1. Khúc ca cung oán Chờ hoài, chờ mãi, chỉ thấy mặt Hồ Tây nổi sóng thôi.
Con thuyền lặn ngụp trong sương gió, và trăng bàng bạc. Không đẩy mà cứ trôi dạt trong im lặng. Cái lạnh thấm sâu vào xương thịt, làm mặt người nhợt nhạt, u uất.
Thông Thiện ném cây đàn đáy xuống hồ. Lòng hồ nuốt mất, không một tiếng động. Ngày hôm nay nữa, chàng cũng không thể nhấn phím so dây. Hồn chàng kết giao cùng sóng rượu và sóng nước Hồ Tây. Đã bao năm chàng đến chốn mông lung này, chỉ để uống rượu và nghe tiếng hát ấy... Tiếng hát nhẹ như là không có tai người phàm khó mà nghe được, lại hoà với âm nhạc tự nhiên của trời đất, chỉ cảm mà không thể bắt chước.
Chàng thiếp ngủ trong lặng lẽ u sầu. Đó là cái thiếp ngủ của thể xác mệt nhoài, còn thần hồn vẫn tỉnh thức, thao thức đợi chờ. Trăng nhạt màu và gió bớt u mặc. Trong giây phút ngắn ngủi của giấc ngủ ấy, Thông Thiện chợt nghe thấy một khúc đàn bật lên trong chính đầu chàng. Bao nhiêu âm thanh lắng lại rót vào tai chàng, không một phần nào loãng ra ngoài. Tinh thần chàng sáng loé lên, tất cả dồn vào việc thưởng thức cung đàn muộn, chậm rãi dạo lên. Rồi một tiếng hát cất lên:
“Tình ngắn sầu dài
Ái ân tình ngắn sầu dài
Chập chờn đáy nước khói bay lưng trời...”.
Những lời ngâm nga dài mãi ra, tiếng phách điểm lạc lõng, mơ màng. Hết câu “khói bay lưng trời...”, tiếng phách ngừng, tiếng đàn im và một màn tối rủ xuống che phủ hồn chàng, Thông Thiện.
Chàng bàng hoàng mở mắt. Be rượu trong tay chàng vẫn còn nghiêng xuống, nhỏ giọt tan vào nước hồ.
Đời chàng mà có kéo dài thêm vài trăm năm nữa thì cũng chìm nổi mãi mà thôi.
Sáng hôm sau, Thông Thiện đến chỗ hẹn trước đền Bạch Mã. Hai người bạn của chàng là Vũ Tùng và Phan Thuận Phong đã chờ sẵn ở đó. Cả ba người ngoảnh lại nhìn sông Tô lần cuối, trước khi dứt áo ra đi.
- Ôi! Xin giã biệt Thăng Long yêu dấu! - Thuận Phong kêu to bằng tất cả sự sôi nổi của tuổi tráng niên - Xin giã biệt sâm cầm, Phật say, rừng trúc. Xin giã biệt Văn Miếu, Trường Thi. Anh em chúng ta chẳng có phúc phần, nhưng...
Vũ Tùng cắm ngập con dao xuống đất:
- Vũ Tùng này ra đi tìm minh chúa, nhất định sẽ có ngày trở về giết hết bọn tham quan nịnh thần, trả 1ại cuộc sống bình yên cho dân chúng.
Chỉ có Thông Thiện không để rơi nước mắt, nhưng vẻ mặt chàng tái nhợt như người đã chết. Chàng chỉ nói thầm: “Vĩnh biệt!”
°
*
2. Khúc sông trong Ba người bạn đã có ý định tìm vào miền Nam từ lâu, nhưng ý Thông Thiện cứ dùng dằng chưa quyết. Trong nhóm bạn, chàng là người học cao hiểu rộng nhất, nhưng vì xuất thân từ phường hát mà chàng liên tục bị đánh hỏng trong các kì thi. Chàng cũng là một tài tử phong lưu với ngón đàn như gió cuốn, mây bay. Nhưng ngày xưa người bạn hát của chàng - một đào nương nhan sắc có giọng hát tuyệt vời - đã lọt vào mắt xanh của Trịnh Doanh. Khi ấy Chúa mới là vương tử đã dùng mọi cách bắt nàng vào vương phủ làm ngư nữ. Từ đó, chàng trở nên gàn dở, uống rượu như nước và chẳng thiết tha gì cuộc đời. Lần lữa bao nhiêu năm, đến khi thân tàn ma dại, chàng mới chịu lên đường
Ba người bạn xuôi theo những dòng sông vào tận Biên Trấn, nơi bốn mùa hoa trái hiền hoà, gạo trắng nước trong, lại có tiếng là nơi phú hội. Chính Phan Thuận Phong chọn nơi này, bởi chàng nhận ra sự thông thương giữa các bến cảng, đầu mối của những con sông lớn. Thuận Phong mua vài con thuyền cũ, chọn nghề buôn vải, chẳng bao lâu trở nên giàu có, làm nơi dựa dẫm cho anh em.
Vũ Tùng say mê võ nghệ. Nhưng ngày trước ở Thăng Long, chàng khinh ghét bọn kiêu binh, coi thường thế lực nhà Chúa, nên không thèm đầu quân. Đến Đồng Nai, chàng gia nhập đoàn quân của Nguyễn Lữ, và chẳng bao lâu đã được giao chỉ huy một đội quân bảo vệ Biên Trấn.
Còn Thông Thiện thì đã lớn tuổi. Chàng mang theo tất cả sự nho nhã, thanh cao cùng sự khí khái của một nho sĩ Bắc Hà vào cái lều cỏ của mình bên dòng Phước Long Giang. Chàng chọn nghề dạy học, nhưng không chịu dạy cho con nhà giàu, vì chàng coi thường sự phách lối của chúng. Học trò của chàng đều nghèo nên chàng chẳng nuôi nổi thân. Sau đó, nhờ biết đọc chữ Hán, chữ Nôm, chàng quay sang bốc thuốc cứu người. Thuở ấy ở Biên Trấn hiếm người biết bốc thuốc chữa bệnh, tất cả những nhà thuốc tập trung trong tay người Hoa kiều, nên dân chúng rất khổ sở. Có được người thiện tâm như chàng, cả một vùng Nông Nại đại phố trở nên êm ấm. Họ gọi chàng là thầy lang Thiện. Tìm được loại thảo dược nào, họ đều mang đến đóng góp cho nhà thuốc của chàng. Một vị phú nông bên kia sông đã tìm đến, ngỏ ý gửi cả ba cô con gái của mình cho học chữ và học nghề bốc thuốc chữa bệnh. Ban đầu Thông Thiện không dám nhận, vì thấy việc này hơi kì lạ. Nhưng thấy phú nông là người hào hiệp nhân từ, nên chàng nhận lời.
Ba năm sau, cô em út trong số ba chị em lên thuyền hoa theo Vũ Tùng, vì cảm mến người trai tuấn tú và dũng cảm. Đến năm sau, khi những cành hoa mai bắt đầu chớm vàng bên chòi lá của Thông Thiện, thì cô con gái thứ lạy cha về với Phan Thuận Phong. Tuy Thuận Phong không có vẻ tài hoa như Thông Thiện, cũng không anh tuấn như Vũ Tùng, nhưng chàng lại rất tận tâm và cẩn thận, hết lòng chăm lo cho anh em bạn cùng gia đình vợ. Chỉ còn Lúa, cô chị cả, ngày ngày một mình chèo đò sang cù lao phụ giúp cho Thông Thiện, đến tối lại trở về chăm sóc cha. Thông Thiện như một vị thầy giáo nghiêm khắc, truyền dạy cho nàng Lúa hết cả Tứ thư, Ngũ kinh, bắt nàng học thuộc các vị thuốc, bài thuốc. Nàng trở thành một cộng sự trung thành của Thông Thiện, không hề vắng mặt trong nhà thuốc của chàng một ngày, hết băm lá lại phơi rễ, sao tẩm... Ngoài những công việc hàng ngày, nàng còn đi đổi gạo, đổi cá khô cho chàng, dọn sạch cỏ, đan lá dửa chằm lại mái nhà dột của Thông Thiện. Chàng tuyệt nhiên không nói cười với nàng lấy một tiếng. Những lúc hướng dẫn nàng viết chữ, bốc thuốc, chàng đều tỏ vẻ trang nghiêm đến lạnh lùng. Nàng Lúa cũng tỉ mẩn coi sóc mọi thứ trong ngoài, cho cuộc sống của Thông Thiện được tươm tất, nhưng cũng chẳng bao giờ dám bày tỏ tấm lòng mình.
