Khi nhũ mẫu đưa cho bà quản trị trưởng chiếc quần lót của nữ thần đồng trinh thì cả hai bà đều hiểu rằng, một cái gì rất trọng đại đang đến với cung điện này. Vài giờ sau tin tức đã sang đến hoàng cung. Tới khoảng năm giờ chiều, tờ Thời báo buổi chiều đã đập vào mắt người đọc một tiêu đề lớn: Nữ thần Đồng Trinh có kinh nguyệt - Sự chấm dứt một giai thoại thần quyền.
Dân chúng thủ đô xôn xao trước cái tin họ chờ đợi từ lâu. Nữ thần Đồng Trinh đã mười bốn tuổi còn gì. Tuổi ấy mới dậy thì là chậm. Con gái xứ này mười một tuổi đã có thể sinh con đầu lòng. Biết vậy, người ta đã đi tuyển mộ rất công phu mới được một nữ thần thay thế. Nữ thần này có ba tuổi. Chờ đợi mất hơn hai năm, bây giờ mới tới lúc được phong thần.
Cựu nữ thần bị coi là uế tạp, đã mất thiêng lập tức bị đưa ra khỏi cung điện. Từ nay người ta gọi cô ta bằng tên tục là Sabana. Những ngày vừa qua ở Sabana có những biểu hiện không bình thường. Trong lễ rước đón mùa mưa, xa giá của nhà vua và cả hoàng tộc, xa giá của Nữ Thần Đồng Trinh diễu qua tất cả các đường phố của thủ đô để cho dân chúng chiêm ngưỡng và chào mừng. Thế mà bất chợt Nữ Thần Đồng Trinh bật khóc thút thít. Đấy là một điềm gở. Rồi Nữ Thần nằng nặc đòi một lon coca-cola bày bán trong cửa hiệu bên đường. Thêm một điềm gở nữa. Vua và cả hoàng tộc vẫn thường xuyên xài hàng viện trợ. Nhưng Nữ Thần Đồng Trinh mà dùng hàng ngoại thì đó là một sự báng bổ. Làm sao khác được, Nữ Thần đã bị dẫn dệu nửa ngày trời qua các đường phố hầm hập vì nắng nóng, nồng nặc hơi người và inh tai nhức óc vì tiếng reo hò. Nữ Thần ngây ngấy sốt. Nữ Thần lả đi. Chỉ đến lúc được nhũ mẫu đổ cho chút nước chết tiệt có hơi ga, Nữ Thần mới lờ đờ ngồi thẳng dậy trên xa giá.
Suốt một tuần Nữ Thần hâm hấp sốt. Lả lướt như một cây sậy. Cả cung điện tấp nập chuẩn bị lễ phong trao cho Nữ Thần mới. Nữ Thần Đồng Trinh là siêu phàm. Người chỉ được là Nữ Thần chừng nào người không bị chảy máu. Trước Sabana, một Nữ Thần Đồng Trinh đã bị phế truất ở tuổi lên sáu vì lúc chạy chơi trong cung, tay vướng vào một chiếc đinh toạc máu. Nữ Thần tiền nhiệm khác thì bị rụng một chiếc răng ở tuổi lên tám. Cũng bị chảy máu.
Sabana làm thần được lâu hơn cả. Tận cho đến tuổi dậy thì.
