Những ngày đầu thử sức trong cuộc mưu sinh Đạt gần như chỉ chạy rông ngoài phố. Đạt đã ba mươi tuổi, đang yên ổn ở một cơ quan có cả đống người nay cái cơ quan ấy bị thu hẹp lại. Nhiều người phải thôi việc phải về hưu non, Đạt thuộc số ít vẫn được giữ trong biên chế nhưng phải nghỉ không lương dài dài. Đạt vốn ở phòng nghiên cứu, được đào tạo bài bản, có chút ít từng trải nhưng công việc nghiên cứu của anh trước đây xem ra nhiều vu vơ. Một thời tem phiếu đã qua, Đạt không được chuẩn bị trước, đâm ra ngơ ngác trước tình thế chuyển đổi hàng ngày.
Đạt chạy rông ngoài phố với chiếc xe máy cá xanh, loại xe đồng nát thường được phong lên cấp cá ươn, lúc bấy giờ loại cá xanh hay cá ươn này vẫn còn thoi thóp chứ chưa tuyệt diệt như bây giờ. Chiếc xe chạy ậm ạch, cứ "pan" vặt luôn luôn, phải dạt vào vệ đường loay hoay tự sửa rồi nhảy lên guồng đến vã mồ hôi máy xe mới chịu nổ lại. Đạt thường ghé một tòa báo quen, báo này đang muốn trở thành nơi gặp gỡ của mọi tầng lớp, từ trí thức đến bình dân, trụ sở báo dành hẳn một phòng gọi là phòng cộng tác viên, các cộng tác viên thật và giả đều có thể lui tới, tha hồ gẫu chuyện. Giữa đám đông ồn ào như họp chợ, Đạt chỉ ngồi nghe, xem ra cũng lý thú nhưng khó len vào cuộc. Đành lại lặng lẽ cưỡi chiếc cá xanh, hay là cá ươn chạy ậm ạch lòng vòng. Đến lúc thấm mệt, Đạt táp xe vào ven đường, thói quen thường dẫn dắt anh tới quãng phố có cái chợ từ trong hẻm họp tràn ra và cứ tự nhiên anh táp vào cái quán cà-phê vừa mặt phố vừa kề bên con hẻm. Ngồi nhâm nhi tách cà-phê đen, Đạt cố nghĩ đến một điều gì đó nhưng đầu óc anh bùng nhùng, nghĩ không ra. Dòng người qua lại trên hè phố và ra vào con hẻm đan dệt ở bên ngoài quán, phản chiếu qua những tấm gương kính thành những hình ảnh mờ nhòe. Đạt lơ mơ, không phân biệt được những gì đang diễn ra chung quanh.
- Chào anh, mong anh thứ lỗi... anh có bán cái cá xanh hay là cá ươn của anh đang dựng ngoài kia?
Người đàn bà hỏi Đạt ỡm ờ, cô ta không còn trẻ nhưng linh hoạt và có chút điệu đàng. Không biết cô ta vào quán và ngồi cùng bàn với Đạt từ lúc nào? Đạt hơi khó chịu:
- Cô muốn mua, hả? Để làm gì?
- Tôi mua để bán lại cho bảo tàng!
Cái cách đùa cợt sỗ sàng như thế chỉ có thể có giữa những người quen biết nhau. Đạt ngẩn mặt, cô ta là ai nhỉ? Mình đã gặp ở đâu nhỉ?
- Anh đừng có ngẩn mặt ra như thế... Tôi là khách không mời nhưng vẫn thường xuyên có mặt ở phòng cộng tác viên của tòa báo mà anh hay đến ấy. Tôi thích anh, cứ tự nhiên mà thích chứ chẳng có lý do gì cả!
Người đàn bà bỗng nhìn thẳng vào mắt Đạt, cái nhìn thôi miên khiến Đạt càng muốn lảng tránh càng bị hút vào cô ta. Cô ta tên là Mánh, chẳng hiểu tên thật hay tên lỡm nhưng qua câu chuyện dông dài của cô ta, Đạt cảm thấy cô ta quan tâm đến mình thực sự. Sau vài lần gặp gỡ, cũng ở quán cà-phê này, Mánh thay đổi cách xưng hô, gọi Đạt là mình xưng tôi, cứ như hai người lẫn vào nhau, dù Đạt muốn hay không, mặc kệ!
- Này mình ơi, mình nhìn đám đông qua lại nhốn nháo ở ngoài đường kia, mình nghĩ ra được điều gì, thử nói tôi nghe?
Đạt chủng chẳng:
- Tôi không nhìn và cũng chẳng nghĩ gì hết!
