Hồi 34
Tình Là Dây Oan

Minh Đà lướt vó xuống núi như bay, gió chiều từ đồng nội cuộn về, mang cái mát dịu xoa mệt cho khách lữ hành, song riêng Quan Sơn Nguyệt không nghe nhiệt độ trong người lắng xuống mảy mai.
Chàng nôn nóng cực độ, Minh Đà vừa rời cục trường là chàng hỏi ngay Bành Cúc Nhân:
– Đại Nương! Việc gì đã xảy đến cho Trương Thanh?
Bành Cúc Nhân thở dài:
– Bịnh! Cơn bịnh đến hồi nguy kịch!
Chừng như Quan Sơn Nguyệt không tin như vậy, lại hỏi:
– Làm sao mà nàng thọ bịnh?
Bành Cúc Nhân «hừ» một tiếng:
– Bịnh đến, là thọ bịnh, là mang bịnh, chứ còn làm sao nữa? Chẳng lẽ con người ăn ngũ cốc, ăn đủ loại vật thực, trong một cơn bất thường nào đó, không thể ngã bịnh à?
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Tiểu điệt đâu có ý nghĩ như thế đâu, đại nương! Chẳng qua, tiểu điệt lấy làm lạ là, ngoại tổ nàng, thân phụ nàng, đều là những bậc danh y, nàng phải được hai vị đó truyền cho ít nhiều tri thức về y học, nàng phải biết cách bảo dưỡng, dù có lâm bịnh đi nữa, hẳn nàng cũng hiểu phương pháp chữa trị hữu hiệu chứ! Tại sao lại để cho cơn bịnh chuyển sang giai đoạn nguy kịch?
Bành Cúc Nhân nhếch nụ cười khổ:
– Dược liệu chỉ chữa trị những chứng bịnh về cơ thể, chứ còn về tâm bịnh thì dù cho Hoa Đà, Biển Thước có sống lại cũng phải chào thua!
Quan Sơn Nguyệt sững sờ. Một lúc lâu, chàng hỏi tiếp:
– Nàng còn thắc mắc về thân phụ của nàng à? Nàng uất hận về phong thinh quanh phụ thân nàng à?
Bành Cúc Nhân gật đầu.
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Lạ thật! Gia gia nàng làm sao thì làm, hành vi của lão ấy có quan hệ gì đến nàng đâu! Huống chi, tại đại hội Long Hoa vừa qua, tiểu điệt có gặp Trương Vân Trúc, cứ theo lời lão thuật sơ lược thì bên trong sự tình có nhiều uẩn khúc, và chừng như những việc đó, chẳng phải do y làm nên...
Bành Cúc Nhân gật đầu:
– Nàng cũng có nghe như vậy. Chính nàng có đến từng môn phái một, những nơi có bị thiệt hại ít nhiều, người ta cũng cho nàng biết là không hẳn Trương Vân Trúc đã hành động như vậy, và ai ai cũng nghi ngờ có một bàn tay bí mật nào đó gây ra tội tình...
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp hỏi:
– Thế thì Trương Thanh còn lý do gì mà uất hận đến độ, phải mang bịnh nặng?
Bành Cúc Nhân lộ vẻ buồn thảm ra mặt:
– Hầu hết các môn phái đều không tin quyết là Trương Vân Trúc có làm điều thiệt hại cho họ, riêng tại Âm Sơn thì...
Bà thở dài, rồi tiếp:
– Vô Cực Kiếm Phái lại quả quyết là người dụ hoặc thiếu nữ tiên Âm Lệ Hoa, chính là Trương Vân Trúc!
Quan Sơn Nguyệt giật mình, lắc đầu luôn mấy lượt:
– Không! Không thể có điều đó! Chính tiểu điệt có hỏi qua Trương Vân Trúc, lão cực lực phủ nhận việc ấy. Và tiểu điệt rất tin tưởng Trương bá bá không thể có hành động quá hèn đến mức độ đó!
Bành Cúc Nhân cười lạnh:
– Công tử dễ tin người quá chừng! Trương Thanh cô nương đã điều tra đích xác sự tình rồi, nhất định không thể lầm.
Quan Sơn Nguyệt vẫn không tin:
– Bằng vào đâu mà Trương Thanh dám quả quyết là Trương bá bá có tội?
Bành Cúc Nhân lắc đầu:
– Già nói làm sao được? Công tử muốn biết, cứ hỏi nàng thì biết! Già thú thật không được hiểu rành cho lắm, bất quá, già dám đoán định là Trương Vân Trúc không nói đúng sự thật với công tử. Nếu lão ta là con người tốt, thì chẳng khi nào lão lại chịu giao tiếp với bọn sứ giả Ma Cung.
Quan Sơn Nguyệt nín lặng. Chàng không cãi lý, song chàng vẫn tin tưởng là Trương Vân Trúc không bao giờ làm cái việc quá khốn nạn đó được. Còn như, lão ta có theo bọn sứ giả Ma Cung, thì điều đó hiểu nhiên rồi, lão có dụng ý gì, chỉ có lão mới biết được mà thôi. Chàng không biết, thì làm sao biện hộ cho lão được, trước lời trách cứ của Bành Cúc Nhân?
Chàng trầm ngâm lâu lắm, lại hỏi:
– Trương Thanh hiện tại ở tại Đại Ba Sơn? Nàng làm gì ở đó?
Bành Cúc Nhân «hừ» lạnh:
– Già chẳng đã nói với công tử là nàng mang bịnh sao? Mang bịnh thì tự nhiên dưỡng bịnh, chứ còn làm gì nữa?
Quan Sơn Nguyệt cười gượng, mặc nhận là mình hỏi vớ vẩn nên chàng không lấy làm khó chịu về thái độ của Bành Cúc Nhân trong thái độ mỉa mai chàng. Chàng có vẻ mơ màng, suy tư một lúc, đoạn lắc đầu thốt:
– Thật là kỳ quái! Tiểu điệt chẳng làm sao hiểu nổi! Dưỡng bịnh, ở đâu lại chẳng được, vì lý do gì, nàng lại tìm đến Đại Ba Sơn, cam với cảnh tịch mịch giữa chốn hoang vắng lạnh lùng...
Bành Cúc Nhân «hừ» một tiếng:
– Điều đó không đáng trách! Bởi, ngoài Đại Ba Sơn ra, trong trần gian rộng lớn bao la nầy, chẳng còn nơi nào cho nàng dung thân được!
Quan Sơn Nguyệt kinh ngạc, toan hỏi gì đó, Bành Cúc Nhân vội khoát tay ngăn chận:
– Công tử đừng hỏi già nữa, già không thể nói, dù là về vấn đề gì, già cũng không thể giải thích cho công tử hiểu. Khi gặp nàng rồi, tự nhiên công tử sẽ hiểu.