Mà bắt đầu tương đối sớm. Lúc bốn tuổi. Người ta phát hiện ra con bé xinh xắn không một khuyết tật, không một vết thẹo, không một lần biết khóc, ở tận đầu bên kia của thung lũng. Cả thủ đô nằm gọn trong một thung lũng. Một bức thành núi non vây tròn xung quanh. Có đến hơn chín mươi phần trăm dân số suốt đời quẩn quanh trong thung lũng, sinh con đẻ cái trong thung lũng, rồi cũng chết luôn trong cái thung lũng như một cái chảo rang. Chưa một lần họ vượt núi để ra khỏi thung lũng, ra với thế giới bên ngoài. Thì thần thánh cũng tự tìm lấy trong thung lũng mà phong lên. Tìm mãi mới được hai chục đứa bé. Vòng loại đầu tiên. Lũ trẻ từ ba đến bảy tuổi này bị bỏ vào một căn phòng lúc nửa đêm. Cả phòng chỉ leo lét một ngọn nến. Ẩm thấp. Ngột ngạt. Từng đứa một phòng. Nó vừa đi được một bước thì đá phải một vật lông lá kềnh càng. Hóa ra một cái đầu trâu mới chặt, máu me còn be bét, cặp mắt thô lố trợn tròn. Khắp phòng là những cái đầu trâu, đầu dê, đầu cừu. Trong những vũng máu nhớp nháp trơn chuộc.
Có con bé ngất xỉu.
Có con bé gào khóc, chạy lung tung, vấp ngã, tay cào cấu dứt tóc lăn lộn như hóa dại.
Đa số chỉ đơn giản là rú lên, gọi mẹ.
Chỉ như vậy là bị loại. Cuối cùng còn lại bốn con bé gan dạ và lì lợm nhất. Sabana thậm chí còn cưỡi lên một cái đầu trâu, nhún nhún như chơi ngựa gỗ.
Sang vòng thứ hai. Lại từng đứa được đẩy vào một căn phòng. Vào đi, và hãy chọn lấy một bộ váy áo đẹp nhất. Căn phòng này sặc mùi bụi lưu cữu. Tranh tối tranh sáng.
Ba con bé, hí hửng ôm ra ba bộ sari mới tinh.
Đến lượt Sabana. Con bé khệ nệ bên ra một chiếc áo choàng phủ đầy bụi đã bạc nhiều. Nó thích những đường thêu đã sờn ở đó. Chiếc áo chính là của nữ thần Daneju, kiếp trước của các Nữ Thần Đồng Trinh. Người ta mới làm lễ mượn áo của thần, đưa từ đền thờ Daneju về, bỏ lẫn vào hàng chục bộ váy áo trong phòng.
Bà quản trị trưởng, bà nhũ mẫu và toàn bộ ban quản lý cung điện cùng đám kẻ ăn người làm đồng loạt sụp xuống. Cả một trận mưa hoa dội xuống đầu Sabana. Đã tìm được Nữ Thần Đồng Trinh.
Sabana trị vì trong cung Thần Nữ được những mười năm.
°
Nữ Thần bị truất phế không còn cha mẹ. Chỉ có một người anh ở quê, chả bao giờ ngó ngàng tới em gái. Chỉ liên tục viết thư lên cho bà quản trị trưởng, đòi chu cấp cho gia đình còn bốn đứa em dại. Bà nhũ mẫu không thể đưa Sabana về quê. Bà là nhũ mẫu chuyên nghiệp. Một đời bà đã nuôi chín, mười đời Thần Nữ. Bà lại đang bận túi bụi với Nữ Thần Đồng Trinh mới.
Một bà cung nữ được lệnh tra? Sabana về quê. Bà ta dắt tay Sabana ra bến xe. Y áo tư trang và những tặng vật quý đã được gửi về quê từ trước theo một chuyến xe tốc hành. Hành lý mang theo chỉ là một chiếc túi nhỏ. Bà cung nữ bảo Sabana đứng cạnh một xe khách, trông coi chiếc túi cho cẩn thận. Phần bà ta thì ngác ngơ đi tìm phòng bán vé.
- Lên đi, xe chạy mất bây giờ.
Một người trên xe quát xuống. Chiếc xe ngay cạnh bắt đầu chuyển bánh.
Mấy cánh tay chìa ra từ chỗ cửa lên xe. Thế là Sabana cuống quít chìa tay để cho họ kéo lên.
