Là một phụ nữ tài năng và nhan sắc nhưng chị lại chấp nhận cuộc sống bình thường và phẳng lặng. Nhưng chính hạnh phúc giản dị của chị khiến nhiều người soi vào mới thấy lòng tin của mình hiếm hoi quá, tình yêu của mình ích kỷ quá và hình như cái tâm của mình có phần méo mó... Ai cũng bảo, với tài năng và nhan sắc ấy, chị phải là phu nhân của đấng quân vương ấy chứ. Đằng này, anh Nhâm của chị, tuy mặt mũi sáng láng thật, nhưng ở bên chị, anh vẫn chỉ như cái bóng nhàn nhạt bàng bạc thế nào ấy. Chê anh lần đầu, chị cười hiền hậu. Chê thêm lần nữa, chị lườm yêu, đôi mắt sắc như dao cau nửa như trách móc, nửa lại như nghèn nghẹn tủi hờn. Sao mà liếc cái duyên con gái... Nói thật, có gần gũi thân cận với gia đình chị, tinh ý lắm mới nhận ra điều đó chứ chị che chắn rõ khéo. Cái miệng tươi như nụ hoa lúc nào cũng dịu ngọt, một điều "nhà em" hai điều nhà em". Nhìn chị chăm chút cho bố con anh từ miếng ăn đến giấc ngủ, rồi lại chứng kiến cảnh chị âm thầm chịu đựng mọi khó khăn vất vả thường nhật, thật không công bằng chút nào. Thành phố đã hết đàn ông con trai đâu mà chị lại chọn cái lão nhà quê ấy không biết? Chị cười: - Thì chị cũng từ nhà quê lớn lên đấy chứ? Em xem, móng chân chị còn nguyên ngấn phèn đây này - Nói thế rồi chị ôm vai tôi cầu hòa - Duyên phận mà em. Thật ra, anh ấy nhà chị rất tốt. Chỉ phải cái... Thì có ai bảo anh Nhâm không tốt đâu. Anh còn rất tốt là đằng khác. Nhưng đây là nết tốt của một anh chàng nhà quê quen nếp sống thô mộc đến mức giản đơn tuỳ tiện. Người ta đã tổng kết và rút ra kết luận: Gia đình nào thì văn hoá ấy. Thế mới biết, nền tảng gia đình là vô cùng quan trọng. Chị sinh ra ở nông thôn nhà chị rất nghèo. Cái nghèo chẳng làm nên tội nhưng nó khiến chị sớm trưởng thành. Mẹ chị thường dạy: Là con gái, phải ý tứ. Người ta chỉ nhìn vào cái bếp là biết ngay con gái nhà ấy có nết na chắn vén hay không. Được đứa con nhanh ý, chỉ cần nghe hàng xóm dạy con họ là đã biết mình phải làm gì. "Dạy con mình, con hàng xóm khôn" là thế: Vốn sáng dạ nên chị học cái gì cũng thanh. Nhất là những kinh nghiệm đối nhân xử thế của mẹ, những nết ăn ở tốt đẹp trong dân gian. Mà điều ấy thì có gì to tát đâu. Ví như, đã là đàn ông phải đủ mạnh làm trụ cột gia đình, phải biết lo toan những việc lớn lao đại sự. Riêng đàn bà, ngoài việc quán xuyến bếp núc buồng the, quản lý cơm áo gạo tiền còn phải biết giữ hoà khí trong gia đình, biết kính trên nhường dưới. Vợ chồng, muốn có hạnh phúc phải yêu thương và trọng nhau như khách. Biết cảm thông và chia sẻ với nhau mọi lúc vui buồn chứ không nên hơn thua nhau. Rồi cả cái sự nhịn nhường cũng phải học cho đến nơi đến chốn. Nhịn chồng không ai chê cười bao giờ. Gì chứ những câu ca dao