Hơn 20 người đàn ông chiếm hết các dãy ghế sát tường. Chính giữa phòng là chậu xương rồng ra hoa lấm tấm đỏ, treo tấm bảng nhỏ "chào mừng quý khách".
- Xin mời người số kế tiếp.
Chừng 20 phút trong phòng lại vang lên tiếng mời. Chưa thấy nơi nào lại phỏng vấn người xin việc với cách phát số thứ tự như nơi đây. "Cứ như là đi khám bệnh", một ông càu nhàu, thời buổi con người xuống giá thê thảm, in- te -viu (interview) hơn 20 nguời để chọn có 2 ".
Số kế tiếp tuần tự vô phòng, nhưng rời phòng theo cửa khác nên không ai biết ai là con lạc
đà may mắn chui qua được lỗ kim. Phan có số 11, ở giữa nhóm. Bất ngờ một đối thủ vừa xong phỏng vấn trở qua phòng đợi lấy áo khoác, tức thì mọi cặp mắt đều hướng về anh ta:
- Sao tình hình thế nào, gay go không?
Hắn ngao ngán: - Không nhiều hy vọng, hai tay đàn ông thì có thể chấp nhận được, còn bà kia thì chỉ muốn làm mình câm miệng, toàn câu hóc búa.
Một tay tò mò: - Thế là sao, bà ta hỏi về nghiệp vụ, tình yêu hay vợ con?
Ông đầu hói đoán: - Chắc lại hỏi, trong đời anh có bao nhiêu lần lên xuống xe hoa, hay bao nhiêu lần làm tình chăng? Đàn bà là tôi rành lắm.
- Vừa thôi, rồi sẽ biết tay bà ta. Khó nuốt đó!
- Có thể mụ này chưa chồng, nên mới khó chịu, vậy là tôi có hy vọng thêm 20 % vì tôi đến nay vẫn còn đơn chiếc.
- Phần nào thôi ông, ở đây tuyển nhân viên chứ không phải chọn chồng, ok?
Hắn ta đi mất, mang theo sự bí mật chưa kịp khai thác.
- Xin mời người số 11!
Bên chiếc bàn dài ba nhân vật ngồi ngang hàng, nghiêm trang như ở phiên tòa. Trước mặt họ là ba bảng tên, Phan đọc trước tiên tên người đàn bà: Claudia Wittlich. " Xui rồi, hỏng bét ", Phan nhủ thầm. Anh vốn không cảm nổi cái tên Claudia. Nó gợi trong trí anh sự kiêu hãnh và độc đoán. Bà ta có vẻ hắc ám thật, tóc chải cao thẳng băng, mặt lạnh, môi mỏng và hình như hiếm khi nở được nụ cười từ khi thất tình với tên đàn ông nào đó.
Những câu hỏi của hai người đàn ông đều bình thường: nghề nghiệp, sở thích, kinh nghiệm, quan hệ cá nhân...... Khi họ dừng câu hỏi, bà Claudia hắng giọng, vô đề:
- Ông đến nước Đức cách nào?
- Tôi là thuyền nhân, chắc bà biết, tôi bỏ nước, vượt biển suýt chết, được tàu Cap Anamur vớt, nên đến được nước Đức, tôi có viết trong bản lý lịch.
- Ông ở đây hơn 20 năm, sao chưa lập gia đình?
Khúc xương khó nhá đây. Phan quyết định, cứ đập bóng thật mạnh, còn bóng đi tới đâu, rồi hẳn biết.
- Có thể như bà thôi, tôi chưa có hứng thú lập gia đình, và tôi thích sự cô đơn của tôi hiện nay.
Tác dụng thấy liền. Bà ta ngồi thẳng lưng, nhìn chăm chăm mặt Phan, đôi mắt xanh, lạnh, như mắt mèo trong đêm tối:
- Sao ông biết tôi chưa có gia đình, đó là việc riêng của tôi.
Phan muốn nói: "Thì đây cũng là việc của riêng tôi". Nhưng anh dằn lòng.
