Nói về Thái Tôn đương bàn luận với các quan, bỗng thấy quân về báo rằng: "Mã thiên tuế rượt tướng Phiên sa hầm bị bắt rồi." Thái Tôn cả kinh than rằng: - Mã vương huynh trung thực nay bị bắt chắc không sống đặng. Xin quân sư chọn người đi cứu. Huất Trì tâu: - Xin bệ hạ yên lòng, để tôi đi báo cừu cho Mã Tam Bảo. Thái Tôn chịu cho. Huất Trì lên ngựa kéo binh ra khỏi thành, thẳng tới Phụng Hoàng sơn, xa xa xem thấy một người nằm giữa đường tay chân trụi lủi, thì lật đật giục ngựa lại mà coi thì đúng là Mã Tam Bảo. Huất Trì Cung sa nước mắt nói: - Lão tướng thân thế dường ấy, chắc không sống đặng. Lão tướng muốn tâu chi xin nói, ta tâu thế cho. Mã Tam Bảo đau quá nói không đặng, nước mắt dầm dề, ý muốn chết mà không biết làm sao chết, cứ gật đầu qua lại ra hiệu. Huất Trì hiểu ý xuống ngựa lại gần hỏi rằng: - Ngài đau lắm hả? Thôi nhắm mắt nghỉ đi, đừng day động mà đau thêm. Mã Tam Bảo hồn bay về trời. Huất Trì dạy đem hài cốt Tam Bảo về thành rồi giục ngựa tới dinh khiêu chiến. Cáp Hiền Mô hay tin liền cầm roi lên ngựa xông tới trước trạn nói: - Thất phu ngươi chẳng thấy người nằm giữa đường đó sao? Thôi xuống ngựa nạp mình, kẻo chết e mất xác. Kính Đức cả giận đâm liền. Cáp Hiền Mô rước đánh, bị một giáo mạnh quá tay chân bủn rủn, con ngựa thối lui hơn mười bước. Cáp Hiền Mô liệu cự không lại, quay ngựa chạy đại. Kính Đức giục ngựa rượt theo, người ngựa lại sa xuống hầm, bị quân Phiên bắt trói. Cáp Hiền Mô bắt đặng Huất Trì thì vui mừng nói rằng: - Lang chúa có giáng chỉ, hễ ai bắt đặng Huất Trì và Tần Thúc Bảo thì đặng trọng thưởng. Nay ta bắt đặng Huất Trì, giải về kinh ắt được trọng thưởng. Nói rồi truyền quân bỏ Huất Trì vào tù xa giải về kinh. Nói về vua Thái Tôn đang ngồi lo việc Huất Trì đi cứu Mã Tam Bảo không biết thế nào, bỗng thấy quân về báo: "Mã thiên tuế bị Phiên bắt chặt cụt tay chân. Nguyên soái dạy chúng tôi đem về." Thái Tôn nghe báo rơi lệ. Đoàn Chi Hiền, Ân Khai Sơn và Lưu Hồng Cơ bước ra xem thấy Mã Tam Bảo thân thể dường ấy thì khóc òa lên rồi trở vào tâu xin ấm phong cho Tam Bảo. Thái Tôn nhậm lời dạy mai táng nơi dưới chân núi thành Phụng Hoàng. Kế có quân báo Huất Trì sa hầm bị bắt nữa. Thái Tôn chết điếng hồi lâu tỉnh lại, hỏi quân sư rằng: - Quân sư có kế chi cứu Nguyên soái chăng? Mậu Công tâu: - Xin bệ hạ chớ lo, Nguyên soái tuổi thọ còn dài, sẽ có người cứu. Thái Tôn nghe nói an lòng. Nói về Trương Sĩ Quí ở Hãng Mã thành đợi chỉ vua nên rảnh việc, cùng các con và bọn cữu cá kéo nhau đi săn. Đến núi Nam Sơn thì phân nhau làm bốn phía săn bắn. Nhơn Quí đi qua phía Tây, xảy gặp một đạo binh cờ đề hai chữ Ngô Công xa xa kéo đến. Nhơn Quí nói với các em rằng: - Ta xem đạo binh kia là binh Cao Ly giải bửu vật về kinh đô, vậy anh em ta đoạt lấy đem về dâng thánh thượng chắc là đặng thưởng. Tám người đều khen hay. Kế binh Phiên đi tới. Nhơn Quí lướt tới nạt rằng: - Phiên cẩu giải vật chi đó? Hãy để lại đây, bằng nghịch mạng sẽ chết hết. Cáp Hiền Mô đi sau nghe quân báo giận lắm, xách roi giục ngựa tới nạt rằng: - Tiết man tử! Ngày trước ta tha ngươi, nay lại đến đây nạp mạng phải chăng? Nhơn Quí chẳng nói chẳng rằng cầm kích đâm liền. Cáp Hiền Mô rước đánh đặng vài hiệp, liền bị một kích chết tươi. Quân Phiên vỡ chạy bỏ tù xa lại. Nhơn Quí rất mừng ngỡ là đoạt đặng đồ báu, liền lại gần xem, thấy một người mặt đen râu cụt quả là Nguyên soái Huất Trì Cung, liền lật đật quay ngựa chạy, tám anh em cũng quất ngựa chạy theo. Kính Đức ngồi trong tù xa xem thấy người bạch bào, nghĩ chắc là ứng mộng hiền thần thì kêu rằng: - Tiểu tướng quân mau lại cứu ta, ta là Huất Trì Nguyên soái đây. Song càng kêu chừng nào thì càng chạy chừng nấy. Huất Trì thấy vậy trách rằng: - Đã giết tướng cứu ta, sao không mở ta ra lại bỏ chạy, thoảng như có quân Phiên bắt nữa, tánh mạng ta còn gì. Kính Đức ngồi trong tù xa trách móc hoài. Lúc ấy Nhơn Quí giục ngựa chạy mù, tám anh em kêu mãi cũng không ngó lại. Chạy hồi lâu gặp cha con Trương Sĩ Quí kêu mới dừng lại. Sĩ Quí thấy Nhơn Quí sợ sệt thì hỏi rằng: - Sao ngươi coi bộ kinh hãi vậy? Nhơn Quí thưa các việc giết tướng Phiên gặp Nguyên soái, rồi thưa rằng: - Xin lão gia tính kế cứu mạng, kẻo người đã lỡ thấy. Sĩ Quí hỏi: - Nguyên soái đã biết tên họ ngươi chưa? Tiết Lễ nói chưa. Sĩ Quí nói: - May ngươi chưa nói, chớ phải ngươi bày tên họ rồi thì không thể cứu đặng, vậy bọn ngươi hãy về thành trốn đi, mặc ta giải cứu cho. Nhơn Quí lạy tạ rồi về thành, còn cha con Trương Hườn xuống ngựa phá cửa tù xa đem Huất Trì ra thưa rằng: - Xin Nguyên soái dung tội, vì tôi không hay nên đến trễ. Kính Đức hỏi: - Tướng cứu ta khi nãy là ai? Sĩ Quí thưa: - Đó là rể tôi tên gọi Hà Tôn Hiến. Dứt lời, Tôn Hiến bước lại thưa rằng: - Xin Nguyên soái miễn tội, vì khi nãy tôi lại thấy Nguyên soái thì hết hồn nên chạy về kêu gia gia tôi giải cứu. Kính Đức nói: - Ta thấy rõ ràng người đó không giống ngươi, ta hỏi ngươi cứu ta, sao lại bỏ chạy? Trương Hườn nói tiếp: - Rể tôi khờ dại, thấy Nguyên soái thì thất kinh chạy về kêu tôi. Tôi lật đật dắt nó tới đây xin lỗi Nguyên soái. Kính Đức nói: - Lời nói vô bằng, bởi ngươi thêu dệt mà ra, để sau sẽ biết. Trương Hườn thỉnh Kính Đức về Hãng Mã thành. Kính Đức không chịu, lên ngựa thẳng về Phụng