- ồ, sao lại thế! Để tôi đổi chỗ cho mình và mình hãy giương to mắt lên. Cứ bình thản, đừng vướng vào những chi tiết ngoài mục đích... Chẳng hạn ta muốn biết thiên hạ bây giờ ăn mặc ra sao thì chỉ cần chú ý nhìn quần áo của họ, còn mặt mũi họ tạm gác sang một bên... Mình đừng tự ái cho là tôi dạy dỗ mình, chẳng qua là tôi có việc đang muốn bàn với mình. Nào, mình thấy gì và nghĩ ra được điều gì nào?
Đạt cảm thấy được xoa dịu nên giọng anh chùng xuống:
- Bây giờ trong thiên hạ có nhiều người mặc quần bò!
- Đúng thế. Quần bò. Quần bò đủ loại: - bò xẫm, bò mài, bò hoa rồi bò ống con, ống đứng, ông loe, ống tướp nữa... Nhưng từ đó mình phải nghĩ ra được điều gì, đúng hơn là việc gì hay ho cho mình chứ. Việc gì nào?
Đạt còn ngờ nghệch, anh bị bất ngờ khi Mánh ngỏ ý mời anh cùng với cô làm một cuộc điều tra xã hội học về chiếc quần bò. Sao lại không nhỉ? Cần phải lên được con số thống kê những người thích, hay không thích mặc quần bò, kèm theo những mục nhỏ về tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa, nghề nghiệp... làm cơ sở cho những phân tích khoa học. Đạt là người thông thạo những quy cách bảo đảm tính khoa học cho một công trình. Anh chỉ thắc mắc, bỗng dưng đi điều tra về chiếc quần bò để làm gì nhỉ?
- Tất nhiên không phải để chơi rồi, mình ơi! - Mánh cười khinh khỉnh - Có nơi đang cần một công trình đại loại như thế. Mình bán nó cho họ... Mua và bán, mình lạ lắm hả? Nhưng đấy là phần việc tôi lo, mình không phải dính vào!
Đạt sống ở một đường phố vắng, thời Pháp thuộc đây là phố của các gia đình công chức trung lưu, gồm những ngôi nhà xinh xắn, thỉnh thoảng có nhà còn có vườn bao quanh. Trải qua thời gian, cả dãy phố đã trở nên cũ kỹ, mỗi ngôi nhà được chia cho nhiều hộ, vườn bị phá đi, các hộ tùy ý cơi nới, cả đến hành lang và lối đi chung cũng bị ngăn ra, che chắn lại. Đạt còn độc thân, chỉ có vẻn vẹn một gian phòng mười mét vuông (thế cũng đã đủ để thiên hạ cho là ở rộng!) vốn trước kia là gian kho chứa đồ tập tàng, khuất nẻo và ẩm mốc. May mà Đạt chưa tiết lộ với Mánh cái giang sơn riêng, nơi ẩn trốn của anh. Mỗi lần về tới nhà, đóng cửa lại, chỉ một mình với đống sách vở bát nháo và những đồ đạc tạp nham, Đạt không vui cũng không buồn nhưng nhẹ nhõm vì không còn vướng víu. Một tuần lễ Mánh cặp kè với Đạt để tiến hành vụ việc điều tra xã hội học về chiếc quần bò. Quả là có một môn khoa học gọi là xã hội học, được coi là thời thượng của thời hiện đại. Đạt có tìm đọc và thu lượm được chút ít về nó. Vào cuộc rồi tự nhiên anh đâm hăng, muốn thi thố trước Mánh. Chính anh là người lập phiếu điều tra, chọn vùng, phát phiếu tới những đối tượng ngẫu nhiên rồi thu phiếu về, lên số thống kê và tiến hành phân tích. Mánh đóng vai trợ lý, chạy việc vặt nhưng mồm miệng lúc nào cũng bô lô ba la để chứng tỏ mình là người chủ xướng. Ngồi giữa quán cà-phê (vẫn cái quán kề ngõ chợ nơi họ gặp nhau lần đầu) Mánh cứ huơ bản tổng kết lên, nói oang oang: "A, những con số mới đẹp làm sao! Hỡi những ai thích hay không thích quần bò, những con số này sẽ nói chuyện với các vị!". Rồi cô ta biến đi cùng với bản tổng kết. Đạt ngượng chín người trước đám khách ngồi trong quán, anh không nói gì cả. Thôi, sự thể đã đến thế này đành phó mặc cho Mánh, anh hì hục nổ máy chiếc cá xanh hay là cá ươn, lặng lẽ ra về... Bây giờ chỉ còn một mình Đạt trong cái thế giới riêng nhỏ bé, hiu quạnh nhưng thân thuộc, anh có thể nằm dài ra giường trong trạng thái lơ mơ nửa thức nửa ngủ. Gian phòng của Đạt có ô cửa sổ hẹp nhìn sang nhà hàng xóm. Chênh chếch phía trên cao, thuộc tầng hai của nhà bên ấy cũng có một ô cửa sổ, ô cửa sổ này rộng hơn nhưng luôn đóng kín, không hiểu phía trong là phòng gì. Đột nhiên hai cánh cửa sổ chưa bao giờ Đạt thấy mở ra ấy bỗng mở toang. Anh choàng dậy đứng sau cửa sổ phòng mình nhìn sang và trong khoảnh khắc vệt nắng chiếu tràn qua ô cửa sổ nhà bên vừa để ngỏ, ánh hồi quang của nắng hừng lên như ánh lửa. Có một cô gái đứng tỳ khuỷu tay trên thành cửa sổ, người cô hơi nhoai ra, mái tóc lòa xòa, đuôi tóc bắt nắng dường như hoe đỏ. Cô gái chăm chú nhìn sang nhà Đạt, vẻ như tìm kiếm cái gì đó và khi cô bắt gặp ánh mắt Đạt chăm chú dõi theo cô, cô hơi quay đi nhưng không phải là né tránh...
