- 1 -
Ue wo muite arukou yo
Namida ga koborenai you ni °
" Mỗi khi buồn thì có cách này hay lắm, cứ vừa ngước mắt nhìn lên vừa đi nghe.
Làm như vậy thì cho dù mắt có ngấn lệ chăng nữa,..lệ cũng sẽ không tràn ra khỏi lòng mắt và sẽ không rơi xuống..."
Ông tác giả nào đặt bài hát này nói đúng thật. Mấy nhà bình luận âm nhạc của Nhật cũng cho rằng cả bài hát có hai câu này là hay nhất. Nhiều khi đang đi ngoài đường Y cứ phải ngước mắt lên nhìn trời..để nước mắt khỏi rơi xuống..Gió thổi một hồi thì..cho dù có là hồ lệ cũng khô dần.. Tuy nhiên, ban ngày ngửa mặt thì nắng hơi chói và coi chừng đụng phải người nào đi lại gần..lỡ ai nhìn thấy mình thì hơi mất tự nhiên. Đang ngồi trong sở mà ngắm trần nhà thì hơi bất tiện nhưng có thể chạy vào thư viện và giả bộ tìm sách trên mấy kệ sách ở trên cao thật cao. Trong xe điện thì giả bộ ngước lên đọc mấy tờ quảng cáo treo hay dán đầy trên vách gần sát trần của toa xe. Ban đêm đi ngoài đường thì tiện hơn cả, vì coi như đang ngước mắt ngắm trăng sao..
Lúc này Y đang đi trong hiệu tạp hoá, giữa những giá để các loại nước uống, rượu vang, các chai gia vị v.v.nói chung là các loại chai lọ. Không thấy ai thì thôi, hễ có khách hàng khác đi lại thì Y vội ngước mắt nhìn lên trần nhà..và giả bộ có bụi bặm chi rơi trúng mắt, đưa tay dụi dụi..
Cũng tại vì cái nắp..cái nắp keng...
Nãy giờ kiếm quá chừng không ra. Y nhớ có mấy lần đang nấu cơm, lo mở chai..chai gì không nhớ rõ, chỉ biết là cái nắp ở ngoài bằng nhựa để mở ra đóng lại được, nhưng chai mới mua về, vừa mở ra thì còn có một chiếc nắp bên trong, và chai đó có nắp keng. Thế là phải đi kiếm cái mở nắp chai để mở nắp keng, xong rồi mới vặn nắp nhựa trở lại vào cổ chai, rồi mới dùng được. Cái mở nắp chai ở đâu rồi nhỉ..Y lại cuống quít tìm cái mở nắp chai treo bên cạnh bếp, nếu không kịp là chảo thức ăn sẽ cháy mất..Cái mở nắp chai hầu như cả năm chẳng dùng đến..nên Y đã quên mất vị trí của nó, không thể lấy ra ngay như phản xạ, như khi lấy đôi đũa bếp hay cái muôi múc canh v.v..
Số là vì dạo này ở Nhật hầu như chai lọ nào cũng dùng nắp bằng nhôm, khi mới mua về nắp nhôm này có hai phần, trên và dưới. Giữa hai phần này có một mũi tên chỉ cho biết chiều để vặn, chỉ cần vặn theo chiều đó thì hai phần sẽ rời ra và mở được nắp, không cần phải dùng đến cái mở chai cổ điển nữa.
Loại chai lọ nào dùng nắp nhựa thì bên trong có một một lớp nhựa che kín miệng, nhưng có để sẵn sợi dây cho mình cầm kéo nhẹ một cái là bóc được lớp nắp trong bằng nhựa liền, cũng không cần đến cái mở chai. Bởi vậy năm khi mười hoạ bắt gặp loại chai lọ còn có nắp trong là một cái nắp keng cổ điển thì người nội trợ bỗng lúng túng, vội tìm cái mở chai.., trong bụng còn thầm trách sao mà công ty thực phẩm này.. lỗi thời.. không biết dùng các loại nắp nhựa hay nhôm dễ mở tiện lợi. Đã lâu lắm rồi các loại đồ hộp ở Nhật hầu hết cũng là loại bằng nhôm, có sẵn chiếc vòng nhỏ trên nắp, chỉ cần cầm cái vòng đó kéo mạnh một chút là bóc được nắp hộp, không còn phải cần đến cái mở nắp và mất công cắt một vòng quanh miệng đồ hộp như xưa nữa.
