Thực sự cảm nhận được điều gì cốt yếu ở dáng vẻ và khuôn mặt ủ ê của chị thì anh chưa dám chắc, nhưng khi đưa chị bước lên tàu ở cái ga xép nơi đồng rừng giữa đêm hôm khuya khoắt này, anh bỗng thấy lòng mình như thắt lại.
Tàu địa phương nên chạy chậm rì rì, tiếng cà rịch cà rịch đều đều trên đường sắt làm cho anh đã mất ngủ lại càng mất ngủ; anh nằm xuống đã lâu, kéo chăn đắp lên tận cằm, đếm nhẩm trong đầu từ một lên đến hai nghìn rồi lộn ngược trở lại từ hai nghìn xuống đến một vẫn không lẫn lộn chỗ nào cả, chỉ mong sao lịm đi một lát mà vẫn không lịm được. Đã thế cứ khoảng tiếng hay hơn tiếng đồng hồ, tàu lại đỗ ở một ga nào đó cho khách lên xuống. Lại chậm rì rì như lười nhác, chẳng cần biết đến giờ giấc, chẳng hề nóng ruột, mãi mới huýt được một hồi còi buồn bã rồi ì ạch bò đi trên hai chiếc đường ray u ám như tình cảnh của anh và chị vậy - anh thoạt nghĩ như một ánh chớp loé lên trong đầu. Anh ngồi dậy, rời khỏi chỗ nằm, nhìn sang giường đối diện bên kia, giường của chị. Khi bước vào toa, chị đã lập tức chuồi người xuống ngay chỗ nằm đúng số ghế cứng trong khoang sáu người nhưng tuyệt nhiên trong khoang không có ai cả, chỉ có anh và chị. Bốn giường khác đều để trống, thì ra tàu không bán hết vé. Vì vậy, tiếng thở đều đều, hơi pho pho của chị khi giấc ngủ chợt đến - hay chính chị muốn như vậy: để tĩnh tâm, yên ổn đôi chút - dường như chẳng làm phiền ai cả.
Anh nhìn chị, lắc lắc mái tóc mỉm cười. Ôi chao, cứ ngoan như là một đứa trẻ, vừa lên tàu một cái là lăn ra ngủ. Chiếc áo măng tô bằng dạ màu gạch non chỉ lửng đến đầu gối, chị cứ mặc nguyên như thế mà nằm. Chị nằm nghiêng, hai chân hơi co, đầu gối xếp về một phía, vừa dễ thương vừa tội nghiệp. Tội nghiệp thật đấy chứ! Chồng chị cùng dạy một trường với chị, được gửi ra nước ngoài để làm luận án phó tiến sĩ, chẳng hiểu vì sao xong việc rồi không thấy về nữa, ở luôn bên trời Tây đó buôn bán, và nghe đâu đã chung sống với một người đàn bà khác chẳng biết rõ là người Âu hay người Việt. Anh nhìn chị, bỗng dưng thở hắt một hơi dài và bắt đầu đứng lên đến cạnh chị, rũ cái chăn mỏng đặt dưới chân chị, nhẹ nhàng đắp lên cho chị rồi ra ngoài khoang xoè bật lửa châm thuốc hút.
