Ba giờ. Căn nhà của họ một tầng, rộng hai trăm năm mươi mét vuông, năm phòng nằm trên con đường gần phi trường, bên cạnh vài chục biệt thực của những thương gia đang giàu lên thời cơ chế thị trường. Mặt tiền của căn nhà rộng mười bốn mét, chia làm hai phần lệch nhau. Bên nhỏ dành cho đường ôtô vào gara, bên to là hàng rào thưa và cao, màu xanh lá cây thẫm. Sau hàng rào là khoảng vườn rộng, trồng cỏ và hoa. Mùa hè. Những bụi hoa mẫu đơn ba màu mượt mà bên những hàng tóc tiên. Có một cây xoài cao vượt quá mái nhà, cành thưa nhưng trái lại nhiều. Mỗi chùm có từ năm đến bảy trái. Những trái xoài xanh ngắt phần đuôi nhưng lại vân đỏ phần cuống, mịn màng phấn như má con giá 16. Dọc thân cây xoài là những giò phong lan rủ dài với những cánh hoa, đẹp như không có thật. Qua vườn là phòng khách được ngăn bởi hai tấm cửa kính cao từ đất lên tới trần. Bộ sa lông anh mang từ Hy Lạp, những hoạ tiết vằn vện nâu vàng như thảm hoa cúc gấm dọc đường Nghi Tàm khi Tết đến. Mỗi khi ngồi lên thảm hoa êm ái đó, như có cảm giá dịu êm của nhiều bàn tay vô hình vuốt ve. Một cánh cửa kính lớn để sang phòng ngủ của họ, những cửa sổ trông ra vườn. Bình minh lên. Ánh sáng hồng nhạt rồi vàng dần hắt từ ngoài vườn. Từ những tán lá xanh của bụi mẫu đơn lóng lánh đủ màu. Từ những hạt sương đêm đọng lại hay của những giọt nước sau cơn mưa rào hiếm hoi nhanh đến nhanh đi của trời Sài Gòn. Và đêm đến. Trăng lên. Khu vườn như nhuộm bạc. Mờ ảo lắm nhưng cũng rõ ràng lắm. Và khi cơn gió đi qua, tất cả trở nên ma quái. Cạnh phòng của anh chị là phòng các con. Anh chị lấy nhau mười năm thì tám năm nghèo. Lúc nào họ cũng hớt hải, vội vàng chả đâu vào đâu. Có được ít tiền hay mua được một thứ đồ gì là mừng cuống lên như thể niềm vui đó bất diệt hơn mọi niềm vui trên đời. Rồi bỗng dưng anh nhận được từ bạn bè một hợp đồng đi làm cố vấn luật cho vụ kinh doanh ở Hy Lạp- một đất nước xa xôi anh rất yêu và hiểu về nó qua những gì anh đã đọc và đã biết. Hai năm sau. Anh mang về từ gạch lát nền, gạch lát tường buồng tắm, những bộ bàn ghế, những chiếc đèn bàn, đèn ngủ. Và mua được mảnh đất vuông vắn cũng do bạn tốt bán lại. Anh xây một cung điện cho bốn người sau bao năm sống trong môi trường công cộng. Ba năm sau ngày họ có căn nhà, cuộc sống này. Họ còn lại một ngày. °Bốn giờ. Chị và thằng lớn học lớp bảy về căn nhà chị đã ra đi gần một năm trên một chiếc xe hơi thể thao đời mới màu xanh - lại màu xanh chị thích. Màu xanh từ hàng rào, từ những tay vịn cửa, từ chân những chiếc đèn ngủ, đến những chiếc khăn bông trong nhà tắm. Thằng em lên sáu cười toét miệng chạy từ phòng khách ra khi xe của chị đỗ ở cửa, chứng tỏ nó đã đợi từ lâu. Nó líu lưỡi hét vào trong nhà gọi chị giúp việc: " Chị Ba, mở cửa cho má với anh". Chị giúp việc trên bốn mươi tuổi, nhỏ bé, gọn gàng như thanh lương khô chạy ra, tay lắc chùm khoá xủng xoảng, lập cập tra chìa vào ổ. Vừa kéo rộng cánh cổng sát, vừa hỏi:" Mợ cho xe vô luôn?" Chị lắc đầu lôi trong xe ra một bọc to tướng: " Thôi khỏi, để xe về bên kia". Hai thằng bé đã theo nhau vào trong phòng riêng và khép cửa lại. Chiếc giường tầng của chúng giờ xếp những bọc chăn mền và quần áo lạnh. Ngày xưa. Buổi tối. Thằng anh nằm học thuộc lòng tầng trên. Thằng em ngồi chơi xếp hình tầng dưới, lẩm bẩm đọc theo thằng anh giống một con yểng. Khi chuông đồng hồ thả 9 nhịp chuông, chị ngó vào, nháy mắt với 2 thằng, ngó nghiêng một lượt chờ thằng anh xếp gọn sách vở vào cặp rồi tắt điện. Đóng cửa. Trong căn phòng vàng nhạt, mờ ảo, thằng anh nằm sấp, thò hai tay xuống nắm lấy hai bàn tay bé xíu của thằng em, kéo nó lên dần dần qua những bậc thang sắt, thì thào " Giữ chặt tay anh". Yên ấm cạnh nhau rồi, thằng anh hỏi: " Hôm nay bác mua chuyện gì?" " Chuyện ông huyện về quê". Thằng em cười rinh rích " Bác mua bao nhiêu lần rồi ăn không chán à". " Không bao giờ tôi chán ông lão đánh cá cả". " Ngày xưa.... ở một bờ biển kia...có một ông lão đánh cá"... " Nhà ông rất nghèo, không có cái gì ngoài một chiếc máng cỏ...". Giọng thằng em tiếp theo. Đấy là ngày xưa. Còn bây giờ. Thằng em đổ vào tay thằng anh một đống những miếng nhựa, ngọng líu:" Bố mua Lêgô cho em xếp đấy, giống nhà mình cực". " Ừ, xếp lên sẽ giống nhà mình". Thằng anh gật gù. Trong lúc đó, thằng em chui vào các xó, hì hục lôi tất cả những đồ chơi nó có, chất thành từng đồng như cửa hàng không thiếu một cái gì. " Cái tàu điện này dài ơi là dài". Nó nói. Rồi đưa tay thằng anh chiếc điều khiển " Chạy nhanh cực, vừa thay hai cục pin liền". Mắt nó tròn nhay nháy như hai hạt nhãn chờ đợi thằng anh bật điều khiển. Chiếc tàu điện với đầu tầu kéo hơn ba chục toa nhỏ chạy như con sâu trên đuờng ray mỏng mảnh. Thằng em sung sướng nhìn thằng anh để chia sẻ sự thích thú chứ không phải nó thích đoàn tàu. Tất cả những thứ này với nó quá quen. Ngoài giờ đến trường. Nó sống một mình với những đống đồ chơi ngày càng hiện đại, những băng phim hoạt hình và tivi mở suốt ngày. Giờ thì nó có anh để chia sẻ sự thích thú. " Cái ôtô cứu hoả này kêu hơi bị sướng tai". Thằng em nói và bấm nút điều khiển chiếc ô tô. Chiếc xe rú còi chạy rầm rầm đâm thẳng vào bức tường, cỏi rít lên như xuyên thẳng vào tai. °Năm giờ. Chị ngồi bệt dưới thảm. Nhìn ra vường. Chiều xuống thong thả. Nhẹ nhàng. Khu vườn nhuộm màu vàng sậm, ánh chút đỏ phía góc trời. Anh vào. Trên tay là chiếc khay có 2 cốc nước trong suốt màu nâu tím, vài viên đá tròn xoe nhảy nhót. Họ im lặng. Đẩy khay nước về phía chị, anh quay sang bật tivi. Bản tin thời sự chiều. Tình hình chiến sự ác liệt đẫm máu ở Côsôvô. Bom đạn trùm lên thành phố. Nhà đổ. Người chết. Những