Chiếc tàu đò Cao Lãnh Sa Ðéc Ðại Tân hụ mấy đợt còi thúc giục hành khách inh ỏi, nhưng vẫn im lìm nằm vạ tại bến tàu, không có vẻ gì sắp di chuyển cả. Hành khách đã quen thuộc với sinh hoạt nầy nên một số đông vẫn tà tà trên bến thoải mái truyện trò. Sinh hoạt trên tàu rộn rịp như cảnh chợ đông. Hàng hóa từng bao chỉ xanh tới tấp khuân lên tàu, chất tràn cả lối đi. Hành khách lên xuống tới lui, ơi ới chỉ điểm nhau chọn một chỗ tốt cho cuộc hành trình. Mấy em bé bán hàng rong len lỏi khắp nơi tha thiết rao hàng mời mọc:
‘Nước mía! nước chanh đá đây!’
‘Thử tô bánh canh giò heo chị?’
‘Cậu ăn dĩa cơm tấm bì cho chắc bụng! còn kịp giờ cháng mà...’
Không lạ gì cảnh nầy, Ðinh Hữu Thuật đứng dựa vào boong tàu lơ đãng nhìn cụm mây trắng xa xưa, cố che dấu niềm riêng đang ngổn ngang trong dạ. Chàng vô tình đưa mắt về nhìn hai đứa bé, đang đứng co ro một góc tàu, dáo dác nhìn lên bờ sục tìm cha mẹ. Chúng đã được cha mẹ dẫn đến bắt ngồi chờ để ‘xí phần’ trước chỗ ngồi, rồi họ lại quày quã trở lên bờ giải quyết chuyện gì khá lâu mà sao vẫn còn biệt dạng. Tàu lại hụ lên ba hồi còi liên tục, lần nầy tiếng còi có mòi dồn dập quyết liệt; thế rồi dây thừng cột tàu được tháo ra, và tàu từ từ xê dịch. Ðám hành khách đang tụm năm tụm ba quyến luyến níu kéo nhau trên bến mới vội vã trổ tài khinh công ào ào phóng xuống tàu. Tới phút nầy vẫn chưa thấy cha mẹ xuất hiện, hai đứa bé lo sợ cuống cuồng, đứa bé gái mếu máo cái miệng ‘méo xẹo’ trông dễ thương vô cùng. Thuật chợt liên tưởng đến câu hát ru em:
‘Tàu súp lê một còn trông còn đợi!
Tàu súp lê hai còn đợi còn chờ!
Tàu súp lê ba! Tàu ra bể Bắc!
Tay vịn song sắt mà nước mắt nhỏ hai hàng...’
Chàng tủm tỉm cười, thầm nghĩ: ‘Thì cũng có ba tiếng ‘súp lê’, tàu ra hướng Bắc và có hai hàng nước mắt, dù là nước mắt trẻ con lạc mẹ.’ Nước mắt nào chẳng làm cho người ta mềm lòng, Thuật chen vội đến bên em bé ‘xuýt xa’ dỗ dành:
-Không sao đâu cháu! Ba má cháu không bị trễ tàu đâu! Cháu đừng lo!
Ðược an ủi, con bé chẳng những không nín, mà lại còn ngoác mồm khóc thét, khiến Thuật bối rối chẳng biết phải làm thế nào cho ổn. May mắn là chiếc tàu đang đũng đĩnh xoay đầu, chưa cách bến bao xa, thì đã nghe tiếng kêu ơi ới, rồi có chiếc xuồng con chèo thật nhanh đưa ra thêm mấy người hành khách chậm chạp nữa, trong số này có cả cha mẹ hai đứa nhỏ. Con bé đang bù lu bù loa khóc, vừa thấy mẹ mừng rú lên. Em lại được dúi cho chiếc bánh cam, nên tuy nước mắt chưa khô, mà đã hí hửng cười tươi rồi. Ðôi vợ chông lúng túng ngỏ lời cảm ơn Thuật đã trông nom dùm hai đứa trẻ. Người đàn ông rất lịch thiệp, tự giới thiệu tên và nghề nghiệp: thầy giáo Cư. Vợ chồng thầy phải gấp rút lên đường về quê nhà tại Bến Tre, vì thân phụ thầy đang lâm bệnh trầm trọng. Thuật cũng tự giới thiệu danh tánh và với giọng nữa đùa nữa thật chàng cho biết từ ngày bỏ học về nhà ꮠbám’ cha mẹ, suốt ngày chàng chỉ biết ‘rong chơi liêu lỏng’ với bè bạn mà thôi. Tuy Thuật dè dặt tránh tiết lộ thân thế và tư tưởng thầm kín của mình và đẩy đưa câu chuyện xoay quanh toàn những đề tài vô thưởng vô phạt, vậy mà, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn hai kẻ xa lạ đã đối đáp dòn tan. Bên cạnh đó, thím giáo vừa quạt vừa dịu dàng cất tiếng ru con ngủ. Tiếng ru gợi cảm của thím nhỏ, nhưng trong sáng rõ ràng, từng âm thanh ngọt ngào như rót vào tai mọi người:
‘Mười giờ! Ông Chánh về Tây!
Cô ba ở lại lấy thầy thông ngôn
Thông ngôn ký lục bạc chục không màn
Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay!’
