- Anh phải xem ghế như một người con gái! Phải nắn, phải bóp, vuốt ve, lừa thế và bấm vô cái rột là xong! Hoàng mỉm cười khi nghe Quyền dạy một anh mới vào mấy hôm, đang được Quyền huấn luyện nghệ thuật làm ghế xe vì Hoàng cũng đã được Quyền huấn luyện cách đó chừng vài tháng. Chẳng phải Hoàng không biết ơn Quyền, nhưng chàng trong bụng hơi xem thường Quyền chỉ vì cách dạy của Quyền không được lý tưởng như chàng muốn chỉ vì chàng xuất thân từ giới ăn học ra không đúng lúc nên giờ này phải nửa thày nửa thợ giữa nhà máy làm ghế xe cung cấp cho một hãng xe Nhật sản xuất ngay tại thành phố chàng ở. Anh Cương, người thợ mới, loay hoay cầm Máy Vặn Hơi vặn con ốc vào khung ghế! Réc....Réc.... Hoàng làm gần đó, liếc sang. Con ốc cứng đầu không chịu vào trúng lỗ, nên đâm ra xéo xệch. Anh Cương luống cuống sửa Máy Vặn Hơi chạy ngược lại để lấy con ốc ra. Quyền giật lấy Máy Vặn Hơi nói lớn: -- Tôi đã chỉ anh biết bao nhiêu lần là cầm máy vặn cho thẳng, nhắm cho đúng, rà nhẹ vào lỗ, rồi bấm cái rẹc là xong! Quyền vừa nói vừa bấm! Khi anh nói xong thì con ốc cũng nằm ngay thẳng vào chỗ ráp, không phải một phép lạ, mà vì quen tay. Quyền đưa máy vặn lại cho anh Cương nói thêm: -- Tôi đã chỉ bao nhiêu người, có người chỉ cần chỉ 2, 3 tiếng là làm được ngay, có người thì mất một ngày, còn anh gần một tuần rồi mà còn lúng túng chưa làm được gì cả! Anh Cương đỏ mặt. Hoàng đứng gần định nói gì đó nhưng lại thôi, cúi xuống tiếp tục làm công việc của mình. Hoàng nhớ lại hai tuần đầu vất vả học như thế nào, khi về nhà tay đau rần, co lại chẳng được. Hoàng chẳng dám than van vì túng thế phải làm việc này, lương hậu tương đối cũng cao. Hơn nữa Hoàng cũng khá lớn tuổi rồi, đâu còn dám chờ thời. Chàng đã có vợ và hai đứa con nhỏ nên dù có phải ngậm cay nuốt đắng, chàng cũng phải cắn răng chịu đựng. Chàng e ngại cho anh Cương, không biết anh ấy có nhẫn nhục qua ba tháng thử thách trước khi được chính thức thành công nhân chuyên nghiệp như chàng không. Trước khi Hoàng vào hãng ghế xe này, đã có mấy người Việt chỉ làm được vài ngày rồi tức bực chửi thề, quẳng đồ nghề xuống sàn nhà, bị chủ hoặc ai đó thóc mách nói với chủ nên đã bị sa thải ngay. Bây giờ chỉ còn 8 người Việt trong hãng mấy trăm nhân viên nên trong giờ giải lao với tính cách người lớn tuổi nhất trong đám, Hoàng hay nói nhỏ với người đồng hương: - Anh em người Việt mình trong đây ít, được thêm người nào hay người nấy, hãy tận tình đoàn kết chỉ bảo giúp đỡ nhau để họ tin tưởng may ra mai sau mình có thể giới thiệu thêm người Việt vào làm cho đông cho vui. Như mọi hãng lắp ráp xe, hãng làm ghế xe cũng lắp ráp theo hệ thống dây chuyền. Mỗi dây chuyền, mỗi ca, gồm mười mấy người biến chuyển những khung sắt, nệm, bọc ghế đã làm sẵn thành hàng trăm những chiếc ghế vải, ghế da cho các loại xe sẽ được làm trong nội ngày hôm đó. Khi dây chuyền ngưng, các công nhân lo dọn dẹp, quét tước chỗ mình làm. Hoàng thường dùng những lúc này để hỏi chuyện hay chuyện trò với các thanh niên trẻ đồng hương. Sau mấy tuần tìm hiểu, chàng quan tâm tới anh Cương, kể ra chẳng còn trẻ gì, cũng đã ngoài ba mươi, nhưng chưa vợ chưa con, tính hơi cứng và có vẻ bất cần. Hoàng nói: - Anh Cương à, ráng nhịn nhục đi. Qua 90 ngày, được vào chính thức, có