Rõ ràng là ông đã gặp hắn ở đâu đó.
Hắn! Người cao ráo. Khuôn mặt hình lưỡi cày. Hắn! Mắt trắng. Môi thâm. Loại người này chỉ có thể chung hưởng lúc thái bình; còn khi hoạn nạn cam go thì bỏ nhau. Ông nghĩ thế và nói thế ờ đâu đó rồi nhỉ! Ông lục lọi trong kí ức tìm kiếm những người quen, thân. Một thời đạn bom, một thời hoà bình, bạn bè đồng đội đã đi qua cuộc đời ông nhiều vô kể, từ người lính binh nhì đến tướng lĩnh, ông đã gặp... vậy mà chịu. Không tài nào nhớ nổi hắn! Giời ạ! Cái thân già. Mươi vết thương lớn nhỏ trên người ông và gần sáu mươi tuổi rồi thì làm sao nhớ nổi...
Mới sáng ra mà nắng đã hoe hoắt vọt lên khỏi ngọn tre. Cánh đồng ngoài bãi đê ngô đang thì con gái, từng lớp lá mướt canh dập dìu theo gió. Cây cầu trắng vắt ngang dòng sông, nước trôi êm như tấm lụa xanh. Cách chân cầu một đoạn vẫn còn đó một bến đò trải cát vàng mịn chạy sát chân đê tới mép nước. Vài cánh buồm căng phồng đang cập bến. Mấy chiếc đò ngang mỏng mảnh khua khua mái chèo đón khách. Cả một vùng quê trải dài một mầu xanh ngút ngát: Lúa ngô xanh, xanh đến mát mắt. Ngoài rìa làng nhang bụi tre và phi lao vươn cao ngăn cách làng với những hồ nước trong leo lẻo chen lẫn những ao sen toả hương ngan ngát. Ông đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy ở đâu đẹp như quê ông, thật đúng là sơn thuỷ hữu tình”. Trong hội trường của Uỷ ban loa phóng thanh cộng hưởng với tiếng gọi, tiếng cười, tiếng nói ồn ã.
Hắn! Hắn đó. Hắn đang đi giữa hai hàng người đứng cầm cờ đuôi nheo đỏ, oai vệ như một nguyên thủ quốc gia được đón tiếp trọng thị ở sân bay. Sau mỗi lần hô mồi của anh Trưởng ban Thông tin - Văn hoá xã: “Nhiệt liệt chào mừng ngài Đê Vít Tôn về thăm xã Đại Phú” là tiếng hô tập thể: “Nhiệt liệt! Nhiệt liệt!” Dường như vẫn không thoả mãn với tiếng hô của dân chúng và để lấy lòng ông chủ tịch xã, anh trưởng ban thông tin-văn hoá giục giã mọi người: “Hô to nữa. Hô to nữa!”. Chủ tịch xã, mấy ông phó và thư kí uỷ ban chầu chực ngay bên bậc thềm hội trường kính cẩn lom khom cúi lưng, giơ hai tay bắt, lại còn, giật giật bàn tay nữa. Hắn đi đứng oai lấm và luôn miệng ô kê nhưng mắt lại không nhìn vào người đang bắt tay mình, không biết những cái bắt tay của hắn chặt hay lỏng. Thực ra là hắn đưa tay cho người khác bắt. Mẹ khỉ! Ông ngứa mắt quá! Khó chịu quá! Sao cái thói nô lệ và vọng ngoại của mấy thằng cha xã nhà khốn nạn thế. Hay sự đói nghèo làm cho mấy thằng cha này mờ mắt mà tôn thờ sự giàu có đến mức không giữ được thể diện của cá nhân mình, của xã mình. Nghĩ mà thẹn, và xấu hổ với thiên hạ. Ông thở dài. Bên xã Đại Nghĩa, người ta cũng cắt đất cho liên doanh nước ngoài thuê, nghe đâu một dự án nữa lại sắp khởi công mà lãnh đạo, chính quyền xã có cái cúc cung, khúm núm hèn kém thế đâu. Thế mà tay Hàn, chủ tịch xã mình đang kính cẩn cúi mình thế kia! Hỏng! Hỏng rồi! Các chú ơi! Hãy đứng thẳng lên. Hãy ngẩng cao đầu lên! Ông đang sục sôi ý nghĩ thì chiếc xe Mécxêđéc màu nòng súng, bóng loáng sau khi chờ cho hắn vào hẳn trong hội trường mới quành ra bãi cỏ phía trước hồ bán nguyệt, lướt qua hông và suýt làm ông ngã dúi.