- Chào cô bé, cô mới từ đâu đến?
- Thế còn anh, anh từ đâu đến? Anh nên nhớ anh đến nơi này còn sau em kia!
Cô gái quay lại, hướng mặt về phía Đạt khiến anh phải hơi quay đi nhưng cũng không phải là né tránh. ánh mắt anh vẫn ngầm dõi theo cô:
- Lạ lùng nhỉ!
- Nào có gì lạ, em sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà này, trong căn phòng này. Thuở ấy, ở bên nhà anh, căn phòng anh đang ở còn là cái kho. Anh chịu chưa?
Cô gái nheo mắt cười, nụ cười làm khuôn mặt cô bừng sáng. Đạt hấp tấp nói:
- Tôi xin chịu... Nhưng cô chưa trả lời, cô mới từ đâu đến?
- Rồi anh sẽ biết thôi, vội vàng gì!
Cô gái lui vào trong phòng, cửa sổ phòng vẫn mở rộng nhưng không thấy cô xuất hiện trở lại. Từ lúc đó đầu óc Đạt ngập tràn hình ảnh cô gái, cô ta nói "vội vàng gì!" nhưng anh đã trở nên vội vàng muốn gặp lại cô ta. Chập tối Đạt tuôn ra đường, anh đi qua lại dọc quãng phố trước cửa nhà, thỉnh thoảng nghe tiếng lá khô bị gió cuốn ràn rạt, anh lại giật mình, tưởng chừng cô gái từ trong ngôi nhà hàng xóm bước ra...
- Em biết là thế nào anh cũng ra đây tìm em. Em đã hỏi được tên anh. Còn em là Huyền Vi... Ta đi ngược lên phía đầu phố đi!
Huyền Vi đi sát bên Đạt những hè phố rợp bóng cây, đèn đường quãng này thưa thớt nên Đạt có cảm giác Huyền Vi chỉ là một hình bóng chập chờn. Huyền Vi nói rằng cô từ nơi xa trở về thăm lại nơi này, tiếc rằng đường phố đã thay đổi, ngôi nhà cũ của cô cũng thay đổi, chẳng còn ai biết cô. May có một bà cụ lưng còng, ăn trầu thuốc, cô ngồi giã trầu trong cái cối đồng nhỏ xíu cho bà cụ, bà cụ giữ cô lại và mở khóa cửa căn phòng xép, nơi cô đã sống qua suốt thời thơ ấu cho cô thăm thú...
- Hóa ra căn phòng ấy bây giờ là phòng kho. Trái ngược với bên anh, cái phòng kho ngày xưa lại trở thành phòng ở của anh. Sự tình cờ mà nên quen biết... Huyền Vi bật tiếng cười nho nhỏ, tiếng cười trong veo, bay quấn quýt - Em trở về đây cũng phải có ai nghe câu chuyện trẻ con của em chứ nhỉ!