đoàn người già, trẻ ngơ ngác chạy loạn. Những đứa trẻ nằm thoi thóp trên giường bệnh, hai mắt trắng đục. Chị rùng mình. Anh tắt tivi. Và bật nhạc. Tiếng hát Tuấn Ngọc, từ tốn, mạch lạch nhưng da diết vang lên. Căn phòng trở nên ấm áp, bình yên " Thôi. Xin hãy cho tôi tạ từ. Xin hãy cho tôi qua đời em"... Chị lại rùng mình. Anh không tắt nhạc mà đứng dậy. Đi ra. °Sáu giờ. Thằng anh đã lắp lại tất cả chân tay của bọn siêu nhân bị rụng và xếp chúng lại thành những hàng trật tự. Thằng em ra chỗ để tivi, đẩy một cuốn băng video vào. Và bật lên. Một tiếng nổ long trời lở đất. Và trong luồng hói, một siêu nhân áo trắng lao ra, múa kiếm như điên. " Đây là siêu nhân bé tí". Thằng em giảng giải và bày ra một chồng đĩa trước mặt anh " Bố mua cho em nhiều lắm, xem không bao giờ chán". - Thằng anh lật lật đám đĩa hình, lắc đầu:" Xem nhiều không tốt đâu, hại mắt lắm". " Chả sao đâu. Em thuộc hết". Thằng em hãnh diện. Chỗ ổ cắm điện, có tiếng lách cách. Thằng anh cau mặt, tắt tivi, rút phích cắm. Rồi nó lấy mũi kéo vặn chặt óc lại, vẻ mặt hài lòng. Thằng em nhìn anh thán phục. " Còn 2 thằng người máy rụng đầu", thằng em thì thào, mắt tròn xoe, chờ đợi. Thằng anh gật, vẫn cắm cúi xếp những chú siêu nhân. " Cả chiếc xe bánh đà này tự nhiên chẳng chạy gì cả" " Còn cái gì hỏng nữa không, em mang ra hết đây". Thằng em xuýt xoa, cuống lên " Thế thì nhất em còn gì". °Bảy giờ. Anh hỏi chị:" Mai cô bay mấy giờ?" Chị ngoảnh hẳn ra vườn, cúi lau nước mắt. " Mười rưỡi sáng" " Còn gì vướng không?". Chị thở dài. " Nó phải học chậm một năm?" Anh hỏi tiếp. Chị thở dài. " Rồi cô thì sao?" " Học một năm xong sẽ đi làm" " Lão ta sẽ phải nuôi 2 người?". Chị thở dài. Và im lặng. Nhạc cũng đã tắt. Cuối chiều. Tất cả bỗng mênh mang. Mọi tiếng động như xa xôi hơn. Căn nhà của họ như lạc vào một cõi nào đó rất sâu trong một thế giới không tồn tại. Rồi tấm cửa kính bật mở. Gió bên ngoài ùa vào xua tóc chi bay rối lên. Gió làm những nan thuỷ tinh của chiếc đèn chùm va lanh canh. Ngày trước. Khi đêm xuống. Khuya dần. Anh đi vắng. Chị nằm trên giường và nhìn qua cửa sổ. Khu vườn phủ một màu vàng rượi của những ngọn đèn đường như vườn cổ tích. Khuya lắm, anh về. Vẫn nguyên quần áo hội nghị. Anh pha một cốc nước giải nhiệt với những vị thuốc nam, một hai lát sâm mỏng, thơm ngai ngái " Em uống rồi ngủ trước. Anh phải chuẩn bị cho cuộc họp ngày mai". Chị đỡ cốc nước và nhìn vào mắt anh. Khẽ thở dài khi anh quay đi ra. Anh không nghe thấy tiếng thở dài tức ngực của người chưa đến bôn mước tuổi, da thịt mát lạnh, thơm tho của sự đầy đủ, nhàn hạ dần đang cần sự yêu chiều ve vuốt. Anh không kịp thấy chị đợi anh bằng chiếc váy sa tanh bóng mát lịm như miếng thạch mới mua. Và anh cũng chẳng kịp thấy một lọ hoa chị cắm góc phòng đang dịu dàng toả hương. Tất