Chàng thi nhân đầu bạc

Nguyễn đáp một con đò dọc chở gạo và cá khô từ bến thuyền đầu sông Luộc. Chàng đã đi bộ từ quê vợ ở Quỳnh Côi đến ngã ba sông Nhị Hà. Ðoạn đường đáng ra chỉ đi mất nửa buổi mà chàng phải bỏ ra một ngày đêm vì bạn bè níu kéo. Khăn xếp, áo lương màu lam, vắt vai cái tay nải cũng màu lam, chàng lững thững trên đường làng như một thầy địa lý. Chàng nghĩ: ”Giá làm thầy địa thì tóc mình đâu có bạc sớm thế này!”
Ông tú kép Sinh Từ cùng vợ đang quẩy con lợn nọc, bắt gặp chàng trên đường đến chợ Lĩnh. Thấy Nguyễn, ông quẳng con lợn xuống đất đánh thịch, chào hỏi rối rít. Không từ được lời mời, chàng đành rẽ vào nhà ông tú. Vậy mà lúc quyết định ra đi chàng tự bảo sẽ không báo cho ai. ở nhà ông tú Sinh Từ, chủ khách chỉ uống hết một nậm rượu quê nhưng Nguyễn đã kịp đọc cho ông nghe sáu bài thơ mới làm gần đây thay lời từ biệt Bắc hà. Vậy là một buổi sáng mất toi mà chàng chỉ mới rời nhà ông anh vợ được hai dặm đường. Ông tú tiễn chàng, gạt nước mắt bảo: “Bác ra đi chuyến này làm gì cũng được, chỉ xin đừng để người ta đánh què mà mất một người tài.” Nguyễn cười buồn nói: “Tài ăn khoai cả vỏ! Nếu không bị đánh què chắc chẳng đi hết kiếp văn chương!” Ông tú dậm chân, khóc nhìn theo. Tính ông vốn bộc bạch thế.
Gần tối, Nguyễn đến địa phận Duyên Hà. Chàng đã định bụng ghé thăm ông cử Nhạc, bèn rẽ vào cái ngõ trúc. Ngọn trúc kết thành vòm mát rượi trên đầu. Tháng tư, ong bay vo ve quanh chàng.
Ðêm đó, hai người thức đến canh hai. Khi Nguyễn cởi khăn xếp ra, ông cử nhìn chàng, hốt hoảng: ”Ba mươi tuổi mà đầu đã bạc thế ư? Bọn nhà thơ thời nay nó hèn, tóc chúng nó không bạc như tóc chú đâu!” Nguyễn không đáp. Bà cử Nhạc cũng là người hay chữ, tính nết lại thích đùa. Bà bảo: “Về kinh gặp nữ sĩ mà mang cái đầu bạc thế kia chắc là không xong rồi. Hay là để tôi nhuộm cho. Giã lá đắng cay mà nhuộm thì cứ là đen nhánh.” Nguyễn chua chát: ”Khéo đầu cô ấy còn trắng hơn cả đầu tôi đấy, bà chị ạ“. Chàng chợt buồn, nhớ tới mối tình của mình.
Bên nậm rượu và hai cái chén chũm cau đời Khang Hy, ông cử ngồi uống với khách. Khác với ông tú Sinh Từ đã một thời chít khăn đầu rìu đi học võ mưu đánh Tây Sơn, ông cử Nhạc không xuất, không xử mà chỉ ngồi đọc thơ biên tái đời Ðường. Ông nói: “Tôi chỉ trung với vua Nghiêu. Phù nhi bất tranh, tôi không thi bơi với thuồng luồng. “Mười năm lưu lạc quê người, Nguyễn chỉ kết thân với hai người đó. Một người muốn kéo chàng vào chỗ binh đao. Người kia khuyên chàng ẩn mình sau ngõ trúc. Chàng chơi vơi ở giữa. Mười năm! Làm thằng con trai “vô lại”, chẳng nên cơm cháo gì, chỉ chuốc lấy một cái đầu trắng toát giữa tuổi ba mươi. Một thân thể gầy còm vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Một tâm tư rối bời, lạc lối. Một bầu đoàn thê tử nheo nhóc. Và một mối tình như trăng non, gió thoảng. Ba mươi tuổi, chàng tưởng đã quỵ dưới gánh nợ đời. Nhưng chàng không ngã. Chàng lại ra đi, tay nải bên vai. Thư kiếm vô thành, sinh kế xúc, chàng rất đắc ý với câu thơ của mình.