Vần thơ trên tuy mô tả câu chuyện tình thời sự bất bình thường, nhưng thật ra đã ngầm cười cợt đức hạnh của đám người Việt chạy theo thực dân Pháp, vì vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện, nó đã biến thành câu ca dao phổ biến trong dân gian.
Lời ru vô tình gợi cho hai người đàn ông một đề tài mới để bàn bạc. Thầy giáo Cư phê bình:
-Bọn ‘Me Tây, Bồi Tây’ dễ ghét làm sao á!
Thuật thở dài đáp:
-Cái bọn ‘Bồi Tây, Me Tây’ bại hoại nầy thì đâu còn gì để phê bình nữa. Chúng hãm hại đất nước, ức hiếp dân lành còn hơn kẻ ngoại bang nữa kìa!
Chẳng biết có lưu tâm đến mẩu đối thoại của hai người không, mà bổng nhiên lời ru của thím giáo lại trở nên ngậm ngùi u oán:
𮮮ơ...!
Non nước ưu sầu hệ bởi đâu?
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu!...’
‘Thà đui mà giữ đạo nhà...
Còn hơn có mắt ông cha không thờ!...’
Thấy vẻ ngẩn ngơ của Thuật, thầy giáo giải thích:
-Ðây là những câu thơ của cụ đồ Nguyễn Ðình Chiểu! Dân Bến Tre chúng tôi, ai chẳng thuộc nằm lòng những vần thơ nước thương nòi của cụ!
Thím giáo lại tiếp tục ru con:
񮮮ở...!
Chừng nào con xán bung vành!
Tàu binh liệt máy, thì anh mới về!’
-Câu hát trữ tình nầy rất phổ biến tại Cao Lãnh, xuất xứ thế nào tôi chưa tìm hiểu ra, nhưng tôi thấy có gì trật trật hay là lạ sao đó! Anh nghĩ coi chiếc tàu, chiếc xán là sản phẩm ngoại lai, đâu có gần gũi thơ mộng với dân quê như chiếc xuồng, chiếc ghe, vậy mà không hiểu tại sao tác giả lại mượn hình ảnh nầy để gởi gấm tình cảm của mình? thầy giáo Cư lại lên tiếng.
Thuật góp ý:
-Câu ca dao nầy có lẽ phát khởi từ nhóm nghĩa quân Thiên Hộ Dương ngày trước. Thuở đó, bọn Pháp xâm lăng miền Tây đã dựa vào những chiếc tàu tối tân chở binh sĩ đi khắp nơi tấn công nghĩa quân quê nước. Ðịa phương nào không có đường sông thuận tiện, như vùng Ðồng Tháp Mười, chúng phải đào kinh ngang dọc làm đường vận chuyển quân. Thời đó, chiếc xán như con quái vật khổng lồ lạnh lùng nuốt trửng ruộng đồng, nhà cửa dân lành. Nó cũng khủng khiếp như đoàn quân viễn chinh độc ác giết người cướp của, cưỡng hiếp phụ nữ kể cả người già và trẻ con. Chính vì vậy, mà người nghĩa quân năm xưa đã xử dụng hình ảnh phá hủy tàu binh và xán đào kinh để nói lên chí nguyện đuổi quân xâm lăng của mình. Chừng nào hết kẻ xâm lăng thì người nghĩa quân mới có quyền nghĩ đến tình riêng.
-Ôi! Câu hát mộc mạc vụng về mà chan chứa tình nước tình nhà cao ngất! Hào khí của người xưa quả đáng cho chúng ta khâm phục!
Nhờ mấy câu hát ru con yêu nước, Thuật hiểu rõ lòng dạ của vợ chồng thầy Cư, chàng tin tưởng ngay người bạn mới và thổ lộ hết những bí mật của đời chàng. Thuật đã dấn thân đời mình cho sự nghiệp cách mạng giành độc lập, nhóm chiến hữu của chàng đã lập ra tổ chức ‘Ðông Kinh Nghĩa Thục miền Nam’, với hoài bão vận động đưa những thanh niên nhiệt huyết sang Trung Hoa và Nhật học hỏi, chờ ngày thành tài về nước thành lập lực lượng võ trang đánh đuổi bọn xâm lăng. Lúc bấy giờ, trận thế chiến thứ nhất vừa bùng nổ bên trời Âu, chánh quyền Pháp tăng cường kiểm soát an ninh, tung mật thám khắp nơi mưu đồ phá vỡ các đoàn thể cách mạng, do đó, con đường vượt biên xuyên qua vùng Thượng du Bắt Việt trở nên nguy hiểm, nhất là đối với người miền Nam không hiểu rỏ sinh hoạt miền Thượng du, và có giọng nói khác biệt. Thuật có vốn liếng Hán học, lại có thể đàm thoại sơ sài tiếng Quảng Ðông, nên được anh em tin tưởng ủy thác tìm con đường vượt biên mới qua ngả Miên Lào. Do đó hôm nay chàng về xã Mỹ Xương thăm nhà lần cuối cùng trước khi lên đường... Thế rồi, Thuật bổng bùi ngùi run giọng: ‘Ngày mai nếu ‘nhà tôi’ hỏi tôi chừng nào tôi trở lại, chẳng biết tôi có đủ can đảm nhắc lại câu hát của người xưa: ‘Chừng nào con xán bung vành. Tàu binh liệt máy thì anh mới về...’ hay không?’
