Vân ngồi đưa con, ngoài trời mưa càng ngày càng nặng hạt, con hẻm trước cửa cứ ngập nước mỗi khi mưa, mưa lớn, nước tràn vào phía ngoài căn phòng, phải quét liên tục, năn nĩ bà chủ nhà thuê người đấp đất cao lên, nhưng bà cứ ậm ừ mãi từ mùa mưa này sang mùa mưa khác. Tiếng mưa rơi đều, ấm ào, chát chúa từng đợt trên mái tole thấp lè tè. Hôm nay chị Hằng làm tăng ca, tối mò mới về, cái kiếp công nhân làm tăng ca tối mặt cũng chỉ đủ sống, tằn tiện lắm mới dư chút ít gửi về quê.
Ngồi nhìn con hồn nhiên trong giấc ngủ, gương mặt nó như một thiên thần, thỉnh thoảng nhoẻn miệng cười, nụ cười chợt nở, chợt tắt trong thế giới riêng của nó, cái thế giới thiên đường, trông nó càng đáng yêu biết bao. Thằng bé đã gần một tháng tuổi, da trắng, tóc đen dày, mắt to, cái mũi không cao lắm, nhưng xinh xắn. Nhờ trời, nó dễ ăn, dễ ngủ, không khóc đêm, chỉ mỗi việc bú no nê, đùa giỡn và ngủ, nhờ Vân tốt sữa, vì là con nhà lao động, to con, sức khoẻ rất tốt. Nó càng dễ bao nhiêu, Vân càng đứt ruột bấy nhiêu, cả cái tên con đến bây giờ cũng chưa đặt, hay nói khác hơn là không được đặt tên, Vân và chị Hằng cứ gọi nó là Chó con, một cái tên quy ước để chỉ nó khi 2 chị em nói chuyện với nhau, chứ nó thì đã biết gì.
Ngồi một mình ngó mông, Vân nhớ lại lúc còn dưới quê, nhà tới 7 anh, chị em, nhưng ruộng thì chỉ có 2 công đất, chủ yếu là đi làm thuê, khi các cánh đồng đã xanh màu lúa, thì chuyển sang làm thuê đủ thứ việc, ai thuê gì cũng làm. Vân ra Thị xã bán quán cà phê cho một người quen, nhưng quán cứ ế khách, chủ quán xoay xở, chật vật với tiền góp, mua cà phê, đường... đều trả sau, người ta cứ đến đòi tiền suốt ngày, nói chi đến trả lương cho Vân, ăn cơm ngày 3 bửa đã là quí rồi. Hôm về quê, có đứa bạn đi làm công nhân trên Thành phố Hồ Chí Minh về thăm nhà, hỏi tình cảnh của Vân, nó rủ Vân lên thành phố làm công nhân, tuy lương không nhiều, nhưng căn bản, nếu tích cực làm thêm thì cũng dư chút đỉnh, điều kiện xin vào cũng không khó lắm, thế là Vân theo nó lên Thành phố.
Lần đầu tiên bước chân lên đất Sài Gòn đô hội, cái gì cũng lạ lẫm, nguy nga, Vân choáng ngộp trước cái thành phố công nghiệp đang chuyển mình từng ngày, từng giờ. Thế là Vân trở thành công nhân cho khu công nghiệp, thuê nhà trọ ở chung với nhỏ bạn, mấy tháng sau rồi cũng quen dần với nếp sống mới, không còn nhút nhát, ngày làm ca, ăn cơm bình dân, thỉnh thoảng cũng nấu cơm ở nhà, ăn qua quít, đạm bạc, tối về 2 chị em thủ thỉ và ngủ sớm để lấy sức cho ngày mai.
Làm được gần năm thì mẹ Vân ở dưới quê bệnh nặng, cha Vân cũng suy kiệt, không làm gì nổi, các em còn nhỏ, tình cảnh hết sức khó khăn, nhờ bà con lối xóm cho mượn gạo, tiền thuốc than, nhưng cũng không thể mượn mãi được, Ba Vân gọi về để chăm sóc cho mẹ, dù sao ở nhà vẫn đỡ tay, đỡ chân. Vân suy nghĩ nhiều lắm, nếu về quê thì không còn thu nhập lương công nhân, biết làm sao trong khi gia cảnh lại khó khăn đến vậy, là con lớn trong gia đình, Vân bây giờ là trụ cột, không về thì ray rứt, nhưng về thì cũng không biết làm sao mà lo cái ăn cho một lũ tàu há mồm, lại còn thuốc than cho ba, mẹ... Thật là bài toán không có đáp số đối với cô gái ở tuổi 25, trình độ lớp 3.
