Hồi 41
Cái Phút Trùng Phùng

Quan Sơn Nguyệt nhìn theo bóng Thị Thơ, lòng rộn lên vạn ý niềm, mạch cảm hoài lai láng đưa chàng vào man mác bâng khuâng.
Những ngày xa xưa tiếp nối hiện lên trong tâm tư, tuy thời gian qua lâu, đã lâu lắm rồi, chàng xem như mới hôm qua, hôm kia thôi!
Cùng ân sư sống cuộc đời bình lặng tại sa mạc của miền Đại Qua Bích, công việc hằng ngày của chàng tiếp diễn đều đều, những công việc đó là chăn ngựa, luyện công, học võ, đọc sách...
Rồi chàng đại diện sư phụ, dự đại hội quần hùng, cũng tại vùng sa mạc đó, lần thứ nhất, chàng cỡi con bạch đà, chàng cầm Minh Đà Lịnh, nhiệt huyết bốc bừng, hiếu thắng dâng cao, chí khí hùng anh sôi lần như núi lửa há miệng phun tràn.
Chàng trúng độc, chàng thọ thương, thiếu sống, thừa chết, may mắn thay lại gặp Trương Thanh, nàng săn sóc chàng, chàng cảm kích nàng, từ cảm kích đi đến mến yêu, chỉ là con đường gang tấc. Tuy nhiên, chàng chưa hề tỏ ý, mà nàng cũng chẳng biểu lộ gì, cả hai tình trong như đã, mặt ngoài còn e...
Sau đó, chàng trúng độc lần thứ hai. Và cũng Trương Thanh chiêu liệu cho chàng. Và cả hai lại càng khắng khít hơn...
Nhưng, một hình bóng mới chen vào cuộc sống của chàng, dù chàng không tiếp nhận.
Tại đại hội Long Hoa, chàng gặp Liễu Y Ảo, dù ân sư là Độc Cô Minh và Lam Hương Đình Tiên Tử quyết tác hợp chàng với Liễu Y Ảo, chàng vẫn khước từ, bởi tâm tư chàng đã dành trọn cho bóng hình nàng thiếu nữ có nhiều ân đối với chàng, mà cũng là người đã mang lại cho chàng mối tình đầu. Do đó, chàng bất chấp những bất ngờ chờ đợi trước đoạn đường, sẵn sàng đi theo Bành Cúc Nhân, để tái ngộ người xưa cũ.
Đến đây, chẳng phải là hoàn toàn vô sự, có thể bảo là chàng mạo hiểm phi thường.
Và, bây giờ, mọi việc tạm thời lắng dịu, đương nhiên chàng nôn nóng gặp mặt Trương Thanh.
Trước mặt chàng, cách độ vài mươi trượng, tòa tiểu các hiện rõ, Quan Sơn Nguyệt vừa phóng chân chạy đi, vừa gọi to:
– Trương Thanh! Thanh muội! Ngu huynh đây, ngu huynh đã đến rồi đây!
Quan đại ca của Thanh muội đến rồi đây!
Chàng đinh ninh là Trương Thanh sẽ chắp đôi cánh mà bay ra tiếp đón chàng. Nào ngờ, chàng gọi đến khàn giọng mà chẳng có tiếng đáp lại, cũng chẳng có bóng người chạy đến nghinh đón chàng. Chỉ có những tiếng dội vang lên, từ bốn phía vách núi vọng về, âm u, lơi lỏng...
Quan Sơn Nguyệt hết sức kỳ quái. Dừng mấy phút, chàng gọi tiếp:
– Trương Thanh! Thanh muội! Ngu huynh đến đây! Quan Sơn Nguyệt đây!
Vẫn như trước, chung quanh vắng lặng đến hãi hùng, ngoài những tiếng vang từ vách núi vọng, chẳng còn nghe thấy gì khác.
Chàng khẩn trương ra mặt, gấp bước tiến lên. Đến cửa tòa tiểu các, chàng không cần nhìn trước nhìn sau, xem tả xem hữu, cứ chạy vào.
Không một bóng người ở từng dưới.
Quan Sơn Nguyệt lên từng trên, đảo nhanh mắt quanh một vòng, thấy màn còn rủ xuống, ngọn đèn đốt sáng, nhưng vẫn không một bóng người!
Chàng sững sờ, đứng lại, cất tiếng gọi to:
– Thanh muội ở đâu?
Chàng vòng ra phía sau, đến một gian phòng nhỏ, thấy hai nàng tiểu tỳ, tuổi độ mười bốn, mười lăm, đang nằm trên nền nhà!
Một nàng bị chém vở sọ, máu còn rỉ chảy, nhưng hơi thở đã dứt từ lâu. Nàng kia mường tượng bị điểm huyệt.
Quan Sơn Nguyệt kinh hãi, biết ngay là có biến cố vừa phát sanh tại đây, lập tức chàng nâng nàng tiểu tỳ chưa chết đó, khám nghiệm nàng một lúc, nhận ra nàng bị điểm huyệt với một thủ pháp khá nặng.
Muốn biết sự gì đã xảy ra tại đây, thì trước hết phải giải cứu tiểu tỳ này. Giải cứu nàng, chàng phải cỡi y phục nàng ra, tìm đúng huyệt đạo, y theo phương pháp, cấp cứu.
Quan Sơn Nguyệt mất mấy phút giây cứu chữa cho tiểu tỳ, dần dần nàng tỉnh lại.
Vừa mở mắt ra, trông thấy Quan Sơn Nguyệt, nàng thét lên khủng khiếp.
