Anh Tư không sung sướng bao giờ. Chính anh ấy nói. Anh có thể nói dối, nhưng ai cũng tin rằng thật, vì người ta thấy đúng như lời của anh. Hà tất phải tả người anh Tư; nên biết qua rằng mắt anh nhỏ, cái ấy trời sinh, và sâu hoắm vào, cái này là dấu tích những đêm suốt sáng. Ðầu anh hẹp. Cả người anh: thấp bé và gầy, gầy như trong câu “mình gầy xác ve”. Anh ấy đi học chỉ để mà đứng đầu. Nói để mà cho thấy sự đều đặn lập lại như máy. Chứ có dễ gì thượng lên ngất nghểu trên tờ giấy biên thứ lớp trong mỗi tháng, cái tên Nguyễn Trung Tư đè bẹp một chồng bốn năm mươi tên thấp kém như đồng bằng. Bắt đầu tự lớp nhì. Làm luận Pháp văn kỳ hạch lục nguyệt, cậu Tư đã viết nổi câu này trong một bức thư gởi thăm bạn cũ: “Chúng ta không còn ngồi trên một ghế; chúng ta không còn đọc dưới một ánh đèn.” Dịch tiếng An-Nam nên thấy dễ vậy, chứ nguyên văn chữ Pháp! Kỳ công lần đầu thầy giáo cho mười tám điểm; chúng bạn chuyền nhau xem bài luận hay ấy, và tấm tắc khen. Lớp nhất, Tư đứng đầu. Nhưng lạ thay! Anh không đậu bằng sơ học. Các ông giáo đấm tay xuống bàn, khi biết sự ấy; các ông đi chấm, đã bắt hỏng oan một người học trò ai nấy cũng biết rõ đức hạnh và tài năng. Phải thú thực là Tư kém toán. Thi lần thứ hai. Cậu lại sai cả hai bài. Ông chủ khảo, nể lời xin bắt buộc của nhiều ông giáo, cho Tư một góc điểm. Ấy thế mà, ai có tin không? Tư đậu đầu Sơ học! Chuyện thực như sự thực, bây giờ ở trường Qui Nhơn có người còn nhớ rành rành. Cũng là nhờ Tư giỏi khẩu vấn. Hỏi một, cậu đáp mười, mười lăm. Ở lớp dưới, cậu học sách hai lớp trên; nghe Tư trả lời câu “vòi lấy nước” thì phải rối cả đầu của người kém vật lý học. Có ba thứ vòi: vòi hút, vòi đẩy, vòi vừa đẩy vừa hút; máy móc... vân vân... Thủ khoa thi sơ học là thủ khoa thi vào ban Thành Chung, cái ấy cố nhiên lắm. Người này là người đứng đầu lớp nhất niên, cái ấy ít cố nhiên hơn. Tuy thế, Tư là người này, là người kia, và cũng là người nọ. Rồi từ đấy... Rồi từ đấy, chàng đi luôn một hơi lên tứ niên, dẫu chân chàng cứ lỏng khỏng hoài. Quyển lý lịch của chàng, em chàng còn giữ đây, chứa toàn những câu khen hơn pháo nổ. Ăn ở tốt, quyết đi rồi; Tư nền nếp, thuỳ mị, không hề ganh gổ với ai. Còn học hành, Tư lại chịu thua ai chứ? Ðứng đầu luôn trong bốn năm, nghĩa là ngót bốn chục lần; không biết sao người không mỏi chân cho đến thế. Năm thứ ba, ông giáo Chính phê bằng chữ đỏ và to: “Người đầu lớp hoàn toàn tuyệt mỹ về tất cả các phương diện, một tương lai người ta không thể hơn tốt.” Nghe có hơi ngớ ngẩn, vì dịch sát nguyên văn. Song điều quan hệ, người ta đã hiểu rồi; anh Tư đứng đầu luôn. Cả những kỳ thi lục nguyệt. Những phần thưởng nhất đều về tay anh hết; những bàn tay nhỏ là những bàn tay to. Em của anh Tư bây giờ thừa hưởng bao nhiêu sách, lại cả bộ văn phòng tứ hữu, cả một đồng hồ đánh thức, cả một đồng hồ đeo tay. Ðứng đầu luôn, chỉ trừ một lần năm tứ niên. Người đứng thứ hai nhảy lên trên, cuộc xáo trộn bất kỳ như động đất! Song cánh anh chàng này hẹp quá, chỉ một lần rồi yên phận thứ hai. Thành chung. Tư đậu thứ tư, với chữ kèm thêm “khá tốt”. Thế có hơi thất bại một chút, nhưng thất bại này còn gấp mấy thắng cuộc của ai ai. Ai ai, tức là bao nhiêu người học trò dở hay vừa, không được thưởng mà chẳng được khen, chen chật nhau trong số nhiều, trong vô danh, trong nhác lười, trong tăm tối. Tăm tối? À, cái này thì không! họ nhảy trong ánh sáng, chạy giữa mặt trời, họ đuổi nhau trong tiếng ồn, lăn vùi trong sự sống. Ấy chính đời của Tư, quá biết ánh tối tăm của một ngọn đèn nhỏ học đêm, dấu trong cái hộp và che sau tấm mền. Tăm tối, ấy chính là ngực của Tư hai lá phổi lép chờ đợi vi trùng; mà ánh sáng của ngôi nhất, của chỗ trên chỉ là ánh sáng giả, sao bì được ánh sáng của sân đá bóng, của trường chạy đua! Bởi vì Tư cày chớ không học. Ai thấy Tư học cũng phải sợ. Anh yêu sách, mê sách, dâm sách nữa kia, nếu chỉ kể rằng tay anh không hề rời những vật đóng bằng giấy và in đầy bằng chữ. Chàng học thuộc bài nhão, nhão như người ta quết chả; chàng làm bài trắng nõn, không một thoáng mực, không một nơi giấy mỏng vì gôm. Chí khí lớn lao, ý muốn cương quyết đã thắng được sự ốm yếu, đè nổi tính cà lăm. Tư hay nói lắp, nên phải học gấp bội, phải nhớ cho thực nhiều, phải thốt trừ hao, để câu này vì miệng cứng mà không nói ra được thì câu khác ra hộ. Rồi ba năm học tú tài, từ thành phố nhỏ ra nơi kinh đô. Tư cũng đem theo cách làm việc não nùng ấy, vâng não nùng; những bạn chàng muốn khóc vì tội nghiệp. Nếu Tư là một kẻ ngu độn, dúi đầu sát trong sách, đến nỗi tối cả mắt và trí, thời người ta chỉ khinh thôi; cái này Tư vẫn còn sáng sủa; không, sao lại đứng đầu! Tư không sướng. Tư khổ. Năm nào chàng cũng được học bổng, nên sợ mất nhưng bù lại, là nhà chàng khỏi lo tiền. Nhà chàng không nghèo chút nào, trái lại. Thế mà Tư chưa phỉ chí, lo lắng mãi, lo vì trời đen hay chim không hót? Lo chuyện gì không biết, tưởng như không lo thì phải chết liền. Lo khống lúc nào cũng kỹ lưỡng, tươm tất, chăm lo. Trong ba năm chế độ học đổi khác, không quá kể phân điểm và ngôi thứ, Tư có hơi sút. Danh vọng chàng ở Hà Nội không còn vĩ đại như ở tỉnh nhà. Trí chàng đã nhụt rồi chăng? Cái ấy cũng có thể nghi. Còn kém học và tập chơi, xin đừng ai ngờ thế mà oan cho anh Tư lắm! Tú tài “bản xứ” đâu phải chuyện vừa! Không được cái đầu to, phải thi nhiều công lớn. Nghĩa là không nhịn chút thì giờ nào cho yêu đương mơ mộng, cho thể thao hay cho vui đùa. Tư nhất thiết ghét bao nhiêu thứ đó. Tư kiêu hãnh lắm, Tư khinh những cách lêu lổng, Tư chỉ thờ sự học thôi. Không người tình nhân nào có thể si hơn người học trò tốt. Học với hai mắt, học với hai tai, học với một đầu, học với một miệng. Trường trung học, giám thị rất nghiêm, nên khó thắp đèn riêng. Thì trong khi bạn bè ngủ thẳng. Tư lại nơi đèn chong trước nhà xí. Ở đây khá sạch sẽ, chẳng mùi mẽ gì.