- Người phụ nữ độc thân có thể biết được, họ chăm chút đến sắc đẹp nhiều hơn, thưa bà.
- Thôi, đủ, xin hãy trả lời câu hỏi vì nó cũng liên quan đến công việc, nên thành thật.
- Nếu bà muốn biết sự thực thì... có lẽ vì tôi chưa quên được người yêu của tôi ngày xưa.
Mặt bà ta rắn lại, cười khẩy.
- Cảm động lắm, ông thật khác biệt, đa số đàn ông đều mau quên.
- Vị hôn thê của tôi đi cùng tôi trên chuyến tàu vượt biển, cô ta đã chết khi tàu bị chìm, chính tôi cũng không ngờ là tôi sống sót.
Im lặng rơi xuống đột ngột, Phan hiểu buổi phỏng vấn đã kết thúc, hơi bất ngờ. Khi anh mở cửa ra về, tiếng bà Claudia vang lên sau lưng:
- Anh có thể đến đây vào thứ ba tuần sau, lúc 9 giờ, nhận việc.
Volker không to béo, nhưng chân trái hay trở chứng đau, tàn tích của thời chiến, nên ông phải đi chậm chạp và hơi khập khiễng. Ông già dõng dạc tuyên bố:
- Chú mày phải biết, tao có mặt ở cái viện bảo tàng này ngay khi chiến tranh vừa chấm dứt, tình nguyện làm không lương, nên dù cái chân tao bây giờ cà nhắc, họ vẫn phải giữ tao nơi đây.
- Như vậy mới chí lý, chính là Gott ( Thượng đế) cũng muốn như vậy. Phan nói.
- Sau chiến tranh, chú mày biết, người ta có khi phải ăn thịt ngựa chết, hơi sức đâu mà thưởng thức nghệ thuật, tao đã lê chân đi khắp nước, mò dến mọi xó xỉnh chợ trời, đổi chác, cưú vớt nhiều bức tranh đáng giá. Lương tâm tao đến nay mới được ngủ yên.
Phan gật đầu: - Đúng, đó là tiếng gọi của Chúa đến với Moise, Volker.
Ông già có vẻ bằng lòng Phan. Câu hỏi đầu tiên của ông khi gặp Phan:
- Chú mày có là "gay" không? Nếu không thì tốt, có thể đi ca tối với tao. Tao không muốn bị thằng nào rờ vô tao khi tao ngủ quên. Chú mày có người yêu không? Không à, tốt. Vợ con? Cũng không nốt, tốt. Vô sản giống tao. Tao không muốn thằng nào làm ca tối mà cứ nhấp nha, nhấp nhổm lo bò về bù khú với vợ. Công việc là trên hết, hiểu chưa?
Ông tự nhiên xem mình là sếp của cái viện bảo tàng, còn tay giám đốc do Bộ văn hóa đề cử thì ông coi như phó sếp. Lệnh của giám đốc đưa xuống, ông treo tất cả lên tường hay cửa sổ văn phòng - thực hiện hay không là quyền của ông.
- Mấy tên giám đốc chỉ có cái bằng cấp trên giấy, chứ còn sự hiểu biết về nghệ thuật tranh, điêu khắc, tượng đài, hay lịch sử các bảo tàng viện còn phải cắp sách đến học tao dài dài. Bằng cấp của tao là ở cái đầu tao đây này.
Phan lại đồng ý: - Rất đúng. Chúa nếu có sống lại cũng sẽ nói như vậy.
Volker vỗ vai Phan:
- Mày được lắm, tao sẽ nói ok, người ta sẽ ký hợp đồng lâu dài cho mày, tao đặt tên cho mày là Steffan cho dễ gọi, chứ tên mày khó nghe, khó nói quá, ok?
Phan đồng ý ngay, chần chừ sợ ông biến tên Phan thành “phân” thì tai hại.
Ông già ca tụng ngay món Frühling rolls ( chả gìo) và nước mắm, khi biết Phan là dân Việt Nam.