Bên ngoài trời bắt đầu mưa, mưa nhỏ. Từng sợi nước giăng giăng, kéo màn trên cửa kính toa tàu như tơ nhện. Có tiếng sấm ì ùng xa xa lẫn trong tiếng rít của bánh xe trên đường sắt tạo thành một thứ âm thanh bức bối khó chịu. Không gian đen kịt và ẩm ướt, đêm cuối tháng mười không trăng lại se se, từng luồng gió mang hơi lạnh từ phương Bắc tràn về, không mạnh lắm nhưng cũng đủ làm cho lòng người tê tái. Chị đấy thôi, giờ đây ngủ say sưa như vậy, như thề chẳng có gì phải bận bịu, như thanh thản trước cuộc sống ồn ào và luôn chứa đựng những lời đàm tiếu độc ác, chẳng khách quan một tí nào, đối với người này người nọ chung quanh. Người đàn bà này năm nay đã bốn lăm tuổi mụ, cái tuổi mà người đời thường gọi là tuổi hồi xuân. Bốn mươi lăm mùa xuân đã đi qua trong đời chị nhưng đố ai biết chị đã ở tuổi đó, trông chị như mới ba mươi, trẻ và đẹp một cách nao lòng, đẹp đến nỗi anh người yêu của chị mới hăm bảy tuổi, đẹp trai, khoẻ mạnh, đàn ông chưa vợ nên cường tráng yêu đời, dục tình lúc nào cũng có thể bốc lên như lửa, vậy mà anh không dám đụng vào người chị, mặc dù có lúc chị chủ động như khuyến khích, như mời mọc. Dễ hiểu thôi đối với những người đàn bà độc thân và không chút gì ràng buộc như chị. Chị dạy môn văn học dân gian ở trường đại học, công việc ngốn của chị khá nhiều thì giờ mà lẽ ra chị cần dành một phần cho việc chăm sóc hai đứa con một trai một gái đã sắp bước vào đại học của chị. Chúng chẳng còn nhỏ dại gì nữa để chị phải nhắc nhở từng li từng tí, như đối với đứa trai thì: “Nào, con đi cắt tóc đi chứ, ai lại để tóc dài như dân bụi thế này!”, đối với đứa gái thì: “Con đừng tô môi sẫm như thế, cái màu tím con ưa dùng đó hệt như trong phim các cô gái Hàn Quốc trên ti vi, chả đẹp đâu. Con nên dùng màu hồng phơn phớt như của mẹ!”. Hai đứa con không phải lúc nào cũng nghe theo lời mẹ. Chúng không cãi nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn làm ngược lại. Đây lại cũng là một cái cớ để hàng xóm láng giềng, rộng ra nữa là người trong thành phố, chê bai đàm tiếu về chị, đặc biệt là mỗi khi họ bắt gặp người thanh niên trẻ măng yêu chị lái xe máy chở chị đi đâu đó…
Hôm nay cũng vậy. Ngày hôm qua, chị không có giờ dạy, chị nói với anh: “Tôi muốn đi thăm thầy tôi. Ông ấy đang nghỉ hưu tại,quê nhà, xóm hai làng Phúc Trạch”. Anh đưa chị đi, lái xe máy ra ga gửi lại ở nhà người bạn quen xóm phố cạnh đường. Buổi tối sau khi cơm nước ở nhà ông thầy xong, trong lúc vợ thầy là bà chủ sắp xếp chỗ ngủ lại cho chị ở buồng trong cùng giường với bà chủ thì chị bỗng đòi về, tàu về dừng lại ở ga lúc mười giờ. Hai người lại ra đi. Từ nhà ông thầy ra ga chỉ mười lăm phút, chiếc đèn pin trong tay anh không lúc nào tắt để soi cho chị bước từng bước một với đôi giày cào gót dưới chân. Đường sá nông thôn giờ đây bớt lầy lội nhưng vẫn còn lác đác vài đống cát hoặc một hòn đá chẳng hạn nằm chềnh ềnh trên mặt đường. Chị thấy vui trước sự chăm sóc của anh song nét mặt vẫn ủ ê. Mọi khi những lúc chị buồn như thế này, anh chỉ muốn ôm hôn chị, nhưng giờ đây thì không. Anh không thích hôn chị khi khuôn mặt chị đang rạng rỡ tràn trề niềm vui. Hai người đi lại trên sân gà chờ tàu. Sân ga tối, ngoại trừ vài ngọn đèn nhỏ xíu treo trên cột cao toả ra ánh sáng vàng khè không đủ soi rõ người đi bên dưới. Anh cố gắng đưa ra vài ba lí do trong đầu vì sao chị cứ ủ ê như vậy nhưng lí do nào cũng không đứng vững. Cuối cùng, không dám chắc được điều gì, anh rít sâu một hơi thuốc lá rồi lùa mẩu tàn qua khe hở của cửa sổ, nơi tấm kính và cái chắn lưới sắt, búng nó ra xa. Mẩu thuốc đang còn cháy dở vẽ một đường cong lưỡi liềm trong không trung trước khi rơi xuống bãi cỏ ven đường tàu Anh quay lại, gần như chạm mặt người nào đó phía sau. Ra là chị! Anh đưa cánh tay ra như xin lỗi: “Em đấy à? Em không ngủ nữa ư? Tàu sắp đến nơi rồi.”. Anh gọi chị bằng em rất ngọt như ngàn vạn đôi tình nhân vẫn gọi, nhưng lại xưng “tôi” giống như chị. Chị hơi nhíu mày, không trả lời. Trong ba năm qua, ba năm yêu anh, lần đầu tiên chị nhíu mày, nhưng chẳng hiểu sao lòng chị thấy dịu lại. Chị né người tránh cánh tay anh, đứng tựa vai vào bậu cửa sổ, nhìn ra ngoài. Lúc này tàu đang chạy qua mấy xóm ven đô, ánh đèn cao áp sáng trắng đã soi rõ mồn một các đường nét vuông vức của nhà cửa với những bức tường lô nhô, cứng quèo như ai vừa đẽo xong, trát lên trên đó một lớp sơn của thời thị trường.