Quan Sơn Nguyệt dùng giọng hết sức dịu dàng, hỏi:
– Đừng sợ, tiểu cô nương! Tại hạ vừa cứu tiểu cô nương hổi tỉnh lại đó, chứ chẳng có ác ý gì đối với cô nương đâu! Hãy cho tại hạ biết, Trương cô nương đã đi đâu rồi?
Tiểu tỳ nhìn chàng, niềm sợ hãi vẫn còn vương nơi đôi mắt, nhưng nàng không nói gì cả.
Quan Sơn Nguyệt khẩn cấp cực độ, giục:
– Nói đi chứ, tiểu cô nương! Trương cô nương đi đâu rồi? Tiểu cô nương và vị cô nương kia, làm sao mà ra nông nổi như vậy?
Tiểu tỳ vẫn nín lặng.
Quan Sơn Nguyệt cứ tưởng là nàng chẳng biết chàng, nên không chịu nói, vội xưng tên:
– Tại hạ là Quan Sơn Nguyệt...
Tiểu tỳ biến sắc, vụt đứng lên, đưa tay chỉ về khung cửa hậu hấp tấp thốt:
– Đại ca Quan Sơn Nguyệt đây sao? Đại ca Quan Sơn Nguyệt của tiểu thơ!
Tiểu thơ từng nhắc nhở đến tướng công...
Quan Sơn Nguyệt chận lại:
– Mà Trương cô nương đi đâu rồi?
Tiểu tỳ nói:
– Tiểu thơ vừa bị Phi Tràng đánh đuổi, chạy ra ngã đó! Tôi là Tiểu Hồng, còn một chị nữa, tên là Tiểu Lục. Tiểu Lục bị dì Phi Tràng chém chết...
Quan Sơn Nguyệt giật bắn mình, không còn lòng dạ nào đứng nghe tiểu tỳ nói thêm, lập tức phóng mình qua cửa sổ, chạy đi về hướng do Tiểu Hồng đã chỉ.
Tiểu Hồng đứng trên cửa sổ nhìn theo chàng, bỗng kêu lên:
– Rẽ qua bên tả, tướng công ơi!
Quan Sơn Nguyệt nghe gọi, dừng chân ngay. Nhưng chàng không tin, bởi trước mắt chàng chỉ có mỗi một con đường duy nhất, mà hai bên thì vách núi đứng sừng sựng.
Tòa Lưu Ly biệt phủ nầy được kiến tạo ngay trên đỉnh cao, chỉ có con đường đó là lối lên xuống thôi.
Tiểu Hồng gọi tiếp:
– Không sai đâu, tướng công. Phi Tràng đuổi đến đó, tiểu thơ nhảy xuống hố, Phi Tràng cũng nhảy theo.
Quan Sơn Nguyệt bước đến cạnh gành đá, nhìn xuống, ức độ chiều sâu nhận ra từ trên xuống dưới, phỏng độ ba bốn mươi trượng.
Hố sâu quá, làm gì có người dám nhảy xuống đó, nếu không là tự tử?
Chàng càng không tin hơn, Tiểu Hồng lại gọi:
– Quan tướng công ơi! Tôi không lừa tướng công đâu! Sự thật là Phi Tràng xách kiếm đến, bức tiểu thơ phải theo, tiểu thơ thoạt đầu không chịu đi, sau bị uy hiếp, nên phải chạy đến đó. Tiểu Lục có ra ngăn cản Phi Tràng, bị Phi Tràng chém vở sọ, còn tôi cũng bị điểm huyệt luôn.
Quan Sơn Nguyệt «hừ» một tiếng:
– Cô nương bị điểm huyệt, ngã bất tỉnh, thì làm sao trông thấy tiểu thơ chạy về ngõ nầy và nhảy xuống hố chứ?
Tiểu Hồng giậm chân:
– Tôi bị điểm huyệt, song không hôn mê, tai vẫn nghe, mắt vẫn thấy như thường. Tiểu thơ nhảy qua cửa sổ ra ngoài, Phi Tràng cấp tốc theo sau, tôi còn nghe Phi Tràng thốt:
«Dù ngươi nhảy xuống hố, ta cũng quyết nhảy theo ngươi, đừng tưởng xuống hố mà thoát khỏi tay ta!» Đến lúc đó, tôi khiếp quá chừng, mới bất tỉnh luôn...
Quan Sơn Nguyệt nhận ra, nàng có vẻ thành thật, liền hỏi:
– Bên dưới hố là đâu?
Tiểu Hồng đáp:
– Bên dưới là một khu rừng, qua khỏi khu rừng có một ngọn suối, ăn thông đến vùng ngoài núi...
Quan Sơn Nguyệt không còn thì giờ hỏi thêm gì nữa, nhún chân tung bổng người lên, uốn cầu vồng, lao xuống hố sâu. Lần thứ nhất, chàng lao mình xuống hố sâu như vậy, dù sao thì chàng cũng rợn người, song nghĩ Trương Thanh đang gặp cảnh nguy, chàng còn cố chi đến thân mình nữa chứ?
Nơi chàng đáp xuống, là một mô đá nhô lên, cao hơn khoảng chung quanh và bên dưới mô đá đó là một sơn cốc.
Lạ lùng thay, chân chàng vừa chạm trúng mô đá, thì mô đá tụt xuống, như là một vật lỏng chân, bị sức nặng của chàng ấn mạnh, lún nhanh vào lòng đất.
Dĩ nhiên, Quan Sơn Nguyệt không hề tưởng là có sự kiện như vậy. Và tự nhiên, chàng không thể có một phản ứng kịp thời.
