Tựa
Những truyện này không có chi là truyện cả. Người ta không hiểu nhau, thường thường chỉ vì không nói cho nhau biết trước dụng ý của mình: người mua mất thì giờ tìm kiếm trong một chỗ chỉ bán hoa, và một kẻ thích những cái rộn rịp dễ dàng của chiếu bóng lại lấy vé vào xem diễn kịch.
Xin đừng tìm trong “Phấn Thông Vàng” những truyện có đầu có đuôi, có công việc, có sáng hôm trước và chiều hôm sau. Ở đây chỉ có một ít đời và rất nhiều tâm hồn, hợp lại thành bao nhiêu nghĩ ngợi bâng khuâng, không cốt để giải trí người ta, mà trái lại, để xui trí người ta thêm bận vẩn vơ lưởng vưởng.
Nếu có những tác giả trỏ cho ta thấynhững nhân vật có chân tay, mặc quần áo, ở trong nhà cửa, giao thiệp với láng giềng, nếu có những tác giả gợi chuyện thích tai ta, thì cũng có những người chỉ đưa ta vào lẫn trong một thứ mù sương... Họ không có chuyện gì rõ rệt mách cho ta nghe, nhưng họ cũng rất nhiều chuyện. Sắc màu của ngày tháng, bóng dáng của cuộc đời, những ý nghĩ làm ta nghiêng đầu những tình tứ mênh mông những cái ngẩn ngơ, những niềm thương xót, họ đều đem ra làm đầu đề kể chuyện. Mà đó nào phải chỉ là thơ trá hình ra văn xuôi! Trong những bài văn ấy không phải là thơ tản văn, không phải là bút ký; cũng không hẳn là truyện ngắn: ấy là tất cả các lối ấy hợp với nhau lại.
Vì cảnh ngoài cảm xúc tới, người viết văn đem ghi lại sự đã xảy ra; nhưng viết xong, họ thấy rằng họ chỉ chép những âm điệu của lòng mình. Mà câu chuyện vẫn còn đó để làm vì, để lấy cớ; câu chuyện cũng như một cái giá để mắc áo, một cái giàn cho hoa. Cốt nhất không ở nơi cái giá hay cái giàn, mà ở nơi gấm vóc lụa là, ở nơi chùm thiên lý và mấy con ong: Kể gì cái truyện! Chàng này, nàng kia, hay ông nọ có hệ trọng đâu! Miễn là có những ý tưởng chảy thành tràng giang, những tình cảm toả ra một bóng chiều ôm ấp một trái tim đương đập theo nhịp đời... Truyện ư? Một tí truyện ở ngoài cũng đủ gợi trăm chuyện trong cõi sống bên trong. Tâm hồn người có biết bao là chuyện!
Viết hẳn ra bút ký hay là thơ tản văn, như thế có lẽ rõ trắng rõ đen hơn. Nhưng cuộc đời đem đến những bài thơ có truyện, và những câu truyện có thơ, thì tất nhiên chúng ta cũng được ở lưng chừng trên hai biên giới.
Lối tiểu thuyết ý-tưởng vẫn là một lối văn phong phú, khác với lối luận đề tiểu thuyết. Lối này dễ sinh ra miễn cưỡng, cố chấp, vì quyết hãm một câu chuyện theo một chủ nghĩa: lối kia không tranh luận một vấn đề gì cả, vẫn nơi những ý nghĩ, những tư tưởng, nhưng không ràng buộc cho thành một luận đề. Ở lối truyện-ý-tưởng truyện là một cái cớ để cởi mở tấm lòng; ở lối luận đề, truyện là một phương kế để chiến thắng. Truyện-ý-tưởng lo phải là truyện khô khan như truyện triết lý: truyện ý tưởng thường gồm các lối: truyện tâm lý, truyện tượng trưng, truyện hí lộng, truyện “kiểu cách” vừa làm duyên, vừa mỉm cười.
Với tập “Phấn Thông Vàng” tôi đã muốn làm một lãng tử không theo phép cũ, bỏ nhà như bọn “chó mèo hoang”, đi theo sức xô đẩy của tâm hồn. Trong phần nhiều “truyện” của tôi, vai chính không phải là một người, mà là một nỗi lòng một tình ý, hay một con vật, một đồ dùng. Phấn Thông Vàng: nào có chuyện gì đâu! đó chỉ là một cách gữi hương cho gió; Thương Vay: một buổi chiều len vào tâm trí; Cái Giây, Cái Giây Không Ðứt: sự thực của lòng người và sự thực của ái tình; Sợ: tình yêu lớn và người yêu nhỏ gặp nhau; Chó Mèo Hoang: một bọn bị đời bỏ; Toả Nhị Kiều: Một nỗi buồn nhạt; Truyện Cái Giường: hai cuộc đời...