Thú thật với công tử, cả cái việc đi tìm công tử, với công tử đến đó gặp nàng là do chủ ý riêng của già đó thôi, chứ nàng không còn tưởng là gặp mặt công tử.
Quan Sơn Nguyệt lại càng mơ hồ, đôi mày cau lại, kêu khẽ:
– Đại nương càng nói, tiểu điệt càng hoang mang...
Bành Cúc Nhân thở dài:
– Hoang mang là phải, bởi công tử chẳng cần hiểu làm gì.
Bà tiếp luôn:
– Hiểu cho nàng, cũng tốt, không hiểu cho nàng cũng chẳng sao! Tình trạng của nàng ngày nay cầm như vô cứu rồi, tuy nhiên, già nghĩ rằng, sự chí tình của công tử có thể giúp nàng thoát ly vòng thống khổ...
Trước kia, thì chàng còn hiếu kỳ, gặp một bí mật nào, quyết khám phá cho kỳ được bí mật đó. Song từ lúc tham dự cuội đại hội Long Hoa, giữ một vai trò trọng yếu trong những diễn tiến của tổ chức ma quái đó, chàng đã tạo cho mình một tập quán tiếp xúc với mọi bí mật, cái tập quán đó giúp chàng giữ được thản nhiên, và đè nén mọi hiếu kỳ. Và, chàng cũng thu thập luôn một kinh nghiệm, là đừng bao giờ hỏi nơi ai một sự bí mật nào, muốn hiểu một bí mật, chẳng khác gì hơn là tự mình khám phá, có hỏi ai cũng vô ích.
Cho nên, hiện tại, chàng không hỏi gì thêm nơi Bành Cúc Nhân, chàng thừa hiểu, có hỏi bà, vị tất bà lại chịu tiết lộ với chàng? Chàng im lặng, suốt một quãng đường dài.
Bành Cúc Nhân chừng như lấy làm lạ về thái độ của chàng, qua một lúc, lại hỏi:
– Sao công tử không nói gì?
Quan Sơn Nguyệt cười khổ:
– Biết nói gì bây giờ, đại nương? Mà nói gì để làm gì? Điều mà tiểu điệt muốn hỏi, muốn biết, thì đại nương lại chẳng thể nói ra, tiểu điệt nghĩ, nên nín lặng là hơn! Cứ đi, khi nào đến rồi, chạm trán với sự tình rồi, nhìn sự tình, hiểu được cũng tốt, không hiểu được thì đành vậy thôi, đại nương ạ!
Bành Cúc Nhân căm hờn:
– Không hỏi thì đành đi, song ít nhất công tử cũng phải nói gì chứ? Ít nhất công tử cũng phải biểu hiện một vài cảm nghĩ nào đó, chứng tỏ từ ngày chia tay đến nay, công tử vẫn dành cho nàng một điểm nhỏ quan hoài...
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Vừa nghe đại nương cho biết về tình trạng của nàng, tiểu điệt chẳng kịp giã từ ai, cấp tốc lên đường, như vậy chưa đủ sao, đại nương?
Bành Cúc Nhân cười lạnh:
– Đủ à? Bao nhiêu đó mà cũng cho là đủ à? Công tử có hiểu được đâu, từ lúc đó đến bây giờ, nàng đã hy sinh như thế nào cho công tử? Mà thôi, những gì nàng đã làm, sau lưng công tử, công tử không hiểu, cũng chẳng đáng trách. Hãy nói đến cái việc nàng trải qua bao nhiêu gian lao, nguy hiểm, đưa công tử từ Lạc Hồn Cốc đến Côn Lôn Sơn, đem sanh mạng của nàng, thử thách với bất thường trên quãng đường vạn dặm, công tử sống lại, nếu không nhờ nàng thì nhờ ai chứ?
Nàng đã khóc cho công tử lúc đó, nàng dùng những hạt lệ bi sầu tẩm liệm lúc công tử mê man như chết, nàng liệm công tử bằng cái tâm thành, trước khi gởi công tử nằm vĩnh viễn trong đất lạnh! Công tử sống lại nhờ nàng, bây giờ nàng hấp hối, thử hỏi vì ai, mà cũng thử hỏi ai có nghĩ đến nàng, ai sẽ cứu nàng?
Quan Sơn Nguyệt hoảng hốt:
– Sao đại nương nói là nàng chỉ thọ bịnh, chứng bịnh có phần nặng, mà thôi?
Thế tình trạng của nàng nguy kịch đến mức độ đó à? Nàng hấp hối?
Bành Cúc Nhân có cái dáng như kẻ lỡ lời, thốt ra rồi là hối hận ngay. Bà hối hận, nên bà sửa chữa:
– Công tử hỏi nhiều, cũng thế thôi, già chỉ tóm lược là nàng hiện tại thống khổ phi thường, nàng đã từ bỏ tất cả những gì đáng tha thiết nhất trên đời chỉ vì công tử đó!
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Nàng đã dành cho tiểu điệt một mối tình tha thiết, thế sao nàng không tưởng gặp lại tiểu điệt?
Bành Cúc Nhân rơi vào mâu thuẫn:
– Ai nói là nàng không tưởng gặp công tử?
Quan Sơn Nguyệt nhìn lại bà:
– Đại nương quên rằng chính đại nương vừa nói đó sao?
Bành Cúc Nhân thở dài:
– Phải! Già có nói như vậy! Già hồ đồ quá chừng! Bởi hồ đồ nên nói đầu xuôi đuôi ngược! Thì ra thì, nàng có nói là không muốn gặp lại công tử, tuy nhiên, già hiểu, miệng nàng thốt, mà lòng nàng nghĩ trái ngược. Già hiểu rõ là nàng đang trông chờ công tử, từng phút, từng giây, từng ngày, từng tháng đó, công tử!
Chừng như, nàng nghĩ là thà chết chứ không chịu tỏ ra tha thiết trông chờ!
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một lúc lâu. Sau cùng chàng cất giọng u buồn, thốt:
– Tiểu điệt minh bạch rồi, đại nương! Tiểu điệt trước sau, vẫn gìn giữ một sự chân thành đối với nàng, đại nương đã thấy là tiểu điệt từ khước Liễu Y Ảo.
Bành Cúc Nhân chận lời:
– Cũng vì công tử biểu hiện tâm tình như thế, già mới tiết lộ hành tung của Trương Thanh với công tử đó!
