(17/01/2005)
Một tấm ảnh.
Một lọ thuốc viên.
Một túi du lịch mác Samsonite.
Một bộ quần áo treo trong tủ.
Người khách trọ phòng số 37 chỉ bày ra có bằng ấy thứ. Mười giờ sáng cô dọn phòng mở cửa vào thì ông khách đã đi vắng. Đàn ông. Bộ quần áo treo trên mắc trong tủ xác nhận. Quần dài khoảng 1,1m. Áo sơ mi cỡ 42. Một người đàn ông cao ráo tầm thước. Căn phòng thoáng một hương vị đàn ông.
Tấm ảnh đen trắng chắc phải chụp từ hơn hai chục năm trước. Hồ Tây. Bờ bên kia xa tít như trong eo biển, không phải toen hoẻn ao làng bờ kè như bây giờ. Một đôi trai gái dáng vẻ sinh viên. Chàng đặt tay lên vai nàng, đặt hờ, những ngón tay chỉ hơi lấp ló trên mép vai, vừa cố chứng tỏ tình thân vừa như ngượng ngùng sắp rụt tay lại. Nàng thì e thẹn như muốn đứng tránh khỏi chàng. Bạn bè. Thậm chí là người yêu. Nhưng dứt khoát không phải vợ chồng.
Tấm ảnh đặt trên cái tủ con phía đầu giường, ngay chân cây đèn đứng đọc sách ban đêm. Cô phục vụ bật đèn. Hai gương mặt thanh niên sáng bừng lên. Nàng đầy sức sống, hai lúm đồng tiền phơn phớt đủ làm duyên mà chưa đến mức điệu. Chàng mắt ướt, thoang thoáng nét âu sầu.
Bên cạnh tấm ảnh là lọ thuốc, lắc nghe lốp cốp những viên là viên. Trên lọ thuốc toàn là chữ lạ, chẳng biết thuốc gì.
Chiếc túi du lịch bỏ trên một cái ghế xa lông. Một cái băng dính của Hãng hàng không móc quanh tay cầm, có ghi mã số và tuyến đường Hồ Chí Minh - Hà Nội. Cô phục vụ chỉ nhấc nó lên để lau mặt ghế. Miệng túi khóa kéo. Im ỉm.
Vẫn mấy thứ trên.
Thêm cái quần lót phơi trong phòng tắm.
Một bộ kim tiêm.
Hai ống Insulin chưa dùng.
Cô phục vụ phòng thoạt trông thấy bộ kim tiêm thì giật mình. Rồi cô trấn tĩnh. Không phải ma túy. Người đàn ông mắc bệnh tiểu đường. Mà bộ kim tiêm trông cũng ngon, không phải thứ kim tiêm vứt đầy bờ bụi ven bờ Hồ Tây ngay bên ngoài khách sạn.
Tấm ảnh đổ ngang bên chân đèn. Thành ra đôi trai gái nằm ngả người bên nhau, cái thế chênh vênh nghiêng ngửa. Nàng ở trên. Chàng ở dưới. Cô phục vụ dựng lại tấm ảnh. Đôi mắt ướt thoáng vẻ âu sầu của người đàn ông bắt đầu khiến cô lục trong gương mặt những người bạn trai. Hình như cũng có một anh chàng cô thích có đôi mắt ấy.
Cô lại giật mình một cái nữa. Chợt nhớ ra. Chiều hôm qua, lúc hết ca, cô sắp sửa ra về thì chạm một người đàn bà đang bước vào khách sạn. Gương mặt quen quen. Cô chỉ kịp nghĩ đó là một khách trọ. Rồi quên. Bây giờ nhìn tấm ảnh mới nhớ người đàn bà hôm qua có hai lúm đồng tiền phơn phớt. Chính là cô gái trong tấm ảnh này. Hôm qua chị ta đến thăm người khách trọ.
Trong sọt rác có hai ống thủy tinh Insulin đã bẻ cổ. Ba cái bao cao su đã dùng. Cô phục vụ đem sọt rác đổ vào thùng rác lớn rồi mang đi.
Buổi tối cô kiếm thêm việc nấn ná ở lại muộn một chút để rình xem mặt người đàn ông. May mắn thì cô sẽ được thấy cả người đàn bà. Rất có thể hôm nay chị ta sẽ lại đến thăm người đàn ông. Nhưng rồi cô phải về mà chẳng gặp được ai cả.
Tấm ảnh úp sấp xuống mặt bàn, phơi lộ mấy con số viết bằng bút bi: 2-5-1982.