- Chú mày xin làm ca tối với tao, mấy thằng kia chỉ biết đêm đêm đi nhảy disco. Tao bắt bọn nó đi ca ngày.
Phan không mong gì hơn. Anh bắt đầu sợ những đêm quạnh quẽ, buồn đến phát rồ, giữa bốn bức tường trống vắng, không một tiếng động, không tiếng mưa rơi, thạch sùng kêu, dế gáy như ở quê nhà. Công việc kiểm tra thư ở Bưu điện cũng nhàm chán, nặng nề. Từ lúc mạng Internet trở thành phổ biến, bưu điện ngày càng ít việc. Thiên hạ thích tâm tình, cãi nhau, tán tỉnh nhau trên Internet hơn là dài cổ mong chờ ông bưu điện. Nghĩ đến ngày thất nghiệp gần kề, Phan phải nhanh chân tìm bất kỳ việc gì khác.
Volker lê chân cà nhắc dẫn Phan đi lòng vòng lên xuống khắp hai tầng lầu viện bảo tàng, rộng lớn nguy nga, chẳng khác gì toà lâu đài. Hệ thống đèn hoàn toàn tự động khi có người ra vào. Hệ thống sưởi đặt dưới sàn nhà. Thiết kế ánh sáng có thể xoay chiều, đổi màu tùy theo cuộc triễn lãm nghệ thuật hiện đại hay cổ điển.
- Steffan, mày nhớ nghe, ở mỗi phòng đều có hệ thống báo động bên trái cánh cửa, nhưng mày vẫn có báo động cầm tay, không lo gì, ở đây chưa xảy ra vụ gì. Xem đó, video khắp nơi, thêm hàng rào tia laser, con ruồi cũng không thoát, nói chi người.
Nói vậy nhưng Volker lúc nào cũng kè kè bên người khẩu súng nhỏ. Trước kia ông tự cho phép mình đeo súng công khai bên hông như thời chiến. Sau này để khỏi nghe lời than phiền của tay giám đốc: "Đây không phải nhà tù hay tiền đồn ở mặt trận ", Volker đành dấu khẩu súng dưới nách áo.
Tình yêu của ông là bóng đá và cá độ. Người vợ chung thủy của ông là cái viện bảo tàng điêu tàn, đổ nát sau chiến tranh, nay trở thành một phu nhân đài các nổi tiếng khắp châu Âu. Ông ăn ở trong hai gian phòng nhỏ ngay tại tầng hầm bên dưới, hãnh diện như một người chồng gương mẫu, và từng được ngợi khen về lòng tận tụy phục vụ trên tạp chí "Nghệ Thuật Xưa và Nay" nhân kỷ niệm ngày bà vợ- bảo tàng viện - của ông ( chứ không phải của nước Đức ) tròn 100 tuổi.
Chỉ một điều duy nhất Volker không chấp nhận ở Phan:
- Mày không có đàn bà để yêu, tốt, thì phải có cái khác để say mê chứ, âm nhạc, cờ bạc, rượu, heroin, tôn giáo, bóng đá, xe hơi, tiền, quyền lực... Cha mẹ ơi, thời chiến tao chỉ mơ có ổ bánh mì với miếng thịt bò để ăn, mỗi đêm chỉ cầu nguyện đừng có quả bom nào rơi vô ổ tao nằm. Còn thiên hạ đời nay chạy theo đủ thứ, điên hết cả lũ. Trừ mày ra, chẳng lẽ đời mày rỗng không? Như thế là không tốt đâu, con ơi!!
Phan nói: - Đâu phải chỉ thời chiến, Volker! Thời nay lũ trẻ con ở Phi Châu chỉ mơ có bánh mì với schokolade thôi.
- Mày nói đúng! Cũng không phải chỉ có trẻ con ở Phi châu. Nhưng mày sống cho cái gì, Steffan?
