Mưa như bão, gió giật giật cánh cửa sổ như muốn bung cả chốt cài. Minh vội vàng níu chặt cửa rồi dùng dây cột cho chắc. Qua kẽ liếp, Minh thấy bà cụ ăn xin đang co ro úp mặt sát vách hiên nhà cô trọ, cố tránh những vạt mưa gió ào ạt thổi thốc vào. Minh nhận ra bà cụ vẫn hay qua đây, cũng áo vá quần thâm, giống mẹ ở dưới quê... Thế là cô hé cửa mời bà vào.
Bà cụ mừng rỡ dúi giỏ cói vào góc cửa, rồi đưa tay vuốt vuốt mái tóc bạc sướt sũng, tay kia bà dằn ngực thở, xuýt xoa: “Mô Phật! May quá. Cảm ơn cô...”.
Minh nhìn bà ái ngại, bà lớn hơn mẹ cơ, tuy chưa phải chống gậy nhưng lưng đã còng, mắt phải bà bị mù, tròng con ngươi trắng đục. Thân hình bà còm cõi bé nhỏ trong bộ quần áo vá chằng chịt, giờ thêm ướt át trông càng thảm hại.
Bà mệt mỏi ngồi ghé xuống cạnh cửa, thở nhẹ: “Cảm ơn cô!... Cô tốt quá!...”.
Minh kéo tay bà: “Bác ngồi lên ghế này”. Bà khẽ trì lại: “Người tôi ướt lắm!...” - “Không sao đâu mà” - “Vâng vâng... Cô cứ làm việc đi... Mặc tôi...”.
Minh mỉm cười xếp nhanh chồng giáo án: “Cháu xong rồi”. Cô rót nước mời bà: “Bác uống nước nóng cho ấm”. Bà cảm động: “Mô Phật! Cảm ơn cô”.
Mưa kiểu này lâu đây. Minh nhìn bong bóng nước trôi vỡ trên đường, cảm thấy buồn buồn... Nỗi buồn vô cớ không đâu... May có bà cụ... chứ một mình thui thủi trong nhà này... nhìn ra mưa thật cô đơn!... Minh nhìn đồng hồ, sắp đến bữa... Cô khẽ quay lại nhìn bà cụ, dịu dàng: “Cháu ở đây một mình... Trời còn mưa dai, mời bác ở lại ăn cơm với cháu cho vui nhé? Cháu thật tình đó”. Bà cụ lắc đầu, khoát tay rối rít: “Mô Phật! Tôi không dám đâu. Cô cứ dùng cơm...” - “Bác đừng ngại. Cơm rau thôi mà” - Minh nói thật tình cảm. Bà cụ vẫn lắc đầu: “Không không...”. Rồi yếu ớt xua tay, nhìn ra cửa như muốn đi. Minh mỉm cười nắm tay bà, gần như năn nỉ: “Mưa gió thế này... Không có bác... cháu buồn lắm!”...
Đôi mất bà cụ ngân ngấn nước, bà vội quay đi chỗ khác. Thấy trên bàn đầy sách vở, bà hỏi cho có chuyện: “Chắc cô dạy học?”. Minh gật: “Vâng. Mà sao bác biết?” - “Tôi đoán. Thấy có nhiều sách... Vả lại có hôm tôi qua đây... thấy học trò...”. Minh gật đầu: “Cháu kèm thêm cho các em yếu”. Bà cụ có vẻ hớn hở: “Con dâu tôi cũng là cô giáo cô à. Tôi mừng lắm. Dẫu sao...”. Minh quan tâm: “Chị dạy cấp mấy hở bác?” – “Hình như cấp một. Học trò nó bé tí à”. Minh cười: “Cháu cũng vậy”.
