Dịch giả : Đinh Văn Phước

Vào lúc chạng vạng một ngày mùa đông mây mù. Tôi ra ga Yokosuka lên chuyến xe lửa đi Tokyo, ngồi một góc trên toa hạng nhì, lơ đãng chờ tiếng tu huýt báo tàu chạy. Trong toa, đèn đã bật sáng từ lâu, nhưng lạ thay, ngoài tôi ra chẳng có hành khách nào khác. Nhìn ra ngoài sân ga lờ mờ tối, hôm nay lạ thật, sao không thấy bóng người tiễn đưa, chỉ có một con chó con bị nhốt trong cũi, chốc chốc cứ sủa ăng ẳng, nghe buồn thảm. Cảnh vật sao giống lòng tôi lúc ấy một cách kỳ lạ. Một cảm giác mệt mỏi rã rời khó tả như bị bầu trời u ám đầy mây tuyết đè nặng trong đầu. Tôi thọc nguyên hai tay trong túi ngoài của chiếc măng tô, ngay cả tờ báo chiều bỏ trong túi ấy cũng không buồn lôi ra đọc.
Rồi tiếng tu huýt rúc lên. Tôi thấy dễ chịu ra một tí, ngả đầu dựa vào khung cửa sổ, trong lòng hờ hững chờ cảnh sân ga sắp chầm chậm lùi về phía sau. Bỗng, từ phía cửa soát vé có tiếng guốc ầm ĩ, tiếp đó tôi nghe thấy tiếng la ó của người theo xe soát vé, rồi cửa toa xe tôi đang ngồi bỗng mở toang, một đứa con gái trạc mười ba, mười bốn lật đật leo lên vừa đúng lúc chuyến xe lửa nặng nề lắc mạnh, từ từ chuyền bánh. Hàng cột trên sân ga cắt quang cảnh chạy trước mắt tôi thành từng khung một, chiếc xe rải nước nằm trơ như bị bỏ quên, tiếng người phu khuân vác cảm ơn ai đó cho tiền nước - tất cả lùi dần, lẫn vào trong làn khói tàu tạt vào cửa sổ toa xe, như còn luyến tiếc. Bây giờ tôi mới thấy thanh thản, châm điếu thuốc quấn tay hút, lần đầu tiên tôi nhướng cặp mi buồn ngủ, thoáng nhìn mặt con bé ngồi ở ghế trước.
Con bé bối tóc kiểu ichogaeshi (1), mái tóc khô không xức dầu, hai gò má đỏ gay đầy những lằn nứt nẻ ngang dọc, thấy dễ sợ. Đây đúng là một đứa con gái nhà quê. Nó quàng một chiếc khăn len màu lá vàng nhạt cáu bẩn, thả xuống tận đùi, trên đấy đặt một tay nãi lớn. Tay nó thâm tím vì sương giá, nó vừa ôm tay nải, vừa nắm chặt cái vé đỏ hạng ba (2). Tôi không thể ưa bộ mặt quê kệch của con bé. Quần áo nó dơ dáy càng làm tôi thêm khó chịu. Sau cùng, tôi hết sức bực con bé đần độn không biết thân phận, không phân biệt nổi đâu là toa hạng ba, đâu là toa hạng nhì. Tôi châm điếu thuốc hút, cốt để quên nó. Tôi lôi tờ báo chiều trong túi ra, giở trên đùi mà đọc. Ánh sáng bên ngoài đổ tràn trên tờ báo, đột nhiên đổi thành ánh điện của bóng đèn trong toa, chữ in tồi tệ trong các cột báo không ngờ lại nổi bật lên thật rõ trước mắt tôi. Thì ra con tàu đã vào hầm đầu tiên của đường xe Yokosuka, đường xe có rất nhiều hầm.
Nhưng các trang báo chiều dưới ánh đèn tàu, toàn những chuyện không đâu, không làm tôi bớt chán nản. Tin về hòa ước, tin đám cưới, tin tham nhũng, các cột phân ưu cáo phó -- chuyến xe lửa lại lao vào hầm, trong khoảnh khắc, tôi có cảm tưởng như con tàu đang chạy ngược, và trong cái ảo tưởng ấy tôi đọc lướt qua, như cái máy, các cột báo khô khan vô vị hết bài này đến bài khác. Nhưng suốt cả thời gian ấy, không một giây phút nào tôi lại quên được con bé với tất cả vẻ quê mùa cục mịch, ngồi trước mặt. Chuyến xe lửa chạy trong hầm, đứa con gái nhà quê này và những trang báo chiều đầy chuyện tầm phào - những cái đó tượng trưng cho gì đây? Nếu đấy không phải là biểu tượng của cuộc sống tẻ nhạt, thấp hèn, vô nghĩa này, thì là gì? Tôi thấy chán ngắt, hất tờ báo chiều đang đọc dở qua một bên, lại dựa đầu vào khung cửa sổ, nhắm nghiền mắt ru dần vào giấc ngủ.