Phan cũng không hiểu ý nghĩa cuộc đời anh ở đâu. Anh cứ sống, cứ lửng lơ trên lưng ngày tháng, dật dờ giữa mọi người và cuộc đời. Hình như cái chết thảm của Trâm đã cuốn theo tất cả mọi đam mê, sức sống của Phan. Những tấm ảnh Trâm anh xin lại sau này từ gia đình cô đã xếp vào ngăn tủ. Phan không muốn mỗi đêm nhìn lại gương mặt Trâm, thì thầm với cô những lời anh hứa hẹn từ hơn 20 năm trước, mà không nghe được tiếng nói, tiếng cười đùa của Trâm: " Hứa rất nhiều mà chẳng cho được bao nhiêu". Bây giờ anh có thể cho em tất cả những gì em muốn thì em ở đâu?
Bà Claudia đến sau lưng Phan từ lúc nào.
- Tuyệt đẹp phải không?
Phan quay lại, giật mình:
- Thật là vĩ đại, thưa bà.
Claudia chỉ hơi nhếch mép, như cười:
- Goya mà, Goya là vĩ đại nhất. Không phải chỉ có tranh của Goya, còn nhiều tranh đặc biệt khác sẽ đến trong tuần sau. Tầng hai sẽ dành cho 50 bức tranh quý giá nhất của thế kỷ này. Ông sẽ phải làm thêm giờ, có lương phụ trội, có thể đến sớm hơn được không?
- Tất nhiên, đâu có gì khó khăn cho tôi.
Cuộc triễn lãm đặc biệt đã được thông báo từ cuối năm ngoái. Viện bảo tàng được tăng cường thêm một đội cảnh sát chìm, gồm cả nam lẫn nữ, ngoài ý muốn của Volker, viện lý do đã có hàng rào an toàn bằng tia laser. Bà Claudia phải thuyết phục ông già với lập luận là cần thêm người để giữ vững danh tiếng tốt đẹp cho bà vợ- bảo tàng viện - của ông. Những họa sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ sẽ tụ hội về đây: từ Rembrandt, Cézanne, Monet, Renoir, Klimt, Edgar Degas,Van Gogh, Alfred Sisley, Leonardo da Vinci, Picasso... Phan có phần hơi thất vọng dù lần đầu tiên trong đời anh được nhìn tận mắt (và có thể sờ tận tay, khi chỉ có một mình ) những bức tranh từng nổi tiếng trong mấy cuộc đấu giá lên tới hàng triệu đô la.
Bức tranh Hoa hướng dương của Van Gogh nhìn ủ rũ tàn úa chứ không rực rỡ như ảnh chụp, bức Thiếu nữ chải tóc của Degas đưa tấm lưng trần mà chẳng gây bức xúc gì.
Họa may có bức tranh người đàn bà ở một góc phòng trên tầng hai làm anh chú ý, nhưng dường như lại bị bỏ quên, lơ là. Kỳ lạ hơn, bức tranh không có tên, cả chữ ký, tên hoạ sĩ cũng không. Phan đem thắc mắc kể với Volker. Ông già ngạc nhiên đăm đăm ngó Phan.
- Chú mày có mắt nhìn đó, đâu ai biết giá trị bức tranh đó, tao cho nó vô giá vì không có tên người vẽ. Mày có biết, tao đã phải đổi nó ở chợ trời bên bờ sông Rhein bằng 2 ổ bánh mì với mấy hộp cá mòi không?
- Cả người bán cũng không biết hoạ sĩ là ai ư?
- Không. Tao đoán đó là Rembrandt, nhưng không ai tin. Đời nay mà, người ta chỉ tin vào cái tên, cái danh hiệu, cho dù nó rỗng, chứ mấy ai biết đến chân giá trị đâu.
- Tôi thấy bức tranh đó có hồn lắm, Volker.
- Đúng, chú mày là tri kỷ của tao. Tay giám đốc với bà Claudia đã bỏ nó vô tầng hầm, nhưng tao giành được cái góc nhỏ cho nó. Họ phải nhượng bộ tao.
