Cũng hôm ấy, ở tại Phủ học sĩ Vĩnh Kỳ đã gặp được người muội thật của mình - Đó là Hạ Tử Vy. Tử Vy trong chiếc áo dài nhung, tư cách cao quý chậm rãi bước tới nhìn người huynh cùng cha khác mẹ của mình, rồi chào thật đúng nghi lễ. - Hạ Tử Vy xin được bái kiến Ngũ A Ca! Vĩnh Kỳ chăm chú ngắm người muội của mình. Chàng hoàng tử có vẻ hài lòng tự giới thiệu: - Tôi tên là Vĩnh Kỳ cô cần phải biết, vai của chúng mình ở đời Vĩnh nếu tính về tuổi tác thì tôi lớn hơn cô, nên cô gọi tôi là Ngũ Ca được rồi. Tử Vy nghe Vĩnh Kỳ nói biết là đã được thừa nhận. Cảm động ứa nước mắt. - Điều huynh dạy vừa rồi, tuy chỉ là mấy chữ, nhưng nó đã đổ được cái gánh nặng mấy trăm tấn trên trái tim muội. Từ Tế Nam muội lặn lội về đây, nửa năm đi đường cộng thêm mấy tháng ở Bắc Kinh, muội đã tìm đủ mọi cách, nhưng đến đâu cũng gặp trắc trở, bế tắc và huynh là người thân đầu tiên muội được gặp. Muội không biết diễn tả thế nào về nỗi xúc động của mình. Tuy là chưa được Hoàng thượng nhìn nhận, nhưng muội cũng rất là sung sướng, vì được huynh nhận là muội trước. Vĩnh Kỳ cũng vô cùng xúc động chàng chợt so sánh Tử Vy và Tiểu Yến Tử như hai thái cực. Tiểu Yến Tử thì vô trật tự, bướng bỉnh, đao to búa lớn. Còn Tử Vy thì dịu dàng, tỉ mỉ, đẹp như một câu thơ. Vĩnh Kỳ thành thật nói: - Rõ là trớ trêu, tôi có một muội như Tiểu Yến Tử trong cung lại có thêm một muội khác như muội ở ngoài hoàng cung. Hai người tính tình khác hẳn. Tôi và Nhĩ Thái trên đường cứ so sánh mãi hai người. Tử Vy hỏi: - Nhưng mà huynh có tin chuyện muội kể không? Có cho là muội đặt chuyện để được làm cát cát không? Nhĩ Thái nói với Tử Vy: - Bây giờ thì sự thật đã sáng tỏ không có gì để nghi ngờ nữa. Chính Tiểu Yến Tử cũng thừa nhận sự việc hết với chúng tôi rồi, cô đừng lo. Tử Vy ngạc nhiên: - Cô ấy thừa nhận rồi? Thừa nhận rồi ư? - Vâng, đã thừa nhận, nhưng cô ấy nói. Tất cả đều là việc ngoài ý muốn. Bởi vì lúc đó có quá nhiều sự việc, quá nhiều sự hiểu lầm, mới tạo ra cục diện như ngày nay, và cô ấy đã khóc. Nói lời xin lỗi cô! Tử Vy bàng hoàng suýt ngất xỉu. Kim Tỏa phải tiến tới đỡ chủ. - Chuyện lớn như vậy mà cô ta chỉ dùng hai chữ xin lỗi là đủ rồi ư? Nhĩ Khang bước tới, thành thật nói: - Tôi nghĩ là, trong lúc này, những gì mà chúng tôi phát hiện, thật ra cũng chẳng giúp ích được gì. Chỉ có cách là để cô và Tiểu Yến Tử gặp nhau mới giải quyết được sự việc. Nhĩ Thái cũng vừa nói cho tôi biết, mấy hôm rày trong cung, Tiểu Yến Tử đã quậy phá đủ thứ chuyện, bây giờ tình hình rất căng thẳng. Cô ấy tạm thời không được ra khỏi hoàng cung, nhưng rồi chuyện đó để chúng tôi liệu. Và quay qua Vĩnh Kỳ, Nhĩ Khang tiếp: - Ngũ A Ca sẽ tiếp chúng tôi một tay chứ? Vĩnh Kỳ nhìn Tử Vy nói. - Vâng, nhưng mà Tử Vy, cô có thể giúp chúng tôi điều này không? - Ngũ A Ca đừng khách sáo gì cả, cần dạy bảo điều gì cứ nói? - Bất luận sự việc xảy ra như thế nào, tôi tin là Tiểu Yến Tử nói đúng, cô ấy đã bị nhập vai một cách chẳng đặng đừng, chứ chẳng cố ý. Và bây giờ tính mệnh cô ta rất nguy hiểm. Vì vậy cô muốn hành động gì cần phải cân nhắc, đừng khuấy động mà tổn hại cô ấy. Tử Vy yên lặng nhìn Vĩnh Kỳ. Trong cái ánh mắt đầy quan tâm của vị hoàng tử trẻ đẹp kia. Tử Vy đã thấy một phần tình cảm dành cho Tiểu Yến Tử. Hay là huynh ấy đã yêu? Cũng có thể là khí phách của người thanh niên, muốn bảo vệ, che chở cho một cô gái yếu đuối. Và Tử Vy bỗng giật mình. Như vậy thì Tiểu Yến Tử là người có nhiều hấp lực thật. Bất cứ một người nào đến gần đều như bị cuốn hút, đều có cảm tình với cô ta. Tử Vy không biết mình có ganh tị với Tiểu Yến Tử không? Nên vui hay buồn đây? Chuyện của Tiểu Yến Tử đã làm nên tha thứ hay thù ghét? Có cần giữ vững tình cảm cũ không? Không biết, chỉ thấy là khi nghe kể chuyện về Tiểu Yến Tử trong cung, thấy Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái có vẻ quan tâm đến sự an nguy của Tiểu Yến Tử quá. Sự tức giận lúc đầu của Tử Vy cũng bị lung lay giận cũng không giận được, nhưng... Tử Vy lại thấy nhức đầu vì cái trạng thái phân vân đó và không biết xử lý ra sao. Ba ngày sau, Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái lại mang về Phủ học sĩ một bức thư dày cộm của Tiểu Yến Tử. Điều này khiến Tử Vy ngạc nhiên. - Thư của Tiểu Yến Tử gởi cho tôi à? Cô ấy làm sao biết chữ mà viết thư? Mấy người dựng chuyện ư? - Vâng một bức thư rất dày, cô ấy còn cứ dặn dò mãi là phải đích thân giao lại cho cô, nói là phải bỏ ra nguyên một đêm mới viết được bao nhiêu đấy! Tử Vy mân mê bức thư trên tay, Nhĩ Khang, Nhĩ Thái, Vĩnh Kỳ, Phước Luân, Phước Tấn và cả Kim Tỏa đều tò mò nhìn, muốn biết bên trong viết cái gì. Nhĩ Khang thắc mắc: - Cô nói là Tiểu Yến Tử mù chữ mà? - Vâng, ngay cả khi cô ấy bảo tôi dạy cô ta viết tên tôi. Tôi đã bỏ ra cả mấy buổi cô ta mới tập được, còn cằn nhằn là chữ gì mà nhiều nét như vậy. Vì vậy nghe nói cô ta viết thư, tôi mới thấy ngạc nhiên đấy chứ. Mọi người nhìn lên bao thư bên ngoài, rõ ràng là thấy hai chữ “Tử Vy" viết rất nguệch ngoạc. Tử Vy bắt đầu xé phong bì. Bên trong là cả một xấp giấy, nhưng chẳng có một chữ nào ngoài mấy bức tranh. Bức thứ nhất vẽ hình một con chim nhỏ, bị mũi tên xuyên qua người, nằm trên mặt đất, chung quanh có một số đông người vây quanh. Bức thứ hai vẽ chú chim nhỏ nằm trên giường có một người mặc áo long bào rút tên ra mà chảy nước mắt, xa xa cũng có một đóa hoa khóc. Bức thứ ba, vẽ chú chim ngồi trên giường đang khóc, một số người nâng chiếc mão cát cát đến đặt lên đầu chú chim. Người mặc long bào đứng gần đó cười. Bức thứ tư vẽ đóa hoa và con chim nhỏ đang ngậm chiếc mão cát cát đến cho đóa hoa. Tử Vy xem xong bốn bức tranh thì nước mắt lưng tròng, trao tất cả những bức đó cho Nhĩ Khang, nghẹn ngào nói: - Bây giờ thì tôi đã rõ. Tiểu Yến Tử không cố tình lường gạt tôi, mọi thứ đều có nguyên do cả. Cô ấy đã bị thương đúng không? Vậy sao chẳng ai