Cả người lẩn đá rơi xuống một dòng suối, mà suối lại sâu cực độ, chừng như không đáy, nước chảy gấp. Người và đá rơi xuống, nước bắn lên thành hoa, nước chảy đi, mặt suối bình lặng lại như cũ.
Đá, dĩ nhiên chìm luôn, còn người cũng chưa nhô lên.
Tiểu Hồng đã rời Lưu Ly Biệt Phủ, ra đến bên cạnh gành đá, nó chưa kịp nhìn xuống bên dưới, xem sự thể ra sao, đột nhiên Phi Tràng xuất hiện bên cạnh nó, nàng nhìn xuống, thấy Quan Sơn Nguyệt chìm trong dòng suối, khẽ đập tay lên đầu vai Tiểu Hồng, thốt:
– Khá lắm, Tiểu Hồng! Ngươi làm xem được quá chừng! Bây giờ thì chúng ta ly khai nơi nầy gấp!
Cả hai đến bên cạnh một tảng đá gần đó, bế Trương Thanh lên.
Trương Thanh hôn mê trầm trầm, để mặc cho Phi Tràng rút dây lưng, ràng rịt chắc chắn rồi, phóng chân chạy theo con đường mà trước đó, Quan Sơn Nguyệt định chạy đi, nếu Tiểu Hồng không ngăn cản.
–––– oo –––– Tại Quảng Hàn Cung, người nào cũng lộ vẻ trầm trọng nơi gương mặt. Họ ngồi như thế mãi chẳng biết được bao lâu rồi, từ cái phút Quan Sơn Nguyệt rơi xuống suối.
Bạch Thiết Hận cuối cùng, không dằn được cơn uất hận, gằn từng tiếng:
– Sự tình như thế đó mà phu nhân vẫn còn bênh vực, chở che tiểu súc sanh được à? Lão phu nghĩ là hắn sẽ âm mưu với Phi Tràng, định làm một cái gì phi thường đó nhé! Rồi phu nhân sẽ tiếp đón hậu quả!
Nguyệt Hoa Phu Nhân cau mày:
– Có thể nào Quan Sơn Nguyệt âm thầm đưa Trương Thanh ly khai nơi nầy chăng?
Bạch Thiết Hận cười lạnh:
– Phu nhân lấy cái tâm tư khỉ mà đo cái tâm của người để khi người! Quan Sơn Nguyệt đã biết mình là con của phu nhân rồi, thì hắn cũng biết luôn là chẳng có gì trở ngại cho hắn cùng sum họp với Trương Thanh, biết như vậy, hắn mang Trương Thanh đi đâu làm chi nữa chứ? Vả lại, dù đi hay ở, hắn cần gì phải giết người?
Cầm Khiêu cau mày, chen vào:
– Thuộc hạ tin chắc là chẳng hề có việc mang người trốn đi. Lẽ thứ nhất, công tử không cần phải làm như vậy, lẽ thứ hai, là Tiểu Hồng cũng mất tích, chính điều đó khó hiểu hơn hết. Tiểu Hồng và Tiểu Lục, là hai tỳ nữ của phu nhân, phu nhân sai phái đến Lưu Ly Biệt Phủ hầu hạ Trương cô nương, theo sự hiểu biết của thuộc hạ thì cả hai nàng chẳng hòa hiệp gì với nhau cho lắm. Bây giờ, Tiểu Lục chết, Tiểu Hồng mất dạng, như thế là có mưu mô gì đó, có mưu mô cướp Trương cô nương mang đi...
Nguyệt Hoa Phu Nhân hấp tấp hỏi:
– Còn Quan Sơn Nguyệt?
Cầm Khiêu trầm gương mặt, thở dài:
– Có hai giải thích về trường hợp Quan công tử. Hoặc, công tử phát hiện ra Trương cô nương thất tung, suy đoán qua tình hình, biết là có biến cố, nên lập tức truy tầm. Còn... giải thích thứ hai thi... thuộc hạ không dám nói rõ...
Nguyệt Hoa Phu Nhân giục:
– Nói đi, cứ nói! Trong trường hợp nầy mà ngươi còn gìn giữ đắn đo nữa sao chứ?
Cầm Khiêu lại thở dài:
– Quan công tử có thể bị mưu hại!
Nguyệt Hoa Phu Nhân hét:
– Nói nhảm! Nếu hắn chết, hắn phải còn cái xác của hắn chứ...
Cầm Khiêu tiếp tục thở dài lượt nữa:
– Dưới đỉnh Lưu Ly Phong, có dòng suối sâu rộng, xuyên qua rừng trúc, nước chảy xiết, mà hòn đá nổi giữa suối mất luôn! Thuộc hạ thấy rằng, giải thích thứ hai gần sự thật hơn...
Nguyệt Hoa Phu Nhân trầm gương mặt, nín lặng.
Bạch Thiết Hận kêu lên:
– Nếu đúng là Quan Sơn Nguyệt bị ám toán, thì lão phu nhất định không tha thứ cho tiểu súc sanh!
Nguyệt Hoa Phu Nhân bối rối:
– Đà Ông! Chưa có gì rõ rệt mà...
Bạch Thiết Hận căm hờn chận lại:
– Cả hai, cùng là con của phu nhân, đúng ra thì lão phu không cần quan tâm đến sự việc của chúng làm gì. Nhưng, Quan Sơn Nguyệt là giọt máu của vị cố hữu, lão phu đâu có thể để cho bất cứ ai muốn khinh thường hắn thì khinh?