Hai người đi tới gần đầu phố, nơi có ngã ba mở ra một đại lộ rộng thênh, ánh đèn cao áp sáng xanh, người và xe qua lại tấp nập. Huyền Vi khẽ chạm vào cánh tay Đạt, giữ anh lại:
- Thuở em còn trẻ con, em thường đứng ở đây, đứng dưới gốc cây này, cái cây xù xì, vỏ xanh rêu, trên chỗ trạc ba kia có cái hốc. Em đứng dưới gốc cây nhìn ra ngã ba và chờ đợi... Em chờ đợi niềm vui và cái niềm vui trẻ con ấy đến với em rất giản dị. Một người bán đồ chơi xuất hiện nơi ngã ba, ông ta đã đứng tuổi, vác trên vai một cây sào có những dóng ngang buộc đủ loại đồ chơi xanh đỏ. Cái cây đồ chơi ngất nghểu với những hình người và con vật bằng gỗ bấc hoặc giấy bồi, những lá cờ đuôi nheo nhỏ xíu, những chiếc chong chóng nhỏ xíu quay tít mù, tất cả cứ trôi dập dềnh trên đầu dòng người qua lại. Ông hàng rong vác cây đồ chơi thong thả đi về phía em và em lẵng nhẵng đi theo cái cây đồ chơi ấy. Em đã từng nhịn quà sáng, dành tiền mua của ông hàng rong thứ đồ chơi này khác nhưng đem nó về nhà, chỉ chơi một lúc là chán. Còn đi theo ông ta, trôi theo cái cây đồ chơi dập dềnh ở trên cao thì lại khác, như được hòa mình vào một thế giới khác, khiến mình mê mẩn... Bây giờ, đứng ở đây hướng về phía ngã ba, em vẫn thấy hiển hiện hình ảnh ông hàng rong vác cây đồ chơi và cảm giác mê mẩn kiểu trẻ con chợt sống lại - Huyền Vi quay về phía Đạt, khuôn mặt cô hơi ngửa lên, những đường nét thiếu nữ pha trộn với một vẻ gì đó, chân thật đến gần như ngây ngô và giọng nói của cô bỗng đổi khác, nhưng từ đâu xa vọng lại - Cảm ơn anh đã đi cùng em đến chỗ này để em có thể trò chuyện!
Đạt trở về nhà thức đến khuya. Câu chuyện của Huyền Vi chỉ đơn giản là chuyện trẻ con, không có gì lạ. Điều Đạt lạ lùng là sự hiện diện và cách kể chuyện của Huyền Vi, dường như cô muốn lôi cuốn anh cùng sống lại một thời trẻ con của riêng cô. Chập tối hôm sau Đạt ra đường đã thấy Huyền Vi đứng chờ anh ở chỗ tối hôm qua anh đứng chờ cô. Hai người đi xuôi về phía cuối phố, quãng đường này vắng vẻ hơn, dẫn tới một bãi trống ngổn ngang những đống vật liệu xây dựng. Huyền Vi có vẻ vội vàng, cô vượt lên trước và nói với Đạt:
- Đến đây thì anh phải theo em, em sẽ dẫn anh đi theo lối tắt ngày xưa, chỉ mình em biết. Là vì ngày xưa em bám theo ông hàng rong vác cây đồ chơi, cứ qua khỏi chỗ này là ông ấy biến mất. Em phải đi tìm... Nào, ta đi thôi!
Bên kia bãi trống, cạnh đống cát sỏi cao lù lù có con hẻm càng vào sâu đường càng nhỏ dần, với vô số ngõ ngách. Trong hẻm không có đèn đường, tối tăm và bí hiểm như một mê hồn trận. Đạt không theo kịp Huyền Vi, đôi lúc anh đâm vào ngõ cụt và nghe tiếng cười của Huyền Vi khúc khích ở phía sau: "Rẽ lối này...". Tức là rẽ phải, rẽ phải nữa. Rồi rẽ trái... Hóa ra đã băng sang một đường phố khác, chắc là cách nơi Đạt ở không xa nhưng anh chưa tới bao giờ. Con phố này nhà cửa đứt nối, còn nhiều dấu vết của một phố nghèo, chỉ thấy lều quán và rác rưởi nhưng lại có một hồ nước sáng trắng lên trong đêm.
- Ông hàng rong vác cây đồ chơi thuở bé em đi tìm ấy, ông ta ở chỗ này. Một mái nhà lá trông ra hàng cây bạch đàn ven hồ, bây giờ thì chẳng còn gì nữa, nhưng mấy bậc đá dẫn xuống mặt nước hồ chắc chắn còn. Đây, mấy bậc đá vẫn nguyên ở đây...
Đạt đứng trên bờ cỏ, nắm lấy tay Huyền Vi giữ cho cô lần xuống theo từng bậc đá. Cô khỏa chân xuống nước rồi leo lên, nỗi xúc động vì được trở lại đúng nơi cần trở lại khiến cô quên khuấy bàn tay mình vẫn nằm trong tay Đạt:
- Em tìm thấy nhà ông hàng rong, em nói rằng em chỉ tò mò muốn biết ông làm ra đồ chơi như thế nào? Ông đồ chơi cười, thì cháu cứ xem đi! Một lúc sau ông bỗng nói: "Để ông làm cho cháu cái này, xem cháu có thích không...". Ông lấy một quả bóng nhựa, một đoạn ống giang, dán giấy mầu, tô vẽ rồi gắn chúng vào nhau, thế là thành một cô bé có cái đầu tròn vo với cái mình dài thượt. Nhưng ông gắn cách nào đó, mỗi khi lắc nhẹ cái mình là cái đầu lắc theo, cả hai bím tóc cũng ngoe nguẩy. Ngộ vô cùng. Lúc ấy em nghĩ, đây là em mình, bạn mình mà cũng có thể là mình luôn. Em ôm con búp bê ngộ nghĩnh ấy, chạy ào ra ven hồ, đứng ở đầu bậc đá, giơ cao nó lên, lúc lắc, nó cười với em và em cười với nó...