cho tôi biết? Vết thương do tên bắn đó có nặng không? Mọi người xúm lại xem tranh, có cái hiểu cái không. Vĩnh Kỳ nhíu mày: - Chẳng ai nói cho Tử Vy biết là Tiểu Yến Tử đã vào cung bằng cách nào à? Vâng, chính mũi tên của tôi bắn ra đã làm cô ấy bị thương, vết thương rất nặng tưởng là không cứu được. Tiểu Yến Tử đã mê man trên mười mấy ngày. Tử Vy lắc đầu: - Nào có ai cho tôi biết, mọi người đã giấu tôi điều đó. Nhĩ Thái ngạc nhiên: - Vậy mà tôi tưởng cô đã biết rồi. Huynh của tôi chẳng kể cho cô nghe ư? Nhĩ Khang nói: - Tôi thì cứ tưởng Nhĩ Thái đã nói. Vậy là chúng ta chẳng ai nói chuyện đó cả. - Chuyện này rồi từ từ sẽ nói vậy... Nhĩ Khang lắc lắc phong thư trên tay hỏi Tử Vy: - Tất cả những cái này, cô xem hiểu hết rồi chứ? Tử Vy gât. đầu: - Vâng hiểu cả rồi. Bà Phước Tấn và Phước Luân cầm thư lên lắc đầu: - Bọn tôi thì chưa hiểu! Tử Vy trịnh trọng: - Vậy thì để tôi giải thích nhé. Con chim nhỏ là Tiểu Yến Tử, còn đóa hoa cô ấy chỉ tôi. Khi con chim nhỏ gặp nạn, đóa hoa đã khóc. Con chim nhỏ bị Hoàng thượng lầm tưởng là con nên yêu quí hết mình. Khi tỉnh dậy đã bị phong chức cát cát rồi. Đó là chuyện chẳng đặng đừng con chim nhỏ biết lỗi của mình. Hẹn là có ngày nào đó sẽ mang chức cát cát trả lại cho đóa hoa. Tử Vy giải thích một cách rành rọt, làm mọi người ngạc nhiên. Giải thích xong cười nói: - Đấy, chuyện thế ấy, cô ấy đã nói rõ mọi sự việc. Vĩnh Kỳ nhìn Tử Vy: - Cô quả là thông minh! Bà Phước Tấn cầm mấy bức tranh lên: - Chẳng có lấy một chữ, mà cô đọc vanh vách như một bức thư, hay thật! Ông Phước Luân thì đứng dậy nghiêng người trước mặt Tử Vy. Mãi đến giờ này mới công nhận Tử Vy là cát cát: - Phước Luân này rất hân hạnh được một cát cát thật tạm trú trong nhà, nếu có gì không hài lòng, cát cát cứ cho biết nhé! Tử Vy đỏ mặt đứng ngay người lại: - Quý vị đừng làm tôi ái ngại. Thật ra lúc nhận được thư của Tiểu Yến Tử tôi đã mừng quá, nên mới đọc được vậy, tất cả chỉ là trò chơi đọc hình thôi. Vĩnh Kỳ nói: - Tôi cam đoan, nếu cô mà ở cạnh Hoàng A Ma, người sẽ yêu thích lắm đấy. Tử Vy nghe đến điều đó, sa sầm nét mặt: - Không giấu chi mọi người. Từ khi tôi phát hiện ra chuyện Tiểu Yến Tử giả làm cát cát. Lòng tôi lúc nào cũng buồn cũng hận. Nhưng mấy ngày qua nghe quý vị phân tích sự việc. Thấy rõ những nguy hiểm có thể xảy đến. Tôi mới thấy sự hiện diện của tôi không những có thể uy hiếp sự sống của Tiểu Yến Tử mà còn liên lụy đến nhiều người. Rồi hôm nay đọc xong thư của Yến Tử. Tôi chợt thấy không còn hận còn ghét cô ấy nữa, bởi vì... Tử Vy ngước lên nhìn Nhĩ Khang: - Như điều huynh đã nói, biết đâu đó là sự sắp đặt của trời cảo Mọi thứ trên đời này đều có nhân quả của nó. Tôi tin điều đó. Nhĩ Khang nhìn Tử Vy chưa hiểu, thì Tử Vy lại tiếp: - Tình hình hiện nay, nếu tôi lộ diện để nhìn cha thì có thể đưa đến hai hậu quả. Một là nếu Hoàng thượng mà tin tôi, thì Tiểu Yến Tử sẽ chết, còn nếu không thì kết quả sẽ ngược lại Ông Phước Luân gật đầu: - Cô phân tích rất đúng, điều này cho thấy cô đã suy nghĩ cặn kẽ. - Và bất luận là Tiểu Yến Tử chết hay là tôi chết đều là chuyện không haỵ Ông trời đã cố tình đưa Tiểu Yến Tử vào cung để cô ấy đóng giả vai cát cát, thay tôi làm vui Hoàng thượng, thì có lý nào tôi không hài lòng? Vì vậy thôi thì hãy để cho Tiểu Yến Tử trọn vai Hoàn Châu cát cát đi. Còn tôỉ Sẵn sàng làm một Hạ Tử Vy dân dã. Ở đây chỉ có quý vị là biết cái bí mật này. Vậy thì hãy giữ lấy dừng để ai biết nữa vậy. Lời của Tử Vy làm mọi người có mặt cảm động. Nhĩ Khang nắm lấy tay Tử Vy chân tình: - Những điều cô nói, thật ra nó đã khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều, nhưng chẳng ai nói ra thôi. Bây giờ chính miệng cô nói ra, làm chúng tôi nhẹ hẳn. Đó là một sự thiệt thòi nhưng cô đã vì đại sự, vì sự sống còn của Tiểu Yến Tử mà suy nghĩ chuyện đó làm chúng tôi rất khâm phục. Tử Vy, tôi cả quyết với cô, sự hy sinh đó sẽ không là vô ích, rồi ông trời sẽ mang đến một hạnh phúc khác cho cô chắc chắn điều đó sẽ đến! Nhĩ Khang nói một cách thuyết phục. Phước Luân và Phước Tấn phải nhìn nhau kinh ngạc. Cả phòng yên lặng, chỉ có mình Kim Tỏa là khóc rấm rứt. - Nhưng mà... tiểu thư... lời dặn dò của bà lúc lâm chung thì sao? Tử Vy quay lại nhìn Kim Tỏa cười: - Kim Tỏa này, đừng bứt rứt như vậy? Ta nghĩ là vât. mà mẹ ta muốn ta trao lại cho cha thì Yến Tử đã thay ta làm rồi. Và qua cái thái độ của nhà vua đối với Tiểu Yến Tử, ta biết là người không hề quên mẹ ta, như vậy là đủ, mẹ ta hẳn mỉm cười nơi chín suối. Còn chuyện ta có được làm cát cát không? Chỉ thứ yếu thôi! Tử Vy quay qua Vĩnh Kỳ nói: - Ngũ A Ca này, hãy đem điều tôi nghĩ nói lại cho Tiểu Yến Tử biết nhé? Vĩnh Kỳ gật đầu: - Vâng, em hãy yên tâm, tôi sẽ nói lại cho cô ấy nghe đúng từng chữ một! Vì thế mà chiều hôm ấy ở Thấu Phương Traị Tiểu Yến Tử đã nghe tường thuật lại đầy đủ sự việc ở Phủ học sĩ trong buổi đọc thư của mình và những lời phát biểu của Tử Vy. Tiểu Yến Tử vô cùng xúc động, nhưng vẫn nhìn Vĩnh Kỳ với ánh mắt ngờ vực - Tử Vy tha thứ cho tôi? Không giận tôi nữa ư? Có thật không? Đích thân cô ấy nói chứ? Vĩnh Kỳ vui lây trước cái vô tư của Tiểu Yến Tử, nói: - Tiểu Yến Tử này, tôi thành thật nói cho cô biết. Tôi sinh ra trong gia đình vương đế, chung quanh tôi các dì các cô, các cát cát đều được giáo dục theo rập của cung đình, nên chẳng thấy ai giống hai cô cả, một là cô, một là Tử Vy. Cô thì tính tình cương trực phóng khoáng, thích gì nói nấy, và Tử Vy thì công dung ngôn hạnh, làm thơ vẽ tranh đều giỏi. Cả hai vượt trội hơn các cát cát còn lại trong cung. Tiểu Yến Tử có vẻ không hài lòng nói: - Đừng có nói chuyện cát cát này, cát cát nọ mệt lắm. Tôi chỉ cần biết là Tử Vy không chửi tôi không hận tôi... mà lại còn đọc tranh của tôi được nữa... Thế là quý lắm rồi. Huynh không có gạt tôi chứ? Thế sao mỗi lần nằm mơ, tôi lại thấy Tử Vy muốn giết