Dù hắn chết, cái chết của hắn cũng phải minh bạch...
Lão thốt xong, đứng lên liền.
Nguyệt Hoa Phu Nhân hấp tấp kêu lên:
– Đà Ông đi đâu đó?
Bạch Thiết Hận nói:
– Lão phu ngay từ bây giờ, đi tìm tiểu súc sanh, nếu Quan Sơn Nguyệt chẳng việc gì, thì lão phu sẽ dung tha hắn, ngược lại thì hắn phải chết với lão phu.
Lúc đó, phu nhân đừng trách lão phu sao nở hạ thủ đoạn tàn độc! Lưu Ảo Phu cũng là con, Quan Sơn Nguyệt cũng là con, song một gã thì do phu nhân nuôi dưỡng từ nhỏ đến lớn, sống quanh quẩn bên phu nhân qua nhiều năm tháng, còn một người thì mẫu tử vừa trùng phùng, phu nhân đã bỏ hắn bơ vơ nơi quê người xứ lạ. Cũng đồng con nhưng một lại hưởng trọn ân tình mẫu tử, một thì bị phó mặc cho dòng đời cuốn, như thế đủ chứng tỏ sự thân sơ, hậu bạc. Bình sanh lão phu chỉ có mỗi một điệt nhi, tự nhiên lão phu phải chiếu cố đến Quan Sơn Nguyệt.
Dù phu nhân có ý nghĩ như thế nào, lão phu không thể cãi biến chủ ý của lão phu.
Lão phu phải làm sao cho xứng đáng với cái tình thâm trọng của người cố hữu nơi suối vàng, y luôn luôn nhìn về lão phu, chờ thấy một chứng cứ của sự tương tri!
Thốt xong, lão bước đi liền.
Nguyệt Hoa Phu Nhân không ngăn chặn, mà cũng chẳng nói gì thêm nữa.
Mãi đến khi Bạch Thiết Hận khuất dạng rồi, bà mới buột miệng than:
– Hoàng thiên! Hoàng thiên! Tại sao lại an bài cho già một số kiếp quá chua cay như thế nầy? Tại sao lại dành cho già quá nhiều ngang trái? Ảo Phu ơi!
Con hành động như thế, con có biết là đã làm cho mẹ thương tâm cùng cực chăng?
Bà khóc! Bà khóc nhẹ nhàng, nhưng cái tâm của bà nát nhừ không còn một mảnh nhỏ.
Lâu lắm, bà mới lau lệ, gọi bọn thị giả:
– Cầm khiêu! Tư Kỳ! Hai ngươi theo dòng con suối của khu rừng trúc, tìm xem có chi khả nghi chăng. Giả như Quan Sơn Nguyệt bị hãm hại, thì ít nhất cái xác của hắn cũng còn đó. Chữ Trà lưu lại đây bảo vệ Quảng Hàn Cung, còn Thị Thơ và Nhập Hoạch thì đi theo ta.
Chữ Trà kinh hãi:
– Phu nhân định ly khai ngọn núi nầy?
Nguyệt Hoa Phu Nhân gật đầu:
– Ta phải xuất ngoại, bởi làm sao ta ngồi yên một chỗ khi những sự việc quan trọng như vậy đã xảy ra? Ta phải tìm cho được Lưu Ảo Phu trước khi Bạch Đà Tử gặp hắn. Ta sẽ hỏi hắn rõ ràng, nếu quả thật chính hắn đã làm cái việc đó, thì ta chẳng để cho Bạch Đà Tử giết hắn đâu!
Cầm Khiêu biến sắc:
– Phu nhân muốn...
Nguyệt Hoa Phu Nhân trầm giọng:
– Các ngươi yên trí, ta sẽ tự tay giết hắn! Khi nào ta che chở cho hắn được nữa, khi lương tri của hắn đã táng tận hoàn toàn?
Những thị giả nghe phu nhân nói thế, đều sững sờ. Nhưng tất cả đều thấy nhẹ người, bất quá, họ không ngờ chính phu nhân lại có thể nói được câu đó. Bởi ai cũng căm hận Lưu Ảo Phu, ai ai cũng muốn giết chết hắn. Hắn là con người nguy hiểm, vô tình nhất trước con mắt của họ. Hắn là cây đinh trong con mắt của họ từ lâu, và mãi đến hôm nay, niềm phẫn hận đó đã được đưa lên cao độ qua những gì Lưu Ảo Phu vừa làm.
Tuy nhiên, dù sao thì họ cũng là người ngoài, họ chẳng có liên quan mật thiết với hắn, họ có thể thù hận hắn, đến sát hại hắn được. Chứ còn phu nhân, là mẫu thân hắn, mẫu thân lại có thái độ quyết liệt với một đứa con như vậy, nghĩ ra cũng là một điều thương tâm! Cho nên, hận Lưu Ảo Phu, họ vẫn hận như thường, mà thương hại phu nhân thì đương nhiên họ cũng thượng hại quá chừng.
Trong phút giây thông cảm sự khó khăn của Nguyệt Hoa Phu Nhân, họ sững sờ, chẳng một ai dám nói tiếng nào, hoặc tán đồng, hoặc ngăn chặn, hoặc an ủi bà.
Lâu lắm, Cầm Khiêu mới cất tiếng:
– Bây giờ, thuộc hạ xin đi thi hành công tác do phu nhân vừa giao phó.
Quan công tử là người lành, hẳn trời cao phù hộ, thiết tưởng chẳng đến đổi nào...