Suốt dọc đường chạy thẳng từ chân đê về đến hội trường uỷ ban người ta treo cờ đuôi nheo đỏ rực giữa các cây cột điện. Tấm băng rôn mầu xanh lam được căng kín cả phía trước hội trường với dòng chữ trắng: “Nhiệt liệt chào đón ngài Đê Vít Tôn - đến thăm và góp phần xây dựng xã nhà”. Ngoài sân, trẻ con lăng xăng chạy. Đám con gái tụm năm tụm ba thì thầm to nhỏ, thỉnh thoảng lại đấm lưng nhau thùm thụp và cười ré lên. Hình như chúng đang nói chuyện với nhau và hi vọng vào một sự đổi đời trong những ngày sắp tới. Trong hội trường chật ních người, khuôn mặt ai cũng ngời ngời rạng rỡ. Khách khứa đông lắm. Ở cái khoảng đất rộng phía bên phải cạnh hội trường, ô tô, xe máy, đậu chật kín.
Anh chủ tịch xã đến bên micro khẽ e hèm rồi a lô... a lô thử giọng. Và ông chủ tịch xã thao thao nói:
- Thưa ngài Đê Vít Tôn kính mến!
Ông giật mình. Đê Vít Tôn! Thằng Tôn! Đúng rồi! Có phải cái thằng Tôn trong đại đội Ba của ông ngày xưa không. Giọng anh chủ tịch xã vang nhưng không ấm, tuồn tuột, nghe cứ truội đi không vào tai ông:
- Đất nước ta giặc giã liên miên. Mất mùa, đói kém. Bây giờ đến lúc đã yên hàn làm ăn. Xã mình không thể đói mãi. Xã mình phải tiến lên, phải giàu mạnh. (Được, chỗ này thì được. - Ông lẩm bẩm). Phải làm giàu bằn mọi cách. (Bằng mọi cách...sao lại phải bằng mọi cách? - Ông cau mày và lẩm bẩm).
°

*

Đồng bằng Sông Cửu Long mùa mưa năm....
Những ngày mưa dầm dề, cả cánh đồng mênh mông trắng xoá. Đại đội trinh sát của ông dầm mình trong nước, những khi có máy bay địch vè vè bay đến là tất cả lại dìm xuống rồi lặn trong nước, hết mảy bay lại ngoi lên: Cả đại đội hắc lào chớt chát. Lúc rỗi rãi anh em thường phải giã lá ô môi để xát cho nhau:
Ô môi xức lác hay hơn muồng
Lấy chồng bộ đội chở một xuồng ô môi...
”.
Đi đến chỗ nào cũng nghe lính đại đội của ông hát như vậy. Có những hôm trời hoe hoe nắng, không khí ôi nóng, cả đơn vị nhăn mặt vì những vết hắc lào loét ra gặp nước mặn xót đây đẩy.
Khánh, Hoà và Tôn là bộ ba thân nhau nhất trong đại đội của ông. Ông còn nhớ: Tôn da dày, mặt lưỡi cày mắt trắng dã, môi thâm vừa xức nước ô môi lên người vừa khóc. Hoà bảo: “Tôn ơi! Nhìn mày khóc tao thấy thương quá, mong sao cho chiến tranh kết thúc sớm để những thằng đang học dở đại học như mày trở về giảng đường”. Hoà sống chân thật, mộc mạc đến mức mọi chuyện đều trở thành đơn giản, Hoà chỉ mong sau ngày chiến thắng về quê, sẽ lấy một cô vợ, đẻ một bầy con và trồng thật nhiều các loại rau mang vào thành phố bán. Quê Hoà là một vùng đất bãi, năm nào phù sa cũng phủ một lớp mầu mỡ. Tôn cười ranh mãnh, pha trò: “Lúc ấy mày gặp tao và thằng Khánh hoặc ông anh Ba Xu dắt vợ đi mua rau thì mày phải hét cho thật đắt...”. Họ mải nói chuyện và xát vỏ ô môi đã giã nhuyễn lên chỗ hắc lào cho nhau mà không hề biết ông đang đứng ở sau. Ông nhìn gương mặt Hoà rất tội nghiệp. Lúc đó, Hoà ngẩn người ra, thật thà bảo: “Mỗi người một số phận. Chắc gì sẽ còn được gặp nhau. Cầu mong cho chiến tranh mau kết thúc. Hễ còn sống, chúng mình đi tìm nhau nhá.”
