Philip mang chuyến thư chiều đến cho Cacxơn Samơ đang ngồi trong căn nhà gần quảng trường. Ngoài thư tín bình thường còn có hai phong thư có dấu bưu điện nước ngoài. Một phong thư có gửi kèm theo bức ảnh một phụ nữ. Phong thư kia là một lá thư dài vô tận khiến Samơ ngồi há hốc mồm say sưa đọc mãi. Bức thư đó lại của một người phụ nữ khác gửi, lời lẽ trong thư như lưỡi câu tẩm mật ong ngọt ngào, chêm vào những câu bóng gió, châm chọc sâu cay về người đàn bà gửi thư kèm ảnh. Samơ xé bức thư ra trăm ngàn mảnh, rồi cất những bước dài đi đi lại lại trên tấm thảm đắt tiền như muốn làm cho nó tơi tả ra. Con thú rừng bị nhốt trong chuồng hành động như thế nào thì con người lạc trong khu rừng rậm hoài nghi cũng hành động như vậy. Dần đần tâm trạng bồn chồn cũng lắng xuống. Tấm thảm đó không phải là tấm thảm có phép màu nhiệm. Nó cũng chỉ dài có vài mét, đi một tí là hết. Muốn đi ba ngàn dặm đường thì nó chẳng thể giúp gì ông được. Philip xuất hiện. Không bao giờ anh ta vào hẳn trong buồng, lúc nào cũng chỉ thập thò, cứ như ma trơi. - Ngài dùng cơm ở đây hay ngoài nhà ạ? - Ở đây – Samơ nói, – nửa giờ nữa nhé. Ông ta buồn bã ngồi nghe tiếng gió tháng giêng hú dọc theo phố vắng, nghe phù phù như tiếng kèn tơ-rom-bon thổi. - À này, – ông vội nói với anh chàng Philip vừa mới đấy đã biến đi, – lúc trên đường về nhà, đến cuối chỗ quảng trường, ta thấy lố nhố người đứng thành hàng dài. Có một người đứng lên trên cái gì ấy, diễn thuyết. Sao những người đó lại đứng xếp hàng ở đấy nhỉ? Mà họ đứng đấy để làm gì hả? - Thưa ông, họ là những kẻ vô gia cư, – Philip trả lời, – Người đứng trên cái hòm đó cố sức diễn thuyết để những người kia có chỗ ngủ qua đêm. Thiên hạ xúm quanh nghe và cho ông ta tiền. Sau đó ông ta có bao nhiêu tiền đều đem trả cho chủ trọ. Vì vậy họ mới đứng xếp hàng, cứ đến lượt người nào thì người ấy được dẫn đi đến chỗ ngủ. - Tí nữa đến giờ ăn cơm, – Samơ nói, – anh xuống dẫn một người trong bọn họ lên đây. Anh ta sẽ ăn cơm với ta. - Dẫn a-a-ai ạ… – Philip cất tiếng lắp bắp. Từ ngày phục vụ ông chủ đến giờ, đây là lần đầu tiên anh ta tỏ ra lúng túng như vậy. - Chọn ai cũng được, – Samơ nói. – Có điều anh phải xem xem anh ta đừng có say lướt khướt, mà anh ta cũng phải sạch sẽ một tí. Thế nhé. Cacxơn Samơ đâu có quen đóng vai kẻ làm phúc. Nhưng đêm hôm đó không có thứ thuốc gì có thể làm cho ông ta nguôi nỗi u sầu nên ông ta phải có một cái gì đó thật ngộ nghĩnh, đầy thú vị và mang tính Ả Rập để khuây khoả tâm trạng đôi chút. Trong nửa giờ, Philip hoàn thành nhiệm vụ làm tên nô lệ của cây đèn thần (2). Những người hầu bàn ở tiệm ăn dưới nhà tất tưởi mang lên gác bữa ăn tối thịnh soạn. Bàn ăn soạn cho hai người rực rỡ trong ánh đèn nến nhảy nhót dưới chụp đèn màu hồng. Lúc này Philip đứng đường hoàng đẩy lẹ vị khách vào, cứ như đang hộ tống một hồng y giáo chủ – hoặc là một tên trộm bị bắt, chứ không phải là một gã ăn mày đang run cầm cập vừa được lôi từ hàng người vô gia cư xin ngủ nhờ qua đêm kia. Thường người ta gọi những người như vậy là kẻ vô thừa nhận, nhưng giả dụ có so sánh trong trường hợp đặt biệt ở đây, thì con người này chẳng khác gì một con tàu gặp nạn đang bị bốc cháy, bồng bềnh trôi dạt trong biển đời như ta vẫn thấy. Ngọn lửa bập bùng chiếu sáng trong con người anh ta. Mặt và tay anh ta vừa được rửa xong – một lễ nghi mà Philip kiên quyết thực hiện tựa như lễ tưởng niệm cho nếp ăn ở hàng ngày bị tiêu diệt. Anh ta đứng dưới anh nến, làm cho cảnh bài trí trong phòng trở nên xấu hẳn đi. Mặt anh ta trắng bệch hom hem, bộ râu xồm xoàm che gần đến tận mắt, trông như bộ lông con chó săn đỏ xứ Ái Nhĩ Lan. Philip cũng đã lấy lược chải tóc cho anh ta nhưng không sao làm cho bộ tóc nâu nhạt mượt trở lại, bộ tóc từ lâu đã bện và ăn nếp theo vành mũ tứ thời lúc nào cũng trên đầu. Cặp mắt anh ta đầy vẻ thách thức, tuyệt vọng và xảo trá, trong như mắt con chó tàng bị những kẻ hành hạ dồn vào chân tường. Chiếc áo khoác trơ khố tải cài cúc cao, nhưng trông rõ chiếc cổ vừa lộn xong. Tác phong của anh ta tỏ ra không có gì là lúng túng khi Samơ đứng dậy khỏi ghế phía bên kia bàn ăn tròn. - Nếu anh cho phép, tôi sẽ vui mừng được mời anh ăn cơm tối nay, – ông chủ nói. - Tên tôi là Plămmơ – vị khách giang hồ nói, giọng gay gắt và hung hăng. – Nếu là tôi, chắc ông cũng muốn biết tên người sắp ngồi ăn cùng với mình. - Tôi cũng đang định giới thiệu tên tôi là Samơ, xin mời ông ngồi phía bên kia. – Samơ nói tiếp, hơi có vẻ vội vã. Plămmơ quần áo lôi thôi, khom gối xuống để cho Philip đẩy cái ghế đến cho anh ta ngồi. Anh ta có dáng dấp ngày xưa thường ngồi tại những nơi có người phục vụ. Philip bắt đầu mang món cá trống và dầu ô liu. - Tuyệt! – Plămmơ nói như quát lên, – cho ăn theo món hả? Hầy, thưa Hoàng đế vui tính của thành Batđa, tôi xin làm nàng Sêhêradat của ngài để kể chuyện cho ngài nghe cho đến khi không còn món ăn gì thì thôi. Tôi công nhận ngài là người giàu có đầu tiên có hương vị phương Đông chân chất mà tôi phát hiện ra từ đầu đông tháng giá đến giờ, đã đón tay làm phúc một cách sang trọng đến vậy. Thật may mắn, tôi đứng thứ bốn mươi ba trong hàng cơ đấy. Tôi vừa đếm xong xem mình đứng thứ mấy thì vị sứ giả đầy thú vị của ngài đến mời tôi đi ăn tiệc. Thế là đêm nay tôi được dịp may kiếm được nơi trú chân chẳng khác gì dịp may mình được làm tổng thống trong nhiệm kì sắp tới. Ngài muốn nghe câu chuyện buồn về cuộc đời của tôi theo cách nào, thưa ngài An Rasit (3), cứ mỗi món ăn một chương nhé hay toàn bộ câu chuyện kết thúc bằng những điếu xì gà và cà phê? - Đối với anh, sự việc này cũng không có gì là lạ thường lắm đâu, – Samơ mỉm cười nói. - Xin thề có Chúa trời chứng giám! – Người khách trả lời. – Niu-Yooc đầy những tên Harun An Rasit bần tiện, chẳng khác gì thành Batđa đầy những ruồi nhặng. Tôi buộc lòng phải đi kể chuyện để đổi lấy bữa ăn rất nhiều lần rồi. Đố tìm được một ai ở Niu-Yooc này cho không một cái gì! Những Rasit này có cho ta một bữa cơm từ thiện thì cũng chỉ để thoả mãn trí tò mò của họ thôi. Hầu hết bọn họ chỉ cho ta một xu và một bát cơm hổ lốn, còn một dúm trong bọn họ sẽ đóng vai kẻ làm phúc để đãi ta một miếng bít-tết, nhưng tất cả bọn họ sẽ cưỡi lên đầu lên cổ ta, ép ta đến bao giờ tôi ra bản tự truyện, với đầy đủ những ghi chú, những phụ lục và những mẩu chuyện chưa được đăng. Ô, ở cái thành phố Batđa có đường xe điện ngầm (4) cổ, nhỏ bé này khi nhìn thấy cái gì ăn được là tôi biết phải xử lí thế nào rồi. Tôi đập đầu xuống đường nhựa ba lần và sẵn sàng thêu dệt chuyện huyên thuyên để kiếm bữa ăn tối. Tôi công nhận mình chẳng khác gì danh ca Tômmi Tăccơ đã quá cố, người buộc phải đánh đổi giọng hát của mình lấy bát cơm đã chén trước đó. - Tôi không cần chuyện của anh, – Samơ nói, – xin nói thật là bỗng nhiên tôi nảy ra ý nghĩ muốn vời một người lạ mặt đến ăn cơm tối. Xin anh cứ an tâm, đừng lo tôi tò mò. - Ô, rõ chỉ vớ vẩn! – Vị khách kêu lên, vừa húp sùm sụp món xúp. – Chuyện ấy đối với tôi có đáng gì. Tôi cũng giống như quyển tạp chí phương Đông có bìa đỏ sáng sủa, và bài nào hay là người ta cắt liền. Thật ra những người đi ăn chực nằm chờ như tôi cũng thuộc hạng đại loại như vậy. Thiên hạ cứ luôn phân vân không hiểu cái gì đã đưa chúng tôi xuống tận đáy xã hội. Nếu được một miếng bánh sanđuych và một cốc bia, tôi sẽ kể cho họ nghe nguyên nhân chính là do món tửu gây ra. Nếu được miếng thịt bò muối, xúp bắp cải và một cốc cà phê, tôi kể cho họ nghe câu chuyện về một tên chúa tể nhẫn tâm làm tôi thất nghiệp sau khi phải nằm nhà thương sáu tháng. Nếu được một miếng bít-tết và mất hai mươi lăm xu mà được ngủ qua đêm, tôi sẽ kể tấn thảm kịch ở phố Uôn, trong đó cơ đồ bị cuốn sạch sành sanh và sự xuống dốc diễn ra như thế nào. Đây là lần đầu tiên tôi được cho ăn một bữa tối thịnh soạn trong một bầu không khí như thế này. Tôi chưa nghĩ ra được chuyện gì cho hợp với cảnh này. Tôi sẽ kể để ông nghe, ông Samơ ạ, tôi sẽ kể cho ông nghe sự thật về chuyện này nếu ông muốn nghe. Ông tin chuyện này còn khó hơn ông tin chuyện bịa đặt đấy. Một tiếng đồng hồ sau, vị khách Ả Rập ngả người ra sau ghế thở phào thoả mãn, vừa lúc đó Philip mang cà phê và xì gà vào, và dọn bàn ăn đi. - Có bao giờ ông nghe tiếng Sêra Plămmơ không? – Anh ta hỏi, mỉm cười đến lạ. - Tôi có nhớ cái tên ấy, – Samơ nói – Anh ta là một hoạ sĩ thì phải, cách đây vài năm còn là một người rất nổi tiếng. - Năm năm rồi – vị khách nói, – vậy mà tôi lặn chìm nghỉm luôn không hề sủi tăm. Chính tôi là Sêra Plămmơ đây! Tôi bán bức tranh chân dung cuối cùng giá hai nghìn đôla. Sau đó, tôi không sao kiếm được người ngồi để tôi vẽ, thậm chí không lấy tiền nữa. - Làm sao lại thế? – Samơ không chịu được, đành phải hỏi. - Chuyện cũng đến buồn cười, – Plămmơ trả lời, buồn bã. – Bản thân tôi cũng không sao hiểu nổi. Trong một thời gian tôi làm ăn lên như diều. Đám nhà giàu rất quen biết tôi, tíu tít vời tôi đến vẽ. Báo chí gọi tôi là hoạ sĩ hợp thời. Thế rồi những chuyện