Tin: Amokläufer
Sáng ngày... một người đàn ông Việt Nam, đã về hưu, đến thăm cặp vợ chồng là em vợ mình ở cùng thành phố Koblenz, như những lần viếng thăm bình thường trước. Trong khi hai người này đang ăn điểm tâm thì đột nhiên người đàn ông rút khẩu súng trong túi áo, bắn chết cả hai người, rồi đi về nhà. Cùng buổi trưa hôm đó ông ta đi đến chiếc cầu nhỏ gần nhà, rút súng tự tử ngay trên cầu. Hiện chưa rõ nguyên nhân, vì thù hận riêng hay vì bất đắc chí, mà người đàn ông có hành động sát nhân trên. Sự việc còn trong vòng điều tra.
..........
- Này, xem trang trong đi, có tin giật gân về đồng hương mày.
Stella đưa tôi xem tờ báo cũ từ hôm kia. Góc trái bản tin là tấm hình, hơi tối. Người đàn ông trong hình chừng hơn 50 tuổi, áo sakko, cravate nghiêm chỉnh, cái nón ngay ngắn trên đầu, gương mặt lạnh, không nét gì đặc sắc gây ấn tượng. Một dạng công chức bình thường, sáng xách cặp đi, chiều tan sở về, trình diện vợ rất đúng giờ.
Có cái gì nổi loạn đàng sau vẻ lặng lẽ ấy. Một mối hận thù lâu đời cần phải thanh toán? Một sự câm nín quá lâu phải bật lên, như mũi tên căng quá sức chăng?
- Người quen không? Stella hỏi
- Có thể, nhưng chịu thua, không nhớ ở đâu.

Cảm giác đến bất ngờ, đúng lúc tôi đi ngang qua gian hàng café Quick Service ở phi trường. Dường như có ai đang theo dõi mình. Tôi hồi hộp nhìn quanh. Đúng là ông ta. Ông đứng bên cạnh cửa, lặng lẽ. Cái nón xám che khuất nửa khuôn mặt, đăm đăm nhìn vào đám đông như đang chờ ai, tìm ai....

- Xin lỗi tôi muốn được hỏi thăm, cô là người Việt Nam?
Người đàn ông đột nhiên chặn tôi ở chân cầu thang.
- Dạ phải, ông cần hỏi gì?
- Không, tôi không cần gì, thấy cô mấy lần ở đây, nhưng không chắc cô là người Việt Nam.
- Tôi làm việc ở đây, bên Check-in, nếu ông đi du lịch nhiều thì chắc là gặp tôi, bên Check-in không có nhiều người Việt Nam như ở bộ phận khác.
- Tôi không du lịch nhiều nhưng ra phi trường thường xuyên, để... ngó này nọ chơi thôi. Xin lỗi, hôm nay cô rảnh không, xin phép mời cô uống nước.
Ông ta mời, vẻ thành thực. Hơi bị bất ngờ, nhưng ánh mắt khẩn khoản làm tôi chùng lòng, mái tóc bạc nhiều làm tôi yên tâm. Một người bạn kể, ba mẹ nó quanh quẩn ở nhà, mỗi ngày thức dậy, ngó thấy nhau, pha trà, nướng bánh mì, cùng ngồi vào bàn; ăn, im lặng, chẳng cần nhìn nhau, không còn gì nói với nhau sau hơn 40 năm chung sống. Đôi ba ngày lại dẫn nhau ra phi trường làm như đi đón ai, thực ra chỉ để ngắm những người xa lạ, đến, đi, tiễn biệt.
Gương mặt ông ta tươi lên khi tôi nhận lời. Chỉ mười phút sau tôi bắt đầu hối tiếc cho lòng tốt của mình. Phải nghe những câu hỏi vu vơ, lời kể lể nhạt nhẽo, về một cuộc đời quá đỗi bình thường, như uống phải ly trà đá nguội ngắt, nhạt thếch, không chanh không đường. Không cần biết tôi có nghe hay không, ông ta chỉ muốn kể và nói... Lại thêm một nhân vật của García Marquez với Trăm năm cô đơn.
Tôi nhìn ra phi đạo, tránh ánh mắt ông ta. Chưa bằng Marquez nhưng chắc cũng có hơn nửa thế kỷ cô đơn, không biết tâm sự than thở với ai, vớ được tên ngu như tôi chịu nghe, nên tuôn ra cho hết. Một sự tra tấn vô cùng lương thiện. Tôi thở dài. Thế mới càng tai hại, ông ta tưởng tìm được sự đồng cảm, tiếp tục buông ra toàn bộ lý lịch, rồi kết luận:
- Cô thấy không, nhiều khi tôi cảm thấy đã sống một cuộc đời vô ích chán chường như một ly trà đá vậy.