Hễ còn sống, chúng mình đi tìm nhau nhá. Lời của Hoà không bao giờ ông quên được. Chiến tranh kết thúc, những người lính lũ lượt trở về nơi mình đã ra đi. Còn ông sau khi lăn lộn hết biên giới phía Tây Nam đến biên giới phía Bắc rồi cũng được chuyển về làm công tác quân sự địa phương ngay trong thành phố. Ông chưa kịp đi tìm đồng đội thì bỗng dưng gặp Hoà. Gặp trong một tình huống rất bất ngờ, hi hữu:
Đó một đêm Noen cách đây gần chục năm. Đêm mùa đông rét và có bụi mưa như sương bay nhưng đèn đường phố, đèn trang trí vẫn lung linh huyền ảo. Mọi người đổ ra đường nườm nượp đón chờ giây phút thiêng liêng của đêm Giáng sinh. Hai mươi ba giờ ba mươi phút, chuông trong các nhà thờ ở thành phố đồng loạt vang lên cũng là lúc ông đang chạy xe máy chầm chậm chở vợ đi chơi đêm Giáng sinh. Vợ chồng bộ đội xa nhau quanh năm, vợ từ nhà quê lên chơi, chiều nhau được như vậy, vợ ông mừng lắm.
…Một người đàn ông đang ì ạch đẩy chiếc xe thồ nặng chở hàng nông sản đi bán ở chợ đêm. Chiếc xe thồ ì ạch nhích từng chút một lên dốc đường nhựa. Tin... Tin... Còi xe giục giã xin đường. Một chiếc xe con trườn vọt lên bất ngờ chạm vào chiếc xe thồ, làm nó đổ kềnh. Chiếc xe con dường như không hề hay biết cứ lăn bánh rồi mất hút vào dòng xe cộ như mắc cửi trên đường. Người đàn ông ngã quỵ xuống, su hào, khoai tây, ốc nhồi và cả mấy nải chuối xanh bị hắt tung toé xuống mặt đường. Cà chua lăn ra lỏng chỏng, rồi bị bẹp nhoe nhoét bởi bánh các loại xe kéo dài một đoạn lầy nhầy, đo đỏ như vệt máu. Ông dừng xe máy đỡ người đàn ông dậy. Một người đi đường làm phúc dựng cái cái xe thồ và dắt vào bên lề đường. Ông ái ngại hỏi:
- Khổ thật, chú ở đâu mà nên nông nỗi này?
- Rét quá... Tay tôi cóng hết cả rồi.
Vợ ông lấy lọ dầu gió Trường Sơn trong túi áo ra, bảo:
- Chú xoa dầu đi. Mặt mũi chân tay nóng bừng lên mới khỏi cảm lạnh.
Người đàn ông chìa bàn tay ra cầm lọ dầu gió. Chiếc nhẫn gỗ mun đen bóng ánh lên trên bàn tay tàn tật chỉ còn hai ngón thò ra làm ông kinh ngạc. Thôi chết, nó đây rồi! “Hoà! Tưởng mày chết trong cái lần làm mồi nhử máy bay địch ở rừng Tây Ninh dạo ấy”. Ông suýt kêu lên như vậy trong khi người đàn ông đổ dầu gió ra tay xoa lên mặt, còn vợ ông thì hí húi nhặt những quả cà chua, khoai tây còn sót lại bỏ vào sọt cho anh ta. - Thôi cứ lặng im, xem nó có nhận ra mình không và ông ngồi xuống giúp anh ta đánh gió.
Người đàn ông tỉnh hẳn và ra chiều khoẻ lại, anh ta gượng đứng dậy, định cảm ơn người đã cứu giúp mình. Nhưng rồi anh ta nheo mắt rồi há hốc miệng: “Anh Ba, anh Ba Xu, có phải anh...”.
Hai người lính cựu, một già, một đứng tuổi ôm chầm lấy nhau trong đôi mắt ngạc nhiên của vợ ông. Hai người đã khóc, nước mắt chảy ra ngấm ngầm, lặng lẽ sau mấy mươi năm gặp lại. Trời đêm, sương bay trắng đường nhựa... Im lặng... Đêm Nôen mênh mông, cả hai người trong lòng cũng rưng rưng trong im lặng mênh mông...