- Anh cho tôi xin một điếu thuốc! Anh mở hộp thuốc lá Ngựa trắng chìa ra, bật sẵn bật lửa ga chờ chị đưa điếu thuốc lên môi châm. Đôi môi chị bầu bậu như để cảm ơn anh.
…Cuối cùng thì con tàu cũng đỗ lại. Đây là ga Vinh, ga cuối lộ trình con tàu địa phương từ Quy Nhơn ra, hai ngày một chuyến chạy vào ngày lẻ. Hai người rời khỏi toa. Đã gần mười hai giờ khuya, sân ga gần như hoàn toàn vắng lặng. Những người bán hàng rong dọc ke đã ra về hết sau khi chuyến tàu Thống Nhất cuối cùng trong ngày đã dừng lại và chạy qua. Khách đi tàu chuyến khác thì phải sáng mai, họ đang ngủ lăn ngủ lóc đủ các kiểu trong phòng đợi. Hai người lặng lẽ rời nhà ga đi bộ về nơi gửi xe máy. Thật ra với chiếc Dream 2 vẫn thường lai chị này, hôm qua anh có thể dễ dàng đưa chị đến nhà ông thầy chị, nhưng chị không bằng lòng, nói đi tàu, thành ra anh phải gửi lại. Anh sợ nhất là chị doạ đi một mình.
- Tôi đưa em về nhà nhé!
Chị ngoan ngoãn gật đầu. Ngồi sau anh, chị quàng một tay ôm eo anh làm anh giật mình, tay lái suýt vặn vẹo. May sao lúc này đường phố hầu như không có người và xe cộ đi lại. Chưa bao giờ chị ôm anh cả. Cũng như chưa bao giờ chị đi một mình mà không có anh, trừ những lúc chị đến trường dạy bằng xe máy riêng của chị. Cái cánh tay mềm mại bọc trong lần áo măng tô màu gạch non tuy hơi dày nhưng sao nó êm ái thế, gợi cảm thế? Thật tình mà nói, trong ngần ấy thời gian yêu nhau, anh đã vài bốn lần cùng chị chung chăn gối, nhưng chưa có khi nào anh dám vuốt ve hoặc hôn, hoặc cắn thô lỗ trên hai cánh tay trắng muốt của chị. Những lúc đó, anh cố kìm nén lòng ham muốn khám phá và sự phá phách điên cuồng của người đàn ông đang tuổi trẻ, sức lực thừa thãi nhưng không phải khi nào muốn là được thoả thích nếm mùi đời. Chị biết thế và thầm cảm ơn anh, càng yêu anh hơn. Sự dâng hiến sẽ mất hết ý nghĩa và trở nên thô tục, thậm chí vô cùng thô bỉ khi một bên tự nguyện, một bên lại rắp tâm chiếm đoạt. Anh nhớ lại cái ngày gặp gỡ đầu tiên. Anh từ Huế ra, làm công cho ông chủ tiệm may trong đó có một cơ sở ngoài này do người con trai trông coi. Anh học nghề may từ khi đi bộ đi nghĩa vụ quân sự về. Lúc bấy giờ, anh loay hoay mãi hơn hai năm trời không xin được việc gì ở Huế, thậm chí làm cái chân bảo vệ cũng không cơ quan nào nhận. Các con ông cháu cha đã chiếm hầu hết các chỗ còn thiếu, các nơi cần đến. Chẳng lẽ ăn bám bố mẹ mãi, anh đi học may. Nghề này chẳng cần đến cơ quan nhà nước, chẳng cần chiều luỵ ai cũng cứ đủ sống. Và anh đủ sống thật, lại có phần khá nữa. Tay nghề của anh giỏi: cắt các kiểu, kiểu nào cũng được khách hàng ca ngợi, lại khâu áo dài rất nền. Áo dài không thể khâu bằng máy, phái khâu bằng kim chỉ nơi hai tay. Chị nghe tiếng tăm anh, đến quầy của anh để cắt một chiếc áo dài màu hoa mười giờ bằng lụa tơ tằm. Anh nhìn chị một lát, nói:. “Xong! Mời chị ngày kia đến lấy!”. Chị ngạc nhiên: “Anh đã đo đâu mà xong?”. Anh thong thả: “Không cần đâu chị. Tôi đã đo bằng mắt rồi đấy!”. Chị nhướn mày: “Bằng mắt?”. Anh rũ rũ tấm vải, trải trên bàn cắt, lấy phấn và thước ra chuẩn bị làm việc: “Chị yên tâm đi, tôi cắt ngay bây giờ cho chị coi. Ngày kia chị đến lấy không vừa ý, tôi sẽ đền gấp đôi số lụa này!”.
