Lê lết từng bước, gánh đôi nước thứ mười trong ngày về đến chuồng heo bên hông nhà, thì sức lực bé Liên cùng đã rã rời. Em thở hổn hển lấy sức, khỏa nước rửa mặt, đoạn vốc một bụm đưa lên miệng uống ừng ực. Ngụm nước giếng mát lạnh lên vào tạng phủ, như một chất thuốc bổ kỳ diệu, phục hồi cho em phần nào sinh lực. Em đã phải gánh nước liên tục để làm tròn công việc tắm rửa heo và quét dọn chuồng sạch sẽ mà mẹ đã giao phó. Đoạn đường lấy nước giếng không xa, nhưng bé mới 12 tuổi, thể chất gầy gò, chân tay ngắn ngủn yếu ớt, mà phải chịu đựng chiếc đòn gánh dài thòng, đong đưa cặp thùng nước nặng trĩu, trên lối đi trơn trợt quả là một cực hình. Gánh nước về, bé lại phải kỳ cọ tắm rửa cả bầy heo sáu con mập ú, rồi lại phải quét dọn chuồng sạch sẽ, gom hốt hết mớ cặn bã hôi thúi mang đổ ra cái hố sau nhà. Sau mấy giờ chật vật, bé mới có thể nhàn nhã đứng tựa vào cột chuồng heo ngắm nhìn công trình của mình, vừa thò tay vào túi lấy củ khoai luộc, bóc vỏ nhai ngon lành. Thình lình, có tiếng la thé: · Con quỉ làm biếng! dọn chuồng không lo, đứng đực ra đó làm gì? Liên nuốt vội mẩu khoai cuối cùng, chùi mép, rồi lên tiếng: · Thưa má! con đã làm xong rồi! Bà mẹ liếc nhanh về hướng chuồng heo kiểm soát, rồi mới xoay qua con, gầm gừ: · Mầy nhai giống gì đó? ăn cắp ở đâu vậy? · Dạ! dạ! Con đâu dám ăn cắp. Củ khoai nầy chị Hồng cho con! tự ý chỉ cho chứ con không có xin xỏ gì hết má ạ! · Bốp!bốp! Liên bị mẹ tán cho hai tát tay, đập đầu vào cột xi măng xiểng niểng, mà chỉ dám rưng rưng nước mắt, chứ không dám nứt nở thành tiếng. Kinh nghiệm dạy bé Liên rằng khóc to thì mẹ sẽ điên tiết, đòn bộng gia tăng gấp bội. Em chỉ thút thít vang lơn: · Con xin lỗi má! con không dám như vậy nữa! Bà mẹ gằng từng tiếng: · Nè tao đã dặn: 'Ở nhà có thì ăn, không có thì nhịn! cấm tuyệt không được không được ăn chực, ăn xin', mà tại sao mày lại đi xin ăn làm xấu hổ tao vậy hả? Liên chỉ biết co rút người lại, tiếp tục điệp khúc van lơn: · Con lại má! con lỡ dại! con xin lỗi má!... Bà mẹ chụp lấy cái đòn gánh, tưởng chừng sẽ phang con bé vài hèo nữa, nhưng có lẽ hài lòng với cái chuồng heo sạch sẽ, nên hồi tâm, chỉ nhịp đòn gánh lên đầu con mấy cái, rồi lên tiếng: · Bỏ tật đó nghe không? Chuyện mầy ăn chực mà đến tai tao lần nữa, thì tao đập nát thây đó nhe!... Đang hùng hồ la con, bỗng dưng nhớ đến chuyện gì, bà dịu nét mặt, lên tiếng: · Nè! mầy chạy lại nhà bà Huế, hỏi cái ni cô Công Tằng xem bả mời tao dự lễ Phật Đản ngày nào? tao quên mất rồi! Không ngờ cái vụ Phật Đản lại cứu mạng mình, bé Liên mừng rỡ 'ba giò bốn cẳng' chạy một mạch đến nhà bà Huế. Nhìn cánh cửa khép im lìm, lại nghe tiếng thì thầm là lạ trong nhà, ngó quanh bốn bề