Anh Trần Văn quả không phải là người đẹp trai. Độc giả hãy tưởng một người trạc hai mươi nhăm, nước da đen, mũi to, nhô đại ra ngoài, cái trán cũng nhô trông như cái bướu, đôi lông mày rất rậm, làm cho cặp mắt cận thị của anh ta có một vẻ dữ tợn đến kỳ khôi. Anh ta ăn mặc quần áo tây nhưng người lùn mà cả ngang, dáng đi láu táu trông rất ngộ nghĩnh. Cả người anh ta cái gì trông cũng buồn cười.Tôi yêu bạn tôi đến đâu cũng phải nhận rằng bạn tôi trông xấu quá!Văn cũng tự biết thế. Có khi anh lại tự chế giễu mình để làm cho bạn hữu vui cười. Nhưng anh ta là một người tính nết thật thà, dễ tin người và có một tấm lòng tử tế hơn ai hết thẩy.Tôi lại phải nói cho độc giả hay rằng con người giản dị thực thà kia lại là người đa tình nữa. Chẳng biết đó có phải là điều "mai mỉa của số mệnh" không? Chỉ biết bạn tôi biết yêu, mà yêu say, yêu đắm, yêu thiết, yêu tha; tình yêu trong huyết mạch người con trai này sôi nổi như sóng bể. Nhưng trong bao nhiêu thiếu nữ mà anh ca tụng nhan sắc, anh ta không được lấy một cô nào để ý đến mình. Cái đó cũng không lấy gì làm lạ.ấy vậy mà anh Văn cũng có một chuyện tình, hay một chuyện mà anh sẵn lòng gọi là chuyện tình thì đúng hơn. Câu chuyện thực chẳng hay gì cho anh ta, nhưng bạn tôi không muốn quên, mà mỗi khi nhắc tới, lại ra ý cảm động như người âu yếm vuốt ve một điều ký vãng êm ái.Đầu đuôi câu chuyện như thế này:Tháng chạp năm ấy, anh Văn lên Yên Bái, thăm một người bà con. Lúc trở về anh gặp một người thiếu nữ, ăn mặc giản dị, người rất đẹp, và rất có duyên, cùng đi với anh ta một chuyến xe hỏa.Người ấy ngồi ngay ghế trước mặt Văn, khiến cho anh chàng mở một quyển sách ra nhưng không đọc được câu nào hết. Văn là người nhã nhặn lễ phép, nên không dám nhìn lâu, sợ người thiếu nữ ngượng. Anh ta thỉnh thoảng mới sẽ kín đáo trông lên, để cho mắt được hưởng cái nhan sắc kia trong giây lát thôi. Cái lòng yêu mộ của bạn tôi thì thực nồng nàn, song chỉ dám biểu lộ ra đến thế là hết. Vả anh ta biết rằng mong hơn cũng chẳng được nào. Người thiếu nữ thì trắng trẻo thế kia, yêu kiều thế kia, trên khuôn mặt thanh tú ấy không chỗ nào đáng chê, còn mình thì... ôi chao! Bạn tôi chép miệng thở dài một cách rất chua chát.Rồi anh ta nghĩ bụng:"Giá mình được là người quen với con người nhan sắc như thế cũng đủ lắm rồi".Anh ta bèn cố tình đợi dịp làm quen. Thì may sao cái dịp ấy hiện ngay đến sau khi người thiếu nữ ra cửa toa để nhổ quết trầu.Xe hỏa về ngày gần Tết, nên rất đông; lúc cô kia ở cửa toa trở vào thì đã bị hai bác nhà quê chiếm mất chỗ. Người thiếu nữ thấy họ ra chiều không nể gì ai hết nên không nói gì, chỉ cau mày vịn tay lên mép cửa sổ gần đấy đứng nhìn ra cảnh tượng bên ngoài.Văn ngồi bên này tức hộ cô kia, liền mắng cho mấy bác đàn ông vô lễ mấy câu ra phết lắm. Đoạn anh ta đứng dậy, đến bên người thiếu nữ, lúng túng một chút rồi mời cô ngồi xuống chỗ mình. Người thiếu nữ không từ chối. Cô ta vén áo ngồi xuống, lại cám ơn anh Văn bằng một nụ cười. Thế là đủ cho bạn tôi bay ngay lên tận chín tầng mây.Anh Văn đứng bên người