Quan Sơn Nguyệt chính sắc:
– Đại nương! Giả như đại nương tin tưởng nơi tiểu điệt, thì hãy tỏ thật tình hình cho tiểu điệt hiểu. Hiện tại, nàng ra sao? Nàng ở tại Đại Ba Sơn...
Bành Cúc Nhân lắc đầu, thấp giọng đáp:
– Công tử lượng xét cho già. Già không thể nói những gì khó nói. Đưa công tử đến gặp Trương Thanh, là già làm một điều sái quấy rồi đó, làm sao già dám bép xép hơn? Già biết là sái quấy, song vẫn làm, bởi già thọ ơn Tuyết Lão Thái Thái, già mến cái nghĩa của Trương Thanh. Già phải làm một cái gì cho họ. Nếu không vậy, thì đừng mong già hở miệng đối với bất kỳ ai.
Để biểu lộ sự cương quyết, bà cắn môi, nín lặng.
Trước thái độ đó, Quan Sơn Nguyệt còn hỏi han gì được nữa? Chàng thất vọng đến chán chường, cúi đầu, giục lạc đà chạy nhanh.
Đường đến Đại Ba Sơn, dài ngàn dặm, một con đường hầu như hoang vắng, lâu lâu mới có khách lữ hành đi qua, đường hoang vắng thì không được phẳng bằng cho lắm, tuy nhiên Minh Đà vốn quen cất vó trên những nẻo đường gồ ghề, nên không lâu sau, họ cũng đến nơi.
Minh Đà vừa đến chân núi, Bành Cúc Nhân bổng lộ vẻ bất an. Bà nhìn qua Quan Sơn Nguyệt, thốt:
– Già không thể cùng đi với công tử lên đó, thôi thì công tử cứ lên, rồi tùy cơ mà xử trí. Cần nhất là công tử phải kiên tâm, trì chí, vô luận làm sao, công tử cũng phải nghĩ đến Trương Thanh, vô luận làm sao, công tử cũng đừng khinh phụ nàng. Thôi, công tử đi đi, già vái van hoàng thiên phù hộ, trợ giúp công tử thành công!
Bà thốt xong, nhảy xuống đất, rồi phóng chân chạy đi, không đợi nghe Quan Sơn Nguyệt nói gì.
Thái độ của bà kỳ lạ quá, chàng đâm lo, song chàng chẳng chút nghi ngờ về tâm ý của Bành Cúc Nhân. Qua phút giây sửng sốt, chàng giục Minh Đà vượt qua dòng suối trước mặt, rồi tìm đường lên núi.
Con đường trải ra trước mặt, thoạt đầu rất rộng rãi, nhưng càng lên cao, càng hẹp lại, hẹp đến độ chỉ vừa vặn cho một người lách mình mà đi mới lọt.
Đường lên lại nằm giữa hai vách đá, trên đường rêu xanh mọc dày, trơn trượt.
Người chỉ lách mà đi, thì còn lạc đà, to lớn làm sao qua được? Bắt buộc chàng phải để con vật lại, rồi lấy chiếc Độc Cước Kim Thần giắt vào mình, dè dặt bước đi.
Qua hơn bảy tám dặm đường, chàng trông thấy một khoảng trống vừa cao, vừa bằng phẳng, bên trên có mây che phủ.
Mồ hôi đổ ra ướt đẫm cả mình chàng.
Lên đến bình đài rồi, chàng thở mệt một lúc, rồi nhìn về phía trước, bất giác chàng lắc đầu, cau mày. Thì ra, con đường đến đây là đoạn cuối, nếu muốn tiếp tục lên cao, thì chẳng còn cách nào khác hơn là biến thành con vượn, chuyền cây.
Cây cao chi chít, dây leo chằng chịt, giây khá lớn, có thể chi trì sức nặng một người đeo. Như vậy, đối với chàng, có gì khó khăn đâu? Thế tại sao chàng cau mày, lắc đầu? Phải có một nguyên do nào đó, khiến chàng cau mày lắc đầu.
Nguyên do, chẳng phải khó leo, chẳng phải thân thể chàng quá nặng, sợ dây leo không chịu nổi chi trì. Nguyên do, là chiếc Kim Thần Độc Cước sau lưng chàng. Chiếc Kim Thần nặng lối ba bốn trăm cân, sức nặng của nó, cộng với sức nặng của thân thể chàng, phải là quan trọng.
Đường dây kia có chịu nổi hay chăng?
Dây leo đứt, tự nhiên phải rơi xuống, mà bên dưới thì đá nhọn tủa lên chơm chởm, như ngàn muôn lưỡi gươm giáo chong lên, xương thịt nào rơi xuống mà còn nguyên vẹn với những mũi nhọn đó? Giá như chàng lừa thế, rơi êm được, thì làm sao chàng trở lên bên trên? Lòng hố sâu gần như trăm trượng, vách đá lại không có chỗ vịn, làm sao chàng trở lên được?
Trong khung cảnh đó, chàng dù có học được một thân bản lĩnh, cái bản lĩnh của chàng cũng cần như vô dụng.
Chàng trầm ngâm một lúc lâu, suy tư, tìm biện pháp vượt qua đoạn đường đó. Sau cùng, chàng phải dùng đến biện pháp cuối cùng, một biện pháp mà ai ai cũng có thể dùng, chẳng cần vận dụng trí óc tìm kiếm.
Chàng lấy chiếc Kim Thần, vận thần lực ấn xuống mặt đá dưới chân, đến khi Kim Thần lún sâu ngang cổ, chàng dừng lại, đoạn chàng lấy chiếc Minh Đà Lịnh, quấn dây quanh cổ kim thần. Sau đó, chàng dùng chỉ lực, viết mấy chữ lên mặt đá, cạnh kim thần:
«Minh Đà Lịnh Chủ để lại».
Cái ý của chàng là chẳng hề có một người nào lấy nổi chiếc Kim Thần. Giả như có người thừa công lực lấy ra, thì người đó hẳn phải là một nhân vật siêu phàm, và nếu là nhân vật siêu phàm, thì chẳng khi nào lại tham cái vật đó. Còn nếu ai lấy lên được rồi, mà lại muốn đoạt luôn thì, người ấy quả có ý muốn chống đối chàng. Kim Thần mất đi, người nào có chống đối chàng, hẳn phải để lại bút tích, cạnh mấy chữ của chàng, và do theo bút tích đó, chàng tìm thấy dễ dàng.
Bởi, người ta dám chống đối, tất phải lưu bút khiêu khích, chỉ rõ địa chỉ.
Làm xong các việc đó, chàng thở phào. Thở phào rồi, chàng ngẩng đầu lên, bất giác chàng giật mình. Bởi, chẳng rõ xuất hiện từ lúc nào, một người đang đứng trước mặt chàng.