Tàu dừng bến xã nhà, Thuật bận bịu từ giã bạn mới nên vẫn còn chần chờ trên tàu. Bỗng Thuật nhìn lên bờ, chàng tái mặt khi thấy cai tổng Ninh, tên tai sai đắc lực của thực dân Pháp, đang chỉ chỏ ba loa với mấy tên ‘phèn’ mật thám Sa Ðéc. Bọn họ chăm chú nhìn kỹ từng người xuống tàu như đang lục tìm ai.
Thầy giáo Cư tin ý lên tiếng:
-Có gì lạ phải không anh?
-Nguy hiểm quá! Bọn ‘phèn’ Sa Ðéc đang bủa lưới chận bắt người! Có thể hành tung của tôi đã bị lộ, nên bọn chúng đã rình rập tôi ở chỗ nầy!.
Sau mấy giây phút bối rối, thầy giáo Cư bình tĩnh bảo Thuật nằm cạnh thím giáo, ôm đứa cháu trai trong lòng giả vờ ngủ, rồi thầy giáo ra đứng bên hông tàu, thơ thẩn nhìn mây bay như người vô sự. Thím giáo hội ý chồng, lấy nón lá che mặt cho Thuật, phe phẩy quạt, đu đưa chiếc võng, rồi liên tục cất tiếng ru con ngọt ngào... Bọn mật thám lên tàu lục soát, không chú ý gì đến cảnh gia đình đầm ấm nầy, nên Thuật thoát nạn.
Thuật tránh liên lạc với bạn hữu vì sợ bị theo dõi mà gây nguy hại cho tổ chức. Ngày hôm sau, Thuật đón xe đò đi Châu Ðốc, và nhờ mang sẵn giấy căn cước ‘thuộc dân’, chàng vượt biên giới hợp pháp đến Nam Vang, rồi đi lên tỉnh Battambang, Ai Lao, tạm ẩn thân tại đồn điền An Phong, của vợ chồng cô em thứ năm nhủ danh Ðinh Thị Xuyến. Chủ nhân thường xuyên sinh sống tại quê nhà, giao cơ sở cho người chú họ tên tư Hanh toàn quyền điều khiển. Viên quản lý đang sống phiêu lưu với năm bảy nàng hầu, cảm tưởng bất thần bị anh bà chủ thanh sát, nên phục vụ Thuật vô cùng chu đáo, từ việc ăn ở cho đến việc di chuyển khắp nước Lào. Nhờ vậy chỉ mấy tháng sau, Thuật đã móc nối liên lạc lại với tổ chức, đồng thời, cũng tìm được địa phương thông thạo, dẫn đường vượt biên giới đến Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Rủi ro bất ngờ, là chiến hữu Triệu Thúc Ba, phụ trách cơ sở cho tổ chức tại địa phương nầy bị bạo bệnh qua đời ba ngày trước khi Thuật có cơ hội gặp mặt. Mất đường giây liên lạc, Thuật bơ vơ xứ lạ quê người chẳng biết xoay sở ra sao. Tình cảnh của những người Việt làm cách mạng tạm trú của miền Nam Trung Quốc lúc bấy giờ rất khó khăn. Tướng Ðường Kế Nghiêu, đô đốc Vân Nam, chủ trương hợp tác với chánh quyền Pháp tại Ðông Dương, vừa ra lệnh lực lượng an ninh lùng bắt tất cả Việt Kiều lưu vong sống bất hợp pháp để giao nạp cho Hà Nội. Tiếp tục chuyến đi trong thời điểm này rất nguy hiểm, mà trở về Ai Lao bằng con đường cũ cũng là chuyện nan giải, vì các trục giao thông chính yếu đều bị nút chặng an ninh kiểm soát chặt chẽ. Do đó, Thuật băng rừng lội suối, hoặc chọn những con lộ hoang vắng kiểm soát lỏng lẻo mà đi. Vì không có lộ trình nhất định, vô tình Thuật đi lạc sang địa phận huyện Tân Châu, phủ Ðại Lý. Thuật nảy ý vượt biên giới theo ngả Tân Châu sang Miến Ðiện, rồi từ đó trở về Lào. Lộ trình nầy tuy quanh co khúc khuỷu nhưng rất an toàn. Chỉ mấy ngày lang thang sông bờ lướt bụi, ăn uống thất thường, chàng bệ rạc thất thểu như một kẻ ăn mày. ‘Lộng giả thành chân’, Thuật cũng mon men theo hành khất chánh hiệu, lỳ mặt kiếm chút cơm thừa, tuy bị đuổi xô vẫn đỡ hơn vào tiệm ăn uống, nói năng không thành thuộc dễ bị lộ chân tướng. Trên con đường đất đá Ngõa thôn thuộc địa phận huyện Tân Châu, Thuật lõm bõm nghe một khách thương kể hành trạng của một vị sư già khổ hạnh, câm và điếc không danh tính nhưng được dân địa phương tôn kính gọi là ‘Lung Á đầu đà’. Vị sư già nầy từ phương xa lưu lạc đến đây lâu lắm rồi, ngày ngày cứ vác cuốc, vác búa... đi đập đá, sửa đường, đắp lộ. Con đường nầy thuở trước trắc trở gập ghềnh, đi lại cực kỳ khó khăn, nhờ sư khổ công bồi đắp mà việc đi lại mới dễ dàng. Tuy nhiên đoạn đường thì dài mà chỉ một mình sư âm thầm sửa chữa, nên chỉ, chỗ nầy vừa bằng phẳng thì chỗ khác đã lồi lõm hư hoại; sư phải dời chỗ tạm trú liên tục, từ khúc lộ nầy đến khúc lộ kia, bền bĩ làm việc không ngừng năm này sang năm khác, mà con đường dường như dài vô tận, chẳng có triển vọng chấm dứt công tác. Làm lụng cực khổ suốt ngày, vậy mà nhà sư câm điếc luôn luôn tươi mát, gặp bất cứ ngườI nào, dù là đứa trẻ con, sư đều chấp tay trang trọng vái chào