Ông cử Nhạc hỏi: “Lần này chú định đi đâu?” Nguyễn đáp: “Em về quê.” Ông cử nói: “Thế là phải. Vua Quang Trung chết được ba năm rồi.” Nguyễn ngẩng đầu: “Nhưng tiếng gươm đao còn loảng xoảng khắp nơi. Chưa ai chịu tra gươm vào vỏ.” Ông cử làm thinh một lúc. Rồi ông đặt tay lên vai Nguyễn: “Ðó không phải là việc của chú. Núi Hồng Lĩnh đẹp, chết đói ở đó cũng thơm.” Nguyễn buồn rầu: “Trời cho em cái chân hạc, cắt ngắn đi làm sao được?” Ông cử bảo: “Ðời người có hai lần vui. Một lần đang ngạt trong bụng mẹ mà thoát ra khóc được một tiếng. Một lần được ngủ một giấc dài, không bị vợ con đánh thức. Thế là đời.” Nguyễn cười: “Tiếc là em chỉ mới được hưởng một lần.” Từ đó đến canh hai, mỗi người uống ba chén rượu nếp, nhìn nhau mà không nói câu nào nữa.
Bà cử dậy sớm thổi cơm nếp, gói cho Nguyễn một nắm. Hai ông bà tiễn chàng tận bến đò. Khác với vẻ mặt đăm chiêu của chồng, bà vui vẻ bảo: “Nhờ anh cho tôi gửi lời thăm cô Xuân Hương. Thơ anh thì phải đạo mà thơ cô ấy lại tục! Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom. Khiếp! Bà nhìn ông cử thăm dò. Thấy ông không nói gì, bà tiếp: “Cứ nỗi nhớ với niềm thương nỉ non như bọn làm thơ hiện nay thì nghe êm tai thật. Nhưng dám đưa cái hỏm hòm hom ra mà giỡn mặt vua quan với bọn cơ hội, bọn đạo đức giả thì cũng sướng cho cánh đàn bà hèn mọn chúng tôi.” Nguyễn đỏ mặt, tuy trên cổ chàng nổi nhiều đường gân xanh. Chàng nói: “Bà chị ơi, đời này chỉ có tình người với cái ấy là thật, còn ra, cái gì cũng giả”.
Ðúng thế, Nguyễn tự nghĩ, chính chàng cũng có dám sống thật đâu? Miệng thương người nghèo mà trước đây chàng vẫn ung dung sống trong lầu son gác tía của cha mẹ. Cha chàng luôn nói thương dân mà vẫn gom từng miếng đất của đám dân nghèo Nghi Xuân vốn đã suốt đời kiết xác để vun quén cho con cháu. Chàng muốn mộng mơ mà vẫn giữ khẩu khí trung quân, lòng tin cạn đến đáy mà cứ cố hướng về giấc mộng khôi phục thời hoàng kim của tiên triều. Chàng ăn chực ở độ mười năm mà chỉ biết than thân, chứ đâu có dám cầm giỏ đi mò ốc đỡ vợ được một bữa.
Chàng nhớ tới con rắn mối quen thuộc vẫn leo quanh bờ rào nơi quê vợ, tiếng ếch nhái kêu rên trong ao cạn, những con giun chui từ lỗ lên bò loằng ngoằng trên nền nhà ẩm ướt. Chàng đã làm gì? Ðã làm gì? Chẳng làm gì hết. Chàng chỉ làm được mấy bài thơ tự thán. Lại còn rưng rưng cảm động khi được mời làm chủ buổi tế tư văn giữa đám hào mục thối nát ấy nữa chứ!
