Không biết Thanh là con trai hay gái vì cùng các cháu trai Thanh cũng chơi bắn đạn đánh trổng, lính kín ăn cướp không thua kém bao nhiêu. Cũng nhanh nhẹn trèo cây chuyền cành nầy sang cành khác, học đánh boxe quyền Anh. Còn với bạn học cùng lớp, nhảy giây, đánh nhà, đánh búng đánh tên, Thanh cũng được bạn bè xem như là nồng cốt trong đám.
Mồ côi sớm, Thanh luôn tâm niệm nhẩm nhớ những lời cha dạy mà Thanh gọi là cậu như bao người khác quê Thanh lúc bấy giờ. Từ ngày có chút hiểu biết, Thanh thường theo cậu một bên như cái đuôi. Biết nói là cậu dạy đánh cờ tướng, theo cậu đến Hội Tao đàn xem các bạn cậu xướng họa, ngâm thơ. Mê nhất là được nằm võng với cậu để nghe anh Tám tối tối ngân nga đọc truyện Tàu, Nhạc phi, Tam quốc. Bé quá có hiểu gì đâu nhưng được nằm trên cánh tay cậu, nghe cậu kể chuyện đời xưa đời nay là sung sướng lắm rồi, ngủ quên lúc nào không hay, lịm vào giấc mơ trong vòng yêu thương của cha mẹ. Theo lời họ hàng, bé rất giống cậu, bé thích lắm:" Con gái giống cha giàu ba họ " mà! Bé cũng muốn rập khuôn như cậu, đi đứng ngay ngắn không uốn éo như rắn liu điu mà phải khoan thai nhẹ nhàng, mắt nhìn thẳng đằng trước không được liếc xéo dọc ngang. Càng không nên chạy nhảy giỡn hớt ngoài đường vì:
"Ði đâu mà vội mà vàng,
Mà vấp phải đá mà quàng phải giây "
Làm sao quên được những lần về thăm ngoại, đi ngang nơi nào cậu đều kể về lịch sử di tích, điểm đặc biệt độc đáo của nơi ấy, cậu đối với bé như là bầu chữ của thế gian, bé chỉ biết uống lời nói cậu như rót mật vào lòng. Ngồi trên xe, tiếng roi vóc của chú Ba lâu lâu quất nhẹ trên mình ngựa, tiếng vó ngựa vang đều trên đưòng đá đỏ, bé được mặc áo đẹp ngồi giữa cậu má, khi nũng nịu nép mình bên nầy lúc dựa bên kia. Cậu bé không bao giờ to tiếng dạy con, luôn để ý chỉ dẫn từng ly từng tí, từ cầm đũa, cầm viết, cách lạy, kiểu chào. Bé trở thành đứa bé ngoan, biết vâng lời, học giỏi, lễ độ được cảm tình của mọi người.
Nhưng dòng đời đâu trôi chảy êm xuôi mãi. Một hôm, Thanh được gọi theo mẹ vào bệnh viện thăm cậu. Thanh còn nhớ rõ hình ảnh cậu nằm trên giường, vẫn bình thản khi thấy Thanh đứng ngoài cửa chưa dám vào. Cậu vẫy tay gọi và ra dấu bảo Thanh leo lên giường ngồi bên. Nhưng Thanh nhớ cậu quá, lâu rồi bé không được rúc mình trong vòng tay cậu, nghe cậu kể chuyện ru cho bé ngủ, không được cậu vò vò đầu cho đến lúc ngủ quên để rồi cậu phải bế bé vào giường ngủ say đến sáng. Thế rồi con bé cũng không ngăn được nữa, nhào đại vào lòng cậu ngủ ngon lành cho đến khi mẹ vào gọi dậy la một trận nên thân. Từ đó, sau giờ học, bé vội vào bệnh viện ngay thăm cậu nhưng nhớ lời mẹ dặn chỉ được đứng lấp ló ngoài cửa cho đến khi nào cậu ra hiệu mới vội chạy vào ôm cánh tay cậu một hồi lâu rồi...chào cậu ra về.
