Cơ quan thiết kế của kỹ sư kiến trúc Phan Văn Tú và ngôi trường trung học phổ thông của Nguyệt Hà ở liền kề nhau trên cùng một đường phố nhỏ. Căn phòng của Phan Văn Tú có một ô cửa sổ rộng; hàng ngày ngồi làm việc trong căn phòng ấy y có thể thoải mái ngắm nhìn Nguyệt Hà qua lại mà nàng không hề biết. Nguyệt Hà ở tuổi khoảng ba mươi ba, ba mươi tư; cái tuổi rất đẹp với một cô giaó trung học phổ thông. Phan Văn Tú còn nghe nói chồng Nguyệt Hà là giáo viên hóa học, dạy cùng trường với nàng. Họ sống hạnh phúc. Có một ngôi nhà khang trang ở khu đô thị mới. Hai đứa con của họ, một trai một gái, đẹp như thiên thần, học hành giỏi giang. Thoạt nghe tên Nguyệt Hà, Phan Văn Tú đã có thiện cảm. Người mang cái tên như thế không thể xuất thân từ tầng lớp bình dân như y. Đến khi có dịp nhìn gần nàng thì y lấy làm đắc ý vì không hiểu vì sao y mường tượng về nàng lại đúng đến thế. Nàng có một vẻ đẹp óng ả, mặn mà và rất đài các. Y cho rằng loại người như nàng sinh ra trên cõi đời là để được đón nhận tất cả những gì là đẹp đẽ, bay bổng, lãng mạn nhất mà cuộc sống ban tặng.
Ngược với nguồn gốc của nàng, y sinh ra trong một gia đình đông con ở nông thôn. Ngay từ thuở nhỏ y đã biết đơm đó, thả lờ, chèo thuyền, cất vó, thả câu… Cho đến nay, y đi làm cơ quan Nhà nước đã hai chục năm có lẻ nhưng y vẫn không thể mất đi cái tư chất quê kiểng, thật thà. Mấy năm qua nhờ cái vẻ thật thà, nhiều người đã tìm đến thuê y vẽ những bản thiết kế biệt thự, khách sạn. Thế là y có tiền. Thời buổi sống tốc độ này, đàn ông vào tuổi ngoài bốn mươi mà có tiền, dù chất phác như y, vẫn có nhu cầu quan hệ sinh lý với những người có cuộc đời lỡ dở, lam lũ, bụi bặm, ghềnh thác, rất đáng thương. Còn những người sang trọng, danh giá như Nguyệt Hà thì y chỉ đứng từ xa mà ngắm, kính nhi viễn chi!
Nguyệt Hà thường mặc bộ đồ đen, đeo kính gọng đỏ, đi chiếc Vespa màu trắng đến trường. Quan sát những cử chỉ, cách nói năng của lũ học trò lớp mười hai với nàng đủ biết nàng là một giáo viên gạo cội của trường. Một lần Phan Văn Tú giáp mặt với Nguyệt Hà ở cổng trường khi nàng vừa xuống xe dắt bộ, y đánh bạo nhìn chiều tướng vào mắt nàng. Tưởng rằng nàng sẽ ý tứ tránh cái nhìn thô bạo ấy, nhưng không, nàng đã nhìn chiếu tướng lại y. Đôi mắt đen thẳm u hoài của nàng như muốn nói với y một điều gì đó. Y đã bị choáng ngợp về cái nhìn ấy. Một cảm giác khát khao cháy bỏng dâng lên từng đợt, từng đợt hằng đêm. Nguyệt Hà sẽ không thể đứng bên ngoài cuộc sống của ta! Y hạ quyết tâm chinh phục. So với tất cả những thắng lợi mà y từng đạt được trong cuộc đời thì chiến thắng trong cuộc chinh phục Nguyệt Hà mới là lớn nhất, có ý nghĩa nhất. Y thầm nhủ như thế. Y tìm một số tác phẩm văn học nghe đồn rằng rất nổi tiếng để đọc. Mặc dù y chẳng thu hái được gì nhiều ở những cuốn sách ấy, nhưng chúng đã tạo cho y một cái cớ để bày tỏ một sự đồng cảm với nàng. Y đọc gần như thuộc lòng cuốn ý đẹp lời hay với hy vọng nó sẽ bổ trợ cho y một sự khúc triết nào đó khi y tiếp xúc với nàng. Y sắm hai bộ y phục khá là đắt tiền để chuẩn bị ra mắt trước nàng…
Nhưng rồi, thật bất ngờ, tất cả sự chuẩn bị ấy y chưa cần dùng đến thì nàng đã thuộc về y. Hai lần gặp tiếp sau đó, đôi mắt y tiếp tục nhìn chiếu tướng đôi mắt nàng và nàng cũng nhìn chiếu tướng lại y, như có một sự thỏa thuận ngầm. Đôi mắt hơi ngầu đục, rất nam tính của y như nói: "Anh khao khát em". Đôi mắt u hoài của nàng thì đáp lại: "Em cũng thế, em cần anh"!