- Cái gì cơ, trà đá à, làm sao, ở đâu?
Tôi như tỉnh lại khi nghe hai chữ '' trà đá''. Ông ta đọc được ý nghĩ của tôi? Không, gương mặt đó rầu rầu, ngó xuống mặt bàn..
Tôi gượng nói: - Ừ, trà đá bao giờ uống cũng chán chết đi được.
Ông ta nhìn tôi đăm đăm, như không hiểu tôi muốn nói gì.
Khi thoát được màn độc thoại đó thì tôi đã trễ hai chuyến tàu điện về nhà. Trời mùa đông, đêm tối đến sớm. Ánh đèn vàng hắt ra từ những cửa sổ thường làm tôi mủi lòng, chạnh nhớ thân phận mình, kẻ tha hương. Người đàn ông đó gìờ cũng đang ngồi trong một toa tàu nào đó, đi về căn phòng đơn độc, giữa bốn bức tường, trống trải, nhàm chán. Có thể đêm nay ông ta ngủ được một giấc lâu hơn vì đã trút được tâm sự của mình. Thôi, ít ra mình cũng giúp được một kẻ hơn nửa thế kỷ cô đơn bớt cô đơn trong gần một giờ kể lể, tôi tự an ủi cái ngu của mình. Chẳng nhớ ông ta nói cái gì.
Một cuộc đời ít thăng trầm, học sinh tỉnh lẻ, lớn lên đi học ở Saigon, thường rong xe đạp loanh quanh mấy trường nữ, ngắm các cô học sinh thướt tha áo trắng. Rồi phải về quê nhà, lấy vợ do cha mẹ lưạ chọn, một cuộc hôn nhân có sắp đặt, tưởng là tình yêu tự động đến sau khi sống chung. Tuần tự lũ con theo nhau ra đời. Một đời công chức tẻ nhạt, đều đều với những bổn-phận-sự và trách-nhiệm-vụ.
Rồi trôi dạt xứ người, may mắn kiếm được chân thư ký, lại tiếp tục cuộc sống lặng lẽ đơn điệu. Biến cố chỉ xảy ra sau khi ông thất nghiệp, phải về hưu, thì bỗng dưng bà vợ hơn 60 tuổi, muốn ly dị để đi tu.
Ông ta nói, cao giọng hơn như nhấn mạnh cái bi kịch cuối cùng:
- Cô nghĩ xem, hơn 40 năm chung sống với nhau, không bao giờ có chuyện cãi nhau.
Đôi khi tôi nổi nóng la mắng lũ con, rầy rà luôn bả thì bả đều im, đâu có vấn đề gì. Bỗng dưng gần cuối đời, bả dở chứng tuyên bố muốn vô chùa, con cái giờ đã lớn, tôi còn mạnh khoẻ, vậy là bả xong nợ, muốn ra đi, lấy lý do là không thể sống với tôi được nữa, như vậy bả có điên không chứ?
Tôi suýt buột miệng theo thói quen khôi hài, ''cũng hơi hơi'', nhưng kịp dừng lại, khi nhìn đôi mắt đã phai màu như ứa nước mắt, muốn hỏi, '' thế còn ông thì sao?''. Ông ta im lặng hồi lâu, rút cái nón xám trong túi áo, đội lên đầu ngay ngắn, chào tôi: ''Rồi thì cũng xong một đời, có gì đâu. Thôi tối rồi, ta về đi, cám ơn cô.''
Chiếc xe Bus thả tôi xuống con dốc gần công viên. Hàng thông hai bên đưòng sẫm đen. Tôi đi chầm chậm lên dốc. Khi mới dọn đến đây tôi yêu quá đỗi con dốc uốn khúc này, gợi nhớ con đường dốc dài hẹp dẫn lên thác Cam ly ở Dalat khi xưa. Một lần tôi nói với chồng: - Em muốn đi Đà Lạt chừng ba, bốn ngày thôi.
Anh la lên tức khắc:
- Bộ điên hả, tháng này Đà Lạt vào mùa mưa rồi, có đẹp gì đâu, tụi mình cũng hết phép năm nay rồi.
- Anh vẫn đi làm, báo với cơ quan là em nghỉ bệnh, chắc họ tin.
- Sao, em nói gì, định đi một mình à, quái đản thật.
