Chương 2

Ông chủ nhà của nữ giáo sư Minh Nhung tên là Hoàng. Tòa nhà hai tầng, chia ra làm bốn appartements cho mướn đó được Hoàng Chủ Nhân đặt tên là Nguyệt Điện.
Hai chữ tên nhà – Nguyệt Điện – được khắc bằng chữ hoa, trong một tấm bằng đá xanh, gắn trên cột cổng. Mười thước vườn cây, cỏ và bồn hoa ngăn xa tòa nhà với hè phố. Nhà có bốn ngăn, hai ngăn trên có ban công, hai ngăn dưới có thềm cao, một loại hàng ba quí phái. Hoàng Chủ Nhân sống trong một ngăn trong số bốn ngăn đó.
Ba ngăn kia kể cho mướn và người mướn toàn là các cô trẻ, đẹp, độc thân, công chức chưa chồng hoặc bỏ chồng hoặc bị chồng bỏ. Nhà nằm trong khu phố vắng, có hai hàng cây cao, một khu phố toàn sang, toàn vi la và có vườn bao quanh.
Anh Mười, anh người làm của Hoàng Chủ Nhân, đang cắt lá vàng trong những bồn hoa trong vườn khi chiếc xe hơi của giáo sư Huy Giang lướt tới và dừng lại trước cổng Nguyệt Điện buổi sáng nắng vàng hôm ấy. Anh là một người đàn ông chừng trên dưới bốn mươi tuổi mặt dài như mặt Phernandel, mặt Phernandel lúc Phernandel chọc cười vô duyên nhất, nét mặt anh khó đăm đăm như mặt một nhà chánh khách đang suy nghĩ về quốc gia đại sự.
Anh Mười ngừng tay trông ra phía chiếc xe. Khi quay lại, anh thấy cô giáo Minh Nhung bận bộ đồ ngủ: áo cổ vuông, cộc tay, quần chẽn và ngắn tới bắp chân, lụa mỏng màu hồng, tóc vén cao sau gáy, xuất hiện trên thềm nhà cao, giơ tay vẫy ra ánh nắng, bộ mặt ngựa của anh chuyển động, đường nét xếp lại để biểu lộ niềm vui qua một cái cười: hàm răng ngựa của anh không thua răng Phernandel, anh lên tiếng hỏi nàng:
- Chào cô giáo! Sáng nay, cô dọn nhà phải không cô ạ? Cô giáo cho tôi được phép hầu cô dọn nhà...
- Cảm ơn anh Mười, tôi thu dọn xong tất cả rồi. Đã có ông bạn tôi đến giúp tôi.
- Cô đi buồn quá...
Đôi mắt anh Mười nhìn theo cặp mông tròn của cô giáo lồ lộ dưới làn lụa mỏng. Cặp mông ấy càng lộ rõ khi nàng chuyển động, khi nàng đi. Thực tình, anh thầy buồn vì nàng đi, nhưng nếu nàng “đi” thật, anh có thể đi theo để nhìn nàng suốt ngày.
Trong nhà, Minh Nhung mở cửa đón Huy Giang vào phòng. Nàng rút chiếc chìa khóa ra khỏi ổ khóa để cho Huy Giang khỏi thấy. Chiếc chìa khóa của nàng quả có đặc biệt: Chuôi chìa khóa có vẽ một hình trái tim bằng sơn đỏ. Ở đây, đồ đạc là của chủ nhà, bao nhiêu y phục và đồ riêng của Minh Nhung đều được xếp vào va- li và mấy chiếc hòm gỗ, đặc giữa phòng. Huy Giang bước vào, nhìn quanh, chàng gật đầu tỏ vẻ tán thưởng.