Giờ đây họ đang ngồi trên chiếc xe mô tô Yamaha phân khối lớn của y chạy bon bon từ thành phố xuống khu nghỉ mát Bảo Long, một bãi biển đẹp nổi tiếng của miền Bắc. Trên suốt chặng đường 45 cây số, y mang cảm giác hoan hỉ của kẻ vừa vớ được một kho báu. Y không dám nói nhiều vì sợ lời nói của y tẻ nhạt, hớ hênh trước đôi tai của nàng. Nàng cũng hầu như không nói gì ngoài một câu duy nhất: "Anh đi chầm chậm một chút để xuống đến Bảo Long thì trời vừa tối kẻo nhỡ có người quen nhìn thấy".
Y răm rắp làm theo ý nàng.
Mấy năm nay khu du lịch bãi biển Bảo Long ngày một đông khách. Nhà nghỉ, khách sạn mọc lên như nấm sau mưa. Họ xuống đến nơi thì trời cũng nhọ mặt người. Những khách đi theo đoàn đang lục tục lên xe rời bãi tắm. Những đôi uyên ương như y và nàng thì bây giờ mới đến. Y chỉ tay về phía có những đôi đang ôm eo hoặc nắm tay nhau dập dìu bên bờ sóng, nói: "Em thấy không, họ cũng giống chúng mình". Nàng hỏi: "Sao anh biết?". Y đáp: "Nhìn thì biết". Nàng mỉm cười mà không nói gì.
Y thuê căn phòng khá sang trọng, giá hai trăm ngàn đồng qua đêm ở một khách sạn gần bãi tắm. Y và nàng trút bỏ quần áo dài để lại trong phòng rồi họ nắm tay nhau chạy ra tắm biển. Trong ánh sáng chập choạng, lập lòe của những bóng đèn nê-ông dựng bên bãi tắm, y nhận ra nàng có một cơ thể đẹp hoàn hảo. Tuy đã hai con nhưng bộ ngực nàng vẫn căng tràn vẻ thanh tân. Cặp đùi thuôn dài, cân đối. Gương mặt nàng về đêm dường như có vẻ khả ái hơn ban ngày. Cặp mắt nàng như có ánh hào quang từ các vì tinh tú đậu xuống. Y thèm khát nàng lắm. Nhưng y không vồ vập. Y không muốn nàng coi y chỉ như một con đực mà không có gì khác nữa. Y xoa nhè nhẹ lên làn da mịn nơi vai và lưng nàng. Thỉnh thoảng y lại áp má mình vào má nàng thật dịu dàng êm ái. Y nhận thấy mùi mặn mòi của nước biển vẫn không lấn át được mùi hương rất con gái nơi má nàng. Họ tắm xong rồi đến ăn uống. Đài truyền hình phát xong chương trình thời sự, họ mới về đến khách sạn. Khi ấy họ mới hôn nhau thật đắm say. Nàng dâng hiến cho y, tự nguyện và mê muội. Y đã từng trải qua nhiều cuộc truy hoan với những người đàn bà, nhưng y không thể không tự thú với mình rằng, người đàn bà trí thức đang mê muội dâng hiến cho y lúc này mới có đủ khả năng khơi gợi, đánh thức tột cùng niềm ham muốn của tên đàn ông đích thực trong y; mới giúp y cảm nhận thế nào là niềm hạnh phúc có thật trong cõi người.
"Em, em hãy nói đi… hãy nói đi… vì sao em đến với anh? Phép mầu nhiệm nào giúp em đưa được anh tới miền thiên thai, cực lạc thế này?"
Y cứ hổn hển, lắp bắp, lặp đi lặp lại mấy câu ấy. Y cũng không hiểu vì sao lúc này y lại nói được những câu văn hóa đến thế. Thoạt đầu nàng mở mắt xoi mói nhìn y; sau đó nàng đưa một bàn tay bịt chặt lấy miệng y.
"Sao em lại làm thế?" Y dơ tay gỡ tay nàng ra. Y có vẻ phật ý về hành động kỳ cục của nàng. Chờ mãi không thấy nàng trả lời, y lại cật vấn tiếp: "Vì sao em lại bịt miệng không cho anh nói?"