Vài phút sau, bất giác cảm thấy như có gì đe dọa, tôi chợt mở mắt nhìn xung quanh. Không biết tự hồi nào, con bé đã bỏ chỗ ngồi trước mặt, sang bên cạnh tôi, nó cố hết sức mở cửa sổ toa. Nhưng có lẽ tấm cửa kính quá nặng nên con bé không làm sao nâng nổi. Hai má đầy những lằn nứt càng đỏ gắt. Thỉnh thoảng tiếng hít mũi lồng trong tiếng thở hổn hển đứt đoạn của nó, dồn dập vào tai tôi. Dĩ nhiên tôi cũng thấy ít nhiều thương hại cho con bé. Nhưng đây chính là lúc con tàu lại sắp chạy vào hầm, cỏ khô mọc hai bên sườn núi, phất phơ trong ráng chiều chỉ chực ập vào cửa toa, và đó là một trong những lý do để người ta đóng kín cửa tàu. Thế mà con bé lại cứ muốn nâng cửa sổ lên - tôi không thể nào hiểu nổi. Không, thực ra tôi chỉ đơn giản nghĩ là nó muốn mở cửa sổ chơi mà thôi, vì thế tôi càng bực bội khó chịu. Tôi lạnh lùng nhìn cảnh con bé đang khó nhọc lôi kéo tấm cửa kính với hai bàn tay thâm tím vì sương giá, trong bụng cứ cầu cho con nhỏ sẽ không bao giờ mở được. Tiếng con tàu chạy, bỗng gầm lên dữ dội, chuyến xe lửa lại lao vào hầm, và đột nhiên tấm cửa con bé muốn mở, rơi xuống đánh ầm. Qua cái khoảng trống vuông vức, khói lẫn bụi than đen kịt ập vào khắp toa, khói mù mịt làm tôi nghẹt thở. Tôi vốn yếu cuống họng, lại không kịp lấy khăn tay ra che; khói táp vào mặt vào mũi; tôi ho sặc sụa, thở không được. Nhưng con bé không hề màng đến tôi, nó thò đầu ra ngoài cửa sổ, mặc cho hai mái tóc hai bên mang tai bị gió lay giật trong bóng tối, mắt đăm đăm về hướng tàu chạy. Khi tôi ngước mặt nhìn con bé trong màn khói dưới ánh đèn, thì ngoài cửa sổ toa, trời mỗi lúc một sáng ra. Từ bên ngoài, mùi đất, mùi cỏ khô, hơi nước mát lạnh tràn vào giúp tôi dứt được cơn ho, nếu không chắc tôi sẽ mắng phủ đầu con bé không quen biết này, bắt nó phải đóng cửa sổ lại.
Nhưng lúc ấy cũng chính là lúc con tàu đã êm ả ra khỏi hầm, sắp chạy qua một cổng xe lửa ngoài bìa một xóm nghèo nằm xen giữa hai ngọn đồi mọc toàn cỏ khô. Gần cổng xe lửa, mấy cái nhà cất chen chúc nhau, nhà nào cũng lụp xụp tồi tàn, cái thì mái rạ cái thì mái ngói. Một lá cờ trắng nhạt lay động trong ráng chiều, có lẽ người canh cổng xe đang phất cờ. Tôi nghĩ, như thế là tàu đã qua hết các đường hầm -- ngay lúc ấy, bên kia thanh cổng xe vắng vẻ ấy, tôi thấy ba đứa con trai, má hây hây đỏ, xếp hàng chen nhau đứng. Đứa nào cũng bé thấp loắt choắt như bị bầu trời đầy mây đè bẹp xuống. Quần áo chúng nó bạc màu, tồi tàn không khác gì cái xóm nghèo. Ba đứa bé ngước đầu nhìn chuyến xe lữa đang chạy, vừa đưa tay lên vẫy nhanh, vừa ngưỡng cổ hét to gì đó, tôi nghe không ra. Đúng lúc đó, con bé đang thò nửa thân người ra ngoài cửa sổ toa, đưa tay tím bầm, ra sức vẫy lại. Và bỗng từ trên trời năm sáu trái quýt vàng, màu vàng của nắng ấm, màu vàng gây rộn ràng, rớt xuống đầu ba đứa bé đang đứng tiễn chuyến xe lửa. Tôi bất giác nín thở, chợt hiểu được mọi điều. Thì ra chắc con bé này phải lên tỉnh đi ở đợ, nó cất kỹ mấy trái quýt trong tay áo, bây giờ đem liệng ra ngoài cửa sổ xe, đền công cho ba đứa em đứng đợi ngoài cổng, chờ chuyến tàu để tiễn nó.
Cổng xe bên xóm nghèo chìm trong ráng chiều mờ nhạt, tiếng ba đứa nhỏ hò reo tíu tít nghe như tiếng chim non và mấy trái quýt màu vàng rực rỡ, tung rơi trên đầu chúng - trong nháy mắt, tất cả vụt lướt qua nhanh ngoài cửa sổ con tàu. Nhưng cảnh tượng ấy ăn sâu vào lòng tôi làm tim tôi thắt lại. Và từ đó, không hiểu vì sao, lòng tôi rạt rào sung sướng. Tôi thấy hân hoan phấn khởi, ngẩng đầu lên chăm chú nhìn con bé, bây giờ trông như một người hoàn toàn khác. Con bé đã trở về chỗ cũ trước mặt, vẫn khuôn mặt đầy những lằn nứt ngang dọc dấu trong chiếc khăn quàng len màu lá vàng nhạt, hai tay vẫn ôm cái tay nải lớn, trong tay vẫn nắm chặt cái vé hạng ba...
Giây phút này, lần đầu tiên tôi quên đi được dù chỉ một thoáng cái mệt rã rời và cuộc đời thấp hèn, tẻ nhạt, vô nghĩa này.
Tokyo, Hino 12 - 2003
Chú Thích
(1) Ichogaeshi: Một kiểu tóc của thiếu nử Nhật, xin xem hình đính kèm
(2) Vào thời ấy vé xe lửa Nhật có 3 hạng: hạng nhất màu trắng, hạng nhì màu xanh và hạng ba màu đỏ
 

Xem Tiếp: ----