nói gì cũng được không đến nỗi nào. Ráng làm, chứ bây giờ các nơi thất nghiệp nhiều, kiếm được việc như thế này cũng khó đó anh ạ! Anh Cương không phải do Hoàng trực tiếp giới thiệu vào, nhưng chàng gián tiếp giúp vì chàng nghe có người chuyển lên ca ngày nên ca tối thiếu đi một chân. Chàng hỏi ông chủ, thường hay nói chuyện với chàng vì có nhiều việc ông chủ phải trực tiếp huấn luyện chàng: - Luke lên ca ngày vậy ông có mướn thêm người không? - Có, ông có người quen? Tôi muốn mướn người Việt vào vì người Việt thường chăm chỉ chịu khó làm việc! - Không, tôi không có! Nhưng Chinh có người anh em họ muốn vào làm ở đây! Để tôi nói với Chinh lên xin ông đơn làm việc cho người anh họ của hắn! - Được Ít người để ý, nhưng mọi việc mình làm đều ảnh hưởng tới mọi người chung quanh. Nhiều khi những hành vi, cử chỉ mang tính cách đại diện cho nhóm người, cho dân tộc... có khi thật bất công, nhưng đó là việc thực tế khó chối cãi. Cái nhìn in đúc nhóm người là không đúng, nhưng đó là thực tế phũ phàng mà mọi người phải đương đầu trước thành kiến đã có sẵn trong tư duy xã hội. Cũng may mà đa số những người Việt trong hãng làm ghế xe là những người cần cù nên ông chủ tín nhiệm sự chăm chỉ của người Việt. Thấm thoát đã gần hết ba tháng, anh Cương đã đứng làm riêng một mình một khâu, không còn được ai huấn luyện nữa. Tính tình ngang ngang của anh, ai cũng biết rồi. Đám người Việt, kể cả người em họ, đều dạt ra, ít ai nói chuyện với anh trừ Hoàng lúc cuối ca hoặc trong giờ giải lao. Một hôm anh Cương nói với Hoàng khi Hoàng kể lại chuyện tối hôm trước ông chủ cho Hoàng coi những móc anh bắn vào ghế da sai tùm lum tùm la. Hoàng đã nói chống chế cho anh Cương, có lẽ anh ta không rành tiếng Anh nên làm sai không biết sửa lại thì ông chủ nói đã có nhờ Quyền, và mấy người Việt làm gần khâu anh Cương nói rồi. - D. m, nó vừa cho chạy nhanh vừa đòi chất lượng cao, đéo làm nổi! - Thôi nhịn đi anh! Anh làm chậm còn được, nhưng phải làm đúng chất lượng! Làm không kịp họ bắt buộc vặn chậm lại một chút, chứ làm sai, người khác phải sửa hoặc bị trả lại đều kẹt hết. - D.m, vài hôm nữa, sau khi được vào chính thức rồi, ai mà nói này nói nọ, tôi nói mày đi đéo đi cho mà xem ai làm gì nổi tôi! - Một điều nhịn, chín điều lành! Thôi bỏ qua đi! Thấy anh Cương nổi nóng, dù chỉ là chuyện nhắc nhở nhỏ, Hoàng e ngại vì đây là lần thứ hai ông chủ đã nói Cương cứng đầu không chịu sửa những cái phải sửa mặc dù có người nhắc nhở. Quyền và những bạn Việt Nam khác đã lắc đầu rồi: - Hắn làm mang tiếng người Việt mình quá, mong là hắn bị đuổi cho sớm, kẻo qua ba tháng được vào chính thức thêm lôi thôi! Nếu trong đám 8 người Việt có cuộc bỏ phiếu loại anh Cương ra khỏi hãng thì có 6 phiếu thuận, chỉ có 2 phiếu trắng của Chinh, người em họ của anh Cương và của Hoàng, chứ chẳng có phiếu chống nào! Anh Cương như trái bom nổ chậm khi anh nói với anh em Việt Nam: - Mẹ kiếp, lạng quạng ông mang súng bắn cả lũ! Không biết ý anh nói cả lũ là ai, ông chủ, hay đám người làm việc với anh, hay anh em Việt Nam. Hoàng nói với anh em Việt Nam học chuyện đó với Hoàng: - Nghe thì để ý một chút, để đó thôi, đừng học lại cho ông chủ\! Câu nói đó đủ để bị đuổi ngay đó! Lần đó Hoàng có hỏi anh Cương, anh xin lỗi, nói: "Giận