Bà cụ đã có vẻ tự nhiên, khẽ nghiêng đầu, long lanh con mắt sáng nhìn Minh: “Xin lỗi cô giáo nhé? Cô... bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?”. “Dạ, cháu hăm chín”. “Vậy sao? Trông cô trẻ lắm! Tôi tưởng hăm lăm hăm sáu là cùng”. Minh cười: “Bác nói làm cháu mừng”. “Thật đấy. Người thành phố trẻ lâu. Con gái tôi mới hăm hai, có hai con, mà trông nó già hơn cô nhiều”. Bà nhìn Minh: “Xin lỗi... Cô sắp lập gia dình chưa?...”. Minh lắc đầu: “Ai thèm lấy cô giáo nghèo và xấu như cháu?”. “Cô cứ nói thế! Chắc tại cô kén quá?”. “Cháu mà dám kén?” - Minh đùa - “Bác thử làm mai cho cháu xem?”. Bà cũng cười, ngước con mắt còn lại ngắm Minh: “Thật nhé?”. Rồi gật gù: “Nhiều cô cứ hay nói chẳng ai để ý, chẳng ai thèm lấy. Thế mà đùng một cái lấy chồng. Chưa phải duyên phải nợ đó thôi cô à”.
Sau chiều mưa ấy, những câu chuyện của bà cụ ăn xin cứ làm Minh suy nghĩ. “Bà cụ đến là hay chuyện. Hôm ấy trời mưa dai, bà kể không đầu không đuôi hết chuyện nhà đến chuyện ngõ, cuối cùng rồi cùng quay lại khuyên mình liệu mà lập gia đình, rằng chỉ cần tương đối, rằng gái có thì... Minh biết bà khuyên thật lòng.
Chưa phải duyên phải nợ đó thôi - Minh nghĩ cũng đúng. Lớn lên, biết mình không đẹp nên lo học, cô lại có thú đọc sách. Xong đại học Minh đã hăm lăm, đám bạn trai cùng khóa thích lấy vợ trẻ đẹp hơn. Con gái lấy chồng học kém mình thì hơi buồn. Cũng ít đàn ông muốn lấy vợ giỏi hơn mình. Cô tạm giam chân một chỗ mà chờ đợi.
“Bà cụ nói đúng, con gái xấu đẹp gì cũng có ít nhiều chàng để ý, có chàng ngỏ ý - Minh cũng thế - Nhưng lúc ấy mình thấy không hợp, không ưng, nghỉ để học xong đã, chứ gật đầu thì cũng xong rồi, hạnh phúc sướng khổ tính sau”.
“Giờ trong số những chàng ấy có người đã lấy vợ, có người đi xa, có người còn đây nhưng đã đổi ý, đã chán mà lơ đi chuyện cũ. Người ta không nhắc chẳng lẽ mình lại...”.
“Như lá vàng bay tình lỡ rồi... Cầm bằng như không biết mà thôi” - Minh hát nho nhỏ – “Đoàn Chuẩn - Từ Linh tài thật!”. Minh ôm gối nhìn sâu vào bóng đêm, nghĩ tiếp: “Kể ra cho đến bây giờ, mình vẫn còn vài người để ý. Nhưng mà... cứ làm sao ấy??... chẳng đi đến đâu... Ông phụ trách công đoàn trường hơn mình 8 tuổi, góa vợ, đứa con trai nghịch ngợm của ông ta mình có thể dạy được. Nhưng thái độ của ông ta cứ ra vẻ “Cô không lấy tôi thì lấy ai được cơ chứ?” làm mình tức”.
Anh Hùng, 34 tuổi, giáo viên toán cùng trường, hơi đen một chút, cao ráo thể thao, khổ cái mùi hôi của anh làm mình thua. Minh đặc biệt dị ứng với mùi khó chịu này. Nghĩ đến phải chung chăn với anh ta mình đủ chết ngạt.
Tại mình! Tại mình khó nết chịu đựng...”.
“Còn ai nữa không nhỉ... À phó giám đốc Đức, 40 tuổi, đã ly dị vợ dưới quê. Con bạn làm ở công ty ông ấy giới thiệu, nó rỉ tai mình: Lấy ông ấy mày sẽ làm chồng. Nó còn cho biết thuở hàn vi ông tên Đực - Nghĩ đến đây cô mỉm cười - Tên gì cũng được. Nhà quê hay vậy, cốt tấm lòng, dân dã mình lại thích. Nhưng kiểu học làm sang của kẻ mới phất làm mình không ưa.
Lấy ông ấy thì khỏi lo mặt kinh tế. Ông ta đã mấy lần đem xe hơi đến đón. Trong xe có cả ti vi, có gói kê sực nức mùi nước hoa, có tạp chí ảnh lòe loẹt, sách báo kinh tế Tây Tàu...
“Em nghe nhạc Tuấn Vũ nhé? Hát không thua gì Chế Linh”. Mình lại dị ứng.
Chẳng phải những ca sĩ ấy hát không hay, không hay sao có người thích? Nhưng chất giọng và loại nhạc ấy không dành cho mình. Mình hỏi khéo: “Có băng nhạc Ánh Tuyết hát không anh?”. Ông ta ngơ ngác: “Ca sĩ mới hả?”. Buồn!
Không chịu nổi tra tấn, mình bảo tài xế thay băng hình nhạc trẻ khác - nhạc nào cũng được. Cũng phải cố xem và lắng nghe để hòa nhập. Ông ta vừa xem vừa lắc lư nhịp nhịp. Mình thấy nghệ thuật giả giả làm sao! Nghệ thuật chưa tới. Hình như giờ ca sĩ họ bắt chước nhau, gào rú một tí, rên ư ứ một tí mới ăn. Có sao đang hát, đến đoạn chợt ngưng lại, hét lên: “Hát lên các bạn ơi! Vỗ tay các bạn ơi! Ứ ứ hự hự!...”. Danh ca quốc tế người ta ăn mặc giản dị, đây hát dở cứ thích nổi, phục sức dị hợm điệu bộ chẳng giống ai. Kệch cỡm không chịu được!
Sao mấy ông đạo diễn, mấy ông làm chương trình cho lên sân khấu được nhỉ? À, biết đâu mấy ổng khôn lõi đời - Làm kinh tế mà - Chắc gì mấy ông thèm xem thèm nghe những gì mình làm: Khinh khán giả quá!
Vậy thì mình chẳng dại xem và nghe những thứ ấy. Nhưng bảo tắt đi lúc ông Đức đang mê thì thật mất lịch sự, đành chịu trận ngồi im. Ông Đức tưởng mình cũng mê, cao hứng: “Ăn xong mình đi coi nhạc sống”. Mình vội tìm cách chối từ: “Em nhức đầu. Để hôm khác đi anh”.
Trước đây mình cũng từng chịu khó đi coi hát với bạn, với Lan - em gái mình. Coi chứ không phải nghe. Coi ca sĩ cùng diễn viên nhảy múa, coi người ta tranh nhau tặng hoa. Có người dúi vào tay mình: “Lên lặng giùm đi. Lên đi”. Mình đâu thích theo đuôi. Thừa biết có người chờ dịp tặng hoa để được bắt tay, được ôm hôn ca sĩ, được chụp ảnh, được lên truyền hình. Rởm! Rởm quá!”.
“Thế mà em gái mình, có cả bạn mình, cứ nghệch mặt ra ngưỡng mộ. Đến màn kịch tấu hài rẻ tiền chúng thích quá cười hi hí. Mình nói: Chúng mày đơn giản thật! Chúng bảo mình là bà cụ non khó tính.
Ấy vậy mà cô bạn và Lan đã chồng con đùm đề...
Tại mình thôi! Tại mình xét nét rắc rối, cứ phải thế này thế nọ...”.
Minh bỏ gối, vớ lấy chồng sách báo để đầu giường, nào là Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội, Tạp chí Nhà Văn... Cô ôm một lô vào lòng: “Tại những thứ này đây mà!”. Rồi gật gù mỉm cười: “Mình cứ là mình. Mình hiểu và thông cảm họ, nhưng họ chưa thể hiểu được mình. Lớp một làm sao hiểu hết bài lớp năm? Cớ gì mình tự hạ thấp? Nâng cao họ lên mới phải chứ?