Huyền Vi nói dồn dập, cô hơi lùi xa rồi lại xích đến gần Đạt, thân thiết tự nhiên như giữa hai đứa trẻ:
- Vẫn chỉ là một câu chuyện trẻ con phải không anh? Nhưng có một ông thợ ảnh, có lẽ phải gọi ông ta là nghệ sĩ thì đúng hơn, không biết ông ta đứng chỗ nào, bấm máy lúc nào, một bức ảnh có mây soi đáy nước, bậc đá xanh rêu với hai khuôn mặt trẻ con soi vào nhau, cùng cười hồn nhiên nhất trên đời. Bức ảnh ấy được in thành tấm bưu ảnh "Tuổi thần tiên", phát hành khắp thành phố, nhiều người có lắm. Em cũng có một tấm giữ được lâu lắm. Rồi chiến tranh chống Mỹ, máy bay Mỹ ném bom vùng ngoại thành, đúng nơi em sơ tán - Em bị vùi trong đống đổ nát, còn tấm bưu ảnh của em bị cháy trong lửa bom... Biết làm thế nào! - Huyền Vi chợt ngừng, giọng cô như thảng thốt - Em đã trở về, nhất định em phải tìm gặp lại ông hàng rong vác cây đồ chơi ngày xưa. Nghe nói ông vẫn ở trong thành phố... Nhưng còn tấm bưu ảnh "Tuổi thần tiên", liệu có thể tìm đâu ra một bức còn xót lại không nhỉ?
Đạt im lặng. Bàn tay anh tìm được bàn tay Huyền Vi, nắm chặt và anh nói quả quyết:
- Anh hứa sẽ đi tìm tấm bưu ảnh cho em. Chắc chắn ở một nơi nào đó trong thành phố phải còn lại một tấm chứ!
Đạt đi tìm tấm bưu ảnh, anh đến các cửa hàng sách cũ, các cửa hàng này ở rải rác, có chỗ sách được xếp thành chồng, bày lên kệ, có chỗ chỉ là một đống hổ lốn, đầy bụi và mạng nhện. Rồi đến những nơi thu mua giấy loại, ở đây có đủ loại báo chí mới và cũ, trong và ngoài nước với đủ loại giấy tờ. Thậm chí theo lời mách anh còn cất công đi tìm mấy tay sưu tập nổi tiếng, họ có cả kho đồ vừa giá trị, vừa chẳng có giá trị gì. Tức là anh đã sục sạo gần khắp thành phố nhưng chỉ là công cốc, chẳng tìm đâu ra tấm bưu ảnh "Tuổi thần tiên". Một lời hứa không vu lợi, nhằm đáp lại ước vọng ngây thơ của Huyền Vi và của chính lòng anh, là lời hứa thiêng liêng, anh không thể bỏ cuộc - Một hôm Đạt cưỡi chiếc cá xanh hay là cá ươn ậm ạch chạy qua trụ sở tòa báo quen, anh chợt nảy ra ý nghĩ nhờ báo đăng cho mấy dòng rao vặt. Đạt ghé vào tòa báo, vừa leo thang gác đến tầng hai thì đụng phải Mánh. Có trời biết cô ta từ góc khuất nào nhảy ra, vồ lấy Đạt:
- ối mình ơi, suốt mấy ngày nay mình lỉnh đi đâu? Định ăn mảnh cái gì? Hãy khai ra!
Đạt vùng vằng:
- Thôi đi, tôi đến đây không phải để tìm cô!
- Mình không tìm tôi nhưng tôi cần tìm mình, đã sao nào. Mình đi theo tôi đến phòng cộng tác viên... - Mánh lôi Đạt đi được mấy bước, chợt cô ta dừng lại - Hay thôi, hôm nay tòa báo họp nội bộ, họ đóng khóa phòng ấy rồi - Ta xuống căng tin...
Phòng căng tin ở bên hông tầng trệt. Đang lúc vắng khách, cô hàng căng tin ngồi ngủ gật phía sau quầy. Mánh gọi cho Đạt lon bia, cho mình ly cam vắt rồi kiếm chiếc bàn kê bên cửa sổ.
- Nào, mình khai ra đi! - Mánh ngồi đối diện với Đạt, cô ta chờ đợi giây lát rồi khẽ cười gằn - Nếu mình không chịu khai thì tôi nói ra hộ mình vậy. Mình đang hóa rồ vì một tấm bưu ảnh xưa cũ được gọi là "Tuổi thần tiên" đúng không?
Đạt bật nói:
- Sao cô biết?
- Mình chạy rông khắp nơi, làm náo động cả thành phố vì cái đó, tất nhiên tôi phải biết chứ. Mình cần cái đó để làm gì tôi không quan tâm, nhưng tôi vì mình đã tìm được nó cho mình. Đây, nó đây...
Mánh rút từ trong túi xách ra tấm bưu ảnh dứ về phía Đạt nhưng chỉ vừa đủ để anh nhận ra nó đúng là "Tuổi thần tiên" thì cô đã thu nó về.
- Hãy thong thả, nghe tôi nói đã... Mình tài giỏi lắm, đã hoàn thành cái công trình điều tra xã hội học về chiếc quần bò vô cùng hoàn hảo. Nhưng cần một chút phù phép để biến nó thành mặt hàng có giá...
Thế là trong giây lát, mối ràng buộc giữa Mánh và Đạt được khôi phục trở lại. Dù muốn hay không Đạt cũng bị xỏ mũi để Mánh lôi đi. Cô ta tỏ ra sòng phẳng đến lạnh lùng: "Mình ơi, mình đang cần có cái "Tuổi thần tiên" còn tôi thì cần đến cái đầu óc của mình...". Hóa ra là công việc điều tra về chiếc quần bò Đạt đã quên khuấy, bây giờ lại quẩn lại với anh. Mánh nói rằng có một địa chỉ đáng tin cậy nhận mua bản điều tra của họ, nó được tiến hành rất đúng quy cách điều tra xã hội học, nhưng với một điều kiện là phải chế biến lại những con số. Thoạt nghe Đạt ngớ người ra, chẳng hiểu gì cả. Mánh cười vào mũi anh, anh đâu đến nỗi thiếu thông minh nhưng đành phải chẻ hoe ra vậy. Trong thành phố có mấy ông sáng kiến ra một cái công ty, gọi là Công ty môi giới tri thức có nghĩa là nó bao gồm mọi thứ nhưng chỉ là môi giới thôi. Họ kiếm được một hợp đồng với Hội đồng tư vấn khoa học, Hợp đồng này đang triển khai một đề tài về phong tục. Đúng lúc quá, chuyện quần bò đúng là chuyện phong tục rồi. Hiềm một nỗi có mấy vị rất sâu sắc và tự tin, mấy vị ấy nhất định cho rằng quần bò không đáng gọi là cái quần. Vậy ta tính sao nhỉ? Hoặc là ta chế biến lại những con số để được nghiệm thu, hoặc là cứ việc nghỉ dài dài, đằng nào hơn nhỉ?
- Tôi không biết - Đạt càu nhàu - chế biến những con số không phải việc của tôi!
- Ơ hay, thế mình định nhường nó cho ai nhỉ? - Mánh lấy từ trong túi xách ra tập tài liệu điều tra, đặt lên mặt bàn, vuốt thẳng - Thôi, đừng cù lần nữa, hãy linh hoạt lên. Ta bắt đầu rà soát từng mục, chế biến sao cho các con số của từng mục tương ứng nhau, khớp nhau, dẫn đến cái kết quả tổng hợp hoàn toàn hợp lý. Mình được học hành, có bằng cấp chuyên môn, mình nhúng tay vào chắc chắn chỉ loáng cái là xong... Sao, mình còn băn khoăn nỗi gì? - Mánh giơ tập tài liệu lên, làm như vô tình để rơi tấm bưu ảnh bị kẹp lẫn trong đó, cô đẩy tấm bưu ảnh về phía Đạt nhưng bàn tay vẫn chặn lên - Đây, cái "Tuổi thần tiên" này là của mình, chắc chắn thế, tôi với mình là một, chẳng qua tôi chỉ tạm giữ hộ mình thôi! - Mánh thu tấm bưu ảnh về và đẩy tập tài liệu sang cho Đạt - Nào, ta bắt đầu nhé...
Đạt đành tặc lưỡi:
- ừ thì bắt đầu!
