Trích từ bộ phim “TÂN DÒNG SÔNG LY BIỆT” (tập 11) Kịch Bản: Quỳnh Dao Nhất Chi Mai phóng tác/ghi lại …Từ nhà Khả Vân trở về, lòng tôi cứ bứt rứt không yên, đầu óc tôi quay cuồng vớii muôn ngàn câu hỏi. Tại sao mỗi khi nổi cơn điên loạn, Khả Vân không nhớ gì về quá khứ của mình, mà lại cứ luôn miệng gọi “Tư Lệnh Đại Nhân! Tư Lệnh Đại Nhân”? Cha của tôi đóng một vai trò gì trong bi kịch của Khả Vân? Cha có phải là người đàn ông đã hại đời Khả Vân chăng? Về “thành tích” đi-đến-đâu-là cướp-đàn-bà-về-làm-vợ-đến-nấy của cha, tôi còn lạ gì nữa! Nhưng Khả Vân lúc đó chỉ mới có 16 tuổi, lại là con gái của Lý Phó Quan, một tùy tùng rất mực trung thành của cha… Càng nghĩ, tôi càng muốn điên đầu lên. Tôi quyết định phải tìm ra sự thật. Tôi đến nhà tìm cha. Chị Lan bảo: “Ông đã đi cưỡi ngựa từ sáng sớm rồi, tiểu thơ ạ!” Vậy cũng tốt, đây là một cơ hội nói chuyện hiếm có, vì hình như tôi không có duyên với căn nhà của cha. Mỗi lần đến đó, tôi đều trở về với thương tích đầy mình. Sau trận đòn chí tử hôm nọ, tôi đã mất hết sự kính trọng và nể sợ đối với cha, cho nên mỗi lần gặp cha, tôi luôn luôn tỏ ra lạnh lùng, và đôi khi còn tìm cách khiêu chiến với ông, thường là vì dì Tuyết. Có một lần, tôi làm cha giận đến nỗi ông lại lấy roi ngựa ra, định cho tôi thêm một trận nữa, nhưng không hiểu sao ông cứ đứng đó nhìn trân trân vào sợi roi, rồi loạng choạng ngồi phịch xuống ghế. Nhìn nét đau khổ hiện lên trên khuôn mặt nhăn nheo của cha, tôi có cảm giác là chính tôi đã cho cha một nhát dao vào tim, nhưng tôi vẫn không thể nào dập tắt ngọn lửa thù hận trong lòng tôi. Đúng ra, tôi hận cha không phải vì những lằn roi quái ác mà cha đã quật lên người tôi – tôi cảm thấy thất vọng thì đúng hơn - mà chủ yếu là vì tấm lòng dửng dưng, bạc bẽo, vô tình của cha đối với mẹ tôi. Càng yêu mẹ chừng nào, tôi càng hận cha chừng nấy. Mỗi ngày, tôi đều sống trong sự dằn vặt giữa hai thứ tình cảm yêu và hận đó, lắm lúc tôi có cảm tưởng con người tôi sẽ bị hai thứ tình cảm này làm nổ tung ra từng mảnh. Tôi phóng ngựa ra trường đua. Những đứa con của cha, bất luận là con trai hay con gái, đều được cha dạy cưỡi ngựa từ nhỏ. Chạy một lúc, thấy bóng cha thấp thoáng ở phía trước, tôi ra sức đuổi theo. “Cha! Cha! Cha ơi!” Cha ghìm cương ngựa lại, quay đầu nhìn tôi, nét mặt lộ vẻ ngạc nhiên: “Y Bình! Con cũng ra đây cưỡi ngựa à?” “Dạ không! Con chỉ muốn nói chuyện với cha!” Hình như cha không tin lời tôi vừa nói. Tôi nói tiếp ngay, nhưng chưa dám đi thẳng vào vấn đề: “Con muốn thưa với cha là về chuyện đi hát, con đã bàn với mẹ cho con hát đến hết tháng chín này, xin cha chấp thuận, đừng đến vũ trường làm phiền người ta nữa!” Cha có vẻ hài lòng về thái độ hòa nhã hiếm có của tôi. Ông mỉm cười, nhưng không nói gì, chỉ lẳng lặng đi nước kiệu bên tôi. Sau một lúc trầm ngâm, cha lên tiếng: “Vậy thì, con vẫn coi cha…là cha của con