Đi trên đường ít người, đôi khi mình cảm thấy buồn, cô độc, hoang mang, như kẻ lạc đạo...
Kệ! Biết chắc mình không lạc đường là được.
“Chuyện chồng con cũng tương đối thôi cô ạ” - Bà cụ khuyên mình vậy - Mình đâu cần tuyệt đối. Mình hiểu và chẳng bắt người khác phải suy nghĩ như mình. Chia sẻ đồng cảm được thì tốt, không cũng đâu có sao?
Chắc một lúc nào đó, để bà con bạn bè khỏi thúc khỏi giục nữa, quýnh lên, tức lên, mình sẽ lấy đại một ông nào đó cho xong. Lấy phó giám đốc Đức chẳng hạn, ấm thân đấy! Nhưng ngoài việc chồng vợ ra mỗi người một thế giới, một phòng riêng, mỗi người một tivi, một loại băng đĩa, một loại sách báo, một loại nhạc. Ông Đức thừa điều kiện mà.
Như vậy vợ chồng không duyên thì là nợ. Mình nợ hay ông ta nợ?
À, nếu nợ nhau thì trước sau gì cũng phải trả. Vậy cứ từ từ tính”.
Minh lắc đầu: “Cứ từ từ thế mà lênh đênh đến mãi bây giờ... Thời gian êm ái nhưng cũng lạnh lùng, lặng lẽ trôi... Đến một lúc nào đó không lẽ lại gào lên với một ông mà mình thấy được: “Anh ơi làm ơn lấy tôi đi”?
Nghĩ đến đây Minh mỉm cười: “Ai chứ mình thì không. Muốn thì muốn lắm nhưng không được thì tu quách”.
Minh định bật đèn đọc truyện để xua đi những suy nghĩ bế tắc, nhưng đèn không sáng. Lại sao rồi? Cô xoay xoay “con chuột” bóng đèn... Vẫn không nhấp nháy. Đêm khuya lần mò không khéo bị điện giật... Minh thở dài, người đàn ông cần thiết biết bao!
Đêm về sáng hơi lạnh, Minh đắp hờ chăn lên ngực nằm im trên giường. Không ngủ được lại suy nghĩ vớ vẩn nữa à? Nghĩ gì cho vui đây?...
Lạ thay! Con mắt lòa tội nghiệp, con mắt sáng long lanh của bà cụ ăn xin cứ chập chờn ẩn hiện nhìn Minh...
Bác quê ở đâu? - Tôi mãi Quảng Thái - Cháu không biết - Xa lắm! Quê tôi nghèo nhất Thanh Hóa, cô không tưởng tượng nổi đâu - Thế con cái bác đâu mà?... - Tôi được hai trai hai gái, lớn cả rồi. Chúng nó cũng nghèo... - Nghèo thì nghèo. Bổn phận con cái... - Cảm ơn cô. Các con đều thương tôi, nhưng chúng còn phải lo cho gia đình chúng. Thấy chúng nghèo tôi càng thương, đâu nỡ!... Nước mắt chảy xuôi mà cô.
Nghề nông cực từ nhỏ, tôi quen rồi. Lớn lên lấy chồng bộ đội, khi chồng hy sinh tôi mới ba mươi, phải làm mướn nuôi con, có khi cấy suốt đêm. Chiến tranh mà!
Một đêm, tôi trượt chân ngã vào bụi tre, bị mù một mắt. Trời ơi lúc ấy khổ ơi là khổ. Tôi đâm oán trời oán đất. Nghĩ mình bậy thật?...
Tôi cực suốt. Nhưng rồi cũng qua cô ạ. Người ra thương hại mẹ góa con côi, tìm việc này việc nọ cho làm. Tôi làm đủ việc, kể cả việc nặng nhọc của đàn ông.
