Huệ nặng nhọc đẩy chiếc xe vào nhà. Trong nhà không có ai. Đứa con gái lớn chắc đi học chưa. Còn anh ấy, chắc giờ này còn tá túc vào đâu đó. Tá túc vào đâu đó? Huệ đâu có lạ gì nơi anh tá túc. Một căn nhà ở góc công viên. Công viên ấy thuộc quyền quản lý của anh. Ở đó có một người đàn bà. Người đàn bà nhỏ bé, chẳng xinh xắn gì, ít nhất thì cũng thua chị ở nước da, ở cái dáng cao ráo, khỏe mạnh. Nhưng sao anh ấy lại bị hấp dẫn bởi người đàn bà đó chớ.
Chiếc xe thiếu chút nữa thì lật ngang khi bỗng cán vào một chiếc giày của cô con gái ném ngòai cửa. Huệ giật mình lấy lại thăng bằng, và hình ảnh người đàn bà kia bị biến mất trong suy nghĩ của chị. Nhưng chỉ trong phút chốc thôi. Mấy năm nay rồi, hằng ngày cái người đàn bà vô cớ xen vào giữa gia đình chị khiến chị lúc nào cũng bực bội khó chịu. Muốn đuổi chị ta ra khỏi đầu óc mình, nhưng không được. Hình ảnh chị ta cứ dính vào suy nghĩ chị.
Chị vào bếp. Cái bếp nguội tanh. Chén dĩa nằm ngay ngắn trên giá. Những cái nồi treo trên những cái móc trên tường. Chiếc bếp ga sạch bóng. Rổ rá úp gọn gàng dưới cái kệ. Một sự gọn gàng đến ngứa mắt. Giá đời sống của con người cũng gọn gàng như thế thì tốt biết mấy.
Đã có lúc cái bếp này rối tung lên mỗi ngày. Anh ấy đứng xắt đồ ăn ở kia. Con gái lo nhặt rau chỗ đó. Huệ đứng bếp, lớn tiếng ra lệnh cho bố con phụ giúp chuyện nấu ăn. Nhà chỉ có ba người mà cứ chộn rộn cả lên. Chừng nửa tiếng động hồ sau là ba người thay nhau chạy lên chạy xuống. Người bê nồi cơm. Người bưng mâm. Chạy lấy thêm chiếc muổng. Lục tủ lạnh làm mấy ly nước đá. Thiếu củ tỏi. Phải thêm tý nước mắm. Người này sai người kia, người kia réo gọi người nọ. Cuối cùng dọn ra cũng chỉ là một mâm cơm đạm bạc của gia đình một công chức. Khi thì tô canh, khi thì dĩa rau luộc. Khi thì cá kho, thịt kho. Thêm dĩa rau sống. Nước chấm phải ba chén. Con nhỏ không bao giờ đụng đến nước mắm. Nó ăn nước tương. Huệ phải nước mắm chua ngọt. Còn anh ấy, chỉ nước mắm mặn. Cái mâm đầy nhóc nhưng chỉ có thế không sơn hào hải vị gì. Thế nhưng nó vẫn là cái bếp của một gia đình. Còn lúc này, tất cả yên vị giống như một cửa hàng trưng bày hàng mẫu. Huệ uể oải lấy chiếc nồi cơm điện bỏ vào đấy hơn lon gạo, xả nước vo. Cẩn thận nhìn thấy cái đèn đỏ bên dưới lóe sáng, Huệ mới đứng dậy, lên nhà. Lát nữa lại một mình một chén, một đũa, một nồi cơm…Đứa con gái chắc cũng phải tối mới về. Nó tranh thủ đi học thêm. Trưa nay Huệ đã đưa tiền cho nó ăn ổ bánh mì trước khi vào tiết học thêm. Còn anh ấy, bữa ăn, bữa không, chẳng biết đường nào mà tính.
Hình bóng người đàn bà kia lại chen vào suy nghĩ của chị. Chỉ là một cô làm lao công cho một cơ quan. Không gia đình, họ hàng và sống trong một cái phòng nhỏ ngoài khu bảo vệ của công viên. Khi nghe anh ấy có quan hệ với người đàn bà kia, Huệ đã không tin.  Nhưng rồi một hôm, người ta báo cho chị biết anh bị người trong cơ quan phát hiện ở cùng phòng với người đàn bà kia vào lúc đêm khuya. Phòng bảo vệ cơ quan phải mời anh trở về đúng vị trái của mình. Hôm ấy, anh báo với chị là đi công tác xa, đêm không về. Chẳng ai chính thức báo với chị tin đó. Nhưng ở đời, chỉ cần người thứ ba biết coi như cả thế giới này ai cũng biết. Chuyện rồi cũng đến tai chị. Chị không tin cũng không được. Chị đã tìm gặp chị ta. Hai người đàn bà lặng lẽ ngồi bên nhau. Chị ở thế thượng phong, có quyền xỉ vả người đàn bà kia bằng tất cả những lời lẽ của một người đàn bà chanh chua. Nhưng chị không thể nói được, không thể làm gì được. Chị là một thẩm phán. Mà đã ngồi ở ghế thẩm phán thì không thể nói lời chợ búa. Còn người đàn kia không hề chối, lặng lẽ chờ chị phán xét:
- Chị có biết chị đang vi phạm luật hôn nhân gia đình, vi phạm quy định một vợ một chồng không?