Bà cử đặt vào tay chàng một tờ hoa tiên viết chữ. Bà nói: ”Cho tôi gửi Hồ nữ sĩ. Nói hộ là đừng cười lời thơ quê kệch. Ước sao được mấy búp sen tự tay cô ấy hái để ướp chè!” Nguyễn chua chát: “Hoa để tặng người mình sợ, e bà chị chẳng có phần đâu.” Bà cử nói: “Cô ấy thì sợ ai!”
Thuyền đã vào sông Nhị Hà. Nguyễn vẫn nhìn thấy hai vợ chồng ông cử đứng nhìn theo. Tuy hai người không phải Uông Luân, nước sông Nhị không sâu ba ngàn trượng. Nhưng tình thương của hai người đối với chàng chẳng kém người xưa!
Nguyễn đưa tay cởi mối giây lạt, mở cánh cửa ngõ tre. Trên đầu chàng một khoảng trống cao vời, màu xanh không tận của thơ Lý Bạch. Bầu trời hiện ra giữa những tán cây vây quanh khu vườn và mấy gian nhà tranh. ở phường Khán Xuân mà chàng chỉ thấy hơi thu ngự trị. Ðất ẩm ướt, cây mát lạnh, hồ Tây lãng đãng và buồn. Hay chính lòng chàng ẩm và lạnh? Những ngày ở Thăng Long với anh và cha, đi học, đi thi, đi càn quấy “dẫm lên hoa rụng”, ôm mộng công hầu, say mê đèn sách và cả cung kiếm, tất cả buổi trưa đời, chàng đã để lại sau lưng
Chàng đang sống lại mùa hè năm đó, lúc đang là một ông quan võ ở Thái nguyên. Chàng ghé qua Thăng Long trên đường về Sơn Tây thăm anh là quan Tả thị lang bộ Binh, kiêm Hiệp Trấn xứ Ðoài. Thăng Long đối với chàng còn quen thuộc hơn cả núi Hồng Lĩnh và bến Giang Ðình ở Nghi Xuân. Chàng cởi áo lãnh binh, thử làm lính một hôm. Như các chú lính, chàng lê la quán rượu. Cũng say sưa, cũng đập phá, cũng chọc ghẹo như ai. Không ai nhận ra chàng. Chàng đã xa kinh thành mấy năm. Cha chàng chỉ còn là một hào quang mờ dần, chỉ được người ta nhắc tới giữa những danh gia vọng tộc đang chia lìa, xâu xé và chán nản trước giông bão thời cuộc.
Nhưng rượu và thú vui tửu quán không an ủi được chàng, không trả lại cho chàng thời thơ trẻ, cái thời mê chơi giữa lũ “đồng du hiệp thiếu”! Chàng uể oải rời quán rượu, một mình trên con đường nhỏ ven hồ. Trước mặt chàng có ba chàng trai, nhìn qua lưng và vai cũng biết là học trò, đang lẽo đẽo theo sau một cô gái. Nắng chiếu lên vạt áo tứ thân và chiếc lưng ong. Cô gái không đẹp. Nhưng cô đang giận. Chàng cảm nhận được cơn giận ấy trong dáng đi của cô. Ba chàng học trò đang buông những lời chọc ghẹo cợt nhả và những câu thơ thối sau lưng cô gái. Như hết chịu nổi, nàng đứng lại, đọc to bằng giọng Nghệ trọ trẹ rất quen thuộc với chàng: ”Này khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ!”... Xong câu đầu của bài tứ tuyệt, nàng đọc tiếp ba câu sau. Tim chàng se lại vì liên tài. Chàng vừa chạm phải ngọn lửa bỏng rát và hiếm hoi của tài năng. Chàng bước dấn lên, bảo ba cậu học trò cũng bằng cái giọng xứ Nghệ ít khi được chàng sử dụng: “Xéo đi, không nước hồ sẽ thối hoắc vì thơ của các ông đấy.” Rồi chàng phá lên cười, tiếng cười sảng khoái của một ông quan võ giữa đám lính. Ba chàng học trò bám tay nhau rẽ vào một lối nhỏ.