°

*

Chủ tịch xã trịnh trọng khai mạc xong, đến phần phát biểu của vị Việt kiều yêu quê hương đáng kính: “Thưa bà con xã nhà kính mến! Sau bao nhiêu năm xa đất nước, tôi vẫn đau đáu một nỗi niềm thương nhớ quê hương da diết. Tôi còn nhớ, xưa kia lũ trẻ con chúng tôi đã phải bơi mủng qua sông Hoàng Long sang tận xã Đại Giang đi học. Ở bên trời Tây kia, đường xá rộng thênh thênh, thẳng tắp tự, trẻ con đi học có xe đưa đón chỉ đi vài phút là đến trường. Nghĩ mà thương dân mình quá! Tôi cũng là dân gốc của một tỉnh đồng bằng chuyên cấy lúa nước. Tôi còn nhớ làng tôi xưa kia có ai ốm đau phải khiêng bằng cáng võng đay đi mấy chục cây số mới lên đến được bệnh viện trên thị xã... Ở bên kia á, nếu không may bị hắt hơi sổ mũi, chỉ cần nhấc máy điện thoại gọi là có ngay bác sĩ đến tận nhà thăm khám... Nghĩ mà thương dân mình quá! Bây giờ đất nước yên bình rồi. Làng xã ta có bao nhiêu trai tráng, bao nhiêu gái xoan phải lận đận ra thành phố kiếm việc làm mà mọi nhà vẫn nghèo, vẫn khổ, vất vả. Chứ ở bên Tây, những người thất nghiệp còn có cả trợ cấp hẳn hoi... Nghĩ mà thương dân mình quá! Vậy nên tôi định sau khi Khu công nghệ cao chế biến hoa quả xuất khẩu của tôi ở bên đường quốc lộ kia, đi vào hoạt động - ngài Việt kiều chỉ tay ra ngoài cửa - thì tôi sẽ xây dựng nhà cao tầng tặng xã nhà để cho các cháu trường cấp một và cấp hai học...” (Anh Chủ tịch xã đứng bật dậy: “Yêu cầu bà con hoan hô”. Cả hội trường bỗng dậy tiếng vỗ tay và nhiều tiếng xì xào rồi lắng dần). Hắn chờ cho mọi người im lặng hẳn mới nói tiếp. - Ấy tôi đi nhiều học được cái khôn, cái giỏi của thằng Tây... Nó rất biết tiết kiệm đất, nhà phải cao tầng. Sân vườn phải trồng hoa, đường đi lối lại phải sạch sẽ... Chỗ kia nữa sau này sẽ mọc lên cái trạm xá. À không! Tôi phải xây dựng thành cái bệnh viện nhỏ, hiện đại....
Lại có mấy tiếng xì xào nho nhỏ của đám con gái ngoài hội trường:
- Vậy mấy cái ao sen và cái hồ bán nguyệt kia phải lấp đi à?
- Tiếc quá mấy cái hồ ấy nước ăm ắp quanh năm...
Đầu ông cứ ong ong...
So với anh em trong đại đội thì Tôn là trẻ nhất, Tôn nghịch ngợm và đầy cá tính. Ngày mới được điều về đại đội, người đầu tiên Tôn gặp là đại đội trưởng. Đang là buổi trưa vắng vẻ, thấy có một người lính da ngăm ngăm, tóc xoăn tít, mặc quần đùi cởi trần đi từ suối lên, Tôn hỏi thăm luôn: “Anh ơi! Anh cho em gặp đại trưởng Ba Xu,” Không thấy trả lời, chỉ thấy anh ta tủm tỉm cười rồi chỉ Tôn vào chiếc lán ngay trước mặt: “Đồng chí vào trong ấy chờ cho năm phút”. Năm phút sau thì chính người da ngăm đen, tóc xoăn ấy bước vào và nói: “Tôi là đại trưởng Ba, chứ không phải Ba Xu, cậu nghe ai nói mà gọi tôi là Ba Xu, bọn chúng bậy đó”. Sau này, Tôn mới biết đại đội trưởng tên thật là Ba – Vũ Văn Ba, họ tên mộc mạc nhưng dễ gọi và dễ nhớ. Một buổi chiều đại trưởng đi qua lán của nữ giao liên chẳng biết chui qua dây phơi thế nào mà cái xu chiêng của một chiến sĩ gái mắc ngay vào vai. Đại đội trưởng cứ để vậy đi hết chỗ này đến chỗ khác mà không hề biết. Cánh lính thấy thế bấm nhau cười. Về lán đại đội, cậu công vụ mới gỡ cái xu chiêng ra gói lại cất đi. Chiều hôm ấy, có một chiền sĩ gái thập thò ngoài cửa lễ phép: “Thủ trưởng cho em xin lại...” Đến lượt đại trưởng Ba ngớ người ra thì cậu công vụ chạy vào lấy gói giấy đưa cho cô. Từ đấy cánh lính trẻ tếu táo cứ gọi đại đội trưởng của mình là Ba Xu thiếu chữ chiêng. Được cái đại đội trưởng không giận. Và trong trường hợp đó ông không nghĩ là Tôn vô lễ nên cũng chẳng giận và trách mắng Tôn. Ở chiến trường luôn luôn căng thẳng, có được những phút giây thư giãn như thế cũng tốt. Bây giờ thỉnh thoảng nhớ lại, ông cứ cười thẳm và lấy làm thích thú với cái biệt danh lính đặt cho vì cái lần vô tình lơ đễnh ấy.