Anh nhìn tôi đăm đăm như thẩm định mức độ điên của tôi. Bao giờ anh hiểu được
có lúc tôi chỉ muốn có một mình, tách biệt tất cả mọi người, chìm xuống trong nỗi cô đơn riêng mình, muốn lang thang ở Đalat vào lúc chuyển mưa, gió bạt ngàn thổi ào ạt, cả rừng cây ầm ầm rung chuyển đổ mưa. Mưa như giông như bão tối sầm trời đất. Ở đâu có một tình yêu như thế. Nó làm ta lảo đảo, ngây ngất, choáng váng như vừa nốc cạn một ly rượu Rum, dịu ngọt, nồng nàn, say đắm. Không nguội ngắt nhạt nhẽo như ly trà đá.

Ông ta xoay xoay cái mũ xám trên tay, xếp lại làm hai rồi làm tư, lại mở ra.
- Hồi đó tôi đang học lớp đệ nhất, sau này đổi lại là lớp 12, thì má tôi cho người lên Saigon báo tin ba tôi bệnh nặng, phải về gấp. Nhà tôi ở một xã nhỏ miền tây, về đến nơi tôi ngạc nhiên thấy ông già khoẻ mạnh đứng trước cửa. Ở nhà đã sắp xếp mọi việc xong xuôi. Tuần sau là đám cưới, tôi mới biết mặt người vợ của mình.
"Nó giỏi lắm, con biết không", má tôi thì thào, "Nó lên Saigon học nghề may, giờ về đây mở tiệm, con có người vợ có nghề mà nết na, công dung ngôn hạnh có đủ".
Sau khi ra trường, ba tôi nhờ người quen xin cho tôi chân thư ký ở tòa án tỉnh, bên nhà vợ cho tiền mua căn nhà nhỏ ngay thị xã. Bạn bè nói số tôi bình an, may mắn. Chiến tranh đang hồi sôi động nhưng không ảnh hưởng gì đến cái gia đình bé nhỏ này, tôi an phận ẩn nấp bên cuộc đời không sóng gió, không làm phiền đến ai mà cũng không muốn bị ai quấy nhiễu.
Vì công việc ở Tòa án có lần tôi phải đi Saigon, ở đó ba ngày, tình cờ gặp lại người bạn cũ, giờ đang là sĩ quan, được phép về thăm gia đình ở thành phố. Dù trước không là bạn thân, hai đứa cũng vui mừng, rủ nhau đến một nhà hàng khá nổi tiếng ở Saigon để nghe nhạc. Đấy là lần đầu tôi bước vào "chốn ăn chơi" của Saigon ban đêm. Người bạn tửu lượng mạnh, tôi chỉ uống coca, nhưng cả hai đều thích thú tán gẫu, nghe nhạc.Đúng ra là anh ta nói, tôi nghe nhiều hơn. Đêm về khuya, ca sĩ mệt mỏi, khách cũng bớt hăng hái kêu "bis, bis". Một nhạc sĩ già, tóc bạc, nổi hứng lên sân khấu chơi solo alto-saxophone, ông ta chơi một bài đã cũ "Besame mucho".
Đó là lần đầu tiên tôi nghe saxophone. Tiếng kèn tha thiết quấn hút người tôi, đầu tôi choáng váng, trái tim thắt lại, không chút rượu mà thấy ngây ngất như chìm xuống nước sâu. Tôi không nhớ đã ra về với anh bạn như thế nào, hắn vực tôi về nhà, bỏ đi mất biệt. Hôm sau thay vì phải ra bến xe đò trở về quê, tôi tìm cho được một tiệm bán nhạc cụ dự tính mua cây kèn saxophone. Cái bảng giá làm tôi sững sờ, gấp ba lần lương một thư ký có hơn 10 năm thâm niên!!
Tôi lần hết tài sản, từ trương mục tiết kiệm, cái nhẫn vàng, cái đồng hồ cũ còn tốt, gộp lại vẫn không đủ. Nhớ đến anh bạn tối qua, hắn vừa đi phép về chắc còn tiền lương, đêm qua hắn chi tiêu sộp lắm. Khi nghe tôi ấp úng mượn tiền, hắn ngạc nhiên, phá ra cười:
- Ông hỏi chậm quá, đêm qua tôi chơi bài, thăm em út, cạn ráo, mà ông cần tiền làm gì.
Tôi lặng câm. Hắn tiếp: - Nếu định trốn bà xã để thăm em út thì theo tôi, khỏi cần tiền.