Đạt không ngờ chỉ một cái tặc lưỡi, chấp nhận cho qua tình thế bị xô đẩy, đã xoay chuyển số phận anh. Chỉ trong một giờ anh ngồi chế biến những con số, thay đổi những phân tích tương ứng, ký tên vào cái bảng gọi là điều tra xã hội học về chiếc quần bò, lập tức Mánh trao cho anh tấm bưu ảnh mà anh đang cần. Ngay buổi tối hôm ấy Đạt gặp Huyền Vi ở nơi anh vẫn thường gặp, bên gốc cây xế cửa nhà và anh trao tấm bưu ảnh cho cô. Huyền Vi gần như nhảy cẫng lên, cô trở lại hồn nhiên như đứa trẻ: "A, đúng là cái "Tuổi thần tiên" của em đây rồi! Mà cũng không chỉ của riêng em. Ai chẳng có một thời ở "Tuổi thần tiên"... Anh xem, cái mầu giấy ngả vàng này người ta gọi là gì nhỉ? à, mầu thời gian... Huyền Vi giơ tấm bưu ảnh về phía quầng sáng ngọn đèn đường dọi qua tán lá cây và cái hình ảnh thần tiên trên nền giấy ngả vàng dường như khẽ rung rinh qua làn sương khói. "Em cảm ơn anh! Mai kia dù em có ở chân mây cuối trời, cứ nhìn tấm bưu ảnh cũ kỹ này, em sẽ lại nhớ về anh!". Lời nói của Huyền Vi thoảng bên tai Đạt và mãi về sau này nó vẫn còn là chỗ bấu víu của anh.
Anh đã thực hiện lời hứa với Huyền Vi, lời hứa không vụ lợi và anh sẽ ghi nhớ mãi những giây phút bên cô, được nghe những chuyện trẻ con của cô.
Một buổi tối sau đó, Đạt chưa kịp ra khỏi nhà để đi gặp Huyền Vi thì Mánh bất ngờ xuất hiện. Mánh không gõ cửa, cứ tự nhiên đẩy cánh cửa ra, bước ào vào nhà và cô nói ngay, như chặn họng Đạt:
- Lại định hỏi vì sao tôi biết cái xó mình vẫn chui rúc và cố tình giấu tôi này, hả? Thôi đi, dẹp những câu hỏi đại loại như thế đi! Tôi là khách không mời nhưng đâu tôi cũng đến. Tôi đến để báo với mình một tin vui. Cái công trình điều tra xã hội học về chiếc quần bò, mà không... phải nói là cái trò chơi láu cá của chúng mình đã được Hội đồng tư vấn khoa học nghiệm thu. Mình là chủ đề tài, tất nhiên lọt vào mắt xanh mấy vị ủy viên hội đồng. Nhưng cái gì cũng phải có thứ tự, mấy vị ủy viên đáng kính ấy chưa ra mặt đâu. Họ ủy cho cái Công ty môi giới tri thức làm môi giới, thử gập mình trước đã. Ông giám đốc công ty muốn tỏ ra có biệt nhỡn, đã cho xe đến đón mình. Xe chờ ở ngoài kia...
Đạt cảm thấy chưa sẵn sàng nhưng Mánh cứ giục cuống quýt, cô gần như áp tải anh ra xe. Chiếc ô-tô con mầu xám, nước sơn đã bạc, chắc là ông giám đốc gạ mua thanh lý được của một cơ quan lớn nhân đợt thay lứa xe đời mới. Nhưng máy xe nổ còn êm. Đạt và Mánh ngồi ở ghế sau, những lúc xe vào cua Mánh lại ngả người cọ sát vào Đạt. Đạt không hưởng ứng cũng không né tránh. Mặc cô ta. Anh quay mặt gần như gí mũi vào tấm kính cửa xe, chăm chú nhìn ra ngoài. Con đường lớn, đèn cao áp sáng xanh. Rồi xe rẽ vào con phố đèn đường thưa thớt, rợp bóng cây, trên vỉa hè có đám trẻ con đang nô đùa. Đám trẻ đuổi nhau quanh các gốc cây rồi tụ cả lại, ngửa mặt lên, nhảy cẫng lên, những cánh tay giơ cao như với cái gì đó. Một cô gái đứng giữa đám trẻ, mái tóc và khuôn mặt cô tỏa sáng trên đầu đám trẻ, và cái gì đó cô cầm trong tay (một đồ chơi, một cành lá, hay một tấm bưu ảnh?) rung rinh ở trên cao hơn. Huyền Vi đấy chăng và cô đang cầm trong tay tấm bưu ảnh tuổi thần tiên để cùng vui chơi với đám trẻ chăng? Đạt thảng thốt kêu lên:
- Dừng xe lại!
Nhưng chiếc xe đã rẽ sang phố khác, cùng lúc Mánh huých nhẹ khuỷu tay vào Đạt và cất giọng nói trơn tuột với chú lái xe:
- Ông này là nhà thông thái nên hay đãng trí lắm. Chú cứ đi đi!