Trước cổng xí nghiệp nơi Vân làm, có một tóp các anh chạy xe Honda ôm, có một anh hay chọc ghẹo mỗi khi Vân tan ca, riết rồi quen, anh ấy cũng hiểu hoàn cảnh của Vân, một hôm, anh đến chơi, ngồi nói chuyện, anh cứ rụt rè, định nói gì đó lại thôi, làm cho Vân càng tò mò muốn biết, gặn hỏi mãi, anh mới chịu nói với điều kiện là Vân không được giận, Vân bàng hoàng khi anh nói rằng hiện nay, trong khu nhà trọ này, có một số chị làm hợp đồng đẻ thuê cho người ta, mỗi hợp đồng là 30 triệu đồng, nếu là con trai thì được thêm 5 triệu đồng, Vân đồng ý thì anh sẽ giới thiệu mối cho, cũng không phải dễ tìm, vì điều kiện cũng tương đối hiếm, đó là những cập vợ chồng giàu, người vợ vì lý do nào đó bị cắt buồng trứng không thể mang thai và đẻ con được, người ta muốn tìm người làm nhiệm vụ đẻ con cho mình. Quá bất ngờ, Vân hơi giận, nhưng đã hứa là không giận, nên nói qua loa cho xong chuyện, chuyển sang chuyện khác. Anh về, Vân suy nghĩ nhiều, không ngủ được, ai lại đi làm cái chuyện chẳng ra đâu, chẳng phải vợ chồng, lại đẻ con cho người ta... nhưng mà 30 triệu quả thật là một gia tài kết xù đối với Vân, trong hoàn cảnh này, 30 triệu có thể giải quyết tương đối ổn gia đình dưới quê, Vân nhớ lúc trước, có đứa bạn kể cho Vân nghe về tuồng cải lương, có cô gái vì muốn trả hiếu cho cha mẹ, phải bán thân, mặc dù không được xã hội hoan nghênh, nhưng cũng được sự chia xẽ, cảm thông của người đời, cha mẹ sinh ra và nuôi mình khôn lớn, công lao đó có gì sánh bằng. Cái ngàn vàng của con gái là quý, là danh dự, không những của riêng mình, mà là của gia đình, của cha mẹ, nhưng dùng nó để cứu giúp gia đình, cha mẹ thì mình có tội gì đâu chứ? Cái cảnh trở về quê, không có việc làm, phải lo toan đủ thứ làm Vân không dám nghĩ tới, còn ở lại đây thì dù gì cũng còn lương công nhân... Những ý nghĩ cứ dằn xé, trằn trọc đến gần sáng, Vân mới chợp mắt được.
Hai tuần sau đó, sau khi suy nghĩ mọi điều, Vân đã đi đến quyết định đồng ý đẻ thuê, trong tư tưởng Vân thấp thoáng cái gì đó thuộc về tội lỗi, nhưng quyết định đẻ thuê vẫn lấn át. Vân gặp anh T (trên của anh xe ôm) và nói rằng mình đồng ý, anh ấy cũng tỏ vẽ ái ngại, nhưng anh ấy có biết đâu, Vân vẫn còn là con gái, điều đó chỉ có Vân biết. Chị Hằng mới nghe Vân quyết định như thế cũng trợn mắt, bậm môi, chửi cho một chập, nhưng khi nhìn nhận lại sự việc, chị cũng xót xa, không động viên, cũng không cản trở.
Gần đến ngày hẹn gặp người ta, Vân như người mất hồn, trời ơi, biết ăn nói làm sao, chắc là ngượng đến chết quá. Vân bảo anh T mọi việc do anh xếp đặt, Vân sẽ không nói lời nào. Anh T đồng ý.