kèm theo một nụ cười hiền hậu. Cảm ân đức của sư, khách bộ hành có người xin cúng dường sư trọng hậu, nhưng sư chỉ nhận chút ít thực phẩm độ thân mà thôi. Ai kính mến sư, phát tâm theo sư đắp lộ đường đôi ngày, sư cũng hoan hỷ. Ðộng tính hiếu kỳ Thuật ước mong được gặp nhân vật lạ kỳ nầy. Thật ra ngoài chuyện hiếu kỳ, Thuật còn có hậu ý riêng. Chàng nghĩ khi gặp lão tu sĩ nầy, nếu nhận xét ông ta không nguy hiểm, thì chàng có thể ‘giả dạng’ làm một phật tử thuần thành phát tâm theo sư làm công quả cũng được. Ðâu ai để ý gì đến thằng sữa đường đắp lộ, chàng cứ nương náu với sư một thời gian, chờ tình hình lắng dịu rồi tính. Giải pháp nầychắc chắn sẽ đỡ nguy hiểm và khổ cực hơn cảnh chàng phải trốn chui trốn nhũi, đói rách và đi lang thang vô định như mấy ngày qua. Vả chăng gần gủi với mấy người câm điếc là chuyện lý tưởng, Thuật sẽ không bị tra hỏi gốc tích, và khỏi phải ấm ớ nói năng ngọng nghịu mà lộ chân tướng người Việt của mình. Ðiểm rắc rối là không biết nhà sư câm điếc đang ‘hành nghề’ ở khúc lộ nào để đi tìm, chàng muốn dọ hỏi nhưng làm sao dám lên tiếng, còn kẻ bàng quan kháo chuyện với nhau cho vui, chớ đâu bày chỉ cặn kẽ ngọn ngành. Thuật đành phó thác theo số mạng, cứ âm thầm lầm lũi đi tới trước. Mãi đến khi trời đã về chiều, chàng mới thấy xa xa dáng một người đang lui cui đắp đất vá một lỗ hỏng giữa lộ. Ðó là một lão già chừng sáu mươi tuổi, mặc chiếc áo bạc màu rách nát, bê bết đất, nếu không nhờ cái đầu cạo trọc thì thật khó biết đó là một tu sĩ. Ðoan chắc đã tìm đúng người, Thuật tới gần, giỡ nón chào. Vị sư già khoan thai từ tốn chấp tay xá đáp lễ và trao cho chàng một nụ cười hoan hỉ cảm thông. Thuật lặng người rung động ràng rụa nước mắt. Chàng đang lâm vào một hoàn cảnh bi đát, thấy ai cũng hốt hoảng nghi ngại, lòng dạ rối như tơ vò vì chẳng biết nên làm gì, đi đâu thăm hỏi ai? Vậy mà vừa đón nhận nụ cười của nhà sư, chàng liền cảm thấy an lành thư thái, giống như tâm trạng một chú gà con bị điều hâu săn đuổi, bỗng tìm thấy được mẹ hiền đang dang rộng đôi cánh thương yêu che chở. Sư vỗ nhẹ vai chàng ngầm bảo chàng yên tâm, đoạn sư tiếp tục công việc dang dở. Nhờ biết rỏ sư bị bệnh câm điếc nên Thuật không thắc mắc hỏi han câu nào, chàng trầm ngâm quan sát lối làm việc của sư, và chờ đợi khi sư hoàn tất công việc đắp vá con lộ, quảy cuốc, xách giỏ đi, thì Thuật cũng lẳng lặng theo sau không ‘khách sáo’ chút nào. Mãi đến khi trời sụp tối, lặn lội cả hai dặm đường dài, ông lão mới đưa chàng tới nơi tạm trú, một cái chồi nhỏ xíu nằm ven lộ. Sư lúi húi thổi lửa, luộc khoai, rồi giơ tay ra hiệu mời Thuật ăn. Thuật đang đói bụng, ăn liên tục hai củ mới chợt nhớ đến sư. Chàng lúng túng chấp tay mời sư. Sư lắc đầu, chỉ về hướng mặt trời lặn. Suy nghĩ một lúc lâu, Thuật mới hiểu ý sư. Tuy làm việc nặng nhọc nhưng sư vẫn giữ giới không ăn sau giờ ngọ. Thuật chẳng màu mè, khoan khoái vét sạch phần còn lại. Sư ngắm nhìn chàng ăn, hỷ hả như bà mẹ hiền đang chăm sóc đứa con ‘cưng’, vui với niềm vui của con. Ăn xong, Thuật cũng muốn dọn dẹp nhưng đang xớ rớ thì sư bảo chàng vào ổ rơm nằm ngủ. Thuật đã mệt đứ đừ, mắt ríu lại mở không lên, nên cứ lăn càn ra đó, ngáy vang như sấm. Sáng sớm hôm sau, vừa thức dậy chàng đã thấy sư lo lắng đâu vào đó sẵn rồi. Thế rồi hai người ăn cơm, xới phần còn lại cho bữa ăn trưa, rồi quảy gánh lên đường. Sau đó cả hai cùng ra tay xúc đất đá đắp đường, trọn ngày không ai nói với ai một lời, nhưng mối liên hệ ngày càng mật thiết. Ðiểm lạ lùng là tuy tuổi đã cao, phải lao động nặng nề, mà thái độ sư lúc nào cũng ung dung, thong thả... trong khi Thuật phải vất vả, vận dụng toàn lực, mệt thở hổn hển mà vẫn chưa theo kịp. Do đó, buổi chiều khi Thuật lê lết về được tới lều, thì sức đã kiệt, đầu óc lờ đờ, chỉ đủ sức ráng ‘nhét’ tí thức ăn vào bao tử, là lăng ra nằm ngủ, chẳng quan tâm bất cứ chuyện gì, kễ cả nổi gian truân cơ cực hiện thời. Mấy tuần sau, khi thể xác đỡ bị bầm dập, đầu óc minh mẫn thì Thuật lại dần dần khám phá được niềm thú vị trong nếp sống ‘phu lục lộ’ lao khổ nầy, nên cũng đỡ lo lắng cho thân phận hẩm hiu của mình.