vắng vẻ, Liên bỗng cảm thấy ớn lạnh, nên đứng sựng lại. Bà Huế mới chết chừng ba tháng nay, tiếng thì thầm là tiếng người hay ma, Liên muốn lên tiếng kêu cửa mà sợ hãi hai hàm răng cắn chặt, không mở thành lời được. Bà Hai Huế tên thật là gì không mấy ai biết rõ! Bà lưu lạc đến Khánh Hậu lâu đời, khi cô con gái nhỏ xíu mà lại có tên dài sọc là Công Tằng Tôn Nữ Thị Phương Khanh, chưa tròn tuổi thôi nôi. Khi tiếp xúc với bà, dân địa phương chợt nghe cái giọng trọ trẹ nặng chình chịch, kèm với những tiếng bí hiểm 'mô, tê, răng, rứa' điếc đặc cả tai, tưởng bà là người ngoại quốc. Đến chừng biết bà chánh gốc là dân cố đô Huế, họ ùa nhau gọi bí danh bà là Huế cho 'tiện bề sổ sách'. Thân gái cô đơn sứ người, vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, với nồi bún bò cai thấu trời mây chinh phục dễ dàng khẩu vị người dân địa phương, bà Huế bắt đầu tạo dựng được nếp sống vững vàng tại chốn này. Bà tậu được ngôi nhà xin xắn tại xóm lăng Nguyễn Huỳnh Đức, và thừa sức lo cho cô con gái ăn học tại Sàigòn. Bà Huế hãnh diện về cô con gái học hành xuất sắc cấp đại học không được bao lâu, bỗng choáng váng điên đầu khi cô con trở chứng đòi cạo đầu đi tu. Dĩ nhiên, lúc đầu bà Huế cũng lồng lộng chống đối cản ngăn, vậy mà, cuối cùng thấy con tha thiết quá, bà cũng phải xiêu lòng. Có một dạo, bà Huế háo hức tuyên bố với bà con xóm giềng rằng bà đã chiêm nghiệm được lý vô thường và chán ngán cuộc đời tạm bợ vô nghĩa nầy, nên 'dọa' sẽ bỏ tất cả để cùng cô con tầm sư học đạo. Lời dọa nầy ngay dân nghiền búng bò cũng chẳng ai sợ tí nào, nhứt là khi mụ sáu Lé, ngụ sát vách nhà bà, te rẹt khắp làng trên xóm dưới, cười ngắt nghẻo tố cáo: · Dì Hai hả! Bả mà dám đi tu thì tui cùi sức móng cho bà con coi! Nè! mỗi năm dì long trọng tuyên bố ăn chay có ngày mùng một, vậy mà vừa mớichạng vạng đã thấy bà lục đục bắt gà nấu cháo! Tu theo bả là 'tu hú' đó mà! Không tu được, bà Hai Huế đành sống thui thủi một mình cho đến ngày, đang mạnh cùi cụi, bỗng ngã bệnh liệt giường. Sư cô Công Tằng - đúng ra pháp danh cô là Quảng Hạnh, mà dân quê lại cứ mang máng nhớ thành 'hoảng hồn, hoảng hốt' gì đó, lộn xộn quá chừng, bèn cứ gọi sư cô là Công Tằng, cái tên quen thuộc từ thuở cô còn bé tí ngày xưa cho dễ - vội vã về nhà chăm sóc cho mẹ. Hai tháng sau thì bà Hai qua đời. Tang ma mẹ xong, sư cô xin bổn sư cho ở lại nhà một năm để tiện tụng niệm vãng sanh và chăm nôm săn sóc mộ phần mẹ. Sư cô cũng nhân dịp nầy tạo duyên Phật Pháp cho bà con lối xóm: tạm biến ngôi nhà thành một niệm Phật đường nhỏ, mời cô bác đến tụng kinh, lễ Phật để tùy duyên hướng dẫn họ vài giáo lý căn bản Phật giáo. Trưa hôm đó, sư cô vừa mới chấm dứt thời kinh, nhìn qua