Buổi tối, anh T dẫn theo một người đàn ông trung niên, còn rất khoẻ mạnh, lịch sự, ăn mặc sang trọng, mùi nước hoa thơm cả căn phòng trọ, khác với tưởng tượng của Vân, đó là một ông già khọm, móm mép, giàu sụ hoặc một ông bụng bự, béo núc nít, đàng này ông ấy cũng còn khá trẻ so với tuổi gần 50. Sau khi giới thiệu ông M, anh T quay sang giới thiệu Vân, quê ở Cần Thơ, ông M nhìn Vân rất kỹ, thấy tướng mạo Vân khoẻ mạnh, to con, nước da trắng, khuôn mặt dễ nhìn, ông M ra vẽ vừa lòng lắm, ông bảo do vợ bị bệnh, không sinh con được, vợ chồng ông đã thoả thuận cho ông đi tìm người sinh con, với điều kiện là sau khi nhận con, mọi quan hệ phải cắt đứt, không để lại địa chỉ của cả hai bên. Tiền thì theo anh T đã nói, sau khi làm hợp đồng, ông sẽ dẫn vợ tới giới thiệu với Vân để khỏi rắc rối trong khi thực hiện hợp đồng, ông sẽ đưa trước 15 triệu, sau khi sinh một tháng, vợ chồng ông nhận con, sẽ đưa nốt 15 triệu nữa, nếu là con trai, ông sẽ thưởng thêm 5 triệu đồng. Anh T nói thêm, như những trường hợp khác, khi thực hiện hợp đồng, ông M sẽ đến đây vào những buổi tối, đến khoảng 9 hay 10 giờ, ông sẽ về nhà, trong khoảng thời gian 1 tháng, sau khi đã xác định có thai, ông M sẽ không đến nữa, chi phí cho việc bồi dưỡng người mẹ trong lúc mang thai sẽ do ông M chịu, khi sinh con, chị Hằng sẽ đưa Vân đi sinh và chăm sóc những ngày đầu, ra tháng vợ chồng ông M chỉ việc đến nhận con.
Thế là hợp đồng được thực hiện. Cầm món tiền 15 triệu đồng trong tay, Vân rơi nước mắt, Vân giữ lại 1 triệu đồng phòng thân, còn lại gửi hết về quê, nói dối rằng tiền mượn được của ông chủ xí nghiệp vì ông thấy hoàn cảnh khó khăn, sẽ trừ dần vào tiền lương. Mỗi đêm, khi ông M đến, chị Hằng phải đi đâu đó, đến 10 giờ đêm mới về, sau chị đăng ký làm ca đêm, nên cũng tiện, sau khi ông M về, Vân cứ thao thức, có cái gì đó giống mua bán trong quan hệ như vợ chồng, dù Vân không là gái làm tiền, nhưng là vợ chồng cũng không phải, thậm chí là người yêu thì lại càng không phải, cảm giác cứ ngượng ngùng trong cái việc làm mà người ta gọi là “tình”, nhưng tình ư? làm sao có được khi nó được thực hiện bằng hợp đồng? Vân không nhục nhã, nhưng cảm thấy tủi thân, Vân nhớ và thương mẹ vô cùng, mẹ ơi! Con gái cưng của mẹ rồi đây biết có được lấy chồng như người ta không, hay cả đời cô độc, thui thủi...
Ông M là người biết tự trọng, tế nhị trong cách xử sự, luôn quan tâm đến sức khoẻ của Vân, không biết là vì Vân hay vì con của ông ta? ông cố gắng không làm tổn thương tinh thần của Vân, làm cho Vân có cảm giác được an ủi, đến hơn 1 tháng, đi kiểm tra thì đã xác định chính xác Vân mang thai, ông M không đến nữa, nhưng cứ chủ nhật, ông ghé thăm, gửi tiền cho Vân bồi dưỡng và ra về, nhiều khi thấy ông râm rấp thực hiện theo đúng hợp đồng, Vân thấy nễ và mến ông. Từ lúc thực hiện hợp đồng, Vân không phải đi làm, ở nhà có điều kiện và tiền của ông M chu cấp, Vân thường đi chợ, nấu ăn ngon để chị em cùng ăn, chị Hằng nói đùa: “Ráng bồi dưỡng cho tao đi, để tao còn nuôi đẻ cho mày nữa chứ!” Sau hơn một tháng, việc đẻ thuê của Vân không gây ngượng ngùng nữa, hình như nó đã trở thành tất nhiên, không bình phẩm, không bàn cải, mà chỉ biết tất cả chuẩn bị cho đứa bé ra đời.