Ðêm ấy, trong ba gian nhà tranh Cổ Nguyệt Ðường, Nguyễn Du đã được ăn trầu của Hồ xuân Hương. Những miếng trầu têm theo kiểu Nghệ, hơi thô, không bay bướm như trầu cánh phượng nhưng hạt cau đỏ thắm như son. Trong cơi trầu là một bài thơ nôm viết trên tờ hoa tiên làng Bưởi:
Quả cau nho nhỏ miếng giầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi
Nhiều năm đã trôi qua, hôm nay Nguyễn phân vân đứng trước ngõ Cổ Nguyệt Ðường. Hương hoa trong vườn không thoảng mùi hương ngày trước. Chàng tưởng mình đang lạc bước vào cổng chùa.
U già ra đón chàng. Bà vẫn nhận ra Nguyễn. Trước đây, khi chàng tới ngâm vịnh với nữ sĩ, việc đầu tiên bà làm là ra ngay đầu ngõ, kéo cánh cổng khoá lại, không cho khách đến sau vào nhà. Danh tiếng cô chủ lan xa, tài tử kinh kỳ đều ghé qua nhà nàng khi họ lên Hồ Tây vãn cảnh. Nhưng bà lão biết rõ mà cũng rất lấy làm lạ, không hiểu vì sao nàng chỉ thật chân tình với mỗi ông quan võ Nguyễn Du mà ông ta lại đã có vợ rồi!
Bà lão khóc: ”Cô đi làm lẽ người ta rồi ông ơi!”
Nguyễn không nói gì. Chàng đứng im như một cây trúc trên mảnh sân mọc rêu vì ít người qua lại. Chàng gầy đến nỗi như lẫn vào cây cỏ quanh mình. Chàng đang cảm nhận được qua da thịt và sờ mó tận tay nỗi đau của đời người, Của chính đời chàng và người đàn bà tài hoa mệnh bạc. Chàng khóc. Có thể ba trăm năm nữa mới có người khóc chàng. Nhưng giờ đây chàng đang khóc cho một người đàn bà, cho một mối tình. Những giọt nước mắt chắt ra từ thân thể gầy còm của chàng. Chàng nhớ đã viết tặng nàng khi hai người cùng đi hái sen ven Hồ Tây: Hoa tặng người mình sợ - Gương tặng người mình yêu... Nhưng nàng đã tặng hoa cho chàng, người mình yêu. Còn gương sen tuổi xuân của mình, nàng đưa cho người lấy nàng làm lẽ! Nàng đã không biết sợ.
Chàng không muốn nấn ná ở ngôi nhà tranh thân thiết có tên Cổ Nguyệt Ðường nữa. Chàng cũng không muốn lưu lại Thăng Long. Chàng phải về! Về với Hồng Lĩnh, sông Lam của chàng. Ðể làm gì ư? Ðể sống. Chàng phải sống như một con người có quyền được sống. Lần đầu tiên trong đời, chàng không nghĩ tới Vua, đến mộng trung quân mà nghĩ tới bản thân mình. Chàng muốn sống như một kẻ lê dân trong thập loại chúng sinh.
Nguyễn bước ra khỏi bóng những tán cây. Nhiều năm sau, khi đặt bút viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thêm một dòng lạc thảo đề tặng Xuân Hương, người đã dạy cho chàng không biết sợ. Nhưng rồi chàng lại xoá đi.