Truyện của tôi chỉ có thế. Tôi rất mong người xem sách không phải là người đi xem án mạng: chỉ muốn biết sự việc thế nào. Bây giờ thì Phấn Thông Vàng thoát rừng để bay đi; đến nơi đâu, “cái ấy tuỳ lòng gió”.
Hà Nội Février 1939
X.D.
( Trích trong tập truyện ngắn ( Phấn Thông Vàng ) của Xuân Diệu
Trong thành phố, 24 tháng 9 năm 1937
EM THU
Thế sao em? Em đã hết với anh? Thực chăng? Anh thấy như đã thực lắm rồi, lời của em sao mà đoạn tuyệt! Nhưng Thu ơi, anh vẫn mong còn dư lại ít nữa là một chút yêu thừa, để em còn chịu đọc những lời biện bạch sau đây, và để em còn đoán nghe sự đầy tràn trong tiếng gọi “em”, trong bức thư này mà anh tin không phải là bức cuối cùng, và vẫn gửi nhờ con chim xanh nhỏ.
Hứa không kinh ngạc đâu Thu ạ. Anh chỉ đau đớn thấy sự thực của lòng người; ―nhưng mà anh cứ kể chuyện này cho em nghe, Thu nhé?
Ðời xưa có một nhạc sĩ (anh chắc là Bá Nha) có một giây đàn quí báu, đẹp đẽ vô cùng. Một giây đàn xinh xắn như gồm bằng tơ bóng giăng, một giây đàn bằng loại kim hiếm hoi, đáng giá không biết bao nhiêu vàng bạc. Vì ban ngày thì chói lọi một trăm sắc, và ban đêm tự nhiên sáng có hào quang.
Nhạc sĩ biết rằng sợi tơ kia mỏng manh, chỉ nên để mà thờ, mà ngắm. Nhưng chàng cần phải đàn một điệu nhạc mới, thần tiên, kỳ ảo, làm rung động được mặt trời và xê xích được mặt trăng. Chàng thấy nhất quyết phải gảy lên Ðiệu Ca-Lửa-Nồng mà chàng đã bỏ cả tâm hồn để sáng tác.
Thế rồi dây đàn lên tiếng dưới ngón tay mê, ngón tay cảm xúc quá nên nóng như lên cơn, làm cho dây đàn cũng phải lây sự sống. Nhạc sĩ đang lúc hăng hái vì thiên tài đẩy xô, cứ nhíu mày nắn những giọng cao, rất cao, quá cao, quên cả rằng giây đàn của mình chỉ là sợi tơ bóng nguyệt.
Cho nên, cho nên dây đàn đứt, cũng như... cũng như dây của lòng em Thu...
Thu mong manh của Hứa ơi! đáng lẽ anh cũng chỉ nên ngắm nghía phụng thờ em, chứ đừng bắt em yêu mến. Giây đàn thì nhỏ mà điệu nhạc thì cao, lòng em thì yếu mà tình anh thì mạnh, tránh sao cho khỏi chếch mếch! Anh đã khờ quá! mê bản đàn nên làm đứt cả dây tơ. Nhưng em Thu ơi, em có hiểu anh chăng? Em hiểu chăng sự thực của ái tình nó khác với sự thực của lòng người: lòng chúng ta thì muốn yên, nhưng ái tình thì hiếu sự. Ta không phân biệt tình với lòng, khi lòng ta đã biếng nhác, muốn nghỉ ngơi; ta nói: tình yêu đã hết; nhưng chính tình yêu không thèm ở nữa trong một tấm lòng mệt mỏi, tình yêu bỏ mà đi đấy thôi! Lòng người và tình yêu là hai sự thực khác nhau và đối nhau; một đằng chỉ riêng ưa sự lỳ lợm, sự bình yên, một đằng muốn lay chuyển, sôi nổi, cử động. Lòng người như vật chất luôn luôn sắt đá, chích chích, chi chi. Ái tình như sự sống, làm việc luôn, nồng cháy luôn, và xây dựng cho vật chất. Phải, lòng người như đất, chỉ cốt nằm ỳ, ái tình là ý xuân, bắt sự biếng lười phải hăng hái, bồng bột lên, để sinh sắc hương, hoa quả.
