Văng vẳng đâu đây lời dặn dò,
( Ngày đầu khoe Cậu mấy vần thơ)
"Lớn lên con chớ làm thi sĩ,
Nhân thế bây chừ mắt trắng trơ!"
Trong mấy anh chị em, tôi là đứa con mang nhiều hình ảnh của Cậu tôi nhất. Được Cậu thương yêu nhất. Và cũng là đứa con hay làm trái ý Cậu nhất, mãi cho đến nữa đêm về sáng hôm nay, gần kề ngày giỗ Cậu lần thứ chín.
Tôi viết bài nầy, thực tâm, không phải để kể lể niềm hối hận của một đứa con đối với một người cha mà, theo khói hương lòng, để tỏ bày sự thông cảm sâu xa thấm thía của một người cha còn sống là tôi với một người cha đã khuất là Cậu tôi.
Cậu tôi gốc người Hương Sơn (Hà Tĩnh). Qua Lào trong thời đại chiến thứ nhì. Làm bạn với Mẹ tôi tại Thakhek - bấy giờ Mẹ đã có bốn người con còn nhỏ dại mà Cậu thương dưỡng như con đẻ - được 5 mặt con, 3 gái, 2 trai. Sanh tôi được hai tháng thì Cậu đưa cả gia đình xuống Savannakhet và ở luôn đó. Vốn đã thấm nhuần Nho-học cho nên, như trăm vạn nhà nho khác, tuy sống ở cuối buổi giao thời Tàu-Tây và ý thức được cái lợi của Tây-học, quan niệm sống của Cậu tôi vẫn còn quẩn quanh trong khuôn sáo cổ xưa. Cậu tôi thường lấy quyền làm chồng khuất phục Mẹ tôi (xuất giá tòng phu), lấy quyền làm cha buộc con cái chiều ý mình, tức cốt sao cho đạt được kết quả như ý - của riêng Cậu – còn vấn đề thương ghét không nằm trong phần tình cảm bên ngoài.
Những trường hợp tôi trái ý Cậu tôi, thuở người còn sinh tiền, thật kể không xiết. Nay có hai mụn con rồi, ngồi nghiệm suy lại, ôi nó mới xót xa thấm thía dường nào: Cha Mẹ, từ muôn thuở muôn nơi, vì quá thương con, thường mắc phải lỗi lầm là quên khuấy mình không còn là trẻ thơ hay niên thiếu cho nên quên luôn sự phản kháng ngấm ngầm trong lòng con cái mà 25, 30 năm về trước chính mình cũng đã từng có.
Con gái đầu lòng của chúng tôi, sinh tại Paris, năm nay mới lên bảy – cái tuổi lơ đãng, dễ nhớ và cũng dễ quên – mà mỗi lần nó làm trái ý nhà tôi, nhà tôi hay " luân lý " con nhỏ " con phải thế nầy, con phải thế kia ". Tôi cho đó là một sự bất công. Bởi thế nhiều khi tôi phải nửa đùa nửa thật với nhà tôi rằng " em thử hỏi Mạ coi lúc lên bảy em có được như thế nầy, được như thế kia chưa?". Nói thế không có nghĩa là tôi buông tuồng đứa nhỏ, đã có nhiều bận tôi phải dùng roi vọt với con tôi, cũng như lắm khi, tự dùng quyền làm cha, tôi đã dùng biện pháp đó với nó một cách hết sức vô lý. Ôi, mới hay con người ta chê sự bất công, không phải vì sợ mình làm điều bất công mà chỉ sợ mình sẽ phải hứng chịu điều bất công.
Cậu tôi không muốn tôi học ban văn vì theo ông " lập thân tối hạ thị văn chương ", ông mong tôi học y khoa bác sĩ. Kết cuộc tôi theo ban văn. Cậu khuyên tôi " lớn lên con chớ làm thi sĩ, nhân thế bây chừ mắt trắng trơ ": Tôi vẫn làm thơ, soạn nhạc (dù thơ nhạc tôi cho đến nay chẳng khác gì vè tam toạng, không đau mà rên, không buồn mà khóc:
" Gió mát trăng thanh biến thành mưa lã chã
Cây ngàn xanh áo trang giấy rợp lá bay … "
( Xuân Của Riêng Ai, HLN)
Thuở Cậu tôi còn sinh tiền, thỉnh thoảng tôi khoe Cậu tôi một vài bài thơ " tâm đắc " của mình, đọc xong, thường ông chẳng nói gì, có bận ông chỉ bình bằng thơ, hai câu nầy tôi nhập tâm đến giờ:
" Rằng hay cũng tạm là hay,
Gẫm ra lợ lợ như chay chùa nghèo "!