Tôi đỏ mặt lặng im. Hắn nhìn tôi, lắc đầu, bỏ đi.
Trở lại nhà hàng một mình đêm đó, chờ khi vãn khách, tôi đưa người nghệ sĩ hôm qua nắm tiền, yêu cầu ông chơi lại bản nhạc cũ. Tuy mệt, ông ta mừng rỡ nhận tiền, chơi tiếp thêm mấy bài khác, Đôi mắt huyền, Về mái nhà xưa, Ánh đèn màu, Blue velvet, Thuyền viễn xứ..... cho tôi. Tiếng kèn saxophone nức nở da diết hút lấy hồn tôi, nước mắt ứa ra không biết vì sao, trong tôi như tuyệt vọng một điều gì.
Rồi cũng phải trở về nhà, trở về với công việc thường ngày, cảm thấy mỗi ngày như dài hơn, nặng nề hơn. Mấy đống hồ sơ, đầy những vụ kiện cáo lặt vặt. Mấy con đường tỉnh lộ nhỏ hẹp, đơn điệu. Con sông sau nhà nước cứ dập dềnh ở mực đều đặn, không lên không xuống. Đám lục bình cứ đọng lại một chỗ, không trôi xa được. Như cuộc đời tôi.
Tiếng kèn saxophone đến với tôi chỉ trong giấc ngủ. Trong mơ, người nhạc sĩ cúi xuống dưới ánh đèn xanh, những ngón tay gầy lướt qua từng nốt, giòng nhạc Besame mucho nghẹn ngào, quặn thắt tim tôi. Tỉnh dậy, giữa đêm khuya. Vợ tôi bên cạnh vẫn ngủ yên, một con người hết sức đơn giản. Cuộc đời với cô ấy là những đường may làm sao cho thật thẳng, thế là đủ, không thắc mắc. Giá như tôi kể được với cô ấy là tôi đang ước ao nghe điệu kèn saxophone như thế nào, có lẽ nỗi đau sẽ vơi đi, giấc mơ với tiếng kèn có lẽ bớt dằn vặt giấc ngủ của tôi. Chắc chắn cô ta sẽ tròn mắt ra mà hỏi:
- Anh nói cái gì, saxophone là cái gì mà phải nghe, thích văn nghệ thì mai đi coi kịch hay cải lương đi.
Thế cũng đủ cho tôi câm lặng. Tôi ra sau hè, ngồi ở bậc thềm hút thuốc, nghe tiếng dế nỉ non một điệu đều đều bất tận, nhàm chán. Như cuộc đời tôi.
Thời gian và nhịp sống với những việc phải lo toan dìm dần điệu kèn saxophone xuống đáy lòng. Tôi vẫn thở, vẫn ăn, vẫn sống, đôi khi như rơi vô một hành tinh khác, trở nên ít nói, thẫn thờ. Thiên hạ thì thào, "Tay này bị ma hớp hồn hay bị cô nào bỏ bùa mê chăng?" Vợ hỏi, "Anh bệnh chăng, em hốt thuốc cho." Tôi lắc đầu. Cô ta mua nhang đèn về cúng, khấn vái thần linh. Tôi im lặng chẳng can ngăn, không giải thích, mà biết giải thích thế nào. Sau cùng cô ta để tôi yên.
Tôi không trở lên thành phố lần nào nữa nên cũng không biết người nghệ sĩ già với điệu kèn saxophone tha thiết ấy còn ở nhà hàng ca nhạc cũ hay trôi nổi nơi nào. Sau này sống trên xứ người, muốn tìm một đĩa nhạc nghe một nhạc sĩ độc tấu saxophone không có gì khó khăn. Tôi đã nghe vài nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới, không ai làm sống lại trong tôi cái cảm xúc mãnh liệt, say đắm như lần đầu. Người ta thường khó quên mối tình đầu, tin tưởng đó là tình yêu đẹp nhất. Thực ra chỉ vì hương vị tinh khôi ban đầu mạnh mẽ làm người ta ngây ngất xúc động khó quên thôi.

Lần thứ hai ông ta hiện ra ở đúng chân cầu thang cũ.
Đang vào mùa du lịch hè, phi trường tấp nập người. Tôi đã quên khuôn mặt ấy, nhưng khi ông ta đội cái mũ xám lên đầu thì tôi chợt nhớ. Ông tự nhiên hỏi tôi:
- Hôm nay trông cô không mệt như bữa trước, trời nóng quá, ta uống cái gì cho mát, nước cam được không?