cả. Tất cả đều đầy đủ và hoàn thiện. Chỉ đợi có anh. Còn anh. Anh luôn luôn thấy hài lòng và yên tâm khi săn được những hợp đồng mới. Không gì sướng bằng chưa xong việc này đã có việc khác. Để khi về nhà, đi vào qua cánh cửa, bỏ lại xã hội ngoài đường, anh có chị. Có hai thằng bé với một căn nhà như thiên đường trên mặt đất. Anh tưởng thế là đủ. Đủ lắm cho một gia đình cho đến khi chị đi. Đi hẳn. anh m?i bừng tỉnh. Chị ngoảnh lại. Nhìn anh rất nhanh. Rồi nhìn ở đầu giường, chỗ để chiếc đèn ngủ. Có cái cặp tóc nhỏ và một lọ sơn móng tay màu hồng, hỏi " Tháng sau, cô ta sẽ về đây?" Anh thở dài. " Cô ta có ghét thằng bé không?". Anh thở dài. "Thằng bé có ghét cô ta không?" Anh lại thở dài và gật. " Sẽ ra sao?" Anh im lặng. Lại thở dài. Rồi nói " Sẽ quen". Chị lại quay ra vườn. Không hiểu từ đâu nhỉ? Từ lúc nào bắt đầu của chuyện này? Chị rùng mình " Sẽ quen". Mọi thói quen đều bắt đầu bằng vô thức. Vô thức tồn tại thành thói quen. Thói quen thành ngôn ngữ. Thói quen tạo ra tác phong cho cá nhân và phong tục cho cả cộng đồng. Thó quen làm thành số phận và con người phải gánh số phận bằng chính hai vai mình. Từ đâu nhỉ? Chắc là từ hôm chị bay ra Hà Nội họp. Một hợp đồng ký thành công với phía đối tác và chị là người đóng góp không nhỏ. Đêm liên hoan. Chị uống rượu. Ba ly rượu vang khai vị chua chua. Nhẹ nhàng say lúc nào không biết. Chị lâng lâng tỉnh và thấy mình đang ngồi ghế sau trong một chiếc ôtô sang trọng. Bên cạnh một chàng người Pháp đẹp trai, lịch lãm. Vô thức nói. Vô thức cười. Vô thức thấy lòng chộn rộn. Vô thức thấy rạo rực đôi môi. VÀ tim vô thức đập nhanh. Mọi thứ đều vô thức. Chắc tại một thứ không vô thức là bản năng đàn bà khao khát trỗi dậy bên trong. Gặp rượu vô thức. Gặp trời Hà Nội se lạnh vô thức. Gặp những động chạm thân xác vô thức. Nó bỗng thành ý thức đánh thức chị dậy. Đến khi chỉ còn chị và người đàn ông đó, mọi thứ như nổ tung ra. °Tám giờ. " Em đói". Thằng em lăn ra sàn giang thẳng chân tay. " Sắp xong rồi". Thằng anh vẫn cặm cụi chữa chiếc ôtô. Phía bên chữa xong, mọi vật xếp ngay ngắn, thẳng hàng. Phía bên hỏng chỉ còn hai khẩu súng. Giữa phòng một khu nhà Lêgô xếp hình tuyệt đẹp giống nhà của chúng ở. Ôtô đậu ở ngoài đường. Tàu hoả chạy ngoài đường. Những siêu nhân dũng mãnh đủ màu đứng xếp hàng bảo vệ ngoài đường. Gấu bông, chó bông đứng chơi loanh quoanh. Thằng em đăm đăm ngắm tác phẩm, vẻ mãn nguyện. Nó không biết rằng thằng anh đang mím môi làm, hai bên thái dương tóc ướt mồ hôi bết lại. Thỉnh thoảng liếc nhanh vào chiếc đồng hồ con gấu đang thong thả đành nhịp. Nó thở dài. Thằng em chợt ngồi nhổm dậy. Hỏi" Anh thích ôtô không? Em cho anh chọn đấy". Thằng anh nhìn em đăm đăm, rồi gật " Anh lấy chiếc điều khiển từ xa này này, chạy hơi bị nhanh đấy". Thằng anh lắc đầu. Mắt nó