Nói thật giờ tôi đi ăn xin là nhàn lắm rồi. Ăn xin cũng là đi làm đó cô - Bác nói sao? Đi làm?... Cháu xin lỗi nhé? Nghe nói ở Thanh Hóa... có làng chuyên đi ăn mày phải không bác? - Thì làng tôi chứ đâu. Giữa làng có thờ thần ăn mày. Chà! Nói chung cũng vì nghèo khổ quá mà sinh ra. Dân làng tôi đa số sống nghề ngư, vùng biển đó dữ và động luôn. Một số làm nông, nước lợ đồng chua, mỗi khẩu chưa được nửa sào ta. Cô bảo bà con ruột thịt nhà giáp cận nhau, có mỗi đường ranh vun lên trồng khoai cũng phải rạch ròi để tránh tranh giành. Cái đói cái khổ hành hạ làm nhục con người ta. Đất xấu lại ít, làm còn không đủ nên chẳng ai mướn. Thằng con cả tôi phục viên về, phải ra biển vào rừng, quần quật suốt ngày - Ấy là nó có sức - mà giỏi lắm một ngày chỉ được mười lăm ngàn. Tôi già yếu tật nguyền, không lẽ ở nhà mãi làm khổ con khổ cháu? - Bác cứ kể tiếp... Cháu nghĩ đây là bài học hay, có thể kể cho học trò nghe - Vậy cơ à?... Mùa màng thường thất bát nên dân làng tôi rủ nhau đi du ký - đi ăn mày đó mà - Họ còn văn vẻ là đi lưới Thiên Nam, đi lưới Rồng cạn... Hầu như nhà nào cũng có người đi nên không còn thấy xấu hổ. Dường như cái nhục cũng quen nết?...
Những ai đi bộ đội như con cả tôi là chống. Con cả tôi nói phải phá cái tục xấu ấy đi thì mới ngóc đầu lên được. Thà dở thà khổ chứ không bao giờ chịu hèn. Nó tích cực lên xã, đến tận từng nhà, hô hào đả phá chuyện bà con hết mùa là rủ nhau đi ăn mày. Con tôi nói đúng người ta phải lặng im. Nhưng có thực mới vực được đạo, rảnh tay rảnh chân là già trẻ lớn bé lặng lẽ kéo đi. Tôi nghe họ kháo nhau rằng dân Sài Gòn giàu có rộng rãi, ăn mày được nhiều tiền. Xưa vì đói mà đi, giờ có nhà đi cả gia đình, tích cóp làm vốn làm giàu. Tôi suy nghĩ ghê lắm! Hé ra là thằng cả nhà tôi chẳng đời nào cho đi. Mà không đi thì khổ, nhìn con cháu thiếu thốn không đành lòng.
Tôi phải dối các con là về thăm quê chồng ở Long An vài tháng - Chồng tôi tập kết mà - Tôi leo tàu vào đây. Trước mắt là đỡ được bữa cho con cho cháu.
Mỗi khi thấy bà cụ đi ngang, Minh đều chạy ra mời bà vào nghỉ chân, uống nước hoặc dùng cơm. Vào kỳ lãnh lương cô tìm cách dúi vào tay bà ít đồng.
Lâu lâu bà không qua, Minh thấy lo và nhơ nhớ. Đến khi gặp, bà cũng thú nhận: “Nhớ cô tôi muốn ghé thăm, nhưng cô cho hoài tôi cũng ngại”. Minh phải hứa không biếu tiền bà nữa, nhưng giao hẹn mỗi tuần bà phải ghé ăn cơm ít nhất một lần.
Cứ thế thành thân, có gì vui buồn bà và Minh đều tâm sự với nhau. Có lần Minh đã dám hỏi thử: “Mỗi ngày bác xin được bao nhiêu? Có đủ sống không?”. Bà thành thật: “Tôi nói có thể cô không tin. Được hai ba chục ngàn đấy cô ạ”. Minh giật mình! Cũng có thể...
Bà cụ nói: “Chắc thấy tôi già cả, lại mù lòa, nên bà con thương. Chứ lành lặn khỏe mạnh đi xin may lắm chỉ được vài lần. Cô thấy đấy: Giờ đội quân ăn mày đông lắm! Thật có giả có. Giả què cụt nằm xe lăn, đày con đi xin... Nhiều lắm! Trời Phật ơi! Chắc gì con họ? Mà nếu con họ thì ác quá!”.