nói về văn hóa ứng xử thì chị thuộc nằm lòng. Khi còn là cô bé lên mười, chị đã tỏ ra thạo việc và biết cách sắp đặt mọi vật dụng trong nhà thật quy củ, ngăn nắp để khi cần có thể nhắm mắt chị cũng tìm được vật cần lấy. Nhà chị đun nấu bằng rơm, rạ hay lá khô thì vẫn cứ sạch tinh từ trong bếp ra đến ngoài sân, không hề có gio trấu vương vãi. Chị không bao giờ bước qua chiếc dây phơi thấy đồ rơi mà không nhặt, qua vũng nước mà không quét, qua bãi phân gà mà không hót. Những gì ngang tai trái mắt chị tự giác dọn cho kỳ sạch mới thôi. Chị làm mà không cần ai đôn đốc nhắc nhở. Làm một cách đáng khen chứ không phải làm để được khen. Ngồi xuống mâm cỗ, chị ý tứ quan sát xem người ta thái miếng xào miếng luộc vuông tròn dầy mỏng ra sao bày mâm thế nào và tra những gia vị gì để có dịp sẽ thể hiện. Chả thế mà cả làng trên xóm dưới đều biết tiếng cô gái đẹp người tốt nết, vừa chăm chỉ vừa đảm đang lại giàu lòng nhận ái là chị. Mười lăm tuổi, chị đã là lao động chính trong nhà. Mọi việc đồng áng như cấy hái gặt đập chị đều rất thạo. Hễ chị bước chân xuống cánh đồng nào thì tiếng cười theo chị đến đó. Xong ruộng nhà mình, chị sà xuống ruộng hàng xóm. Miệng nói tay làm cứ như việc của nhà mình. Gớm, đang giữa trưa nắng, bụng đói, miệng khát, lưng lại đau như dần thì có người cấy đỡ cho một vài đon mạ, ai chẳng quý? Hễ có dịp giúp được ai là chị chẳng từ nan. Công việc làng xã bao giờ chị cũng xông xáo đi trước về sau. Tóm lại chị đại diện cho sự hoàn hảo hiếm hoi mà những đứa con gái như tôi theo mướt chẳng kịp. Tốt nghiệp phổ thông, chị vào trường Mỹ thuật công nghiệp. Ngôi trường dành cho con trai nhiều hơn là cho cô gái dịu dàng như chị. Nhưng chị lại học rất giỏi. Ra trường, chị nghiễm nhiên được giữ lại Hà Nội và ở một vị trí mà với chúng tôi, đó là một niềm mơ ước lớn lao: Vẽ thanh minh họa cho một tạp chí khá nổi tiếng. Những nét vẽ độc đáo sinh động của chị đủ điều kiện để chị trụ lại thành phố đông dân gần như nhất nước này. Vừa tươi tắn lại vừa tài hoa, chị là thần tượng của rất nhiều người. Vậy mà chị lại chọn anh. Trớ trêu ở chỗ: anh đã từng có một đời vợ và bây giờ anh đang một mình nuôi một bé trai mới tròn ba tuổi. Lấy anh, chị chấp nhận một gia đình chắp nối đèo bòng và đang có hằng hà sa số khó khăn. Cái lũ con gái tầm tầm như tôi cũng chẳng chịu làm vợ một người như anh chứ nói gì đến chị. Thế mà một người như hoa như ngọc lại chịu nuôi con cho anh, vì anh mà héo hon tàn tạ thử hỏi ông trời có cay nghiệt không? Nhưng chị tự nguyện kia mà! Chị sung sướng được đem hạnh phúc đến cho người khác. Đấy cũng là một cách quan niệm về tình yêu và hạnh phúc của riêng chị. Nói thật, cứ như những gì tôi được chứng kiến về cuộc