Giai điệu ngọt ngào của bài hát thời thơ ấu cất lên qua điện thoại có lẽ là thứ âm nhạc kỳ diệu nhất đối với người nghe từ bên kia đại dương, trong giờ phút linh thiêng của đêm cuối năm, khi lòng đang hướng về quê nhà.
Hồi đó tôi tám tuổi, Tư "sư cụ" lên chín. Ðầu nó lúc nào cũng trọc tếu, lún phún mấy sợi tóc con. Trong lớp Tư ngồi gần tôi. Mỗi lần làm toán, Tư bảo tôi nhìn vào bài nó. Còn nhỏ tí nhưng tôi đã biết kiêu hãnh, thà chịu điểm 0 (không) chứ không thèm cóp-pi của con trai. Tuy vậy, nhiều khi tôi cũng lâm vào thế kẹt, vì cô giáo ra nhiều bài khó quá. Ðể đền đáp lại việc phải thỉnh thoảng nhờ làm giùm toán, tôi giao hẹn sẽ dạy cho Tư những bài hát "của tôi".
Tôi học giỏi tiếng Pháp. Ở nhà, anh tôi lại học nhạc, dạy cho tôi nhiều bài hát hay, Tư thích lắm. Tôi dạy nó hát bài Joli tambour, bài Alouette, bài Auprès de ma blonde. Không hiểu sao nó còn nhỏ mà giọng đã ồ ề. Còn tôi hát giọng mũi, y như đầm hát: Dans le jardin de mon père, Les lilas sont fleuris... (Trong khu vườn của cha, những bông tử đinh hương bừng nở...) Cả tôi và Tư chưa thấy hoa tử đinh hương bao giờ. Nhưng khi tôi hát, tôi thấy tử đinh hương nở đầy trên khoảng sân hoang dại sau trường. Hoa nhiều mầu lắm, đỏ thắm, vàng tươi, và có rất nhiều bướm bay lượn. Rồi trống giục vào lớp, tôi không hát nữa. Những bông hoa biến mất, khoảng sân chỉ còn lại những lùm cỏ um tùm, những con châu chấu nhảy tanh tách, tanh tách...
Năm cuối cùng ở trường huyện, chúng tôi thi sơ học yếu lược. Nhà nghèo, nên mẹ tôi định cho nghỉ học ở nhà, tôi không dám nói gì, sợ mẹ buồn thêm. Nhưng đến lớp, tôi khóc. Ðứa nào cũng thương tôi. Thằng Tiến trưởng lớp cho tôi một cái kèn ắc-mô-ni-ca nhỏ bằng quả bắp non. Con Lan Huê cho tôi tấm ảnh...
Tôi hỏi Tư "sư cụ":
- Ðằng ấy không cho mình cái chi cả à?
"Tui à? Tui không có cái chi cả". Nó nói rồi lầm lũi đi vào góc lớp. Một lát sau, Tư trở lại:
- Này tui cho đằng ấy cái ảnh.
Trong tấm ảnh có hình thằng bé con đầu trọc tếu. Một góc ảnh có dính phần tư khuôn dấu đỏ. Ðó là cái hình nó gỡ ra từ trong tấm bằng sơ học yếu lược.
Hôm ấy tôi về nhà, khoe với anh tôi những món quà kỷ niệm. Anh tôi trừng mắt:
- Ai cho Miên cái hình ni?
- Thằng Tư "sư cụ" cho.
Một cái bợp tai làm tôi choáng váng, khóc òa. "Mi ngu lắm! Lần sau không được nhận ảnh của con trai, nghe không?". Tôi khóc tấm tức mãi, không hiểu vì sao mình bị đánh. Hôm sau gặp lại Tư, tự nhiên tôi thấy ngượng ngùng và xa cách thế nào ấy. Tôi trả tấm ảnh cho Tư. Nó có vẻ không vui:
- Răng Miên không cất đi?
- Anh Miên nói không được lấy hình của con trai.
"Rứa à?". Tư "sư cụ" nhìn tôi, hai con mắt nó buồn, buồn ghê lắm.
Ðó là lần đầu tiên tôi nhận ra nó có đôi mắt to, đen, sâu hút, hiền như mắt con gái. "Thôi rứa để lần sau tui tìm có cái chi đẹp, tui cho Miên nghe".
Ðó là những ngày cuối cùng của chúng tôi trên cái sân chơi um tùm cỏ dại của ngôi trường huyện thời Pháp thuộc.
Biết rằng mình phải thôi học, nhưng tôi cứ nạp đơn thi thử vào Trường Ðồng Khánh. Không ngờ, tôi đậu khá cao, được học bổng, lại được nội trú ở trường. Số phận đã phù hộ tôi, cho tôi có một thời nữ sinh. Khác hẳn với trường huyện, trường tôi bây giờ thật đẹp. Những dãy lầu vươn lên khỏi tán lá phượng, những hành lang dài im mát, tất cả nhuộm một mầu hồng thiếu nữ. Chiều chiều, tôi và các bạn ngồi sau cửa sổ hát theo tiếng dương cầm thỉnh thoảng vọng lên từ căn phòng dưới cầu thang gỗ. Những lúc ấy, sân trường chìm trong yên lặng, một thứ lặng yên trong sáng và thuần khiết lạ lùng.
Cuối tháng, đến chiều thứ bảy, anh tôi đến đón ở cổng trường. Hai anh em đi ra bến đò Thừa Phủ. Tiếng guốc học trò gõ trên mặt đường nghe lạ lắm. Ðò qua sông, sương buổi chiều bắt đầu giăng phủ trên mặt nước. Không nghe tiếng chèo khua, thì không biết thuyền đang lướt sang qua bên kia bờ.
Một lần, tôi lên phòng giám thị làm trực nhật. Cô giám thị đeo kính trắng, người dong dỏng mảnh mai, không đẹp lắm nhưng rất đài các. Không hiểu sao, bất ngờ, cô hỏi tôi:
- Chiều nào em rời trường cũng có một người con trai đến đón phải không?
Tôi sợ hãi run cả người, mãi sau mới lí nhí trả lời:
- Dạ... thưa cô, đó là anh ruột của em.
Cô vẫn nhìn tôi chăm chăm, có vẻ nghi ngờ. Sau tôi kể lại, anh tôi bảo: "Ngu, vì mi sợ cho nên cô nghĩ là mi nói láo". Tôi cười thú nhận. "Em run quá, ngó vô mắt cô là em đã khiếp rồi".
Thời gian qua, tôi đã lớn. Cái áo dài phin đã căng lên và nỗi ngượng ngùng càng lúc càng tăng. Anh tôi đã đi làm xa. Chiều cuối tháng tôi về một mình. Chiều nào tôi cũng ra sớm, chờ đò dưới gốc cây me. Ở đó có ông xẩm già vừa kéo nhị vừa hát vè:... Ơi em ơi, em ăn ở làm răng cho có đất có trời. Ðừng ham duyên mới phụ dời nước non... Một hôm, bến vắng, tôi thấy có người ngồi cạnh cụ xẩm mù. Người ấy nhìn tôi, se sẽ gọi:
- Miên!
Tôi ngẩn người một lúc, rồi nhìn ra thằng Tư "sư cụ"! Nhưng bây giờ hắn đâu còn sư cụ nữa. Hắn đã có tóc, cao lớn dềnh dàng như ông Tây. Hắn ngồi nghe hát xẩm, vừa nghe vừa lẩm nhẩm hát theo. À, bây giờ hắn lại có "sư phụ" mới rồi đây. Tôi buồn cười nhớ lại những ngày ở trường huyện. Bây giờ đã lớn, tôi không dám chuyện trò mạnh bạo với Tư nữa, chỉ hỏi nhát gừng vài câu.
- Lâu ni đi mô mà không ai thấy mặt?
- Ði mô mà đi, mình học ngay cạnh trường Miên thôi.
A, thì ra hắn học ở Quốc học. Tôi không nhìn thẳng vào mặt Tư như ngày xưa, vậy mà tôi vẫn thấy đôi mắt hắn to, đen như mắt con gái. Xuống đò, Tư đi theo tôi. Hôm nay đò chỉ có hai người. Tư nằng nằng đòi tôi hát cho hắn nghe. "Ai mà làm rứa, dị òm". Tôi từ chối. Nhưng Tư cứ năn nỉ. Tôi hát đại một bài quấy quá cho qua, giọng tôi lí nhí chẳng ra gì. Tư thất vọng.
- Không được, hát lại. Hát như hồi ở trường huyện ấy.
- Dở dở rứa thôi, hành người ta vừa vừa...
Ðò cập bến, tôi bết bát lên bờ, sợ nhất Tư đi theo, rủi có ai quen nhìn thấy, họ trêu chọc thì chết. Nhưng Tư chỉ ngồi lại trong lòng thuyền chờ sang lại bến cũ. "Thôi, đằng ấy về, mình qua sông nghe hát vè vậy". Có lẽ hắn mê bác xẩm mù thật. Người chi mà quái dị...