Nguyệt Hoa Phu Nhân gật đầu:
– Ta hy vọng được như lời ngươi nói! Nếu hắn thoát chết thì thôi, bằng chẳng may hắn vắn số, các ngươi hãy mang thi hài của hắn, lên đỉnh núi an táng.
Bất cứ kết quả phần việc của các ngươi như thế nào, các ngươi cứ xuôi về Nam, tìm ta, báo cáo cho ta biết sự tình. Ta độ Lưu Ảo Phu sẽ đi về miền Điền Nam Nhĩ Hải chứ không đi nơi nào khác. Bởi, nơi đó là sanh quán của phụ thân hắn.
Cầm Khiêu gật đầu.
Rồi mọi người cùng phân công phần việc ai nấy lo!
–––– oo –––– Trên con đường về Nam, gần địa phận Điền Trấn, có ba bóng người, tuy là ba người chứ không đơn độc, song họ tịch mịch làm sao.
Họ vượt lộ trình, nhưng họ chẳng khác nào những kẻ lạc loài, lạc mạc đến thê lương, họ có ba người, song ngựa thì đến bốn con.
Nguyệt Hoa Phu Nhân Lê Thu Cúc ngồi trên lưng con ngựa đen, dẫn đầu.
Nhập Hoạch cỡi con ngựa màu yên chi, đi giữa. Thị Thơ ngồi ngựa cũng màu đen, đi sau. Cuối cùng, là con Minh Đà của Quan Sơn Nguyệt, chứ chẳng phải là một con ngựa, trên lưng Minh Đà, có cây Độc Cước Đồng Nhân.
Minh Đà, Đồng Nhân là tín hiệu của Minh Đà Lịnh Chủ. Đà và vật còn đây, mà người đi đâu? Cho nên dọc đường, khách giang hồ gặp cảnh đó, không khỏi thắc mắc, và nghi vấn phát sanh trong tâm tư mọi người. Ngoài ra, khách giang hồ còn chú ý đến đoàn người dẫn dắt Minh Đà vượt lộ trình dài hầu như vô định.
Chẳng ai hiểu lai lịch của đoàn người đó.
Bởi phu nhân ngày nay là con người mới lạ đối với hào kiệt vũ lâm, sau mấy mươi năm vắng bóng trên giang hồ.
Bà ngồi ngựa quý, hông đeo kiếm, y phục huy hoàng, tuy tuổi về chiều mà phong độ vẫn chưa tàn phai.
Thị Thơ và Nhập Hoạch cũng có phong thái siêu trần, họ là những phần tử được ưu đãi nhất trong thế nhân.
Một đoàn người như thế, vừa có vẻ hiên ngang, vừa phiêu nhiên thoát tục, ai trông vào mà chẳng hâm mộ! Song, hâm mộ là một việc, hiếu kỳ lại là một việc khác, huống chi, đoàn người đó lại có dẫn con Minh Đà theo.
Nói đến Minh Đà, là nói đến một bộ phận của sinh hoạt vũ lâm, bởi ngày nay ai ai cũng nghe danh Quan Sơn Nguyệt.
Đoàn người nầy có liên quan gì đến Minh Đà Lịnh Chủ? Mà Minh Đà Lịnh Chủ xuất hiện là trong vũ lâm phải có một cục diện xoay chiều.
Giờ đây, thú và vật dụng còn đó, mà người lại đi đâu?
Đoàn người nầy, xem thì ung dung, phiêu dật, song tại sao họ lại lạc mạc thê lương như thế?
Người ta lấy làm lạ, người ta bàn tán, suy luận đủ điều, nhưng làm gì có người biết được họ xuất phát từ Quảng Hàn Cung tại Đại Ba Sơn?
May ra, chỉ có mỗi một mình Bành Cúc Nhân là hiểu được mà thôi.
Hiện tại, họ đã ly khai Đại Ba Sơn được mười lăm hôm rồi, và họ sắp sửa vào đất Điền.
Sở dĩ họ lạc mạc thê lương, mất hẳn niềm phấn khởi, bởi gần đến đất Điền, họ cảm thấy tình hình không thuận lợi như họ dự đoán lúc khởi hành.
Họ vừa qua huyện Nghi Tân, thì phía sau họ, có một đoàn người khác, theo dõi. Song, họ không tỏ lộ một hành động nào, cứ để cho đoàn người đó âm thầm theo sau.
Họ vượt Bạch Thủy, qua Oai Ninh, đến Tuyên Oai, trên con đường lớn đã nhiều lượt rồi, có một vài người mấy lượt vượt qua mặt họ, nhưng vượt rồi lại đi luôn, chứ không hỏi han gì, không nhìn họ. Dĩ nhiên, những người đó đều ngồi ngựa, và phần đông thuộc hạng cao niên. Cũng có những tiểu tử vào lứa tuổi mười ba, mười bốn.
Trong con mắt của Nguyệt Hoa Phu Nhân, những người đó dù già dù trẻ, đều có vũ công rất cao, kiêm luôn cả nội ngoại công phu. Nguyệt Hoa Phu Nhân luôn luôn đề cao cảnh giác, bởi bà biết ngay họ đã chuyển sang giai đoạn hành động rồi đó. Bất quá bà chưa biết họ sẽ hành động như thế nào, nhưng chắc chắn là bất lợi cho bà.
Từ âm thầm theo dõi, họ đã bắt đầu dàn mặt, thì từ sự dàn mặt đến hành động, hẳn không xa lắm.
Lần sau hết, trong số các người vượt ngựa qua mặt phu nhân, có một trung niên phụ nhân.