Chiếc xe đủ khách lao nhanh ra khỏi bến.
Sau mười năm Sabana mới lại đi xe khách. Thần Nữ đi đâu cũng bằng kiệu, bằng cáng, hoặc bằng xe ngựa. Chỉ khi bị truất phế mới phải trở về phương tiện động cơ của thời đại máy móc. Sabana ngồi cạnh một người đàn bà đồ sộ. Khuôn mặt phèn phẹt, chi chít những nốt ruồi to tướng như hạt đỗ đen. Đấy là một kiểu tú bà hiện đại. Nhìn thoáng Sabana, mụ ta biết đây là một con mồi dễ bẫy.
- Cháu về đâu?
Mụ uốn éo cái giọng, chúm chím cái miệng mà hỏi.
- Làng Choti hả? Cô cũng về đấy. Cứ đi với cô.
Mụ bảo.
Xe này đâu có về làng Choti. Xe sẽ cắt ngang thung lũng, đi về phía Ấn Độ. Mụ tú bà vừa kéo được một mẻ lưới nặng. Ở làng ven đô, mụ đã ngon ngọt làm cho dân làng tin rằng mụ là người của một nhà máy dệt bên Ấn Độ sang đây tuyển công nhân. Người ta mừng quýnh, gửi gắm vào tay mụ ba cô gái. Lại còn nhờ mụ lần sau tìm giúp việc cho mấy cô nữa. Ba cô đi tìm vùng đất hứa đang ngồi trước mụ một hàng ghế. Tất nhiên mụ sẽ bán cả ba cô cho nhà chứa ở Ấn Độ. Mỗi cô năm ngàn rupi. Cả Sabana, mụ được thêm năm ngàn rupi nữa. Vậy nên mụ chẳng tiếc gì mà không dám chi tám chục rupi tiền vé cho Sabana, khi người soát vé đến hỏi.
Xe đi được nửa ngày thì tới một trạm kiểm soát. Kiểm soát trước khi ra khỏi thung lũng để vượt đèo sang Ấn Độ. Mụ tú gom cả bốn cô hai chục ngàn rupi thành một mớ, bắt đi sau mụ. Mụ cười cợt lúng liếng với mấy viên cảnh sát. Năm "dì cháu" vừa mới bước qua trạm kiểm soát, định leo lên xe, thì một thanh niên cao lớn nhảy phốc tới.
- Này bà kia.
Chàng trai giật mạnh tay mụ làm mụ suýt ngã ngửa.
Định thần, mụ nhận ra chàng trai. Mụ giằng ra định chạy lên xe. Chạy sao được với một chàng trai như thế. Mụ định hô hoán vu vạ. Chàng trai ấp cả bàn tay to tướng lấp mồm mụ. Mụ vùng vẫy. Chàng trai xốc con mụ đồ sộ lên vai, phăm phăm bước lại trụ sở kiểm soát. Anh ném mụ đánh rầm xuống chiếc ghế băng trong trạm và tường trình sự việc.
Thì ra mới tháng trước con mụ tú bà này mò đến làng anh. Anh là Govinda. Làng anh ở bên kia thung lũng. Mụ định dắt mấy cô gái làng đi xin việc ở Ấn Độ. Nhưng mụ bị phát giác ngay lập tức. Dân làng đã trói mụ lại, định ném đá cho chết. Tội ấy ở làng anh có thể xơi một nhát kiếm bay đầu. Govinda đã xin tha cho mụ đi. Thế mà mụ vẫn chứng nào tật ấy.
Mụ tú bà tru tréo lên. Govinda lại dùng tay lấp mồm mụ lại. Lại xốc mụ lên vai trong chớp mắt. Trước cửa trạm có một vũng lầy. Anh lẳng ngay cái đống thịt trên vai xuống đó. Mụ tú bà ngoi ngóp trong vũng bùn nhầy nhụa khai khắm. Bốn xung quanh tóa ra một trận cười.