Người đó có thân pháp nhẹ nhàng quá, đến gần chàng, mà chàng chẳng hay biết gì cả. Người đó từ nơi nào đến? Từ một nơi bí ẩn dưới hố sâu, hay từ trên cao xuống?
Người đó tuổi độ ba mươi, dung mạo đoan chính, mặc y phục nho sinh, nhìn thoáng qua cũng thấy rõ cái vẻ tư văn thanh nhã.
Nhưng, cái dáng đó không đánh lạc hướng nghĩ của Quan Sơn Nguyệt, vì chàng nhận ra, con người đó phải là một nhân vật hữu danh trên giang hồ, một nhân vật mà cái dáng nho nhã bên ngoài không che dấu nổi một công phu tu vi thâm hậu bên trong.
Ít nhất, Quan Sơn Nguyệt cũng nhận xét như vậy, và chàng tin tưởng nơi nhãn lực của chàng lắm. Bởi, đánh bại được Tạ Linh Vận, chàng tỏ ra là một tay lợi hại lắm rồi, nhãn quang, thính giác của chàng phải linh diệu vô cùng. Thế mà người đó xuất hiện bên cạnh chàng, chàng chẳng hề hay biết! Nếu người đó chẳng có một bản lãnh tân kỳ, thì làm sao có thân pháp nhẹ như chiếc lá rơi?
Người đó đằng hắng một tiếng, hỏi:
– Tôn giá là «Minh Đà Lịnh Chủ»?
Quan Sơn Nguyệt vòng tay nghiêng mình chào lại:
– Phải, tại hạ là Quan Sơn Nguyệt.
Người đó như không lưu ý đến tên họ của chàng, y cứ nhìn xuống mấy chữ trên mặt đá, buộc miệng tán:
– Khắc chữ được như thế, quả thật đáng phục!
Quan Sơn Nguyệt khiêm tốn:
– Huynh đài quá khen!
Người đó chớp mắt, tiếp:
– Hay thì có hay, song cái cách viết chữ chưa đúng mức hỏa hầu. Điều đó, hiện tại tôn giá không thể nhận ra được, mà chính tại hạ cũng chẳng biết phải giải thích làm sao cho tôn giá hiểu. Sau ba mươi năm, nếu tôn giá có dịp trở lại đây, nhìn bút tích cũ, sẽ thấy rõ là tại hạ phê bình không sai, cho nên, phàm tả tự, cũng phải mất lắm công phu mới luyện được một thủ pháp khả quan!
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Đa tạ các hạ chỉ giáo những sự khuyết kém, song tại hạ học viết, bất quá chỉ để dùng thay lời, dùng chữ để lưu cái ý lại mà thôi, chứ chẳng phải với niềm kỳ vọng trở thành danh gia...
Người đó «hừ» một tiếng:
– Tôn giá nói thế là tự mình xem rẻ lấy mình rồi! Tả tự như tôn giá, là có thiên tài đó, có điều cái thiên tài chưa được trau dồi đúng mức thôi. Như một viên kim cương, nó còn nguyên hình, nguyên trạng, là cái giá của nó không được trọng lắm, nó cần phải qua tay thợ khéo đẽo, chuốt, giũa mài, nó mới trở thành một vật ngang giá trị liên thành. Các hạ có thiên tài, không trau dồi thiên tài, thì uổng biết bao? Các hạ xem rẻ thiên tài, là điều đáng tiếc vậy! Phải làm mọi cách để phát huy thiên tài chứ!
Bất ngờ mà bị người chỉnh như vậy, bất ngờ mà tiếp thọ một sự giáo huấn như vậy, Quan Sơn Nguyệt dở khóc, dở cười. Chàng có thích cái đề tài thảo luận này đâu mà phải bàn bạc dài dòng?
Chàng không biết phải giải đáp làm sao cho xuôi, vừa tránh phí phạm thì giờ, vừa không thất lễ độ.
Người đó chưa chịu buông tha chàng, trầm gương mặt tiếp luôn:
– Tại hạ không có ý mạo phạm đến tôn giá đâu, chỉ vì tại hạ có cái tâm liên ái thiên tài, thấy tôn giá không khai thác thiên tài, nên tiếc vậy thôi. Chúng ta là hai kẻ xa lạ, khi nào tại hạ dám vô lễ với tôn giá?
Quan Sơn Nguyệt bắt buộc phải đáp:
– Các hạ có hảo ý, tại hạ hết sức cảm kích...
Người đó khoát tay:
– Chẳng cần phải khách khí. Tại hạ rất tinh tường về pháp tả tự, bình sanh rất thích xem nét bút của thế nhân, cho nên gặp tôn giá, tại hạ nhận thấy quả có thiên tài, thành hứng khởi, khuyến khích, hy vọng tôn giá trở nên danh gia, mình sẽ cùng nhau nghiên cứu...
Quan Sơn Nguyệt chán lắm rồi, để chấm dứt câu chuyện, chàng hứa liều:
– Được rồi, ngày sau tại hạ sẽ nhờ các hạ chỉ điểm, hiện tại thì...
Người đó cười tươi, không đợi chàng dứt câu, chận ngay:
– Hay lắm! Tại hạ ngụ trên đỉnh núi kia, lúc nào các hạ thấy hứng, xin cứ đến đó.
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Các hạ ở trên đó?
Người đó cũng giật mình:
– Tôn giá lấy làm lạ? Thế ra, tôn giá cũng ở trên đó? Thế ra chúng ta ở gần nhau, mà từ lâu không ai hay biết?
Quan Sơn Nguyệt khoát tay nhanh:
– Không! Tại hạ là người viễn phương, có một bằng hữu trên đó.
Người ấy thở nhẹ:
– Ạ!
Rồi y tiếp luôn:
– Người ở trên đó không nhiều, chẳng hay vị bằng hữu của tôn giá là ai?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Một thiếu nữ, nàng tên là Trương Thanh.
Người đó thoáng biến đổi thần sắc, chú mắt nhìn Quan Sơn Nguyệt kỹ hơn một chút, đoạn hỏi:
– Đúng rồi, trên đỉnh núi, có một nữ nhân. Tôn giá đến tìm nàng ấy? Có việc chi chăng?
Tại sao y lại hỏi việc riêng tư của người? Mà lại là việc liên quan giữa một nam một nữ?
Tự nhiên, Quan Sơn Nguyệt bất bình, nhưng nghĩ lại, chẳng phải lúc chàng tranh luận với kẻ xa lạ, và lại điều đó không mang lại cho chàng một mảy mai tiện ích nào cả. Chàng dằn lòng đáp:
– Trương cô nương là người quen biết của tại hạ, hôm nay tiện đường qua Đại Ba Sơn, dừng chân lại thăm viếng nàng...
