Bấy giờ gió lên cùng một miếng trăng to. Ðã khuya, giòng sông nhẹ xao, chiếc thuyền rún rẩy một cách khoan khoái. Ðèn thành phố sắp những chấm xa. Ở đây, tạo vật đương tắm ái tình. Người ta vào hẳn trong yêu mến vu vơ... Cây cối đu đưa, lá tre nhỏ sột soạt làu nhàu. Phong cảnh tợ hồ thanh tao, nhưng kỳ thực lẩn vẩn những chiều khơi trêu lơi lả. Gió trăng không ngây thơ; gió trăng hữu ý quá. Phong cảnh không những có linh hồn: phong cảnh đương khoái lạc.. Tuy không ngừng nói, bảy chàng trai thấy mát mẻ tràn mạn vào người. Một cái thích miên man lan ở dưới trời; có lẽ không gian quặn lại vì sung sướng. Nước. Nước xanh và chảy ánh vàng. Yên lặng. Yên lặng và đầy nhớ nhung. Không còn sớm nữa nhưng cũng chưa quá khuya; thì giờ vừa vặn... Lòng niên thiếu tự nhiên man mác. Bảy chàng trai đã bớt hẳn tiếng cười; câu chuyện chầm chậm thay đề, cũng như chiếc thuyền khoan thai trôi vào trong xa, trong trăng, trong lòng tình tứ của đêm đẹp. Ðó là bảy chàng Tú mới đêm nay mừng sự rảnh rang và sự thi đỗ bằng một cuộc chơi thuyền suông trên sông Hương, sau khi đã ăn một bữa cơm sang và đã uống hơi nhiều rượu. Câu chuyện ầm ỹ lúc mới đi bây giờ đã nhỏ, thân mật, hệ trọng. Người ta không nói chuyện đá cầu hay chuyện mấy ông giáo nữa. Mình mẩy của tuổi thanh xuân đang nở nang bối rối; trí não đã ngủ dần theo lời ru, để cho thân thể một mình tự nghe... Những ngày hè oi ả thường cho ta một cảm giác hoan lạc ẩn trong sự lười biếng, mệt mề. Huống chi đêm trăng này, một đêm của mùa sinh sản. Bảy chàng trẻ. Bao nhiêu tình! Ðính vai hề của lớp học, bỗng dưng khai đề một cách đột ngột: ― Giữa bọn mình đây, anh nào đã có tình nhân? Lực vai hề số hai, cũng hùa theo: ―Anh nào có thì nói nghe chơi! còn tụm nhau mãi đâu mà sợ sau này bị chế diễu mãi. Phú nhại giọng văn sĩ: ― Phải chúng ta như một đàn chim gió sắp chia rẽ, tan tác bốn góc chân trời... Ai có tâm sự thì nói đi thôi. Dưới ánh trăng cái gì đục mấy cũng hóa ra trong trẻo... Ðính hạ giọng, thúc giục: ― Anh Nhân? Anh đã biết rồi chứ? Anh Tấn? Anh Ðịnh? Anh nào đã nếm mùi đời? Nhất là anh Tấn, anh “hoang” lắm. Cặp mắt đen ướt kia đa tình số một, anh “biết” thế nào hở anh? Tấn bị tra khảo, vội vàng thoát nạn bằng cách đổ tội cho Khuông: ― Ðã có anh Cả Khuông ta đây, còn hỏi ai nữa? Nghe nói đến Khuông, tức thì cả bọn ồ ạt: ― Phải đấy! Khuông! Khuông! Nói chuyện nghe đi! Thế là sáu người kia xúm nhau bá lấy Khuông, nói rộng, tán dài,ca tụng, châm chích, hỏi han. Khuông cười lộ cả hai hàm răng. Trong một lớp học, người nào có vợ là một kỳ quan, một tý gì cũng là cớ để anh em nói đến “chị ấy”. Khuông thường phải làm ra vẻ trơ, tự mình chế diễu mình trước để anh em chán, không ai biếm một người lỳ. Thực ra, Khuông thấy trong lòng khó chịu. Lòng Khuông có một lớp đắng cay, động đến là nhắc Khuông nhớ tới. Lần này, Khuông cũng lại cười rất vui vẻ, nhưng