ây giờ chắc ít ai còn biết đến chiếc bánh cam, bánh vòng mang đầy tính chất mộc mạc của người Việt bình dân. Đó là một lọai bánh làm bằng bột nếp trong có một lớp nhưng đậu xanh, nếu nắn thành hình tròn đè bẹp xuống một chút gọi là bánh cam, nếu làm thành một cái vòng ở giữa tróng thì gọi là bánh vòng, nó được chiên phồng lên rất giòn. Để cho chiếc bánh có màu sắc thu hút, lại thêm vị ngọt đậm đà, người ta thắng nước đường rưới lên trên mặt bánh. Sau giấc ngủ trưa nếu có một hai chiếc bánh cam bánh vòng nhâm nhi uống nước thì thật là tuyệt. Đấy là một trong những món ăn giữa bữa của người lao động. Mẹ tôi, một tiểu thơ khuê các, con một chánh văn phòng của một hảng tàu. Cuộc sống rất thoải mái, trong nhà luôn có sẳn xe kéo, bước ra đường là chỉ việc leo lên xe kéo có người kéo đi. Bà được đi đây đi đó khắp nơi theo tàu của hảng mà ông ngọai tôi làm việc. Thế nhưng bất hạnh đã đến với gia đình, ông ngọai tôi qua đời vì một cơn bạo bệnh, Bà tôi, buồn bả trước cái chết của ông lại đâm ra nghiện rượu, cứ mỗi sáng là bà phải làm một ly xây chừng rồi mới đi đâu thì đi, cơn nghiện càng ngày càng nặng hơn, kinh tế gia đình càng ngày càng suy sụp. Chiến tranh lại bùng nổ – cuộc chiến 1945 trở nên dử dội, và nhiều người dân thành phố buộc phải bỏ nhà bỏ cửa chạy ngược về miền quê. Lúc đó Pháp lùng bố bắt bớ thật gắt gao, họ dùng những người trùm bao bố để chỉ điểm, những người chỉ điểm này chỉ ai là Việt Minh thì người đó là Việt Minh.. Và dầu có là Việt Minh hay không, nếu chỉ mích lòng họ thì với nhất dương chỉ của họ, cái mạng của người bị chỉ coi như xong rồi. Có lẻ vì quá lo sợ nên mẹ tôi dắt díu bà ngoại và bồng trống mấy đứa em rời thành phố về nhà một người bà con ở Phú Văn nay thuộc tỉnh Bình Dương để trú ngụ cho qua những ngày đen tối ấy. Mẹ tôi kể, lúc đó không có xe đi mà chỉ đi bộ, chỗ thì Pháp đóng, chỗ thì Nhật đóng qua chỗ nào cũng nguy hiểm cả. Dì út tôi còn nhỏ phải bỏ vào cái thúng để gánh một đầu, còn đầu kia gánh đồ đạc. Cứ thế mà đi, lúc trên đường, lúc phải xuống ruộng để tránh những cuộc tuần tra của Nhật, hoặc của Pháp, họ ra lệnh ở đâu ở đó. Khi đến trú ngụ tại nhà bà con, mẹ tôi gởi mẹ gởi em ở đó rồi quảy gánh vượt đồng, vượt nguy hiểm buôn bán để kiếm tiền nuôi ngọai, nuôi mấy cậu và mấy dì. Và cũng chính vì sự hy sinh đó của mẹ tôi mà mấy dì mấy cậu ai đều kính nể. Chiến tranh tạm lắng xuống, mẹ tôi lại đưa cả nhà trở lại thành phố. Cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả! Để thêm thu nhập cho đủ sống, mẹ tôi sắm một cái rổ, một cái tràng và mua mấy chục cái bánh cam bánh vòng bảo hai cậu của tôi đi bán. Cậu lớn khỏang 14 cậu nhỏ khỏang 10 tuổi một. Hai người bưng rổ bánh cam bánh vòng đi bán trong buổi trưa hè, không biết bán được bao nhiêu cái nhưng khi ngồi nghỉ cậu lớn của tôi nhìn thấy những miếng đường rưới trên chiếc bánh cam qủa thật là ngon, những giọt đường đỏ thẳm chảy xuống như khêu gợi, thế là cậu lớn bảo cậu nhỏ: - “Tao với mày gở mấy miếng đường dư ăn đi, đâu có ai biết”! Cậu nhỏ của tôi ban đầu không dám, nhưng nhìn thì cũng thấy thèm thuồng, thế là gở từ từ những miếng đường dư chung quanh bánh để ăn. Cuộc chiến không dừng lại ở đây, những chiếc bánh cam dần dần mất hết đường trên mặt. Vì càng ăn càng ghiền mà...Đến khi cái bánh cam cuối cùng được gở trọc lóc hai người sựt tỉnh và bắt đầu lo lắng. Cậu nhỏ tôi bảo cậu lớn: - “Làm sao bây giờ anh, ăn như vầy làm sao mà bán được, về nhà chị hai đánh chết”. Sau một lúc suy nghĩ, cậu lớn tôi bảo cậu nhỏ: - Tao với mày ăn hết đi rồi về tới nhà tao tính cho. Thế là hai ông ngồi xuống làm sạch sẽ mâm bánh tàn dư. Trên đường về nhà, cậu lớn dặn cậu nhỏ chừng nào tao bảo chạy là mày chạy nghe không? Và tao nói gì thì mày chỉ gật đầu. Còn độ 200 mét nửa là về tới nhà, cậu lớn tôi bắt đầu hô chạy, thế là cậu nhỏ chạy theo. Họ chạy cấm đầu cấm cổ và lao vào nhà như một cơn giông. Cả hai thở hổn hển, mẹ tôi hỏi: - Hai đứa làm gì mà chạy dử vậy? Bánh trái đâu cả rồi? Cậu lớn tôi nói trong tiếng được tiếng mất vì quá mệt: -“tụi nó chận bắt lấy bánh ăn hết rồi” ; Mẹ tôi hỏi: -“Ai? Ai mà chận hai đứa nhỏ như bây để giựt bánh? Cậu lớn tôi vội vàng đáp: -“Lính Lê dương đó”. Mẹ tôi phì cười: -”Lính Lê dương mà thèm ăn bánh cam đến nổi phải giựt của tụi bây hả”. Mẹ thương mấy cậu vì những ngày chạy giặc thiếu thốn, nhưng mẹ vẫn phạt cậu lớn về tội nói dối, và phạt cậu nhỏ về tội a tòng” Đấy là những chuyện kể về mẹ mà mấy cậu tôi thường kể cho tụi tôi nghe. Và năm ấy cậu khỏang hơn bốn mươi nhưng vẫn quỳ bên gối mẹ tôi để xin lỗi vì làm mẹ tôi giận chuyện gì đó... Huyền Băng