tôi thôi, Tử Vy hận tôi lắm! - Tôi không gạt đâu, cô ấy nói là tha thứ cho cô rồi! Tiểu Yến Tử bấy giờ mới tin, cô ta nhảy thót lên như chú chim muốn bay ra ngoài cửa sổ. - Trời đất ơi, Tử Vy đã tha thứ cho tôi rồi! Tử Vy đã hiểu cho tôi! Tôi đã nói rồi mà. Kết nghĩa tỉ muội là thật chứ đâu giả đâu. Trên có ngọc hoàng, dưới có diêm vương, họ đã nhìn thấy tất cả, nhưng mà không được! Tiểu Yến Tử lại quay qua, nắm lấy tay Vĩnh Kỳ: - Làm gì làm, tôi cũng phải trả lại cái chức cát cát cho Tử Vy chứ? Bắt buộc tôi phải trả. Huynh hãy nghĩ cách giúp tôi xem. Để tôi trả lại chức cát cát cho muội ấy mà không phải bị chém đầu. Tôi... tôi không thích làm cát cát nhưng còn thích sống lắm! Vĩnh Kỳ giật mình nhìn quanh: - Nói nhỏ một chút nào, cô định để cho mọi người đều biết chuyện này ư? Cô đã làm Hoàng hậu bực mình lắm rồi, nên bây giờ quanh đây đều có tai mắt của Hoàng hậu. Cẩn thận khéo người khác biết chuyện thì nguy! Tiểu Yến Tử chợt nghĩ gì, đưa mắt đăm đăm nhìn Vĩnh Kỳ e ngại. - Huynh... huynh gọi Hoàng hậu là Hoàng Ngạc nương, chữ đó nghĩa là gì? Có phải là mẹ ruột không? - Không, chẳng qua vì bà ấy là Hoàng hậu, nên tôi phải gọi thế, chứ mẹ ruột tôi là bà Du Phi, đã qua đời. Con ruột của Hoàng hậu là Thập Nhi. A Ca chứ không phải tôi. Tiểu Yến Tử thở phào, luôn miệng: - A di đà Phật! A di đà Phật! - Cô khỏi phải A di đà Phật! Vì nếu thât. tôi là con ruột của Hoàng hậu, tôi sẽ nói giúp được rất nhiều điều cho cô! Đằng này, ngày thường Hoàng hậu đã không ưa cô, bây giờ thêm tôi nữa! - Thế tại sao Hoàng hậu lại ghét huynh? - Tự cổ chí kim, chuyện cung đình nào chẳng thế? Lúc nào cũng là tranh giành quyền lực thôi! Đừng nói chuyện đó nữa, mệt lắm! Quay sang nhìn Tiểu Yến Tử, Vĩnh Kỳ nói: - Cái nguy cơ của cô giờ đã giảm bớt, khi Tử Vy chịu để cô yên, nghĩa là cô vẫn có thể tiếp tục đóng vai Hoàn Châu cát cát vậy thì đừng có nói năng lộn xộn mà đổ bể nghe. - Thú thật với huynh, tôi hiện không còn kiên nhẫn rồi, hãy tìm cách cứu tôi ra khỏi nơi này đi! - Được thôi, nhưng trước khi tôi tìm ra giải pháp thì cô làm ơn nhẫn nhịn đừng quậy phá giùm tôi nhé! Tiểu Yến Tử gật đầu, Vĩnh Kỳ lại dặn dò: - Tốt nhất là cô đừng có đối kháng với Hoàng hậu nữa. Ở trong cung bà ấy là tối thượng. Đụng chạm đến bà ta sẽ chỉ có thiệt thòi thôi. Lời của Vĩnh Kỳ nhẹ nhàng như lời của huynh trưởng dạy muội, làm cho Tiểu Yến Tử cảm động và để diễn tả sự xúc động của mình Tiểu Yến Tử đã thẳng tay đấm mạnh vào ngực của Vĩnh Kỳ nói: - Huynh yên tâm, tôi đã không bị chết vì mũi tên của huynh thì sẽ sống dai lắm, sẽ không để rụng đầu đâu! Vĩnh Kỳ lắc đầu: - Tôi vẫn còn chưa yên tâm, nếu sau này mà cô bị cắt đầu, thì tôi thấy cô chết vì mũi tên lần trước của tôi vẫn hơn, tình nghĩa hơn? Tiểu Yến Tử ngước lên: - Huynh nói gì thế? Vĩnh Kỳ nhìn ra cửa sổ lắc đầu: - À!... À!... không có gì hết! - Thôi đừng có dài dòng nữa. Nói đi, chừng nào huynh mới có thể sắp