Mấy năm trôi qua như vậy, Vũ Tùng và Thuận Phong đều đã con cái đề huề. Mỗi cái Tết, hai chàng đều đưa con về nhà ông ngoại, cho chúng chạy chơi trong khu vườn trồng đủ loại cây trái sum suê. Nhìn thấy chị mình còm cõi và đau khổ trong một mối tình câm lặng, Gạo và Tấm đều xót xa. Hai nàng lựa lời nói với chồng. Thuận Phong và Vũ Tùng cũng mấy lần ướm hỏi Thông Thiện, chàng chỉ nói chàng quá nghèo, không xứng với nàng Lúa và gia đình phú nông. Thuận Phong thẳng thắn nói rằng:
- Thưa đại huynh, Đó chỉ là cái cớ vặt mà thôi. Huynh xem năm sáu năm rồi chị Lúa tận tâm tận lực vì huynh như thế, huynh nỡ lòng nào để tuổi xuân của chị phí hoài hay sao? Chỉ cần huynh quyết, Vũ Tùng và đệ sẽ hết lòng lo liệu cho huynh.
Vũ Tùng cũng phụ họa:
- Anh Phong nói chí phải. Anh em chúng ta lớn lên có nhau, lại ở nơi đất khách quê người, không nên khách khí làm gì.
Đáp lại Thông Thiện chỉ im lặng, đôi mắt rưng rưng nhìn dòng sông lặng lẽ trôi. Mắt chàng dời theo những bông hoa lục bình tím ngát rồi từ từ nhắm lại.
°
*
Ba bốn năm nữa trôi qua, mọi chuyện vẫn chẳng có gì thay đổi. Phú nông đã khuất núi, để lại lời dặn dò cho con rể Phan Thuận Phong coi sóc đất đai ruộng vườn. Lòng Thông Thiện chẳng hề suy suyển. Chỉ khác là sau bao năm im lặng, chàng bắt đầu bắt chước những ông già trong vùng, đêm đêm ngồi trong chòi lá kéo đàn gáo và ngắm nhìn sông nước. Nàng Lúa mình rạc xác ve, ngày đêm làm lụng không chịu ngả lưng.
Thuận Phong và Vũ Tùng cùng đến tìm Thông Thiện vào một đêm trăng non. Thông Thiện vẫn đăm đắm nhìn dòng sông phẳng lặng, dáng người còn lại như một cái cành khô, chỉ đôi mắt là còn sống.
- Đại huynh! Đệ và Vũ Tùng đến đây để nói với huynh rằng nếu huynh còn kéo dài cuộc đời mình như thế, đệ và Vũ Tùng sẽ tự vẫn trước mặt huynh.
- Đúng vậy! – Vũ Tủng rút ra con dao ngày nào. – Thà đệ và anh Thuận Phong chết, còn hơn thấy huynh ra thế này.
- Đừng, đừng. Thông Thiện vội đứng lên, vì nhận thấy hai người anh em không có vẻ đùa cợt chút nào. Rồi chàng xoa dịu: Đây là chuyện riêng của huynh, hai đệ cho huynh từ từ...
- Không thể từ từ nữa. Vũ Tùng lớn tiếng. Đệ và anh Phong chỉ mong thấy huynh sống đàng hoàng. Chúng tôi chờ huynh mười mấy năm rồi.
- Huynh cứ xem đây. Phan Thuận Phong từ tốn cởi áo ra. Thông Thiện nhìn thấy mấy vòng khăn tang buộc sẵn trên cổ chàng Phan.
- Việc này... ta cấm hai đệ. Thông Thiện tái mặt.
Thuận Phong vẫn điềm đạm trả lời:
- Ngày xưa thái tử Đan còn tự giết mình để thúc giục Kinh Kha lên đường, thì đệ và Vũ Tùng sao lại không dám chết để giúp huynh hồi tỉnh? Nỗi đau quá khứ, xin huynh đào sâu chôn chặt, làm lại cuộc đời mình, thế mới là chính nhân quân tử. Còn nếu huynh vẫn khăng khăng sống ích kỉ như thế này thì đệ và Vũ Tùng chết không đáng tiếc...