Y không nhớ rõ chai gia vị nào còn dùng nắp keng mà mình đã phải tìm dụng cụ để mở chiếc nắp đó. Bây giờ cần đến một chiếc nắp keng, mà vò đầu bứt tóc vẫn không nhớ ra. Y cầm tất cả các chai lọ trên các kệ giá bầy hàng ra xem xét cái nắp. Chai tương shoyu thì dùng nắp nhựa đã lâu, Y nhớ mài mại..hay là nắp chai dấm. Nhưng chai dấm bây giờ cũng dùng nắp nhựa. Hay là tại họ đã " cải tiến ", không còn lỗi thời ( như có lần Y đã nghĩ thầm ). Những chai nước ngọt đủ loại hầu hết đều dùng chai bằng nhựa thì còn hy vọng gì mà họ dùng nắp keng để đậy cho mình. Y lại tìm nắp các chai rượu vang, rượu sake.. Hầu hết các loại rượu nấu ăn đều dùng nắp nhôm, rượu vang thì nắp bằng lõi cây. Y lại đến quầy bán gia vị Á đông, xăm xoi các chai lọ sản xuất ở mấy nước đang phát triển, hy vọng họ còn dùng nắp keng..Nhưng có lẽ hầu hết đã được công ty nhập khẩu cho trở lại vào chai lọ của Nhật, nên đều dùng nắp nhựa và nắp nhôm.
Y bèn cố kiếm tìm trong kệ bán nước ngọt một thứ nước uống đặc biệt của Nhật dành cho trẻ con, gọi là Ra-mư-nê. Loại này để trong chai thuỷ tinh, cổ chai có một khúc đặc biệt để một hòn bi - hình như để trẻ không thể uống ừng ực mà chỉ có thể uống từng chút một.. Loại nước uống và kiểu chai này nghe nói đã có từ lâu lắm, có thể là từ thời Minh Trị, hay ít nhất cũng từ thời tiền chiến. Tên gọi Ra mư nê hình như cũng là phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha, từ thời mấy ông cha đạo đến truyền giáo ở xứ này. Y hy vọng chai Ra mư nê có nắp keng vì lý lịch cổ điển của loại nước uống này. Cho dù các công ty nước ngọt của Nhật đã sáng chế ra hàng...ngàn loại nước uống đủ mùi vị, Ra mư nê vẫn thường được bán trong mọi ngày lễ hội, thường được ngâm trong các thùng nước đá mát rượi, mà trẻ em nào cũng ưa thích.
Nhưng hỡi ôi, chai Ra mư nê bầy trên các giá hàng bây giờ cũng có một cái nắp nhựa chứ không phải là nắp keng như Y mong đợi.
Nhưng mà tại sao lại cần nắp keng...
Số là tại miếng xà bông.. Ở Nhật có bán các loại hộp đựng xà bông, cho dù phía đáy hộp có khe thoát nước nhưng miếng xà bông thường không được khô ráo. Nhưng Y có một loại để xà bông khác với người Nhật. Một lần có người thợ sửa phòng tắm, khi rửa tay đã hỏi thăm Y là cái giá nhỏ bằng nhựa để miếng xà bông của Y mua ở đâu vậy, ở Nhật không có bán. Đúng rồi, cái giá này là của bà chị gửi cho Y, ở Nhật đâu có bán. Nhưng thật ra bữa đó là nhằm đúng lúc miếng xà bông không thể gắn lơ lửng trên tường được nữa đó, nên Y mới phải dùng đỡ cái giá của bà chị gửi cho.. Ngày trước Ba đã mua gửi cho Y loại có một thanh sắt xuyên qua bánh xà bông, và một đầu để cho dính vào đài nam châm gắn trên tường. Từ đó miếng xà bông của Y lúc nào cũng khô ráo. Rồi một hôm Y thơ thẩn trong cửa hàng bán tạp hoá nhập từ nước ngoài và mới bắt gặp loại gắn xà bông có sáng kiến dùng một miếng thiếc lớn hơn, bằng....một cái nắp keng....để gắn vào đài nam châm. Từ đó Y dùng cái đài kiểu mới này và cất cái đài gắn cũ của Ba cho để làm kỷ niệm.