Hai ống Insulin đã bẻ cổ.
Hai cái bao cao su đã dùng.
Tất cả đều trong sọt rác.
Góc phòng tắm có một đống tro đen kịt vẫn còn lưu hình những tờ giấy quăn queo.
Cô phục vụ xối nước cho đống tro trôi đi. Còn một vài mẩu giấy chưa cháy hết. Mẩu từ bức thư cũ, nét chữ con gái viết bằng mực tím nhòe nhạt, hình như có chữ hiểu chữ nhớ. Mẩu hóa đơn chứng từ, đôi ba con số chẳng nói lên điều gì. Cô gái nhặt những mẩu giấy cháy dở bỏ vào sọt rác để mang đi đổ.
Lọ thuốc, bộ ống kim tiêm, cái quần lót hôm qua phơi trong phòng tắm, bộ quần áo treo trong tủ gương... tất cả đều biến mất. Phải hiểu là tất cả đã được thu dọn vào trong cái túi du lịch kéo khóa im ỉm kia. Phải hiểu là người khách sắp ra đi. Phải suy luận là ông ta sắp trở lại Sài Gòn.
Dọn dẹp xong, cô phục vụ ngắm nghía lại người con trai trong tấm ảnh. Phải thầm thú nhận là cô đã mê anh chàng đẹp trai này. Cô dựng lại tấm ảnh cho ngay ngắn ở chân đèn rồi mới khóa cửa đi ra.
Giữa trưa. Chính ngọ. Giờ Hà Bá đi bắt người ở nơi sông nước. Phía ngoài Hồ Tây có tiếng người lao xao, tiếng chân chạy rầm rập. Tiếng kêu có người chết đuối. Lâu lâu nơi hồ nước lại có một vụ. Mấy cô tổ buồng đang làm việc không dám chạy ra xem, chỉ ngó đầu qua cửa sổ hành lang nhìn ra. Những tán cây che khuất chẳng thấy được gì. Đành hỏi vóng xuống xem ai chết, chết lâu chưa, chết sấp hay chết ngửa. Mỗi người nói một phách. Láo nháo một lúc thì cũng chẳng biết là còn sống thật hay đã chết hẳn. Chỉ biết người chết là đàn ông.
Cháu biết chú. Cô phục vụ thầm nói với người đàn ông. Như là ông ta đang đứng trong phòng trước mặt cô.
Làm sao cháu có thể biết một người chưa bao giờ thấy mặt.
Cháu biết chú. Bao lâu nay cháu vẫn nhìn thấy chú.
Thế thì người đàn ông chỉ biết cười. Người Việt có được cái cười để thoát ra khỏi mọi tình thế lưỡng nan.
Cô phục vụ tim đập thình thình. Lạ quá. Linh cảm tai họa đang ở đâu đó rất gần. Có cái gì xui khiến cô chạy trở lại phòng 37, mở khóa vào phòng. Chiếc túi du lịch vẫn nằm ở chỗ cũ, chắc là mọi thứ đã được xếp gọn hết vào trong ấy. Tấm ảnh bay xuống bên sườn tủ. Cô phục vụ vội nhặt lên và đến lúc này cô mới thấy trên mặt tủ, cạnh chân đèn có một tờ giấy. Nét chữ bút kim. Hai dòng.
Không ai có tội.
Tôi tự quyết định số phận của mình.
Dòng thứ ba là chữ ký
Dòng thứ tư là tên đầy đủ của người đàn ông.
Người đàn bà.
Cô dọn phòng.
Một đống vỏ gối vải trải giường vừa thay ra.
Ngày hôm sau. Cô dọn phòng ôm một đống vỏ gối vải trải giường xuống sân trước khách sạn, định đưa sang cho tổ giặt là. Đúng lúc người đàn bà đi vào. Người đàn bà hai lúm đồng tiền phơn phớt. Cô đã nhìn chị ta không biết bao nhiêu lần trong tấm ảnh. Chỉ cần bước qua lề tấm ảnh là từ thiếu nữ chị ta hóa thành người đàn bà này. Rõ ràng người đàn bà không biết chuyện gì xảy ra với người khách ở phòng 37 từ hôm qua.
Cô phục vụ thương cả đôi trai gái trong ảnh. Cô không muốn người đàn bà đi vào sảnh lễ tân xin gặp người đàn ông rồi mới biết chuyện. Cô mời người đàn bà ra hẳn ngoài cổng. Kể. Chuyện đã hết. Hết rồi. Cô về đi, nếu muốn thì cô đi tìm chú ấy ở đâu đó. Cô mà vào khách sạn, công an đến hỏi han tỉ mỉ, ồn ào lên mà chẳng để làm gì.