Bức tranh hoạ người đàn bà đội chiếc mũ nhung đen có mạng che nửa khuôn mặt, đôi mắt nâu, xa vắng, đôi môi màu tím nhạt của hoa lavender, trước mặt là cái bình hoa, chỉ độc một bông hồng màu xanh thẫm. Người hoạ sĩ chắc tính nết kỳ lạ, phá bỏ cách vẽ ước lệ thông thường, khiến người trong tranh như mơ hồ, không thật.
- Tao đã giữ nó ở đây 40 năm rồi. Chưa thấy ai ngắm hay thắc mắc gì như chú mày. Ráng đợi đi, trước khi về nước Chúa, tao sẽ viết di chúc để lại bức tranh này cho mày, biết đâu có lúc thiên hạ khám phá ra tên tuổi nó, mày sẽ thành triệu phú đấy.
- Nếu thế thì tôi sẽ cố sống thêm mà chờ.
Phan nói, cười, nheo mắt với người đàn bà trong tranh
- Lúc đó sẽ chỉ có tôi và nguời đẹp này thôi, Volker.
Mới đầu mùa đông, cơn bão tuyết bất ngờ đổ về miền trung nước Đức làm trở ngại mọi sự lưu thông. Phan bị cảm lạnh sau đêm lội bộ trong tuyết về nhà, cổ họng đau rát, lên cơn sốt. Volker tử tế thường gọi đến hỏi thăm:
- Steffan, chú mày bớt chưa, cần gì tao mang đến.
Phan ậm ừ, hứa sẽ đi làm khi bớt đau đầu, anh thấy thèm bát cháo gà có gừng và tiêu như thuở bé mỗi khi ốm được mẹ nấu cho ăn. Thứ hai, bảo tàng viện đóng cửa, bất ngờ bà Claudia ghé thăm Phan, mang đến bó hoa và cái hộp đựng súp nóng, làm anh cảm động. Cả nhà Phan không có cái bình nào, đành cắm bó hoa vào cái ca nước trên bệ cửa sổ. Cái mobilphone của bà Claudia chợt reo vang. Volker vừa thở vừa hốt hoảng báo tin như thể thế chiến thứ ba vừa xảy ra.
- Claudia đến ngay đi., Chúa ơi, trộm cắp lọt vô đây rồi. Mất mẹ nó rồi.
Phan vùng dậy. - Tôi cũng đi nữa, bà Claudia.
Volker mặt tái mét, nói không ra tiếng.
- Đấy xem đi, trời ơi, khi không mà biến mất.
Sự thật kinh khủng là không có gì bị mất cắp. Tất cả các bức tranh đều ở yên vị trí cũ.
Ngoại trừ bức tranh vô danh ở góc phòng. Thật ra nó cũng còn đó. Chỉ có người đàn bà trong tranh biến mất, còn lại là cái ghế tựa trống vắng và cánh hoa hồng xanh bơ vơ.
- Trời ơi, thế là thế nào hở? Volker? Bà Claudia thì thào.
Cả ba người tỉ mỉ xem xét, càng kinh ngạc hơn vì không thấy dấu cạy hay vết trầy nào, đành nhất trí dấu nhẹm sự việc, không báo cáo với giám đốc. Vả chăng bức tranh không có trong danh sách, thậm chí không có cả cái tên, lấy gì báo cáo. Claudia kết luận: kẻ nào đó định vẽ bức tranh giả để đánh tháo lấy bức tranh thật, nhưng chắc họa nguời đàn bà không thành công nên đành gắn bức dở dang này lên tường.
Volker nhìn Phan rầu rĩ:
- Thế là tiêu mất cái bản di chúc tao hứa cho chú mày.
Phan phì cười:
- Ông mê trận bóng đá trên T.V tối qua, người đẹp tôi bỏ đi mà không hay, tội ông lớn đấy, còn cái số tôi đúng là mồ côi vợ.
Anh ở lại viện bảo tàng an ủi ông già đến xẩm tối mới ra về. Volker nói:
- Để tao gọi taxi cho, ốm chưa khỏi mà đi ngoài tuyết là bệnh nặng lại ngay.