―Hơn thế nữa, có một lần Tư để lộ một hộp đựng bích quy (tội lỗi gì chứ?) trong ấy có hai cây nến, một cặp vợ chồng nến, Tội lỗi đã rành rành. Thầy gác hung hăng: ―Anh muốn đang đêm thắp cháy mùng, và đốt luôn cả trường, và thiêu luôn cả các bạn anh sao? Sáu giờ phạt! Muốn ra gương, ông hiệu trưởng nhân ba lên, thành mười tám giờ. Nhưng khi người ta yêu tình nhân, thì sét có đánh, trời có đày, người ta vẫn yêu tình nhân; đã mê sách đèn thì phụ sách đèn sao nỡ? Tư chả thua; không yêu được cách này chàng yêu cách khác.―Thú thật rằng không hay cách khác đó là cách gì. Nhưng ai nói toạc cách yêu của mình bao giờ? Hẵng biết rằng bao nhiêu sử ký và địa dư đều là anh Tư thuộc cả. Thuộc cả cho đến tự nhiên học, cái kinh hãi của mọi người. Ðỗ xong phần thứ nhất. Nghỉ hè, dịp hiếm hoi để Tư dạy học tư. Thấy Tư làm việc mê man sốt sắng như vậy, ai nấy đều chắc chắn rằng bấy nhiêu nhiệt huyết sẽ xây dựng một vĩ nhân hay một kỳ nhân cho tương lai. Tâm lý của Tư có lẽ là tâm lý của một vị thánh! Hết ba tháng nghỉ, đến phần thứ hai, càng ghê gớm hơn phần trước, giết được người ta. Nói chi hoài đến sự học hành cày cuốc! Chỉ thêm càng buồn bã cho Tư, thương hại cho Tư. Hai tuần trước ngày thi, Tư chỉ còn là một tàu lá; tức thật, cách so sánh này dùng đã mòn quá, không còn mới mẽ để tả nổi màu xanh, dáng nhẹ, cái bộ xương anh Tư. Và trời vàng không phụ người đọc sách, huống chi người đọc sách chăm chỉ. Tư thành ông Tú hẳn rồi. Tư lại thành ông Tú ba, nghĩa là Tư đỗ đến ba thứ: tú tài bản xứ, tú tài toán pháp, tú tài triết lý, ba cái tú tài. Bây giờ là lúc dừng chân trông khoảng đường gai, thở một hơi dài cho khoẻ ngực. Hơi rất dài ấy, Tư đã thở liền, thở theo nghĩa đen: hút không khí vào cho đỡ lép phổi, chứ không theo nghĩa bóng nào hết. Rồi cái lo lập tức theo về nhà cùng với chàng. Học để mà hành. Làm, làm một việc gì trong xã hội. Bay nhảy...hiển hách... phấn đấu... Từ đất ồn ào về nơi quê quán, chỗ kém rộn, kém đông, Tư đã nghĩ nhiều rồi. Hai ngày sau, Tư gửi ngay cái đơn. Cái đầu vào Huế, xin một chỗ dạy trường tư, kèm với những huy chương bằng chữ ở trong tập lý lịch. Bao nhiêu bảo đảm ấy cũng thừa để được chỗ. Nhưng muốn chắc chắn, cái đơn thứ hai, cũng được gửi vào Thần Kinh, dự kỳ thi tri huyện. Và muốn đậu phải học chữ Hán tức thì. Bây giờ chàng Tư yêu Khổng Mạnh cũng một độ thiết tha, hăng hái... À, ra thế, chàng Tư không yêu sách vì khoa học hay văn minh Âu Mỹ; chớ nghĩ vậy mà nhầm ý của chàng. Sách nào cũng tốt miễn đậu thì thôi. Chàng học trong ngày và trong đêm, cả trưa và cả khuya, những trang giấy đen, ngòng ngoèo đến sợ. Chàng không đi chơi đâu cả; chàng có bộ cánh tây nào đâu mà diện, chàng hoàn toàn xa lạ với cái thú nện giầy chan chát trên hè phố, ưỡn ngực nở cho giải ca vát phồng lên, đi mạnh như mùa xuân, trong quần áo gọn. Tư lại còn cười một người bạn, mới ra Hà Nội năm đầu đã vội làm tây. Chàng An-Nam như thế này đây; chàng khinh gắt bộ âu phục. Không biết chàng là tuổi trẻ hay cụ già. Chàng đương tuổi trẻ, chính thế! Vì một lần,―cảm ơn mặt trăng vàng ở trên từng mây xanh,―Tư nói chuyện tình, thực đấy chuyện tình ái. Té ra chàng còn sống! May