Thế là anh Linh đã ra đi vừa tròn một con giáp. Cái chết của anh chẳng bất ngờ nhưng cũng gieo vào lòng Khang những ấn tượng khó quên trong những ngày sống trên Hoa Kỳ. Khang gặp anh Linh năm 1989 lúc chàng ghé về thăm người yêu của chàng khi nàng vừa nhận việc ở một hãng bảo hiểm lớn đóng đại bản dinh tại thành phố anh Linh sống cả mười mấy năm rồi. Anh Linh bấy giờ tuổi đã cao, xấp xỉ 50 gì đó, nước da ngăm đen, trông bên ngoài giống như một người Mễ. Anh nguyên là thợ sửa xe, khéo tay, sửa chữa nhà cửa lấy một mình. Trong nhà anh có đủ dụng cụ để sửa chữa.. Anh sang đây từ năm 1975, trong đợt tỵ nạn đầu tiên, khi chiến tranh vừa kết thúc. Trước đó anh là Đại Uý nhảy dù, giữ chức Quận trưởng. Có lẽ vì từng giữ chức vụ cao nên lúc tha hương anh Linh gặp nhiều trở ngại, khó thích hợp với cuộc sống ở đây. Anh có vợ và một bé gái 5 tuổi lúc Khang gặp. Anh chẳng giữ việc nào được lâu, cứ làm vài tháng lại bị đuổi vì bất đồng ý kiến với chủ hoặc người xếp của anh hoặc vì chậm chạp, không còn nhanh nhẹn như lúc tuổi còn trẻ để làm kịp theo yêu cầu của chủ hoặc hãng. Khang nói với anh: -- Anh làm giỏi, tuy là làm chậm. Vậy anh hãy đứng ra sang tiệm nào đó, mình làm chủ cho đỡ mệt! Anh Linh loay hoay chạy tìm kiếm nhưng cũng khó vì ngân hàng xem tín ngân và lương bổng của anh chị không bao nhiêu. Chị Hiền làm lao công quét dọn trong bệnh viện, lương bổng và quyền lợi chỉ đủ trang trải chi phí hàng tháng, dành dụm lại cũng chỉ còn chút đỉnh. Không đủ tiền để thế chấp sang một cơ sở thương mại. Những người quen biết muốn giúp cũng có thể đóng góp một chút ít nhưng cũng ngài ngại vì một chuyện chẳng đâu vào đâu. Một hôm anh Linh cầm tiền chị Hiền, vợ anh, đi mua xe cho chị để thay chiếc xe cũ hay bị hư phải sửa hoài. Chẳng biết mấy người bán xe làm thế nào mà anh lại đổi chiếc xe anh còn tương đối mới lấy chiếc xe truck chạy bốn bánh cao nhồng nhồng trông rất ư là thể thao, kiểu các cậu tuổi đôi mươi thỉnh thoảng chạy. Thế là chị Hiền lại phải chạy chiếc xe cũ ọp ẹp, bao nhiêu tiền dành dụm đã bị anh Linh bỏ xuống chiếc xe mới chỉ có anh mới chạy được rồi. Những người bạn bên lương cũng như bên đạo lắc đầu. Hình như câu Kinh Thánh, "Ai trung tín trong những việc nhỏ cũng sẽ trung tín trong những việc lớn hơn", làm người ta chùn tín nhiệm vào anh Linh. Cả ngay đến tiền tiết kiệm của vợ anh dành dụm để mua một chiếc xe tốt để đi làm hay đưa con đi học ngày đông giá băng anh cũng nhẫn lòng lấy để mua một chiếc xe cho riêng mình thì làm sao ai dám tin tưởng đây? Lần cuối cùng, anh Linh thất nghiệp lâu! Hoàn cảnh trông tội nghiệp lắm! Nhưng tật cũ khó bỏ, anh hút thuốc liên tù tì và uống bia thay nước. Khang mấy lần gặp anh nói anh bớt hút đi một chút cho đỡ hại phổi và tránh khỏi ung thư nhưng vô hiệu. Bé Ly-Ly cũng vừa mừng sinh nhật tròn sáu tuổi. Anh Linh đã sửa nhà xong, trông cũng gọn gàng. Phòng tắm có bồn Jacuzzi, nước phun đấm bóp thân thể, đèn điện sáng choang, rộng rãi, gạch bông, kiếng gắn bốn bề, đi vào trông như đi dạ hội. Ui chao, tưởng tượng mà xem, lúc mình tắm, như có 4 người khác nữa tắm chung. Trong tiệc sinh nhật, lúc chỉ còn các ông, các anh, khi không còn đàn bà con gái hay con nít đứng