Con phố này không lớn nhưng ở gần trung tâm nên rất đông vui, đèn trong các cửa hàng, quầy hàng hắt ra loang loáng. Xe dừng lại trước một ngôi nhà không có vẻ gì là trụ sở cơ quan nhưng Mánh thì đã thì thầm giải thích: "Đây là chỗ làm việc ban đêm của ông giám đốc. Có thể nói công ty ông có công việc hai tư trên hai tư giờ!". Đạt tự nhiên muốn thoái lui, anh nói:
- Hay là thôi nhỉ? Gặp ông ta để làm gì nhỉ?
- ồ, sao lại thế! - Mánh nhìn vào mắt Đạt vẻ như vừa đe nẹt, vừa van lơn - mình nên nhớ tôi yêu mình, dù mình có yêu tôi hay không, đối với tôi không quan trọng. Tôi yêu mình! - Mánh nhắc lại và đẩy nhẹ vai Đạt - Mình vào nhà đi!
Trong suốt cuộc tiếp xúc, ông giám đốc nói thao thao, còn Đạt chỉ trả lời chiếu lệ. Nhưng ông ta, cái ông giám đốc đáng kính ấy không lấy thế làm tự ái. Ông ta vẫn vồn vã, xởi lởi, lại còn đùa tếu nữa: "ồ không sao, mình được trông thấy mặt cậu thế là vinh hạnh cho mình rồi. Cậu chỉ cần nghe thôi đã đủ quý hóa lắm. Hà hà...". Ông giám đốc tiễn Đạt ra ngoài cửa, bắt tay Đạt không chặt cũng không lỏng và giọng nói của ông nhùng nhằng: "Cái công ty của bọn mình bảo nhỏ hay lớn đều được cả. Nó có mặt mọi lúc mọi nơi. Nó vô hình... Hẹn gặp lại, còn bây giờ thì cậu cứ việc đi đi!". Chiếc ô-tô con mầu xám, nước sơn đã bạc vẫn đỗ lù lù bên đường nhưng không thấy chú lái xe. Không thấy Mánh. Chỉ một mình Đạt đứng trơ. Anh đành cuốc bộ về nhà.
Thành phố này Đạt đã thông thuộc nhưng giữa đường trời bỗng đổ mưa khiến anh bị lạc. Cơn mưa lớn, bất ngờ xối nước xuống ào ào, nhiều quãng phố bị tắt mất đèn đường, những vòm cây ướt sũng bị gió quật tơi tả, lại nghe đâu đó tiếng cành cây bị vặn gãy răng rắc. Đạt bị ướt sũng, dù có dừng lại trú mưa cũng chẳng ích gì, thà cứ liều xông đi. Phố xá quen mà lạ, nổi chìm trong mưa đêm. Có ai đó ở phía trước, lúc nhòa lúc tỏ. Đạt nhận ra hình bóng Huyền Vi đồng thời anh tự nhủ, chẳng qua anh tưởng tượng ra thế, nhưng đúng là hình bóng Huyền Vi đang dẫn dắt anh. Chợt đến lối rẽ, Đạt đang phân vân bỗng nghe bước chân ai đó ở phía sau, anh quay nhìn lại, tất cả đều tối thui, chẳng nhìn thấy gì nhưng cũng rõ ràng anh nhìn thấy Mánh, chỉ là cái hình bóng chập chờn của Mánh bám theo anh. Đạt chạy ào qua đường... cứ thế Đạt định đi theo đường tắt mà hóa ra đi đường vòng, mãi khuya mới đội mưa về đến nhà. Anh vội thay quần áo nằm vật ra giường, lên cơn sốt mê man.
... Bây giờ Đạt đã trên 50 tuổi là một chuyên gia trong lĩnh vực của anh, thường lên thuyết trình trong các cuộc họp của giới chuyên môn, thỉnh thoảng còn lên bục giảng cho sinh viên các trường, coi như "giáo sư" chờ. Anh đã chuyển nhà và có vợ con đàng hoàng. Nghĩa là anh sống như mọi người, ở giữa mọi người. Nhưng có đôi lúc chỉ mình với riêng mình thôi, Đạt lại tự hỏi: "Mình là người thế nào nhỉ?". Hiển nhiên mình là người tốt, chỉ có điều do những thúc ép thực dụng trong cuộc mưu sinh, mình đã làm những việc không nên làm, thậm chí cả việc xấu. Câu trả lời đến với Đạt khi anh nhớ lại trận mưa hơn hai mươi năm trước, với cái bóng mờ ở phía trước và phía sau anh, nó vẫn còn đó như một thách thức định mệnh của đời anh./.

Xem Tiếp: ----