Hai người anh em quỳ xuống, khiến Thông Thiện run rẩy tận đáy lòng. Chàng muốn thét to lên cho vỡ toang màn đêm lồng lộng. Nhưng nỗi uất hận nín câm bao năm nay chặn ngang cổ chàng. Chàng cũng không dám thở dài, sợ phá vỡ mất bầu không khí đêm nay.
Một tiếng hò văng vẳng từ bên sông đưa tới, rõ dần. Câu hò đã thuộc nằm lòng ba chàng trai xứ Bắc: “Nước sông trong đổ lộn nước sông ngoài, thương người xa xứ lạc loài tới đây”. Một con đò trôi ngang cái chòi lá của Thông Thiện. Cả ba anh em đứng dậy, nhìn theo, cùng lắng nghe câu hò bao lần làm nát ruột họ. Dáng người phụ nữ chèo đò đứng nghiêng nghiêng trên mặt sông mờ mịt, rồi lại chìm vào bóng tối.
Thông Thiện khóc với hai người bạn rằng:
- Cũng một đêm như thế này, ta rời bỏ Thăng Long...
°
*
3. Trăng ngự bến xuân Giữa năm Bính Ngọ (1786), Vũ Tùng từ biệt gia đình và hai người anh kết nghĩa, lên đường hội quân với đức lệnh Nguyễn Huệ tiến ra Bắc, thực hiện công cuộc phò Lê, diệt Trịnh. Thế là lời thề mười mấy năm đã trở thành hiện thực, nhưng Vũ Tùng không khỏi băn khoăn nhìn vợ và đàn con nhỏ. Chàng nói riêng với Thông Thiện và Phan Thuận Phong: “Chuyến này ra đi một sinh hai tử, xin hai anh nhận của đệ một lạy thay lời bái biệt”. Thuận Phong khóc ròng, rồi an ủi: “Chắc chắn đệ sẽ bình an trở về, nhớ mang cho ta một tấm lụa làng Trúc...”. Riêng Thông Thiện không nói gì.
Vũ Tùng đi rồi, Thông Thiện lặng lẽ xếp lại sách vở, lớp lang đâu ra đấy. Mấy ngày liền chàng ngồi lì bên ản thư, viết đi viết lại một lá thư, và chẳng hé răng nói với vợ một câu. Nàng Lúa lẳng lặng làm các công việc hàng ngày rồi đi nằm trước. Nàng đã có mang được năm tháng rồi, lại đã có tuổi, nên người mệt mỏi. Đôi lúc trở mình, nàng nhận thấy chồng vẫn thức chong chong bên ánh đèn dầu phộng. Có lần, nàng giật mình hốt hoảng vì thấy Thông Thiện đang ngồi bên giường, lặng lẽ ngắm nhìn vợ. Linh tính mách bảo nàng, sắp có chuyện chẳng lành, nhưng đã quen cam chịu, nàng không dám cất lên hỏi khi không thấy chồng nói gì.
Một đêm, nàng Lúa giật mình tỉnh giấc thấy chồng đang đứng ở, đầu giường, cũng đang im lặng nhìn mình. Nhưng đêm nay, chàng khoác một chiếc áo tơi trên vai đeo tay nải nhỏ ngày nào chàng đến xứ này. Thế là lòng chàng đã quyết, nàng âm thầm nhắm mắt lại, chờ cho Thông Thiện mở cửa đi ra. Nàng nghe bước chân chàng hụt hẫng đạp trên lớp lá khô đang rụng trong đêm, lát lâu sau, con đò bên chòi lá chòng chành trôi đi. Nàng Lúa khẽ khàng trở dậy, tìm ra án thư ở đó có một bức thư Thông Thiện để lại:
“Người tình chung của ta!