Kim Giang 1996

Truyện Người Vợ Lẽ
  • Đã xem 74833 lần. --!!tach_noi_dung!!--


    Người đàn bà đợi ở bến xe

    --!!tach_noi_dung!!--
    Sau khi li dị, Toản quyết định không lấy vợ nữa. Anh không thổ lộ ý tưởng ấy với ai, gom tiền mua một căn hộ trong khu chung cư "hác lem". Sắm sửa các thứ tối thiểu trong nhà xong, anh thành tay trắng. Nhưng Toản tự thấy được an ủi là từ nay trong nhà anh không có đàn bà. Ðàn bà, với anh là chị vợ cũ, người anh đã yêu khi chưa biết thế nào là tình yêu. Ðã cưới khi chưa biết thế nào là hôn nhân. Ðầu tiên anh mất ăn mất ngủ vì nụ cười lộ hai hàm răng trắng và đều, khi chị cho anh hôn, anh nhớ mãi vị ngọt của nụ hôn đầu tiên trong đời, khi anh cùng chị đi chơi ngoại thành mắc mưa, phải đứng với nhau ba tiếng đồng hồ trong một cái điếm canh đê, anh bàng hoàng chạm phải da thịt cùng làn sóng lạ lẫm đang dâng lên khắp nơi trên thân thể chị. Và sau đêm đó ở cái điếm canh đê chị đòi anh cưới. Chị nói không thể sống mà không có anh. Còn anh, anh thèm thuồng nhớ lại chuyện xẩy ra trong điếm canh đê, anh muốn làm như thế một lần nữa, lần nữa. Và anh cưới chị, hai người ở trong căn hộ cơ quan phân phối cho anh khi còn độc thân, những ngày đầu tiên tuyệt vời, anh đi làm về đã thấy một mâm cơm trên bàn còn trên tấm trải giường màu hoa lựu là chị nằm đọc cái gì đó, khi mặc một bộ váy ngủ, khi không mặc gì cả để đón anh và anh bỏ mặc mâm cơm, đổ xuống chị như một cây chuối bị đốn bởi niềm đam mê. Giờ thì anh không còn nhớ gì đến những chuyện đó nữa, nụ hôn, cái điếm canh đê trong cơn mưa, bộ váy ngủ và những làn sóng dâng lên nhấn chìm anh trong phút chốc. Anh chỉ còn nhớ một người đàn bà. Anh nhớ chị lục tìm trong áo khoác anh cái ví, chị rút tệp giấy bạc kỳ lương còm của anh ra, chị thấp nước bọt lên ngón tay, đếm từng tờ rồi bĩu môi nhìn anh đang ngồi bó gối trên chiếc ghế dựa cũ xin của cơ quan, anh co rúm lại trong sự bất lực về mình, về cái nghề bạc bẽo và công việc bèo bọt của anh ở cơ quan nơi có người kiếm tháng năm bảy trăm đô còn những loại như anh chỉ lĩnh năm bảy trăm ngàn tiền Việt. Anh nhớ những lần chị vùng dậy ngồi lên vặn người rồi ra nhà tắm trút bỏ một cách kiên quyết những gì anh đã cho chị như thải một thứ ô nhiễm độc hại nhất, chị nói chị sẽ không bao giờ có con với một thằng "giẻ cùi" và hối là đã nhẹ dạ. Anh nhớ nét mặt lạnh và tỉnh bơ khi chị bắt đầu giai đoạn ra phố sau bữa cơm tối, về rất muộn, vốn "sĩ" và nhu nhược, anh không hỏi chị đi đâu cho đến một đêm chị không về, cho đến một ngày, sau khi anh đi công tác vào Sông Bé bảy tháng, khi anh về, chị trâng tráo nói với anh là chị đã có thai được ba tháng rồi. "Bây giờ anh muốn làm gì thì làm, tuỳ anh" Anh nhớ câu nói ấy và chỉ nhớ câu nói ấy với nét mặt trâng tráo thách thức sáng ngời khoái cảm của người ăn vụng.
    Anh mừng là căn hộ mới của anh không có đàn bà.
