Đêm, khu nhà trọ bỗng nhiên mất điện. Bầu trời cuối đông đặc quánh mây nên không có trăng, cũng không nhìn thấy một ánh sao mờ. Gió vẫn rít lên từng cơn tê buốt. Bên trong căn phòng có cánh cửa khép hờ, một thằng con trai lập cập đi tìm diêm và nến. Nó thắp liền một lúc hai cây. Nghĩ lại, nó vội thổi tắt đi một cây. Có lẽ là để dành.Đêm nay, sinh nhật của nó. Cũng lạ, sinh nhật gì mà không bánh, không hoa, không cả thiếp chúc mừng. Trong phòng, sự hiện hữu chỉ có mình nó, một chiếc bóng in nhập nhòa lên tường và thứ ánh sáng leo lét của cây nến. Ngọn lửa nhỏ thi thoảng lại nổ lách tách và bắn ra những tàn bấc đen sì. Đành chịu vậy, nến rởm mà! Nó cẩn thận rót vào chén thứ nước đỏ quạch mà tạm gọi là nước chè. Nhấc chén nước kề lên miệng để cho hơi nóng phả vào mặt. Chận rãi nhâm nhi từng ngụm nhỏ. Nó chép miệng mấy cái. Đắng quá, chè cũng rởm nốt!Không khí càng về khuya càng trở nên lạnh cóng. Những lúc như thế này, người ta thường hay thèm muốn một điều giản dị là được ngồi sưởi bên bếp lửa ấm nồng. Vì thế, nó để cho dòng suy tưởng hành hương về quê nhà, đến bên bếp lửa và cái mùi khói ngai ngái của nền bếp bằng đất. Giờ này chắc mẹ đang rang mồi cho ba đi cất tôm? Căn bếp trống tuềnh trống toàng thì rang mồi khổ phải biết, vì gió sẽ làm lửa bạt đi lung tung. Mẹ sẽ phải lấy cái vung nồi nấu cám, cộng thêm cái mâm bằng nhôn để chắn hai bên bếp. Còn một bên, mẹ lấy lưng mình mà cản gió. Cám gạo mẹ rang chắc cũng đã thơm thơm rồi? Lũ tôm chúng khảnh ăm lắm. Những con sinh vật bé tí này chỉ cần ngửi thấy mùi của mồi rang quá lửa là chúng bỏ đi ngay. Ước gì, mỗi con tôm nặng hằng cân nhỉ! như thế, ba khỏi phải lọ mọ cả đêm bên mép đầm để gon nhặt những điều nhỏ nhoi ấy dành cho con.Mẹ thương ba thui thủi một mình nên thường hay tỉnh giấc giữa chừng. Nếu không vì cái bệnh khớp, hễ gặp lạnh là đau thì mẹ đã ra đầm phụ ba rồi. Trằn trọc mãi mà không ngủ lại được, mẹ trở dậy nghĩ đến thằng con đã lâu lâu không thấy nó về chơi nhà. Tiếng mẹ thì thầm trong đêm tĩnh lặng: "Tội nghiệp, thằng nhỏ đi học xa nhà. Lần nào về nó cũng đòi ăn cua đồng vùi bếp. Như thế, đủ biết là nó thiếu thốn như thế nào rồi". Ngoài mái hiên, sương vẫn rơi và làm thành một thứ ngôn ngữ rất riêng của đêm – tiếng lòng.Gió thúc mạnh làm bật tung cánh cửa không cài chốt. Nến tắt phụt. Giấy má trong phòng bay tứ tán. Nó vội đóng cửa lại, chân nến và thầm nguyền rủa cơn gió đông tàn nhẫn: "Có một tí ánh sáng nghèo nàn mà mày còn nỡ tranh cướp với tao. Tao mà đủ tiền thuê nhà tử tế thì mày còn lâu mới có thể tác yêu tác quái như vậy…". Chiều qua, bà chủ nhà thông báo sẽ tăng thêm mỗi phòng 50 nghìn tiền thuê trọ.Có ai đó nói rằng: "Quãng đời sinh viên là quãng thời gian giàu có nhất nhưng cũng nghèo hèn nhất của cuộc đời". Ngẫm ra thì cũng có lý. Nghèo là nghèo về vật chất, tiền bạc. Thế còn giàu có? hẳn rồi! Đứa nào khi trở thành sinh viên mà chẳng được học bao nhiêu là kiến thức Đông, Tây, Kim, Cổ. Cái biển của cải