lia qua mấy chục chiếc ôtô từ to rồi đến chiếc bé nhất. Cầm gọn trong tay. Thằng em cầm một chú siêu nhân màu trẳng, đưa và tay anh " Thằng trắng này đánh nhau hơi bị kinh đấy, nó sẽ chiến đấy bảo vệ anh khỏi bọn hắc tình tình". Thằng anh cầm lấy chú siêu nhân trắng và chiếc ôtô. Thằng em nhìn anh. Hỏi" Bao giờ mẹ lại cho anh đến chơi với em?". Thằng anh im lặng. Thằng em lại hỏi:" Mẹ có hay cho anh đi siêu thị không?". Thằng anh lắc đầu. " Anh chỉ đi theo mẹ nhặt bóng thôi à?". Thằng anh gật đầu. Thằng em chui vào gậm giường, lôi những quả bóng tennít vàng ra say sưa " Nhiều chưa?". Thằng anh nhìn em. Rùng mình... Những buổi tối. Mẹ đưa nó đến sân bóng. Mấy đứa trẻ con chơi với nhau còn bố mẹ chúng thì đánh bóng. Sân bóng rộng. Qua sân bóng là khu vườn ven sông Sài Gòn. Buổi tối. Dọc sông thanh niên nam nữ ngồi tâm sự và uống giải khát, trong không khí mát rượi của gió sông mênh mang. Thường những lúc nghỉ giữa trận, mẹ cùng nó ra bờ sông ngồi. Mẹ mặc váy trắng, áo pull trắng, tóc cặp cao, hai má đỏ hồng, uống một hơi hết hai cốc nước chanh. Mẹ nói khi cả hai cùng nhìn về phía Tân Cảng:" Con thấy cuộc sống ở đó không? Suốt ngày đêm tàu ra vào tấp nập. Đấy là bến cho các con tàu đến, rồi đi". Quay sang phía khác, tờ mờ trong bóng tối bên kia sông là làng xóm, âm thầm tĩnh lặng. Mẹ lại bảo: " Đấy là các gia đinh tối đến quây quần, loanh quanh rồi ngủ để ngày mai dậy sớm đi làm". Nó lặng lẽ nhìn sâu vào vùng tối yên bình đó. Bên kia. Phía đằng sau. Tân Cảng sáng trắng ánh đèn và tiếng động cơ của những con tàu làm mặt nước như cuộn sóng lên. Nó hỏi " Tân Cảng là gì ạ?" " Là cảng mới. Bao giờ cũng cần bến mới cho những con tàu!". Rồi tiếng những người bạn gọi mẹ ra chiến đấu tiếp. Vớ chiếc vợt và đôi giày trắng nhảy nhót trên thảm cỏ, mẹ chạy đi như một thiếu nữ. Thiếu nữ ấy bỏ lại tờ 50.000 đ cho nó " cứ ngồi đây cho mát, con nhé". Nó khẽ vâng và nhặt tờ tiền cất vào túi. Những lần sau nó mang theo ông nhòm. Nhòm về phía Tân Cảng. Chỉ thấy tàu và xà lan chở đủ các thứ vào bến. Rồi đi. Thỉnh thoảng có chiếc xà lan chở than trôi lừ lừ trên sông như lưng một con cá sấu khổng lồ. Rồi lại soi về phía làng xóm. Thỉnh thoảng chỉ thấy một ánh đèn điện lấp loé sau rặng cây. Tân Cảng. Bao lần ngồi một mình, uống nước đợi mẹ, nó đều ước giá có em ngồi cùng. Thằng bé sẽ chạy chơi trên những bãi cỏ xanh và khô. Nó sẽ gọi cho em một cốc kem to để thằng bé chén bởi kem là thứ nó thích nhất. Sẽ cùng em đếm những chuyến tàu vào ra mê mải. Vậy mà đến giờ. Chưa một lần nó cho em đến được Tân Cảng. °Chín giờ. Chị đứng lên. Đằng sau. Anh đốt thuốc khói phả mù mịt, đặc quánh. Ngày trước. Đêm động phòng ngủ mới. Anh bảo phòng ngủ của mình chỉ có hương hoa và mùi da thịt chị. Anh bảo hút thuốc lá trong phòng ngủ là không văn minh, và