Mỗi ngăn trong nhà Nguyệt Điện này rộng sáu thước, dài mười thước, cửa mở ra hành lang chung, bước vào là khu đặt sa lông, tủ buýp phê, bàn viết, tủ sách, rồi đến khu kê bàn ăn. Bên trên là một cái gác lửng rộng ba thước, dài bốn thước, kê giường ngủ. Thang gác lửng đặt ngay giữa phòng. Cuối phòng là một ngăn bếp hẹp và phòng tắm.
Vào giờ này, tấm màn nhung che kín chiếc giường ngủ được kéo về một bên, để lộ chiếc giường nệm bông quyến rũ.
- Chà... không ngờ trong nhà nên thơ thế. Nhà này cư ngụ được quá chứ!
Không sốt sắng lắm, Minh Nhung đáp bằng một giọng lành lạnh:
- Ở được. Nhiều người thú nơi này lắm.
- Tại sao Line lại bỏ đi?
Làm ra vẻ không nghe thấy câu hỏi, Minh Nhung chỉ tay lên ba chiếc va- li:
- Mấy cái này xong rồi. Anh mang dần ra là vừa.
Nàng bước lên thang, lên khu giường ngủ
Đứng dưới nhìn lên, Huy Giang thấy cặp mông tròn, rồi đôi chân dài ẩn hiện dưới làn lụa mỏng. Đã nhiều lần, chàng thấy nàng mặc đầm, nhưng sáng nay, chàng thấy cặp đùi của nàng quyến rũ nhất. Chàng tưởng tượng cặp đùi ấy, trên chiếc nệm giường kia...
- Có phải tại tiền nhà quá cao không Line?
- Hai ngàn một tháng.
- Hai ngàn đâu có đắt? Tiền đóng trước?
- Không phải đóng trước. Tháng nào trả tháng ấy – Minh Nhung xách chiếc va- li để dưới chân giường, đi trở xuống - cái này cũng xong rồi nè, Anh mang giùm ra xe dần đi.
Huy Giang vội vã tiến lên đỡ lấy chiếc va- li:
- Hai ngàn tiền nhà một tháng không mất tiền sang? Nhà này đẹp quá, ở vừa quá... Line ở đây vừa đẹp... sao lại...
Trong trường, hoặc có người lạ, Huy Giang và Line Minh Nhung vẫn xưng hô với nhau bằng những tiếng “anh, chị, tôi” vô thưởng, vô phạt. Khi chỉ có nhau, nghĩa là chỉ có chàng và nàng, Huy Giang gọi nàng với cái tên Line xinh, ngắn, thân mà không suồng sã, Minh Nhung vẫn gọi anh, xưng tôi, hoặc Line chỉ thỉnh thoảng lắm mới xưng em.
Nàng tránh không nhìn đôi mắt dò hỏi của chàng:
- Hỏi làm gì? Bắt đầu mang giùm đồ ra cho Line đi.
Nàng trở lên giường ngủ, tự làm cho nàng quên vấn đề bằng cách bận rộn thu xếp những đồ vật vặt vãnh còn lại.
Huy Giang thử đem bốn chiếc va- li khỏi nhà cùng một lúc. Chàng kẹp hai cái và xách hai cái.
- Đàn bà thật là khó hiểu. Tại sao họ dọn vào cư xá mất hết cả tự do cá nhân trong lúc có một chốn ở thần tiên đến như vầy...
Chàng nhìn lên khu giường ngủ, Minh Nhung quay lưng lại chàng đang dọn đồ, nàng giả điếc không nghe thấy câu hỏi của chàng.
Với hai chiếc va- li dưới hai cánh tay, hai tay xách hai chiếc khác, Huy Giang đi ra khỏi phòng.
Ngoài vườn, vợ anh Mười nhân công làm vườn – chị Mười, bốn mươi tuổi, người lùn và to như nữ đô vật, trông rõ là chị Hai nhà Tây, nhà Mỹ – chị bếp Mười của nhà Nguyệt Điện – xách một giỏ thức ăn đi chợ về. Chị bếp Mười nấu ăn cho tất cả mọi người trong nhà này. Chị dừng lại trên thềm nhà, đặt giỏ thức ăn xuống, lấy gói bánh mì đưa cho chồng.