Một câu hỏi đáng ra chỉ có thể hỏi ở phiên toà. Nhưng chị biết hỏi gì được vào lúc đó.
Người đàn bà kia ngồi ra vẻ một người biết lỗi. Mặt cúi xuống, hai tay kẹp lại giữa đùi. Nghe chị hỏi khẽ ngước đầu lên:
- Dạ… em chưa có chồng mà.
- Nhưng chị phải biết là anh ấy có vợ…
- Dạ biết. Người sợ phải là anh ấy. Chớ như em, có gì phải sợ. Anh ấy không sợ. Anh ấy đến, chị bảo làm sao em từ chối. Mà em đã từ chối rồi. Tại chỗ này nè. Em đã đuổi anh ấy đi. Nhưng không được…
Những tiếng về sau của chị ta thật khẽ. Hình như người đàn bà ấy đang cố giữ để không xúc phạm Huệ. Huệ hỏi:
- Chị có cần tôi ly hôn với anh ấy không. Để chị mãi có anh ấy.
- Đừng, đừng chị ơi. Chị đừng ly hôn… Anh thương chị nhiều lắm…
- Thương mà như thế này sao?
Huệ bỗng lớn giọng.
- Thật mà chị ơi.
Người đàn bà bỗng rơm rớm nước mắt:
- Ai mà không muốn có một người đàn ông của riêng mình. Tuổi em, chị xem … liệu có thể có được như thế không. Nhưng em không thể giành anh ấy của chị được. Nằm bên em mà anh toàn nói chuyện về chị và cháu. Em biết thân phận em mà. Một chút rơi rớt thôi….
Huệ bỗng thấy thương người đàn bà nhỏ bé kia. Trước mặt Huệ không biết có bao nhiêu người đã từng khóc, từng cười, từng giận giữ. Họ đến gặp chị vào giờ làm việc của nhà nước, một đàn ông, một đàn bà, có khi có thêm một hai đứa con. Họ kể đủ mọi thứ chuyện cho chị nghe. Vợ thế này, chồng thế kia cuối cùng chỉ mong chị phán một lời: chấp thuận cho ly hôn. Đã bao nhiêu lần chị đã phán? Một trăm hay một ngàn lần? Không nhớ. Nhưng chỉ nhớ một điều, sau mỗi lần phán xử là mỗi lần chị có cảm giác bâng khuâng sao đó. Ô hay, người đâu đâu, khi không gặp nhau mà chi để thương nhau, để âu yếm vuốt ve, để sinh con đẻ cái, rồi bỗng nhiên hằn học, nhìn nhau như những kẻ thù. Pháp luật chứng kiến để họ thương, để âu yếm, rồi cũng chính pháp luật lại phải chứng kiến cảnh họ chia tay nhau. Không thiếu gì những lần Huệ thấy hoặc người đàn ông, hoặc người đàn bà sau phiên toà uể oải đứng dậy, hai mắt buồn rười rượi nhìn theo người đã từng gắn bó với mình đi khuất dần sau cánh cửa phòng xử án. Cũng không thiếu gì những lần chị chứng kiến hoặc là người đàn ông, hoặc là người đàn bà gục ngay xuống chiếc bàn trước mặt chị khóc tức tưởi như bị oan trái. Những lúc như thế, chị cũng thấy mệt mỏi vô cùng. Một chút rơi rớt thôi. Một chút rơi rớt thôi ư? Huệ muốn mắng vào mặt người đàn bà kia rằng: chị có biết một chút rơi rớt mà chị lấy đi nó quan trọng đến thế nào không. Nó có thể làm tan nát cả một gia đình vốn đầm ấm như gia đình tôi đó chị có biết hay không? Nhưng Huệ không thể.