Người đó nhìn xuống, lắc đầu:
– Trương tiểu thơ không tiếp khách.
Lần này thì sự bất bình tăng lên một phần và cái phần tăng đó là giọt nước làm tràn cái chén đầy. Chàng trầm gương mặt, lạnh lùng thốt:
– Lời nói đó, chỉ có mỗi một mình Trương cô nương thốt được mà thôi, chính nàng nói mới hợp lý.
Người đó «hừ» một tiếng, so vai:
– Tại hạ thốt, cũng như Trương tiểu thơ thốt, cả hai cùng thốt được cả và vẫn hợp lý như thường. Bởi từ ngày lên đỉnh núi ẩn cư, Trương tiểu thơ biểu hiện ngay cái ý tạ khách. Bất quá, nàng còn giao du với những người trên đỉnh, chứ khách phương xa thì đừng hòng được nàng tiếp kiến.
Quan Sơn Nguyệt nổi giận:
– Tại hạ không tin! Nàng có thể từ khước tất cả mọi người, nhưng nàng phải dành cho tại hạ một ngoại lệ. Nhất định là nàng sẽ tiếp kiến tại hạ.
Người đó liếc xéo qua chàng, rồi lạnh lùng nói:
– Tại hạ chỉ thay mặt Trương tiểu thơ, biểu lộ cái ý của nàng, với bất cứ ai muốn tìm gặp nàng. Các hạ không tin thì cứ tìm đến nàng. Nàng có tiếp kiến hay không, điều đó chẳng liên quan gì với tại hạ.
Biết là đối tượng có ý mỉa mai chàng, bởi y nghĩ rằng không có đường lên núi, chàng làm gì lên trên đó được mà hòng gặp Trương Thanh? Y thách thức chàng rõ rệt. Chàng cười nhạt, thốt:
– Tuy không có đường lên đỉnh, nhưng chẳng có gì ngăn trở nổi tại hạ, khi tại hạ muốn làm một cái gì.
Người đó cười mỉa:
– Tự nhiên! Các hạ đến được đây rồi, thì còn một đoạn đường ngắn nữa, hẳn cũng thừa khả năng vượt qua. Vậy xin mời các hạ!
Núi, đâu phải là giang san riêng biệt của y? Quan Sơn Nguyệt có cần chi y mời? Giả như chàng cứ tiến tới, thì liệu y ngăn chặn chàng được sao? Chẳng qua, y buông lời mời thỉnh, là có cái ý xác nhận lại một lần nữa sự thách thức đó.
Xác nhận lại sự thách thức, là y tin chắc chẳng bao giờ Quan Sơn Nguyệt lên được.
Quan Sơn Nguyệt trừng mắt nhìn y một phút, đoạn nhún chân, nhảy cao hơn hai trượng, hai tay chụp vào sợi dây cỏ leo.
Chụp dược đường dây rồi, chàng nhìn trở xuống, thấy người đó rút chiếc kim thần từ trong lòng đá ra, cầm nơi tay, quan sát. Chàng kinh hãi, buông tay, đáp xuống chỗ cũ, hét:
– Đó là vật của tại hạ, các hạ không được phép mó đến.
Người đó điểm một nụ cười, tay vẫn cầm chiếc kim thần. Quan Sơn Nguyệt vừa đáp xuống thì y nhún chân nhảy lên, chụp đường dây. Qua mấy lượt uốn mình, y biến mất trong vùng sương mù bên trên đầu Quan Sơn Nguyệt.
Thân pháp của y rất nhẹ, rất nhanh, nhanh đến độ làm cho Quan Sơn Nguyệt phải kinh hãi, bình sanh chàng chưa gặp một nhân vật nào luyện được thuật khinh công đến mức đó.
Từ lúc người đó xuất hiện, chàng đã nhận xét y là người có tài nghệ phi thường, song bất quá chỉ ở trong mức độ mà chàng tưởng tượng nổi. Nhưng, bây giờ, chàng phát hiện ra, cái tài của người đó trên xa chỗ ức đoán của chàng.
Không nói chi đến việc khác, chỉ nội cái việc y rút dễ dàng chiếc kim thần khỏi lòng đá, cũng là phi thường rồi. Trên giang hồ, luyện nội lực được như y, phỏng có mấy tay?
Y là người ẩn cư trên đỉnh núi, mà trên đó, chẳng phải chỉ có một mình y, thế thì trên đó có những ai? Họ sống riêng biệt nhau hay hợp thành tổ chức, chẳng hạn như, Long Hoa Hội?
Cái gì thì chưa biết chắc làm sao, chứ có thể hiểu là những người trên đó có bản lãnh đáng sợ lắm vậy.
Tại sao Trương Thanh lại hòa hợp với những người đó, và cam tâm tình nguyện sống đơn độc trên đỉnh Đại Ba Sơn, quên hẳn những người cũ, vui vầy với những người mới?
Quan Sơn Nguyệt nhớ lại những ngôn từ úp mở, những cử động ngập ngừng của Bành Cúc Nhân, chàng không còn phiền trách Bành Cúc Nhân như trước nữa.
Bởi chàng nghĩ là bà ấy khó nói rõ sự thật, dù biết, dù không biết, bà cũng không thể nói ra với chàng. Nói, để gây hoang mang, chứ có ích gì? Vì, chính bà cũng chẳng tạo nên một ảnh hưởng nào đối với nàng, thì thà câm lặng là hơn, sự thế đã vậy rồi, bà câm lặng là phải. Thà để dành cho chàng nhìn tận mắt, nghe tận tai, rồi tùy chàng liệu định.
Nhưng, điều thắc mắc quan trọng của chàng hiện tại, chẳng phải hoàn cảnh của Trương Thanh, dù chàng tha thiết với nàng. Điều đáng được chàng lưu ý là cái nhóm người đang ở trên đỉnh núi. Họ là những ai?
Xưa nay, những bậc ẩn cư không hề thích để lộ hành tung, họ chẳng muốn người đời nhắc nhở đến tên tuổi của họ nữa, họ tuy còn sống, song chỉ muốn tất cả những ai từng tiếp xúc với họ trong quá khứ, cầm như họ đã chết rồi. Có như vậy, họ mới tiêu dao ngày tháng, sống nốt chuỗi đời còn lại giữa trăng gió, trời mây...
Bằng cớ, là những người trong Long Hoa Hội, ai không thường đến Thần Nữ Phong, ai không ở trong cái hội kỳ hoặc đó, thì khi nào lại biết được bao nhiêu cao thủ chôn chặt tiếng tăm tại Thần Nữ Phong chứ?