Anh chồng cằn nhằn:
- Bây giờ mới cho người ta ăn sáng... Biết mấy giờ rồi không?
Chị vợ to tiếng hơn:
- Mấy giờ? Có biết từ sớm đến giờ người ta làm bao nhiêu việc rồi không? Ăn thì muốn ăn ngon kia... Phải bánh mì Sè- Goòng đặc biệt mới ăn... cứ như là... Tây không bằng. Giờ này người ta mang về cho mà ăn là phúc rồi...
Thấy người đàn ông lạ xách bốn chiếc va- li từ trong nhà ra, vợ Mười ngừng nói, nhìn theo:
- Ai vậy?
- Cô giáo dọn nhà. Ông này đến chở đồ giùm cổ.
- Ồ, sáng nay cổ đi rồi sao? Tui phải vô chào cổ...
Anh Mười nhìn vào nhà, thở một hơi dài thèm thuồng:
- Cái nhà cậu Hoàng này khoái thiệt. Cô này đi lại có cô khác tới thế chân, cô nào cũng đẹp, cũng chưa chồng... Như vầy lấy vợ làm chi... Cậu Hoàng không chịu lấy vợ là phải lắm...
Vợ Mười nạt:
- Thôi cha. Đừng có giở giọng già dê ra với tôi. Khó nghe lắm...
Vợ Mười làm bếp và thầu việc giặc giũ, dọn dẹp trong vi- la Nguyệt Điện và là chị họ xa của Hoàng Chủ Nhân. Do đó, chị coi Nguyệt Điện cũng như nhà của chị, và thường khuyên răn Hoàng mỗi khi chị có dịp. Chị rất không đồng ý cuộc sống chơi bời bê bối của Hoàng. Nhất là chị biết rõ rằng Hoàng luôn luôn tìm cách quyến rũ những cô gái trọ, trẻ, đẹp, rồi sau đó... lơi dần, Hoàng cắt đứt liên lạc với các nàng một cách khéo léo và có nghệ thuật nên chưa có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra cả. Nhưng chưa xẩy ra. Không phải là không bao giờ xẩy ra. Một điều làm cho những mối tình giữa Hoàng Chủ Nhân và các cô gái trọ Nguyệt Điện kết liễu một cách êm thấm là loại gái tầm thường, các nàng cũng không cố kết lắm với ý muốn kết hôn với bất cứ ai. Gia đình các nàng lại không can thiệp vào đời tư của các nàng.
Vợ Mười vội vã mang giỏ thức ăn vào bếp rối trở lên nhà trên. Tới trước cửa phòng Minh Nhung chị thò đầu vào nhìn. Cô giáo đang xếp những đồ vật cuối cùng của nàng vào một chiếc hộp giấy. Nàng cầm một con khỉ bằng vải nhồi bông giơ lên nhìn. Con khỉ này là vật tặng của Hoàng trong những ngày đầu tiên nàng mới dọn đến đây.
Nàng còn nhớ đêm ấy, khi trao cho nàng vật này, chàng nói – “Nếu có thể Minh Nhung hãy để nó gần giường ngủ của Minh Nhung. Nó cũng như một phần tôi được gần Minh Nhung vậy”... Chàng nói câu đó với một nụ cười buồn.
Và sáng nay, với một nụ cười buồn, Minh Nhung để con búp- bê vào chiếc hộp giấy.
Vợ Mười bước vào phòng. Nghe tiếng động, Minh Nhung vội vã quay lại:
- Chị Mười... Tôi còn chào chị nữa là đi đây...
- Cô đi tôi buồn quá... Cô là người đàng hoàng nhất ở đây... Cô còn gì để tôi giúp cô...
- Cám ơn chị, xong cả rồi chị Mười ạ.