Bé cũng nhớ như in ngày cậu được đưa về nhà, bé mừng biết bao nhiêu vì trong thâm tâm non nớt của bé, bé nghĩ là cậu không còn xa bé nữa. Từ nay, bé tự hứa sẽ ngoan ngoãn hơn và nhất là đừng ngủ quên bắt cậu phải ẵm vào giường. Lạ là từ ngày cậu về nhà, bé không được tự do vào phòng thăm cậu. Không khí trong nhà có vẻ rộn rịp khác thường, vẻ mặt mọi người dường như đăm chiêu lạ, giọng nói của mẹ thều thào hơn và mắt mẹ như chực khóc. Bé không bao giờ ngờ đó là những ngày cuối đời của cậu. Rồi một hôm đang ngủ, bé đươc gọi dậy để đến phòng cậu. Cậu nằm bất động áo dài khăn đóng chỉnh tề. Bé chưa hiểu gì cả, không ai cho bé đến gần giường, cả nhà đứng quanh cầu nguyện, đèn đuốc được đốt sáng lên hơn. Bé chỉ thấy cậu nằm rất thư thản, mắt nhắm nghiền, da dẻ như trắng bệch ra. Một cảm giác lạnh toát làm bé run lên, bé chợt hiểu trong nước mắt và tiếng khóc uất nghẹn:
"Cậu bỏ con rồi sao, cậu ơi!"
Ðám táng được cử hành trọng thể. Bé không còn nhớ những gì mình đã làm trong thời gian tuần lễ nầy. Mặc tang phục, bên quan tài lạy trả,...bé làm theo lời chỉ dẫn như cái máy, im lặng không khóc nhưng nước mắt chực đầy mi, bé trơ trơ như mất hồn, thế là từ nay không còn được nhìn sờ cậu nữa, cậu đi luôn vĩnh viễn rời xa bé chắc chắn rồi. Trong đầu Thanh chỉ có câu hỏi không giải đáp:
- Cậu ơi, sao cậu nỡ bỏ con gái nhỏ của cậu mà không báo cho con biết trước, cậu quên chưa kịp chuẩn bị cho đứa con còn bé bỏng của cậu thời gian sau ngày cậu đi luôn...về với cõi Trên?
‘’Con không cha như nhà không nóc’’ mà.
Từ nay ai dẫn bảo con trên đường đời? Không ai hiểu con bằng cậu, con gái cần cha lắm cậu biết mà. Có lẽ vì tiên liệu, cậu đã cố ý ngầm giáo dục con từ lâu bằng tình thương, cử chỉ hành động của cậu? Có phải vì đoán trước nên cậu đã âm thầm uốn nắn con từ nhỏ theo khuôn riêng như bình tĩnh trước mọi vấn đề:
‘’Nghe như chọc ruột tai làm điếc,
Giận dẫu căm gan miệng mỉm cười’’.
Cậu cũng không quên chỉ con vài ‘truc’ mánh lới tự kềm chế trấn an, cụ thể như tập thở hoặc dùng ngón tay cái bấm vào đốt cuối cùng của ngón tay áp út mà cậu gọi là’ bắt ấn tý’ mỗi lần sợ ma. Cậu hay trích trong truyện xưa tích cũ, luôn bắt đầu bằng chữ ‘ngày xửa ngày xưa’ như Nhị thập tứ hiếu, những tấm gương tốt kể lại. Bé còn nhỏ quá đâu hiểu được bao nhiêu nhưng bé chỉ muốn được bên cậu, ghiền giọng nói trầm ấm, hơi thở quen thuc của cậu thôi.
Bây giờ nghĩ lại, Thanh nhận thấy toàn là giáo điều khuyên răn tam tòng tứ đức, bổn phận người con gái mà tuyệt nhiên chưa đá đng đến phương cách giữ mình, chỉ dẫn phụ nữ phòng thân.
- Cậu ơi, trong ba tòng, tòng số một ‘’tại gia tùng phụ’’, thế mà cậu lai bỏ con đi rồi, mất đối tượng, bây giờ con biết phải nghe theo ai đây? Con như con chim nhỏ chưa biết bay mà phải tùy cơn gió của cuộc đời tự tập ướm cánh chuyền cành, tránh cạm bẫy, tìm hướng định chìu để sống còn, theo đúng lòng tin của cậu?
