Tôi mắc cái tật xấu, cứ trước giờ xuất kích, sau khi nghe tiếng anh Mười Thử bảo: “Thôi, đi óc!” là y như rằng, cái thằng bụng dạ tôi nó réo quặn lên, mót ị. “Chờ em một chút”, tôi vội vàng tháo thắt lưng, hạ ba-lô biến vào rừng, làm cái việc bất đắc dĩ không giải quyết không xong ấy. Gần như cùng một lúc thằng Chung, thằng Viễn, bạn đồng ngũ với tôi đều không cần phải báo cáo, chỉ nhìn bộ mặt đần thối của chúng nó cùng các động tác lật đật tháo thắt lưng, lật đật hạ ba-lô, hạ súng là lẽ tất nhiên, anh Mười cùng cả tổ công tác Cánh Bắc Đường đều ai nấy tự biết cần phải làm gì. Thằng Tụng tủm tỉm liếc mắt sang anh Mười rồi bảo, Đó là căn bệnh của những thằng yếu bóng vía, chưa vào trận mà đã...
- Không hẳn là thế, anh Mười Thử đủng đỉnh nói. Bệnh ấy là căn bệnh của hầu hết những thằng lính mới ra trận, anh nói thêm. Sau này đã dạn dày rồi, tôi mới biết điều đó.
- Nhưng em cứ suy từ em ra, thằng Chung tồ ít tuổi, bé con nhất, nhưng lại hay nói lí, bảo với anh Mười. Đó hoàn toàn không phải là bệnh hay tật xấu. Đó là phép giải toả tâm trạng. Anh có thấy sau mỗi lần giải quyết xong “cái rẹc”, tâm hồn anh trở nên thơi thới, nó quay sang tôi, rồi lại quay sang thằng Viễn, mở máy tiếp. Tay súng anh ra trận trở nên nhẹ bẫng, ý chí anh được nâng cao...
- Cao cái con khỉ! Thằng Tụng chặn đứng luồng thuyết lí của thằng Chung, khiến nó bị hẫng. Đó là lúc tất cả chúng ta đều tranh thủ đọc truyền đơn của địch thì đúng hơn! Thằng Tụng bao giờ cũng dựng được cái cốt cho câu chuyện bằng một chi tiết cực đắt và bất ngờ như vậy.
Ngọn lửa trước mặt chúng tôi chừng như hạ mình xuống, vệt khói xiên thẳng lên cái giàn bếp truyền thống, theo lối cũ kĩ của thằng Chung, trong thứ ánh sáng không ra ánh sáng, cứ chập chờn run rẩy ấy, tạo nên một khung cảnh lạ lùng sau câu nói sắc lạnh của Ba Tụng. Tôi có cảm giác như tất cả trong khoảnh khắc đột nhiên hoá đá.
- Mày cứ nói thế, tôi nói. Mà đọc truyền đơn địch thì đã sao?
- Ba thằng chiêu hồi đều chỉ vì nghe đài địch, đọc truyền đơn địch, nghe loa phóng thanh từ trên máy bay địch...
Thằng Tụng vẫn nói giọng căng cứng. Suýt soát ba mươi lăm năm sau chiến tranh rồi mà tính nết thằng nào vẫn y chang thằng nấy, chẳng thấy thay đổi tí nào.
- Nhậu! Không nói nhiều!
Thằng Viễn rót rượu la hết lượt các li. Tôi hưởng ứng. Rồi đến anh Mười, thằng Chung.
- Ba Tụng, anh Mười nhắc. Mày sao đó mày?
Ba Tụng cầm li rượu đưa ra trước mặt thằng Chung, huơ huơ cánh tay cụt, nói:
- Xin lỗi anh em, nói long trọng. Ngày ấy tôi cứ hay nghi thằng Chung này trước sau rồi cũng chiêu hồi...
Chung và Tụng chưa bao giờ hoà hợp với nhau. Đã có lúc hai đứa cùng kéo cò súng lên, định “nói chuyện” với nhau rồi. Chẳng là lần xuống ấp phá bầu cú của địch, anh Mười phân công tôi phụ trách thằng Chung và thằng Tụng đột nhập một hướng. Hướng của chúng tôi phải lội qua một đám sình lầy rồi mới vào được ấp. Thằng Chung đi trước, rồi đến Tụng. Tôi khoá đuôi. Đang lội sình thì pháo sáng địch đột ngột bắn loà trời, lẽ ra phải đứng im thì hắn lại nhảy dựng lên, tất nhiên là sau cú nhảy dựng lên ấy cu cậu cũng phải đứng lại, nhưng toàn thân run lẩy bẩy. Tôi thấy thằng Tụng chồm ngay tới sau khi ánh pháo sáng của địch tắt. Nó ấn thằng Chung xuống bùn rồi cứ thế hai thằng nhồi nhau. Tôi dùng báng súng chận ngang hai đứa và dùng đầu húc mạnh vào mạng sườn thằng Tụng. Chúng tôi lôi nhau lên được bờ thì cối địch đã nã cú nổ cú bụp phía bên kia bãi lầy. Lại pháo sáng! Tôi thấy thằng Chung khóc. Còn thằng Tụng thì dứ dứ quả đấm vào sát mặt thằng Chung. Tôi nghiến răng, dí quả lựu đạn vào mặt chúng nó, rít lên. Tất nhiên là không được rít to:
- Chúng mày giết ông đi!
Cuối cùng rồi cũng êm. Tôi đi giữa, thằng Tụng đi trước, thằng Chung theo sau. Tôi thấy thằng Chung vẫn run, còn thằng Tụng thì vẫn hằm hè bảo nó là thằng hèn, thằng sợ chết. Sợ chết thì nói thẳng ngay từ lúc ở nhà...