Vài phút sau, vợ Mười bước vào phòng của Hoàng, khu của Hoàng đồi diện với khu của Minh Nhung, có một đường đi ở giữa, cuối đường này là cầu thang lên lầu.
Khu của Hoàng rộng gấp đôi khu của Minh Nhung, gồm hai phòng lớn. Phòng trong là phòng ngủ. Phòng trang hoàng, bầy biện theo lối mới, trông rõ là phòng của đàng ông có tiền. Sàn nhà trải thảm gai, tường chỗ gắn gỗ vân, treo nhiều bức hình “Nu”, lịch “Play Boy”, bộ máy hát Stereo thật lớn, có thêm hai cái loa phụ để hai góc sa- lông.
Bước vào phòng, vợ Mười nhìn quanh và nhăn mặt tỏ vẻ bất mãn. Đồ đạc trong phòng bề bộn, bừa bãi, chứng tỏ đêm trước, chủ nhân của nó có tiếp nhiều bạn đến uống rượu. Hình như họ có cả nhảy đầm nữa. Mấy chiếc ghế sa lông được kéo sát vào tường, tấm thảm trải trước máy hát được cuộn lại. Vỏ chai lave 33, chai quisky và ly cốc bỏ đầy trong góc nhà, mấy đĩa gạt tàn thuốc lá đầy có ngọn.
Vợ Mười bắt đầu dọn dẹp. Chị nhặt chai và ly bỏ vào cái thùng sắt tây, rồi đổ những đĩa gạt tàn thuốc lá vào thùng. Chị trề môi khi thấy nhiều mẩu thuốc lá có vết son đỏ.
Vợ Mười vào phòng ngủ. Hoàng đang chui đầu vào chiếc áo “polo” màu đỏ. Hoàng: ba mươi nhăm tuổi, hiện sống độc thân, mặt và người trẻ và gọn như một chàng trai hai mươi nhăm, mặc cuộc sống lấy đêm làm ngày, đầy đàn bà vã rượu của chàng. Hoàng không có vẻ gì là già trước tuổi. Trông chàng, người ta không thấy hiện rõ dấu vết của những đêm dài không ngủ. Đã gần hai mươi năm nay, Hoàng không còn tập thể thao, chỉ một năm đôi ký, chàng đi bơi “pit- xin” khi có người đẹp đòi đi bơi, nhưng ngực chàng vẫn nở và bụng chàng chưa phệ.
Hoàng thò đầu ra cổ áo, cười với vợ Mười:
- Chào chị! Chị thấy tôi sáng nay dậy sớm không?
- Mới có mười giờ sáng thôi cậu. Cậu dậy sớm quá.
Không để ý đến sự mỉa mai trong lời nói của vợ Mười, Hoàng nhanh nhẹn tiếp:
- Chị Mười... Cô giáo có nói với chị là mấy giờ hôm nay, cổ dọn đi không? Tôi muốn sang chào cổ đúng lúc cổ đi, tặng cổ mấy bông hoa để cho giây phút cô từ giã nhà mình được êm đềm...
Hoàng nhanh nhẹn chạy ra cửa sổ, hái mấy bông hoa trên thành cửa. Khi đi trở vào, chàng dừng lại trước chiếc gương, soi bóng, kéo nhẹ lại nếp quần “sans- pli”. Chàng có những cử chỉ sửa soạn nhẹ và nhanh như cử chỉ của một thiếu nữ. Xong chàng cầm mấy bông hoa vừa hái, ra khỏi phòng.
Chàng gõ nhẹ vào cánh cửa mở và nhòm vào phòng Minh Nhung và hỏi nhẹ bằng một giọng buồn nhưng cố làm ra vui vẻ – “Người đàn bà đẹp nhất thiên hạ có nhà không”? Chàng nhìn lên thấy Minh Nhung, bận bộ áo đầm: robe sac mầu nâu gạch non, đứng trên vùng giường ngủ nhìn xuống chàng.