Còn như họ ẩn cư vĩnh viễn, hay họ tạm thời lánh xa trần thế, để chờ một thời cơ nào đó, tái hiện trên giang hồ, thì lại là một việc khác, chỉ có họ biết cho họ mà thôi. Không ai quan tâm đến họ.
Những người trên đỉnh Đại Ba Sơn là ai? Chắc chắn phải là những bậc cao tài, nếu vị nho sinh vừa rồi là một đại biểu. Họ là những bậc cao tài, họ ẩn cư, tự nhiên họ không muốn cho Bành Cúc Nhân tiết lộ sự gì.
Chàng tin chắc là Bành Cúc Nhân cũng ở trên đó, như Trương Thanh và cả hai đều bị một luật lệ quái dị chi phối, như những người trong Long Hoa Hội. Song, Bành Cúc Nhân đã có chân trong Long Hoa Hội, sao lại cũng có liên quan đến nhóm người trên đỉnh Đại Ba Sơn?
Qua khỏi cái khó khăn tại Thần Nữ Phong, Quan Sơn Nguyệt lại cảm thấy chàng sẽ đương đầu với một khó khăn khác, có lẽ không kém quan trọng.
Chàng đắn đo, thầm hỏi:
“Lên? Hay bỏ tất cả, để quay trở về?”.
Lên, chắc chắn là chàng không được hoan nghinh rồi, mà biết đâu lại chẳng nhân đó mà phát sanh ra nhiều cừu hận vô lý.
Còn như không lên? Nếu bỏ dở chuyến đi này, thì làm sao chàng tái ngộ Trương Thanh? Nàng lại đáng thương quá chừng, huống chi nàng lại có ơn với chàng, có thể bảo đó là cái ơn tái sanh, cũng chẳng ngoa, bởi không có nàng thì hẳn là chàng đã chết vì chất độc của Lạc Hồn Cốc chủ. Chàng không có quyền phụ phàng nàn! Chàng còn sống đây, sự sống thừa do nàng ban cho, chàng phải dành nó, để làm bất cứ điều gì hữu ích cho nàng.
Nàng có lâm bịnh thật chăng? Điều đó, chàng chưa biết thế nào mà đoán.
Tuy nhiên chàng nghi ngờ là nàng đang sống trong một sự uy hiếp rõ ràng, dù Bành Cúc Nhân không nói ra cho chàng hiểu. Và cũng vì bị uy hiếp, mà nàng thống khổ triền miên. Bởi lẽ đó, Bành Cúc Nhân mới cố công phiêu bạt khắp bốn phương trời tìm chàng đưa về đây.
Nếu chàng không đến Thần Nữ Phong, thì Bành Cúc Nhân đến bao giờ mới gặp chàng?
Sau một lúc đắn đo, chàng quyết định lên núi.
Lên, trước hết để biết thực trạng của Trương Thanh như thế nào, tình cảm của chàng đối với nàng, cũng nồng nhiệt như của nàng đối với chàng, có khác chăng là khác ở chỗ Trương Thanh lộ liễu còn chàng thì kín đáo.
Kế đó, chàng truy tầm luôn vị thanh niên nho sinh kia, người đã lấy mất chiếc Kim Thần của chàng. Bằng mọi giá, chàng phải giữ vật đó bên mình, chỉ trừ khi nào chàng chết đi, thì ai muốn chiếm lấy, tùy thích.
Nếu còn một lý do thứ ba, là bất quá để quan sát sinh hoạt trên núi thôi.
Trước khi đi, chàng giậm chân phá hủy mặt đá có ghi mấy chữ của chàng, bởi chiếc Kim Thần mất rồi, thì những chữ đó còn lưu lại làm gì? Quái dị thay, hàng chữ của chàng được xóa mất rồi, bên dưới lại có một hàng chữ khác. Chàng trố mắt đọc:
«Trên Vọng Nguyệt Phong, có một gã thơ cuồng, tạm thời lấy chiếc Kim Thần, chờ hội ngộ với Lưu Lang. Tự tích này lưu lại cho khách viễn phương là Minh Đà Lịnh Chủ, cuồng sinh đang chờ để cùng thưởng trăng sáng nơi đồi cao.» Vọng Nguyệt Phong! Hẳn là đỉnh núi mà chàng sắp sửa vượt lên.
Thơ Cuồng! Hẳn là danh hiệu của vị nho sinh trước đó. Thảo nào mà hắn chẳng thích thơ, thích chữ...
Bút tích lưu lại, chẳng biểu hiện một ác ý nào. Bất quá, hai chữ Lưu Lang làm cho chàng phần nào hoang mang thôi, bởi, chàng không tìm được một sự giải thích nào thỏa đáng.
Nhưng, suy nghĩ một chút, chàng chợt tỉnh ngộ, có lẽ Thơ Cuồng định mượn chuyện xưa, nói đến chuyện nay. Lưu Lang, nếu chẳng phải là Lưu Thần ngày trước, ngẫu nhiên lạc lối đến Thiên Thai, thì là gì?
Đem việc hiện tại, so với việc vừa qua, bất giác Quan Sơn Nguyệt nhếch nụ cười khổ.
Thần tiên! Tại sao người đời lại thích đắm chìm trong mộng ảo?
Long Hoa Hội, là một tổ chức quy tụ những người nuôi mộng thần tiên, họ đang còn là người, bằng xương, bằng thịt, song họ tập dần lối sống của thần tiên, lâu rồi họ cứ tưởng mình là thần tiên thật sự!
Họ si mê đến độ điên dại, họ cho rằng họ hóa kiếp vẹn toàn rồi!
Giờ đây, rời Thần Nữ Phong, chàng lại đặt chân đến Vọng Nguyệt Phong!
Rời Long Hoa Hội, chàng lại chạm phải một tổ chức cũng giống Long Hoa Hội, có điều thành phần của tổ chức khác hơn thôi, còn cứu cánh thì cũng lồng trong khung mộng ảo!
Ngoài ra, người trong Long Hoa Hội thì vũ công kém, còn bọn người tại đây chừng như tài nghệ rất cao.
Người ở đây cũng tự ví mình như bậc thần tiên, họ tập luyện ngôn từ, cử động như thần tiên, họ sống cái nếp sống của thần tiên, quên cả thực tại quanh mình, mơ mộng về không gian siêu trần thoát tục. Họ cũng đọc sách, họ cũng làm văn, song về văn, thì họ dốt rõ ràng, bằng cớ là thanh niên nho sinh vừa rồi lưu lại một câu rất dốt.