Thuở nhỏ, Thuật đã được mẹ đưa đến chùa Bửu Lâm, Cái Bèo, quy y với hòa thượng Hải Huệ. Thỉnh thoảng chàng vẫn đến chùa, nhưng tánh chàng hiếu động nên chỉ lễ Phật, chào thầy rồi ‘chuồn’ mất, chàng rất ngại khi phải tiếp xúc với vị tu sĩ trầm lặng. Lần nầy, Thuật bị đặt vào cái thế phải chung sống toàn thời gian với một vị tu sĩ vừa già, lại vừa câm vừa điếc nữa..., nên ngoài nỗi khổ vì lao động cực nhọc, chàng còn cảm thấy tù túng và chán nản tột cùng. Thế nhưng sau thời gian đầu bực bội khó chịu, Thuật lần lần lắng lòng, trầm ngâm, lặng lẽ quan sát và cuối cùng khám phá được rằng sau khi loại bỏ được mớ âm thanh ồn ào, lột bỏ được cái lễ nghi hình tức giả dối bên ngoài thì người ta mới sống thực với chính mình, mới cảm thông được với vạn vật mọi loài một cách thiêng liêng và sâu sắc. Nhận thức trên là một chuỗi dài chuyển biến nội tâm, nhưng thật ra, có lẽ đã bắt nguồn từ những hành động ‘lẩm cẩm vô tích sự’ của sư. Ðang đi bổng nhiên sư dừng lại, cẩn thận dùng chiếc lá nâng con sâu, con bọ... hay bứng một bụi cỏ dại ra khỏi mặt đường. Sư làm việc đó chân thành như lễ nghi tôn giáo nên mất rất nhiều thời giờ, khiến cho kẻ chờ đợi bực bội không ít. Sư cũng đã từng bỏ cả ngày để săn sóc cho một con mèo hoang bị trọng thương đang thoi thóp chờ chết, rồi hì hục đào mộ chôn nó, chu đáo như lo lắng cho một thân nhân. Sư cũng có thể sớt phần cơm cho con chó đói hay bớt phần nước uống, rưới cho bụi cỏ khô cằn. Ðiểm đặc biệt là bụi cỏ dại may mắn đó hôm sau trổ được đóa hoa tí hon xinh xắn, khoe khoang màu sắc, mũm mĩm đón chào sư. Sư ân cần cúi xuống vuốt ve, trang trọng chiêm ngưỡng rồi gật gù tán thưởng. Ðóa hoa chợt rung động, đong đưa theo gió nhảy nhót vui mừng. Chuyện khó tin, nhưng đối với Thuật, đó là sự thật: Họ - sư và bụi cỏ - đang trầm lặng đối thoại hào hứng với nhau. Thuật khám phá rằng trong con người chân chất của sư tiềm tàng một khả năng siêu việt có thể cảm ứng với muôn loài, tình thương bao la của sư chan hòa cả cỏ cây cát đá, nên bụi cỏ cũng quyến luyến, thân thuộc với sư. Cảm nhận được điều đó, Thuật không còn xem nhẹ những chuyện ‘lẩm cẩm’ của sư nữa. Chàng yên lặng quan sát thật kỹ, tìm hiểu thật sâu, để rút tỉa những bài thuyết pháp không lời tỏa ra từ hành vi cử chỉ của sư. Làm việc hay nghỉ ngơi, cuốc đất hay ngắm trăng, lúc nào sư cũng an lạc, sư tận hưởng sự sống từng giây phút hiện tiền không để rơi rớt phí phạm. Sư thông thả đi đứng, thở, cuốc đất, đập đá, rải đất đá đắp đường... rất bình thường, nhưng trong mỗi cử chỉ đều biểu lộ cho một hành động tràn đầy ý thức, và vì vậy, nên rất sống động và tự tại.