khe cửa thấy dáng bé Liên lấp ló, vội bước ra nắm tay em đưa vào nhà. Bé Liên lấp vấp lên tiếng: · Sư cô à! Má con dặn con hỏi sư cô mời Phật Đản ngày nào, con phải về trả lời liền kẻo má trông! · Phật Đản tổ chức vào ngày mai con à! Ơ! khoan về đã! con hãy vào nhà chờ cô một chút, cô cùng đi với con, có cô con đừng lo! Sư cô xót xa nhìn mặt mũi thê thảm của con bé. Cô nhúng khăn ướt lau mặt, thoa dầu lên vết sưng mười ngón tay còn in trên gò má, đắp nước muối lên cục u trên đầu, rồi như một bà mẹ hiền, sư cô lại ân cần đem bánh trái ép em ăn. Sư cô dịu dàng dễ thương quá, bé Liên cảm động đón nhận tình thương của sư cô, rồi bỗng rụt rè lên tiếng: · Tại sao sư cô lại đi tu vậy? · Cả đời má sư cô phải cam chịu biết bao nhiêu điều khổ sở, sư cô thương quá muốn đi tu để tìm đường thoát khổ và cũng để độ má sư cô thoát khổ nữa! · Sư cô à! con cùng muốn đi tu như sư cô vậy đó! · Con muốn đi tu để làm gì? · Cả đời má con cũng khổ sở quá chừng hà! con muốn đi tu để độ má con hết khổ cũng giống như sư cô vậy! Sư cô ngạc nhiên không ngờ con bé bị mẹ hành hạ tàn nhẫn, mà vẫn thương mẹ không chút oán hờn. Mà hành vi độc ác của mụ Tám bánh tầm bì thì đâu có vừa gì! Cả xã Khánh Hậu nầy ai chẳng kêu rêu bất mãn. Họ lên án, oán trách mụ Tám đã bắt bé Liên nghĩ học từ năm lớp bốn, để ở nhà lãnh hết mọi công việc nặng nhẹ trong ngoài, từ việc nấu cơm, gánh nước, giặt giũ, cho đến những công tác dơ dáy ở chuồng gà, chuồng heo. Ba giờ sáng con bé đã bị dựng dậy để se bánh tầm cho kịp giờ bán điểm tâm, tối mịt em vẫn còn phải lốc cốc xách thùng đi khắp xóm sớt cơm thiu, canh cặn về bổ dưỡng thêm cho bầy heo háu ăn. Hành con bé làm việc bù đầu suốt ngày vẫn chưa hả nư, mụ Tám bỏ bê con bé đói rách xác xơ, chửi mắng thô tục nặng nề và đánh đập nó tàn nhẫn như đối với kẻ tử thù. Điều làm kẻ bàng quan bất mãn hơn nữa, là chị bé Liên tên Thảo, lại được mụ Tám cưng yêu chìu chuộng tột bực, ăn ngon, mặc đẹp đi học, không phải động móng tay, vì chỉ cần ọ ẻ thì đã có đứa em nai lưng ra phục dịch rồi. Sư cô thầm nguyện tìm phương kế giải tai ách cho bé Liên nên đã đích thân lân la đến thăm mụ Tám ba lần, cố gắng gieo hạt giống thương yêu hiểu biết vào tâm mụ, hai người luận bàn vui vẻ đủ mọi đề tài đạo và đời, nhưng mấy lần ấp úng đắng đo, sư cô vẫn chưa dám khơi vụ bé Liên ra nói được. Mụ Tám có tính quái đản là mỗi khi nghe ai lưu tâm đến bé Liên hay khuyên lơn cản ngăn mụ thì mụ lại đập con bé dữ tợn hơn nữa. Chị ruột của mụ, thương hại cháu, ngõ lời xin cháu làm con nuôi, chẳng những mụ Tám phản đối, mà bé Liên bị đòn nát bét mông đít và bị đay nghiến, bỏ đói cả ngày. Lần này, đi theo bé Liên để gặp mụ Tám, sư cô quyết tâm sẽ đề cập thẳng vào điều muốn nói, vậy mà, sư cô nghĩ ngợi rối cả ruột cũng chưa biết phải bắt đầu làm sao cho ổn... Sư cô đi khoan thai quá khiến bé Liên bồn chồn lo lắng. Khi còn cánh nhà chừng năm mươi thước, con bé sốt ruột vuột tay sư cô chạy một mạch về trước, hổn hển báo cáo: 'Má ơi! sư cô nói ngày mai'. Sư cô bỗng nghe tiếng hét: · Đồ quỉ cái! Sao ân hoàn dịch lệ' không vật mầy chết cho tao nhờ! Từ đây đến nhà bà Hai Huế gần xịt, mà mầy 'chết liệt' đi đâu mất không chịu về liền! Nghĩ đến an nguy của bé Liên, sư cô không thể đủng đỉnh giữ 'oai nghi' của người tu sĩ nửa. Sư cô chạy vội đến nhà mụ Tám, hấp tấp lên tiếng: · Cái vụ nầy, vụ về trễ nầy do lỗi của tôi đó chị Tám! Tôi giữ cháu lại để cùng đi đường cho có bạn, chị ạ! Mụ Tám đon đả: · Chào sư cô! Mời sư cô vào nhà chơi! Rồi xoay qua con mụ hất hàm ra lịnh: · Ra sau xắt chuối cho heo ăn đi mầy! Mụ Tám vốn bị xóm giềng tẩy chay, nay được sư cô viếng thăm nói chuyện, nên dễ sanh cảm tình, mặc dù, thật ra mụ chẳng mấy ưa các câu chuyện đạo lý ngán ngẩm của sư cô. Có lẽ, hơi sượng sùng về lời chửi mắng con quá ư thô lỗ của mình, vừa hướng dẫn sư cô vào nhà, mụ Tám vừa phân bua: · Cái con bé nầy coi vậy mà ương ngạnh lắm sư cô ạ! Tôi mà lơ mơ thì nó 'quậy' nát tan cái nhà nầy như chơi hà! · Bé Liên mặt mũi trông hiền mà, chắc không đến nỗi khó dạy đâu chị Tám! Đôi khi, mà... ơ... ơ..., trong đám con thế nào cũng có đứa hạp, có đứa không hạp... nên đứa thì mình thấy dễ dạy, đứa khó dạy... phải không chị! · Đúng đó sư cô! cái con dịch vật nầy quả không hạp tôi tí nào. Thật ra phải nói nó là thứ oan gia phá nhà hại cửa thì mới đúng! Ông thầy tử vi Nhãn Thần đã giải thích như vậy đó! Ông nói chồng tôi tuổi dần, nó tuổi thân, mà 'dần thân tị hợi là tứ hành xung', nên sanh nó ra đời thì chồng tôi tử trận chết, và tôi thì phải lâm cảnh nghèo khổ tàn mạt từ đó cho đến ngày nay. · Tôi nói điều nầy mà nếu thấy sai xin chị đừng giận nghen! Trên thế gian nầy có biết bao đứa bé kỵ tuổi cha mẹ mà cha mẹ vẫn sống, cũng có đứa hạp tuổi lại lâm cảnh mồ côi! Người ta nói 'bói ra ma, quét nhà ra rác', thầy bói họ vẽ vời ra vụ kỵ vụ hạp, bàn ngang tán rộng nhắm thăm dò tâm lý kẻ nhẹ dạ để khai thác trục lợi,... tin tưởng làm sao được chị Tám! · Đáng tin lắm chớ sư cô! cái anh Toàn bạn cùng khóa với chồng tôi, anh cũng tuổi dần, sanh đứa con tuổi ngọ, mà 'dần, ngọ, tuất là tam hạp'. Từ đó binh nghiệp ảnh lên như diều, vỏn vẹn trong vòng bốn năm mà ảnh lên được ba 'lon', bây giờ ảnh đã mang cấp bật đại tá, uy quyền một cõi rồi. Cái con ba Khòm, vợ của ảnh, đen thui xấu ỉn, vậy mà bây giờ cũng làm bà nầy bà nọ, đỏng đa đỏng đảnh, thấy ghép dễ sợ! Chỉ vì phận tôi hẩm hiu, nơi