Thấy người đó rồi, phu nhân giật mình, gọi Nhập Hoạch và Thị Thơ, thốt:
– Ta tin chắc, có sự phiền phức chờ đợi chúng ta ở phía trước!
Nhập Hoạch hấp tấp hỏi:
– Làm sao phu nhân biết được?
Nguyệt Hoa Phu Nhân «hừ» nhẹ:
– Hôm nay, có rất nhiều người vượt qua mặt chúng ta. Những người đó chẳng phải là bọn tầm thường, họ lại đặc biệt chú ý đến ta, dù sự chú ý không lộ liễu lắm. Như vậy là bọn họ quan tâm đến bọn mình rồi đó. Vừa rồi một phụ nhân lại qua mặt chúng ta, mà người nầy có vẻ cao minh hơn bọn kia nhiều. Cứ theo sự suy đoán của ta thì tất cả đều thuộc một tổ chức nào đó, mà phụ nhân kia là vị chỉ huy tối thượng. Nhất định họ đang chờ chúng ta ở một địa điểm phía trước!
Nhập Hoạch lấy làm lạ:
– Hơn hai mươi năm qua, chúng ta có bôn tẩu trên giang hồ đâu, thì làm gì có cừu, có oán, mà có kẻ đón chận chúng ta, gây sự?
Nguyệt Hoa Phu Nhân cười lạnh:
– Cần gì phải có lý do rõ rệt mới sanh sự được? Người trên giang hồ, có lối hành động gần như hồ đồ, và họ có ngàn lẻ một lý do gây khó khăn cho bất cứ ai, nếu họ muốn, dĩ nhiên những lý do được tạo dựng trắng trợn, rồi nhân tranh biện mà thành xô xát! Ngươi đừng quên khi người ta có ý, thì dù muốn dù không, ngươi cũng phải rơi vào tròng, trừ ra ngươi không làm con người nữa, và ngươi sẵn sàng thọ nhục để cầu an. Vì dĩ ta biết như vậy, cho nên trong hai mươi năm qua, ta thoái xuất giang hồ, ta chỉ sợ câu dẫn những điều ngoài ý muốn.
Bà thởi dài tiếp:
– Thế mà ta vẫn không tránh thoát! Và giờ đây, ta sắp sửa đón nhận cái vô lý của sinh hoạt giang hồ đó!
Phía trước, là một rừng táo, trước rừng táo, có một khoảng đất rộng, trống trải. Nơi đó, có mấy con ngựa, cương cột vào cội cây. Trên khoảng đất, có rất nhiều người đang quy tụ.
Từ xa xa, Nguyệt Hoa Phu Nhân đã trông thấy rõ những người đó, gồm cả già lẫn trẻ, cũng có mặt luôn phụ nhân sau cùng vượt qua mặt bọn Nguyệt Hoa Phu Nhân. Phụ nhân đó đang ngồi tại trung ương, những người kia bao bọc bên ngoài.
Đám người đó vừa thấy bọn Nguyệt Hoa Phu Nhân xuất hiện, lập tức đứng lên, tản ra, chừng như định ngăn chặn đường.
Nguyệt Hoa Phu Nhân bảo Nhập Hoạch và Thị Thơ:
– Ta nói có sai đâu!
Vốn tính háo sự, Nhập Hoạch cho ngựa vọt lên, qua mặt Nguyệt Hoa Phu Nhân, tự nguyện làm cái việc xung phong, đồng thời kêu lên sang sảng:
– Tránh ra! Tránh! Đừng có chặn đường người ta như vậy!
Nàng cứ rong ngựa thẳng vào đám người đó, họ có tránh hay không, mặc họ, chứ nàng thì nhất định không tránh rồi. Bởi, từ cổ chí kim, chẳng có luật lệ nào cho phép nhiều người nhóm họp ngay giữa đường bao giờ, trừ khi những kẻ đó cố ý.
Ngựa của Nhập Hoạch đến rất gần đám người.
Bỗng một bé gái nhanh nhẹn lướt tới, nắm giây hàm ngựa của Nhập Hoạch, cao giọng bảo nàng:
– Nhảy xuống mau! Bọn ta có việc cần hỏi ngươi!
Ngựa thuộc loài quý, lúc chạy nhanh, hẳn cái đà chạy phải mạnh, bé gái nắm giây hàm nó, giữ lại, đứng liền. Đứng như thế, hẳn phải khó khăn cho nó lắm, cũng may là bé gái giữ chặt, nếu không thì nó phải ngã hoặc con ngựa sẽ lộn mình, cất cao hai chân sau lên...
Trong trường hợp đó, Nhập Hoạch có thể bị hất tung lên không, nếu nàng không có phản ứng kịp thời.
Nhưng, cũng may luôn cho nàng, là con bé đưa tay kia nắm luôn nàng lôi xuống đường, nhờ thế mà nàng khỏi bị ngựa hất.
Nhập Hoạch nổi giận, vung roi ngựa quất vào đầu con bé. Nó lập tức hụp, chui qua cổ ngựa, sang bên kia.
Chính con ngựa lãnh ngọn roi đó nơi cổ, Nhập Hoạch quất mạnh ngọn roi đó làm tét một đường da nơi cổ ngựa, máu chảy ròng ròng.
Con bé sang bên kia ngựa, quay mình lại, trông thấy máu ngựa chảy ra, nó lại bước đến gần con thú, đưa tay chặt vào chỗ thọ thương của thú, thú lập tức nhủn bốn chân, rồi ngã xuống. Con bé cười hì hì, thốt:
– Ngựa của ngươi là thứ ngựa chứng, cỡi nó mà đi đường xa, không tốt đâu.