Bẵng đi một thời gian, một hôm chủ nhật, tôi nghe báo có người anh họ đến thăm. Cô giám thị hỏi tôi khi tôi bước vào phòng khách: "C'est votre cousin?". Giọng cô cao đến xé tai. Tôi nhìn ra: Tư "sư cụ"! Tự nhiên tôi đỏ mặt tía tai, cái mặt đỏ tức thì tố cáo ngay mọi chuyện. Nguây nguẩy đi vào, tôi nói cấm cẳn:
- Tui không hát nữa mô! Không hát nữa mô!
Lúc ấy tôi đinh ninh rằng anh đến để bắt tôi hát. Tôi có phải ông xẩm già bên sông đâu.
Từ đó, tôi không gặp Tư nữa, dù anh ở rất gần tôi, cách có một con đường hiền hòa nằm giữa hai ngôi trường. Rất lâu sau, tình cờ tôi mới gặp Tư giữa chuyến đò đông. Tụi con trai nghịch ngợm nhảy lên mũi thuyền, thay nhau chèo đò, những đứa khác thì dậm chân thình thình làm cho thuyền rung lên, chao đảo. Tụi con gái mặc áo trắng không muốn ngồi xuống mạn thuyền, cũng không muốn vịn vào người tụi con trai, chỉ biết vừa đứng chếnh choáng vừa kêu lên í ới. Tư đứng gần tôi, cũng dậm chân thật dữ, mắt anh ta nhìn tôi như bốc lửa. Tôi sợ ngã người đụng vào Tư thì thực xấu hổ đành ngồi thụp xuống, tà áo dài vấy bẩn cả. Tức quá, tôi òa khóc...
Mấy hôm sau, trở lại trường, tôi chỉ thấy tấm bảng lớn: "Trường đóng cửa vì thời cuộc". Rồi ít lâu sau, trường học dời ra Quảng Bình. Cả nước đi vào thời kỳ toàn quốc kháng chiến.
Ra Quảng Bình được hai hôm thì đường đi bị cắt đứt. Từ đó, tôi không còn gặp lại mẹ và anh em tôi nữa. Khung trời Ðồng Khánh, bến đò xưa, làn sương trắng trên sông, tất cả đã thuộc về một không gian khác. Một không gian kỷ niệm mà mãi ba mươi năm sau, tôi mới trở về.
Hai lần lập gia đình, tôi chỉ được một đứa con trai. Ngày về, mẹ tôi đã mất. Anh tôi đã ra nước ngoài. Trong ngôi nhà xưa tôi chỉ gặp em gái út. Tôi hỏi hồi 56 (năm 1956), tôi có nhờ một người quen đi Pháp gửi hộ bức thư, em có nhận được không. Em tôi òa khóc.
- Có, em có nhận. Nhưng hồi đó em là nữ quân nhân, trưởng đơn vị gọi lên bảo lần sau không nên nhận thư nữa. Vì thế nên...
Tôi ôm lấy em. Ba mươi năm, những gian khó tôi đã chịu, những hoàn cảnh đã trải qua dạy cho tôi chấp nhận và thông cảm được mọi điều. Em tôi hỏi về cuộc hôn nhân dang dở của tôi. Tôi chỉ bảo "Lúc ấy chị chỉ có một mình, chẳng khác dây bầu, dây bí mới mọc. Ngã vào đâu leo được thì nó leo". Hai chị em tôi giở album ra xem: Ảnh mẹ tôi, anh tôi, những bạn gái cũ ở Ðồng Khánh. "Chị nhớ hình người này không?". Tôi ngờ ngợ một lát:
- Chắc là ở bên ngoại, chứ bên nội không có cái mặt này!
"Anh Tư đấy!". "Ủa, sao em biết?". "Thỉnh thoảng em vẫn gặp. Hỏi thăm chị hoài!". Tôi chợt mỉm cười nhớ đến người bạn trẻ con. "Bây giờ anh Tư còn đây không?". Em tôi lắc đầu...
Ðiều làm tôi vui là con trai tôi rất hiếu thảo. Nó luôn trách tôi:
- Sao mẹ không đến ở nhà mới với chúng con. Mẹ ở một mình, con không sao yên tâm được.
- Mẹ chỉ muốn ở lại căn hộ này. Mẹ con mình ở đây từ lúc vừa trở về. Khi mẹ đến ở ngày đầu, mẹ đã cảm thấy đây là chỗ dừng chân của đời mẹ rồi...