chung bày sẵng ra đấy, chỉ sợ anh không đủ sức mà "vơ vét" thôi. Thế nhưng, sinh viên lấy đâu ra nhiều tiền mà mua sách? muốn có nhiều sách đọc thì mượn ở thư viện. Nói vậy thôi chứ thư viện cũng làm việc theo ngày, theo giờ quy định nên nhiều khi cần sách mà chẳng biết lấy đâu ra. Ước gì, thư viện nước mình cũng giống như các nước châu Âu nhỉ! sinh viên chỉ cần cầm theo ổ bánh mì đến ngồi lì ở đấy không kể ngày đêm, mà ngấu nghiến cho thỏa thuê cái cơn đói đọc. Được vậy, nó đã không phải ngồi trong phòng quạnh vắng như đêm nay, chỉ đếm tàn bấc nến.Một giờ đêm, bình minh còn lâu mới tới. Sương muối vẫn rơi đều ngoài mái hiên. Hình như có tiếng động rất khẽ của một chiếc lá rơi xuống bể nước. Con chó già nằm trên bậc thềm lạnh lẽo đang rên lên từng hồi run rẩy. Bàn chủ nhà thức dậy đằng hắng, cằn nhằn mấy đứa "quên" chưa nộp tiền nhà. Xuyên trong không gian, tiếng của một con chim lợn kêu lanh lảnh nghe rờn rợn. Chốn thị thành, cái việc tìm kiếm và mong mỏi nhìn thấy một con cò, một con sáo sậu, một con chim bói cá lông xanh… là điều không tưởng. Nhiều buổi sáng thức giấc, nó thèm được nghe tiếng gáy ngạo nghễ của con gà trống chuồng, tiếng ríu rít của hàng trăng loài chim đi bắt sâu… thế nhưng, thay vào đó là tiếng còi xe inh ỏi, mùi xăng khét lẹt, hơi lạnh của bê tông, và tiếng gáy te te của một con gà tre nào đó. Còn đêm, như đêm nay, vẫn là tiến rú rít của những con chim lợn săn mồi làm cho nó chán nản và hoang mang. Ước gì, buổi sáng tràn ngập những tiếng chim gọi bình minh chốn thị thành.Trong mắt một thằng quen sống cảnh thanh bình, nơi phồn hoa đô hội này, mùa đông đã chán, mùa hè còn ngán ngẩm hơn gấp bội lần. Tất cả là nắng rát mặt, gió khô héo người, tiến ve kêu nhức nhối và mồ hôi nhớp nhúa. Vậy mà chẳng hè nào nó chịu về quê. Nó tranh thủ thời gian kiếm tiền mua sách bằng việc đi ôn thi cho mấy đứa lớp 12. Trưa hè, cái nắng nóng như chảo rang, nó nằm trong căn phòng "hỏa lò" của mình mà quệt lấy quệt để những giọt mồ hôi mặn chát rỉ xuống mắt, xuống môi. Và nó lại thèm khát được trở về rặng tre đầu ngõ mắc võng và nằm đọc sách. Hình ảnh của quê hương tồn tại trong nó cái nào cũng đẹp, cũng mượt mà và thân thuộc; cũng cái nắng hạ mà không bỏng rát, cũng cái gió lào khô khốc ấy mà sao nó cảm thấy dịu mát lạ, cũng tiếng ve rả rích kia mà lại giống bản tình ca từ quá khứ vọng lại – một quá khứ ngập tiếng ve, dưới gốc phượng già trải thảm một màu hoa đỏ, và ngập ngừng mối tình đầu thời áo trắng tinh khôi.Thực tại đã vội ném vào nụ cười của nó bằng cái hình ảnh của thằng bạn thân nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ lựng vì nắng trên sân quần vợt. Ngày nào cũng thế, mới đầu giờ chiều, thằng bạn lại vội vã đội nắng đi làm thêm cái nghề của "thằng Xuân Tóc Đỏ". Mấy ông bụng phệ đến sân Tenis chỉ cốt mong muốn giảm mỡ nên vào sân là vụt và vụt, chỉ tội thằng bạn đã gầy đen như que củi cháy mà còn phải chạy hộc mật đi tìm bóng. Nhiều khi, thằng cử nhân tương lai ấy ngã chầy mặt bên mép sân, chắc nó cũng ước ao tìm được một công việc cho ra hồn.