buồn cười xảy ra. Cứ khi nào tôi vẽ xong ai đó, người ta lại đến xem, thì thầm và nhìn nhau rất lạ lùng. Tôi liền khám phá ra ngay sự rắc rối. Tôi có sở trường nêu bật trên khuôn mặt của bức chân dung cá tính giấu kín của người ngồi vẽ. Tôi không biết làm thế nào mình lại vẽ được thế – tôi chỉ vẽ cái mình nhìn nhận ra thôi – nhưng tôi biết mình làm thế là chỉ hỏng việc. Một số người ngồi vẽ nổi giận đến sợ và quẳng trả bức tranh tôi vẽ. Tôi có vẽ chân dung một phu nhân rất đẹp và nổi tiếng trong giới thượng lưu. Lúc vẽ xuống, ông chồng nhìn vào bức tranh, mặt mày trông đến lạ kì, và tuần sau ông ta đòi li dị liền. Tôi nhớ một trường hợp tôi vẽ một vị chủ nhà băng lừng danh. Lúc tôi trưng bày bức tranh ở trong phòng vẽ của mình, có một người quen của ông ta đến đó ngắm. “Ôi, lạy Chúa!”, ông ta nói, “thật ông ta trông đến nỗi thế này sao?”. Tôi nói bức tranh đó hoàn toàn thật như ở ngoài. “Chưa bao giờ tôi thấy cặp mắt ông ta lại thể hiện như vậy”, ông ta nói. “Tôi thiết nghĩ mình phải đến Nhà Ngân hàng thành phố để chuyển ngay tài khoản”. Và ông ta đã tìm đến đó thật, nhưng tài khoản của ông ta đã biến mất cùng ông chủ nhà băng. Chẳng được bao lâu thì tôi bị mất nghề. Thiên hạ không muốn sự hèn hạ bí mật của mình bị lộ nguyên hình trên tranh. Họ có thể mỉm cười và nhăn nhó mặt mày để lừa dối bạn, nhưng đã lên tranh thì không thể làm như vậy được. Tôi không sao vẽ tiếp được, vì không còn ai người ta muốn vẽ, và thế là tôi đành bỏ nghề. Tạm thời tôi làm hoạ sĩ trên báo hàng ngày, sau đó làm cho một thợ in thạch bản, nhưng rồi tôi lại bị rắc rối với công việc. Nếu tôi có vẽ qua bức ảnh chụp thì việc vẽ đó cũng vẫn thể hiện rõ những tính cách và những nét mà ông không thể tìm thấy ở trên bức ảnh, nhưng tôi cảm thấy chúng có ở người thật. Khách hàng la ó ầm ĩ, đặc biệt các bà, cho nên tôi không thể nào duy trì công việc được lâu. Vì vậy, tôi chán nản mượn chén cho khuây khoả nỗi buồn. Rồi chẳng bao lâu tôi đã đứng trong hàng ngũ những người xin ngủ nhờ và làm nghề kể chuyện xin ăn ở những cửa hàng ăn làm phúc. Câu chuyện thật này có làm ngài mệt không, thưa Hoàng đế xứ Hồi. Nếu ngài muốn, tôi có thể thay đổi chủ đề và chuyển sang thảm hoạ ở phố Uôn, nơi đã từng làm cho cuộc đời tôi tàn tạ, nhưng như vậy đòi hỏi phải mất nước mắt và tôi e rằng tôi không có khả năng làm ngay được sau một bữa ăn ngon như vậy. - Không sao, không sao – Samơ nói vui vẻ. – Ông làm tôi thích thú lắm. Thế tất cả những bức chân dung đều bóc trần nét xấu nào đó, hay cũng có một số không bị cái bút vẽ kì dị của ông thử thách? - Cũng có một số. – Plămmơ trả lời. – Trẻ con nói chung, khá nhiều phụ nữ và đàn ông, không phải tất cả mọi người đều xấu, phải không ông? Khi họ tốt thì những bức tranh cũng thể hiện cái tốt của họ. Như tôi đã nói, tôi không giải thích, mà là tôi nói với ông sự thật. Trên bàn làm việc của Samơ có một bức ảnh mà ông ta nhận được vào hôm có thư đến buổi chiều. Mươi phút sau, ông ta đề nghị