biết bao! Trước hết, chàng để thoát mấy lời đắng cay, không hiểu tại sao thoát ra bằng tiếng Pháp: ―Không ai,... khổ bằng tôi; tôi chưa thấy ai khổ sở bằng tôi... Than ôi, anh Tư, anh Tư. Sự thật bây giờ anh mới thấy ư? Người ta thương hại anh đã lâu lắm rồi, tuy khi nào anh cũng vinh hiển, Sao anh không biết sung sướng, hở anh? Anh lo chi luôn, anh nghĩ chi hoài? Người ta rất buồn cho anh, dù anh là ba ông tú! Tư ngó lên trời: đôi chấm sao nhấp nháy ở giữa men mỏng trong ngần. Chàng tự buông theo dư âm của một điệu đàn nhớ trong ký ức. Cũng nói bằng tiếng Pháp― chàng chỉ nói được tiếng Pháp mà thôi: ― Tôi chưa thấy người đàn bà nào đẹp... chưa thấy. Trừ có một người... Lần kia, tôi đã nghe... Tôi đã nghe những ngón tay du dương của nàng... hát trên những phím cây đàn piano... Con gái! họ bóp trái tim ta... trong lòng bàn tay của họ... A! Tôi khổ... khốn khổ... Thế đấy anh Tư ạ! Anh đã không vui trong lúc học. Anh hiện đang buồn trong khi yêu. Nhưng anh bắt đầu sống đi! Hãy thử đốt lòng anh; nó khô từ khi nhỏ đến giờ, cố nhiên nó dễ cháy lắm. Song le, Tư chỉ nhượng bộ cho mặt trăng trong mười lăm phút đồng hồ. Chàng thấy sự thật rõ quá. Yêu đương, chuyện viển vông, chuyện mộng mị của thi sĩ! Chàng tỉnh lắm, có thừa nghị lực để không say. Chàng can đảm, không ngủ bao giờ, theo nghĩa bóng, và theo cả nghĩa đen, nghĩa đen quá. Nàng tiên kia ở tận trên chót lầu của một ông tổng đốc. Chàng thư sinh gầy với sao cho tới? Hãy phai đi, dư âm của những ngón tay ca trên phím đàn! Và đã phai rồi, dư âm của những ngón tay ca trên phím nhặt: Tư bóp nghẹn thương nhớ, như đã bóp nghẹn thanh xuân; tay chàng mạnh vô cùng, mặc những sợi gân xanh cột ràng mấy đốt xương rõ rệt. Và đến khi Tư đậu tri huyện ― chúng ta đã đoán trước ― Tư rất có thể giơ tay lãnh người đẹp trên cung. Nhưng hỡi ôi chàng đã hết muốn rồi, ái tình đã ngoan ngoãn vâng theo chịu nén một bề, đã tàn rồi không nở lại nữa... Mục đích đạt tới. Bõ công trình mười năm học mãi của Tư. Cha chàng sung sướng; các em chàng sung sướng; vinh hiển, giàu sang, muốn gì thì đã được rồi. Còn Tư? Có ai vào được trong lòng kia biết giùm sự bí mật? Vẻ mặt chàng vẫn như vậy, vẫn bấy nhiêu xương xóc, có lẽ lại thêm vài phân hư gầy, dầu đến khi chàng đã bổ làm ông Hậu. Chàng đã theo danh hay theo lợi? Theo tiếng gọi mãnh liệt của sách hay tiếng kêu gấp rút của... của cái gì đây? Chàng làm việc để làm chi? Chàng không biết vui sướng hay sao? Bí mật! Người ta kinh hãi trước sự khó hiểu. Sao Tư chẳng sống đi, tiêu tiền đi, chơi bời đi! Người ta không tin rằng có thể có linh hồn vô lý ấy. Thanh xuân đã qua bên cạnh chàng, trong khi chàng nhắm mắt không trông mặt trời sáng ngày ngày phân phát ánh tươi đẹp và tình mến yêu. Chàng tự đày mình trong sự học hành, trong sự chinh phục ngôi thứ, bằng cấp, và chỗ làm; và khi chàng thành công là lúc chàng thất bại hẳn. Trời ơi, chủ nhật xuân hát ngoài kia, sao ông hậu Tư năm nay mới hăm ba tuổi đầu, không chạy ra đuổi vài con bướm?