bẩn thỉu... Chị nói. Giọng khản dặc " Sang đó, ba năm tôi có thể đón con". Anh lắc đầu, cười rất nhạt trong những quầng khói đục: " Đến ngày mai thế nào còn chẳng dám nói trước huống hồ những ba năm sau". " Con ở với mẹ vẫn tốt hơn". Chị cố gắng. Anh lắc đầu. Cười mai mỉa chế giễu trên khuôn mặt trẳng bệch. Và bấm nút điều khiển tivi. Kênh VTV1 của đài THVN dang phát những hình ảnh về cuộc chiến ở Nam Tư. Từng đoàn người chạy tản cư sang các nước bạn và ách tắc ở biên giới. nhà cửa, đồ đạc bỏ lại. Họ lếch thếch chạy thoát thân. Chạy để tìm cuộc sống. Lần này thì chính chị đứng lên và tắt tivi. Những người dân Nam Tư đó. Những cuộc di tản khốc liệt dưới bầu trời đầy bom đó không quan trọng với chị bằng việc chỉ còn một giờ đồng hồ nữa. Chị phải đi khỏi căn nhà này. Phải xa những gì lâu nay là máu thịt của chị. Xa đứa con trai bé bỏng thơm như một chiếc bánh ga tô mới ra lò. Không có một điều gì làm chị xúc động hơn chính bản thân bão tố trong lòng chị lúc này. Chiến tranh đã nổ ra. Bom đã rơi vào chính chị. Và chị cũng phải chạy đi. Đến một cảng mới để làm lại từ đầu. Xung quanh họ. Bỗng im lặng đáng sợ. Ngoài vườn. Có tiếng gió rất nhẹ. Nhẹ đủ để thỉnh thoảng lùa vào làm những nan thuỷ tinh va lanhh tanh. Im lặng đến nỗi thập thõm ở đâu đó, có lẽ rất xa, tiếng dương cầm của một bé gái đang tập. Chỉ một vài nốt nhạc bắt đầu của một bản nhạc. Lúc nặng, lúc nhẹ. Vẳng đến rồi lại mất đi. Chị lặng lẽ vào trong. Đến cửa phòng hai đứa trẻ thì dừng lại. Thằng anh đặt chiếc ô tô bé xíu và thằng siêu nhân xuống sàn nhà. Kéo chiếc ba lô và lôi một chiếc máy bay khá to, với hai cuốn chuyện tranh " Chú lính chì dũng cảm" và " Bé tìm hiểu luật giao thông". Thằng anh kéo thằng em vào lòng mình. Nói:" Ngày mai, em bảo chị Ba đọc cho nghe nhé. Đây là quyển sách dạy về luât đi đường. Em phải thuộc cho kỹ để mai kia đi học đỡ bị xe đâm. Còn quyển này. Em nhớ để có lòng dũng cảm " như chú lính chì". Thằng em gật gù. Say sưa nhìn hai cuốn truyện. " Còn đây là chiếc máy bay". Giọng thằng anh run run. Nghẹn tắc. Lấy tay nắm lấy bàn tay bé xíu của thằng em, đặt vào một chấm trắng trên thân máy bay, tượng trưng cho ô cửa sổ. Nói: " Anh sẽ ngồi ở đây. Coi như anh là ô số 5 này. Mỗi lần muốn nói chuyện với anh, em nhìn vào sẽ thấy". Và di ngón tay đếm đi. Một. Hai. Ba. Bốn. Năm. Thằng em quay lại nhìn anh. Mặt láu lỉnh. " Anh là số ba để em đếm cho nhanh". Thằng anh lắc đầu:" Em lại lười học rồi. Em phải chăm học. Em càng học giỏi, anh em mình càng chóng gặp lại nhau". " Em chán học lắm". Thằng em thở hắt ra. " Phải chăm học. Em có nghe anh không?". " Em chỉ thích chơi với anh thôi". " Thì em cứ để chiếc máy bay này bên mình, coi như là anh đang chơi với em". " Thế thì em là thằng siêu nhân trắng, em ở bên cạnh anh suốt ngày"." Anh sẽ mang siêu nhân bé tí này theo". °Mười giờ. Chị đứng ở cửa vào. Thằng anh đeo ba lô đứng bên cạnh. Anh đứng đối diện chị, bế trên tay thằng em đang díp mắt buồn ngủ. Tay cầm chặt chiếc máy bay. Chị cúi lại gần thằng bé. Rúc khuôn mặt đầy nước mắt vào cổ, hít một hơi dài như muốn nuốt mùi da thịt thơm tho của nó vào lòng. Anh cúi xuống. Thằng anh đang im lặng nhìn ra vườn. Những bụi cây rung rung. Đưa vào tay nó mấy tờ 100 USD. Anh lầm bầm:" Con cất đi, sang đó còn có tiền tiêu". "Con xin". Thằng anh nói rồi cất tiền vào một ngăn của ba lô. " Anh cố gắng chăm sóc con. Nó còn bé lắm". Chị chùi nước mắt. Mặt méo xệch. " Cô xin cho con học trường Trung tâm, cố tìm chỗ có nhiều người Việt Nam cho con có bạn". Thằng anh nhìn thằng em. Lúc này nó mới khóc. Tiếng khóc ri ri. Đau đớn như muốn nuốt ngược vào trong. Như bị oan ức không thanh minh được. Chị cúi mặt. Cắn chặt môi. Bất giác chị đưa tay ra nắm lấy tay anh đang bóp chặt. " Xin lỗi anh. Xin lỗi con trai của mẹ...". "Tôi mới là người có lỗi. Cái lỗi của tôi...là sống với cô mà không hiểu cô cần gì... Nên cô mới bỏ đi...". Anh nghẹn giọng. Rồi đặt tay lên vai con trai. Lầu bầu trong miệng: " Tha lỗi cho bố, thanh niên". Thằng anh ngẩng đầu nhìn bố. Nhìn thằng em đang ngủ gà ngủ gật. Gật đầu. °Buổi sáng. Phi trường. Gió thổi hào phòng trên những khoảng sân rộng mênh mông. Chiếc máy bay Boeing 747 dài và to như một con cá voi khổng lồ đang gầm rú. Những luồng khói đặc phụt mạnh ra sau bị gió thổi sóng sánh lại. Những chiếc cánh quạt quay tít. Nhà ga náo động tiếng động cơ. Tiếng loa đọc lịch trình các chuyến bay. Tiếng người nhí nhéo, hỗn độn. Chị và thằng anh đứng gần cửa máy bay. Mặt hai người đều thất thần hoảng loạn. Người chồng mới hớn hở vác đồ bên cạnh. Nhìn anh ta, thấy rõ sự chân thành và độ lượng của người đang yêu và được đền bù. Hai mẹ con dừng lại chân cầu thang. Và vô thức cùng ngoảnh lại nhà chờ. Chưa bao giờ chị đẹp và khuôn mặt lại nổi hình khối lên như thế. Tất cả lên cầu thang máy bay và chui vào trong khoang. Tiếng máy bay rú ro như muốn nổ tung. Mặt thằng anh thất thần, hoảng loạn. Nó đi vào giữa hai hàng ghế. Chăm chăm đếm như không cần biết có ai bên mình. Một. Hai. Ba. Bốn. Và năm. Nó dừng lại. Bên ô cửa sổ. Một người đang ông ngoại quốc mặt đầy râu, mắt đen nháy đang ngồi phưỡn bụng thở. Ông ta chắc phải hơn một trăm cân. Chị và người chồng mới vẫn đi tiếp xuống giữa khoang rồi đứng lại. Ông mở cánh cửa trên đầu và xếp những va li nhỏ vào dó. Còn chị thì chui vào ghế, và quay lại. Thằng anh cứ đứng ở hàng thứ 5 như bị thôi miên bởi ông béo bụng. Chị gọi "Con ơi, ghế của mình ở đây cơ mà. Xuống đây". Thằng anh nhìn mẹ mắt đầy nước. Nó lắc đầu tuyệt vọng. " Dưới này cơ mà con". Chị lại gọi. Nó vẫn lắc đầu, nhìn người đàn ông đầy vẻ kinh