mới sanh nhầm thứ con báo đời, để phải khốn khổ như thế nầy! · Chị Tám ạ! Hôm trước chị em mình có thảo luận về lý nghiệp báo và nhân duyên, theo đó, mỗi người tự mình chủ động trong việc tạo nghiệp cho mình, mình đã gieo nhân thiện hay ác gì, thì mình phải gánh chịu cái quả phát sanh từ các nhân đó, không sai chạy đi đâu cả! chị Tám chắc vẫn còn nhớ điều đó? · Ừa, 'chiện' gì tôi không ý kiến chớ cái 'chiện' gieo nhân nào gặt quả nấy thì tôi chịu lắm! · Như vậy đó chị Tám, nghiệp của mình do mình tạo ra, lành dữ tự mình gieo nhân, như vậy thì không có ai dù là thần thánh cũng không thể ban phước hay gây họa cho mình được, thành thử ra, một đứa con sanh ra cũng không làm thay đổi nghiệp của mình, không gây ra chuyện hên sui gì cả, phải không chị Tám? · Không phải vậy đâu sư cô! đành rằng có luật nhân quả, nhưng chuyện đứa con tạo hên sui cho mình có thiệt mà sư cô. Nè! kinh nghiệm của tôi về vụ sanh con Liên quá rõ, vụ anh đại tá Toàn cũng vậy, và còn biết bao vụ khác nữa..., không tin làm sao được a sư cô! · Về việc này thì tôi xin góp ý kiến như vầy đây, chị Tám. Hành vi tạo nhân thiện hay ác ở quá khứ của một con người, có thể đã được đóng góp ít nhiều bởi một vài người khác, liên hệ đó đã tạo cho họ một nghiệp chung, Phật giáo gọi là cộng nghiệp. Khi nhân chuyển biến thành quả, thì những người đã có giây liên hệ từ trước, do cộng nghiệp lôi kéo, sẽ hiện diện bên cạnh người chủ động để cùng nhận lãnh cái nghiệp tương cận với nhau. Nhìn bề ngoài, mình có thể nhận định rằng sự hiện hữu của một người thân đã ảnh hưởng đến thịnh suy của mình, nhưng xét kỹ, thì không ai ảnh hưởng đến số phận của ai hết, mỗi người lãnh cái phần nghiệp của mình trong cái nghiệp chung mà thôi. Tôi trình bày như vậy, chị Tám có đồng ý không ạ! · Sư cô nói vậy thì tôi hay vậy, chớ tôi vẫn thấy con cái nó cũng gây ra chuyện hên xui cho mình nhiều lắm! Sư cô nghĩ mớ tà kiến nầy đã bám rễ lâu đời trong tâm thức mụ Tám nhất thời sư cô khó mà gột rửa ngay được. Sư cô sẽ trở lại gặp mụ Tám thảo luận đề tài nầy nhiều lần nữa để giải tỏa từ từ, còn bây giờ, chuyện cấp bách là an nguy của bé Liên thì tạm thời sư cô sẽ tìm phương cách khơi dậy tình thương con nơi quả tim khô cằn của mụ cũng được. Sư cô ngần ngừ một lúc, rồi ra chiều thân mật, lên tiếng: · Chị Tám ạ! Chắc chị không thể nào ngờ là ngày tôi sanh ra đời, chính là ngày má tôi đau khổ cùng cực. Đây là một việc mà bà đã bưng kín miệng bình, không thổ lộ cho một ai ở xã Khánh Hậu nầy biết! · Ô! Thật vậy sao sư cô! Sư cô kể rõ tôi nghe đi! Tôi kín miệng mà!, mụ Tám lộ vẻ hào hứng khi sắp được nghe một câu chuyện bí mật. · Cha tôi là con trai duy nhất của một gia đình hoàn tộc giàu