Minh gật gù lắng nghe, bà kể tiếp: “Nhờ ở trong giới ăn mày nên tôi biết: Tối đến họ tắm rửa, đánh bài, nhậu nhẹt, có người ngồi xích lô đi ăn tiệm nữa...” - Cháu có nghe nói. Không ngờ ăn xin cũng khá và ghê gớm vậy?”. Minh mỉm cười nhìn bà: “Bác có... ăn tiệm không?”. Bà cười, thành thật: “Lâu lâu ăn quán thì có. Nấu nướng từng tí còn tốn hơn. Tôi toàn xin cơm thừa canh cặn. Hôm nào cùng lắm mới phải ăn ở quán bình dân quen. Bán cho người ta ba ngàn thì chỉ lấy tôi một ngàn, vừa bán vừa cho. Ăn cơm trắng cũng là sướng rồi”.
“Tôi khác họ, tôi phải hết sức tiết kiệm. Vì tôi nghĩ ở quê con cháu đang khổ, làm không ra tiền. Mà chúng có dở đâu? Còn mạnh khỏe và có tài nữa đấy cô ạ. Như thằng cả nhà tôi, nó còn biết làm thơ. Cô phải biết làm thơ được đăng báo, được gửi tiền về là oai lắm! Nghe nói có bài được những ba mươi ngàn đồng - gần hai thùng thóc đấy cô ạ - Quý lắm! Cả làng cả huyện tôi nở mày nở mặt vì nó. Tôi cũng hãnh diện lắm!”.
Minh hết ngạc nhiên đến buồn cười. Mà sao dạo này bà hay kể về cậu con cả? Nào là bộ đội, khỏe mạnh, giỏi giang, giờ lại biết làm thơ. Cũng may làm thơ chỉ là nghề tay trái, chứ nếu không cô vợ giáo viên của anh ta đến khổ.
Rồi Minh nhẩm vài con tính, giật mình. Một tháng, tiền bà cụ xin được gấp đôi lương mình, trong khi bà chẳng tiêu gì... Minh mỉm cười hỏi: “Bác dành tiền về quê cho con?”.
Bà nhìn Minh, đắn đo một lúc rồi nói: “Cô đừng cười... Tôi dành tiền về cưới vợ cho con”. Minh ngạc nhiên: “Cưới vợ cho con?”. Bà gật: “Thật mà. Đã nói quê tôi nghèo lắm! Người ta cốt sao cho trai gái có cặp có đôi, để chúng làm chúng ăn. Chính hai đứa con gái tôi cũng cho không người ta. Thách thì ai dám lấy? Nhưng con trai dù sao cũng phải có ký kẹo ký bánh. Làng tôi 5 kg là sang lắm. Kẹo bánh tôi mua trên này, vừa rẻ vừa lạ. Về quê mua thêm 3 kg thịt, ngoài đó rẻ bằng nửa Sài Gòn. Để xem còn gì?... À còn vài chục bánh tráng ướt cuốn, nửa kg trà, cặp rượu trắng, trầu cau giờ chỉ cần vài lá... Tất cả khoảng trăm ngàn, bằng ba ngày ăn xin may mắn của tôi. Thế là con tôi có vợ. Cô thấy có hay không?”.
Minh ngẩn ngơ nghe, bà gật đầu, kể tiếp: “Cái chính là sau đó cho mỗi đứa vài trăm ngàn làm vốn. Vài trăm ngàn ở quê tôi lớn lắm”.
Minh nghe mà thích thú, lại thấy xót xa!... Cô lại so sánh: Nhuận bút bài thơ bằng một ngày ăn xin... Một tháng anh con cả bà có mấy bài thơ đăng?