Lưu Thần vào Thiên Thai, gặp tiên nữ, thì hắn đâu có thể xem chàng là Lưu Thần, và hắn đang đợi Lưu Thần? Một nam nhân, chờ đợi một nam nhân, thì đâu có thể dùng cái điển tích Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai? Huống chi, Lưu Thần vào động tiên, với trọn niềm thích thú, còn chàng lên đỉnh núi với bao nhiêu suy tư trầm trọng, hai cảnh ngộ khác biệt bởi hai con người có những hoài bão khác biệt!
Đem sánh với Lưu Thần là sự đáng buồn cười! Không nói đến trường hợp của Lưu Thần là thung dung, tự tại, còn chàng thì đôi vai hằn nặng bao nghĩa vụ, trên đường trần còn phải xuôi ngược nhiều năm...
Qua những nhận xét đó, Quan Sơn Nguyệt nghĩ rằng ở đây cũng như tại Thần Nữ Phong, tổ chức trên đỉnh núi kia, cũng chỉ là một tổ chức của bọn điên dại, có điều cái lối điên hơi khác, đối với Long Hoa Hội thôi.
Chàng tự hỏi sao con người quá u mê đến độ xa rời thực tế, chạy theo cái bóng ma xa xôi? Họ đang làm người, lại cứ mơ tiên, tưởng mình là tiên, rồi khi họ là tiên thực sự, thì họ sẽ mơ điều chi nữa? Họ muốn thoát tục, siêu phàm, song họ cứ đào sâu cái đáy tham vọng. Lòng tham không đáy họ lại đào sâu lòng tham hơn, như thế là họ còn đam mê tục vị, phàm danh, chứ đâu phải là siêu nhiên, ngoại vật?
Tại sao có một số người mơ vọng thành tiên?
Quan Sơn Nguyệt suy tư mãi về một Long Hoa Hội đã giải tán rồi, và một tổ chức nào đó, trên đỉnh Vọng Nguyệt Phong nầy mà chàng sắp sửa tiếp xúc trong chốc lát nữa đây. Cuối cùng, chàng cho rằng nguyên nhân rất giản dị, bởi họ là những người sợ chết. Họ muốn sống lâu dài, sống như trời đất, thiên thu bất diệt mà con người được cấu tạo bằng xương, bằng máu, con người là vật hữu hoại, thì làm gì thọ ngang với đất trời? Chỉ có những bậc thần tiên mới trường tồn với vũ trụ. Do đó mà họ tầm tiên. Tầm chưa gặp tiên, họ tự ví mình là thần tiên, rồi phỏng theo cái lối sống của thần tiên qua truyền kỳ mà tạo cho họ một khung cảnh dị biệt, khác hẳn lối sống của thế nhân.
Họ cũng hiểu, thần tiên là những nhân vật huyền hoặc, song họ nuôi mạnh niềm tin, và niềm tin đó biến họ thành những kẻ tuy chưa điên, song không còn tỉnh nữa.
Tà dương nhuộm những áng mây chiều thành muôn màu rực rỡ, trên nền trời, mây lơ lửng trôi, sáng lạn, huy hoàng, dưới núi cây cỏ mờ dần theo hoàng hôn đậm bóng, rồi từng cơn gió nhẹ cuốn về, trên cao, một vầng sương mỏng phủ giăng...
Tất cả đều huyền ảo, đúng là cái huyền ảo của cảnh tiên.
Niềm tin của những kẻ ở trên cao kia, được cái khung cảnh ấy khuyến khích hàng ngày, và họ luôn luôn mơ mộng cũng chẳng có gì đáng lấy làm lạ.
Quan Sơn Nguyệt đã quyết định rồi thì cứ lên, lên cho biết không gian bao bọc quanh Trương Thanh có cái gì khác biệt hơn đời...
Chàng nhún chân, tung mình lên cao, với tay nắm lấy đường dây, thử đu mình, xem giây có chắc lắm không. Rồi chàng phăng lần lên.
Đường dây có chỗ lớn, chỗ nhỏ, đoạn nào lớn thì chi trì thể xác của chàng rất vững, đến đoạn nhỏ thân hình chàng chao chao mường tượng đường dây sắp đứt.
Bây giờ, chàng nhận thấy cái ý kiến lưu chiếc Kim Thần lại, rất hay, nếu chàng mang nó theo mình, thì chắc chắn là hai sức nặng cộng lại sẽ quan trọng và đường dây không thể nào chịu đựng nổi.
Nhưng, chàng giật mình, bởi tự chàng cho là không thể mang chiếc Kim Thần theo, thì tại sao cái gã thơ cuồng kia lại mang được? Xem đó, đủ biết y có vũ công ghê gớm, y hóa trọng làm khinh được như thế, hẳn phải dày công tu vi.
Phàm, vật đồng tính, thường quy tụ nhau, thì những kẻ cùng chung sống với gã, hẳn cũng là những tay phi phàm...
Chàng cứ lên, càng lên càng cao giới bị, bởi chàng biết rõ hạng người mà chàng sắp sửa tiếp xúc chẳng phải tầm thường.
Lên mãi thì cũng có lúc phải đến đích.
Trăng đã lên, trăng sáng vô cùng, dưới chân chàng, sương mù kết đọng thành một vùng biển mênh mang, nhuốm đen dần dần.
Trước mắt chàng, một thân cổ tùng hiện ra, ngoài cây cổ tùng chẳng có một cái gì khác. Chung quanh là khoáng đãng, là mông lung man mác như vùng trời vô tận...
Đong đưa đường dây, lấy tư thế, Quan Sơn Nguyệt quăng mình sang cành tùng, chụp cứng.
Cành tùng đó không lớn lắm, chỉ to độ cánh tay, bởi khoảng cách từ đường dây đến cành tùng khá xa, chàng không quăng mình sát thân cây nổi, đành phải với lấy cành ngoài.
Cành tùng đó làm sao chịu đựng nổi sức nặng của thân thể chàng, gia dĩ cái sức nặng đó lại được tăng gia qua sự trìu níu của chàng, vì nhảy sang đó là chàng hỏng chân rồi, thân hình đu xuống phải nặng hơn...
Một tiếng «rắc» vang lên, cành tùng gãy. Cành gãy, là chàng phải rơi, rơi từ khoảng cao ngàn trượng, gần đỉnh, rơi chẳng biết đến đâu, bởi bên dưới là biển sương mù đen đen, tuy không thấy gì qua biển sương mù, song cứ tưởng tượng cũng đủ sợ rồi.
Sự tình xảy ra ngoài sở liệu của Quan Sơn Nguyệt. Bởi không dự liệu nên chàng không đề phòng. Rơi xuống ba trượng, cảnh giác của chàng mới thức tỉnh, cơ trí động, phản ứng sanh, tay còn cầm đoạn tùng gãy, chàng quăng mạnh nó ra xa, mượn cái quăng đó lấy phản lực, rồi nương theo phản lực, đạp không khí vọt vào vách núi.