Con tôi phì cười: "Mẹ lại lãng mạn kiểu lẩm cẩm rồi. Thôi, con biết mẹ ưa yên tĩnh, mẹ chẳng muốn về chỗ tụi con, khách khứa ra vào phiền toái. Vậy thì con bắt điện thoại cho mẹ, lỡ có gì trái nắng trở trời, mẹ gọi ngay cho con".
Có điện thoại rồi, con tôi vẫn chưa yên tâm, nó sợ tôi buồn, bảo vợ cho thằng cu Bi sang ở với tôi.
Hằng ngày, tôi lại đưa cháu đi học. Hai bà cháu dắt nhau đi trên con đường lá xanh. Tôi vừa đi vừa kể cho cháu nghe thời thơ ấu của tôi. Có lúc cháu lắng nghe, có lúc lơ đãng nhìn ra đường. "Xe này là Toyota phải không bà? Còn xe này là Serious hay Future bà nhỉ?". "Bà không biết, khi nào cháu hỏi mẹ xem, mẹ rành lắm. Ngày xưa con đường này yên tĩnh, người nào giàu nhất cũng chỉ đi xe đạp...". Cháu tôi tiếp tục nhìn những chiếc xe, còn tôi tiếp tục với ngày xưa của tôi.
Một hôm, cu Bi bảo tôi:
- Bà ơi, cháu có thư từ nước ngoài gửi về đấy, bà ạ.
- Ai ở nước ngoài mà lại viết thư cho cháu?
- Bố bạn Trần Ngọc Tuấn gửi cho chúng cháu. Bạn Tuấn đi Mỹ với cả nhà đầu năm nay. Trong thư, bố bạn Tuấn nói là bạn Tuấn buồn và lạc lõng lắm vì đến trường ai cũng nói tiếng Anh. Có nhiều trẻ em người Việt nhưng không nói chuyện được, vì tụi nó không biết tiếng Việt. Bố bạn Tuấn gửi thư cho chúng cháu, gửi kèm cả tem để trả lời nữa bà ạ.
Cu Bi đưa bức thư cho tôi xem. Tôi đọc, hình dung ra căn nhà rộng, bên ngoài là mùa đông lạnh giá. Ðứa bé ở trường về, nó buồn tủi, đau khổ vì không thể hội nhập với bạn bè. Nó ngồi lọt thỏm trong ghế bành, khóc nức nở. Bố nó dỗ dành con, nhưng không sao an ủi nổi thằng bé, ông cầu cứu đến tình cảm của những bạn bè của con mình ở quê hương...
Ngày nghỉ, cháu tôi rủ bạn hàng xóm sang, nhảy dây, đánh bi, quên hẳn bức thư. Tôi nhắc cháu. Một lần, hai lần. Cháu ở đây với bao trò chơi vui vẻ. Cháu còn bé thế làm sao hiểu nỗi buồn lẻ loi của bạn nó. Còn tôi, tôi đã hiểu điều đó nhiều lần, thấm thía nhất là khi con tôi rời khỏi nơi này.
Kỳ nghỉ cuối năm đến. Con dâu tôi sang đón con về ăn Tết. Tôi lại nhắc cháu viết thư cho bạn. Con dâu tôi gật đầu tán thành:
- Cũng cần có một số chỗ quen biết bên ấy, sau này có khi được việc lắm. À, mà mẹ nghĩ con nên viết thư bằng tiếng Anh, cũng là một dịp để rèn luyện ngoại ngữ...
Cu Bi dãy nảy: "Không, không, con chỉ viết mấy câu thôi! Mẹ ơi, khi nào có hội chợ thì mẹ cho con đi chợ chim, mẹ nhé!".
Cháu về rồi. Tôi còn lại một mình. Bánh mứt, con dâu tôi đã đem sang đủ cả. Tôi không phải làm gì, cũng không biết làm gì. Bỏ thư cho cháu xong, tôi về nhà.
Sáng sáng, tôi lặng lẽ thắp nhang bàn thờ rồi tưới hàng chậu kiểng, những cây kiểng con trai tôi mua về cho tôi chơi Tết.
Ðêm cuối năm. Yên lặng. Tôi ra sân nhìn trời rồi lại vào. Tiếng chân tôi vang trên nền gạch bóng. Tôi biết mình đang bước trên những giờ khắc cuối cùng của năm sắp hết.
Bỗng có tiếng điện thoại reo. Cu Bi gọi tôi đây, chơi chán chắc nó lại nhớ bà rồi. Nhưng không, một giọng người lớn. "Alô, đây có phải nhà của em Lê Gia Huy? Tôi là bố của Trần Ngọc Tuấn muốn gặp em Huy". Tôi sửng sốt:
- Alô, xin lỗi ông, Huy là cháu tôi. Xin chúc ông năm mới tốt lành!