xếp để tôi gặp được Tử Vy? - Từ từ... - Tại sao phải từ từ? Huynh không biết là tôi đang gấp lắm không? Hoàng A Ma bảo tôi là bắt đầu ngày mai phải đến thư phòng học chữ như bọn huynh. Mới nghe nói mà chưa gì đầu như muốn vỡ ra. Tôi mà làm sao học hành? Một chữ còn không xong, nghe nói Kỷ sư bá rất giỏi. Muội sợ đến đấy rồi mọi thứ đổ bể cả, phải làm sao đây? Vĩnh Kỳ nhìn Tiểu Yến Tử cười: - Sợ gì? Ở đấy có tôi và Nhĩ Thái, rồi chúng tôi sẽ giúp cô. Khi bị Kỷ sư bá truy bài, cô cứ nhìn về phía tụi này, bọn này sẽ ra hiệu cho, chẳng để cô bị mất mặt dâu mà lo. - Cái gì? Còn bị khảo hạch, truy bài nữa à? Thế thì chết tôi rồi! Chết rồi! Tiểu Yến Tử kêu khổ, rồi thở ra: - Muốn làm cát cát sao mà rắc rối vậy? Nếu sớm biết vậy, tôi đã để Tử Vy làm hay hơn. Tiểu Yến Tử buông người trên ghế, có cảm tưởng như trời sắp sập đến nơị Thực ra thì các cát cát thanh triều không nhất thiết phải đi học chữ. Chuyện này chỉ dành riêng cho các hoàng tử, mặc dù vua Càn Long nói là con trai và con gái Mãn Châu được giáo dục gần ngang nhau, thực tế lại không bình đẳng như vậy. Con gái có muốn học hay không, không thành vấn đề. Con trai nhất là con trai hoàng tộc, phải học cả văn lẫn võ. Có điều con gái hoàng tộc vì lý do để được trở thành Vương Phi, bắt buộc phải học hỏi lễ nghi chữ nghĩa. Nhưng chuyện học này có tính tự nguyện và có thể tự học, vua Càn Long là người giỏi đủ cầm kỳ thi họa, thì đương nhiên các cát cát cũng phải có trình độ văn hóa khá, chính vì vậy mà khi thấy Tiểu Yến Tử một chữ cũng không biết, ông cảm thấy không hài lòng. Ông thường nói với đám quần thần, người mà không học thì giống như thú hoang, lỗ mãng, mà vua thì lại ghét nhất điều đó. Cũng chính vì vậy mà Hoàn Châu cát cát trở thành cô cát cát đầu tiên phải bước vào thư phòng. Hôm ấy do tính cẩn thận, nhà vua cũng muốn xem Tiểu Yến Tử học hành ra sao, nên đích thân vua đưa Tiểu Yến Tử đến thư phòng. Đám hoàng tử và mấy công tử con đại thần được học theo. Vừa thấy Hoàn Châu cát cát bước vào là mừng rỡ lên. Bởi vì cánh rừng mà có thêm một bông hoa làm dáng thì đương nhiên phải vui tươi hơn nhiều. Nhưng rồi lại thấy sự hiện diện của vua Càn Long, họ lại thấy bất an. Thầy Kỷ Hiểu Phong lặng lẽ nhìn Tiểu Yến Tử. Đương nhiên là thầy đã biết quá rõ về những hành vi quậy phá của Tiểu Yến Tử vừa qua. Chuyện đồn khắp cung đình, có ai không biết? Vậy mà khi nhìn cô cát cát nổi tiếng kia rụt rè, ngơ ngác như nai ngồi giữa Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái ông hơi ngạc nhiên. Chuyện giáo dục cô cát cát lại có vua đích thân dự thính hẳn là quan trọng. Trọng trách đương nhiên nặng nề nhưng trước hết cần phải thăm dò trình độ cô nàng ra sao đã. Thầy Kỷ Hiểu Phong cười thân thiện, rồi cất cao giọng nói: - Hôm nay lần đầu tiên cát cát nhập học. Thần nghĩ, thôi thì bỏ hết sách vở nặng nề qua một bên, mình làm cái chuyện nho nhỏ vui vui thôi, cát cát thấy thế nào? Tiểu