sống của chị, tôi luôn cho rằng chị là người có "vấn đề". Ai đời, căn nhà riêng của anh chị đang thuê với diện tích khiêm tốn chòm chèm hai chục mét vuông mà phải chứa đến bảy người. Hai vợ chồng, hai đứa con, thêm cô em chồng, thêm cậu cháu mình và ông bố chồng nữa thì chỉ ngửi hơi người cũng đủ sinh bệnh. Thế mà ở cái xã hội thu nhỏ ấy, "bà chủ"' như chị lại đóng vai một Ôsin thạo việc, lúc nào cũng tươi cười niềm nở, sáng lo việc sáng, chiều lo việc chiều, đi thưa về dạ. Lo được từng ấy miệng ăn trong thời "gạo châu củi quế" đã quá mệt mỏi. Nào tiền thuê nhà, tiền nước, tiền điện, tiền đóng học cho con rồi tiền ma chay cưới giỗ, tất tật... Thôi thì thượng vàng hạ cám, cười cũng tiền mà khóc cũng tiền... Nhiều bữa chị đến cơ quan như kẻ mất hồn. Ngồi làm việc mà đầu óc chỉ quẩn quanh chuyện cơm áo gạo tiền. Cuộc sống thường nhật cứ xoay chị như chong chóng, hết giật đầu cá, lại vá đầu tôm. Làm sao chiều nay về phải có 300 ngàn cho cô út đóng tiền học may? Làm sao phải có khoản tiền đưa ông nội thằng Trung đi khám mắt? Làm sao... Làm sao... Áp lực công việc, áp lực gia đình đè nặng lên đôi vai mảnh dẻ yếu ớt của chị. Đã thế vài bữa ông nội thằng Trung lại tố với con dâu: - Chị xem, anh Nhâm anh ấy lại bảo tôi là... Chị cười thật tươi mà trấn an ông bằng cái giọng đến đá cũng phải mềm lòng: - Ông ơi. Ông đừng chấp nhà con. Dù gì anh ấy cũng là con ruột của ông, anh ấy bỏ ông thế nào được: Con đây này. Con là con dâu "khác máu tanh lòng". Khi nào con ý kiến với ông, ông hãy để tâm. Thôi, ông ở nhà trông cháu cho con, con phải đi làm không có muộn mất. Nói thế cho ông yên lòng chứ thế nào đêm nay chị chả thẽ thọt với chồng rằng ông bây giờ có tuổi, trái tính trái nết cũng là chuyện thường tình, bố thằng Trung cứ nhịn ông một chút cũng chẳng sao. Cốt lựa người già chứ vợ chồng chị thì chẳng có gì là không thỏa hiệp được. Bây giờ chị tong tả đạp xe đi. Từ nhà đến cơ quan ngót chục cây số, có đạp nhanh cũng mất gần tiếng đồng hồ. Đấy là chưa kể những lúc tắc đường. Hà Nội thì chuyện tắc đường bây giờ đâu có hiếm? Cả nhà có mỗi chiếc xe 82 cũ kỹ anh Nhâm để quên đầu chợ, trộm nó dắt mất tuần trước còn đâu? Mà cái nhà anh Nhâm chúa là hay quên. Ai đời, mười hôm đi đánh bóng với bạn bè xong là bỏ quên quần cả mười. Có hôm chị nhặt được quần về giặt sạch phơi khô, nhưng có hôm chẳng biết đâu mà tìm. Anh chỉ biết rút cái khác mặc nào người chứ không nhớ mình vất quần ở đâu nữa. Nhiều hôm thằng Trung cứ phàn nàn: - Bố lại mặc nhầm quần ai về rồi. Quần bố sao lại ngắn thế! Rõ khổ! Đến quần của mình còn không nhận ra nữa thì... Chuyện hay quên của anh đã trở thành giai thoại mà khu phố anh ở chẳng ai còn lạ. Anh đưa chị đi chợ sắm đồ tết, lúc ấy chị đang có mang con Hậu bụng to vượt mặt. Trời mưa, đường đông, anh đạp đến sái cả chân mà cái xe không chịu nổ, bèn quay sang bảo chị: - Mẹ mày xuống để bố nổ máy xong hẵng lên. Nhưng nổ máy xong anh chạy một mạch về nhà, cất xe rồi điềm nhiên sang hàng xóm đánh cờ. Cô em không thấy chị đâu mới hỏi thì anh khoát tay rất tự nhiên: - Chị mày chắc chạy đâu đấy. Cái sự đãng trí của anh báo hại chị phải tay xách nách mang đi bộ toát mồ hôi mới về đến nhà. Lần khác, chị có việc cơ quan về muộn mới bảo anh qua nhà trẻ đón con. Anh mải tranh luận bóng đá với người đi đường, quên mất, chạy xe qua trường học rồi lại chạy xe về không. Con cũng chẳng đón. Tối chị về không thấy con, hỏi thì anh ớ ra, chị lần ra tận công trường vẫn thấy thằng bé đang đứng chờ bố mẹ là đã khóc đến sưng cả mắt. Kỷ lục nhất là chuyện anh Nhâm khoác đài, cưỡi xe máy ra sân vận động đánh bóng. Tàn cuộc, anh ngất ngưởng khoác đài trở về. Đến thềm nhà mới nhớ ra là mình quên xe. Anh lập tức quay lại, thận trọng để đài xuống đám cỏ, mở khóa xe phóng về. Và... mãi lúc ăn cơm xong mới lại nhớ ra là mình vẫn quên... đài ngoài bãi cỏ. Hay quên và vô tâm là bản tính của anh. Lũ con gái chúng tôi vẫn thường bảo nhau. Chỉ có chị mới chịu đựng nổi anh chứ như chúng tôi thì ba bảy hai một phút đã anh đi đường anh, tôi lại đường tôi. Thương chị thì nói thế chứ con gái mười hai bến nước... Với lại, nói cho công bằng, anh Nhâm chưa khi nào nặng lời với vợ, cũng chẳng khi nào sáng xỉn chiều say. Theo chị, thế cũng là quá tốt. Nhiều ông đã mắc đủ thứ "tội trạng" còn chẳng coi vợ con là "đinh gỉ" gì thì đã làm sao? Lý giải cho hết nhẽ chứ ở mới người như anh vẫn cứ thấy bừng bực trong lòng. Ai đời, đầu tháng đưa về cho chị ngót nghét năm trăm bạc lương, nhà thì một đống miệng ăn mà đến cuối tháng anh lại dắt bạn bè hồn nhiên bảo vợ: "Em lấy cho Kiên nó mượn vài trăm đi!". Chị điếng người. Trong nhà chỉ còn vài chục, lấy đâu ra vài trăm mà cho mượn bây giờ? Tất nhiên là chị phải bí mật luồn sang hàng xóm vay tạm để đẹp lòng bạn chồng chứ biết làm sao. Giá như vớ phải bà vợ khác thì đã ỏm tỏi cả phố, nhưng đằng này chị chỉ rủ rỉ bảo chồng: - Nhà hay thật đấy. Lần sau muốn giúp ai phải nói với em trước nhé. Hôm nay đã là cuối tháng, nhà mình làm gì còn vài trăm trong nhà, mà anh bảo em lấy cho bạn mượn? Anh nghệt mặt ra vài giây thành thật: - Hết tiền thật à? Thế em lấy tiền đâu mà đưa cho Kiên? - Em mượn bên chị Ngần. Anh đã bảo thế, em nói không có liệu anh Kiên có tin không? Có khi anh ấy lại nghĩ em khó khăn. Giúp ai được cũng tốt nhưng anh đừng đẩy em vào chuyện khó xử. - Thế họ hỏi mượn anh phải bảo thế nào? Chị phì cười chí vào trán chồng nhỏ nhẹ: - Có thế mà