- Số phận em không được như chị. - Người đàn bà kia tiếp- Học hành thì không đến nơi đến chốn. Chỉ còn cách đi làm công kiếm sống thôi. Phận người đàn bà ai mà chẳng muốn có chồng có con. Thì em cũng có chồng đó. Vâng. Em có chồng thực mà. Méo mó vẹo vọ gì thì cũng là chồng. Ông hơn em tới hơn hai mươi tuổi. Vợ ông đã chết. Mấy đứa con đã lớn. Em không bằng tuổi đứa con út của ông. Những đứa con ông khinh bạc em, cũng không sao. Vì em chót thương ông và ăn ở với ông rồi. Nhờ ông mà em có công ăn việc làm ở đây. Ong về hưu từ cơ quan này. Nhưng khốn nạn cho số phận của em. Ông sống với em chưa đầy năm thì … Ngày đưa ông ra nghĩa địa, em khóc thương ông thì ít mà khóc thương mình thì nhiều. Sao ông trời ăn ở bất công đến như thế… Người ta ai cũng như đũa có đôi, mà sao em cứ phải một mình. Em một thân một mình cho đến ngày gặp anh ấy…Cùng một cơ quan, ngày ngày va chạm, em  không giữ được mình…Em không muốn cướp đoạt anh ấy của chị đâu. Không, không bao giờ em có ý nghĩ đó. Em biết, có những người đàn bà khi chiếm đoạt được người đàn ông thì muốn chiếm đoạt để sở hữu riêng mình. Nhưng như thế công bằng với người này, lại bất công với người khác. Em không muốn mình cũng giống những người đàn bà như thế. Em lại càng không muốn làm gia đình chị bị sứt mẻ…
Huệ một lần nữa lại nóng mặt, gay gắt:
- Không sứt mẻ ư. Làm sao mà không sứt mẻ được?
Hai người đàn bà chia tay nhau trong im lặng. Không có chuyện gì để mà nói. Một người đàn ông thôi mà có gì đáng để mà nói đâu. Huệ không nói vì không muốn đi đến một kết cục như bao nhiêu cặp vợ chồng khác. Không lẽ phải mời một bạn đồng nghiệp giúp mình làm cái việc mà mình đã từng làm với những vợ chồng khác? Gặp người đàn bà kia rồi, lẽ ra Huệ phải thanh thản lắm. Nhưng ngược lại, mọi chuyện bắt đầu rối tinh lên. Về nhà gặp chồng, Huệ không thể đối xử như ngày xưa. Huệ cố tình coi như chuyện kia không có, nhưng càng cố tình thì bụng dạ càng ấm ức. Còn chồng Huệ, ban đầu thì lo lắng vì chuyện vụng trộm của mình. Sau thấy vợ không hề đả động đến chuyện đó, thì từ lo lắng chuyển thành mặc cảm. Càng sau, cuộc sống càng trở nên khó chịu hơn. Nhiều khi ngồi với nhau mà những câu chuyện nói ra giống như những lời nói dối, giống như diễn viên kịch không thuộc lời thoại. Cả hai ngừơi cùng tránh không muốn nói đến chuyện đó, nhưng càng tránh thì lại càng phải nghĩ đến. Cuối cùng là căn nhà vắng lặng như hôm nay. Hai người cố tìm cách tránh mặt nhau, hoặc ít nhất khi có mặt nhau thì cũng phải có đứa con ở giữa.
°
°
Nồi cơm chín. Huệ lấy ra một cái tô. Xúc vào đấy chừng lưng lửng tô. Lấy cái hột gà, đổ vào một chút nước mắm, chút bột ngọt, bắc cái chảo lên bếp, dưới một chút dầu ăn, đổ trứng vào. Nghe cái xèo một cái, Huệ bắc ra ngay và trút cả miếng trứng vào tô cơm. Thế là xong một bữa. Ngừơi ta làm lụng cả đời cũng loanh quanh ba cái chuyện ăn, mặc ở và những thú vui. Ăn cũng chẳng bao nhiêu. Mặc đủ ấm thân là được. Còn thú vui? Bây giờ tất cả những thú vui được cung cấp đến  tận nhà. Phim, ảnh, tuồng chèo, cải lương, thậm chí cả phim kích thích làm chuyện vợ chồng cũng có ở trong nhà luôn. Xã hội càng văn minh thì hình như con người càng bị co hẹp lại thì phải. Cái gì cũng có thể mang về nhà mà thưởng thức. Nhưng Huệ là đàn bà. Huệ còn có một cái nữa rất cần. Nhất là vào cái tuổi hồi xuân như bây giờ. Bỗng nhiên nguội lạnh tất cả. Anh chị em cùng cơ quan khen rằng: dạo này Huệ mới xứng là một thẩm phán. Gương mặt cương nghị gần giống như đàn ông. Khác với Huệ ngày xưa, một duyên thầm đậm đà trên một gương mặt lúc nào cũng nhẹ nhõm. Cười ít thôi, nhưng nụ cười bao giờ cũng có thể giải toả được một chuyện gì đó với người đối diện. Mái tóc rất dài của Huệ thường phải búi cho cao lên khi đến cơ quan làm việc. Ngay cả khi ngồi xét xử, Huệ cũng khác trước. Điềm tĩnh, lạnh lùng. Mỗi lời như một câu ngắn gọn, đủ để rõ ý mình và cũng đủ để người đối diện hiểu những gì cần thiết.