Đê Vít Tôn vẫn sang sảng trên bục diễn đàn:
- Vâng thưa bà con, việc xây dựng cơ sở hạ tầng là như vậy, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Cái lớn lao hơn là một khu công nghệ sẽ được xây dựng ngay ở trong xã mình. Đấy chỗ kia kìa (ngài Việt kiều yêu nước chỉ tay ra khu đầm sen) nay mai sẽ là công ty liên doanh chuyên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn nhất tỉnh. Con em trong xã sẽ được vào lao động. Ấy là tôi nể tình người quê hương, chứ bên phương Tây là không có chuyện ấy đâu. Nó phải tuyển người giỏi, người khoẻ mạnh cơ, có tay nghề cao cơ; anh em, đồng hương cũng vứt, thế mới văn minh, thế mới phát triển được...
- Chà, phúc đức quá, phúc đức cho xã nhà quá bác nhể! - Một cụ già ngồi bên cạnh quay sang nói với ông.
Một người ngồi ghế đằng trước quay đầu xuống nói:
- Cũng còn phải xem xem đã. Ở bên Quỳnh, lúc đầu liên doanh người ta cũng hứa hẹn thế. Đến khi nhà máy đi vào sản xuất thì chẳng nhận cho xã được lao động nào. Khốn nạn! Bác tính một dây chuyền sản xuất nước khoáng của người ta chỉ có mười sáu công nhân kĩ thuật cao. Lấy lao động đơn giản cấy lúa trồng khoai như con cháu chúng ta thì đào tạo đến bao giờ mới có tay nghề.
- Thì cứ ghi nhận tấm lòng của ông Việt kiều kia đã nào.
Vài ba tiếng xuýt xoa, mừng rỡ:
- Lớp trẻ bây giờ thật sung sướng, nay mai thoát li đồng ruộng, ăn trắng, mặc trơn hết.
- Không biết cái ông Đê Vít Đê Vút kia làm gì mà lắm tiền thế, bác nhể. Dễ phải đến tiền tấn.
- Hừ... Bà này chả biết gì sất. Nghe người ta nói hết đã nào. Dẻo mồm hứa hẹn để dân mình giao đất giải phóng mặt bằng chứ đã chắc gì nhận con em mình vào. Con em nông dân mình văn hoá thấp, người ta nhận vào có mà phá sản.
Chủ tịch xã thấy ồn ào, vội đứng lên hua hua tay:
- Xin bà con trật tự, chúng ta muốn thoát khỏi đói nghèo thì phải hi sinh... Hồ bán nguyệt không mang lại tiền bạc, ao sen cũng không mang lại tiền bạc, chỉ có cái dự án của ngài Đê Vít Tôn yêu quê hương này là sinh ra tiền...
Hội trường lại im lặng nghe hắn diễn thuyết. Không biết bao nhiêu lần hắn đưa ra các nội dung dự án rồi lại so sánh “ở bên kia, ở bên ấy, ở bên Tây...” với xã mình, với quê hương mình.
Ngột ngạt quá, ông cảm thấy có nhiều tiếng ong ong bên tai. Hắn bệ vệ, da bánh mật, môi thâm và mắt trắng dã, mái tóc hất ngược được chải gôm bong loáng, thỉnh thoảng lại nói tiếng Tây bồi. Hắn mặc áo sơ mi ngắn tay, ngực và lưng áo in toàn chữ Anh, chiếc quần Tây mầu sẫm li thẳng tặp lại có hai dải yếm đeo chéo qua vai như kiểu quần soóc trẻ em. Bởi cái bụng của hắn to quá nếu không đeo dải yếm, thì nó sẽ tụt xuống vì chẳng có cái thắt lưng nào vòng qua được cái bụng ấy. Hắn vẫn đang thao thao vẽ ra những viễn cảnh của tương lai. Cả hội trường đã im lặng chăm chú nghe, ai cũng cảm thấy như mình sắp được hưởng sự sung sướng mà ngài Việt kiều yêu quê hương đem lại.
°

*

…Cả mặt trận chìm trong làn đạn dày đặc, chớp lửa nhoang nhoáng. Tiếng nổ inh tai buốt óc và rền rĩ, hết đợt này đến đợt khác, cát bụi quyện vào khói bom thành quầng bụi. Ông chạy lên. Sau ụ đất lớn, Tôn ngồi co ro ôm bụng. Lúc ấy, ông đã kịp nhận ra cặp mắt bạc phếch, kinh hoàng và ngơ ngác của Tôn.
- Rút mau, nằm bẹp ở đây mà chết à?
- Em... Em sợ lắm! Đại đội trưởng ơi! Anh Ba ơi!
- Rút mau, tôi lệnh đó.
Ông túm vai áo Tôn đẩy đi.