Ấy thế mà thằng bạn còn may mắn hơn nó, cu cậu chịu khó chạy một tí, đứng nắng một tí nhưng chẳng có ai quỵt mất tiền. Thỉnh thoảng còn được người ta phát cho đồng phục "cầu thủ nhặt bóng" mà mặc. Đỡ khối tiền mua quần áo! Còn cái thân nó, mấy lần lê la ở trung tâm gia sư, vài bận bị lừa tiền mới tìm được một địa chỉ nhận dạy kèm. Nếu giời thương chỉ đường dẫn lối vào nhà tử tế chẳng sao, không may vào nhà có thằng con "bán giời không văn tự" thì chỉ còn nước bỏ của chạy lấy người. Tiền bỏ ra ai chẳng của đau con xót.Nến đã cháy gần hết. Dòng sáp nóng bò trườn ra mặt bàn tựa như lũ rắn đầu tròn. Đêm tĩnh lặng quá, nó chợt cảm thấy trái tim mình cô đơn. Bao nhiêu câu hỏi về quá khứ và những thổn thức của trái tim tuổi đôi mươi lại ùa về ồn ã. Nàng đã quên sinh nhật của nó? có thể như thế lắm chứ! khi tình yêu tan vỡ, giống như người xưa ví tựa bát nước đổ đi không thể hớt lại bao giờ, thì làm sao có thể mong muốn một cái gì đó tròn đầy từ quá khứ. Tình yêu thời hiện đại dường như cũng bị ảnh hưởng vi tính hoá. Những kẻ yêu nhau đã hình thành một thói quen cũng như khả năng đọc thư tình không cần dấu (!?) Chẳng biết rồi người ta có cảm thấy gượng gạo khi cầm bút viết hay không? Thực tại đang diễn ra, con người không thiết nhận một lá thư, mở ra mà hít hà cho đã đầy mùi mực hay chút hơi ấm của người yêu còn vương lại. Giới trẻ thích bàn phím hơn.Ngày trước, nó tuy không có hoa tay nhưng cũng cố viết sao cho chữ thật mềm, thật điệu, thật có hồn gửi cho nàng với hy vọng nàng thấu hiểu tình cảm của nó – một trái tim khao khát yêu và được yêu. Thế nhưng, nàng thấy chờ thư sao mà lâu thế?! Hơn nữa, nàng ngại đọc những lời thề non hẹn biển xấu như gà bới của nó. Nàng thích đọc mail hơn, mà nó thì thấy ra mạng chát chít là điều vô bổ. Thế là chia tay chỉ vì cái "tội" không hợp thời của nó. Nó sẽ không trở thành một kẻ dở hơi, ngớ ngẩn khi ước nguyện: "tình yêu mãi đẹp như thời còn chiến tranh". Đó là thứ tình cảm có sức sống mãnh liệt, vượt lên trên cả sự tàn phá khốc liệt của bom đạn kẻ thù. Tuy cách xa, tình yêu của những năm tháng hào hùng ấy đã được nối kết bằng những lá thư mang đầy ắp niềm tin chiến thắng, khát vọng sống, khát vọng yêu đương và chia sẻ. Họ trân trọng và ấp ủ từng nét chữ, dấu tem bởi chúng tồn tại là nhờ vào sự đánh đổi bằng máu và nước mắt, cho dù chúng đã nhòe, đã cũ vì thời gian.Hai giờ sáng, trời giăng mù mịt sương muối. Nó không thể ngồi mãi mà mơ tưởng về một viễn cảnh tốt đẹp cho tương lai. Nó phải đi ngủ vì ngày mai còn quá nhiều việc phải làm. Trước khi vùi mình vào chăn ấm, nó thắp lên cây nến mới để thế chỗ cho cây nến đã tàn. Lúc này, ngọn lửa không nhảy nhót nữa mà nó dựng thẳng đứng trên bấc nến. Màn đêm càng đen đặc thì ngọn lửa càng tỏa sáng một cách kiêu bạc. Điều chắc chắn xảy ra, nó sẽ cháy hết mình vì sự toàn vẹn cho những ước mơ còn đang dang dở./.Dương Văn Giới