Giọng nói của Minh Nhung thản nhiên “một cách có tổ chức”:
- Tôi đang thắc mắc không hiểu khi tôi đi, anh có sang tiễn tôi không hay là anh mặc kệ và nằm ngủ.
- Line nghĩ rằng tôi có thể cho Line đi ra khỏi cuộc đời tôi mà tôi không chờ đợi lúc Line đi để nói vài lời cay đắng, cho Line phải xa tôi trong sự hối hận hay sao?
- Giọng nói Hoàng có những âm thanh trách móc và chân thành làm cho Line xúc động. Sực thực, Line nghĩ về tôi như vậy sao?
- Không! Tôi không nghĩ vậy! Minh Nhung khẽ nói và sự thực nàng cũng tin rằng Hoàng, người nàng đã yêu và hôm nay nàng phải lìa xa, không đến nỗi “đểu” như vậy. Mặc dầu chàng có nhiều tật xấu, dù rằng trên một vài phương thức xử thế chàng nghĩ và làm như một đứa trẻ con, như một cậu con trai mới lớn, và đáng trách nhất là thái độ chỉ thích yêu mà không thích cưới vợ, sợ kết hôn, ngại lập gia đình, ghét trẻ con của chàng, chàng vẫn yêu nàng. Chàng yêu nàng sâu đậm nhưng tình yêu của chàng không đi đến hôn nhân. Tuy vậy, nàng vẫn tin chắc và biết chắc là chàng yêu nàng, rằng nàng là người đàn bà duy nhất được chàng yêu sâu đậm đến như vậy trong đời chàng. Nàng tin rằng trước đây, cũng như từ nay về sau, chàng sẽ không bao giờ còn yêu một người đàn bà nào khác như là yêu nàng.
Trong những ngày đầu tiên nàng dọn đồ đạc đến ở trong căn phòng Nguyệt Điện này – đó là thời gian nàng đang buồn rầu, thất vọng về vụ ly dị của vợ chồng nàng – Minh Nhung đã tưởng rằng từ đấy về sau cho đến già đời, nàng không còn có thể yêu bất cứ một người đàn ông nào một cách chân thành và xúc động được nữa. Và nàng sớm khám phá ra rằng Hoàng, ông chủ nhà nàng trọ là một người có một tâm sự như nàng: Chàng sợ hãi Tình Yêu. Ngay trong đêm mời nàng đi ăn và đi nhẩy đầu tiên để mừng ngày “Nguyệt Điện được hân hạnh chào đón nàng”, Hoàng đã tâm sự nhiều với Minh Nhung. Đêm ấy, nàng thản nhiên nghe chuyện Hoàng như một người đau khổ không bằng mình kể chuyện buồn. Nàng chỉ thấy có cảm tình với Hoàng nhưng không ngờ rằng nàng sẽ yêu chàng. Nàng được biết nguyên do sự sợ hãi Tình Yêu của Hoàng: năm Hoàng hai mươi nhăm tuổi, chàng yêu say đắm một thiếu nữ, người thiếu nữ ấy có đủ đức tính để chàng yêu, hai người hứa hôn với nhau với tất cả những thơ mộng và yêu đương của tuổi trẻ, nhưng sau cùng nàng từ hôn để kết hôn với một người bạn học cũ của chàng chỉ vì ông này là con nhà giàu, được mời làm Bộ Trưởng và có phương tiện cho nàng qua sống bên Âu Châu. Từ đó Hoàng sợ không dám yêu ai và nhất là không dám tính chuyện cưới ai làm vợ cả. Nàng không dám còn có thể yêu một người đàn ông nào khác. Chàng không còn có thể yêu người đàn bà nào nữa. Họ tin chắc như vậy. Nhưng rồi cả hai cùng lầm. Họ yêu nhau lúc nào họ cũng không biết nữa. Có lẽ là vì cả hai cùng đau khổ, họ thấy cần phải gần nhau để an ủi nhau.