Tôi nói: - Có lẽ nước trắng thôi, tôi không thích uống nước ngọt.
Ông nheo mắt, hơi cười: - Thế thì trà đá vậy?
Tôi cũng cười: - Trà đá chán chết đi!"
Ông ngó mông lung ra phi đạo, nói như riêng với chính mình:
- Vậy mà tôi đã phải uống trà đá suốt một đời tôi.
Tôi im lặng, chờ đợi. Ngồi cạnh ông, nghe ông nói đều đều, cho tôi cảm giác như những giọt nước mưa từ mái hiên đọng lại, lặng lẽ rơi xuống đất.
Hai ly nước trên bàn đã cạn. Hành khách vơi dần, nắng chiều nhạt dần. Tôi muốn cáo từ ra về. Ngày mai tôi phải làm ca sớm. Ông quay lại nhìn tôi, đôi mắt xa xăm:
- Tôi nghĩ vợ tôi là người đơn giản đến tẻ nhạt, bà ta không bao giờ hiểu được khát vọng trong tôi. Vậy mà gần cuối đời khi quyết định ly dị, bà ấy nói, " Ông lấy tôi có lẽ chỉ vì bổn phận với cha mẹ. Còn tôi chỉ vì đàn con mà phải nhịn nhục chịu đựng ông đến hôm nay. Chúng ta sống bên nhau mấy mươi năm mà vẫn xa lạ, như những đồ đạc trong nhà, đặt cạnh nhau, mà không hề có cảm xúc, không có tình cảm gì với nhau. Cả với đàn con, ông cũng vô tình lắm. Ông sống cứ như trong cõi riêng nào đó của ông." Rồi bà ấy ra đi, không một lần quay lại. Đám con im lặng chấp nhận, nhìn tôi như kết tội, dần dần lánh xa tôi.
Tôi chới với hụt hẫng. Một mình đi ra đi vào căn nhà lạnh lẽo trống vắng. Họ có bao giờ hiểu rằng chính vì họ, chính vì những bổn phận phải đeo lên lưng, khiến tôi phải giết chết cái đam mê điệu kèn saxophone say đắm trong tôi. Chẳng có thời gian nào cho tôi sống thực với con người mình. Hóa ra sự hy sinh nỗi khát vọng bấy lâu của tôi vì những trách nhiệm, những lo toan cho họ chỉ là bọt biển. Tôi đã sống một cuộc đời hết sức vô dụng. Tôi ít giao tiếp nên ít bạn bè, đi lại thăm viếng chỉ vài người bà con, ghé thường xuyên là vợ chồng người em vợ. Tôi đem nỗi thắc mắc về bà chị của hắn ra hỏi.
Hắn đăm đăm ngó tôi, gằn giọng nói:
- Bả sống với anh như tù, ai mà chịu đựng bộ mặt lầm lì như cai ngục của anh suốt đời được, bả khám phá ra chân lý có hơi trễ đó, chứ gặp tôi thì anh phải biến từ lâu rồi.
Rồi hắn phá ra cười với bà vợ như thú vị với ý nghĩa khôi hài câu nói của mình.
Tôi rợn người như bị ai tạt nước vào mặt, cảm giác như bị sỉ nhục, lặng lẽ bỏ đi.

Bất ngờ như lần đầu, tôi lại nhìn thấy ông ta trước quán cafe Quick Service. Vẫn câu mời quen cũ:
- Hôm nay cô rảnh không. Mời cô uống nước.
Tôi ngơ ngác. Tấm hình và mấy dòng tin trên báo là như thế nào?
Ông ta nheo mắt nhìn tôi, hơi cười như chế nhạo, đặt lên bàn ly trà đá, bình thản.
Cái mũ xám ngay ngắn trên đầu che khuôn mặt hơi tối. Đôi mắt phai màu như ứa nước mắt, nhìn tôi lặng lẽ. Cái mỉm cười gượng gạo, cay đắng, tuyệt vọng.
Rồi ông bỏ đi lần ra cổng, lần này có cây gậy đi kèm. Ông đi chầm chậm hướng ra phía Autobahn. Đủ loại xe cộ vùn vụt qua lại mà ông thản nhiên đi giữa lòng đường, chầm chậm, từng bước, đi mãi, đi mãi.....
Trên bàn tôi ly nước cạn không. Tôi ra dấu gọi người bồi bàn, nói:
- Xin cho một ly chanh Rum, nhiều Rum càng tốt, cám ơn.
Minh Thùy

Xem Tiếp: ----