Vừa nâng tô cơm lên thì nghe tiếng gọi ngoài cửa:
-  Chị Huệ có nhà không, chị Huệ.
- Có, ai đó?
- Tôi nè?
Huệ nhận ra ngay người khách. Đó là một người đàn bà luống tuổi. Mái tóc bạc đã được nhuộm kỹ nhưng vẫn không dấu được những chân tóc trắng ở sát da đầu. Vẫn còn khoẻ mạnh với những bước chân vững chãi. Bước đi bị xô lệch vì một bên vai nghiêng đi. Hai tay hình như dài hơn người ta nên cứ như bơi bơi trong khoảng không. Một gương mặt trầm tĩnh,  phảng phất nét bạo dạn, tự nhiên của thời con gái. Huệ mời:
- Chị Liên đó hả. Mời chị vào nhà.
Huệ hơi bị bất ngờ trước sự xuất hiện của Liên. Họ mới gặp nhau lúc chiều tại phòng xử án. Chỉ có hai người lúc đó. Không có người đàn ông. Giống như những cuộc xử ly hôn vắng mặt, nhưng chỉ khác, người thứ ba, người đàn ông hiển diện ở đó bằng những chữ ký vào tất cả những trang hồ sơ cần ký. Nên giữa Huệ và Liên không phải nói gì nhiều với nhau. Huệ yêu cầu Liên xem lại tất cả những văn bản mà chồng Liên đã ký. Sau mấy câu vâng, dạ và gật đầu, thế là xong. Hay có chuyện gì còn vướng mắc mà Liên đến đây. Huệ hỏi:
- Còn vấn đề gì nữa chị Liên. Ở phiên toà…
- Không. Chuyện ở toà xong rồi. Tôi đến đây chỉ để nói vài chuyện mà ở toà không thể nói thôi…
- Vâng.
Huệ vâng mà không biết vâng cái gì. Thông thường án xử xong rồi, những cặp vợ chồng ly hôn chẳng bao giờ tìm gặp lại người đã ngồi ghế thẩm phán. Với họ, người làm thẩm phán giống như người cởi nút vậy. Cái nút đã cởi rồi thì người cởi nút chẳng đáng nhớ làm gì…Không mấy khi Huệ gặp lại những người đã từng ngồi trước mặt nghe Huệ hỏi và xét xử. Vậy mà hôm nay Liên đến tận nhà ngay sau khi phiên toà vừa xử xong. Liệu có phải Liên lo ngại chuyện ông chồng cũ gây khó dễ vì cách xét xử vắng mặt không. Trong đời làm việc chưa bao giờ Huệ cho phép mình làm một việc như vậy. Xét xử ly hôn cho hai người vẫn thường xuyên liên hệ với nhau nhưng chỉ có một người đến phiên toà. Huệ đã hỏi Liên như thế khi đặt trước mặt Liên một ly nước lạnh. Liên lắc đầu:
- Không. Không bao giờ anh ấy làm khó dễ cho em đâu…
- Thế vì chuyện gì? Chị Liên. Hay là tại em…
- Không. Không. Cô hiểu lầm tôi rồi…
Liên cười khẽ:
- Chắc cô ngạc nhiên khi thấy tôi trẻ thì không ly hôn. Bây giờ già trên năm chục tuổi còn bày đặt ly hôn phải không?
- Dạ, không. Trên đời này chuyện gì mà không có. Em chỉ lạ là, sao chuyện ly hôn của chị nó nhẹ nhàng đến thế. Một lần gởi đơn. Một cú điện thoại, thế là xong. Em chưa từng thấy cặp vợ chồng nào ly hôn mà không có chuyện đôi co ở toà. Không vì con thì vì của. Người này trách móc người kia. Lời nặng tiếng nhẹ. Còn chị thì không…
Liên thở dài:
- Mười bảy, mười tám năm suy nghĩ rồi còn gì nữa cô Huệ. Từ ngày anh ấy bỏ ra đi…
- Anh bỏ ra đi? Nhưng sao lại bỏ đi?
- Nói thế nào cũng đúng. Anh ấy bỏ đi hay ảnh chuyển công tác. Sao cũng đúng cả, cô Huệ. Tôi với anh có thời gian gần tám năm gần nhau, nhưng thực sự chung sống chắc không đầy một năm. Ít lắm. Bắt đầu từ những đứa con cô ạ.
- Ơ. Chị có một đứa con thôi mà.
- Ba đứa.
- Ba?
- Đúng đó. Ba đứa. Hai đứa chết rồi. Một đứa hai tuổi, một đứa một tuổi.
Giọng Liên nghẹn lại. Khoé mắt long lanh. Người ta thường bảo: chết cha, chết mẹ buồn một thời gian. Chết vợ, chết chồng buồn đến khi lấy chồng khác, vợ khác. Còn chết con buồn thiên thu. Có lẽ thế chăng?