sang tại cố đô Huế. Bà nội tôi đã chọn mẹ tôi, một cô gái nghèo thuộc gia đình đông con, về làm dâu vì hy vọng sẽ sớm có cháu trai nối dõi tông đường. Mẹ tôi lại sanh liên tục hai gái, khiến nội thất vọng, nội cằn nhằn giận dỗi vu vơ, rồi gán cho mẹ tôi cái tội thiếu đức nên không sanh được con trai. Mẹ tôi cấn thai lần nữa, nội hy vọng tràn trề nên vừa ngọt ngào với con dâu, vừa công khai tỏ ý sẽ bắt con trai cưới vợ khác nếu lần sanh nầy vẫn là gái. Lo âu thái quá, sức khỏe mẹ tôi suy yếu rõ rệt, đó là lý do chính đáng để ngoại tôi, xin với nội được đem con gái về nhà chăm sóc khi sanh nở. Sanh con ra, mệt đứt hơi mẹ tôi vẫn ráng thều thào tìm hiểu đứa nhỏ là trai hay gái. Thật là bất hạnh cho bà, đứa bé đó chính là tôi, là gái. Bà nhìn con sững sờ rồi ngất xỉu. Khi bà tỉnh dậy, ngoại vừa an ủi con vừa đề nghị một giải pháp mà ngoại đã tính toán và thu xếp chu đáo, là đánh tráo tôi với đứa con trai chị bếp, đứa bé nầy đã chào đời trước tôi hai ngày. Mẹ tôi phản đối quyết liệt. Bà ôm cứng tôi, không cho ngoại và cậu thi hành ý định. Bà nói thà bà chịu khổ chung với con, chớ không vì việc cũng cố địa vị, vì tham lam phú quý, mà bỏ con lăn lóc với người dưng nước lã. Đúng như ngoại tôi tiên liệu, nội tôi chẳng nhìn nhõi gì đến đứa cháu vô phước, cha tôi thì chỉ viếng thăm một lần, rồi biệt dạng luôn, chẳng hề đề cập đến việc rước vợ con về nhà. Sau mấy tháng đớn đau tuyệt vọng, mẹ tôi bồng tôi vào Nam lập nghiệp, thề trọn đời chẳng trở lại đất thần kinh. Chị Tám thấy không? Chỉ vì tôi mang thân gái, mà mẹ tôi phải đau khổ suốt cả cuộc đời. Thế mà bà chẳng hề ghét bỏ tôi. Bà thương yêu chăm sóc tôi từng ly từng tí, không dám ăn, không dám mặc để nhường tất cả cho con. Tôi mà ấm đầu hay tay chân bị trầy trụa chút đỉnh thì bà xót xa như đứt từng khúc ruột. Ôi! tình thương của bà đối với tôi như bao la biển rộng, tôi dẫu có tan xương nát thịt cũng chưa đền đáp nổi thâm ân!... Sư cô mang tâm sự đời mình thố lộ cho mụ Tám mong mụ cảm động, rồi tình thương bé Liên sẽ nhen nhúm trong lò mụ. Ngờ đâu, khi sư cô dứt lời, mặt mày mụ Tám đang tươi rói bỗng dưng biến sắc, mụ hậm hực 'hứ' một cái, nhổ bãi nước bọt cái phẹt, rồi ngoảnh mặt hướng khác, không thèm tiếp chuyện với sư cô nữa. Sư cô bàng hoàng ngớ ngẩn không hiểu việc gì đã xảy ra. Chừng mười giây sau, sư cô mới khám phá rằng lời ca tụng bà mẹ dịu hiền vô tình khiến người mẹ hung dữ nhột nhạt nghi sư cô kể chuyện với thâm ý chê bai châm chọc. Sư cô bối rối tự trách mình đa sự, đạo đức hèn kém đã không cảm hóa nổi mụ Tám, mà còn đổ dầu trên lửa, gây tai họa thêm cho bé Liên. Sư cô đứng dậy, dợm thối lui rồi lại rụt rè muốn mở lời giả lả, nhưng thấy quyết định