Cháu biết cô. Cô dọn phòng chỉ nói ngắn gọn.
Thế ư. Cảm ơn cháu. Người đàn bà mắt khô khốc nói mà hình như không hiểu mình nói gì.
Cháu biết cô. Cô dọn phòng nhắc lại khi người đàn bà đã đi khuất.
Trong ví cô dọn phòng có tấm ảnh đôi trai gái ngày xưa. Lúc chạy đi báo cho chủ khách sạn về tờ giấy ở phòng 37, cô đã giấu đi tấm ảnh cho riêng mình. Không hiểu vì sao.
Cánh cửa phòng 37 có dán giấy niêm phong.
Một người đàn bà giọng Nam.
Ba chiếc mùi xoa trong xắc tay.
Chủ khách sạn.
Cô dọn phòng.
Ngay buổi chiều, giám đốc khách sạn bảo cô dọn phòng cầm chìa khóa lên mở phòng 37. Đi cùng có giám đốc và một người đàn bà vừa bay từ Sài Gòn ra. Họ bóc niêm phong, mở cửa vào phòng, bàn giao cái túi du lịch cho người đàn bà. Chị ta luôn miệng tội quá tội quá. Nước mắt rơi lã chã. Định đưa mùi xoa lên chấm nước mắt thì mới thấy là nó đã ướt sũng, bèn mở cái xắc lấy cái mùi xoa khác. Cô phục vụ để ý thấy trong xắc còn có một cái mùi xoa nữa.
Tờ giấy niêm phong được bóc đi, vết hồ được cạo được lau sạch, phòng 37 lại sẵn sàng chờ người đến thuê phòng.
Một tấm ảnh.
Một lọ thuốc viên.
Một túi du lịch mác Samsonite.
Hai bộ quần áo treo trong tủ.
Nửa năm sau. Cô dọn phòng mở cửa bước vào phòng 36. Giật mình. Vẫn là chiếc túi du lịch ngày trước dù cái băng dính của Hãng hàng không đã được bóc đi. Hai bộ quần áo treo trong tủ lại có đúng bộ dạo trước, cô nhớ rõ cỡ áo và chiều dài chiếc quần. Lọ thuốc lắc nghe lốp cốp những viên là viên. Trên lọ thuốc toàn là chữ lạ, chẳng biết thuốc gì.
Cô dọn phòng không tin vào mắt mình. Tấm ảnh đặt ở chân đèn xác nhận. Vẫn là đôi trai gái ngày xưa, nhưng trong ảnh còn có thêm ba người bạn trai. Ba người này tinh nghịch giữ tay giữ vai đôi trai gái đang cố vùng ra, buộc họ phải đứng sát vào nhau để chụp ảnh. Chính là chàng trai mắt ướt. Chính là cô gái hai lúm đồng tiền phơn phớt.
Cháu biết chú. Cô phục vụ thầm nói với người đàn ông. Như là ông ta đang đứng trong phòng trước mặt cô.
Làm sao cháu có thể biết một người chưa bao giờ thấy mặt.
Cháu biết chú. Bao lâu nay cháu vẫn nhìn thấy chú.
Thế thì người đàn ông chỉ biết cười. Người Việt có được cái cười để thoát ra khỏi mọi tình thế lưỡng nan.
Hôm nay cô phục vụ sẽ lấy cớ ở nhà cô mọi người đi về quê hết rồi, cô ngại về nhà một mình, cô xin làm thêm ca để nán lại đây. Cô sẽ chờ cho đến khi nhìn thấy được mặt người đàn ông, lần trước ở phòng 37 lần này ở phòng 36. Cô sẽ không ngần ngại mà ra mặt nói chuyện với người đàn ông. Cháu biết chú.
Họa sĩ chơi trò sắp đặt installation sẽ nhắc tác giả câu chuyện này: ông bỏ quên bộ kim tiêm và những ống thuốc tiểu đường, ông quên tấm ảnh còn trong ví của cô dọn phòng.
Chắc là tôi còn quên vài thứ nữa, quên vài nhân vật nữa. Trò sắp đặt bao giờ cũng có những vật liệu chất liệu biến đi vô tăm tích. Thậm chí cả họa sĩ cũng biến.
 

Xem Tiếp: ----