Gần gũi với bậc chân tu thanh thoát, Thuật cũng hưởng lây được niềm hạnh phúc. Càng nếm được hương vị đó, Thuật càng tha thiết mong ham học Phật pháp với sư, nhưng ước mơ nầy khó thực hiện đối với vị thầy câm điếc. Thuật đành quan sát sư, tự tìm hiểu và vạch cho mình một phương pháp tu và sống lành mạnh. Bước đầu, Thuật tập theo dõi từng hành động, từng suy tư của mình. Chàng chiêm nghiệm được rằng khi đã dần dần tự kiểm soát được thân tâm, mình mới có thể ‘tự làm chủ’ lấy mình, không còn bị giặc tham sân si hoành hành khuấy phá nữa, vì vậy, bản thân sẽ thư thái nhẹ nhàng hơn. Từ đó, dẫu phải làm việc nặng nhọc, Thuật vẫn cảm thấy an vui như khi ngắm nhìn trời mây hay thưởng thức cỏ nội hoa ngàn. Giờ đây, chàng ý thức rất rõ, là thời gian làm việc chính là thời gian thụ hưởng giây phút hiện tại nhiệm mầu, nhờ vậy, chàng không còn nóng nảy mong làm cho chóng xong, để rồi rơi vào trạng thái bồn chồn, sầu lo, thương ghét, giận hờn...
Lụi hụi mà Thuật đã nương náu vớI nhà sư câm điếc tròn mười tháng. Thuật vui vẻ theo sư di chuyển dài dài trên con đường đất đá gần trăm dặm để sửa chữa, chẳng chút bận tâm đến thân phận trốn tránh bi đát của mình. Một hôm có đoàn khách thương dừng bước ngay chỗ chàng sửa đường, họ cúng dường cho sư chút thực phẩm, rồi có lẽ thấy không cần dè dặt gì đối với thầy trò kẻ mang bệnh câm điếc, họ bô bô bàn bạc những tin tức chính trị nóng hổi đương thời. Các vị tướng lãnh quân đội tỉnh Vân Nam chia thành hai phe kình chống nhau để tranh đoạt chức đô đốc. Hai bên đã dàn quân đối đầu nhau, giao tranh lớn chắc chắn sẽ xảy ra. Phe của tướng Cố Phẩm Trân có phần hùng hậu hơn phe của tướng Ðường Kế Nghiêu, vị đô đốc đương thời. Giới lãnh đạo kình chống nhau, không ai bận tâm điều hành guồng máy hành chánh kinh tế trong tỉnh. Các viên chức nhỏ bất động không dám giải quyết điều gì vì sợ lãnh trách nhiệm, thành thử luật lệ nội an lỏng lẻo, giới kinh doanh mặc sức làm ăn phi pháp để làm giàu nhanh chóng.
‘Trong tình trạng nầy, có lẽ, lệnh ruồng bắt những người Việt lưu vong không còn hiệu lực nữa. Mình có thể tái hoạt động rồi đây!’, Thuật thầm nghĩ rồi bồn chồn chẳng yên. Bấy lâu sống êm đềm với nhà sư câm điếc, Thuật tưởng mình đã quên lãng ‘trần gian khổ lụy’, nào ngờ vừa nghe tin nầy, thì hào khí người trai trỗi dậy, chàng hăm hở mong sớm lên đường để tiếp tục sự nghiệp cách mạng của mình. Thế nhưng, nghĩ đến việc xa rời vị thầy tôn kính. Thuật cảm thấy bùi ngùi chẳng yên.
Sau một đêm trằn trọc, chờ đến sáng khi đến lúc sắp lên đường, Thuật lại thầy từ tạ, rồi cảm động rưng rưng nước mắt lên tiếng:
-Con phải lên đường thầy ạ! Con muốn sống mãi nơi nầy với thầy, nhưng con không thể bỏ rơi quê hương và phụ lòng tin tưởng của bè bạn con được!--chàng nói tiếng Việt, vì nghĩ thầy điếc thì nói tiếng nào cũng vậy thôi, thầy đoán mò được điều gì cũng tốt!
-Ơ! đương nhiên thì con phải ra đi! Nhưng nếu con náng ở lại thêm một thời gian ngắn nữa thì tốt lắm!
Thuật sửng sốt, dáo dác nhìn sư. Chàng lắc đầu không tin tưởng lỗ tai mình. Chàng thầm nghĩ: ‘Lạ quá! Sư? Sư câm mà sao bỗng nhiên nói được, mà nói bằng tiếng Việt mới dị kỳ chớ? Sư là người cõi trần hay là từ cõi nào mà có thể hiển lộ thần thông như vậy!’
-Con à! Thầy không câm và điếc, và thầy cũng là người Việt như con vậy đó!
Thuật mừng rỡ hỏi lung tung:
-Thầy sang đây từ bao giờ? Cuộc đời tu tập của thầy như thế nào? Mà sao thầy chọn công việc nầy ở đây?
-Ơ! Thầy vốn là tu sĩ chùa Phước Hưng, Sa Ðéc. Thầy rời nước năm hai mươi lăm tuổi, tính đến nay đã tròn bốn mươi năm rồi! Cuộc đời tu tập, hạnh nguyện và nguyên nhân ‘câm điếc’ của thầy dài dòng, nhưng thầy có ghi chép lại. Thầy sẽ trao cho con để tìm hiểu sau này!
-Ðúng là trời Phật đã dun rủi cho con trên bước đường cùng, may mắn gặp được thầy!