Vẫn biết cha mẹ đâu ai nỡ bỏ con vĩnh biệt ra đi, sinh ly tử biệt làm sao tránh khỏi, mỗi người có số, đành thôi. Nhưng làm sao biết được số mình về đâu? Thanh vẫn tung tăng đi học nhưng khúc quanh ngã rẽ nầy ảnh hưởng sâu đậm tâm tư bé. Càng ngày bé càng thắm thía thân phận của đứa trẻ mồ côi, bất cứ thuộc thành phần xã hi nào, nhất là con gái, là phải tự bảo vệ, giữ mình, khó tin cậy vào ai. Ngày xưa, trong xã hội phong kiến ‘‘Nhất nam viết hữu’’, mười con gái viết zéro nầy, người phụ nữ thường chỉ quanh quẩn trong nhà lo việc nội trợ, kiếm sống là bổn phận các ông. Do đó, một khi người chủ gia đình có mệnh hệ nào, thật là khó giải quyết cho những bà góa phải tự mình xoay sở để nuôi gia đình dạy con theo mong ước. Ngay với thân quyến bên chồng, mối giây liên lạc càng trở nên phức tạp khó khăn hơn. Tuyệt tự không con, cũng không kém rắc rối chi li. Tái giá, nhiều vấn đề nan giải, họ hàng sợ mất quyền lợi, tiếng tăm mt khi người con dâu bước thêm bước nữa. Quyền trưởng tc luôn thuc về người con trai trưởng, người đàn bà góa ‘phu tử tùng tử’ mà.
Hơn thế nữa, thật đáng thương cho các góa phụ trẻ, phải tả xung hữu đt lắm mới thoát khỏi nổi sợi dây ‘xích thằng’ mà ông mai bà mối tìm cách buc vào cột khác.
Sau ngày cậu mất, mẹ càng bận rộn nhiều hơn vì phải đảm trách thêm phần việc của người quá cố. Mẹ Thanh lại hiền hậu tốt bụng đảm đang nên nhà bé luôn được bà con họ hàng đến viếng thăm cho ý kiến. Bé không thích lắm vì như thế bé càng nhớ cậu nhiều hơn.
- Cậu ơi, bây giờ cậu ở đâu, lại ngồi gần bên con đi. Con không giải được bài toán hóc búa nầy đây. Tuần vừa qua con sụt hết hai hạng rồi đó, cậu đừng buồn con nghe. Mà cũng tại cậu thôi, con phải bắt đền cậu mới được’’.
Có chuyện gì lo lắng vui buồn, bé thường lẩm nhẩm gọi thầm cầu cứu cậu. Thôi hết rồi thời kỳ trong vòng tay ấm êm của cha để phiền muộn ngoài tai!.
Còn ai đâu chú ý nghe bé kể chuyện xảy ra ở lớp trong buổi cơm chiều, ai để cho bé khoe phiếu điểm hằng tuần. Bao chuyện kể của tuổi học trò xem cô giáo dạy mình là thần tượng, cơn dỗi hờn giữa bạn bè ‘đụng da thúi thịt, đụng mình thúi xương’ nhanh chóng không để bụng được bao lâu.
Từ nay, bé cũng chẳng biết phải xử sự thế nào cho hợp lẽ, cố gượng làm vui hay mang bộ mặt đưa đám buồn thiu. Có điều là bé rất sợ những buổi họp mặt, cúng giỗ. Bé cảm thấy tủi thân nghe lập đi lập lại chữ "tội nghiệp", ‘con gái mà mồ côi cha sớm quá’,
‘‘Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha mất gót con lấm bùn.’’
Bé càng không chịu nổi hơn những cái nhìn soi mói hay câu nói cử chỉ ‘không đúng chỗ’ của vài ông khách trong ngày giỗ ngà ngà say thật sự hay giả bộ..Bé cảm thấy chán sợ những thứ giả chân giả nghĩa, đạo dức giả ấy, bé chỉ muốn sống yên thân trong vòng kỷ niệm hình ảnh cậu xa bé nghìn thu.