Ta xin gọi nàng như vậy, Đó là cách gọi thân thương của quê nhà ta, trong họ hát của ta. Ta ra đi thế này thật có lỗi với nàng. Nhưng xin nàng hãy yên lòng, dù thế nào ta cũng sẽ quay về. Chỉ vì, đây là điều không thể nói, nên ta phải mượn đến bút nghiên…
Trước khi lấy nàng, lâu lắm rồi, ta đã từng có một lời thề với một người con gái. Lời thề trắng trong không vướng chút bụi trần. Nàng tên là Bạch Cúc. Hai ta từng thề nếu có chết thì tan thành cát bụi sông Ngân, còn nếu còn sống thì phải hát cùng nhau trọn một đêm để trả món nợ tình duyên. Ta chờ đợi Bạch Cúc mười năm mà không có tin tức gì. Ta cất công đi tìm thì được nghe tiếng hát của nàng vang ra từ hành cung chùa Trấn Quốc. Tên bạo chúa Trịnh Doanh ấy, trước khi hắn chết trong cung thủy tinh vì sợ nắng sợ gió, hắn đã giam nàng vào nơi ấy. Ngôi chùa thiêng liêng bị biến thành chốn hành lạc và giam cầm. Chỉ những đêm không trăng, bọn chúng không hứng thú bày những cuộc vui hành hạ thân xác và tinh thần những người phụ nữ, thì ta mới được nghe tiếng hát của Bạch Cúc Ta chờ đợi để được đưa nàng ra khỏi nơi ô nhục ấy, để được đàn cho nàng hát. Nhưng đó chỉ là mong ước của một mình ta, những bức tường cứ sừng sững vây bủa lên số phận bao con người...
Giờ đây, đức Lệnh được phong làm Bắc Bình Vương đem quân đi dẹp chúa Trịnh, trả lại sự nhất thống cho đất nước, ta không khỏi mừng thầm Bạch Cúc sắp được thoát khỏi vòng nô lệ gần ba mươi năm. Ta xin nàng hãy vì thương cho một linh hồn, một tiếng hát mà hỉ xả cho ta... Xin nàng bảo trọng...”.
Nàng Lúa úp mặt vào trang thư mà khóc. Những con chữ nhoè ra bởi nước mắt của nàng. Những con chữ chính chàng đã dạy cho nàng, vun đắp cho cuộc đời nàng... Nàng mường tượng đến cảnh đoàn voi trận của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ xông vào những thành trì tăm tối của nhà Chúa, lôi ra ánh sáng những bộ mặt tàn độc khét tiếng một thời, mấy trăm năm làm ngả nghiêng thế sự. Nàng còn thấy những người cung nữ đầu bạc bám vào nhau trốn chạy trước ánh sáng chói loà của một cuộc đời mới. Và Thông Thiện của nàng, vượt qua biển lửa, dắt họ đi...
°
*
Dân chúng kéo nhau đến tận phủ chúa Trịnh, nay đã là đại bản doanh của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, để chào đón và tạ ơn. Trong số đó có một kép đàn già và một đào nương được viên tướng Vũ Tùng dẫn đến, nhận là người nhà. Họ len qua đoàn người, sự ốm yếu chậm chạp của họ khiến quan quân ái ngại nhường đường. Người kép già bưng cây đàn lên quá đầu, và giữ chặt như thể sợ nó rơi mất. Còn đào nương đi theo sau thì bận bộ áo trắng mỏng manh như một nhánh liễu tàn, lưng đã còng gập xuống, chỉ có nhan sắc thì vẫn mơ màng như đang sống lại trên gương mặt già nua. Đến trước mặt Bắc Bình Vương, kép Thông Thiện cầm cây đàn xá mấy cái rồi nói thật to:
- Thảo dân chờ đợi ngày này đã ba mươi năm rồi. Xin mọi người cho thảo dân cùng vị nương tử đây được hát một bài chúc xuân để tỏ lòng tôn kính...
Nói rồi, Thông Thiện bấm phím ra dây, bàn tay như có thần. Bạch lão nương ngồi xệp xuống ngay giữa lối đi đường hoàng như ngồi trên chiếu hát, bắt đầu gõ phách và hát:
“Trời riêng đâu mảy tơ mảy phát,
Chợt khỏi đông thì thoát sang xuân.
Tràng An xe ngựa rân rân
Đâu đâu mừng thấy tiết xuân đã về.
Năm cũ đi thì năm mới lại,
Bĩ đã qua thì thái lại ra.
Thiều quang phủ khắp gần xa,
Gió xuân hây hẩy, khí hoà hây hây…”.