chứ?” Tôi cười: “Từ nãy đến giờ, con đều gọi cha là “cha” mà!” Cha nhìn tôi trìu mến. Trông cha hôm nay thật hiền lành làm sao! “Y Bình, cha dẫn con đến chỗ này nhé!” Tôi theo cha đến một ngọn đồi phong cảnh thơ mộng, cỏ xanh ngắt một màu, hai bên bờ cây cối um tùm. Cha xuống ngựa, duỗi chân, hít vào một hơi thật sâu, như muốn tận hưởng cái không khí trong lành, tươi mát của một sáng mùa Thu đẹp trời. “Cha thường đến đây lắm à?” Tôi hỏi. Cha cười buồn, thở dài: “Già rồi! Ngoài việc lâu lâu cưỡi con “Hồi Ức” chạy một vòng, cha đâu còn làm gì được nữa!” Thì ra, cha đặt tên cho con ngựa của mình là “Hồi Ức”! Nhìn mái tóc bạc của cha, tôi bỗng thấy lòng xót xa. Tôi biết cha đang tiếc nuối quá khứ vàng son của mình. Một con người như cha, không thể cúi đầu sống trên một mảnh đất đã rơi vào tay giặc; cha đành phải bỏ lại quá khứ huy hoàng của mình nơi cố hương. Bây giờ, tôi mới chợt nhận ra một điều: tuổi xế chiều của một anh hùng thật bi đát hơn tuổi già của một người bình thường rất nhiều. Cha chợt lên tiếng, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. “Y Bình à! Dạo này, cha thường suy nghĩ rất nhiều. Cái tính bướng bỉnh và kiêu ngạo của con… đúng là khuôn đúc của cha hồi còn trẻ. Từ trên người con, cha thấy lại hình ảnh của cha. Sự đối nghịch của con đối với cha cũng giống như chiến tranh cha tự đặt ra với chính mình vậy. Cha thấy mệt mỏi rồi! Về chuyện làm ca sĩ của con, cha đành buông tay! Cha nhận lời cho con đi hát thêm một thời gian, nhưng mà con…đôi khi cũng nên về thăm cha, ăn bữa cơm với cha, được chứ?” Bây giờ, đến lượt tôi không tin vào tai mình. Có phải tôi đang nằm mơ chăng? Trong phút chốc, tất cả thù hận đối với cha đều tan biến hết. Hôm nay, tôi không muốn sống trong thù hận. Hôm nay, tôi không ở nhà của cha, không phải đối đầu với dì Tuyết. Nơi đây, chỉ có tôi và cha. Tôi muốn ôm chầm lấy cha mà thật lòng nói cho cha biết tôi yêu kính Người đến dường nào, tôi thật khát khao được hưởng tình thương của Người đến dường nào, rằng thái độ lạnh lùng và cái nanh vuốt bén nhọn của tôi chỉ là cái vỏ bề ngoài của tôi mà thôi…Nhưng hình ảnh bi thảm của Khả Vân lại hiển hiện ra trước mắt tôi. Thật ra, cha tôi có phải là thủ phạm không? Tôi nói, như tâm sự với chính mình: “Thưa cha, cha có biết nỗi đau khổ lớn nhất trong lòng con là gì không? Con luôn luôn tự đặt ra cho mình một tiêu chuẩn về đạo đức.” Tôi cười khẩy. “Nói ra thì tức cười: con là con gái của “Hắc Báo” Lục Chấn Hoa, nếu con sinh ra vào thời cha oai phong nhất, chắc con sẽ là một cô gái vô thiên vô pháp. Nhưng con đã sinh lầm thời đại! Con được hấp thụ một nền giáo dục mới, lại thêm ảnh hưởng của mẹ đối với con… Trong lòng con luôn luôn nung nấu một ngọn lửa, tên của nó là “chính nghĩa”. Mọi đau khổ, giằng co của con, đều từ hai chữ này mà ra…” Cha có vẻ sốt ruột, cắt ngang: “Con muốn nói gì, cứ việc nói thẳng