-Dĩ nhiên như vậy rồi! Nếu không có nhân duyên ngày trước thì làm gì có chuyện hội ngộ về sau! Lần hội ngộ nầy tương đối đã hoàn mãn rồi. Do đó, thầy chỉ mong con lưu lại chốn nầy chừng hai tháng nữa thì mọi sự sẽ hoàn mãn tốt đẹp. Thật ra, thật ra thầy cũng có chút dự định phú thác cho con!
-Thầy dạy điều chi con cũng xin tuân theo! Ơ! hai tháng thì ngắn ngủi quá! Con nghĩ con nên ở lại lâu hơn để có thời giờ học đạo với thầy!
Thế rồi Thuật ở lại tiếp tục theo thầy hành nghề phu lục lộ và học đạo. Chàng đã từng quy y vớI hòa thượng Hải Huệ, nhưng lúc đó nhỏ dại chẳng hiểu biết gì, pháp danh chàng cũng mù tịt nên thỉnh cầu được quy y lại. Thầy quở: ‘Nếu con chưa nắm vững nghĩa lý thì thầy sẽ giải thích con hiểu Tam Quy và Ngũ Giới, con quên pháp danh thì thầy đặt cho con pháp hiệu Thiện Duyên để nhân đó mà tinh tiến tu tập, nhưng thầy không thể chấp nhận cho con quy y lại. Quy y lại là hành động khinh thường vị thầy đầu tiên, một điều mà một người con Phật ân nghĩa tình thâm không thể làm được, huống chi, ‘một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy’, khi lễ quy y đã tiến hành, dù con chưa tin hiểu đầy đủ, nhưng nhân lành đã được gieo, quả lành theo đó mà trùng trùng duyên khởi, phước báo mênh mang, thâm ân thầy xưa sao quên cho được!’
Thuật thỉnh cầu sư trao truyền một pháp môn để tu tập thì sư đáp:
-Phật pháp mênh mông chẳng bến bờ, mà thời giờ còn lại ngắn ngủi, vì vậy thầy đành bắt chước người nhắc nhở con bằng bài kệ:
Chớ tạo các đều ác
Vâng làm mọi việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Ðây lời dạy chư Phật.
Tích xưa kể rằng vào thời nhà Ðường có vị cao tăng nổi tiếng là đạo cao đức trọng thường ngồi tu trên một nhánh cây nên được bá tánh tôn xưng là Ðiểu Sào hòa thượng. Vị thái thú đương thời là Bạch Lạc Thiên, nghe danh tìm đến, thỉnh cầu sư giảng dạy về đại ý Phật Pháp. Sư trả lời bằng bốn câu kệ ngắn ngọn nầy. Bạch Thái Thú phản đối: ‘Tưởng sư dạy gì đặc biệt, chứ những điều nầy thì đứa con nít lên ba tuổi cũng biết!’ Sư thản nhiên đáp: ‘Con nít ba tuổi tuy nói được nhưng lão già tám mươi chưa chắc làm được!’ Phật pháp giản dị như vậy đó con. Chỉ cần tránh điều ác, làm việc thiện là đủ, nhưng vấn đề là phải tâm tâm niệm niệm hết lòng hết sức thực hành điều đó, thì tâm ý mới giữ được thanh tịnh. Giới đã thanh tịnh thì định huệ sẽ phát sanh, con đường giải thoát chẳng còn bao xa nữa.
Nếp sống phu lục lộ vẫn tiến triển như thường lệ cho đến ngày thứ mười kể từ khi sư ‘khai khẩu’. Sáng hôm đó, khi Thuật lui cui gom mớ đồ nghề chuẩn bị lên đường, sư bỗng ôn tồn ngăn lại:
-Con mang theo chiếc rựa đủ rồi. Từ bây giờ mình sẽ không còn gánh vác chuyện sửa đường lộ nữa, bởi vì, hôm nay là ngày cuối cùng của thầy ở chốn nầy, thầy sắp đi xa rồi, con ạ!
-Ủa! Thầy đổi ý không bảo trì con lộ nầy nữa sao! Mà thầy định đi đâu vậy thầy?
-Chúng sanh vô tận thì hạnh nguyện bồ tát cũng vô tận... Nhưng giờ đây sẽ đến lúc thầy vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc của Ðức Phật A Di Ðà, thầy sẽ tu tập ở cõi nầy cho đến khi đạt đến trình độ bất thối chuyển, rồi mới trở lại cõi Ta Bà tiếp tục con đường vô tận của mình.
Nghe tin thầy sẽ từ giã cõi trần đột ngột, Thuật choáng váng tối tăm mặt mày. Chàng ước mong gần gũi với thầy thêm một thời gian nữa, nhưng làm sao có thể mở lời ngăn cản thầy vãng sinh cho được. Nước mắt tuôn tràn, Thuật lặng lẽ đi theo thầy như một người máy. Sư đi vào rừng sâu, qua khỏi hồ sen nhỏ, đến khoảng đất cây cối thưa thớt thì dừng lại bên một tảng đá bằng phẳng, rồi lên tiếng:
-Chỗ nầy yên tịnh hợp ý thầy lắm! Con hãy ngồi kế bên đây, thầy có lời cuối cùng dặn dò con! Ơ hay! Tử biệt sinh ly là chuyện thường tình, đâu có ai tránh được điều đó! Sao con ơ hờ quên làm chủ lấy mình, để cho tâm ý bấn loạn theo nỗi buồn vui giả dối như vậy?