- Nhưng…
- Cô muốn hỏi vì sao chúng chết phải không? Cả hai đứa cùng một thứ bệnh. Lúc sinh ra đứa nào cũng tươi tắn, xinh xắn. Vài tháng thôi, bắt đầu thấy chuyện khác thường. Chúng muốn lật mà không lật được. Thêm vài tháng nữa, chúng tôi thấy tất cả những khớp xương đều cứng lại. Hình như ở những khớp xương ấy không có những ổ xoay như những đứa trẻ khác thì phải. Chúng không biết nói, không biết cười. Chỉ khóc. Lâu lâu lại khóc. Những tiếng khóc tức tưởi, ngằn ngặt. Hình như chúng trách chúng tôi vì sao lại sinh chúng nó ra đời thì phải. Rồi da chúng đỏ rực lên. Những chỗ đỏ như thế sau này dầy lên, cứng như những miếng bánh đa nướng cháy vậy. Đủ mọi thứ thuốc. Anh là người vất vả nhất. Nghe đâu có thầy chữa được bệnh loại đó là ảnh đi. Ra Bắc, vào Nam. Hết tiền, hết bạc vì con. Nhiều khi bỏ hết công việc vì những chuyến đi tìm thuốc cho con. Nhưng vô vọng. Đứa thứ nhất chết ở bệnh viện da liễu Sài Gòn. Đứa thứ hai chết ở bệnh viện tỉnh. Hai đứa con cướp mất gần ba năm của chúng tôi vì  ở bệnh viện. Tiễn biệt những đứa con xong, chúng tôi mệt mỏi, vô vọng. Ngày ấy các bác sĩ cứ hỏi tôi: Anh ấy có đi kháng chiến trong rừng  không? Có sống ngày nào ở Sài Gòn không? Có. Anh ấy là bộ đội mà. Anh ấy gặp tôi trong một chuyến đi phép ở nhà một anh bạn anh ấy. Tình yêu đến với chúng tôi nhanh lắm. Một tháng phép sau đó là một năm chờ đợi và đám cưới. Anh ấy chuyển ngành. Tưởng thế là đủ. Ai dè những đứa con khốn khổ làm rạn nứt tình cảm của chúng tôi. Nghe tôi nhắc lại chuyện các bác sĩ hỏi, anh hỏi lại: " Thế thì sao". Thì ở đó là trung tâm của những bệnh xã hội. Tôi đã trả lời anh như vậy. Anh đứng dậy, đi thẳng. Đàn ông họ vậy sao cô Huệ. Dễ tự ái vậy sao. Sau này tôi mới biết không phải là như vậy. Anh ấy mặc cảm, không muốn gần gũi tôi nữa. Sau ngày anh ấy ra đi, có lúc gặp lại anh ấy bảo. Hễ mỗi lần muốn làm chồng tôi là anh ấy nghĩ: tôi đang lo anh đổ bệnh cho tôi. Thế là anh ấy lại tìm cách lánh xa tôi. Nhưng anh là đàn ông mà. Quanh anh có bao nhiêu là đàn bà. Có lần tôi và một cô bạn đã xách dao đi kiếm anh. Anh trong nhà một người đàn bà. Cả một toán người, với súng ống trong tay bao vây căn nhà. Anh bị bắt. Người ta nhốt anh trong một căn phòng suốt một đêm. Sáng hôm sau, lẽ ra tôi nên đến thăm anh, nhưng tôi bỏ mặc. Căm hận lắm phải không cô. Chồng mình mà. Sao chồng mình lại có thể ăn nằm với người khác chứ. Ngay chiều hôm sau anh ấy về nhà. Anh về say khướt. Hình như anh ấy mới tắm rượu chớ không phải là uống nữa. Anh ấy chỉ vào mặt tôi nói:" Bệnh tật hả? Giang mai hay lậu? Không biết. Tôi muốn biết tôi bệnh gì? Em có cho tôi biết được không? Không! Vậy thì tôi kiếm người khác để xem bệnh tôi có thật hay không?" " Sao anh không đi gặp bác sĩ". Tôi dại dột lên tiếng." Bác sĩ hả? Mù hết rồi. Mù hết cả rồi, em biết không?". Thế rồi anh ấy lại ngật ngưỡng ra đi. Thời gian sau, anh đi hẳn. Thì ra trong những ngày sống xa nhau ấy, anh ấy đã chuẩn bị cho mình một chuyến đi xa. Anh ấy gửi lại cho tôi một lá thư. Lá thư thật ngắn nên tôi đã thuộc lòng. " Chán chường đã làm tôi hư hỏng. Tôi không còn là tôi nữa. Còn ở lại đây, tôi sẽ còn hư hỏng. Tôi phải đi thực xa, để chôn vùi những ngày tháng này của tôi. Em khỏi phải nhớ đến tôi. Ngay sau khi tôi đi em có thể lấy chồng. Một