"Vì lúc này em cần anh, một người đàn ông; cũng như anh cần em, một người đàn bà. Lời nói không cần thiết nữa. Với lại lúc này em đang rất sợ lời nói…". Mặc dù chưa thật thỏa mãn với cách giải thích của nàng, nhưng để chiều nàng, y không nói nữa. Cuộc truy hoan mãn nguyện làm hai con người mê mệt. Nhân viên khách sạn đã chuẩn sẵn cho họ mấy món đặc sản, có ghẹ hấp, tôm dim, cá mực luộc. Họ ăn ngon lành. Mỗi người nhấm chút rượu đủ để họ ngà ngà say. Trở về phòng họ ngả lưng là thiếp đi. Nửa đêm nàng trở mình dụi dụi đầu vào cằm y. Y thức giấc đưa hai tay bưng gương mặt nàng áp vào gần mặt mình. Y nói:
"Cái lúc chúng mình đang âu yếm nhau, em đưa tay bịt miệng anh không cho anh nói; lại còn bảo em đang rất sợ lời nói là nghĩa làm sao?"
"Đúng thế đấy" nàng đáp "thời gian này em rất ghê sợ những lời nói của con người".
Nàng kể: Cách đây mấy hôm, có việc phải đi tìm một người bạn, vô tình nàng chứng kiến một cuộc họp có tiêu đề là Hội thảo phát huy truyền thống văn hiến quê hương. Tên cuộc hội thảo sang trọng, hoành tráng thế nhưng các thành viên tham dự lại chỉ rặt một đám thế nhân ô trọc. Duy nhất trong hội nghị có một ông tạm gọi là có chút khoa học xã hội và nhân văn, mang học vị tiến sĩ ngữ văn, thì những điều ông đưa ra răn dậy lại cũ rích, hủ lậu, mốc meo. Không chỉ ở nước ngoài mà công chúng trong nước cũng đã thải vào hố rác từ lâu. Còn lại hầu hết những đại biểu khác đều là hạng người cả đời chưa hề đọc một cuốn sách cho nghiêm chỉnh, ngay ngắn. Họ nói nhăng nói cuội, cười nhăn nhở, huênh hoang, kiêu bạc, ba hoa chích chòe. Bình phẩm thơ của người này lại biến báo thành của người kia, ca dao lại bảo ngạn ngữ… Nguyệt Hà ngồi nghe ké, thấy ngứa tai, nàng đứng dậy xin đính chính liền bị đám người ấy nổi xung, áp đảo, xưng hùng xưng bá, rồi văng tục, chẳng khác hạng mục hạ vô nhân. Trong đời, nàng đã từng nghe rất nhiều lời tục tĩu từ miệng của những người nông dân thô nháp, cả những khi họ sát phạt nhau rất dữ dằn, nhưng nàng chẳng có lý do gì để khinh ghét họ. Nhưng khi phải nghe những lời trâng tráo, chuyện này sao lại được thốt ra từ miệng của hai nhân vật đáng lẽ không thể - bởi họ đang sống cũng bê thê kia mà! Lừa mị, thiển cận của những nhà nhân văn chủ nghĩa này thì nàng suýt ngất xỉu. Nàng cảm thấy kinh sợ lời nói của con người từ hôm đó.
Hôm sau đến trường Nguyệt Hà lại bị liên tiếp hai cú sốc nữa. Người ta mời nàng tham dự cuộc liên hoan nhẹ tiễn chân một giáo viên nam thuyên chuyển công tác đi tỉnh khác. Nói cho đúng thì anh bị các đồng nghiệp, trong đó có cả anh giáo viên hóa học chồng nàng, đánh bật ra khỏi ngôi trường này mà lý do duy nhất chỉ vì anh là một giáo viên giỏi, giỏi theo đúng nghĩa của từ này. Họ không chịu đựng nổi một người chân tài.
"Ngôi trường này như một cái ao tù. Cậu ở đây chỉ phí tài năng. Đi khỏi đây nghĩa là cậu sẽ tìm đến nơi sông dài, biển lớn; thỏa chí vẫy vùng. Chúc mừng cậu". Những lời dư thừa sự tao nhã trong cái miệng con người chủ mưu đánh bật ra khỏi trường người giáo viên văn giỏi giang kia. Lời nói du dương như âm nhạc, khúc triết như triết gia, nhưng lại có nanh có nọc, có yêu ma, quỷ quái. May thay và cũng buồn thay, trước phút giã biệt ngôi trường, người giáo viên ấy cũng đã kịp nhận ra bộ mặt thật của con người có những lời nói vàng ngọc đó.