Máy bay trinh sát quần đảo ngay trên đầu, bên dưới là xuồng của đại đội ông rẽ đứng luồn lách. Hai bên mép xuồng, lá đưng cọ vào xuồng soàn soạt. Giữa cánh đồng không mông quạnh, bỗng có tiếng phụ nữ eo éo: “Hỡi anh em cán binh Việt cộng, người cha vĩ đại của chúng ta không còn nữa...” Địch đã dùng những chiếc cátxét mở sẵn băng ghi âm thả xuống. Ông nghe được cả tiếng trẻ khóc oe oe, tiếng than thở của người già, tiếng thút thít của những cô gái... Và mùi hương trầm ở đầu gió đưa đến thoang thoảng thơm ngát, và lại bay đi mất. “Hỡi anh em! Trong lúc anh em đang bị đói khổ, bị thương tích đầy người ở đây; thì ở nhà, vợ yếu, con đau, bố mẹ già đang mong các anh em trở về đất Bắc...” Lại những tiếng to tiếng nhỏ phát ra từ loa tâm lí chiến kêu gọi bộ đội mình đầu thú....
Lòng ông chộn rộn. Có một chút lo sợ, hoang mang thoáng qua. Khốn nạn thật, bọn giặc đang đánh vào lòng người. Ác liệt quá! Lâu dài quá! Ngày thắng lợi đang đến gần hay còn xa, đến ông cũng không biết nữa huống chi là lính. Ông biết, đã đến lúc thử thách cao nhất lòng trung thành của người lính ở mặt trận...
Đại đợi phó quân sự người Nam Bộ chính gốc, mặt đỏ hầm hầm bảo ông: “Anh cho tui rẹt cho nó mấy băng. Để nó lải nhải quá trời, tui chịu hổng nổi.” Ông đã ngăn lại vì chưa phải lúc nổ súng; bảo toàn lực lượng và làm tốt công tác tư tưởng cho anh em mới là nhiệm vụ chính trong lúc này.
- Thằng Tôn. Đại đội trưởng nhìn kìa!
Ông nhìn theo cánh tay Hoà chỉ. Tôn đang cầm cái áo lót trắng vẫy rối rít giữa trảng trống.
- Để em cho nó một băng - Hoà tức tối và trở tay súng. Ông đã kịp ngăn Hoà và nói như quát:
- Không được! Bắn bây giờ lộ hết. Chịu mất nó.
Hoà bảo:
- Cách đây mấy phút thằng Tôn vờ đau bụng. Ai biết đâu nó bỏ anh em mình. Đớn hèn quá.
Tôn lồm cồm bò lên thang dây lủng lẳng dưới bụng máy bay. Từng nấc, từng nấc một. Chiếc thang dây chùng chình rồi được rút lên. Mặt ông tím lại, cằm bạnh ra, hai bên thái dương giật liên tục. Ai đó đằng sau hậm hực:
- Biết thế hôm trước trả nó về tuyến sau còn hơn.
Hai mắt ông nhìn theo thằng Tôn đầy bất lực cho đến khi chiếc máy bay đã rút thang và bay đi.
°

*

Một tuần sau, cả đơn vị vẫn còn hoang mang với những trò tâm lí vớ vẩn nhưng cực kì nguy hiểm, lợi hại của địch thì lạ thay mọi kế hoạch bí mật lộ hết. Cứ như có người theo dõi từng bước. May mà đơn vị đã kịp chuyển vị trí giấu quân, nhưng bơi xuồng đến chỗ nào cũng bị bom. Tình hình rất căng thẳng, một không khí nặng nề, sợ hãi, hoang mang trùm lên đơn vị. Mấy người du kích đi phối hợp với đại đội sợ quá, đã ra trảng trống vẫy giấy trắng và khăn trắng gọi máy bay của địch xuống để chiêu hồi. Hôm sau nữa lại vài chiến sĩ trốn ra trảng trống vẫy máy bay địch đầu thú. Họ cứ vẫy như thế, chỉ năm phút sau máy bay Đầm Già và Cán Gáo của địch đã bay đến thả thang và dắt tay lên máy bay đưa về chi khu. Chúng được trọng thưởng và lại gieo thêm nhiều tai hoạ, làm máu bộ đội ta đổ nhiều hơn...
Đại đội trưởng như phát điên, anh thở dài, bất lực, bóp trán suy tính. Anh đi lang thang trên miệng những hố bom và những đống đổ nát của cây cối như một bóng ma. Chưa lúc nào ông lại thấy mình như thế. Cái chết bi hùng của một người lính ôm mũ cối cố ghếch nòng súng lên ụ đất trong tư thế xung phong. Sự ra đi của tiểu đội trưởng Long... và lòng căm giận thằng Tôn phản bội, chiêu hồi đã đem đến cho ông một quyết định thật táo bạo...