nào cũng không ổn cả. Thình lình mụ Tám quay người lại, châm bẩm nhìn sư cô gằng từng tiếng: · Nè! tôi nghe nói Phật Đản nhằm ngày rằm, mà sau sư cô lại nói ngày mùng tám, như vậy nghĩa là sao? Mấy người tu hành mà sao ăn nói bất nhất quá vậy? Sư cô thở phào nhẹ nhõm, lời lẽ mụ Tám tuy xỉa xói gắt gao, nhưng mụ còn chịu đối thoại thì còn hy vọng, 'còn nước còn tát', sư cô dịu dàng đáp: · Thưa chị! Theo truyền thống Phật giáo Trung Hoa thì Phật Đản nhằm ngày mùng tám tháng tư âm lịch. Phật giáo Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng Trung Hoa nên cũng tổ chức vào ngày nầy. Theo truyền thống Phật giáo Nam Tông, thì Phật Đản nhằm ngày trăng tròn tháng tư. Vấn đề sai khác nầy được đặt ra trong một phiên họp của Phật Giáo Thế Giới; sau khi thảo luận, Đại Hội đã đồng thanh quyết định thống nhất ngày Phật Đản là ngày rằm tháng tư. Do đó Phật giáo Việt Nam hiện đang tổ chức ngày Phật Đản ngày rằm, tuy vậy có nhiều chùa vẫn cố gắng giữ chút lệ xưa, nên tổ chức thêm ngày mùng tám. Tôi tính rủ chị em mình làm cái lễ nhỏ nhỏ trong xóm ngày mùng tám, vì đến ngày rằm thì tôi phải về lại Sàigòn làm lễ chánh thức tại tu viện. Tôi đã không trình bày rành mạch với chị em vấn đề này, điều đó quả thật có lỗi. Thái độ bình tĩnh và mềm mỏng của sư cô khiến mụ Tám nguôi ngoai cơn giận phần nào, sư cô mừng rỡ tiếp lời: · Thật ra, tổ chức lễ chỉ là một hình thức, thì ngày nào cũng như nhau có khác chi đâu phải không chị Tám! Vấn đề quan trọng là mình biết vận dụng được ý nghĩa của ngày đó để tưởng nhớ công ơn Phật và noi gương Ngài dõng mãnh tu sửa thân tâm sao cho xứng đáng là một người con Phật. Chị Tám biết không? theo niềm tin riêng của tôi, thì ngày Phật thực sự khai sinh không phải ngày mùng tám hay ngày rằm, mà là một ngày xa xôi mù mịt vô số kiếp về trước khi đức Phật còn phải chịu hình phạt ở chốn địa ngục vô gián lận kìa... · Ủa! Sao có cái ngày gì lạ quá vậy ha?, mụ Tám mỉa mai. · Đây là chuyện tiền kiếp của Phật. Vào những a tăng kỳ kiếp cực kỳ xa xôi, thuở đức Phật chưa biết tu tập, nên có khi thì tạo nhân lành khi gây nhân ác hỗn tạp với nhau, do đó, cứ bị lăn lộn lên xuống trong lục đạo luân hồi. Cho đến một kiếp nọ, đức Phật là một đứa con bất nhân, bất hiếu, đã tàn nhẫn chửi mắng đánh đập mẹ ruột của mình nên khi chết bị đọa vào địa ngục vô gián. Tội nhân trong ngục bị vòng lửa bám trên đầu thiêu đốt đau đớn, chết lên chết xuống, khổ sở không thể kể xiết. Đức Phật thăm hỏi ngục tốt đến chừng nào mình mới thoát khỏi nơi nầy thì được bảo rằng, bao giờ trên thế gian có tên nào bất hiếu, bằng hay hơn ngươi chết xuống đây thay thế chỗ ngươi, ngươi mới thoát nạn. Đức Phật móng niệm ước mong thế gian có