Tiếng hát cao vút như có bầy hạc thần bay lên, kéo tung tấm màn ảm đạm trên đầu mọi người. Trăm ngàn con người cảm thấy nở từng khúc ruột, nghe rạo rực và êm ấm lạ thường. Sảnh đường im phăng phắc, có lẽ chưa bao giờ họ được nghe một giọng hát tuyệt vời như vậy. Bắc Bình Vương ngồi giữa các tuỳ tướng, mỉm cười chăm chú lắng nghe.
Bỗng. có tiếng ai quát to:
- Dừng lại, không được hát “Tứ thời khúc vịnh” nữa. Thuở xưa tên cẩu nho Hoàng Sĩ Khải đặt ra khúc hát này để dâng nịnh bọn sâu mọt Trịnh Tùng. Đã mấy trăm năm rồi, bây giờ bọn con hát vẫn còn dám lải nhải khúc hát này mà ca ngợi Bắc Bình Vương sao?
Tiếng đàn hát ngừng bặt lại, như chết điếng. Ca nữ Bạch Cúc ngồi ôm đầu sợ hãi. Nhưng Bắc Bình Vương ôn tồn nói:
- Hãy cứ đàn hát cho mọi người cùng nghe. Ta chưa bao giờ được nghe khúc hát tài tình đến thế này. Ai làm ra khúc hát không quan trọng, ta chỉ thấy nó thật là xứng hợp với mùa xuân đang đến với đất trời Thăng Long...
Nói rồi, ngài ra hiệu cho quân lính mang tiền ra thưởng. Tiếng hát của Bạch Cúc như vượt bảy tầng sóng, chín tầng mây, hân hoan không có gì ngần ngại nữa.
Sau đêm hát, Bạch Cúc và Thông Thiện mang tiền được thưởng ra chia lại cho dân nghèo. Sau đó họ xuống thuyền ngoạn cảnh Hồ Tây. Trước đây, thú vui này là đặc quyền của các công hầu khanh tưởng với đầy rẫy cung tần mĩ nữ thị thần.
- Trăng đêm nay đẹp quá. Hình như ba mươi năm rồi, thiếp mới được ngắm ánh trăng này...
Bạch Cúc lên tiếng trước. Rồi nàng chầm chậm trao cho Thông Thiện một gói nhỏ:
- Tấm khăn lụa này, chàng đã xin thiếp mà thiếp ngần ngại không dám cho... Bây giờ thì... đời thiếp như sương khói, chỉ còn mảnh khăn này...
Thông Thiện run run nhận lấy, chàng không sao nói được nên lời. Niềm vui đoàn tụ cùng lời thề thuở xưa trọn vẹn, trái tim chàng như bị núi Thái Sơn chặn lên, không sao thở được.
- Trăng đẹp như thế này mà thiếp mệt rã rời. Thiếp nghỉ trước đây. Chàng hãy hưởng thụ đêm xuân này thay cho thiếp, để khi tỉnh dậy rồi chúng ta không phải tiếc nuối...
Thông Thiện bâng khuâng nhìn trời nhìn đất. Khắp nơi chăng đèn kết hoa rực rỡ, dân chúng tràn ra đường đông vui như mở hội, trên tay họ là những cành hoa. Bỗng có tiếng chuông chùa ngân nga kéo Thông Thiện về miền tâm tưởng. Càng ngước lên nhìn. Dãy hành cung chùa Trấn Quốc biết bao năm sừng sững chắn ngang một góc Tây Hồ đã bị đập vụn, đàn tràng đã được lập lên cùng đèn nến sáng một vùng.
Thông Thiện ngoảnh lại toan gọi Bạch Cúc dậy để tận mắt nhìn sự đổi thay đó. Nhưng nàng đã tắt nghỉ.
Gương mặt của nàng dịu dàng và viên mãn như một vầng trăng.
- Bạch Cúc! Thông Thiện thì thầm gọi tên nàng.
Chàng đau đớn nâng vuông lụa lên, toan phủ mặt cho nàng. Nhưng chợt nhớ ra, chàng ôm siết di hài bé nhỏ của nàng vào lòng, nói nhỏ:
- Bạch Cúc! Nàng hãy vui lòng cho ta trao vuông lụa này lại cho Thuận Phong nhé. Người anh em ấy luôn mơ ước có được một kỉ vật của quê hương Thăng Long... Còn ta, ta mang tiếng hát của nàng suốt cả cuộc đời./.