hãi. Rồi chị nhìn. Nói " Con hẹn với em là ngồi ở đây. Ô cửa số 5". Chị thử dài đánh sượt và ngồi phịch xuống ghế. Nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt méo xệch. Người chồng mới đã xếp xong đò, chui vào ghế trong. Chị cắn chặt môi, ngó ra vẫy thằng anh " Xuống đây con". Thằng anh vẫn lắc đầu. Nó nhìn mẹ bằng đôi mắt mở to chưa từng thấy bao giờ. Rồi lại nhìn qua ô cửa đã bị lão béo kéo sập tấm chắn nắng xuống và đang nhắm mắt ngủ. Thằng anh chồm người qua mọt người khách bên ngoài. Chồm qua lãi béo. Đấm như điên vào ô cửa tròn đã đóng. Lão béo giật mình. Ngơ ngác và hiểu ra. Rồi lấy tay đẩy tấm nhựa trắng lên. Ngoài trời. Nắng vàng ong. Mùa khô đã đến. Phía nhà chờ, cửa kính sáng loáng như gương. Thằng anh vừa đấm vào ô cửa, vừa hét trong những giọt nước mắt: " BÉ ơi, có thấy anh không. Anh đang ở đây này". Phía sau. Chị cúi gục, khóc ngất đi. °Sau những khuôn cửa lớn sáng choang. Anh và thằng em đứng dán người vào cửa kính. Tay thằng bé cầm chiếc máy bay, một tay nắm chặt tay bố. Nó nhìn chiếc máy bay to đùng đang gào rú ngoài xa. Rồi cúi xuống chiếc máy bay ở tay. Rút bàn tay nhỏ xíu khỏi tay bố. Nó lấy ngón trỏ chỉ vào những chấm trắng trên thân máy bay. Lẩm bẩm đếm. " Một. Hai. Ba. Bốn... Năm. Anh ngồi đây. Đây là anh mình". Mắt anh nhoè nước. Tai anh như có một luồng khí đặc quánh phủ lấp. Sao lại thế này nhỉ? Bao năm nay. Từ lúc linh cảm mách bảo về sự ra đi của chị. Ban đầu là thể xác. Rồi đến tinh thần. Lúc nào anh cũng bị ám ảnh về chuyện này để rồi bây giờ, anh lại chẳng hiểu tại sao? " Một. Hai. Ba. Bốn... Năm", thằng em vẫn lẩm bẩm đếm. Chăm chỉ một cách kỳ lạ. Tại sao? Tại sao? Hôm qua anh không vứt bỏ lòng tự ái, sự ghen tuông và tha thứ cho chị. Thậm chí van xin chị nghĩ lại? Tại sao anh luôn lường ra những rủi ro cho những hợp đồng ký với đối tác cả Ta lẫn Tây mà lại không lường được cái rủi ro ngày hôm nay? Tại sao đến hôm qua anh vẫn nghĩ là sự chia tay này sẽ không có thật? Chỉ là một câu chuyện đùa? Tại sao cơ chứ? °Trên máy bay. Lão béo như hiểu được tình cảm của thằng anh, liền ngồi thẳng dậy óp bụng lại cho thằng anh đến sát được ô cửa. Vòng tay ra cho nó lọt vào lòng. Ông ta nhún vai, trìu mến nhìn nó. Thằng anh mở to mắt nhìn xuống, một tay nắm chặt thằng siêu nhân trắng. Bên dưới. Phía xa. Chỉ thấy nắng chiếu vào ô cửa kính laong loáng như những tấm gương trời. Người đi tiễn bé xíu với những cái đầu đen như hạt đỗ. Nó lùi người lại. Chùi nước mắt. Đi ra đứng giữa hai hàng ghế, và nhìn mẹ. Mẹ nó đang cúi gục xuống khóc. Chiếc máy bay lạnh lùng chạy một vòng ra xa và dừng lại. Rú to lên. Rồi nhấc hẳn lên khỏi mặt đất. °Đằng sau những tấm kính. Thằng em vẫn đứng với chiếc máy bay trên tay, lấy ngón trỏ chỉ vào những chấm trắng bé xíu và đếm " Một. Hai. Ba. Bốn... Năm"