Phức cười gằn: - Trường đại học người ta dạy chú thế hả? Thế nào là kinh nghiệm. Chờ cho bệnh nhân có triệu chứng rõ ràng thì ruột đã hoại tử. Chú nên nhớ, cái tay chủ nhiệm bộ môn ngoại, cái thằng mà chú gọi bằng thầy còn học sau tôi đấy nhé. Không có ai nói thêm câu gì sau đó. Hai cô y tá đẩy chiếc xe đưa bệnh nhân vào phòng mổ. Khi Phức định rạch dao lên bụng bệnh nhân, ngoài phòng cấp cứu cho người vào cấp báo, huyết áp của bệnh nhân bị tai nạn giao thông bắt đầu giảm, hồng cầu thấp. Người báo tin vẫn là cô y tá khốn khổ, thập thò ở cửa phòng mổ, mặt méo xệch như mếu nói rằng bác sĩ ngoài cấp cứu mời bằng được bác sĩ Phức ra ngay để hội chẩn. Phức cầm dao mổ trên tay, chần chừ một lát, đưa mắt nhìn Hải Yến như thăm dò. Hải Yến đứng sau người phụ mổ, khẽ gật đầu. Phức rạch con dao ngọt sắc lên bụng người bệnh. Máu rơm rớm chảy, lộ ra những mô mỡ màu vàng. Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, Phức không tìm ra chỗ tắc ruột, bảo người phụ mổ đóng thành bụng. Người phụ mổ ngạc nhiên, đôi mắt cứ ánh lên như dò hỏi. Giọng nói của Phức quát qua tấm vải khẩu trang bị méo mó, nghe như giọng của người ngọng: - Cậu cứ đóng đi. Mình chịu trách nhiệm! Phức giao mọi việc cho người phụ mổ, quay sang phía Hải Yến: - Cho truyền một cơ số máu! - Thưa sếp, vâng. Người phụ mổ trố mắt, vừa đóng thành bụng vừa hỏi lại: - Thưa anh, huyết áp bệnh nhân tốt, truyền máu làm gì? Phức im lặng. Bịch máu vẫn được truyền cho người bệnh. Mạch, người phụ mổ băng vết mổ cho người bệnh xong, tháo găng bước ra phòng ngoài đã thấy Phức đang đứng đốt thuốc. Vẻ mặt Phức mệt mỏi, phờ phạc. Phức nói: - Mạch này. Tuần sau tôi sẽ đứng "ét" cho cậu cắt đoạn dạ dày. - Nhưng em mới ra trường. - Tôi muốn có một sự ưu ái đối với cậu. Ngày xưa mình ra trường, chẳng có ai nâng cánh cho bay cả. Bây giờ các cậu quá thuận lợi. Phức dụi mẩu thuốc lá cháy dở vào chiếc bao thuốc, xuống giọng tình cảm: - Trường hợp hôm nay, mổ ra không thấy chỗ tắc ruột nhưng cậu cứ ghi hồ sơ: ruột tắc đã hoại tử. Cắt bỏ và nối lại. À, chiều mai, cậu đi lai rai với mình. Người phụ mổ sững sờ. Phức đến bên, vỗ lên vai, cử chỉ thân mật khác thường làm Mạch bừng tỉnh. Mạch biết, mình đang đứng ở chỗ nào trong khoa ngoại. Phức là trưởng khoa, là bậc thầy của cậu ta trong mổ xẻ. Hôm nay Mạch tận mắt tận tai nhìn nghe tường tận sự dối trá của một người thầy. Anh chỉ muốn gào lên: Trời ơi, sao lại có một bác sĩ tài giỏi độc ác đến như vậy? Phức bước ra ngoài hành lang. Trời đã tạnh mưa. Phía ngoài biển, một vầng sáng lờ mờ đã hiện ra trên nền sẫm bao la của biển. Người vợ của Hải xoăn đang đứng đợi ở đó. Phức khua tay, hùng hồn: - Chậm chút nữa là đi đời. Ruột bị hoại tử một đoạn. Phúc cho nhà em quá. Người đàn bà đưa mắt thầm cảm ơn Phức. Trong giây lát nàng nói với Phức bằng sự thán phục và ngưỡng mộ: - Cả tỉnh ca ngợi tài năng