- Thưa bác! Mời bác lên hàng ghế đầu. – Anh trưởng ban lễ tân vừa nói vừa như van xin. - Mấy hàng ghế đầu trống hoác, các vị thế này thì chết cháu.
- Cho tôi ngồi dưới này!
- Ấy chết! Bác là thiếu tá cựu chiến binh. Bác như cụ tiên chỉ của làng. Chỗ ngồi trang trọng của bác là phải ở trên kia. Bác không lên, chú Hàn, chủ tịch xã lại mắng cháu té tát.
- Thôi... thôi! Mọi hôm lễ lạt thì thế. Hôm nay xã tiếp “khách quý”, cậu nói anh Hàn cứ làm theo chương trình. Người ta không lên mấy hàng ghế đầu là cũng có cái lí của người ta đấy. Tôi ngồi dưới này cho thoáng. Già cả rồi. Lên trên ấy gần cái miệng loa, âm thanh to lắm, tôi không chịu nổi.
- Không! Cháu xin bác. Bác thương cháu. Chú Hàn chủ tịch đang gắt cháu nhặng xị lên kia kìa.
Miễn cưỡng, ông đành phải theo anh trưởng ban lễ tân lên hàng ghế đầu ngồi cho phải phép. Và ở chỗ này ông nhìn ngài Việt kiều yêu nước, nhìn thằng Tôn ngày xưa càng rõ hơn.
Sáng sớm, ông dẫn tiểu đội hai ra cửa rừng. Ông đã giao cho Hoà và Khánh thực hiện phương án táo bạo ấy. Cả tiểu đội nắm tay thật chặt hai người đồng đội sắp ra đối mặt với kẻ thù. Nắm tay nhau mà không nói được gì, chỉ đôi mắt là như ngầm bảo: Chúng mình sẽ bảo vệ, chia sẻ với hai cậu đến cùng.
Hoà và Khánh khoác súng AK trên vai. Bên hông là hai trái lựu đạn. Hai người lầm lũi, lặng lẽ đi ra giữa trảng trống. Ngay lúc đó, tự nhiên trong lòng ông chợt thắt lại. Có phải ông đang chơi trò điên rồ, phiêu lưu và mạo hiểm trên tính mạng của đồng đội không? Trời ơi! Ông rên lên. Hai người lính thân yêu của ông chơ vơ giữa cánh đồng. Đúng lúc bao nhiêu xáo trộn trong lòng ông thì máy bay địch bay vè vè đến. Đi đầu là hai chiếc trực thăng nòng nọc, tiếp đến hai thằng cá lẹp chiến đấu. Ông mắt không rời chiếc ống nhòm, mồ hôi vã ra ướt đầm áo. Trong những lùm cây các chiến sĩ trinh sát cũng đang căng thẳng, rê đầu ruồi nòng súng theo vòng lượn của máy bay địch.
“Hoà ơi, Khánh ơi, chuẩn bị nhé!” - Ông thầm kêu một mình như vậy. Hai thằng lính trẻ của ông đang đứng cách xa nhau đến mấy trăm mét. Hai chiếc Cán Gáo lù lù bay đến, tốc độ của nó rất chậm, tiếp đến là hai chiếc Đầm Già.
Cả không gian bị xé rách bởi tiếng động cơ gầm rú. Ông chờ đợi, lồng ngực tưởng như bị ai thít chặt lại. Kìa Khánh, kìa Hoà, hai thằng lính của ông đang vẫy khăn trắng rối rít. Ông khoát tay đến lần thứ hai vẫn không thấy hai đứa nổ súng, ông run run khi nhìn hai chiếc máy bay địch lượn vòng rồi thả thang xuống. Bất ngờ cả Hoà và Khánh cùng tung lựu đạn lên. Và tiếng lựu đạn, tiếng AK nổ rung trời. Hoà và Khánh chạy tạt ngang, hai chiếc Đầm Già bốc cháy. Súng ở các lừm cây cùng nổ trợ chiến. Địch dường như rất tức giận, cay cú bởi cú đánh lừa rất ngoạn mục của lính ta nên kêu trực thăng bu lại điên cuồng xả đạn. Ông nhìn thấy một bóng người ngã xuống, chẳng biết Khánh hay Hoà. Trời ơi! Bao nhiêu là máy bay địch kéo đến. Bom napan nổ ùng ục, và lửa cháy rừng rực phía sau. Những cụm khói đen bốc lên cuồn cuộn... Những cành mua bị đạn dồn ngã rạp trên mặt đất. Gió từ hướng biển ùa tới đuổi ngọn lửa chạy dài trên cánh rừng. Lửa liếm trên khoảng không nóng bỏng.