Tôi ra lệnh không thằng nào được nói.
Đêm ấy, sau khi quấy rối trong ấp về, chúng tôi rút vào suối Dấu. Thằng Chung ngụp lặn kì cọ cả buổi, còn tôi và thằng Tụng ngủ. Ngủ chán rồi mới gọi nhau họp kiểm điểm. Thằng Chung bảo em giẫm vào bụng một cái xác chết trương phình, rất to, nghe rõ tiếng bục của nó, rồi “xèo” một phát. Rút chân ra đúng lúc pháo sáng, em sợ quá nên mới nhảy dựng lên, ai dè bị anh Tụng anh ấy đánh.
Nói xong nó lại khóc. Tôi nghe thằng Chung tả cũng rợn tóc gáy, nhưng không dám nói ra. Còn thằng Tụng thì nhổ phì phì rồi khẳng định, đó là xác bọn Mỹ sau trận đánh của chúng tôi hồi tuần trước vào toán xe tiếp vận của chúng chạy từ căn cứ An Khê ra.
- Ối giời, chuyện vặt!
Thằng Viễn chủ xị vừa giơ chai rượu lên soi soi vừa nói, rồi tiếp tục rót vào các li, đưa tận tay từng người.
- Tao đã từng ăn cứt thằng Bình thì đã sao?
Của đáng tội, chuyện ấy quả có thế thật, nhưng tất cả chỉ là vô tình. Tôi có nắm cơm khá to, nhưng mấy ngày liền bị Tào Tháo đuổi nên chưa ăn đến, lóng ngóng trong lúc chạy ông Tào Tháo thế nào, bị tuột quai túi, nắm cơm rơi trúng cái bãi chiến trường do mình phóng ra. Bỏ thì tiếc, mà nhặt lên cũng thấy rợn tay. Nhưng, nói thật là nắm cơm không, trị giá cả lon gạo trắng tinh, tiếc đứt ruột, nên tôi cứ nhặt đại về. Thằng Viễn nửa khuya tù chốt được thay ca, mò tới hỏi thăm tình hình cái bụng xấu của tôi, rồi nó kêu đói quá, tôi đành nói tình thật. Nó đem nắm cơm ra suối rửa, rồi về rang lên, ngồi chén. Nó bảo thế mà bùi, chỉ tiếc là có mỗi nắm nên tao vẫn thòm thêm.
- Anh Tụng hồi ấy hay bắt nạt em, thằng Chung vừa nhổm dậy định nói thì thằng Tụng lại đằng li rượu vừa uống cạn xuống đất nói:
-Tao thèm bắt nạt hạng mày? Mày có công nhận đi lãnh muối, tao gùi năm chục kí, gấp đôi mày không?
- Cái ấy thì công nhận, thằng Chung nói.
- Mày có công nhận hôm mày bị sốt rét tao cõng mày chạy địch càn, về đến trạm giao liên tao còn phái giặt bộ quần áo cứng queo, vừa hôi vừa thối vì cứt đái của mày, rồi…
- Rồi lại đánh nó, tôi nói. Mày cũng một vừa hai phải với nó thôi, Tụng ạ. Tao mà là thằng Chung, tao nói thật, quên ngay công trạng của thằng Tụng. Trong chiến đấu, đó là nhiệm vụ chứ không phải thành tích.
- Tao mà lại thèm kể công? Quên đi!
Nói rồi Tụng cầm li rượu của thằng Chung, uống cạn. Thằng Chung rượu không, thuốc không, vợ không, tất nhiên em út càng không. Sau ngày giải phóng về, nó học được nghề thuốc Nam chữa bệnh, nghe đâu của ông bác ruột truyền cho. Bệnh nhân nhiều nhưng cu cậu vẫn nghèo. Chính nó chữa bệnh cho vợ anh Mười Thử từ trong Nam ra. Trước khi chị Mười tươi hơn hớn được nó “xuất chuồng”, nó gọi anh em tới nhà chiêu đãi. Những li rượu này do chính tay nó nấu, nó ngâm, nó pha. Nó chắt cho anh em chúng tôi mỗi người một chai đặng đem về. Nó bảo rượu của em các anh uống, các chị phấn khởi.Thế còn nó? Lâu nay nó lo cho tôi hết hẳn căn bệnh “xấu bụng”, thằng Ba Tụng hết buốt đầu cánh tay cụt. Thằng Viễn một thời mắc nghiện, may mà có nó kiên trì theo chữa. Rồi đến chị Mười Thứ, khi ra ngoài này mặt mày héo hon, nay nó cho về mặt tươi như bắt được của. Chúng tôi đã đôi lần bàn nhau giúp nó lấy vợ, nhưng nó cứ trơn trớt hứa, anh em đành bảo nhau số nó dao sắc không gọt được chuôi, đành vậy!
- Vớ vẩn, đành vậy là đành thế nào? Thằng Viễn nói: Cả hội Cánh Bắc Đường chúng mình mà ra quyết nghị xem!
Nếu nó muốn, nó làm cái “rẹc”, Tụng khật khừ đưa cánh tay cụt lên vỗ vỗ đầu Chung nom rất buồn cườị.
Thì tôi cho rằng, đó cùng chỉ là cách nói thôi chứ làm vẻ gì đến nỗi phải ra nghị quyết. Cứ thế đấy, cuộc sống sẽ tự sắp xếp cho mỗi người theo cái cách của anh ta, có sốt ruột, có vội vã cũng vậy thôi./.

Xem Tiếp: ----