người chồng trong sáng hơn tôi. Em hiểu cho tôi, tôi đã gây ra tội lỗi. Hai đứa con chết là do tôi. Nhưng em có một sự hiểu lầm. Tôi mà  là người trác táng?. Chỉ sau khi tôi bị cái án độc địa kia, tôi mới hư hỏng. Tôi kiếm những người đàn bà khác để chứng minh tôi không bệnh tật. Sai lầm. Sai lầm quá đáng phải không em. Yên tâm, khi nào ổn định cuộc sống tôi sẽ cùng lo cho bé Hằng, con của chúng ta". Thú thực khi nhận được lá thư ấy của anh, tôi mới quáng quàng đi tìm anh. Nghe nói anh ở dưới cơ quan. Nhưng khi xuống cơ quan, mới hay tin rằng anh ấy đã đi rồi. Bốn năm sau tôi mới lại nhận được tin của anh. Nhưng một tin làm tôi thất vọng. Anh đã lấy vợ. Một người vợ quê ở tận cùng phía Nam. Khổ tâm lắm cô Huệ ơi. Nhưng chẳng làm gì được. Ngày ấy, tôi cũng đã tính nhờ đến pháp luật. Nhưng pháp luật nào có thể kéo anh ấy về với tôi được. Hôm làm đám cưới cho cháu Hằng nghĩ anh không thể nào về được. Ai dè anh ấy về. Đám cưới bỗng tăng vọt số người dự. Toàn bạn anh ấy. Anh chẳng có một cái thiệp mời nào hết. Vậy mà chỉ cần những cú điện thoại, không thấy thiếu mặt ai. Tôi mới nhận ra một điều rằng: cho đến lúc này hình như tôi vẫn chẳng hiểu anh bao nhiêu. Đám cưới xong, anh hỏi tôi: " Em định sống thế nào? Một mình trong căn nhà thế này sao?". " Anh muốn em thế nào". Tôi hỏi anh ấy như thế đấy cô Huệ ạ. Tôi còn hỏi thêm: " Ngày xưa anh vẫn khuyên em đi lấy chồng. Còn bây giờ sao? ". " Vẫn vậy". Anh đã trả lời một câu chắc như vậy đó." Thì anh làm giấy tờ cho em đi. Ly hôn ấy". Tưởng anh ấy đắn đo, ai dè, anh nói ngay:" Được, vài ngày nữa tôi sẽ chuyển đơn ra cho em." Không lẽ anh ấy không còn một chút nào thương tôi hay sao, cô Huệ.
Liên nói như hớp hơi. Hình như chị không muốn bị ngắt lời.
Huệ ngồi lắng nghe kiên nhẫn. Mười bảy, mười tám năm, người đàn bà này nuôi con một mình, có chồng mà như không có.
- Ngày xưa, khi anh ấy mới đi, cũng có người theo đuổi tôi đấy. Nhưng nó làm sao ấy. - Liên tiếp- Hình ảnh anh ấy cứ chờn vờn trong đầu tôi. Bước chân ra đường là có người hỏi thăm anh, bước chân về nhà là con nó nhắc đến cha. Ngồi bên cạnh người ta trong những tối rủ nhau đi dạo, lại nhớ đến những ngày đầu gặp anh. Tôi trọng anh ấy từ cái đêm anh chuẩn bị vào trận. Chúng tôi nằm cạnh nhau giữa một cánh đồng vắng ngắt. Tôi đã sẵn sàng, mà anh ấy thì bảo: " Chắc chỉ còn một trận tổng tấn công này nữa thôi. Nhưng anh vào chiến trường lần này biết đâu không thể trở về… Ráng giữ nghe em. Đời em còn dài.". Chuyện giống tiểu thuyết quá phải không cô Huệ. Vậy mà có thật đó. Sau này ngồi với ai, tôi cũng nhớ lại cái đêm hôm đó. Nên tôi không thể. 
- Chị vẫn còn tiếc anh, phải không?
- Tiếc. Tiếc lắm. Dạo này xem truyền hình, thấy những đứa trẻ dị hình, dị dạng vì chất độc da cam, tôi nghĩ, có lẽ hai đứa con tôi chết chắc là vì vậy. Vậy mà tôi đã mang cả cái xã hội nhơ bẩn trước đây của Sài Gòn ném vào mặt anh. Làm sao anh chịu nổi. Anh đâu có thể giải thích gì được.
Huệ nghe và hình dung ra tất cả những dằn vặt trong người đàn bà ngồi trước mặt chị. Thì ra đời còn nhiều chuyện rắc rối hơn Huệ tưởng nhiều. Đâu có giống như những cuộc xét xử trên toà. Ở đó, người ta chỉ có thể trả lời những câu thực ngắn gọn. Rồi pháp luật sắp xếp trật tự lại và bắt họ phải thực hiện những gì mà toà phán xét.