càng nhiều càng tốt nhừng kẻ ác nhân bất hiếu, để sớm có kẻ thế mình. Niệm xấu vừa khởi, tức thời vòng lửa xiết chặt hơn, lửa thiêu đốt dữ dằn hơn, khiến Phật lăn ra, chết ngất lên ngất xuống. Trong giây phút cực kỳ đau đớn đó, bỗng nhiên Phật nghĩ chốn nầy khổ sở quá chừng chừng, thật cảm thương cho ai đã lọt đến chốn nầy, mong thế gian không còn ai bất hiếu để họ khỏi rơi vào đây, còn phần mình nếu không ai thay thế thì đành cam chịu khổ sở hoài vậy. Niệm lành vừa sanh, tức thời Phật thoát khỏi chốn địa ngục sanh trên cõi Trời, và kể từ kiếp đó, Đức Phật luôn luôn tinh tiến tu hành cho đến ngày thành Phật cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm. Giây phút phát khởi niệm lành 'chịu khổ thay thế chúng sanh' quả là thời điểm đặt biệt! Tôi tin tưởng rằng mầm mống một vị Phật đã thực sự khai sinh từ đó, chị đồng ý với tôi không chị Tám? Câu chuyện tiền thân có lẽ hấp dẫn mụ Tám nên mụ theo dõi chăm chỉ và góp ý vui vẻ: · Đúng đa! Giây phút đó quả là khúc quanh lớn, đã biến đổi một kẻ ác thành vị Phật. Ừa! nói rằng Phật đã thật sự khai sanh từ lúc đó cũng có lý lắm chớ! · Chị Tám ạ! tôi xin kể chị nghe tiếp chuyện nầy, khó tin mà có thật, mới xảy ra ràng ràng tại xóm mình nè! Hồi nãy đây, tôi đích thân chứng kiến một vị Phật khai sinh đó chị! ·??? · Chuyện thật trăm phần trăm mà! Thì mới hồi nãy đây cháu Liên có thỏ thẻ với tôi là cháu muốn đi tu. Tôi hỏi lý do thì cháu chân thành đáp: 'Thưa cô! Con thấy cả đời má con phải chịu khổ sở quá chừng hà! Con muốn đi tu để độ cho má con hết khổ.' Chứng kiến thái độ thành khẩn của cháu, tôi xúc động cảm nhận rõ ràng rằng một vị Phật đã vừa khai sanh trong tâm em. Tôi tin tưởng nguyện vọng của em sẽ thành. Em sẽ thành Phật và em sẽ độ được mẹ em! Mụ Tám vụt chạy ra nhà sau và sư cô cũng lo lắng phóng theo bén gót. Sư cô thấy mụ Tám bước nhanh tới chỗ con gái đang xắt chuối heo, lặng lẽ nhìn con bé, gương mặt bậm trợn đanh đá thường ngày bỗng mềm dịu hẳn ra, rồi mụ lên tiếng: · Liên à! bộ con nói với sư cô con muốn đi tu để độ má con hả con? Bé Liên không biết chuyện gì sẽ xảy ra, mặt mày em tái mét, em rụt rè đáp nho nhỏ: · Dạ! Con thấy má khổ sở quá chừng hà! Con thương má! Con muốn bắt chước sư cô, đi tu để độ cho má hết khổ! má à! Hai hàng nước mắt của mụ Tám bỗng nhiên ràn rụa, mụ ôm con bé vào lòng..., lúng túng chẳng ra lời: Âi! thương quá! Tội nghiệp con tôi quá!' ' Một vị Phật lại vừa được khai sanh!', sư cô cảm nhận điều đó trong niềm vui mênh mang. Ý thức sự hiện diện của mình đã trở thành thừa thãi, sư cô lặng lẽ rút lui; bước ra ngoài nhìn vạn vật mọi loài, sư cô cảm thấy tất cả dường như đã bừng dậy, để hân hoan chia sẽ niềm vui với sư cô.