Yến Tử nghe nói khỏi đụng đến sách là mừng quýnh, vội vã gật đầu. - Vậy thì chúng ta bắt đầu bằng trò chơi chữ nhé? Trước hết làm thơ rút chữ vậy. Có nghĩa là một bài thơ có bốn câu, câu đầu bảy chữ chẳng hạn, thì câu kế chỉ được năm chữ, kế tiếp là ba chữ, sau cùng chỉ còn một chữ thôi. Rồi quay qua đám học trò nam: - Công tử nào giúp đặt câu đầu tiên cho cát cát nào? Còn cát cát thì muốn tiếp nối ở câu nào cũng được. Tiểu Yến Tử ngồi đó như vịt nghe sấm. Thơ rút chữ là thơ gì? Mà thế nào là thơ, nàng còn không biết. Kiểu này chắc chỉ còn cách kiếm một cái lỗ nào rồi chui vào đấy. Đang nghĩ ngợi thì nghe Vĩnh Kỳ ứng lên: - Bốn phía vuông vức một tòa lầu! Nhĩ Thái thấy Tiểu Yến Tử ngồi yên, nên đọc tiếp: - Treo cao một cái chuông! Vĩnh Kỳ thấy Tiểu Yến Tử vẫn ngơ ngác, bèn đọc tiếp: - Đụng một cái! Bây giờ chỉ còn một chữ duy nhất. Vậy mà Tiểu Yến Tử vẫn ngồi yên. Kỳ bèn lấy chén trà lật úp lại, lấy cây quạt đập lên, xong ra dấu. Tiểu Yến Tử nhìn một lúc rồi lên tiếng: - Cốp! Vĩnh Kỳ, Nhĩ Thái và cả đám học trò khác vỗ tay, vừa cười nói. - Đúng! Đúng rồi! Ha ha! Cái chuông bằng gỗ! Tiểu Yến Tử chớp chớp mắt hỏi: - Tôi đã đúng rồi ư? Tôi làm được ư? Vĩnh Kỳ đưa ngón tay lên: - Đúng rồi! Đúng rồi! Hay lắm! Trong khi vua Càn Long cũng lắc đầu cười: - Đó không phải là nối thơ mà đoán thơ thôi! Thầy Kỷ Hiểu Phong ra cái đề thứ hai: - Tiếp theo đây tôi ra một bài thơ chưa đủ chữ, cát cát sẽ thêm vào cho thành một bài thơ hoàn chỉnh. Ví dụ sau "tròn, khuyết, loạn, yên" đấy. Nãy giờ tôi thấy Ngũ A Ca có vẻ nhiệt tình lắm. Vậy Ngũ A Ca hãy làm mẫu bài này cho cát cát xem đi. Vĩnh Kỳ suy nghĩ, rồi nhìn Tiểu Yến Tử, chàng biết là dùng chữ càng đơn giản càng tốt, để Tiểu Yến Tử hiểu mà bắt chước, nên đọc: Trăng rằm tròn thật tròn Mùng bảy mùng tám khuyết Sao mọc loạn cả trời Mây đen kéo đến yên ngay. - Khá lắm! Thầy Kỷ Hiểu Phong gật đầu nhưng không hài lòng lắm, bài thơ gì mà nghe chẳng có ý thơ chút nào, nghe quá bình dân. Nhĩ Thái nhảy vào cuộc. Nghĩ là Vĩnh Kỳ chọn đề tài trăng sao xa vời quá, với Tiểu Yến Tử, nên chọn cái gì gần gũi cuộc sống hơn, nên đọc Bánh trung thu rất tròn Cắt đi thì sẽ khuyết Chuột ngửi mùi kêu loạn Mèo lên tiếng yên ngay. Bài thơ của Nhĩ Thái làm đám học trò ôm bụng cười lăn. thầy Kỷ Hiểu Phong và vua Càn Long nhìn nhau. Biết là Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái đang ra sức hổ trợ cho Tiểu Yến Tử nên lắc đầu. Thầy Kỷ Hiểu Phong hướng về phía Tiểu Yến Tử: - Nào, bây giờ đến phiên cát cát đấy! Thử đi! Tiểu Yến Tử giật mình, nhưng vẫn tỉnh bơ hỏi: - Thế không thử không được sao? - Thì thử xem, chuyện này đâu có gì khó đâu - Nhưng nếu tôi thử không đúng, không hay thì... - Chẳng sao cả, trật thì sửa, tu chỉnh lại cho hay hơn. Tiểu Yến Tử quay qua nhìn Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái nháy mắt khuyến khích. Tiểu Yến Tử biết khó lòng mà không điền thơ, nên thở ra rồi