Nghe thầy nhắc nhở, Thuật vội thở mấy hơi thật sâu, theo dõi tâm miệm mình và dần dần khôi phục thái độ điềm tĩnh thường nhựt. Sư lại lên tiếng:
-Thuở sơ tâm xuất gia, có lần ta theo sư phụ làm lễ cầu an cho một gia đình ở xóm chài mũi Nai, Hà Tiên. Ta xúc động chứng kiến vô số loài thủy tộc: cá tôm tép ruốc... bị bắt làm khô làm mắm, nên nảy lòng phát nguyện tu hành để cứu độ loài thủy tộc nầy. Vì vậy ta nhờ con thiêu xác thân ta, mang mớ tro tàn về nước để rải ở miền biển đó. Ta muốn kết thêm duyên và giữ lời ước nguyện năm xưa thêm bền chặt...
Sư trao cho chàng mấy tờ giấy chi chít chữ, rồi ôn tồn tiếp lời:
-Ðây là tự truyện của ta! Con tùy nghi mà tìm hiểu, may ra giúp ích chút nào cho con trên bước đường tu tập. Ta cũng nhân cơ hội nầy nhắc con một điều là pháp môn nào của đạo Phật cũng quy vào việc tu dưỡng tâm, tức là chỉ nhầm chuyển sửa tâm tham sân si thành tâm thanh tịnh. Căn bản của phép tu tâm là giới mà hơn một lần thầy tóm gọn lại là ‘làm lành lánh dữ’. Hành giả càng tu, tâm càng thanh tịnh, cái ngã tan biến dần, nên tự tại mà hòa hợp. Trái lại, dẫu đạt đến trình độ giác ngộ như thế nào mà thiếu hòa hợp thì có lẽ tâm bị cái ngã che lấp, đường lối tu âm thầm rẽ sang hướng khác mà hành giả không hay biết. Ðể tránh lầm lạc đó, hành giả nên luôn luôn thận trọng và thành thật quan sát từng động niệm của tâm, càng nhận thấy lỗi của mình thì đạo hạnh càng có cơ phát triển.
-Khái quát thì như vậy, nhưng phải có pháp môn thấp chớ thầy?
-Tâm bệnh chúng sanh muôn vàn sai khác nên đức Phật cũng ‘tùy bệnh cho thuốc’ mà đưa ra những pháp môn khác biệt. Pháp môn nào cũng phá xuất từ đức Phật và điều có hương vị giải thoát, nên không thể phán quyết pháp môn nào cao hơn pháp môn nào. Do đó, nếu quá khích tôn xưng pháp môn nầy, phỉ báng pháp môn khác là vô tình phỉ báng Phật pháp. Vấn đè chính yếu của người hành giả là một khi đã chọn một pháp môn phù hợp với căn cơ mình, thì cứ dứt khoát nhất trí tu tập, không để bất cứ ai lung lạc thay đổi đường lối, thì mới mong đạt được kết quả như ý.
-Tiếc quá! Giờ nầy mới hiểu đạo lý thì đã muộn màng! Con đã nguyện dâng hiến đời cho dân tộc, thì đâu còn cơ hội tu tập gì nữa!
-Con ạ! Hy sinh đời mình cho dân tộc cũng là hạnh nguyện của bậc Bồ Tát. Con vẫn có thể làm cách mệnh và tu tập được, nếu như con hằng quan sát thân tâm không để cho niệm tham sân si sinh khởi là đủ.
Dứt lời, sư ngồi kiết già chấp tay hướng về hướng tây liên tục niệm: ‘Nam Mô A DI Ðà Phật’. Thuật ngần ngừ, rồi cũng cất tiếng niệm theo thầy, quên cả giờ giấc. Vừa đúng ngọ, ánh nắng gay gắt bỗng đổi thành dịu dàng, lung linh ngũ sắc, hương thơm hoa sen thoang thoảng. Thế rồi trên không gian, bỗng có tiếng nhạc kỳ diệu trỗi vang lừng, tràng phan bảo cái ẩn hiện trong mây. Từ đỉnh đầu của sư bổng có làng hào quang xẹt thẳng lên trời. Sửng sốt ngắm nhìn hiện tượng nhiệm mầu hiển hiện trước mắt mình, Thuật nảy lòng thành kính hướng lên hư không đảnh lễ liên tục. Mãi cho đến khi nghe tiếng nhạc nhỏ dần rồi im bặt, chàng mới sờ tay vào mũi sư để biết chắc rằng người đã thị tịch. Tuy vậy, Thuật cẩn thận chờ thêm hai ngày nữa mới gom cây lá, lễ lại từ biệt rồi mới châm lửa thiêu xác. Lửa tàn, chàng góp nhặt tro trắng và những viên xá lợi tạm đựng trong chiếc bình bát, đặt trên tảng đá. Chàng lại tìm được vài bụi Lan rừng trang trí chung quanh, như vậy, tạm coi như đã có chỗ thờ kính trang nghiêm trong thời gian bốn mươi chín ngày mà chàng đã quyết định lưu lại. Hàng ngày, đến giờ ngọ chàng kính cẩn quỳ và niệm Phật, thời giờ còn lại, chàng nghiền ngẫm tự truyện của ân sư để học hỏi đạo pháp qua hành trạng của người...
(đón đọc tiếp phần 2: tự tryện của Lung Á đầu đà)

Xem Tiếp: ----