Bao giờ Y cũng là người thay miếng xà bông đã mòn. Trong gia đình không một ai để ý - như ông thợ sửa nhà tắm - để biết tại sao miếng xà bông lại lơ lửng dính vào bên dưới một cái đài như vậy mà không rớt..luôn xuống đất. Cho nên cứ lâu lâu..nếu Y quên chưa kịp thay miếng xà bông mới, gỡ miếng thiếc ra gắn lại vào miếng xà bông mới... thì y như rằng, miếng thiếc bằng chiếc nắp keng đó lại mất tích, có lẽ là đã bị ném vào giỏ rác cùng với mẩu xà bông cuối cùng. Tuy nhiên trong ngăn kéo tủ bếp của Y vẫn có một lô nắp keng, và Y vẫn dùng để gắn thay thế miếng thiếc nguyên thuỷ của đài gắn xà bông.. Đã bao nhiêu năm rồi..Cho đến khi nắp keng dự trữ không còn nữa... Lâu nay Y vẫn nghĩ bụng là nếu hết nắp keng thì mình sẽ đi tìm thêm, tìm chai nào còn nắp keng, và tối thiểu có lẽ vẫn còn chai Ra mư nê là còn dùng nắp keng...
Y trữ nắp keng từ khi nào à... Mỗi khi nhìn thấy một chiếc nắp keng thì Y lại như thấy hiện ra trước mặt mình hình ảnh một cậu bé thơ thẩn đi bên cạnh đường sắt. Đó là đường tàu hoả chạy ngang qua Hà Đông. Cậu bé trọ học xa nhà. Cậu ở nhà một người bác họ là ông phán G. ở Hà Đông. Ông phán G. có một người con trai lớn đang học Luật thì bỏ đi làm cách mạng nên tình thương của ông chuyển sang lũ cháu họ. Cậu bé ở đó trong tình thương và sự nghiêm khắc của ông bác họ. Ngày chủ nhật cậu đi sinh hoạt hướng đạo, và học đựơc rất nhiều điều hay ho trong sinh hoạt hướng đạo. Tuy nhiên cậu nhớ nhà lắm..Nhớ nhà thì ra chơi gần đường tàu..con tàu chạy về nơi xa tắp.. Cậu nhớ những ngày bé, bao giờ đi chơi về cũng đựơc mẹ dọn cơm cho ăn với cá kho riêng cho cậu, để riêng trong một chiếc nồi đất. Đi chơi tha thẩn dọc theo đường xe hoả, nên cậu có sáng kiến đập dẹp sơ qua những cái nắp keng, rồi đặt trên đường ray..cho xe lửa chạy qua cán mỏng dính, để chơi những trò gì đó..Y. đã quên mất rồi.. vì được nghe Ba kể lại đã lâu, từ hồi còn nhỏ lắm cơ. Từ khi có gia đình, mỗi lần nhìn thấy nắp keng Y lại nhớ đến chuyện để nắp keng trên đường tàu của Ba, và cất nắp keng để dành. Y nghĩ bụng sau này nếu mình có con trai thì nhất định sẽ cho con đi hướng đạo, cho chơi nắp keng..chơi trò gì nhỉ.. À lúc đó thì hỏi ông Ngoại khắc biết....
Người ta không dùng nắp keng cho các chai lọ nữa. Y có thể đi mua cái gắn xà bông mới ở hiệu bán tạp hoá nhập từ nước ngoài, có miếng thép của nó, cũng rẻ thôi, để thay cho cái cũ.
Nhưng Y biết tìm đâu ra nắp keng bây giờ...