- Cảm ơn bà, chúc bà năm mới hạnh phúc. Cháu Huy có viết thư và cho số điện thoại, cho nên tôi muốn gọi điện chúc Tết gia đình và cho hai cháu nói chuyện với nhau.
- Tiếc quá, Huy đã về nhà ăn Tết với bố mẹ. Nhà chỉ còn mình tôi.
"Thế à?". Giọng nói ở đầu dây bên kia có vẻ thất vọng. Tôi tưởng ông ta sẽ chào ngay, nhưng ông chỉ hơi ngần ngừ một lát. Có lẽ hình ảnh một người đàn bà một mình đón giao thừa đã khiến ông ta bất giác muốn nán lại:
- Thưa bà, lâu lắm mới nghe tiếng nói từ quê nhà... Tôi có thể hầu chuyện bà năm mười phút được chứ? Xin giới thiệu, tôi là Trần Ngọc Tư...
Chút nữa ống điện thoại rơi khỏi tay tôi. "Trời đất! Có phải anh là anh... Tư "sư cụ"?
- Ðúng, đó là hỗn danh của tôi hồi nhỏ! Sao bà biết?
- Tôi là Miên, anh còn nhớ không?
Ðến lượt người bên kia la lên, như thấy Trời Phật giữa ban ngày.
Gần một giờ đồng hồ, chúng tôi nói chuyện với nhau như những đứa trẻ. Những chuyện của nửa thế kỷ trước, những chuyện nay đã thuộc về chiêm bao và cổ tích. Trước mắt tôi lúc đó không phải là người đàn ông ngoài sáu mươi lưu lạc nơi đất khách, mà là chú bé con có cái đầu trọc tếu và đôi mắt đen thui, hiền như mắt con gái. "Anh Tư! Anh có nhớ hồi đó anh cho tôi cái chi không?".
- Nhớ chứ. Tôi cho Miên cái ảnh lột ở bằng Primaire ra. Ngày đó về nhà, thầy tôi đập cho tôi một trận nên thân. Sau đó Miên trả, tôi mới dán vào lại... Nhờ tấm bằng mà tôi đi sĩ quan. Hồi đó, nếu Miên đừng trả lại, thì cuộc đời tôi chắc rẽ sang hướng khác!
Tôi cười... "Sang bên ấy có nhớ Huế không anh Tư". Im lặng vài giây, rồi giọng nói bên kia chợt trầm hơn:
- Ðứa trẻ con còn buồn nhớ, huống gì tôi? À mà này. Miên hát đi! Hát cho tôi nghe bài gì đấy cũng được!
- Quỷ! Cái anh này, đến già vẫn thế! Hồi ở Ðồng Khánh, tôi tức ghê vì thấy cái mặt tôi là anh đuổi theo đòi hát.
Ðến lượt Tư cười. "Miên dại lắm, chẳng biết gì cả. Người ta lúc đó muốn xin nhiều, chứ không phải là xin nghe hát thôi đâu. Nhưng giờ thì muộn rồi. Giờ thì điều duy nhất tôi còn xin được, là nghe Miên hát, trong đêm giao thừa này".
Bất giác, sau nhiều năm, tôi lại chợt thấy máu mình dồn lên má. Lúng túng một lúc, tôi mới nói được:
- Tôi hát "Auprès de ma blonde" nhé?
- Vâng, tuyệt vời!
"Dans le jardin de mon père, les lilas sont fleuris...". Giọng tôi bây giờ đã run rồi. Nhưng thật lạ, nó vẫn còn giữ những âm sắc cũ. Bỗng dưng, đang hát, nước mắt tôi lặng lẽ ứa ra, lặng lẽ tuôn trên má. Ô hay! Có gì đâu mà khóc? Có gì đâu mà tiếc thương?
Chung quanh tôi là cỏ xanh, với thật nhiều châu chấu nhảy tanh tách, tanh tách... Rồi những bông tử đinh hương huyền thoại mọc lên, nở ra, muôn mầu dưới bầu trời non dại vô cùng. Tôi thấy mình đã đi hết vòng đời và đang quay trở lại buổi ban đầu. Không biết ở cách tôi bao núi rừng và đại dương, Tư có cảm thấy như thế không, người bạn thời thơ ấu của tôi ơi!
Chú thích:
Dans le jardin de mon père, les lilas sont fleuris: Tiếng Pháp có nghĩa là: Trong vườn hoa của Cha tôi, loài hoa lilas đang đua nở

Xem Tiếp: ----