Mọi việc đều có vẻ xuống thang. Ai cũng tự cho quyền xen vào việc quản lý giáo dục bé. - Cậu biết không, bé càu nhàu ngước mặt lên trời phân bua, ai cũng can ngăn không cho con tiếp tục học lên cao đó, cô chú cứ ‘’giảng đạo’’ nào là con gái học hết bậc Tiểu học là đủ rồi, học cao dễ ế ẩm lỡ thời, nào là đi học xa nhà rủi ro bị lường gạt, uổng một đời mà còn làm nhục nhã cả tông môn dòng họ. Con không muốn xa má nhưng nói thế có đúng không?Lập luận cứng nhắc đó biểu hiện quyền uy của họ hàng trong đại gia đình thời trước, mà cũng tại cậu đó thôi. Chiếc ghế của cậu bỏ trống, ai cũng gấm ghé vào. Họ có vẻ lấn quyền má lắm rồi.
- Không hẳn thế đâu con. Con không thể ngăn cấm người khác phát biểu ý kiến riêng, quan trọng là má con nghĩ gì, đường mình mình cứ đi. Thương con còn nhỏ... Bé buột miệng vô phép ngắt lời:
- Còn nhỏ, còn nhỏ...theo cậu, bộ chỉ có người lớn mới biết buồn biết tủi, có quyền tuyên bố lung tung, lúc nào cũng có lý hay sao? Câu nói bị cắt ngang bởi tiếng gọi của mẹ: -Thanh ơi, vào đây đi chợ với má nghe con.
Nhìn mẹ âm thầm đi nhờ bà con quen biết có con đi thi vào Trung học ở Saigon để gởi gấm bé cùng đi theo, bé biết mẹ đã quyết tâm tạo cho bé cơ hội tiến thân như ý cậu. Má ơi, sống trong một xã hội còn đầy ấp thành kiến cũ, góa bụa đơn độc, thế mà má có đầu óc tiến bộ hơn nhiều người đương thời, bé thầm nghĩ và nhủ với lòng là cố gắng hết sức mình để mẹ yên tâm.
Rồi một ngày, bé có cảm tưởng như cuộc đời đang trải dưới chân bé chiếc thảm bay. Cái kén sâu sắp trở thành bướm, bé sẽ là nữ sinh Trung học Áo Tím ở tận Saigon, mỗi năm chỉ được phép về nhà ba lần Tết, Phục sinh và hè. Không bao giờ Thanh quên khoảng thời gian nội trú đầy kỷ niệm nầy. Ở đây, Thanh có dịp tiếp xúc với học sinh của hai mươi mốt tỉnh miền Nam, thuộc gần như đủ thành phần xã hội, phải qua một cuộc thi tuyển gạn lọc gay go.
Càng ngày Thanh càng nhận chân ảnh hưởng giáo dục của cậu, tuy ngắn ngủi, bị đứt đoạn thình lình, nhưng càng lúc càng thể hiện rõ hơn, từ dáng vóc tính tình đến suy tư. Càng lớn, với chút ít kinh nghiệm bản thân, Thanh càng thấy thương cho thân phận bao người con gái mồi cha gặp phải nhiều phiền muộn khó khăn trong xã hội.
Cậu bé hay dạy sống ở đời cố lấy đức làm đầu vì " lấy đức báo oán, oán oán tiêu tan’’. Nhưng Thanh nghĩ đức mà cậu đề cập đây là đức của các bậc thánh hiền tu sĩ, theo giáo điều như Chúa dạy, người ta tát má nầy, mình đưa má kia ra. Còn đối với phụ nữ, vẫn tuân phục, chịu đựng, vâng lời. Vai trò của người phụ nữ chỉ gói ghém gò bó trong khuôn son ‘tứ đức’ với ba đóa hoa ‘tam tòng’, làm con, vợ, mẹ, vượng phu ích tử, nội tướng trong gia đình. Chưa kể đến việc ông chủ gia đình có quyền năm thê bảy thiếp, xã hội thời bấy giờ chấp nhận chuyện nầy như không trái với mỹ tục thuần phong. - Ngày nay, nếu còn sống, cậu sẽ phân vân hơn, điên đầu nữa không chừng vì không có kim chỉ nam, GPS để phân biệt con đường nào phải theo. Bao biến chuyển, quay cuồng đảo lộn. Băng đảng, giáo phái, khủng bố, ý thức hệ.., bao cái mới quây đầu ta tứ phía. Chưa nói đến tiến bộ khoa học kỹ thuật, chiêu nào cũng đáng dở nón cúi đầu.