Ngoài trời đã dứt mưa, Vân sực tỉnh, trở về thực tại khi thằng bé đái dầm, ướt tả, nên nó thức dậy, ngọ ngoậy trên võng. Vân ẩm con lên, thay tả và quấn ấm cho nó, thằng bé cứ nhìn mẹ, thỉnh thoảng lại nhoẻn miệng cười, chu chu cái miệng như đang muốn nói chuyện, hai con mắt sáng, khuôn mặt rạng rỡ, ông M mỗi lần đến cứ ôm nó suốt, ông ẵm nó một cách vụn về, như người ta nâng niu một vật quý, mong manh, dễ vỡ, trông ông vui mừng, toại nguyện mà Vân chạnh lòng, nghĩ đến cái ngày phải giao nó cho vợ chồng ông. Ôi con ơi! chỉ được một tháng ở bên con so với 9 tháng dài đăng đẳng, mang nặng, mong cái ngày con ra đời, bây giờ con rời khỏi vòng tay mẹ, không còn được bú chính dòng sữa của mẹ, rồi con sẽ không còn biết người rứt ruột đẽ ra con là ai, con sẽ lớn lên trong điều kiện giàu sang, làm sao mẹ dạy cho con biết thương người nghèo, còn ông bà ngoại và cô cậu của con nữa, con có biết không con Chó con??? thì thầm với con mà ngẹn ngào, nước mắt Vân tuôn thành dòng, nhỏ xuống cả khuôn mặt của con, Vân cứ thế mà vùi cả cái mặt đầy nước mắt của mình vào mặt nó, thằng bé quơ 2 tay bấu vào mặt mẹ, nó có hiểu cho mẹ nó chăng?
Vì muốn cho thằng bé bú mẹ thêm ít ngày, nên đến một tháng 14 ngày, vợ chồng ông M mới đến nhận con. Vân thức dậy từ sớm, thằng bé vẫn còn ngủ, Vân cứ ngồi thừ nhìn nó, trong lòng ngổn ngang suy nghĩ, gom tất cả quần áo, tả lót, vật dụng của thằng bé gói gọn lại, từng cái áo, cái tả thơm mùi sửa, ấm hơi của thằng bé, nhìn những vật dụng quen thuộc của nó Vân lại khóc khi nghĩ rằng sáng nay, Vân sẽ không còn được nhìn thấy nó nữa, luôn cả thằng bé, chị Hằng thức dậy chuẩn bị đi làm, thấy Vân khóc cũng không cầm được nước mắt, dù thời gian ngắn, nhưng chị cũng thương yêu, quyến luyến thằng bé chẳng khác gì Vân, nhưng biết làm sao được, phải giao cho người ta thôi. Vân ước gì mình được giữ lại và nuôi nó, dù có cực khổ đến đâu cũng được, Vân tưởng tượng ra sẽ nuôi nó như thế nào, dạy nó những gì, tưởng tượng ra nó sẽ lớn lên, khoẻ mạnh. đẹp trai ra sao, yêu thương mẹ nó thế nào... nhưng đó chỉ là ước mơ, ước mơ bình thường của một người mẹ, nhưng không thể thực hiện được.
Tám giờ sáng, Vợ chồng ông M đến bằng xe tắc-xi đậu ở đầu hẻm, khu nhà trọ vắng vẽ vì mọi người đã đi làm, ở nhà chỉ có mình Vân, ông M và vợ trông vui vẽ, phấn khởi, bà M cũng ước mơ được làm mẹ, ước mơ đó của bà sẽ thành hiện thực ngay bây giờ, và cũng ngay bây giờ, có một người bị tước quyền làm mẹ, ôi cuộc đời sao mà trớ trêu, quái ác. Ông M hỏi thăm mấy hôm nay thằng bé thế nào, bà M cứ ôm thằng bé không rời, như sợ có ai đó đòi lại, vì trong ý thức bà luôn biết rằng nó không phải là con bà. Vân hỏi ông M đã đặt tên cho nó chưa, để Vân còn biết nó tên là gì, bà M nhìn chồng như nhắc nhỡ: “không được nói”, ông M cười tế nhị bảo rằng đang chọn nhiều tên, chưa dứt khoát là tên nào. Tuy vậy, nhưng Vân biết, người ta giữ kín cả cái tên thằng bé, biết đâu sau này mẹ lại nhìn được con vì cái tên cũng nên... Ông M trao cho Vân 20 triệu, cả tiền thưởng 5 triệu vì là con trai, ông sợ Vân ngại, nên để gói tiền trên bàn, trước khi vợ chồng ông M bế thằng bé đi, Vân xin cho mình được bế nó thêm chút, Vân nhìn con mà không cầm được nước mắt, bà M ái ngại bước ra ngoài, rồi thì cũng không bế mãi được, Vân trao thằng bé cho ông, mắt chẳng dám nhìn ông, chắc ông cũng vậy, vợ chồng ông từ biệt trong không khí nặng nề, người thì muốn bước đi càng sớm, càng xa, càng tốt, người thì đứt từng khúc ruột....
Phan Cửu Long
Ngày 23/10/2005

Xem Tiếp: ----