Đang chờ taxi bên tượng con sư tử trước cổng viện bảo tàng, Phan nghe có tiếng chân người hấp tấp đến sau lưng. Giọng một người đàn bà nhỏ nhẹ:
- Ông làm ơn cho hỏi thăm, từ đây đi bộ đến đường Mozart có xa không?
Phan quay lại, ngạc nhiên:
- Khá xa đấy, bà định đi bộ dười trời tuyết thế này ư? Nhà tôi ở phía đường đó, hay mời bà cùng đi taxi với tôi, chỗ nào cần xuống cứ cho biết.
Anh mở cửa xe phía sau cho người đàn bà, định lên ngồi bên cạnh tài xế, nhưng người đàn bà kéo tay áo Phan, muốn anh vào ngồi cùng băng ghế sau. Người đàn bà lặng im suốt quãng đường dài. Cái nón đen có mạng lưới che khuất khuôn mặt. Hương hoa lavender mát dịu thoảng nhẹ bên anh.
Đến cửa nhà, Phan ra khỏi xe, chưa kịp hỏi, người đàn bà cũng xuống xe, ngơ ngác nhìn quanh.
- Lâu lắm tôi không về thành phố nên trông nơi đây khác lạ quá.
- Thế bà cần tìm ai, tôi có thể giúp gì được không?
- Tôi không nhớ gì nữa, tạm thời tôi ghé qua nhà ông vậy. Có làm phiền ông không?.
Phan chẳng biết nói sao, lặng lẽ đi trước, người đàn bà theo sau. Tuyết ngừng rơi từ lúc nào.
- Bà dùng trà cho ấm nhé, để tôi nấu nước.
Người đàn bà tự nhiên đi đến bên anh, dằng lấy bình nước: - Để em làm cho.
Cái nón nhung đen đã bỏ xuống, hoá ra người đàn bà còn trẻ, khoảng tuổi 30, tóc và mắt đều nâu, vẻ nồng ấm dịu dàng. Cô gái để yên cho Phan ngắm với sự thắc mắc, cườ i khẽ:
- Bây giờ có em ở đây rồi, anh đâu có mồ côi nữa, phải không?
Phan sửng sốt. Chính đôi môi đó. Đôi môi màu tím hoa lavender. Cô gái lấy từ trong áo choàng một bông hồng xanh thẫm, đưa cho Phan:
- Anh xem nhé, ngày mai Volker sẽ chết khiếp hơn, vì tự dưng cả cành hồng cũng biến mất.
Phan cười:
- Còn Claudia thì đoán, tên trộm cả gan trở lại thay bức tranh khác nữa. Làm ơn nghịch vừa thôi, để cho Volker sống nốt thế kỷ này với. Mà làm sao cô biết tôi?
- Thế không phải chính anh chấp nhận bản di chúc của Volker hay sao?
Đầu óc Phan quay quay. Sự thật hay là mơ. Cái bông hồng đang ở trong tay anh, mấy cái gai đâm vào ngón tay anh hơi đau. Anh thấy chóng mặt, phải nằm lên giường.
Cô gái bỏ tấm áo khoác, đi đến bên Phan, nhẹ nhàng tự nhiên ngả vào lòng anh. Mái tóc nâu dài toả hương lavender nồng nàn quyến rũ. Anh ôm cô gái trong tay, cảm thấy cô mảnh dẻ như Trâm ngày xưa. Cái ấm nước reo vang.
- A, nước sôi, để em pha trà.
Phan hôn đôi môi màu tím nhạt, siết chặt cô hơn:
- Không, cứ để mặc nó. Mặc kệ Volker, mặc kệ cái viện bảo tàng, mặc kệ cả cuộc đời. Anh đã tìm thấy em. Hãy ở lại bên anh, đêm nay và mãi mãi....
 
Mainz, tháng 10. 2003. 
 

Xem Tiếp: ----