của anh. Hôm nay em mới được chứng kiến. Chiều nay em đợi anh... Phức đứng lại bên nàng, tim như bị bóp chặt. Một cảm giác ngột ngạt vui sướng đang dâng lên. Phía đầu kia hành lang, hai bóng người mặc áo blouse trắng đang hối hả chạy lại. Phức nhận ra "Tuấn cấp cứu", linh tính có điều gì đó không lành xảy ra. Tuấn nói không thành lời: - Gay go rồi... anh Phức ạ... Phức sốt ruột: - Chuyện gì nói nhanh lên! - Người bị tai nạn giao thông là con trai bác sĩ giám đốc! Phức hốt hoảng níu lấy vai áo của Tuấn: - Sao? Cậu nói sao? Con trai anh Thuận giám đốc? - Vâng! Phức lao về phía phòng cấp cứu. Vợ chồng bác sĩ Thuận giám đốc bệnh viện đang bên cạnh cậu quý tử của mình. Bà vợ gục vào vai chồng, thỉnh thoảng lại nấc lên từng đợt. Bác sĩ Thuận đang nhìn vào chiếc đồng hồ đo huyết áp, trong khi cô y tá đang chăm chú đo lại huyết áp cho con ông. - Dạ, sáu mươi trên bốn mươi. - Cho truyền máu - ông Thuận nói với Tuấn. Tuấn quay điện thoại xuống phòng trữ máu. Một giọng ngái ngủ phía đầu dây: - Dạ, nhóm máu AB chỉ có một bịch đã truyền cho người vừa mổ. Tuấn hoảng hốt: - Các cô làm ăn thế hả? Cả bệnh viện không còn chai máu nào nhóm AB? Người phía đầu dây vẫn cố tình thanh minh: - Tuần rồi người cho máu phần lớn nhóm O, ít máu AB. Chúng em đã báo cáo việc này với giám đốc. Phức đứng lạnh người sau lưng vợ chồng ông giám đốc. Tiếng nấc của bà vợ ngày càng to hơn. Ông Thuận không tỏ ra bối rối, nhẹ nhàng nói với Phức, giọng buồn bã: - Anh vừa mổ xong phải không...? Chợt ông dừng lại, nghẹn ngào: - Hồi đêm mưa to quá. Vợ chồng tôi tưởng cháu ngủ lại nhà bạn bè. Tôi cứ bồn chồn không sao nhắm mắt. Y như ruột gan mình bị thiêu đốt. Gần sáng ngớt mưa, vợ chồng tôi bổ đi tìm. Đến phòng cảnh sát giao thông họ thông báo, có một người bị tai nạn xe máy... Phức cầm chai dịch truyền đang chảy thành dòng theo chiếc xe cáng thương vào phòng mổ. Ông giám đốc cố giữ bình tĩnh: - Biết anh vừa mổ xong, đang mệt, nhưng anh hãy vì cháu... Khuôn mặt đờ đẫn của Phức cứ nhìn chằm chặp vào ông giám đốc. Bà vợ ông rũ rượi níu tay chồng, lê từng bước nặng nề sau chiếc xe. Trời sáng rõ, những con chim nhỏ trú mưa đang ríu rít bay đi. Trong phòng mổ, ngọn đèn không hắt bóng hắt ánh sáng mờ đục lên tấm vải trắng phủ trên mình con trai ông giám đốc, để lộ một vùng đầu dập nát máu đã bầm tím. Hải Yến tiêm thuốc nâng huyết áp vào tĩnh mạch và người y tá vẫn không rời máy đo huyết áp. Khi Phức gắp những mảnh xương vỡ ra khỏi vết thương, cô y tá hoảng hốt: huyết áp không còn đo được nữa. Phức lật mí mắt nạn nhân: đồng tử giãn to. Sự sống không còn nữa. Phía ngoài phòng mổ, đồng nghiệp lặng lẽ đứng quanh vợ chồng bác sĩ Thuận. Từ phía biển, những tia sáng đã hắt lên mặt sóng. Cơn mưa đêm đã tạnh. Còn trong lòng vợ chồng bác sĩ Thuận và những người đứng quanh ông, sấm chớp mới bắt đầu. Truyện ngắn của Phan Cao Toại