- 2 -
Tan sở Y định ghé vào hiệu Tokyu Hands ở phía ga Shibuya.
Đúng như logo của hiệu, là hình một bàn tay đang cầm một dụng cụ, đây là cửa hàng có đủ thứ mặt hàng lẫn dụng cụ cho những người thích sáng chế và bài trí nhà cửa theo ý mình.
Hiệu có tới 10 tầng, mỗi tầng dành riêng cho một thứ đồ dùng mà hầu như kiểu gì cũng có, nên có cả hàng nhập từ nước ngoài. Ví dụ như tầng dành riêng cho các dụng cụ để giải trí ngoài trời, thì có đủ kiểu lều, các kiểu lò nướng barbecue thật lớn, các loại than để tự mình hun khói thịt thú rừng mới săn về chẳng hạn, rồi đèn gió, đèn măng xông, giầy dã ngoại, túi đeo sau lưng, túi ngủ v.v..và v.v.. Có lẽ chỉ còn thiếu vài chiếc xe mà trong lòng xe có đủ phòng khách nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ.. Lâu lâu Tokyu Hands phải mời khách tới xem triển lãm xe trưng bày ở sân vận động trường Thế vận hội cũ. Khi Ba đến chơi nhằm dịp này, và Ba cũng rất thích hiệu Tokyu Hands này. Tokyu Hands còn có thêm một cửa hàng chi nhánh nhỏ hơn ở ga nhà Y, tuy không có đủ các thứ như ở đây, nhưng cũng đủ khiến Ba vui và hay một mình tới đó vào những hôm Y bận đi làm không đưa Ba đi chơi xa được.
Hiệu Tokyu Hands ở ga Shibuya thì có hẳn một tầng dành riêng cho nhà tắm, có đủ mọi thứ từ bồn tắm bằng sứ lớn như trong khách sạn, cho đến đủ kiểu khăn, đủ loại xà bông, và dĩ nhiên có hộp đựng xà bông, có cái gắn xà bông mà Y đang cần.
Y đã định bụng như vậy, nhưng lúc về lại quen chân đi xuống tầng dưới để ra cửa về phía công viên Yoyogi.. Đi vòng lại thì rất xa, thôi đành để hôm khác vậỵ
Chả là vì mấy hôm nay Y đang mải mê tập hát. Y bị tắt tiếng lâu quá, khi bắt đầu nói trở lại giọng nói như e dè..yếu ớt, nghe như thều thào đến thảm hại. Mấy người bạn đồng nghiệp cho rằng cách tốt nhất là tập hát cho.. nở phổi và cho thanh đới dẻo dai, chắc chắn là giọng Y sẽ khoẻ hơn. Suốt mấy ngày nay mỗi khi tan sở, và vào lúc chiều tối khi công viên vắng hoe chẳng có ai, Y mạnh dạn vừa đi vừa ưỡn ngực hát vang chẳng ngượng ngùng vì chỉ có hai rặng cây anh đào ở hai bên lối đi nghe mà thôi. Y mải mê tập hát, vô tình đi sâu vào công viên, về phía ga Harajuku nơi có ngôi đền Minh Trị. Dưới chân sườn đồi có rặng anh đào nay đã ra lá xanh mướt là con đường dốc từ phía ga Harajuku chạy xuôi về khu phố Hachiman. Giữa đường có một thảm hoa rực rỡ ngăn hai lằn xe xuôi ngược. Chiều tối, hai giòng ánh sáng đỏ và vàng rực rỡ chảy dưới lòng đường. Y bỗng nhớ những lúc sang thăm Ba Mẹ, đi xe với Ba trên xa lộ vùng đồi núi để về nhà, Ba thường chỉ cho Y xem những giòng xe chạy phía dưới chân đồi và bảo rằng cảnh giống như là một bên rước đèn và một bên rước đuốc. Còn ở đây, cũng trên con đường này năm đó, Y đã đưa Ba đến xem lá vàng trong công viên. Y tưởng mình đã quên, nhưng vẫn không sao quên được những kỷ niệm ngày nào, kỷ niệm mùa thu cuối cùng với Ba. Ba đang đi đó, hai tay xách hai cây hoa của cô con gái lại vừa mới vòi vĩnh đòi mua thêm. " Vườn của con có từng ấy... mà đã đầy hoa rồi, còn chỗ nào để trồng thêm nữa hả con.."