Anh yêu dở, vì không hiểu lòng người; em cũng vụng yêu, vì không thấu ái tình. Mà chúng ta đã cốt “yêu nhau”, thì chúng ta phải yêu nhau theo ái tình chứ! Cái dở của anh rất đáng tha thứ, mà có lẽ lại là cái hay: anh phải đi ngược lòng người để đi xuôi theo ái tình.
Thực vậy, chúng ta đều muốn êm đềm bình tĩnh, chẳng phải nhọc nhằn. Nhưng khi đã yêu! Tình yêu có ngủ đâu!
Ðó là nỗi kiếm tìm, ngờ vực, đòi hỏi, van xin, đó là sự ghen tuông, đó là cách chinh phục. Em cười anh chính vì muốn tìm sự vững bền mà lại làm nên sự gãy đổ, nhưng anh tìm cái vững bền của tình yêu, thiết tha, đỏ thắm kia, chứ cái lâu dài mà nhạt nhẽo, anh có tìm làm chi!
“Em thấy yêu anh thì nói yêu anh”, nhưng một lời nói không phải là một cái gối ta cứ dựa đầu mãi. Em yêu anh, nhưng tình em cho có phải là một gói bạc ta cất được vào rương, khoá kỹ niêm phong, bỏ vào buồng, rồi đóng cửa ngủ yên sao? Tình em cho hôm, ngày mai chắc đâu như cũ? Bảo anh không phiền hà em sao được; tình yêu mạnh hơn lễ độ, đã yêu nhau thì hoá làm rầy nhau. Em mất tự do, nhưng kẻ lấy không phải là anh, mà chính là tình của chúng ta, và anh, anh cũng mất tự do, và cũng không phải em lấy. Hai người đều vui lòng chịu sự trói buộc của tình ái, để được cái thoát ly, thoát ly khỏi mọi điều cặn bã thấp kém của đời thường.
Em Thu, em nỡ không hiểu anh đến thế ư? Em nỡ cho ra anh tra nạ, dằn vặt em, nhưng khi người ta mặc kệ nhau, thì còn đâu là yêu nhau nữa? Êm đềm, dịu dàng, ôi, nếu muốn được thế mà phải bằng phẳng như những vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau thì còn gì đâu.
Thu ơi, sao em không hờn anh, giận anh, ghen nghi anh cho nhiều; em không thấy cái thú giận nhau ư? Chỉ có anh quá biết thú ấy, nên mới bị em phạt quá đáng: rời anh, đứt với anh. Nhưng đáng lẽ là một cái công mới phải! Luôn luôn thắc mắc, lo toan không ngớt, xôn xao không ngừng, yêu như thế tức là đổ dầu cho đèn sáng mãi, thêm củi cho lửa không tàn, là giữ màu tươi thắm, thêm bao thú vị cho tình yêu, yêu như thế quả là xe thêm tơ chỉ cho sợi giây thêm bền, chứ đâu có phải giằng kéo sợi dây cho mỏng?
Em còn nói tình yêu là những giây tơ treo vài đoá hoa mảnh khảnh; vâng. Nhưng sự dịu dàng là mảnh khảnh hơn hay sự nồng nàn là mảnh khảnh hơn? Giữ sự dịu dàng là trò chơi, chứ giữ sự nồng nàn là một điều khó, vậy thì “đoá hoa mảnh khảnh” vốn là sự rạo rực của Hứa, chứ không phải sự bình tĩnh của Thu.
Thôi, Thu của Hứa chịu thua rồi. Anh biết lắm, em Thu chỉ nhọc một chút đó thôi, em Thu đương nhức đầu đấy chứ gì. Chỉ một ngày sau hay một tuần sau, anh lại thấy Thu nồng nàn gấp mấy khi trước, vì bấy giờ ta đã hiểu nhau.
Em Thu không phải một kẻ khác thường sao?
Em Thu không phải một linh hồn đắm say, mê mãi sao?
Có lẽ nào! Mắt em Thu lớn và sáng, và lộng lẫy thế kia mà! Không, anh quyết sự này chỉ là một cuộc bất hoà nhỏ nhặt đấy thôi. Phải không em, nếu động bất bình với nhau mà rẽ nhau ngay, hết với nhau ngay, thì ở trên đời, chẳng có cặp đôi nào cả.
Thu cười đi, em thua rồi đấy nhé. Nhưng Hứa chẳng được đâu, Thu ạ. Bao giờ cũng thắng cuộc, ấy chính là tình yêu của hai ta.
Người tha thiết
HỨA
 

Xem Tiếp: ----