cũng không biết. Anh nói gì cũng được, nhưng phải cho em đường lui chứ. Thí dụ anh bảo: " Em ơi nhà còn tiền không cho anh Kiên mượn vài trăm anh ấy có việc". Hoặc: "Tiền cô ấy quản cả, để tớ hỏi xem còn không đã nhé!". Như thế em sẽ dễ ăn dễ nói hơn, hiểu chưa? Rồi chị hạ giọng: - Em dặn thế là đề phòng những lúc nhà hết tiền thôi. Chứ còn tiền thì ai tiếc? Anh đừng nghĩ ngợi gì nhé. Anh chỉ còn biết thầm cảm ơn sự tinh tế của vợ chứ còn trách móc gì được. Đấy là chuyện trong nhà. Ra ngoài xã hội, mỗi lần vợ chồng có dịp phải giao tiếp, chị cứ nơm nớp lo chồng ăn nói hớ hênh rồi câu nói chẳng nói lại nói câu không. Ai chứ anh thì chả phải bàn. Dặn đi dặn lại anh cũng nay tránh được lỗi này, mai lại mắc lỗi khác. Mỗi lần mỗi kiểu, chẳng lần nào giống lần nào. Người ta bảo "giầu vì bạn, sang vì vợ" nhưng chị có khôn khéo đến đâu cũng chẳng đậy hết cái "dở" của anh. Chả nhẽ mỗi lần có khách đến chơi lại đem giấu biệt chồng đi thì còn ra cái thể thống gì? Anh chỉ khác cậu bé con là khi bị chị dẫm vào chân hay véo vào sườn làm hiệu, không la ầm ĩ rằng "sao em lại dẫm vào chân anh", thế thôi. Anh không ác ý, không hàm hồ nhưng vụng nói nên cứ thành thật lại hoá ra bất nhã. Mỗi lần chị ngọt nhạt phân tích anh chỉ tủm tỉm hiền lành: "Thế anh mới lấy em chứ". Chị chỉ còn biết thở dài mà nguýt yêu chồng. Tôi dám cá một điều: chị có ba đầu sáu tay, có phép thần thông biến hoá khôn lường cũng không thể lấp đầy khoảng trống lòng mình khi ở bên một người đàn ông như anh. Nếu ai bảo sức chịu đựng của con người là vô biên thì sái toét. Trong tôi luôn nhói lên một dự cảm mơ hồ về cái hạnh phúc chênh vênh chị đang cố hoàn thiện. Nhưng tôi chỉ lo sợ hão huyền. Thời gian đã chứng minh được cái điều mà chị khẳng định: Hạnh phúc nằm trong tay của mỗi con người. Người ta có thể bóp bẹp sao lại không thể vo tròn? Cũng vẫn chỉ là mớ lý thuyết suông. Hạnh phúc chứ có phải con tò he đâu mà vo tròn với chả bóp bẹp. Chị thì chẳng cần gì đến sự trợ giúp "nỏ mồm" của lũ con gái vô công rỗi nghề chúng tôi. Cái gia đình đặc biệt ấy rút cục nhờ tài chèo chống của chị cũng dần ổn định. Cô em có việc làm đã xin ra ngoài sống tự lập, cậu cháu thì vào quân đội. Nhà chị còn có năm người. Qua mấy lần đổi nhà trọ chị cũng được phân một gian nhà tập thể. Tiêu chuẩn nhà phải lấy bên cơ quan chị chứ cứ như anh thì đến đời... mồng thất. Căn phòng cấp bốn chưa đầy 25m2 chị khéo sắp xếp trông cũng gọn gàng. Nói theo cách của chị: Nhà chật để vợ chồng có giận nhau cũng chẳng biết quay mặt đi đâu. Ấy là chị đang cố giấu bớt niềm vui của người đàn bà biết nâng niu cái hạnh phúc nhỏ nhoi mà phải khó khăn lắm mới có được. Tự tạo dựng và điều chỉnh cuộc sống bằng đôi bàn tay