khi gần hết cái cười, môi trên của chàng đưa lên thêm, khinh khỉnh như cười nhạt với mình. Hồi còn đi học―tuần trước đây―Khuông lớn tuổi nhất trong lớp: Khuông đàn anh cả trường. Hai mươi lăm tuổi của chàng điêu đứng bao phen vì thi cử. Chàng “cựu trào” lắm; chàng đã biết cái thời người đậu thành chung sẵn sàng đi làm việc và có vợ con; chàng đã xưa, và chàng đã từng trải hoa nguyệt. Mặt chàng có vẻ tình si lắm, lông mày đen và rậm, mắt đưa đẩy rất nhanh, miệng rộng và môi dô ra, chờ đón. Tuy chàng quá tuổi, chàng vẫn còn một ít đẹp. Nghĩa là chàng không bao giờ hết đa tình. Chàng cưới vợ rất ngẫu nhiên: một buổi sáng, Khuông thức dậy, nhíu mày để tự trách mình, rồi nửa tháng sau, một người đàn bà hiền hậu lấy Khuông làm chồng. Cưới vợ như kẻ phóng lãng cất nhà: để tự ngăn cấm... Nhưng có ngăn cấm được không? Khuông vẫn cứ đi, để góp về trong thân thể và tâm hồn bao nhiêu não nề đau đớn. Bây giờ thì Khuông đã dừng bước; nhưng một ngày mai nào đây, biết đâu con ngựa bất trị lại không dẫn chàng đi... Dẫu sao, Khuông cũng đã được một ít khôn ngoan, chàng tự cho mình là người anh lớn của một bọn em nhỏ, các bạn chàng. Tội nghiệp! bọn trai tân ấy nhiều tưởng tượng quá; họ nói chuyện một cách ngon lành; họ ca tụng và dường như ganh tị với Khuông, cho rằng Khuông đã vào trong một nguồn khoái lạc. Họ tin chắc như thế; họ giàu cái thân thể mới của họ, họ có biết đâu... Và câu chuyện hơi nặng, hơi thô, gia vị một thứ thầm trộm rì rào, ngập ngừng như ăn vụng, thèm muốn như trẻ con. Bởi vì bóng trăng trong cũng thở những ý điếm đàng, và trên nước choá vòng vàng, tợ hồ một thân thể đang tắm... Khuông im lặng. Phải, chàng đã già, so với sự mơ ước của sáu bạn chàng, chắc tất cả còn đương trinh. Bóng trăng như có vị đắng cay; khi chàng ngửa mặt lên, ánh sáng vào miệng chàng, chàng mỉm miệng lại. Sáu chàng trẻ hoa tay múa chân, như trẻ nhỏ sắp được đi xem hát... Họ vui vẻ khoe bày những điều nghe góp được bấy lâu, hay xem lén trong sách vở rơi vào tay họ. Thỉnh thoảng giọng đổi thấp kéo ra nhè nhẹ rồi bùng lên giữa một cái thác cười. Ý chừng họ đương tiếc sao họ chỉ đẩy một chiếc thuyền suông không có đàn bà, như uống một chén nước lã. Chỉ một điều còn cứu cho câu truyện thả lỏng, là vẻ thơ ngây tự nhiên của tuổi trẻ khác hẳn với bề thô tục của những tay sành sõi sâu xa. Khuông vô ý ngồi chệch sang một bên, như ngồi riêng. Chàng não nùng nghĩ đến cái kho từng trải nhem nhuốc của chàng. Chàng cũng chẳng làm chi quá đáng, chàng đã sống như mọi người, thế thôi; song chàng có một điểm trong sạch trong linh hồn, nó càng trái ngược với sự dơ bẩn mà nó khinh, mà thân thể chàng đã và vẫn yêu, khốn nạn! chàng tiếc sáu cái thanh niên kia, chúng sẽ hấp tấp lăn vào bụi đời. Và ngực nở kia sẽ lép, và những cánh tay kia, khi co lại, sẽ còn đâu những bắp thịt nổi như những ổ bánh mì! Và còn đâu sức