Mọi mặt đều thay đổi như trong truyện thần thoại, ngay cả nước mình, nhà cao tầng trong thời gian ngắn mọc lên như nấm, đổi đời. Nhà ba căn hai chái của các thành phần giàu có ngày xưa lỗi thời rồi, bị xóa trên bản đồ quy hoạch nhà đất. Ngay ở quê ta tiện nghi như điện nước, truyền hình, điện thoại...lần mò đi vào hang cùng ngõ hẻm.
- Mỗi thời khác nhau đó con. Phải tập thích ứng với hoàn cảnh thôi. Can đảm lên con gái cưng của cậu!
- A, thế là con quên mất hiện giờ cậu đang ở đâu... trên chín tầng mây xanh, xa biệt mù. Có nhiều đêm nhớ cậu, con nhìn trời vẫy vẫy tay chào trả một vì sao nhấp nháy tưởng chừng như cậu đang nheo mắt ra dấu báo hiệu sự hiện diện theo dõi thường xuyên âm thầm của người thoát chốn hồng trần. Chuyện dưới thế nầy, chắc cậu cũng biết hết rồi nhưng nghĩ gì con không biết bàn với ai nên trút hết bầu tâm sự với cậu vậy thôi.
Con cũng xin nói tiếp để cậu biết thêm, ngay cả đối với các ông, trung hiếu tiết nghĩa cũng thay đổi dạng, lý tưởng mục tiêu. Xã hội văn minh tân tiến ngày nay cuốn hút con người vào quỹ đạo vật chất, tự do, biến lăng kính nhìn ngày càng xa dần với truyền thống tổ tiên. Ðâu còn ‘’quân xử thần tử, thần bất tử bất trung’’, ‘’tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu’’.
Nói thế, không phải con quên lời cậu khuyên răn đâu nhưng như cậu biết, bánh xe đời lăn đều không quay ngược, không ngăn chận được. Phải cố thích nghi, trái chân lỡ bước là có thể bị dẫm nát không tiếc thương.
Ngay cả công dung ngôn hạnh vẫn được bảo tồn, nhưng cứu cánh mục đích không thể còn là nguyên bản. Bây giờ thứ tự như cũng bị xáo trộn rồi thành dung ngôn công hạnh. Ngày nay, bề ngoài dung nhan là bậc thang để bước lên cao các tầng lớp xã hội trơn tru trót lọt, sức hút ’hấp tinh đại pháp’ có thể biến cô gái nhiều khuyết điểm thành ‘mệnh phụ phu nhân’, minh tinh, ăn trên ngồi trước...Thẩm mỹ là phương tiện làm cá hóa rồng, Lọ Lem thành công chúa.
Thanh lại bắt đầu nghĩ vẩn vơ, liên kết với hiện tượng ngoài đời bắt gặp.
‘’Con gái mười hai bến nước trong nhờ đục chịu’’
‘’Gái thời tiết hạnh là câu trau mình’’
- Ă, sao mà rắc rối quá vậy cậu?
Nào là 12 bến, nào là tiết hạnh, ai bảo vệ con đây? Cuộc đời có nhiều cạm bẫy chung quanh khó lường. Nó có giống như cái bẫy chuột mà cậu thường gài bên lẫm lúa hay bẫy chim tránh phá hoại mùa màng. Nhưng đó là loài chim chuột còn mình là con người mà.
- Ðúng vậy! Là con người thì phải sống ra con người, có tình người. Thật không dễ đâu, nhưng cái khó thường bó cái khôn đó con.