Đồng thời gian, chàng vận công lực vào bàn tay, năm ngón cứng như cái móc sắt, năm ngón chụp vào vách đá.
Nhưng, nếu là vách cứng, thì năm ngón tay đó bám sâu vào, giữ chàng như năm cái móc câu treo chàng nơi vách. Khổ thay, vách là đá núi, sao đá lại quá mềm? Tay chàng chạm vào, chẳng khác chạm bùn, thì làm sao chịu nổi sức nặng của chàng? Chàng hết sức kinh khiếp, mồ hôi lạnh toát ra đẫm ướt mình.
Thế là nguy vẫn hoàn nguy. Và chàng cứ rơi như trước...
Cũng may, từ mấy lúc sau này, từng gặp nhiều nguy hiểm, chàng luyện được tâm tính bình tịnh, bất cứ trong trường hợp nào, chàng cũng không hề bối rối, lý trí vẫn sáng suốt, nhờ thế mà chàng đã vượt qua bao khó khăn suýt mất mạng mấy lần.
Bàn tay không bám víu vào vách đá được, chàng rút thanh kiếm Bạch Hồng chém loạn vào nơi đó. Trong khi đó, chàng giở thuật Du Long bò dần lên, chui mình vào khoảng sâu.
Bò trên một chất nhão, chẳng phải là việc dễ, nếu không lún xuống thì đã khá lắm rồi, huống hồ trườn tới khi hai tay, hai chân chẳng có chỗ chịu?
Vào chỗ trũng đó rồi, Quan Sơn Nguyệt không còn sợ rơi tuột xuống dưới nữa. Chàng thở mệt một lúc.
Nơi đó, cách cây cổ tùng ba trượng, khoảng cách ba trượng đối với chàng chẳng nghĩa lý gì.
Chân đạp lên đất cứng, chàng nhún mình, vọt lên, lần này chàng cẩn thận hơn, nhắm trước cành nào khả dĩ nắm cứng mà không sợ gãy như trước, chàng hướng về cành đó.
Chàng không dùng tay chụp, mà lại đáp chân xuống. Theo sự ức đoán của chàng, thì dù chàng có nhún mạnh đến đâu, cành cùng đó không thể gãy nổi. Trừ ra, có người nào đó ẩn mặt, ngầm giở trò quỷ quái gì...
Lên đến cành tùng rồi, chàng nhún chân, thân hình vừa tung cao, cành tùng lại gãy như trước.
Cũng may, chàng đã rời nó rồi, chứ nếu không thì chẳng làm sao chàng có chỗ chịu chân lấy đà nhảy lên.
Đồng thời gian, chàng thấy một vệt sáng chớp lên, vệt sáng xuất hiện rồi lại tắt nhanh. Bất giác chàng sôi giận, buông giọng khinh bỉ:
– Ám toán là một thủ đoạn hèn hạ! Nếu cho mình có tài, cứ xuất hiện so tài, bằng sợ chết, thì lủi như chuột đi, đỡ bẩn mắt ta.
Chàng đáp xuống một khoảng đất bằng, cách đó độ năm, sáu trượng.
Không một tiếng người đáp lại.
Chàng chờ đợi một phút, chẳng thấy động tịnh gì, ngẩng mặt nhìn ra phía trước, một khu rừng trúc giăng mắc, ngăn chận nhãn tuyến của chàng.
Gió quét qua, khua động cành trúc, có tiếng kẽo kẹt hòa lẫn với tiếng xạc xào do cành lá phát lên.
Quan Sơn Nguyệt nghĩ, người ám toán chàng hẳn nấp trong khu rừng trúc đó, chứ chẳng lẽ kẻ ấy từ dưới lòng đất chui lên, phóng ám khí rồi lại chui xuống ẩn trốn? Chàng cất cao giọng, mắng luôn:
– Bọn hèn nhát nào đó, làm gì ẩn mặt như chồn? Chẳng biết hành động như vậy, kém hẳn nhân cách sao?
Từ trong rừng trúc, một âm thinh vọng ra, đáp lời chàng:
– Cái gã ngu xuẩn kia, sợ quá rồi thành mất trí phải không? Một trò đùa chào nhau lúc ban đầu, đùa cho vui với nhau, cớ sao lại phẫn nộ rồi dùng lời thô tục, la hét vang rền? Lên đến đây mà còn mang theo lòng tục, thì thà đừng lên là hơn!
Âm thinh vang lên, nghe rất gần.
Quan Sơn Nguyệt càng sôi giận, quát lên một tiếng lớn, vung thanh kiếm Bạch Hồng, vừa tạo một bức bình phong với kiếm quang, che trước mặt vừa lướt tới.
Kiếm quang đến đâu, cành trúc rơi ào ào, vòng kiếm quang dần dần lan rộng, chiếm một khoảng tròn độ bốn năm trượng.
Nhưng, chẳng có một bóng người!
Xông xáo một lúc, chẳng phát hiện ra được gì, Quan Sơn Nguyệt hết sức lạ lùng, chàng tin chắc là chẳng bao giờ nghe lầm hướng, nhưng tại sao lại có sự thể như vầy được?
Chàng dừng lại, đảo mắt nhìn ra bốn phía, trông thấy một phiến đá xanh, bằng phẳng như mặt bàn, hai bên bàn có hai chiếc đôn, trên bàn có một bàn cờ đen trắng còn bày ra đó, chứng tỏ cuộc cờ đang bỏ dang dở. Như thế, là vừa rồi có người chơi cờ, và hiện tại, người chơi cờ đã thoát đi, có lẽ còn lẩn trốn đâu đây.
Và, như thế, là chàng không nhận định lầm phương hướng.
Chàng nghĩ, tại vì chàng đến chậm một phút, thành ra không phát hiện kịp thời, chàng lại suy tư, chưa biết làm thế nào sưu tra tung tích người đó...
Bỗng, có âm thinh vang lên, từ đâu đó vọng đến tai chàng:
– Tư Kỳ! Cái lối đùa đó, cũng thích thú chứ! Tuy nhiên ngươi gây ra một thiệt hại không nhỏ! Ngươi nghĩ, một khu rừng trúc tốt đẹp, bị ngươi đùa ác mà thành ra khuyết mất một khoảng lớn, khiến cho mười cảnh đẹp của cung Quảng Hàn lại mất đi một, còn chín! Làm sao chúng ta đối đáp với Nguyệt Hoa Phu Nhân đây?
Câu nói buông dứt, hai bóng người bước ra...