    Như mọi buổi chiều, anh ra bến xe buýt cách cơ quan không xa để chờ xe về nhà. Chiếc Honda 81 anh đã phải "đi ở" để trả nốt số nợ mua căn hộ vào năm ngoái. Anh đã quen không đi xe máy mà đi xe buýt, chìều nào anh cũng đi chuyến xe cuối cùng chưa bao giờ bị nhỡ. Anh nghiệm ra nhu cầu của con người có chất cao-su, giả định không còn xe buýt mà phải đi bộ thì anh cũng sẽ đi bộ một cách vui vẻ như khi chuyển từ xe máy sang xe buýt. Anh ngồi lên chiếc ghế của trạm đợi xe dọc đường trong đầu nhâm nhi cái ý nghĩ A.Q rằng mình "dùng" xe buýt nhà nước còn sướng gấp vạn mấy thằng đi xe máy đội mũ sắt mồm bịt khẩu trang như lính cứu hoả đang vật lộn với bụi đường và đồng loại. Cho nên anh quên không nhìn thấy một người đàn bà ôm đứa con nhỏ đang co ro ngồi tít một đầu ghế. Trời rất lạnh, có mưa nhỏ rơi tí tách lâm thâm trên mặt đường. Khi nhìn ra chỉ có mình và người đàn bà ôm con nhỏ chờ chuyến xe vét qua trạm này, anh luống cuống như chính anh vừa hẹn chị ta ra đây với anh chứ không phải tình cờ. Anh đỏ mặt vì lạnh, vì bối rối. Sau ngày ly hôn anh không đi với người đàn bà nào ngoài phố. Trong các cuộc họp cơ quan, anh đứng dậy đi chỗ khác ngay nếu có một cô mắt xanh mỏ đỏ hay cả bà tạp vụ xồ xề ngẫu nhiên ngồi xuống cạnh mình. Anh chưa hề nói với ai là anh không ưa gần phụ nữ. Chỉ anh biết là, mỗi lần nói chuyện với họ, ngồi bên họ là anh lại thấy lại, nhớ lại chị và câu nói tỉnh bơ đầy vẻ hân hoan.
    Ðường phố đã lên đèn. Dãy đèn cao áp vàng khè trong mưa. Người đàn bà bế con ngồi xích lại gần anh, nhìn anh khẩn khoản:
    - Nhờ ông bế hộ cháu một tẹo, tôi đang lo là không còn chuyến xe nào nữa.
    - Chị đi đâu? - anh hỏi - nếu xe đến thì sao?
    - Tôi đi một chút thôi. Nếu xe đến thì ông đặt cháu xuống ghế giúp tôi.
    Anh không nỡ chối từ. Vốn ít tò mò,anh cũng không hỏi chị đi đâu. Anh nhận đứa bé từ tay chị. Thằng bé khoảng chẵn năm, má đỏ hồng, ngủ say sưa trong mớ quần áo ấm không sang trọng gì lắm nhưng cũng không thể nói là tồi. Mùi sữa, mùi hơi thở trẻ con phả vào anh làm anh bừng tỉnh.
    - Nhờ ông trông hộ cái túi.
    Chị nói rồi chạy vào trong mưa. Anh nhìn theo, thấy chị đến chỗ bức tường bao một cái sân chơi. Chị ta ngồi xuống, mất dạng trong bóng tối của bức tường đổ xuống một vệt dài và anh hiểu chị gửi con cho anh để làm gì. Anh xấu hổ, tự trách mình sao lại nhìn theo chị. Vừa lúc đó chiếc xe buýt quen thuộc mang số 56 trờ tới. Thấy chỉ có mình anh ôm đứa bé ngồi trên ghế đợi, anh phụ xe lao đầu ra: Chờ xe thì lên! Anh không trả lời. Trên tay anh đang có thằng bé và cạnh anh là cái túi của người đàn bà. Làm sao anh có thể để lại hai thứ đó trên chiếc ghế. Chiếc xe buýt không dừng, tăng ga rời trạm chờ. Anh nhìn theo, dửng dưng. Ði bộ về nhà mất khoảng nửa giờ nhưng trời lạnh thì cũng chẳng ngại. Anh ôm chặt thằng bé vào lòng vì thấy nó cựa quậy trong vòng tay. Anh ngồi như thế một lúc. Anh không lo lắng gì về phần mình mà chỉ lo cho người đàn bà. Liệu chị ta có tiền để gọi một chiếc xe ôm hay không?
    <\/script>')