Trong vườn mộng riêng tư của cha con bé, bé cứ đối thoại đột xuất nếu cần:
- Con không dám trách cậu nữa đâu, nhưng càng ngày con càng thấy thiếu vắng cậu vô cùng. Bao kỷ niệm nhắc con khó tả. Ngay cả tiếng võng kẽo kà kẽo kẹt cũng vô tình đưa con về quá khứ chung vui có cậu có con. Mẹ rầy một chút thôi có khi con cũng cảm thấy tủi thân, buồn thui thủi. Má thường khuyên: Mặc kệ ai nói gì thì nói, đừng buồn làm chi con. Con còn má mà, con cứ nghĩ là con còn có phúc hơn nhiều đứa trẻ khác, mồ côi cả mẹ lẫn cha.
Sao má cũng giống cậu quá? Cậu thì giảng về đức, má thì phúc. Ðó là khái niệm áp dụng cho những ai siêu việt, chứ còn đối với đứa trẻ bé bỏng khờ khạo như con thì làm gì mà thấu hiểu nổi khúc mắt chi li của cuc đời.
Cậu có nhớ cậu cũng vẫn thường ngâm:
‘’Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’’
Nhưng con thấy hết rồi thời kỳ ‘uốn lưỡi bảy lần trước khi nói’’, càng nịnh hót lòn cúi xu thời lắm lúc cũng vớ đúng đường dây lên hương. Hơn thế nữa,‘’Ngọt mật chết ruồi, ngọt người chết của’’ thật không ngoa với thời đại nầy đâu. Truyền thông chẳng hạn ru hồn khán thính giả nhẹ nhàng, êm đềm, xâm nhập không gặp sức đề kháng ầm ĩ, tước đoạt dễ dàng cả sức nghĩ suy, kinh nghiệm, hướng theo mục đích ý thức hệ riêng mà ngay cả đối tượng cũng không ngờ, không biết không hay, tưởng như là tự nguyện, tự giác, tự tìm, hậu quả khó ngờ.
Ối thôi, con nói tùm lum, vòng vo Tam quốc quá, hỏi hoài không hết, cậu chưa kịp trả lời là con bắt qua ý khác. Cậu đừng giận con sao hay thắc mắc, bới lông tìm vết mọi vấn đề. Vậy bây giờ con phải làm gì đây cậu?
- Thở ra hít vào cho khoẻ đi con. Con có nhớ hôm con uống sữa nóng đó, con cằn nhằn bực bội vì sữa lâu ngui bắt con chờ, con định bỏ đi không thèm uống, cậu có nói với con điều gì con còn nhớ không con?
- ‘’Sữa nóng hay con nóng? Tại con nóng uống chứ đâu phải tại sữa!’’
Cám ơn cậu đã nhắc khéo con về cách xử sự ở đời, kiên nhẫn đừng bao giờ bỏ cuộc. Bức họa hình cậu trên bàn thờ chít khăn đóng, áo dài chữ thọ mang kính vẫn như ngày nào mỉm cười khuyến khích mỗi lần Thanh có điều gì vui chưa kịp nói, ánh mắt như dịu hẳn khi Thanh buồn giận đến bên lẩm bẩm ‘mét’ cậu cho hả cơn và sao mà có vẻ cợt đùa hóm hỉnh thích thú khi Thanh thẹn thùng bẽn lẽn hé lòng mình bàn đến chuyện tương lai.
Thanh vững tin rằng cuộc đối thoại đơn côi ‘thần thông cách cảm’ nầy ngấm ngầm tích lũy rút tỉa cho mình nhiều bài học quí báu ở đời, bình tĩnh, tự lập xẻ chia, sống có tình người. Ðể rồi trong một giấc mơ đêm, Thanh hy vọng sẽ thấy cậu vui vẻ đến bên vuốt đầu Thanh nhẹ bảo:’Con bao giờ cũng là con ngoan của cậu’ hầu xác tín hoài bảo gồm nỗi nhớ cùng lòng tin yêu tháp thành đôi cánh nhỏ giúp cho tâm hồn ta lớn lên.
Vào hạ 05
Trần Thành Mỹ
10/01
 

Xem Tiếp: ----