thiếu nữ, không giấu được sự vui mừng. Anh ta lấy dáng bộ rất tình tứ, làm như mình chẳng lùn một tý nào hết, và quên bẵng đi rằng mình hiện làm chủ nhân một cái "mũi sư tử", đôi mắt cận thị với cái trán gồ. Nhưng dẫu cho bạn tôi có nhớ đến cái xấu đáng giận của mình cũng không hề gì mấy,- anh ta cũng vẫn sung sướng được, bởi vì người thiếu nữ hình như không trọng bề ngoài lắm, và hình như chỉ cảm riêng vì tấm lòng quý báu của anh Văn tôi.Coi lối ăn mặc nhã nhặn của cô ta, Văn đoán là người nền nếp ở tỉnh nhỏ. Thế thì cô đã không có cái thói đỏng đảnh khinh người như bọn tiểu thư Hà Nội, họ chỉ ưa chuộng những công tử tốt mã bề ngoài. Anh ta lại thấy cô kia đi có một mình nên mới lấy thứ giọng bao dung và rất nhã nhặn mà hỏi:- Thưa cô, cô đi đâu?- Thưa ông, em xuống Hà Nội.- Thưa cô, cô xuống chơi hay có việc?- Thưa ông, em xuống hỏi nợ một người chịu tiền hàng.Rồi cô ta hỏi lại Văn:- Ông cũng về Hà Nội ư?- Thưa cô vâng.Thế rồi câu chuyện của hai người cứ thân thiết hơn, đằm thắm hơn lên, mà con mắt đắm đuối của người thiếu nữ thêm lóng lánh, thêm tình tứ...Anh Văn thì chưa thấy bao giờ mình có duyên đến thế.Anh ta cười bằng miệng cười xinh đẹp nhất, hắng giọng luôn để đỡ cảm động, và cứ chớp hoài đôi mắt cận thị để cho mình biết chắc rằng đây là sự thực, chứ không phải trong giấc mơ. Người bạn tốt của tôi thực không ngờ rằng lại được hưởng những giây phút êm đềm quá đáng ấy.Mà cái hạnh phúc mỗi lúc một tăng lên! Một lần tầu đỗ, hành khách lên ít, xuống nhiều. Người thiếu nữ lại ngồi nhích ra một bên, để cho Văn ta được ngồi cạnh. Lại một lần khác, người thiếu nữ đánh rơi chiếc khăn tay lụa, anh Văn nhặt lên hộ, lúc trả, được chạm đến bàn tay ngà ngọc của mỹ nhân. Rồi lại được mỹ nhân mời ăn trầu. Văn răng trắng, diện tây, nhưng cũng nhận lấy một cách rất lịch sự.Anh ta cứ hết lòng cảm tạ sự tình cờ đã làm cho anh gặp được người thiếu nữ, và trong trí đã thấy trước những chuyện tình duyên êm ái sau này. Có một người nhan sắc để mà yêu, để mà nhớ thương, để mà mong đợi đến cái ngày tốt đẹp kia là ngày được sánh vai người ngọc! ồ, còn gì sung sướng cho đời người hơn! Anh Văn thường ngỏ riêng với tôi rằng: "Tôi xấu thế này, chỉ mong lấy được một người có duyên thôi, thế cũng đủ mãn nguyện". Thế mà người thiếu nữ kia đã có duyên lại đẹp, lại sắc sảo, lại lễ phép, lại con nhà nền nếp, đủ mọi điều hay! Mà lại còn tỏ ra lòng quyến luyến anh Văn nữa kia! Cho nên một lời nói của cô ta, một cử chỉ của cô ta, cùng những ý tứ ở đầu mày cuối mắt cô ta, đã khiến cho trái tim bạn tôi nhiều lần đập mạnh lên dữ dội.Ngồi bên một người đẹp như thế thì đường dài đến đâu cũng là ngắn. Chả mấy chốc, xe lửa đã tới Gia Lâm.Rồi qua cầu.Rồi qua ga Đầu Cầu.Mọi người đều thu xếp để xuống. Người thiếu nữ buộc lại khăn vuông ra đằng sau gáy rồi đến đứng bên một cái va ly là hành lý của cô ta. Anh Văn lại bên hỏi:- Cô có ai ra đón tầu không?- Thưa ông, không ạ!Văn mừng thầm sẽ được dịp xách hộ va ly. Anh ta lại nói:- Từ Hàng Da tới Cửa Nam cũng gần, vậy trước khi ngược Yên Bái, cô ghé qua vào chơi nhà tôi.