Kể cả cái bút danh tôi ký dưới bài nầy cũng là do Cậu tôi đặt cho, khi tôi viết bài thơ tình đầu tiên bằng tiếng Pháp, đăng trên tờ bích báo TH Savannakhet, niên học 70-71. Nghe ông đọc ba chữ HLN, tôi chịu liền, vừa đẹp, vừa thơ, vừa " lạnh lùng ", gọi là đủ cả, tôi nghĩ vậy, và yên chí ký lia chia – 10 năm nay học đòi có thêm cái triện ( gồm ba chữ 寒淚 人 theo nghĩa thường ) nữa chứ. Mãi sau nầy tôi mới hiểu ẩn nghĩa nằm trong ba chữ HLN. Do tình cờ, năm 1993, tôi trở về lần đầu, nhân mở lại tủ sách báo cũ của tôi mà Mẹ đã khoá kỹ, đi đâu cũng mang theo, khư khư giữ lại bất cứ giá nào, để chờ … tôi trở về, đọc lại! Trong tủ sách có hai di bút của Cậu tôi:
1. Một bài thơ song thất lục bát viết về nỗi nhớ tôi, bài thơ lại được viết thẳng lên phía sau lưng bản nhạc Đêm Cuối của tôi ( sau nầy phổ biến tôi mới thêm vào hai chữ Bên Nhau, để tránh trùng tên với một bản của người khác ) ;
2. Một tờ giấy màu chu sa có ba chữ Hán: 寒 麗 仁, chữ sắc, đẹp. Phía dưới là những lời giải thích bằng việt ngữ. Trước tiên nó không hề có nghĩa là người nước mắt lạnh, nầy nọ … như chính tôi cũng tưởng thế trong bao nhiêu năm. Té ra, ba chữ HLN không chỉ là bút danh mà còn là một lời bốc đoán buộc chặt vào đời tôi cho tới nay: Hàn ( 寒 ) là nghèo, Lệ ( 麗 ) là mỹ lệ, Nhân ( 仁 ) là nhân đạo, nhân bản ( chữ nhân 人 "người" + chữ nhị 二 (2) bên phải 仁 ). Cậu tôi đã tiên đoán rằng tôi là anh chàng có chút tâm và may mắn có chút tài ( mỹ lệ có nghĩa là đẹp đẻ, dùng cho phái nữ ; cũng có nghĩa tài, trường hợp của bản thân tôi (đàn ông) phải hiểu là tài mọn) nhưng sẽ nghèo và lận đận suốt đời! Cho đến nay, lời tiên đoán đó hoàn toàn đúng, đúng nhất là khoản nghèo và lận đận!
Cậu tôi năn nỉ tôi về HN tiếp tục vào đại học – Cậu tôi phục bác cả Trần Diên Tân sát đất –, giới thiệu tôi lên gặp cậu ba đại sứ Lê Văn Hiến tại Vientiane để được đích thân cậu Hiến quàng vai thủ thỉ … Kết quả tôi bay qua Pháp để rồi trở thành dân cù bơ cù bất: Ở Lào, người ta gọi tôi là Bặc Keo (danh từ chỉ người Việt, ngụ ý biếm trích) ; người việt nam chính thống định danh cho tôi là Thằng Lèo, qua Tây tôi biến thành chú Chệt (le chinois). Tôi qua Pháp được đúng một tuần thì Cậu tôi mất. Do đó, vĩnh viễn Cậu tôi sẽ chẳng bao giờ biết con đường bác cả đi đích thực là con đường ra sao.
Những ước muốn của Cậu tôi cùng những gì tôi làm trái ngược lại có thể đúc kết thành nhận xét nầy:
Cậu tôi muốn tôi hơn hay ít ra cũng phải bằng bạn bè đồng lứa, một là để thoả mãn nguyện vọng niên thiếu bất thành của ông, hai là làm đúng theo câu tục ngữ " con hơn cha nhà có phúc ".
Cậu ơi, có con rồi mới thấu được lòng Cha Mẹ. Vì quá muốn cho con thành bác sĩ như anh ĐĐ Thành mà Cậu quên một điều tối quan trọng là có rất nhiều khác biệt giữa anh Thành và con: Anh Thành là " vua " toán, con là " kẻ thù " của toán: toán không chịu được cái dốt của con mà con cũng không ưa được cái khô khan của nó, sống chung sao đặng, chi bằng đường ai nấy đi!