Minh Nhung, hai mươi bẩy tuổi, có học và có năng khiếu suy nghĩ, phân tích, xét đoán theo khoa học không còn có thể yêu một cách mù quáng, biết là chết mà vẫn lao đầu vào yêu, nhất là nàng đã yêu và đã thất vọng, đã có chồng và đã bỏ chồng. Nàng yêu Hoàng lúc nào nàng không biết. Chàng chỉ yêu nàng nhưng không dám cưới nàng làm vợ. Suốt đời, nàng chỉ là một thứ “vợ hờ” của chàng. Vì vậy nàng phải cắt đứt. Nàng dọn đi để tự bảo vệ. Và nàng tin rằng sự chia làm cho Hoàng đau đớn nhiều hơn là nàng đau đớn.
- Tôi chờ đến phút cuối cùng mới sang từ biệt Line – chàng khẽ nói – tôi sợ những cuộc chia tay. Sợ nhất vì người ta muốn nói với nhau rất nhiều mà bề ngoài, thấy không còn có gì để nói với nhau hết.
- Em hiểu. Em biết.
Chàng đến gần, giơ bó hoa lên và nói với nàng:
- Đây là những bông hoa cuối cùng. Tôi không muốn nói để làm em buồn khi em sắp đi nhưng thật thế, đây là những bông hoa cuối cùng. Bồn hoa của tôi tàn rụi rồi. Ngày mai và những buổi sáng sau ngày mai, hoa không còn nở nữa. Nhưng cũng chẳng sao, hoa còn nở mà làm gì...?
Rất chậm, Minh Nhung đi xuống mấy bực thang gỗ, nàng cố gắng tự chủ để giữ vẻ thản nhiên, nàng mỉm cười:
- Cũng hợp tình, hợp cảnh đấy chứ? Những bông hoa cuối cùng để tặng một người đi! Thôi đi Hoàng... đừng có “tả oán” nữa, anh làm Nhung khóc thật bây giờ.
Nàng cầm mấy bông hoa, lấy một bông gài lên ngực áo, gài vài bông còn lại trên chiếc sắc tay. Chàng đứng ngây nhìn bông hoa trên ngực nàng, rồi quay đi như không có can đảm để nhìn lâu hơn nữa. Bằng một giọng nghẹn vì cảm xúc, chàng nói:
- Chỉ ngày nào em trở lại, căn nhà này mới lại có hoa...
Nữ giáo sư Minh Nhung, tuy là Tiến Sĩ Văn Chương, tốt nghiệp Y. University, Caliphornia, U.S.A, nhưng vẫn là một người đàn bà. Hơn nữa, nàng còn là một người đàn bà đa tình, mà người đàn bà nào cũng vậy – đa tình hay không đa tình, có bằng cấp đại học hay chỉ biết đủ mặt chữ để đọc tiểu thuyết trên báo Sàigòn Mới của nhà bút Trà – cũng thích nghe đàn ông nói rằng họ buồn vì mình. Minh Nhung hưởng ứng ngay nỗi buồn tuyệt vọng của Hoàng, đôi mắt nàng tự động trơn ướt, mặc dầu nàng bảo Hoàng đừng “tả oán” nữa nàng vẫn thích chàng nói thêm nhiều câu đau thương – nói nhiều, nói nữa – để làm cho cuộc chia tay này trở thành một đại bi kịch.
Hoàng chợt nhìn con khỉ bằng vải nhồi bông do chàng tặng nàng vào một đêm Nô- En, đặt ngồi trên chiếc va- li:
- Line không định đem con khỉ này theo chứ?
- Sao lại không? Em sẽ giữ mãi mãi để tưởng nhớ một mối tình đẹp...
Hoàng quay đi như để cho nàng khỏi nhìn thấy là có nước mắt trong mắt chàng, nhưng môi chàng lại nở một nụ cười thích thú:
- Nó xấu xí quá, không đáng để cho Line giữ làm kỷ niệm. Line cho phép tôi được tặng Line con vật đẹp hơn...