Y bỏ công viên..Y về thôi...
Tới ga nhà, Y chợt nhớ tới hiệu SeijoIshii. Ờ phải đó, hay là thử tới đó tìm xem có cái gắn xà bông không. Hiệu này có bán rất nhiều thứ tạp hoá nhập từ nước ngoài. Đúng như tên gọi, đó vốn là một hiệu tạp hoá ở khu phố Seijo, sau đó mới mở thêm chi nhánh ở ga nhà Y nên Y thường tới đó để mua các thứ hàng ngoại. Những chiếc thiệp chúc đẹp hơn thiệp của Nhật, khăn ăn in đủ hình cho những bữa tiệc sinh nhật của trẻ con, các loại sô cô la hình sò hến, những hộp bánh của Na Uy. Loại bánh bích qui này thật ra không có gì đặc biệt lắm đâu, đó là vì Y muốn mua hộp đựng bánh. Loại hộp bằng thiếc, nắp có bản lề dính vào hộp, để gửi cho em gái. Cô em nói rằng ở bên đó không đâu còn có bán hộp bánh có nắp dính liền như vậy nữa. Chiếc hộp có nắp mở ra như vậy hơi giống như những chiếc hộp đựng báu vật trong cổ tích.
-Hộp để em đựng gì?
-Những kỷ niệm của chúng mình.
Y còn nhớ rõ cảnh nơi nghĩa trang, bên một thảm hoa mà mấy chị em vừa gỡ ra từ các vòng hoa phúng điếu và đã rắc đầy lên mặt đất vừa mới được phủ lên.. Ba...MC trầm ngâm bảo " Chị ạ, em nghĩ mà tội nghiệp cho em Tí. Tí sẽ còn phải đưa chúng mình, hết người này đến người kia, như hôm nay đây..Chỉ một lần này thôi đã đủ cho em buồn lắm rồi.. vậy mà Tí sẽ còn phải đưa bao nhiêu người nữa, cho tới lúc sẽ chỉ còn một mình Tí mà thôi."
Ờ, lúc đó sẽ chỉ còn những chiếc hộp này cho em, phải không em.
Y lại quầy bán những chén đĩa ly tách, xoong chảo, đồ dùng làm bếp, và thử tìm. Xong ở đây rút cuộc chỉ có đồ dùng trong bếp và phòng ăn, mà không có đồ dùng nơi bồn rửa mặt hay phòng tắm nên cũng không có cái gắn xà bông trên tường.
Y lại đẩy xe đi thơ thẩn giữa những giá để hàng, chọn thêm một hộp bánh có nắp cho em gái, một vài loại bánh kẹo cho con. Y vẫn bị cái nắp keng ám ảnh, nên lại cầm từng chai lọ trên giá để xem xét kỹ các loại nắp.
Thế rồi..tim Y bỗng như ngừng đập, hay là đang nhẩy liên hồi Y cũng không biết nữa..ở quầy bán sữa.
À, đây rồi! Đó là chai sữa Krematop hiệu Nestlé để pha cà phê! Chai có một nắp nhựa ở ngoài, nhưng bên trong là một chiếc nắp keng. Khi uống cà phê thì đã từ lâu chồng Y chỉ thích dùng sữa đựng trong các cup nhỏ bằng nhựa. Nhưng Y nhớ có lần đã mua chai này về để nấu ăn, dùng thay thế cho nước cốt dừa. A, đó là cái lần luống cuống vội vàng, đã mở nắp nhựa, thì mới biết còn có cái nắp keng ở trong, và phải lo kiếm cái mở nắp chai để mở ra.
Nhưng mà chồng Y không thích loại sữa trong chai này, còn Y thì chỉ dùng sữa tươi. Sáng kiến dùng Krematop thay cho nước dừa của Y thật ra là thất sách, vì sữa này không có vị thơm của nước cốt dừa, vì vậy có mua về cũng không thể dùng để nấu ăn.