Ngày thử áo là một ngày không thể nào quên đối với anh và cả đối với chị. Đứng trước gương, chị thấy trước mắt mình là một thiếu nữ mới độ ngoài hai mươi với chiếc áo dài thướt tha bó gọn một thân hình trẻ trung tuyệt mĩ và duyên dáng, chị không thể ngờ đó là chính mình. Anh nhìn chị bước ra từ sau tấm riđô, sững sờ đến nỗi phích nước sôi trên tay tuột xuống nền vỡ tan, nổ bốp một cái như pháo, hệt tiếng sâmpanh chào mừng khi chai vừa bật nút. Anh nhìn sâu vào đôi mắt chị, đôi mắt mà đến giờ phút ấy anh mời ngắm kĩ, nó có một ma lực quyến rũ đến kì lạ. Chị cũng không chịu thua, bạo dạn nhìn thẳng vào anh, đôi gò ngực như ngực thiếu nữ cộm lên dưới lần áo được cắt vô cùng khéo léo và chuẩn xác, như khiêu khích. Ấy là giờ phút họ thấy từ đó họ khó thể sống mà không có nhau, mặc kệ cho địa vị xã hội của họ khác xa nhau, khác nhau đến mức người ngoài cuộc khó có thể chấp nhận nổi. Đôi khi nghĩ đến điều này chị thường nhủ thầm trong bụng mà như nói rõ rành ra cho mọi người nghe thấy: “Khó, gì mà khó. Đơn giản là tôi yêu anh ấy, anh ấy yêu tôi: hết. Các người đâu có hiểu tình yêu là cái gì!”. Chị thường bỏ ngoài tai những lời thầm thì, cạnh khoé, những ánh mắt khinh khi hoặc ít ra là chế giễu của mỗi người trong thành phố. Thành phố Vinh nói chung chỉ nhỏ như bàn tay, ai ở đâu làm gì mọi người đều biết rõ, thấy rõ, giấu giếm mà làm chi, vả lại việc chi phải giấu giếm! Thông thường ở đời tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại, chị đinh ninh rằng việc của chị không phải việc xấu, vậy cơn cớ gì phải che đậy?
Nghĩ gần nghĩ xa một hồi, chiếc xe máy đã xịch đỗ trước cổng nhà chị lúc nào không biết. Giờ này hai đứa con chị trong nhà chắc đã ngủ say. Có lẽ chốc nữa thôi, con gà trống nuôi sau bếp sẽ gáy lên, báo đã sang canh ba. Chị xuống xe và bỗng nói như bất chợt:
- Chiều mai, tôi muốn đi Bội Đình!
- Bội Đình ở đâu vậy kìa? Thành phố ta, tỉnh ta làm gì có Bội Đình. Chỉ có Giang Đình. Hay là Tiên Điền? Hay Lam Đình ở Thanh Hoá?
- Không, Bội Đình! Tôi nhất định phải đến Bội Đình vào chiều mai. Sáng kia tôi mới có giờ dạy. Đi Bội Đình vào lúc hai rưỡi. Anh không đi, tôi sẽ đi một mình. Đến Bội Đình!
Đấy rồi, lại doạ, khổ thế chứ...
Anh có mặt ở cái quán ốc xế cổng nhà chị, bên kia đường cái quán hai anh chị đã ngồi ở đó không dưới mươi lần, ăn ốc luộc gừng chấm với nước mắm ớt cay chảy nước mắt, khi kim đồng hồ trên cổ tay anh chỉ đúng vào con số hai và con số sáu. Chị cũng xuất hiện một giây sau đó. Chị mặc chiếc áo dài màu hoa mười giờ, nét ủ ê ngày hôm qua biến mất, thay vào đó là một đôi mắt long lanh, quyến rũ như nó vốn có. Lần thứ hai anh thấy nghẹn thở. Anh mở điện thoại di động kêu một chiếc tắc xi, xe máy gửi lại bà chủ quán ốc. Tắc xi đến. Hai người lên xe. Người lái hỏi:
- Đi đâu?