Liên như đã trút xong hết mọi tâm sự. Chị đứng dậy:
- Thôi tôi về cô Huệ. Những chuyện như vừa nói tôi chẳng thể nói với ai. Nói được với cô, tôi nhẹ nhõm cả người.
Liên dừng lại một lát rồi nói tiếp:
- Tháng sau, tôi lấy chồng. Cô xuống dự với tôi nghe.
- Chị lấy chồng?
- Cô bảo chị gìa rồi phải không? Đúng là già rồi thực. Già rồi mới thấy cần cho mình một chỗ dựa. Dẫu sao thì tôi cũng là đàn bà.
°
°
Liên khuất dần sau rặng rào dâm bụt. Còn lại một mình Huệ bất giác buồn. Sao ngừơi ta giải quyết chuyện nhà dễ dàng như thế. Còn chị, cứ quẩn quanh nghĩ ngợi. Cái gì cũng lấp lửng không đầu không cuối. Giá như khóc được. Giá như xỉ vả chồng được. Giá như cào xé cô nhân tình của chồng được. Giá như … Cả trăm cái giá như. Cô cầm lấy cái tổ hợp điện thoại, lật cuốn sổ trên bàn. Tiếng chuông từ đầu dây bên kia vang lên từng hồi đều đặn. Rồi cô nghe tiếng người hỏi:
- A lô. Xin lỗi ai đầu dây?
- Tôi, Huệ, phó chánh án toà án thành phố T. đây.
- Ô, xin chào chị. Khoẻ không chị Huệ.
- Khoẻ. Cám ơn anh. Chiều nay, chúng tôi đã xử xong chuyện của anh với chị Liên rồi đó.
- Vậy hả. Cám ơn chị đã không buộc tôi về.
- Anh không buồn sao?
- Tôi đâu có được phép buồn, chị!
- Tôi hiểu. Anh có vợ có con rồi mà. Nhưng tôi thấy chị Liên còn thương anh lắm đấy.
- Tôi biết. Nhưng không thể khác được.
- Sao hồi đó…
- Tôi biết chị định hỏi gì  rồi. Tôi là đàn ông mà. Ngày ở ngoài ấy, buồn quá, tôi liên tiếp sai lầm. Tôi đã phải chạy trốn. Nhưng ở đâu cũng có những người đàn bà hấp dẫn. Tránh trời không khỏi nắng. Tôi còn sống độc thân thì còn sai lầm. Chỗ nào cũng bia ôm. Chỗ nào cũng thấy những cô gái đứng ven đường vẫy gọi. Thôi thì chọn cho mình một nơi ấm êm đi. Với Liên, tôi không thể quay lại. Chị có biết gì về sự mặc cảm không?
- Anh lầm rồi. Không phải vậy đâu…
- Tôi cũng hiểu chị đang định nói gì. Về chất độc màu da cam phải không. Chúng tôi cũng đã nói với nhau chuyện đó. Nhưng muộn rồi chị Huệ ơi. Tôi đã làm khổ một người, nay tôi không thể làm khổ thêm người thứ hai. Vì vậy…
- Vì vậy anh khuyên chị ấy đi lấy chồng chứ gì. Anh muốn giải quyết mọi thủ tục cho chị ấy càng nhanh càng tốt chứ gì. Anh thấy không chỉ đàn bà chúng tôi là khổ. Lễ giáo, phong tục và luật pháp trói buộc chúng tôi nhiều quá. Đàn ông các anh sao mà dễ thế. Muốn là được.
Phía đầu dây bên kia lặng đi không thấy trả lời, Huệ toan cúp máy thì bên kia lại có tiếng nói, giọng có vẻ rất nghiêm trang:
- Chuyện gì thì cũng phải có cách giải quyết chị Huệ…Ngày trước tôi chạy trốn, cũng là cách giải quyết. Mà hình như lúc đó chạy trốn là cách tốt nhất đối với tôi. Không, chị đừng nghĩ tôi chỉ đơn giản trốn khỏi đất quê mà tôi chạy trốn chính tôi đó chị Huệ. Ở đó, tôi chẳng còn chỗ nào mà ẩn nấp. Xin lỗi chị, khi tôi ở với người đàn bà khác, tôi còn thấy mình  trần trụi, ghê tởm hơn bất cứ lúc nào hết. Cái cảm giác ghê tởm ấy nó cứ đẩy tôi đi dần vào chỗ tàn lụi. Nên tôi phải ra đi. Ngày ấy chúng tôi đã bàn đến chuyện ly hôn rồi đó. Nhưng, lý do nào? Không  lẽ Liên phải trưng những chuyện của tôi ra trước toà. Hay tôi phải nói chúng tôi không hợp. Nói thế là nói dối đó chị Liên. Giận thôi. Giận vì những chuyện không đâu. Quá mù ra mưa mà, chị Huệ.