Bỏ đi, hãy tìm con khác mà dùng.
Tự nhiên, Nhập Hoạch phải hiểu là sắp có sự phiền phức cho bọn nàng rồi và con bé nầy xuất thủ chế ngự ngựa của nàng, bất quá là một cuộc mở màn cho biến cố nào đó. Con bé là người trong nhóm kia, nó hành động như vậy, mà chẳng một ai can thiệp ngăn chận nó, đã thế, cũng chẳng ai tránh đường. Thì ra là họ cố ý gây sự thật rồi.
Nguyệt Hoa Phu Nhân và Thị Thơ từ phía hậu tiến lên, còn trong khoảng cách vừa tầm, cùng dừng ngựa lại, song cũng như đám người kia, cả hai không biểu hiện một thái độ nào, mường tượng sự tình vừa xảy ra chẳng mảy mai liên quan đến họ và Nhập Hoạch là con người hoàn toàn xa lạ đối với ho.
Qua thái độ của Nguyệt Hoa Phu Nhân, Nhập Hoạch biết là bà không cấm chỉ nàng gây sự, do đó, nàng phấn động oai khí, hầm hầm gương mặt, bước tới, không nói năng một tiếng nào, rút thanh trường kiếm dưới yên ngựa cầm tay, quắt mắt nhìn con bé, quát:
– Tiểu quỷ, tại sao ngươi sát hại ngựa của ta?
Con bé cười hì hì:
– Ta đã nói rồi mà, con ngựa của ngươi không có giá trị, nó là con ngựa chứng, ngươi không thấy sao? Ngươi điều khiển nó, nó bất tuân, chạy loạn, suýt đạp bừa vào bọn ta, cũng may mà ta có học qua cách thức chế phục ngựa, ta ngăn chặn nó kịp thời đấy. Ta giết nó là để cứu bao nhiêu người khỏi bị nó giẫm đạp. Ngươi còn dùng nó nữa là mang họa đấy nhé! Ta giết nó để tránh cho ngươi cái họa trong tương lai, ngươi phải biết ơn ta chứ, sao lại còn trách cứ ta là nghĩa gì? Nếu ngươi hẹp hòi, ta sẽ tìm con ngựa khác, đền bù cho ngươi.
Nhập Hoạch nổi giận:
– Được! Được! Thế thì ngươi đền đi! Ngươi phải biết nó trị giá bao nhiêu đấy, đền ngựa thì ít nhất cũng ngang giá trị, đền tiền thì đương nhiên phải có khoảng thiệt hại tinh thần cho ta!
Con bé đảo mắt quan sát ngựa yên chi của Nhập Hoạch, lại cười hì hì:
– Ngươi mua con ngựa nầy dùng thay thế cước lực, thì đúng là hồ đồ quá, thứ nầy chỉ được đưa vào lò sát sanh, cho bọn đồ tể banh da, xẻ thịt, bán ra thiên hạ dùng, cứ năm phân tiền một cân thịt, nó không ốm lắm, có thể bán thịt được vài lượng bạc...
Nhập Hoạch hét to:
– Vài lượng bạc? Ngươi đánh giá nó bằng một con gà phải không? Cho ngươi biết, ta mua nó với số tiền đúng một ngàn lượng đấy!
Con bé cười vang:
– Nói khoác quá đi thôi, dù cho nhập ngươi lại với ngựa, người và ngựa cũng chưa trị giá được một ngàn lượng, huống hồ chỉ một con ngựa suông!
Nhập Hoạch đang tìm cớ để phát tác, thì con bé khinh miệt nàng như vậy, đúng là nó cho nàng một cái cớ rồi. Nàng chụp ngay cái cớ đó, vung kiếm dứ dứ trên đầu con bé, quát:
– Tiểu quỷ! Ngươi dám ăn nói như thế với ta à?
Con bé rút thấp cổ, tránh xa xa lưỡi kiếm, nó làm như quá sợ, nó lùi lại, kêu lên:
– Oái cha cha! Cướp! Kẻ cướp đây rồi! Cướp bà chứ chẳng phải cướp ông.
Cướp cái ơi! Ngươi định giết người sao chứ?
Thực ra, nó rút cổ, nó lùi, nó làm đúng theo một cái thế võ cực kỳ ảo diệu, dĩ nhiên nó tránh nhát kiếm của Nhập Hoạch rất dễ dàng.
Nhập Hoạch cười lạnh, vung tay lượt nữa, kiếm quang chớp lên, lần nầy thì con bé không tránh, bởi kiếm quang của Nhập Hoạch bao phủ quanh mình nó, nó muốn lùi cũng không lùi được. Nhập Hoạch gằn giọng:
– Đừng lừa đảo, ngươi phải đền cho ta ngàn lượng, không có ngàn lượng thì nạp mạng thay tiền.
Con bé nhảy qua tả, trở sang hữu, choi choi qua lại mà vẫn không thoát khỏi vần kiếm quang, bắt buộc nói phải dừng chân, rồi như liều, nó lướt vào gần Nhập Hoạch, bất chấp những mũi kiếm tua tủa chỉa về phía nó. Nó rít lên:
– Giết ta đi! Giết ta mà trừ ngàn lượng bạc! Ta đem sanh mạng của ta đền cho ngươi đó!
Thực ra, Nhập Hoạch đâu có muốn gây tổn thương cho nó? Cho nên, nàng thu kiếm về.