bé nhỏ, chị đã biến không thành có, biến sự thiếu trước hụt sau bằng sự tròn đầy, thế gian mấy ai làm được? Giữa cái đám con gái hơ hớ tươi non ở cơ quan tôi, chị là sự thuần khiết đằm thắm nổi trội dù phải bươn trải tảo tần, dù lối ăn mặc luôn giản dị. Hai đứa con chị, cả thằng Trung và con Hậu, đứa nào cũng xinh xẻo thông minh. Chị bảo: đêm về, nằm giữa chúng nó chị lại thấy mình quá đầy đủ. Bẵng đi nhiều năm, vì chuyển đổi công việc tôi ít có dịp đến chơi nhà chị. Nhưng vẫn biết một số thay đổi trong gia đình chị. Căn nhà cấp bốn năm xưa đã được anh chị cơi lên cao đến bốn tầng. Vậy là cảnh nhà chật chội đã hoàn toàn cải thiện. Cháu Trung, cậu bé thiếu mẹ được chị chăm bằm vỗ về hơn cả con ruột đã ra nước ngoài tu nghiệp. Con Hậu bây giờ đang là cô nữ sinh trường chuyên của thành phố. Nó cũng có đôi bàn tay tài hoa và cái nết vén khéo của mẹ. Chị thì vẫn trẻ trung và nhân hậu như xưa. Hình như thời gian không thể chạm vào cái nhan sắc mặn mòi của chị. Rồi một sự tình cờ. Sự tình cờ định mệnh đã buộc tôi vào số mệnh của người đàn bà luôn là thần tượng của tôi trong suốt quãng đời thơ ấu. Nó làm đảo lộn mọi giá trị đạo đức vĩnh hằng tôi từng quan niệm. ... Ấy là một buổi chiều lộng gió heo may trên sân bay Quốc tế Nội Bài. Tôi đi đón một đối tác làm ăn nhưng lại đến trễ giờ nên đành ra về tay không. Giá như tôi đi thẳng cổng chính đã không gặp chị. Đằng này tôi lại nấn ná vòng đi vòng lại mấy lần hy vọng đón được khách quý còn chùng chình đâu đó. Chị lọt vào tầm mắt của tôi nhờ cái dáng mảnh mai quen thuộc. Nhưng trông chị tiều tụy quá. Mái tóc thưa thớt rối tung che gần hết gương mặt nhạt nhoà nước mắt. Vẫn cái áo cánh tím ôm lấy bờ vai gầy guộc đang rung lên từng chập. Đôi bàn tay tài hoa sao cứ xoắn bện vào nhau như đang cố nén một nỗi đau nào đó. Chẳng lẽ người đàn bà tột cùng đau khổ kia lại là chị? Nhưng không chị thì còn ai vào đây nữa. Tôi chẳng phải chờ lâu, con Hậu từ đâu ào đến gục vào lòng mẹ khóc nghẹn. Sân ga là nơi gặp gỡ và chia li nên giọt nước mắt bên nào cũng mặn. Nhưng bằng linh cảm là trực giác, tôi hiểu vừa có một biến cố trầm trọng xảy ra với cái gia đình bé nhỏ của chị. Diễn giải thì lâu chứ sự việc diễn ra đột ngột lắm. Tôi chẳng có thời gian đâu mà suy tính. Hình như mọi cố gắng cuối cùng của chị cạn kiệt. Trông chị yếu đuối đến thảm thương. Con Hậu vừa nói vừa nấc, tôi nghe câu được câu không. Lắp ghép mọi thứ là cả một câu chuyện dài. Rằng chị vừa trả tự do cho người đàn ông mà chị một đời hy sinh nhẫn nhịn. Hơn thế nữa, chị vừa đẩy anh vào vòng tay một người đàn bà khác. Hai con người hạnh phúc ấy vừa bay đến một vùng đất mới, vùng đất có đứa con trai của anh đang làm ăn sinh sống. Chuyện thật