- Không! Vật này đã làm em cảm: Khi em yêu nó, dù nó xấu cũng trở thành đẹp...
Khi nói câu này nàng nhìn thẳng vào mắt chàng để cho chàng hiểu rằng nàng nói đến chàng.
Một nỗi vui và sung sướng chan hòa trên mắt chàng:
- Nghĩ lại cũng lạ phải không em? Chúng ta đã yêu nhau...
Minh Nhung cắt lời chàng bằng một giọng quyết liệt:
- Thôi Hoàng, chuyện đã qua rồi chúng ta không còn là trẻ con nữa...
Chàng đứng nhìn nàng cầm chiếc đồng hồ báo thức bỏ vào chiếc va- li còn mở:
- Line ra đi không có một chút buồn phiền nào hết? – Chàng hỏi nàng – không buồn không tiếc không hận? Line ra đi như người làm một cuộc dọn nhà rất thường?
- Đúng thế đấy, Hoàng ạ...
Nàng thản nhiên đáp và xếp những đồ vật cuối cùng vào va- li.
- Em ra đi thản nhiên như giữa chúng ta không có chuyện gì xẩy ra cả?
Nàng mỉm cười:
- Ra đi vì tư vệ. Ở lại thì chết. Người đàn bà nào cũng muốn sống, Hoàng ạ. Những người tự tử không phải là họ không muốn sống, nhưng là họ muốn được sống sung sướng hơn là cuộc đời họ đang sống.
- Line không giận tôi sao?
Nàng cau mày:
- Tôi đã nói rồi. Tôi không giận gì anh hết...
- Tôi xin lỗi... Line đừng bực mình. Tôi... chỉ vì tôi không ngờ rằng... tôi bị coi nhẹ đến như thế. Nếu Line dọn đi mà chửi rủa tôi, có lẽ tôi còn được đôi chút an ủi... Vì thù hận là một hình thức của Tình Yêu, nhưng lạnh lùng và thản nhiên thì không có tình yêu.
Line Em Em mềm lòng nhưng lòng nàng chỉ mềm có một chút thôi:
- Hoàng đừng nói thế. Hoàng giữ nhiều chỗ trong đời Minh Nhung lắm, có điều anh không biết đấy thôi, ngày mới tới đây sống chung một mái nhà với anh... – (thiếu chút nữa thì nàng nói là: “sống chung một phòng”) – Minh Nhung như người không hồn. Tôi chán nản hết mọi chuyện, không còn thiết gì nữa. Tôi như một con thuyền mất lái để mặc cho sóng đánh trôi đi đâu thì đi. Anh đem niềm vui và tình yêu... đời trở về cuộc đời tôi. Ơn ấy tôi không bao giờ quên...
Lời an ủi và cảm tạ của Minh Nhung lại càng làm cho Hoàng Chủ Nhân thêm rầu rĩ:
- Không có gì tàn nhẫn và ác độc cho bằng khi hết yêu, người ta cảm ơn người yêu cũ. Tôi không ngờ Minh Nhung lại có thể...
- Xin lỗi anh...
Hoàng hung hăng một cách đáng thương hại:
- Nếu quả thật tôi có thể làm cho cuộc đời của Minh Nhung thay đổi nhiều đến như thế, tốt đẹp đến như thế, tại sao Minh Nhung lại bỏ đi?
Nàng muốn nói ngay, như nàng chỉ chờ đợi chàng hỏi câu đó để được trả lời, để được nói một sự thực:
- Vì tôi không muốn đóng vai vợ hờ của một người đàn ông chưa có vợ. Anh có nhiều lý do để giải thích sự kiện anh không kết hôn với tôi dù rằng anh yêu tôi. Nhưng tôi, tôi chỉ có một lời giải thích: anh không yêu tôi đủ để lấy tôi làm vợ. Chỉ có thế thôi. Tất cả những gì khác, đối với tôi, chỉ là tính toán. Và với tôi, tình yêu không có tính toán.