Chị nói:
- Đến Bội Đình!
Anh tiếp:
- Đi Giang Đình!
Chị nhất quyết:
- Không! Bội Đình là Bội Đình!
Chừng như đã quá quen với sự ngủng ngẳng của các đôi tình nhân kiểu này, người lái tắc xi cười rồi ngâm nga như hát:
- Thì Bội. Thiếu gì Bội! “Bội Đình, Bội Thuỷ, Bội Trâm. Ai đi đến đó lâm thâm mưa phùn...”.
Chiếc xe phóng vụt đi. Qua cầu Bến Thuỷ, xe rẽ về phía Nghi Xuân. Chị hốt hoảng kêu:
- Đi Bội Đình sao đi đường này?
- Không đi đường này thì đi đường nào, hả, hả? - Người lái xe bỗng cáu gắt.
Anh không nói gì cả. Lát sau khi rẽ xuống con đường nhỏ trong làng, con đường vắng lặng quạnh hiu như trong một bức tranh vẽ, anh mới bảo chị:
- Đây rồi, đây rồi! Cái bến Bội Đình của em đây rồi!
Họ xuống xe, cầm tay nhau đi trên bãi cát. Giang Đình giờ không còn là cái bến cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia như trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, chỉ còn rải rác vài chiếc thuyền thúng co lưng nằm cô độc phía xa xa. Nhưng nó vẫn trời nước mênh mông, đẹp và buồn như nhan sắc của chị. Chị đã từng đến đây một lần mấy năm về trước với một sinh viên, học trò của chị. Anh học trò này yêu chị, mê chị lắm nhưng chị không đáp lại. Anh ta đưa chị đến Giang Đình vào một buổi chiều nắng vàng như tơ tằm, ngồi bệt xuống bãi cát và đọc thơ cho chị nghe. Chàng sinh viên học văn học dân gian nhưng lại làm thơ tình hiện đại, thơ của chàng không có vần điệu chi cả, chị chẳng nhớ nổi câu nào nhưng lại cảm thấy hay. Chàng sinh viên gửi thơ đăng tạp chí văn nghệ của tỉnh với bút danh là Đỗ Nguyễn. Chả là Nguyễn họ anh ta còn Đỗ họ chị. Giờ đây anh ta đã tốt nghiệp, học giỏi nên trường lấy ở lại làm nghiên cứu sinh một thời gian và đã trở thành giảng viên, bạn đồng nghiệp của chị năm vừa rồi. Thời gian và kỉ niệm cứ xa xôi như là trong cổ tích...
Chị về đến nhà bằng một chiếc xe tắc xi khác. Trời đã gần tối, lại sắp mưa. Hoàng hôn trước cơn mưa như tiếc nuối điều gì đó một đi không trở lại. Thành phố đã lên đèn như ngày ngày vẫn lên đèn mỗi khi đêm xuống. Chẳng có gì thay đổi cả, ngoại trừ hai đứa con trong nhà nghe tiếng xe vội xô ra hiên đón mẹ, tiếng đứa gái ríu rít:
- A mẹ đã về. Mau lên kẻo ướt mẹ, mưa rồi đấy!
Chị trả lời:
- Ừ mẹ đã về. Mưa đâu mà mưa! Mà có mưa cũng chỉ là mưa phùn thôi, chẳng ướt được!
Trong làn mưa lâm thâm của một buổi, chiều sắp tắt đột ngột một ánh chớp loé lên giữa hai người, chia đôi anh và chị ra hai phía, tuy vẫn gần nhau. Rồi một tiếng sét lớn nhưng xa, nổ ra làm chị giật thót như tỉnh giấc mơ. Chị chạy ù vào hiên nhà, chiếc túi xách mang trên vai gió bạt lại sau căng vồng lên như một quả me vòi lớn, đập cả vào vai anh.
Đứa con trai của chị sau một tiếng khịt mũi, nói to lên như ông cụ non, cốt để cho chị nghe:
- Hai người xem chừng đã quyến luyến nặng tình với nhau đến độ rồi nhỉ, không còn cách nào chia rẽ được nữa! Phải chấp nhận vậy, trân trọng mà chấp nhận. Đó mới chính là tình yêu!
Ngoài kia, dưới cơn mưa to đầu hôm, anh, người thợ may tài hoa của chị, đứng lại một mình, nước mưa ròng ròng trên tóc người. Không biết nghĩ gì, anh phẩy tay một cái rất mạnh, thong thả đếm từng bước đi về phía quán ốc.../.

Xem Tiếp: ----