mười mươi mà tôi vẫn không sao tin được. Có công lý ở đời nữa không hả trời?!? Tôi đưa mẹ con chị về ngôi nhà quen thuộc. Bây giờ nó mới tiêu điều hoang vắng làm sao. Chị hoàn toàn ngã gục. Chút tự trọng cuối cùng chị đã dùng nó để đứng vững trên sân bay giờ đây thản nhiên rời bỏ chị. Con Hậu trước sau chỉ biết gặng mẹ có một câu: - Sao mẹ không nói với bố tất cả sự thật? Còn sự thật nào ở người đàn bà tài sắc vẹn toàn này mà tôi không biết? Hậu chỉ vào xấp thư tung tóe trên bàn: - Mẹ cháu đã sắp đặt tất cả. Rất nhiều lá thư ai đó viết cho chị. Rõ ràng đây là lời lẽ của hai kẻ yêu nhau, nhưng...Thật vớ vẩn. Cái ngày chị có con Hậu, vẫn còn hàng tá chàng trai đeo đuổi tán tỉnh, mà chị có màng đâu? Có đem lôi băm làm trăm mảnh tôi vẫn khẳng định: đây hoàn toàn là một trò lừa bịp. Nhưng sao chị lại tự lập bi kịch cho mình được nhỉ? Thật là khó hiểu. Một dạo tôi có nghe loáng thoáng rằng chị dạo này đổi mới tư duy rồi. Chị rất hay đi xa, chị biết dùng cả son phấn và chị còn rực rỡ hơn cả thời con gái. Không lẽ... Dào ôi! Con cái phương trưởng, cuộc sống đã bớt khốn khó, chị có chăm chút cho mình thì đã chết ai? Họ chỉ rỗi hơi đồn thổi không đâu. Mà cái nhà anh Nhâm đã "đi không biết đường lại, đái không biết đường về", có được chị là phúc tổ bảy đời còn lắm chuyện gì? Cái thứ đàn ông bội bạc cho không cũng chẳng đắt, thế mà lại có con mả mẹ nào đâm đầu vào không biết nữa? Thứ đàn bà lăng loàn trốn chúa lộn chồng, sao không chết bớt đi cho sạch nợ hả trời? Xót là xót cho chị kìa. Chị đã lướt qua bao nhiêu viên kim cương vô giá để nhặt cho mình một viên đá cục. Những tưởng bằng tình yêu của mình chị sẽ biến viên đá vô tri kia thành viên kim cương như chị mong muốn. Hỡi ôi, bản chất đá cục thì muôn đời vẫn chỉ là đá cục mà thôi... Tôi đang lồng thách lên chửi đổng cái thói đời đen bạc, quân ăn cháo đái bát thì chị từ từ ngồi dậy. Đôi mắt sâu thẳm chất chứa bao nhiêu cay đắng tủi hờn vẫn ánh lên sự bao dung thánh thiện: - Anh Nhâm không có lỗi đâu em. Tất cả là do chị tự nguyện. Rồi chị kể: Cái khối u bao năm chung sống hoà bình trong người chị bỗng nhiên dở chứng. Chị đi khám và cay đắng nhận ra cái ranh giới cuối cùng không còn bao xa nữa. Chị đã tự sắp đặt mọi chuyện để đẩy anh ra xa nhưng không thành. Chị đành năn nỉ cô bạn gái thân thiết tham gia vào kịch bản này: Dù gì mình cũng đành phận, lo là lo cho người ở lại... Tôi khùng lên: - Vớ vẩn. Chị điên à? Tự dưng lại đi cưới vợ cho chồng là nghĩa làm sao? Không hiểu anh Nhâm là loại người gì mà lại đồng ý chuyện này? Mà đã tự nguyện sao chị phải đau khổ vì cái thứ không xứng ấy? - Mình là đàn bà, ai không muốn vuông tròn hả em? Vợ chồng đầu gối tay ấp, dẫu không hương đượm lửa