Tiễn chân người đồng nghiệp được một ngày thì nhà trường tổ chức tổng kết năm học. Trước khách trung ương, tỉnh, thành phố, những phụ huynh học sinh và hơn hai ngàn thầy trò nhà trường, ông hiệu trưởng đứng lên đường bệ, dõng dạc tuyên bố: kỳ thi tốt nghiệp lớp mười hai năm nay, tỷ lệ đỗ là 95%; khá giỏi là 79%! Cả sân trường vỗ tay như sấm dậy. Riêng Nguyệt Hà là không vỗ tay. Nàng không còn lạ gì trò làm xiếc này. Trước khi vào thi, mỗi học sinh ngoài các khoản tiền thông lệ công khai còn phải xì ra ba mươi ngàn, gọi là để "thuốc nước" cho hội đồng giám thị. Nhà trường còn ngầm lập ra những "ngân hàng đáp án". Vào cái lúc các giám thị bóc đề thi xong, các ngân hàng bắt đầu hoạt động. Các đáp án ném vào các phòng thi như bươm bướm. Người được phân công làm chủ ngân hàng đáp án môn văn năm nay là Nguyệt Hà. Nàng không thể thoái thác bởi tấm gương anh bạn đồng nghiệp bị bán xới khỏi trường hãy còn sờ sờ ra đó. Nàng ngồi làm việc ấy mà trong lòng ngổn ngang trăm nỗi. Sự trả giá kinh khủng diễn ra chính cái nơi mà đáng lẽ phải rất tôn nghiêm, nếu ở đâu trên dải đất này cũng thế, chẳng hiểu nó sẽ thúc đẩy xã hội tiến đến đâu? Khi nghe bài diễn văn khoe khoang thành tích trả giá của ông hiệu trưởng, từ các vị khách quan trọng đến các phụ huynh, từ giáo viên đến học sinh đều tỏ ra hỉ hả, vỗ tay tán đồng. Họ đã quen đón nhận sự gian dối như một lẽ sống được thừa nhận. Chính lúc ấy Nguyệt Hà đã cúi xuống bấm máy di động gọi cho Phan Văn Tú: "Năm giờ chiều nay anh đón em ở cổng trường. Chúng mình đi xuống khu nghỉ mát Bảo Long…".
"Chuyện ở trường em chẳng khác mấy chuyện ở cơ quan anh". Phan Văn Tú ngồi bật dậy, tựa lưng vào tường, nói tiếp: "Trong phòng làm việc của ông sếp nhất cơ quan, ngay trên bức tường phía sau chiếc ghế ông ta ngồi có treo một tấm panô với dòng chữ "Tham nhũng là giặc nội xâm". Nhưng thực ra ngân sách trong năm Nhà nước rót về, ông rạch làm ba phần; một đưa vào hoạt động nghiệp vụ; một để lót tay thượng cấp và hạ cấp trong cùng ê kíp, dây dợ. Còn một phần ông ta bỏ túi cá nhân. Dĩ nhiên phải hợp pháp hóa bằng những cái phiếu chi vô cùng hợp lý. Anh em trong cơ quan cảm nhận được hết. Mỗi lần họp lại có người ho he chất vấn này nọ. Nhưng mỗi khi ông sếp cất tiếng nói là ngay lập tức mọi người im re. Lời nói của ông ta vô cùng ngọt ngào, trơn mượt, bổng trầm, ma mị: biết rằng giả trá đấy mà nghe ai cũng mát ruột mát gan. Có người nghe xong còn đứng lên nói lời nhận thức lại và cám ơn ông ta nữa".
Nguyệt Hà ôm lấy đầu Phan Văn Tú kéo sát xuống mặt mình, nói:
"Sau chồng em, anh là người đàn ông đầu tiên em dám… nổi loạn thế này!"
"Lúc chập tối ở bãi biển em không thấy sao" - Y nói - "Bao nhiêu đôi dập dìu! Thiên hạ cũng giống như anh và em thôi mà!".
"Nhưng em là một giáo viên, một giáo viên văn. Cha mẹ em cũng là những nhà giáo có tiếng ở đất này", nàng nói "Đáng lẽ em không được phép. Em cũng chẳng hiểu vì sao mình lại đổ đốn ra như thế nữa!".
Nàng khóc. Nước mắt tràn ra hai bên sống mũi thanh tú. Nhìn gương mặt đầm đìa nước mắt, y thấy nàng hấp dẫn hơn lên gấp bội. Y phủ lên gương mặt ấy liên tiếp những nụ hôn. Y uống cả nước mắt nàng. Rồi y lại khám phá tới những miền bí ẩn trên thân thể nàng. Khi niềm cảm hứng đang dâng trào mãnh liệt, nàng vẫn không quên nhắc y:
"Anh biết không, em cho tất cả vì em có cảm giác anh không biết dối trá. Anh đừng nói gì nữa nhé. Kẻo em sợ"./.
Lê Hoài Nam

Xem Tiếp: ----