ra đi, đừng có ở đó mà dông dài nữa!” Tôi lấy hết can đảm còn thừa trong mình, nói: “Thưa cha, con xin được hỏi cha một câu: cha cho rằng cha là một người tốt, hay là một người xấu?” Cha nhìn sững tôi, rồi chau mày: “Hỏi vậy mà cũng hỏi được à?” “Được chứ! Con không phải muốn hỏi người khác nghĩ về cha như thế nào, con chỉ hỏi cha tự cho mình là hạng người nào thôi. Mỗi người đều có một tiêu chuẩn đạo đức của riêng mình. Theo tiêu chuẩn của cha, cha là một người tốt, hay là một người xấu?” Cha đăm chiêu một lúc, rồi lớn tiếng nói: “Để cha nói cho con nghe: trên đời này không có người tốt tuyệt đối, cũng không có người xấu tuyệt đối. Người có tốt đến mấy, cũng có khi làm chuyện xấu. Ngược lại, người có xấu đến mấy, cũng có mặt tốt của họ. Vì vậy, dùng tiêu chuẩn “tốt, xấu” để đánh giá một con người, là không công bằng!” “Như vậy, ngay cả tiêu chuẩn “tốt, xấu”, cha cũng không có nữa hay sao?” Cha bắt đầu nổi cáu: “Cha là người tốt thì sao, mà là người xấu thì sao?” “Câu trả lời của cha sẽ giúp con giải quyết được một số thắc mắc trong lòng con.” Rồi sợ cha biết được sự thật, tôi nói nhanh: “Vả lại, con cũng muốn biết, khi người ta gọi con là “Tiểu Báo Tử” – con báo con - thực ra, đó là một lời khen, hay là một lời châm biếm?” Cha xoay người nhìn tôi, bật cười lớn: “Ha ha ha, con thật là ngây thơ quá! Cha là người tốt hay xấu, đều không thể giúp con giải quyết vấn đề trong lòng của con. Con là con gái của cha, thì suốt đời sẽ là con gái của cha. Mặc cho con có thừa nhận hay không, con vẫn không thể thoát được sự an bài của số mệnh. Nếu trên người cha có ký hiệu của một người xấu, thì trên người con cũng kế thừa cái ký hiệu này!” Tôi xúc động: “Thưa cha, ý của cha là…” Cha nhìn xoáy vào mắt tôi, dõng dạc gằn từng tiếng: “Ý của cha là: cha không hề cho mình là một người tốt! Nếu con muốn tìm hiểu quá khứ của cha, thì cha e là “chính nghĩa” của con sẽ bị mất hồn chạy mất! Con đã từng nói, suốt cuộc đời của cha chưa hề nhường qua một người nào. Một con người mà trong tự điển của mình không có chữ “nhường”, thì sao lại là người tốt được!” Tôi thấy toàn thân chấn động. Cha đã thản nhiên ngẩng đầu lên nói thẳng với tôi ông là một người xấu. Tuy thất vọng ê chề, trong lòng tôi lại dâng lên một cảm giác kính phục cha. Dù sao, muốn công nhận mình là người xấu cũng cần phải có can đảm. Tôi cảm thấy giữa mình và cha có cái gì rất giống nhau, và hình như chúng tôi mỗi lúc lại càng gần gũi nhau hơn. Nhưng còn chuyện của Khả Vân…Tôi không dám hỏi thẳng cha. Tôi sợ phải đối đầu với sự thật. Không nói một lời, tôi nhảy phắt lên lưng ngựa, thúc ngựa chạy thẳng về phía trường đua, bỏ lại cha một mình với con “Hồi Ức”. Câu hỏi về Khả Vân của tôi vẫn chưa có lời giải đáp. Virginia, 12/2001 Nhất Chi Mai Ghi chú: Toàn bộ câu chuyện trên đây hoàn toàn không có trong cuốn tiểu thuyết cũ, “Dòng Sông Ly Biệt”.