Plămmơ vẽ phác từ bức ảnh đó bằng phấn màu. Sau một tiếng đồng hồ, người nghệ sĩ đứng lên và dang tay tỏ ra mệt mỏi. - Xong rồi đây, – anh ta ngáp. – Xin lỗi vì phải vẽ lâu quá. Tôi thích thú với công việc. Lạy Chúa! Hơn nữa tôi mệt quá. Đêm hôm qua không được chợp mắt một tí nào. Thưa vị chỉ huy của Lòng Trung Thành, ngài có cho bây giờ sẽ là một đêm ngon giấc không? Samơ đưa anh ta ra đến cửa và giúi vào tay anh ta mấy đồng. - Chà, xin ông, – Plămmơ nói. – Những ai đã rơi xuống tận đáy rồi cũng chẳng dại gì mà khó tính khi nhận tiền của những người làm phúc tình cờ. Xin cảm ơn. Xin cảm ơn cả bữa ăn thịnh soạn nữa. Đêm nay, tôi sẽ ngủ ngon lành và mơ về Batđa. Tôi hi vọng đến sáng nó sẽ dừng trở thành giấc mơ. Xin tạm biệt, vị Hoàng đế tuyệt vời nhất! Samơ lại bồn chồn đi trên tấm thảm. Nhưng ông ta chỉ đi từ cái bàn trên có đặt bức phác thảo bằng phấn màu đến cuối gian phòng. Mấy lần ông ta cố tiến lại gần mà không sao làm được. Ông ta trông rõ màu xám, màu vàng và màu nâu trong số các màu sắc, nhưng do sợ hãi nên quanh bức tranh như có một bức tường được dựng nên ngăn ông ta từ xa. Ông ta ngồi xuống và cố trấn tĩnh lại. Ông ta đứng phắt dậy và rung chuông gọi Philip. - Trong nhà này có một hoạ sĩ trẻ, tên là Rainơman gì đó, anh có biết anh ta anh ta ở buồng nào không? – ông ta nói. - Tầng trên cùng, buồng phía trước, thưa ngài. – Philip nói. - Thế anh lên mời anh ta vui lòng đến đây một lát nhé. Rainơman đến ngay. Samơ tự giới thiệu. - Ông Rainơman, – ông ta nói, – ở trên cái bàn kia có một bức phác thảo nhỏ bằng phấn màu. Xin ông cho ý kiến về tài năng nghệ sĩ vẽ bức tranh đó và về bản thân bức tranh đó, được như vậy tôi xin đa tạ ông. Người hoạ sĩ trẻ tiến đến bên bàn và cầm bức tranh phác thảo lên. Samơ nửa như quay mặt đi, tựa lưng vào ghế: - Ông, ông… thấy thế nào? – Ông ta chậm rãi hỏi. Người nghệ sĩ nói: - Về phương diện bức tranh, tôi không có đủ lời để ca ngợi. Đó là tác phẩm của một bậc thầy – những nét rõ, đẹp, rất thật. Nó làm cho tôi hơi băn khoăn. Đã nhiều năm nay tôi chưa được thấy một tác phẩm vẽ phấn màu nào tuyệt đến thế. - Thế ông thấy thế nào, xét về khuôn mặt, chủ đề, so với bức ảnh gốc? - Khuôn mặt này là một trong những khuôn mặt của thiên thần. Cho phép tôi hỏi, đây là ai? - Chính là vợ tôi đó! – Samơ kêu lên, xoay người, vồ lấy người nghệ sĩ đang còn ngơ ngác, nắm chặt tay anh ta và vỗ vào lưng anh ta. – Nhà tôi đang chu du ở châu Âu. Anh bạn hãy cầm lấy bức phác thảo này và theo đó, anh hãy vẽ bức tranh tuyệt nhất từ trước tới giờ của anh đi. Tôi hứa sẽ trả anh với giá thật hậu hĩ. Mạnh Chương dịchChú thích (1) Madison Square: một trong ba quảng trường ở Niu-Yooc, mang tên James Madison (1751 – 1836), tổng thống thứ tư của nước Mỹ vào năm 1809 – 1817. (2) Ám chỉ thần đèn trong truyện Nghìn lẻ một đêm. (3) Haroun Al Raschid, hoàng đế của thành Batđa vào những năm 786 – 809 sau CN, được nhắc tới trong truyện Nghìn lẻ một đêm. (4) Ý chỉ thành phố Niu-Yooc.