Hoàng thành. Khi Kính Đức về đến nơi vào chầu. Thái Tôn xem thấy mừng rỡ hỏi rằng: - Vương huynh bị bắt sao lại thoát thân về đặng? Kính Đức tâu việc bị bắt giải về kinh đô, gặp Nhơn Quí giải cứu, cha con Trương Hườn phá tù xa và các lời chúng nói vân vân... rồi nói rằng: - Tôi chắc Trương Hườn xảo ngôn, chớ tôi thấy rõ ràng là hiền thần Tiết Nhơn Quí chẳng sai. Từ Mậu Công cười rằng: - Nguyên soái chớ nghi, thiệt là rễ Trương Hườn là Hà Tôn Hiến cứu ngài đó. Kính Đức bỏ qua chuyện đó, tâu rằng: - Nay núi Phượng Hoàng không người coi giữ, bệ hạ muốn đi chơi thì đặng. Thái Tôn mừng lắm, giáng chỉ ngày mai ngự giá ra đi chơi. Rạng ngày trào thần cùng quân sĩ hầu long giá đi ra. Khi gần tới núi Phụng Hoàng, Thái Tôn xem thấy rất đẹp khen rằng: - Thiệt là bồng lai dưới thế! Khi ấy Thái Tôn thích chí lắm không muốn về bèn truyền các quan ai kiếm đặng chim Phụng Hoàng thì trọng thưởng. Lúc ấy hai mươi bảy vị lão thần bảo giá vâng lịnh phân nhau đi kiếm. Khi Tề Quốc Viễn và Vưu Tuấn Đạt đi tìm tới phía Đông núi Phượng Hoàng, gặp một đám ngô đồng cao vòi vọi, dưới mấy gốc cây có một chỗ đầy những đá nhỏ sắc rất đẹp, hình những trứng chim. Lại có một tấm thạch bia thếp vàng, hình dạng như chim, bóng dáng chói lòa cao chừng một với, bề dài đặng nửa tầm, xô mạnh thì rung rinh. Lại có một cái hang, không biết sâu hay cạn. Quốc Viễn nói rằng: - Tôi chắc chim Phụng Hoàng hay đậu nơi cây ngô đồng. Và chỗ này nhiều vật lạ trên có ngô đồng dưới có huyệt động, chắc ổ chim Phụng Hoàng nơi đây, hai ta mau về tâu lại. Vưu Tuấn Đạt khen phải, Tề Quốc Viễn lại nói: - Hãy khoan! Ta xem tấm thạch bia kia rất tốt, để mang về tâu làm của báu. Nói rồi xốc hai tay đỡ thạch bia mà vác, nhưng không nổi. Vưu Tấn Đạt phụ lực mà cũng không đỡ nổi, cứ đứng xô lắc hoài. Kế Từ Mậu Công tới, xem thấy tức cười rằng: - Hai người lếu quá! Mấy món ấy là đồ thánh tích linh lắm, lấy sao đặng. Nếu hai người lấy thì bọn ta bị bắt hết không ai trở về đặng. Hai người bèn bỏ thạch bia, trở về tâu lại việc tìm ổ Phụng Hoàng. Thái Tôn mừng lắm, dẫn các quan đến đó, quả thấy thạch bia tạc hình chim Phụng, liền hỏi quân sư rằng: - Bia ấy là vật chi vậy? Mậu Công tâu: - Đó là đá Phụng Hoàng vậy. Thái Tôn hỏi: - Vậy mà con và trứng đâu không thấy? Mậu Công tâu: - Đá nhỏ đây là trứng, thạch bia là Phụng Hoàng, còn chim thiệt thì chưa ai thấy đặng. Thái Tôn hỏi: - Chẳng hay trẫm muốn thấy chim đó có đặng chăng? Mậu Công tâu: - Bệ hạ là bực chí tôn, có thấy cũng vô sự, song sợ bọn tôi thấy thì mang hại. Tề Quốc Viễn nói: - Ta không tin, việc gì mà tai hại. Để ta phá ổ nó lên coi cho biết.