nói: - Vâng, vậy thì thử! Rồi cất cao tiếng đọc: - Thầy có đôi mắt tròn Vừa dứt câu cả lớp đã cười rộ lên, Tiểu Yến Tử cố gắng đọc tiếp: - Một thoi đưa tới thì tròn khuyết ngay. Cả lớp cười càng dữ hơn. Tiểu Yến Tử đọc câu số ba: - Ai ai thấy cảnh cười loạn cả. Lần này thì cả lớp ôm bụng cười lăn. Lớp học chẳng còn ra thể thống gì cả. Thầy Kỷ Hiểu Phong đỏ ngượng mặt, gõ thước lên bàn vẫn không dập được tiếng cười. Vua Càn Long cũng tức cười, nhưng để cứu vãn tình thế, vua không thể không nghiêm sắc diện và tằng hắng một tiếng - Hự! Đám công tử, hoàng tử đang cười, nghe tiếng vua, vội vã im khe. Tiểu Yến Tử thấy vậy đọc tiếp: - Chỉ lúc vua "gằn" mới sợ yên. Tiếng cười lại nở rộ lên. Lần này cả vua Càn Long cũng không nín được, đành lắc đầu. Tiểu Yến Tử thấy mình làm trò cười cho mọi người, vừa lo vừa sợ, hết nhìn vua lại nhìn thầỵ Sực nhớ lại lúc ở ngoài đời có nghe lóm được hai câu đối của Tử Vy thường đem ra nói lúc vui. Và nghĩ, ông ta đã thử tài mình thì mình phải thử sức lại mới oai, nên nói: - Xin Hoàng A Ma đừng buồn, con không dốt lắm đâu ở ngoài con cũng học được nhiều thứ lắm chứ. Này này để con ra một câu đối xem thử các vị đây có đối được không chứ. Vua Càn Long nghe vậy rất hài lòng: - Ồ! thế à? Hiểu Phong, khanh đã nghe rồi chứ? - Vâng thần đã nghe, xin cát cát ra câu đầu đi ạ. - Vậy thì nghe đây! Rồi Tiểu Yến Tử đọc: - Dê núi lên núi, sừng dê núi đụng núi “He!” Chữ He cuối cùng cũng là tiếng kêu của dê. Thầy Kỷ Hiểu Phong giật mình, câu đối gì lạ vậy? Làm sao đối đây? Trong khi đám hoàng tử thì đang xì xào bàn tán. Vua Càn Long cũng có vẻ nghĩ ngợi. Thấy mọi người cứ mãi suy nghĩ. Tiểu Yến Tử đắc ý, giả giọng thầy hỏi: - Sao thế nào? Ai đối được đây? Đám công tử, hoàng tử chỉ biết lắc đầu cười, Tiểu Yến Tử quay sang thầy: - Còn thầy thì sao? Thầy Kỷ Hiểu Phong đỏ mặt, chấp hai tay lại: - Xin cát cát chỉ giáo cho! Tiểu Yến Tử vừa cười hì hì vừa nói: - Câu đối sau ư? Vậy là thế này: Trâu nước xuống nước, mũi trâu nước ngập nước "Ộp!”. Chữ "Ộp!” cuối cùng cũng là tiếng trâu nước kêu. Vua Càn Long thích chí vỗ tay: - Ha ha! Thì ra là vậy! Thì ra là vậy! Thầy Kỷ Hiểu Phong cũng cười, ông biết chắc một điều, câu đối không phải do Tiểu Yến Tử đặt ra, vì đây chỉ có thể là của người có học. Không những có học mà phải học rộng, nhưng thấy vua thích thú như vậy, ông cũng nói theo. - Thật là biển học mênh mông! Hoàn Châu cát cát, hôm nay xin bái phục! Bái phục! Đám công tử, hoàng tử vỗ tay, Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái cũng thấy vui lây. Tiểu Yến Tử cười thật tươi, nhưng trong lòng tự nhủ. - Hay thật! Nếu không học được chiêu này của Tử Vy thì hỏng. Chiêu này tuyệt thật! Hạ đo ván được cả sư phụ ta! Và trong cái vinh quang giả tạo đó. Tiểu Yến Tử có cảm giác mình như người hùng. Vĩnh Kỳ và Nhĩ Thái càng được dịp phô trương cổ vũ cho cát cát. Chưa có lúc nào thư phòng trong cung, lại vui thế này.