Chiều nay, bà khập khễnh chống gậy bước vào, gót chân trái sưng tím, thêm vết thương băng trên đầu, vệt máu khô trên áo... Minh hốt hoảng: “Bác bị sao vậy?”. Bà nhăn mặt lắc đầu: “Khổ quá! Một thằng giả ăn xin ganh với tôi... Nó giật tiền rồi xô tôi ngã...”. Minh xót xa: “Có nặng không bác?...” - “Mới đầu đau lắm! Giờ đỡ rồi... Trời Phật ơi? Chịu nhục ăn xin mà vẫn chưa yên?” - Bác có mất nhiều tiền không?”. Bà móc trong bụng áo ra: “Ít thôi... May mà nó không biết...”.
Bà ngồi bệt xuống, tạm quên đau đớn, vuốt vuốt lại những đống tiền lẻ, rồi xếp cẩn thận loại nào ra loại nấy. “Tôi sẽ không đi ăn xin nữa đâu cô ạ. Thằng cả nhà tôi nói đúng. Thà làm ruộng nhà hơn ăn mày xứ người. Còn con cháu, nhà cửa, ruộng vườn... Quê nghèo đến mấy cũng phải về”.
Minh bưng chén chè đậu xanh ra: “Bác ăn cho mát. Học trò cháu đến chơi, chúng bày ra nấu đấy”. Bà cảm ơn, chậm rãi ăn, vẻ nghĩ ngợi lắm.
Lúc sau bà nói: “Chân tôi đau... tôi muốn nhờ cô đánh điện hộ về quê...”. Minh sốt sắng: “Dạ được”. Bà gật đầu rút nhanh hai mươi ngàn kẹp sâu trong tờ giấy ghi địa chỉ, rồi đưa cho Minh. Minh trả lại tiền: “Bác dành mua thuốc uống - Cô mỉm cười - Cho cháu phá lệ biếu bác lần này”. Bà cười lắc đầu: “Biết ngay mà!... Tôi muốn nhờ cô...” - “Bác cứ nói?” - “Tôi muốn nhờ địa chỉ cô... để con tôi biết chỗ mà tìm... Tôi đã mua vài kg gạo... gửi cô nấu cơm... Cô cho tôi được ở nhờ đây vài hôm để dưỡng cái chân...”. Minh gật mạnh: “Tưởng gì chứ việc đó cháu sẵn sàng. Bác nằm giường này, cháu ngủ trên ghế bố kia”.
“Còn việc nữa cô ạ...”. Minh nhìn bà, trách nhẹ: “Bác cứ nói đi mà? Với cháu bác đừng ngại” - “Việc này... quan trọng lắm... Xin cô giấu cho. Tôi đã kể cô nghe rồi đấy... Tôi giấu các con việc mình đi ăn xin...”. Minh nắm tay bà: “Cháu hiểu. Bác không dặn cháu cũng chẳng bao giờ nói”. Bà run run, giọt nước mắt chợt rơi xuống: “Cảm ơn cô... Cô không khinh tôi... Tôi không biết nói sao...”.
Minh đứng lên: “Cháu kính phục bác thì có. Thôi giờ bác nằm nghỉ cho khỏe. Bác cứ ở đây tịnh dưỡng cho đến khi con bác đến đón. Giờ cháu ra bưu điện rồi quay về ngay”.
Minh nói xong nhanh chóng dắt xe đạp ra. Bà cụ nghẹn ngào, trìu mến nhìn theo dáng người gầy gầy thon thả. Bà bồi hồi sung sướng nghĩ: “Vợ chồng mấy đứa kia đều bận... Nhất định thằng cả sẽ đi... Kỳ này phải cố thuyết phục nó lấy vợ... Còn mỗi mình nó... Cái thằng gàn? Còn ai hơn cô giáo này nữa?... Nhưng... chỉ sợ cô ấy không chịu?...”.
Nghĩ đến đấy bà lo lo, nước mắt từ trong con mắt lòa tự nhiên ứa ra. Bà gạt lệ, sờ lên mi mắt, lẩm bẩm: “Nghĩ lại, Trời cho mình mù cũng là giúp mình. Xin Trời Phật giúp con lần nữa”.
Bà định chống gậy xách bị gạo xuống bếp, nhưng nghĩ sao lại thôi, chân còn đau mà.
(DNSGCT)

Xem Tiếp: ----