Ngờ đâu, con bé lợi dụng cơ hội nàng thu kiếm, vọt tới luôn, đồng thời hét lên:
– Nữ cường đạo! Nữ tặc! Ngươi tùy tiện vung kiếm uy hiếm người, thì ngươi có ác ý rõ rệt đó!
Thu kiếm về, Nhập Hoạch sơ ý, không dè dặt, bởi nàng chỉ tưởng là con bé liều mạng khi biết không thoát chết, nhưng nó không lùi, trái lại tiến tới luôn, thành ra, nó xuất thủ thình lình, nàng lãnh đúng một quyền nơi hông, quyền lực của nó khá mạnh, tuy không làm cho nàng đau đớn lắm, cũng đủ bức nàng lùi lại mấy bước.
Nàng sôi giận, vung kiếm chém loạn, tuy là chém loạn chứ nàng cũng bao gồm đủ ba bộ phận thượng trung hạ của con bé.
Chiêu thức của Nhập Hoạch đưa ra, vừa nhanh vừa độc, con bé mường tượng không tưởng là đối tượng lợi hại như thế, nên nó hấp tấp ngã ngửa về phía hậu, lăn mình mấy vòng, mới thoái khỏi áp lực của kiếm pháp đối phương.
Nhập Hoạch toan đuổi theo, con bé lăn luôn đến cạnh một nữ nhân tác trung niên, rối rít kêu lên:
– Tiên tử ơi! Tiên tử cho phép tỳ nữ xuất thủ nhé!
Nữ nhân trung niên gật đầu:
– Linh Cô, cứ tự tiện. Nên nhớ là đối phương có kiếm pháp tân kỳ, ngươi phải cẩn thận đấy nhé!
Con bé «vâng» một tiếng, trở lại chỗ nó ngồi trước đó, rút đôi đoản kiếm cầm tay.
Ánh thép chớp lên, một thứ ánh sáng xanh của những thanh kiếm báu, nhìn qua ai ai cũng hiểu đoản kiếm sắc bén lạ thường. Đôi kiếm dài độ hai thước, so với những đoản kiếm thường xuất hiện trên giang hồ, thì ngắn hơn độ thước.
Cầm đôi đoản kiếm, nó bước tới, đối diện với Nhập Hoạch, nó vươn đôi kiếm ra, chỉ thẳng vào mặt Nhập Hoạch cao giọng thốt:
– Nữ tặc! Đừng tưởng trên đời nầy chỉ có mỗi một người biết dùng kiếm mà thôi! Ngươi hãy thưởng thức cái tài múa kiếm của ta đây, xem có bằng ngươi hay chăng!
Liếc mắt qua đôi đoản kiếm của con bé, Nhập Hoạch có ý khinh thường.
Nàng bĩu môi, thốt:
– Ta có thừa công đâu để giáo huấn những trẻ nít như ngươi? Hãy gọi các vị trưởng thượng của ngươi lại đây, đối thoại với ta!
Con bé cười lạnh:
– Vừa rồi, ta tay không, thì ngươi tỏ vẻ hùng hùng hổ hổ, tưởng chừng có thể nuốt sống ta vậy. Rồi bây giờ, ta có vũ khí, ngươi lại không dám cùng ta so kiếm, thế có đúng là ngươi hèn nhát không chứ? Yên trí đi, nếu ngươi thắng được đôi kiếm nầy thì sẽ có người trưởng thượng của ta ra mặt, hỏi tội ngươi. Giả như ngươi khiếp quá, thì ta cũng có thể chấp thuận cho ngươi nghiêng mình trước mặt ta, cúi đầu lạy ba lượt, gọi ta là tiểu tổ mẫu, ta sẽ cười ba tiếng và tha ngay.
Nhập Hoạch nóng tính hơn hết tại Quảng Hàn Cung, khi nào tiêu hóa nổi câu nói hỗn hào của con bé, hét lên oang oang, vung kiếm chém liền.
Con bé ngang nhiên múa đôi đoản kiếm nghinh đón, nó dùng song kiếm nên có lợi hơn, gia dĩ nó lại nhanh tay, một kiếm hất vẹt kiếm của Nhập Hoạch, kiếm kia thừa trống công vào. Nó nhắm ngay huyệt Tướng Đài của Nhập Hoạch mà đâm kiếm kia phá thế công của địch rồi lại quay về thủ hộ phía trước ngực.
Chạm kiếm lần thứ nhất, Nhập Hoạch nhận ra con bé có công lực đáng sợ, nàng giật mình, không ngờ nó mới có bao nhiêu tuổi đó mà mức tu vi của nó rất thâm hậu như vậy. Nàng hấp tấp thu kiếm về, giữ thế thủ. Tuy nàng ngăn chặn được chiêu kiếm của con bé, song không khỏi bối rối phần nào.
Con bé cười hì hì:
– Sao? Ngươi thấy chưa? Ta đã nói lợi hại lắm mà!
Nhập Hoạch thẹn quá hóa giận, bỏ ngay thế thủ, chuyển sang thế công, vung kiếm chém tới, kiếm quang chớp chớp, ngàn ánh sao hiện lên, rơi ào ào xuống đầu con bé.
Con bé khoa song kiếm tạo thành một bức tường vững chắc, ngăn chặn trận mưa sao, ngàn tiếng va chạm vang lên xoang xoảng, nghe rợn người.
Kiếm chạm kiếm, lửa bắn tung tóe, tia lửa đua nhau chớp với ánh sao, trông rất ngoạn mục, mà cũng rất kinh hồn.
Trong khoảng khắc, song phương đã trao đổi hơn mười chiêu.
Cục diện vẫn ở trong thế quân bình.