1. Đêm Chủ nhật, khi vừa chuẩn bị đi ngủ thì chuông điện thoại của tôi reo lên. Đầu dây bên kia, một đồng nghiệp thông báo: “Đua xe, hai thanh niên là thí sinh vừa mới thi đại học chết tại chỗ”. Dù trời mưa lất phất, tôi mặc áo mưa lên đường...
Từ xa, tôi phát hiện ra đám đông chen chúc nhau quanh vụ tai nạn, bên tai tôi là tiếng gào thét và tiếng khóc của người nhà hai nạn nhân. Tôi bàng hoàng khi thấy hai thi thể nằm bất động trên vũng máu đang chờ cảnh sát giao thông lập biên bản. Vẳng bên tai tôi là tiếng khóc kể của người mẹ trẻ: “Con ơi, con bảo con làm bài tốt lắm, con sẽ vào đại học cho ba mẹ vui”. Niềm vui của người mẹ chưa có kết quả thì đứa con yêu đã vĩnh viễn đi xa. Vì đâu nên nỗi?
Những ngày trước đó, tôi đã từng theo chân các trinh sát phòng chống đua xe để truy bắt các đối tượng đua xe trái phép. Bên tai tôi luôn vẳng lên những tiếng còi xe inh ỏi, những tiếng gầm rú của động cơ, tiếng xe máy xé màn đêm... Những lúc đó, tôi chợt rùng mình khi nghĩ nếu ai vô tình đang băng ngang đường đua của chúng thì sẽ ra sao? Trả lời câu hỏi của tôi là một vụ đua xe gây chết người cũng vừa xảy ra cách đây một tháng. Tôi nhớ như in người vợ trẻ đã ôm khuôn mặt đầy máu của chồng, chưa kịp gọi tên chồng chị đã ngã ra ngất xỉu. Anh là một người đi đường vô tội, một người dân vô tình băng ngang đường đua...
Tôi đã từng gặp và phỏng vấn hàng trăm thanh thiếu niên tham gia những cuộc đua điên rồ ấy khi chúng bị bắt giữ. Tôi vẫn nhớ như in những đôi mắt đỏ ngầu của rượu bia, của thuốc lắc, của ma tuý và tốc độ khi chúng đưa mắt nhìn tôi một cách thách thức. Một tên còn ngang ngược trả lời: “Tụi tui có gì mà sợ. Chỉ sợ ổng bả (cha mẹ) mất mặt mà cắt lương thôi!”
2. Tôi lại nhớ những gương mặt của các thí sinh mà tôi vừa phỏng vấn sáng hôm kia khi các em chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học. Tôi nhớ gương mặt hiền lành nhưng đôi mắt tràn đầy hy vọng của Đặng Thanh Phong, một thanh niên nghèo quê ở Long An vừa đi làm vừa đi học để dành dụm tiền luyện thi đại học. Tôi nhớ nụ cười đầy tự tin của bạn Bích Duyên quê Bình Thuận khi vừa đi phụ bán cơm vừa ôn thi. Tôi nhớ người mẹ quê ở Biên Hoà tất tả dậy từ 4 giờ sáng để nấu cơm đem lên Sài Gòn cho con ăn lót dạ. Và tôi nhớ câu chuyện của anh nông dân Phạm Thanh Nhì quê Bến Tre bán ruộng bán vườn quyết cho con vào đại học. Nhớ hình ảnh bạn Đặng Thị Hiếu cùng chiếc bánh mì thay cho bữa cơm trưa trước khi bước vào kỳ thi buổi chiều. Nhớ cả những chiếc áo xanh ướt đẫm mồ hôi của các sinh viên tình nguyện  “Tiếp sức mùa thi”. Vì sao như thế?
  3. Cũng đêm mưa như đêm nay cách đây một năm, tôi gặp H.M.T. tại một trụ sở công an phường. M.T. bị bắt vì tội mua bán ma tuý khi chiếc bào thai cô đang mang bước qua tháng thứ bảy. Nước mắt, nước mưa làm ướt đẫm gương mặt cô người mẫu chưa bước qua tuổi 20. hai bàn tay của M.T. đầy vết cứa, dấu vết của những lần phê thuốc để tìm cảm giác mạnh. T. kể với tôi: “Em tham gia vào một câu lạc bộ người mẫu và bị bạn bè dụ dỗ nên chơi hàng trắng. Khi đã nghiện em không còn đủ tiền để chơi và cũng không còn đủ sức để diễn. “Đô” càng nặng, người em càng gầy rạc đi. Không đủ tiền hít nên em chích chung với bạn trai. Hắn đã bỏ đi đâu biệt tích khi biết tin em có thai. Cùng đường, em đi lấy hàng trắng để bán kiếm thuốc hít. Em biết trước hậu quả ngày hôm nay nhưng sự dại dột phải trả giá đắt như thế này, biết kêu ai bây giờ?”  M.T. nghiện và bị bắt về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Rồi cô cũng sẽ chờ ngày khai hoa nở nhụy rồi ra trước vành móng ngựa nhưng đứa con trong bụng cô liệu có thoát khỏi chứng nghiện thụ động do ảnh hưởng từ mẹ. Con cô có lỗi gì?
  4. Cũng mùa thi đại học năm trước, tôi đã bắt gặp hình ảnh một người cha cõng đứa con gái bị liệt hai chân đến trường thi. Người cha là một công chức trẻ chỉ có duy nhất một đứa con gái. 12 năm con đi học là 12 năm anh cõng con đến trường và lên xuống lầu 4 chung cư. Năm nay, đứa con gái yêu của anh đã đàng hoàng trở thành cô sinh viên ngành tin học với ước mơ ra trường trở thành cô giáo dạy cho trẻ khuyết tật. Niềm vui của người cha cứ thế nhân lên mỗi ngày. Và mùa thi trước đó, cậu bé Hải Triều với hai cánh tay cụt, một con mắt bị hư đầy tự tin cắp giá vẽ đến cổng trường để thi vào Đại học Mỹ Thuật với ước mơ cháy bổng trở thành họa sỹ. Hải Triều năm nay đã sinh viên năm cuối, đã có những bức tranh bán được để trang trải học hành và tương lai đang rộng mở.
Những gam màu sáng tối của cuộc đời cứ thế đan xen trong tôi. Tiếc cho cô người mẫu trẻ người non dạ, xót cho hai cậu học sinh trong một phút ngông cuồng đã trở thành cát bụi trong cõi hư không và để lại nỗi đau vô tận cho gia đình. Mừng cho cô giáo trẻ tương lai biết đi bằng nghị lực, làm chủ bản thân bằng tri thức và anh hoạ sĩ tàn tật nhưng biết tin vào tương lai.
H.D

Xem Tiếp: ----