- Xin vâng.Người thiếu nữ lúc ấy đưa đầu ra ngoài cửa sổ trông về phía ga.Tầu dần dần chạy chậm lại. Văn đang tìm câu gì nói nữa bỗng nhiên cô ta quay lại, tái mặt đi. Văn ân cần hỏi thì cô ta gượng cười đáp:- Em đi tầu không quen, nên vừa đứng dậy đã chóng mặt.- Thế mà tôi tưởng cô phải cảm... Nhưng cô ngồi xuống, không mệt thêm.Người thiếu nữ ngồi xuống, mỉm cười nhìn Văn bằng đôi mắt mệt nhọc, dịu dàng và... âu yếm. Văn sướng quá, đỏ cả má, đỏ cả mũi, lần hết túi ba đờ xuy đến túi áo trong định tìm một vật mà không thấy, rồi phàn nàn:- Buồn quá! Tôi bỏ quên lọ dầu ở nhà ông bạn rồi. Không thì cô lấy một chút xoa cũng đỡ.- Nhưng không hề gì cả! Em cũng chỉ choáng váng một chút thôi.- Tuy thế cô cũng nên ngồi yên đấy để tôi mang hành lý xuống trước đưa cho mấy người nhà đứng đợi ở ga rồi tôi lên đón cô sau.Người thiếu nữ tỏ ý mừng rỡ và cám ơn Văn, nhưng cũng nói:- Như thế phiền ông quá.- Không. Nào, cô có những gì?- Em chỉ có cái va ly đó thôi. Nhưng phiền ông quá!- Không có gì mà phiền. Tôi đi không cũng thế.Lúc ấy tầu vừa đỗ.Cái va ly nặng lắm mà Văn ta làm ra bộ rất khỏe, coi như rất nhẹ, rồi hăng hái xách bước xuống sân ga. Bấy giờ thì anh ta cao lớn lực lưỡng lắm.Người thiếu nữ đứng trông theo Văn, tay bóp thái dương. Anh ta thấy mỏi cánh tay mà chưa dám nghỉ vội. Đi đến gần lối ra hạng ba, anh ta mới dám đặt va ly xuống. Đợi một lúc mà đám người chen chúc trước mặt vẫn không chịu tiến lên, Văn nóng ruột hỏi một người đi cạnh mình:- Sao lại đứng cả lại thế này?Người ấy trả lời:- Họ khám hành lý.Văn quay lại nhìn thì người thiếu nữ chắc đã ngồi xuống, trông qua cửa sổ xe hỏa không thấy nữa... Văn sợ cô ta đợi lâu quá liền cố sức lách lên trước thì bị mấy người đội đoan cản lại, bắt đưa va ly cho họ xem.Một người lính đoan bảo Văn:- Chúng tôi vừa nghe tin báo có người đem thuốc phiện lậu đến Hà Nội nên phải khám hành khách.Văn mỉm cười, đáp:- à, tưởng gì!Vừa nói dứt lời thì cái va ly người thiếu nữ gửi, mở tung ra, trong thấy đầy những hộp bằng đồng, gắn kín và to bằng quyển sách dầy cộp.Một người đội đoan cười gằn, nói tiếng Pháp:- Lần này thì anh không thoát được tay tôi!Văn chưa hiểu ra sao thì đã bị người ta điệu về sở Thương chính.Tuy rằng bạn tôi hết sức phân trần rằng mình là con nhà lương thiện, không bao giờ làm điều trái phép, nhưng không ai tin. Cái va ly thuốc phiện lậu đó là cái cớ buộc tội rất hùng hồn. Anh ta khai rằng anh ta quá tin người, rằng người ta lợi dụng mình; song nhất định không chịu nói rằng đó là một người con gái.Nhờ nhiều người có thế lực che chở nên Văn mới được tại ngoại hậu cứu, sau khi bị giam đến gần nửa tháng - từ hăm ba tháng chạp tới mồng mười tháng giêng. Đến lúc ra tòa, anh ta mạnh thầy cãi, nên chỉ phải phạt có hai tháng tù án treo với bồi thường cho sở Thương chính ba nghìn bạc.Lúc kể chuyện này cho tôi nghe xong, bạn tôi thản nhiên kết luận:"Tuy vậy, tôi cũng được ngồi nói chuyện với người nhan sắc ấy... hơn hai tiếng đồng hồ".Rút từ tập truyện ngắnBên đường thiên lôi, 1936.