quá nên nói chơi vậy thôi, chứ mới qua đây, súng đâu mà có!" - Đừng bao giờ nói bạo động kiểu đó! Coi chừng tù rục xương anh ạ! Ở Hoa Kỳ chuyện đó xảy ra hoài nên cảnh sát rất chú ý, ngay cả ở học đường! Anh Cương hình như nghe lời khuyên của Hoàng, nhịn, nhịn, chỉ còn hai ngày nữa là qua 90 ngày thử sự. Anh em Việt Nam cũng im lặng không hề nói năng gì về anh Cương. Tối hôm đó đường dây chuyền chạy hơi nhanh vì phải làm nhiều ghế hơn mọi hôm, ai cũng bận rộn lo phận vụ của mình. Anh Cương bất cẩn sao đó, bắn hai ba bọc ghế không đúng, sai vị trí, và không móc da bọc ghế vào khung ghế. Một người công nhân làm ngay sau vị trí anh nhắc đến lần thứ ba trong ca, anh hầm hừ, không nói lớn ra, nhưng rõ ràng là câu nói tục tằn khi anh đồng thời đưa ngón giữa lên cho người đó thấy. Người công nhân Mỹ tên George đâu có nhịn. Hắn chạy lên gặp hai ông xếp ngay và trình bày chuyện đã xảy ra. Hai ông xếp không nói gì ngay lúc đó, nhưng sau khi dây chuyền làm việc ngưng, hai ông gọi những người xung quanh vào văn phòng hỏi chuyện gì đã xảy ra. Mấy người làm việc quanh đó, kể ca ba anh Việt Nam, đều kể đúng sự việc xảy ra. "Chúng khẩu đồng tình, ông sư cũng chết" dù là bị oan, huống chi anh Cương là người đã gây sai trái thật sự thì tránh sao cho khỏi bị sa thải. "Quá tam ba bận" mà, ông bà mình chẳng bảo thế là gì! Đêm đó, không ai nói gì, nhưng trong lòng ai nấy đều biết số phận anh Cương ở hãng đã tự do anh chấm dứt. Các ông xếp, ông chủ cũng không bàn bạc hay nói gì nữa sau khi viết lại những sự việc xảy ra. Khi chuông vang chấm dứt ca làm việc anh Cương cùng mọi người lằng lặng bấm thẻ ra về. Hoàng đi bên cạnh anh Cương, cũng làm thinh. Chiều hôm sau, anh Cương trở lại thì Phòng Nhân Sự của hãng gọi vào nói chuyện, chúc anh thành công trong những kế hoạch anh theo đuổi, và nói rằng anh không thích hợp ở hãng này vì những sự kiện đã xảy ra thể hiện sự thiếu tinh thần đồng đội và học hỏi rất cần trong hãng. Anh đi ra, trở lại phòng giải lao lấy đồ ăn đã mang theo để ăn trưa, chẳng chào tạm biệt ai, ra về. Trong bữa ăn trưa tối đó anh em Việt Nam ngồi ăn chung bàn với nhau xì xầm: - Thằng cha đó già đầu mà ngang bướng như bò, bị đuổi là phải! - Tiếc thật qua ngày mai là qua 90 ngày thử thách rồi! - Hắn mới sắm xe mới và điện thoại cầm tay giá mắc nữa! Rồi làm sao mà trả đây? Hoàng ngồi ăn, chăm chú nghe, không nói gì! Chàng nghĩ ở đâu cũng vậy, muốn cầu tiến thì phải học hỏi, sai thì sửa, chứ giận quá mất khôn! Liệu anh Cương có tìm được một việc nào trả lương tương đương trong lúc bà con đang thất nghiệp khắp nơi không. Làm ghế đã khó khăn, làm người biết thuận thời thuận lẽ còn khó khăn hơn, tất cả đều cần có nghệ thuật. Phản ứng của anh em Việt Nam trước sự sa thải của một người đồng hương và sự ra đi đúng lúc của anh Cương làm anh bâng khuâng không biết sự gia tăng làm ghế đêm qua có phải là thử thách cố tình và cuối cùng không. Mình kiếm việc thì khó, chứ muốn sa thải một người thì thiếu gì cách, vừa hợp lệ, hợp lý, hợp tình, ai biết được đó là kết quả tích tụ từ cả quá trình làm việc có văn bản đàng hoàng. Chỉ cần một phút nóng nảy mất khôn là đủ cho người ta có lý lẽ cho mình nghỉ việc và đủ cho bạn bè cười chê chế nhạo khi mình không còn hiện diện. Nguyên Đỗ