lực kia, vạm vỡ, chắc chắn, phồng tròn, hiện giờ đương hoài vọng những cách tự phá! Nếu chàng có thể hoãn lại cho lâu thời kỳ huỷ hoại đó! Sáu con đực tốt đẹp sẽ dúi vào thú vui, không lý sự gì, mảnh liệt mê điên như những con thiêu thân át hẳn vào ánh đèn tìm chết cháy, hay con bò say húc đầu và tấm vải đỏ ám ảnh, để gặp một nhát gươm. Khuông nghĩ tới đây, bỗng giật mình. Lực đánh hai tay vào vai chàng, trong khi mọi người cười rộ. ― Anh Khuông ỷ mình có vợ, không thèm nói chuyện với chúng tôi. Anh còn trẻ chán, tội chi làm cụ già? Dạy cho chúng em một vài bài đi, anh ạ! Khuông lại cười to một lần nữa, làm cho Lực tưởng mình nói hay, bèn thêm: ― Khuông đương nhớ vợ ở nhà quê chứ gì! Chúng tôi không có ai để mà nhớ cả. Chúng tôi thì nói nhưng anh thì làm. Nhân câu của Lực, Khuông trả lời: ― Rồi đến lượt các anh làm thì tôi lại nói. ― Ừ, nói đi, nói đi! Các bạn Khuông cùng cười, nghĩ bụng rằng Khuông sẽ kể cho nghe một cuộc tình nào đó, một sự tình cờ, gặp gỡ hay chính đêm tân hôn. Nhưng đến khi nghe Khuông mở miệng nói những chuyện không vui tý nào, họ cũng không tẩy chay, không “đả đảo”. Có lẽ vì họ nói chuyện đã nhọc, đã chán; cũng có lẽ vì họ ngạc nhiên thấy một anh Khuông rất khác, bi quan, đạo đức, không phải anh Khuông thường ngày nói chuyện gái một cách thản nhiên. Khuông hơi ngà ngà: chàng đã uống nhiều rượu; tâm hồn chàng hăng hăng ấm ấm, lại thêm sáng trăng kích thích, như xui chàng diễn thuyết hay cung khai. Khuông nói: ― Ồ? các em bé của tôi thèm khát đến thế hay sao? Tội nghiệp! Các em còn mới mẻ thực. Thân thể! ôi thân thể của chúng ta! Tôi giết hắn đã rõ lắm rồi, các em ạ! Bọn mình còn trẻ, còn xanh, sức lực quá giàu chỉ chờ tiêu bớt. Lửa mùa xuân sôi nổi, bồng bột lắm mà. Những điều thích thú chói lọi hào quang trước mắt mở rộng của ta. Ta vây bọc một thứ bụi vàng chung quanh những thân hình ước mơ. Ta nghĩ cái thú toại thịt là cái thú của thiên đường, ta mong được lên từng trời thứ bảy; ta ao ước, khao khát, thèm thuồng, van xin; chỉ vì các anh chưa được nếm một cái quả, nên các anh chảy nước miếng, các anh ăn trước bằng tưởng tượng. Nhưng hai tuần, một tháng sau khi đã bước bước đầu! Ðê vỡ hẳn, nước tràn ào, không ai gìn giữ nữa. Ta vồ lấy thú vui, như mất trí. Tôi biết một người chỉ tiêu trọn cái thanh niên của họ trong hai tháng mà thôi! Và có những người, các anh nghe chưa? Sụp ngay sau nước đầu. Ai thấy mà họ không nói: một toà thân thể, một lần sức lực, nghĩ là một kho khoái trá. Song họ chỉ chắc chắn ngoài mã, mới vừa châm có một mồi lửa, thì ôi thôi, họ đã sụp đổ, ho lao... Rồi cái choáng ban đầu tan đi, ta không ở trong sương mờ thần tiên nữa, ta nhìn thấy thân thể ta. Thân thể! Ôi! một đứa trẻ con không biết gì đau bụng, không nghĩ đến cam tích và sán lãi, không nhớ những đêm sôi quặn ruột, chỉ vòi kẹo, đòi bánh, mãi mãi, không chừa. Một đứa trẻ ham hố, chỉ được cái cam đảm yếu hèn là thèm muốn tha thiết. Ðứa bé nhai đường, đường rẻ mạt hạng, đường xấu, đường đen; rồi hết cơn ăn, nó nghe ai xát vào lợi. Và ăn mía, rách cả lưỡi! Uống sữa nóng, rốp cả miệng! Thân thể! Một thằng trẻ con! Sau cái choáng ban đầu, ta nhìn thấy thân thể ta như một người nào khác. Một bên nói: ngươi đừng như thế nữa. Ngươi làm ta khó chịu vô cùng. Ngươi lại làm ta xấu hổ, nhục nhã. Ðó là trường hợp anh Thuyên. Một đêm kia, anh lò mò trong một cái nhà lá tối om, sờ soạng đi tới chum nước, ngụm đầy một ngụm nước lạnh. Ðể làm gì? Ðể phun vào dưới cửa buồng, đặng mở cho khỏi kêu. Ði rón rén, sợ vấp, sợ đụng chạm, sợ té ngã, sợ bị nghe. Sợ tiếng ồn, sợ ánh sáng, sợ mình, sợ người. Ðể làm gì? Ðể nhận một cái tát tai mà không dám kêu, chỉ lo rằng cái tát kêu quá, có thể làm người ta thức dậy. May mà người con gái đần độn lại ngủ ngay, nếu la lên thì chết. Thuyên mừng rỡ, vội vàng về chỗ để sáng sớm cút ngay. Một bên nói: “ta cấm ngươi”. Còn một bên nói: “Tôi đói! Tôi khát!” Rồi thì làm nũng, uốn éo, van xin. Người ta không nghe thì nổi lên lộng quyền tiếm vị. Và sau khi đã dằng co kình địch, thân thể bèn được như ý. Rồi thì thân thể lập tức làm người yếu, người đau “tôi mệt, tôi nhọc, chăm sóc cho tôi, tôi chết đây!” Rồi bên kia, quá lo lắng vì quá hiền từ, phải thuốc thang bồi bổ. Và ngầy ngà, trách móc: “Ta đã dặn trước, sao ngươi không chịu nghe? Bây giờ ngươi sụp ngã, khổ lây đến ta, phiền cho ta quá!” Rồi vừa an ủi, vừa càu nhàu, chúng ta nói tỷ nói tê, nói thầm nói thỉ với cái thân thể như vợ khuyên chồng. Một buổi sáng, cái mình thức dậy, nghe mỏi mệt từng đốt xương, nghe từng khớp xương rời rã. Người ta bắt đầu bẻ ngón tay, kêu lốp rốp. Rồi đứng uốn vai, uốn lưng, hai tay vươn lên trần nhà, hai chân nhón lên, miệng ứ dài một tiếng chán nản. Và chỉ muốn lăn lại nơi gường ngủ vùi thêm một giấc khỏi phải dậy nữa, như ai đổ một đống thịt không xương. Phải đi tắm để cào bao nhiêu móng tay vào da, cho máu chạy hăng thêm một tí. Ấy là chuyện mỗi ngày. Vài hôm bớt đi, rồi cả thân thể lại uể oải. Còn nữa: đợi ta đọc sách, mắt ta xây xẩm đi. Buồn cười cho anh Ðông... Có ai còn nhớ thằng Ðông khi xưa, mập mạp ấy không nhỉ? Một bận nó cứ than rằng đau mắt. Nó thấy cái gì cũng mờ mờ. Tưởng vì ban đêm đèn chói, hay đâu ban ngày cũng vậy. Một người bạn cắt nghĩa cho nó: “Anh khởi sự đau mắt hột chứ gì, khi trước tôi cũng thế.” Ðông bèn cắp sổ đi nhà thương chữa mắt. Ông đốc tờ khám, ban cho Ðông một câu: “Mắt anh rất thường, rất như thường”. Ðáng lẽ phải sung sướng. Ðông lại năn nỉ: “ Không tôi đau... đau mờ...”, chưa kịp nói hết thì đốc tờ bảo: ― Mắt anh chả cận thị mà chả viễn thị, không đau gì hết. Tôi biết lắm, người ta chỉ ưng mang kính trắng để ra vẻ trí thức. Anh về đi! Ðông tiu nghỉu. Về ngạc nhiên với tôi: “Mắt mờ thế này mà tốt”. Thằng ấy