- Khi hồi chị Liên có hỏi tôi một câu: không lẽ anh không còn thương chị ấy nữa sao? Anh có thể trả lời được câu hỏi ấy không?
- Được chớ chị Huệ. Tôi thương Liên. Tôi còn trọng Liên nữa kìa. Một mình cổ nuôi bé Hằng. Nó khôn lớn, học hành tử tế. Tôi cảm ơn cổ không hết. Có lần một anh bạn hỏi tôi về bé Hằng: " Sao độ này còn gặp con bé không?" " Không, ít lắm. Nhưng mình vẫn gởi tiền về cho nó ăn học". " Ủa, không lẽ nó chỉ cần tiền ăn học thôi hay sao?". Anh bạn tôi đã hỏi tôi một câu nhẹ nhàng như vậy, nhưng chị biết không, lòng dạ tôi giống như bị sát muối. Tôi không thể làm gì khác là im lặng. Nếu bình tĩnh một chút, mọi chuyện đâu có tệ hại như vậy. Bữa làm giấy ly hôn đó, tôi biểu Liên cứ làm đi, tôi chịu hết mọi phán xét của toà. Nhưng Liên không chịu. Chị biết Liên nói sao không. " Em mà làm đơn thì em phải đến chỗ anh ở để tòa xét xử. Em có mặt ở đó không tiện cho anh đâu." Bây giờ mà Liên còn nghĩ cho tôi kia mà…
- Mấy bữa nữa chị Liên lấy chồng, anh có về mừng không?
- Không chị ạ. Cái anh đàn ông ấy mà, còn ích kỷ hơn cả cánh đàn bà các chị nữa đó. Tôi nói là nói phía bên kia kìa. Chớ tôi, tôi còn có quyền gì đâu.
Chiếc tổ hợp điện thoại phát ra một tiếng động khô khốc. Huệ nhìn sang, thấy tô cơm đã nguội. Miếng trứng chiên đã khô lại, Huệ không còn muốn ăn nữa. Miệng chị tự nhiên đắng nghét. Căn nhà bỗng sao mà rộng rãi và yên lặng quá. Chị cầm lấy bộ điều khiển để mở chiếc ti vi. Nhưng mở để làm gì. Qúa mù ra mưa. Có thực đã quá mù ra mưa không? Không lẽ chị lại mất anh một cách dễ dãi như vậy sao.  Chị đứng phắt dậy, chạy ra xe. Nhất định phải kiếm anh ấy về. Nhưng chị lại bỗng nhớ ra, lâu nay chị đâu có hỏi anh đi đâu. Chị chỉ đinh ninh một điều, giờ này nhất định anh đang ở đó, trong ngôi nhà góc công viên. Mà chị không thể đến đó được. Chị chạy vào nhà, lật tung cuốn sổ điện thoại, tìm kiếm. Cuối cùng thì con số chị cần tìm cũng có. Chị bấm máy. Tiếng chuông từ đầu dây bên kia vang lên từng chập, từng chập. Không ai nhắc máy. Chị hạ xuống, bần thần. Một lát sau, chị bấm lại. Lần này thì có người thưa. Chị nhận ngay ra giọng người ấy:
- Tôi đây. Cô Chuyên phải không. Anh Phong…
- Không. Anh Phong không có ở đây chị Huệ ơi.
- Không có?
- Chị không tin em sao… Anh Phong không có đây thiệt mà. Sau lần chị đến đây, anh không đến chỗ em nữa. Nhưng em biết, anh đang ngoài cơ quan đó chị.
- Ngoài cơ quan.
- Ảnh ở đó. Chờ đến khuya mới về nhà…
 - Trời đất…Cô Chuyên này, tôi hỏi thiệt cô…
- Sao?
- Có điều ảnh biểu chị nhiễm bệnh nghề nghiệp nặng quá. Anh ấy rất sợ sự lạnh lùng. Chị biết không…
Thật thế sao. Huệ muốn hỏi người đàn bà kia một câu như thế. Chị bỗng nhớ đến ổ bánh mỳ khô khan của đứa con. Chị bỗng nhớ đến cái bếp gọn gàng đến phát ghét. Nhà chỉ có ba người, lâu nay chị thấy chẳng cần thiết phải bận rộn bếp núc. Công việc ngập đầu mà. Bỗng nhớ đến những vụ án … Chị cũng bỗng nhớ đến chuyện chị chưa hề biết đến cơ quan của anh. Nếu có chuyện gì anh rủ chị đến cơ quan, thì chị tránh né…
Chị đẩy chiếc xe ra cổng. Cơ quan anh ấy ở gần công viên. Một căn nhà ba tầng lầu giữa một vườn cây xanh mát.
Chị dừng lại ở ngoài cổng. Trong căn nhà lầu ấy, ngoài những ngọn đèn bảo vệ, có một căn phòng đang sáng đèn
 

Xem Tiếp: ----