Hoàng đã nhiều lần đóng vai “kẻ ở” trong những màn kịch biệt ly, và chàng đã nhiều lần được nghe những câu nói tương tự. Bởi vậy, chàng chỉ có việc đứng đó và giả vờ xúc động, giả vờ đau đớn. Trong lúc đó, Minh Nhung xúc động thật tình.
Minh Nhung cố lấy lại vẻ thản nhiên khi giáo sư Huy Giang trở vào phòng. Nàng giới thiệu qua loa. Hai người đàn ông nhìn nhau và đánh giá nhau một cách kín đáo. Họ bắt tay nhau:
- Ông chủ nhà! Ông cũng ở đây ạ?
- Vâng, tôi ở phòng bên kia.
- Tôi vừa nói với giáo sư là phòng này đẹp quá, bỏ đi thật tiếc.
- Tôi cũng đang cố gắng xin giáo sư ở lại...
- Có lẽ ông chẳng nên giữ giáo sư ở lại. Theo tôi cô ấy đang cần thay đổi khung cảnh và không khí...
Hai người đàn ông hiểu những câu nói bóng gió của nhau. Cả người đàn bà cũng hiểu. Nàng vội vã chấm dứt cuộc đối thoại đầy những hiểu ngầm của họ:
- Anh mang giùm Nhung nốt chỗ đồ này ra đi. Hết rồi, chờ Nhung ngoài xe, Nhung ra ngay...
Huy Giang nhìn đống đồ đạc:
- Còn từng này nữa cơ à? Hết chỗ rồi sợ chất vào xe tôi không hết đâu.
- Cố đi. Hết mà. Nhưng hãy còn mấy cái áo gửi trên tủ áo trên kia, mấy hôm nữa về lấy nốt.
Huy Giang lại tay xách nách mang. Hoàng ra mở cửa giúp Giang mang đồ ra.
Minh Nhung bước ra khỏi phòng. Nàng đưa chiếc chìa khóa có vẽ hình trái tim cho chàng.
- Au revoir...
Chàng nhăn mặt khổ sở:
- Chỉ có thế thôi sao?
- Chỉ còn thế thôi. Trả chìa khóa phòng cho ông chủ. Đồ đạc của ông chủ còn nguyên đó.
Hoàng từ chối không chịu cầm chìa khóa:
- Tôi đã tự tay tô điểm chiếc chìa khóa này cho Minh Nhung dùng, cho riêng Minh Nhung. Nếu không có gì đòi hỏi quá đáng, xin em giữ lấy nó làm kỷ niệm. Đôi khi tình cờ nhìn lại nó, có thể em sẽ nhớ đến tôi...
Line Em Em xúc động, cố giữ để nước mắt khỏi trào ra trong lúc bàn tay nàng nắm chặt lấy chìa khóa. Nàng vội vã quay đi và rào gót ra khỏi Nguyệt Điện.
Hoàng đi theo. Chàng dừng lại bên cổng, nhìn theo chiếc xe vù đi, giơ tay vẫy. Chàng có cái vẻ của một người đàn ông cố gắng tỏ ra mình không xúc động.
Khi chiếc Volsquagen khuất nơi đầu phố, Hoàng chợt thay đổi hẳn. Chàng nhẹ nhõm và dễ chịu như người vừa trút một gánh nặng. Chàng nhanh nhẹn đi vào nhà, vừa đi vừa hát khẽ: “Que sera... sera”...
Chàng vào phòng riêng, mở một ngăn tủ, lấy ra một hộp sắt bên trong có tới hai chục cái chìa khóa cửa phòng. Trong số có vài cái chìa đã được chàng vẽ sẵn hình trái tim bằng sơn đỏ.