quanh, bạn bè xúm lại chọc anh Linh: -- Cái nhà anh này ghê quá! Trong nhà bây giờ lại có cả dâm bồn, tha hồ anh chị hí hửng tù ti tú tí với nhau nhé! -- Đã lỡ làm thì làm cho ra trò chứ! Mai mốt bán cũng có giá! Nhà anh ở khu Downtown, chung quanh cũng lụp xụp rồi. Nhìn qua là biết nhà anh sang nhất trong khu phố tồi tàn này. Những người mua bán nhà cửa hay người kinh nghiệm thường nói nên mua căn nhà tương đối trong một khu đắt giá dễ bán và có lợi hơn là mua một ngôi nhà tốt nhất, đẹp nhất trong một khu xoàng xoàng. Anh Linh hình như bất chấp luật kinh tế, anh thích chi là làm nấy, bốc đồng chuyên làm theo ý mình chứ chẳng thèm bàn với vợ hay bất cứ ai! Đâu một tuần sau bữa tiệc sinh nhật bé Ly-Ly thì Khang nhận được điện thoại báo anh đã được xe cứu cấp đưa đến bệnh viện. Khang vội vàng vào thăm, anh Linh nằm trong trạng thái hôn mê chẳng biết gì. Hỏi ra thì anh uống rượu say đêm đó rồi đi vào nhà tắm trượt chân ngã đập đầu vào thành bồn tắm hay bị tim giật. Chị Hiền và bé Ly-Ly cứ ngồi tỉ tê khóc, kể lể. Bệnh viện để anh ở phòng cứu cấp chừng mười hôm thì anh tỉnh nhưng đã bị liệt gần toàn thân, mọi sự đều do máy gắn vào thân thể để cung cấp dưỡng khí, nuôi dưỡng và tiêu hoá. Anh được ở lại bệnh viện chừng một tháng rồi phải chuyển qua Nhà Điều Dưỡng. Tiền bảo hiểm đã cạn. Phòng Xã Hội tiểu bang cũng như các cơ quan từ thiện cũng giúp đỡ phần nào, nhưng chị Hiền phải bán nhà ra ở thuê, để có tiền chi phí lo cho anh Linh. Khang tới thăm anh Linh ở Nhà Điều Dưỡng hằng tuần trong suốt hơn một năm, có lúc gặp chị Hiền, có lúc không, có khi anh Linh tỉnh, có khi mê man. Nhiều lần chỉ hỏi qua loa, chứ chẳng biết nói gì! Nhìn chị Hiền và bé Ly-Ly mà thương cho hoàn cảnh của chị. Tưởng như gia đình chị Hiền đã tới hồi khánh kiệt thì anh Linh thở hơi thở cuối cùng. Anh ra đi một cách nhẹ nhàng, bất ngờ sau cả năm nằm liệt mặc dù vẫn có người tập thể dục, xoa bóp anh hằng ngày. Sống dở chết thiêng! Nhiều đêm chị Hiền thấy hoặc mơ thấy anh về trăn trối ủi an. Nhiều người đàn ông muốn kết bạn với chị, nhưng anh Linh cứ hiện về cản trở. Cho đến người cuối cùng thì anh gật đầu, cho đến bây giờ thì chị Hiền đã sáu năm hạnh phúc! Bé Ly-Ly bây giờ cũng đang ở năm cuối bậc trung học, chuẩn bị vào đại học. Người chồng sau của chị Hiền thương bé Ly-Ly lắm, nên chỉ vài tháng sau khi thành hôn, đã chính thức nhận bé Ly-Ly làm con mình. Mọi sự, người ta nói, đều có số cả. Tuần rồi, gia đình chị Hiền mời gia đình Khang tới dự lễ giỗ mười hai năm của anh, ngay sau lễ Tạ Ơn. Khang đi dự tiệc về chợt ngẫm nghĩ phải chăng mỗi người có duyên nợ, chị Hiền đã đã lo cho anh Linh trọn vẹn trong những ngày cuối đời, đã trả nợ cho anh suốt quãng đời chung sống, nên bây giờ được người chồng sau tận tình yêu thương và chẳng hề ghen ghét hay buồn chi khi chị làm lễ cúng giỗ cho người cha quá cố của bé Ly-Ly. Căn nhà cũ đã chẳng còn, chiếc bồn tắm trong phòng tắm gắn kiếng bốn bề cũng mờ phai trong trí nhớ, chỉ còn chút tình thương yêu, chút nghĩa thâm sâu trong những năm tháng vợ chồng, những ngày cuối đời trong bệnh viện hay nhà điều dưỡng. Những thứ đó, thứ tình người lặng lờ âm ỉ, cả mười hai năm qua ai biết được khó mà quên. Nguyên Đỗ