Dẫu sao, Y cũng vẫn lấy một chai sữa Krematop cho vào xe, vì Y vẫn cần cái nắp của nó.
Y thấy lòng vui rộn ràng, như vậy là trên đời này vẫn còn có nắp keng cho Y rồi.
Không phải là mấy ngày nay Y không cảm thấy giận hờn vì nhớ tiếc những cái nắp keng mà Y giữ lại đã lần lượt bị chồng con vô tình cho vào giỏ rác. Mẹ vẫn bảo rằng đàn ông họ vô tâm lắm, không để ý mấy chuyện nhỏ nhặt như vậy đâu. Thật ra Y luôn luôn phải nhặt miếng xà bông bị chồng con để đâu đó trên sàn hay trên mặt bồn tắm, để gắn trở lại vào đài nam châm. Hình như mấy người đàn ông con trai trong nhà này không một ai buồn để ý đến chuyện xà bông khô hay ướt và công dụng của cái đài gắn xà bông.
Nay đã tìm được nắp keng, Y vui vui quên hết giận hờn, bèn đi mua bia cho chồng. Rất ít khi Y đi mua bia, vì đồ uống nặng nên đó là công việc và cũng là một thú vui của chồng. Năm khi mười hoạ chỉ trong những dịp đặc biệt, hoặc khi người ta bán bia mới và có tặng thêm một chiếc ly đẹp, có người đứng nơi quầy bán hàng mời chào, Y thường mua một nửa tá - khoảng 6 lon bia nhỏ loại 300 ml. Mỗi khi có khách chồng Y cũng hay mua loại bia hộp này, lớn nhỏ đủ cỡ và đủ loại, để mọi người tự rót cho mình và sau đó Y đỡ phải lo trả chai. Những lon bia bằng nhôm nhẹ, có thể bóp dẹp dễ dàng.
Thế rồi tim của Y có lẽ lại ngừng đập thêm một lần nữa và sau đó đập liên hồi, trước cơ man những nắp keng trên những chai lọ trên giá ở quầy bán bia ngoại. Đó là những chai bia hiệu Budweiser, Duel, Corona Extra, Chimay, Hoegaarden, De Verboden, Lemon beer..v.v..Tất cả đều có nắp keng cho dù đựng trong chai nhỏ 330 ml. Hôm qua khi đi khảo sát nắp chai ở siêu thị Seiyu, Y đã thấy các chai bia Nhật đủ loại, nào Kirin, Asahi, Suntory.. cũng đựng trong chai cỡ 330 ml này, nhưng cũng chỉ có nắp nhựa ở trong, với một cái nắp nhôm mỏng dính bên ngoài và có chỗ để cầm bóc ra dễ dàng.
Trên đường về Y vui quá. Dù trời đầy mây vì Tokyo đã bước vào mùa mưa mai vũ, bầu trời không trăng sao, nhưng lòng Y vẫn vang lên một câu hát
Miagete goran yoru no hoshi wo..
Chiisana hoshi ga chiisana hikari ga
Chiisana shiawase wo utatte iru °°
....
Em hãy nhìn lên ánh sao đêm
Ngôi sao bé nhỏ đốm lửa xinh
Chúc mừng những niềm vui bé nhỏ...
Chồng Y mở tủ lạnh nhỏ dùng riêng để đựng bia trong phòng của mình, ngạc nhiên hỏi
-Ủa, bia ở đâu mà nhiều thế này..Loại này có thứ độ cồn hơi nặng hơn bia Nhật đó, em có biết không? Mà sao mua nhiều thế này, em xách về có nặng không..
- Sắp tới ngày Father Day mà, năm nào cũng mua cà vạt, bị anh than nhiều quá rồi bỏ xó, nên năm nay em đổi kiểu đó.
Quỳnh Chi ( 8 và 9/6/2005)
° Lời bài hát Ue wo muite arukou

*

 

Xem Tiếp: ----