Ông không biết mình đã ngất lịm đi trong bao lâu. Chỉ biết rằng lúc ông tỉnh dậy thì mặt trời đã xuống rất thấp. Mặt đất hắt lên trời những vệt nắng yếu ớt loe loe như những cái phễu khổng lồ. Ông kinh hoàng khi thấy mình bị hất xuống một hố bom. Có tiếng động gì đó “khẹc khẹc” hình như tiếng kêu của con khỉ. Thật rồi! Bên cạnh ông là hai mẹ con nhà khỉ. Khỉ con đã bị chết, mảnh đạn găm vào giữa ngực, một vệt máu đỏ bầm vẫn còn rỉ ra... Khẹc...ẹc...ec... Tiếng kêu nghẹn tắc lại, nghe thảm thương quá. Con khỉ mẹ đang khóc...
Buồn quá! Nước mắt ông trào ra, ông muốn co chân lại mà cả thân mình nặng trình trịch không thể nào co lên được. Tiếng súng đã lặng từ lâu, xa xa lác đác mấy quả pháo sang loé lên trên bầu trời đang tối dần.
Hoàng hôn tím sậm phủ dần, rồi một màu đen buông xuống thật nhanh. Cả cánh rừng hoàn toàn im lặng, thỉnh thoảng có những tiếng nổ bì bọp rất xa vọng lại. Và ông lại thiếp đi. Đâu đó có tiếng ầu ơ, ông thấy gương mặt của mẹ, chị gái và cô bé nhà hàng xóm thấp thoáng gần xa ở miền quê xa tít tắp. Những đêm trăng sáng, những đứa trẻ chạy đuổi nhau chơi trốn tìm. Một chiếc thang bắc lên đống rơm ngay cạnh sân gạch. Hình ảnh Hoà và Khánh lại vụt đến trong đầu ông. Hoà chạy tạt ngang sang bên phải và bỗng Khánh ngã gục ngay loạt đạn đầu từ trên trực thăng bắn xuống. Chẳng biết trong số hai chiếc máy bay bị bắn cháy có thằng Tôn ở trong khống?
Khánh đã hi sinh. Ông và Hoà bị thương. Nhưng phương án giả vờ chiêu hồi để chống chiêu hồi của ông đã thành công vô cùng. Bởi những ngày sau đó trực thăng địch không dám thả thang dây, mà xả súng bắn vào bất cứ bóng người nào vẫy khăn trắng, áo trắng. Từ đó cả mặt trận, nhũng kẻ hèn nhát không dám đầu thú, chiêu hồi địch theo kiểu đó nữa.
- Trật tự! Bà con trật tự nào! Anh chủ tịch xã đứng dậy vừa nói vừa xoà bàn tay dặp dặp. - Ngài Đê Vít Tôn về xã ta đầu tư làm dự án một phần còn do xã ta là quê hương của đồng chí chủ tịch tỉnh. Mặc dù đồng chí chủ tịch tỉnh hôm nay bận trăm công nghìn việc không về được, nhưng tôi đề nghị bà con cũng cứ vỗ tay thật to tỏ lòng cảm ơn đồng chí chủ tịch tỉnh.
Có nhiều tiếng xì xào và tiếng vỗ tay rời rạc. Một cụ già ngồi bên cạnh quay sang ông, than thở:
- Bên Đại Giang người ta cắt đất cho liên doanh với nước ngoài xây dựng nhà máy xuất khẩu đông lạnh, bao nhiêu con em được vào làm trong nhà máy. Chả biết cái ông Đê Vít Tôn kia có làm như thế không? Chứ tôi lo người ta thả con săn sắt bắt con cá sộp lắm, phải cảnh giác, ông nhẩy?
- Cũng còn tuỳ cụ ạ. Thôi thì cứ xem người ta làm chứ đừng nghe người ta nói...
- Ông có thấy cái anh Hàn chủ tịch xã mình khúm núm quá không? Làm vậy mất tư thế thể diện, người ta giàu có thế người ta khinh cho.
- Cụ cũng nghĩ thế a? Tôi thì tôi mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến...
Ông mới nói đến đó là hội trường giải tán. Người người túa ra ngoài. Anh chủ tịch Hàn dẫn ngài Đê Vít Tôn đi bắt tay các trưởng ban ngành trong xã và các vị lão thành. Vẫn cái lối đưa tay ra cho người ta bắt còn mình thì hờ hững quay mặt đi nơi khác, ngài Việt kiều yêu nước nói nói, cười cười. Đến trước mặt ông, có nghĩa là giáp mặt nhau, bất ngờ ngài nhìn ông chằm chằm. Chẳng biết ngài Việt kiều yêu nước có nhận ra không, nhưng ông thấy miệng ngài há hốc ra và hai mắt ngài trắng bệch... cũng cái cặp mắt kinh hoàng và ngơ ngác ngày trước./.

Xem Tiếp: ----