nồng thì cũng bao năm tình nghĩa. Huống hồ anh chị đã từng con sống có, con chết có. Em đừng trách anh ấy mà phải tội. Chị phải thuyết phục mãi anh mới chịu. Cả Thủy nữa. Là chị đã cầu xin cô ấy. - Thế thì chị hết thuốc chữa. Em chả còn hiểu ra làm sao nữa. Ngay cả khi chị mắc bệnh hiểm nghèo anh ta cũng không có quyền rời xa chị. Thử hỏi bao nhiêu năm nay chị chịu thiệt thòi là vì ai, vì ai? Cái ngữ ấy mà không có chị thì có được như ngày hôm nay không? Tôi giận chị vô cùng. Chị điên thật rồi. Tôi không phải là thánh thần nên không thể bao dung như chị. Bây giờ khi chị ngồi đây đối mặt với tử thần thì ở phương trời xa lắc kia, anh ta lại đang say sưa với hạnh phúc mới. Bất công đến thế là cùng. Nghe con Hậu mẫu mốt mẫu hai thì hình như anh Nhâm còn không biết chị đang đau nặng nữa kia. Ai chứ cái lão nông toèn toẹt ấy thì còn lâu mới hiểu. Lão lại đinh ninh rằng chị giẫy ra là vì chị có "một ai đó" thì có phí cái tâm của chị không? Chưa khi nào tôi thấy ghét cái sự nhịn nhường vô lý của chị hơn lúc này. Mấy giờ rồi mà chị còn bảo tôi: - Em đừng cay nghiệt thế. Mình đau thì có quyền bắt người khác phải đau theo sao? Có ai hiểu chồng hơn người vợ hả em? Chính vì biết không có chị anh sẽ rất khổ nên chị đã chủ động tìm người thay thế. Thuỷ rất tốt. Cô ấy sẽ giúp chị đem lại hạnh phúc cho bố con anh ấy nốt phần đời còn lại. Họ không bỏ chị đâu. Thế nào họ cũng trở về. Tin chị đi. Chị khóc là vì... Chị sợ mình không chờ đợi được. Quỹ thời gian của chị không còn nhiều nữa. Em xem, tóc chị rụng gần hết cả rồi. Anh ấy đi là để đón cháu Trung về cho chị đấy: Nếu chị nói thật thì không đời nào anh bỏ chị đâu. Người ấy ba tuếch ba toác nhưng lòng dạ thẳng ngay, chẳng có gì khuất tất bao giờ. Chị chưa khi nào hối hận là đã lấy anh. Tiếc là trời không cho chị sống để... Tôi chạy vụt ra ngoài. Con Hậu đang khóc thầm ngoài hiên gục vào lòng tôi thổn thức. Tôi mới là kẻ hồ đồ. Lòng tin trong tôi hiếm hoi quá, tình yêu trong tôi cũng ích kỷ quá. Tôi làm gì có tư cách để phán xét cả anh lẫn chị. Hóa ra lâu nay cái tâm của tôi méo mó dị dạng nên tôi nhìn cái gì cũng dị dạng méo mó. Tôi thương vay khóc mướn, tôi tiếc cho cái duyên của chị mà không biết rằng mình mới là kẻ đáng thương. Lúc nào tôi cũng đổ lỗi cho duyên phận mà không biết rằng sự dám lựa chọn và dám trả giá mới làm nên hạnh phúc đích thực. Mãi nhiều năm sau này tôi vẫn bị ám ảnh bởi gương mặt ngây ngô nhưng tràn đầy hạnh phúc của anh Nhâm khi bị chị vít đầu xuống mà vò mà gội. Đâu đó cái giọng thánh thót như tiếng chuông ngân của chị lại khẽ cất lên, lẫn trong tiếng cười giòn giã: - Trung, Hậu đâu rồi, về mà xem bố Nhâm ở bẩn chấy rận đầy đầu đây này. Trại viết Đại Lải 3-2005