Từ ngày được tin Cậu không còn nữa, con đã nguyện với lòng sẽ không bao giờ mưu sinh bằng nghề văn chương. Mà thực ra, dẫu con có muốn sống với ngòi bút ở hải ngoại cũng không thể, tài thì mọn vả lại nghề bán chữ ở trong nước (80 triệu dân) còn sất bất xang bang, huống hồ … Con học và hành nghề tay phải để nuôi nghề tay trái, con nghĩ nghề tay phải dùng ứng dụng kiếm miếng cơm, manh áo cho vợ con, còn nghề tay trái dùng để cố gắng hàm dưỡng nhân cách: Một ông bác sĩ, một nhà nghệ sĩ hay gì gì đi nữa mà thiếu nhân cách cũng là phường bỏ đi. Đấy là con lý tưởng hoá ba chữ Văn-Nghệ-Sĩ cho cuộc đời bớt ô trọc phần nào.
Cậu Mẹ sinh con ra, dưỡng nuôi con khôn lớn trên dãi đất hiền hoà Savannakhet – sau này con dịch thành Ngưỡng Cửa Thiên Đường, của riêng con –, giữa niềm hồn hậu chất phác của người bản xứ, trong vòng ôm của dòng Cửu Long hữu tình thơ mộng, tâm hồn con nhờ đó có ít nhiều lãng mạn. Nhưng Cậu Mẹ ơi, nhờ sự dạy dỗ của gia đình, con không nhân danh này nọ để gây nên bao nhiêu tan nát cho người … khác. Con không nhân danh " nghệ sĩ " để vợ nọ, con kia. Con không nhân danh nghệ thuật vị nghệ thuật để " than mây oán gió, vẽ thiên đường bằng ảo giác mượn vay " …
Những tháng năm tạm dung trên đất Pháp cho con nhận định nầy: Trong mỗi người việt nam, điển hình trên phương diện văn hoá, đều tiềm tàng hai trạng thái mặc cảm: Tự Tôn văn hoá và Tự Ti văn hoá. Sáu bảy chục năm sinh sống ở Lào người Việt mình vẫn bảo tồn được bản chất và ngôn ngữ dân tộc việt. Tại sao? Có người cho là vì ở Lào người việt thường sống tập trung thành phường, thành xóm.(1) Con không phủ nhận yếu tố đó, nhưng động lực chính, theo con, là nhờ Mặc Cảm Tự Tôn Văn Hoá! Hầu hết người mình ở bên đó đều có cái " nhìn xuống " đối với dân tộc Lào. (2) Có cái " nhìn xuống " đó là bởi người mình – đặc biệt những người chỉ biết Việt Nam và Lào – sẵn định kiến phát xuất từ sự coi thường người Lào là kém cỏi, sơ khai ; đất nước Lào đồng nghĩa với rừng thiêng nước độc …Nói cách khác, cái mặc cảm tự tôn văn hoá kia hoàn toàn chỉ dựa vào thành kiến lệch lạc, vu vơ ; vào tâm lý của " ếch nằm đáy giếng ", do đó mới đưa tới kết luận bệnh hoạn là " văn hoá Lào – nếu có – cũng chẳng ra cái gì so với gần 5.000 văn hiến của Việt Nam "!
Thế nhưng, từ non thế kỷ rồi, thực tế hàng ngày khẳng định cũng chính hầu hết người mình – trong đó có thằng út của Cậu – lại có cái "ngước lên " đối với các quốc gia Âu Mỹ, đặc biệt đối với nước Mỹ, ai ai cũng biết chỉ mới được thành lập từ 1776: một quốc gia, một văn hoá non trẻ … hơn nữa ta đã, đang và mãi mãi hãnh diện từng thắng họ! Cái " ngước lên " kia dựa vào cơ sở nào, con nghĩ không cần viết ra, vì ai cũng biết. Công tâm thì phải kể thêm một vài modèle " nóng " mới nổi chung quanh ta như Nhật, Nam Hàn …nữa, nhưng thôi, vì … ai cũng biết. Cái rập khuôn của người mình – trong đó có con – ngày nay giống hệt xưa Cậu hằng xác quyết mọi điều xuất xứ từ Trung Quốc đều là thánh thư toàn bích, cạn nguồn lý luận.