ngây thơ quá, tốt bên ngoài chớ sao; xấu bên trong, đốc tờ biết sao được, Ðông nức tiếng là “hoang”... Nào có mờ mắt thôi đâu! lại còn thế này nữa; một hôm, một buổi chiều... ta sợ đau sốt rét vì nhiều muỗi, ta uống hai viên ký ninh. Bỗng nhiên ai đánh trống nho nhỏ đều đều vào lỗ tai; lắng kỹ: ai lắc màng tai mình, nghe bùng lên, kêu vù vù. Hai viên ký ninh, có gì mà kêu giữ vậy. Tai ta vốn đã chờ sẵn để đánh trống, vì ta quá hoang chơi... Còn cái đầu! nhiều đêm người ta có cảm giác như sọ sắp bắn tung xương, vì máu dồn lên nhiều quá. Không phải nhức, mà nặng, mà chật, muốn vỡ đi. Ước gì gối lên một hòn núi cao, cho máu không dồn lên được. Còn những hiện tượng nào nữa, những quảng cáo dài dặc đã nói với anh rồi. Thân thể! còn gì phiền nhiễu cho hơn? Cũng không cần có bệnh mới đau. Tôi đã nói nhiều kẻ sụp ngay nước đầu... Và cả những lúc đương yếu như thế, thân thể có chịu nằm yên để ta chăm sóc cho đâu. Thực là trẻ con: đau mà vẫn cứ vòi quà. Trời ơi, khó ngăn cản làm sao! Thân thể ta ở trên một con đường chuồi, chỉ chực lăn xuống, xuống thấp, thấp đen, đen tối. Lấy lý gì cắt nghĩa điều ngu ngốc thậm tệ ấy? Chẳng phải có một sức mạnh vô hình, một sức mù, nhưng mạnh nó xô đẩy ta ư? Chỉ những thanh niên như chúng ta, hay những tay bất trị mới đi ca tụng thú vui. Nếu ta rõ ta, ta sẽ đau đớn, ảo não. Mỗi lần nhượng bộ là mỗi lần thua. Rồi ta đến cái thái độ bi kịch này: ta ghét thân thể ta, và vì thế muốn lăn nhào vào cung truỵ lạc, phá đi cho hỏng luôn một thể. Dường như nói: “đã thế thì ta chơi nữa, mặc kệ ngươi đổ nát cho rồi”. Cũng như đưa một thúng bánh cho trẻ con, vì thấy nó tham ăn vô độ. Lắm khi người ta đi chơi chỉ để thoát ly một sự quấy nhiễu. Trong khi ta chúi mình vào, ta vẫn nghe một thứ cay đắng âm ỷ, huống chi là sau... Ta vâng theo một sức đẩy xô, chỉ có thế! Và các anh, các bạn! Sao không ráng lùi lại thời kỳ tự phá, giữ cho lâu những bắp thịt của ngực nở, của tay cứng, của chân vặm? Ta sẽ thấy chán chường, buồn tởm, sau những cơn đầu; ta sẽ khóc theo sau tuổi trẻ, ta sẽ thấy tủi nhục vì tự thấy ở dưới quyền áp chế của một sức mãnh liệt, xảo trá, nó để cái rát lưỡi liền sau vị ngọt ngon; ta sẽ già. Ta gì?―chính tôi đó! Khuông cười lên một tiếng lớn, cố ý tự chế nhạo mình để khỏi ngượng về bài thuyết lý trái thời của chàng. Chàng đứng vùng dậy, vươn vai, hút một ngực đầy không khí. Và hăng hái nói: ― Khi người ta có hai mươi tuổi! Hai mươi! Sông Hương vẫn làm duyên... Phong cảnh ngẫu nhiên dường như trong trẻo hơn vì đêm khuya và im lặng, cũng như linh hồn của bảy chàng niên thiếu sáng sủa cùng với trăng cao. Ðêm chầy. Chiếc thuyền rộng rãi nhờ đi suông trùng trình mạnh hơn, vì gió hơi cứng. Trời trong vắt, mênh mông giăng rộng trên núi xa nghĩ ngợi và cây gần mơ yên. Ðêm chầy... Một tiếng gà sang sảng gáy chói chang vang động ở trong bóng nguyệt linh lung.