Bài nầy con đã viết xong công phu, chi li, và lòng thòng lắm, Cậu ạ: nào văn hoá, văn hiến, văn minh là gì …, có hay không văn hoá thấp, văn hoá cao ; nào đạo học và khoa học tương tác ra sao …, phần Người, phần Vật thế nào … nhưng rồi con vội lược xoá ngay, sợ Cậu rầy: Út tưởng nhớ Cậu là tốt, nhưng khói hương lòng của Út thắp chi nhiều quá, cay cả mắt, phát mệt …
Hai mặc cảm TỰ TÔN và TỰ TI trên, xét cho cùng cũng chỉ mới tiêm nhiễm một số dân mình, may thay, nó chẳng khác gì những chiếc lá mùa thu, chỉ cần một trận gió là bay mất.
Con noi theo lời Cậu dặn dò: " Dù thế nào đi nữa mình mãi mãi là ngườI Việt Nam. Không ai không yêu quê hương, tổ quốc của mình, dù bạt ngàn hải lý, dù chưa từng vọc đất tắm sông. Và phương cách làm cho tình yêu kia thêm thắm đượm chân thành không gì bằng nói tiếng Việt, tìm hiểu văn hoá Việt trước tác bởi người Việt và bằng tiếng Việt." Rồi như sợ con không hiểu, Cậu nôm na " Giữ cho tụi bây không mất gốc trước là Cậu không thẹn với Ông Nội, sau là khi Cậu Mẹ mất, còn có người nhang khói, cúng đơm ".
Và trong nửa đêm về sáng hôm nay, con viết bài nầy khi trái tim thấm thía " nỗi thương tâm chung cho loài người là khi hiểu được tình của Cha Mẹ thì Cha Mẹ thường đã khuất "!
Hàn Lệ Nhân
( Đêm giỗ Cậu lần thứ 9 )
Chú thích:
(1) Cho đến nay (2005), ở Lào người mình vẫn sống thành phường thành xóm như trước 1975. Sau nhiều lần về thăm Mẹ và gia đình anh chị, con nhận thấy, vấn đề tiếng việt trong cộng đồng người Việt " cũ " tại CHDCND Lào đã và đang làm nhức đầu những đại diện còn chút ý thức được tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ trên xứ người, nhất là qua đến thế hệ thứ tư, thế hệ chắt, năm nay trên dưới 8 / 10 tuổi - không kể những người Việt " mới " qua sau 1975.
° Mong các anh chị hữu trách tại SV nói riêng, lưu ý trở lại phần nội dung " Tiếng Việt " nhiều hơn phần hình thức " Trường Việt ", một cơ ngơi khang trang như trường Lạc Hồng hiện nay mà vẫn là nơi cho con em (và cả phụ huynh) trao đổi, hàn huyên hầu như chỉ bằng tiếng bản xứ, e không hợp lý lắm. (Đón xem " Người Việt Trên Đất Lào ")
(2) Con thường đọc, nghe người mình dùng nhóm chữ một dân tộc, một quốc gia anh em là điều con chưa hiểu ẩn ý. Nói một dân tộc, một quốc gia láng giềng, thân hữu, hữu nghị …, theo con, vừa dễ nghe, vừa chính xác, rõ ràng chứ không thể bẻm mép gọi bừa là dân tộc, là quốc gia anh em được. Láng giềng, thân hữu … ta có quyền lựa chọn, hợp thì qua lại, không hợp thì nghỉ chơi, thì từ bỏ, hoặc cùng lắm là đánh nhau ; chứ đã là anh em cùng một lỗ, một gốc chui ra, trong cảnh huống trớ trêu bỏ nhau sao được, mà có bỏ nhau, từ nhau chăng nữa vẫn mãi mãi là anh em, cách chi mà thay đổi được cái đồng gốc của mình …, còn nếu người nói muốn ngụ ý anh em " kết nghĩa " thì cái nghĩa bạn bè, thân hữu vẫn bao trùm, vẫn là chính, dẫu có là chính chị chính em. Tóm lại, láng giềng, thân hữu ta có quyền lựa chọn, anh em thì dứt khoát là không. Trên đó chắc cũng phải có người mới lên kể cho bác cả và Cậu nghe vở bi-hài-thảm kịch "Anh Em và Gia Tài Của Mẹ" tập 1 và tập 2 được diễn năm 1981 và 1988 ven bờ sông Cửu, ranh giới giữa hai dân tộc, hai quốc gia anh em "ruột": Lào và Thái!
Hàn Lệ Nhân

Xem Tiếp: ----