Ba cô gái kia biết đường về làng. Người ta chỉ cho các cô ra bến xe để về.
- Em không về với họ sao?
Govinda hỏi, khi thấy Sabana vẫn đứng lại, ngơ ngác nhìn quanh.
- Em về làng Choti.
- Ồ,thế thì em phải đi ngược hẳn lại. Phải quay trở về thủ đô, rồi mới có xe đi về làng em.
Govinda hóa ra cũng đi về thủ đô. Từ đó, Govinda sẽ đưa cô lên xe đàng hoàng để về quê. Sau đấy thì anh mới đi đường anh.
Càng gần tới thủ đô, đường càng chen chúc xe tải. Xe tải túa ra ở đâu mà nhiều thế. Xe toàn chở người. Các loại cờ, các loại khẩu hiệu, biểu ngữ sặc sỡ rợp trời. Người trên xe thì gào thét khua khoắng như được chở đi xem hội.
- Có biểu tình lớn rồi - Govinda lẩm bẩm - Anh thì chẳng ngại, chứ em thì khéo chết chẹt ở đây mất.
Đến trung tâm thành phố, xe không sao nhích lên được nữa. Hành khách bỏ xe, cố lách cho nhanh ra khỏi biển người, tránh tai bay vạ gió. Govinda dắt Sabana chen qua quảng trường. Ra được khỏi quảng trường rồi tính sau.
Thình lình thấy loạt đạn chỉ thiên nổ đùng đùng trên đầu.
Biển người phình ra, òa ra, vỡ tung ra ở một góc quảng trường. Những lá cờ, những khẩu hiệu, những biểu ngữ giật mình rơi đâu cả. Người ta xô nhau chạy. Đạp lên những biểu ngữ khẩu hiệu mà chạy. Đạp lên những người ngã mà chạy. Chạy ồ ạt về cái góc quảng trường chưa bị chắn bởi hàng rào cảnh sát.
Sabana bị giật tung khỏi tay Govinda. Bị cuốn theo dòng người tháo chạy. Chiếc túi xách rơi mất từ lúc nào. Sau vài cái chớp mắt thì biển người cũng biến mất. Chỉ còn có cô và thưa thớt vài chục người chạy xung quanh. Toán người đang lao đầu về phía một đơn vị cảnh sát dàn hàng ngang. Trong tay họ là dùi cui, là lá chắn, là gậy mây. Và cả súng.
Toán người sững lại. Rồi nhận ra là đã cùng đường, cả toán người lại lăn xả vào đám cảnh sát. Thật là như trứng chọi đá.
Sabana bị quất một dùi cui vào vai.
Tỉnh ra, cô thấy mình bị lôi sê sết trên mặt đường. Bị nhấc bổng. Bị ném vào một thùng xe. Cửa đóng sập lại. Xe lao vút đi. Chốc lát sau đã bị đẩy vào một phòng giam kím bưng.
Không phải là phòng. Đúng là một dãy nhà giam dài hun hút. Mỗi một ô ngăn nhồi được ít nhất năm chục người. Bị xô dúi dụi vào đám người đã ngồi trong đó từ bao giờ, Sabana vừa lóp ngóp bò dậy thì một người đàn bà đã túm lấy hỏi:
- Cánh hữu hay Liên minh Tự do?
- Cánh hữu là gì? Liên minh Tự do là gì?
Sabana hoảng hồn hỏi lại.
Lập tức một toán người ở phía trong nhảy xổ ra: "Đả đảo Cánh hữụ" Lập tức toán của người đàn bà cũng chồm dậy: "Đả đảo Liên minh Tự do."
- Không, cháu không phải là Cánh hữu - Sabana run rẩy - Cháu không là Liên minh Tự do.
- Thế thì thuộc mặt trận Tiên phong chúng tôi.
Nhóm thứ ba thét lên.
- Thế thì thuộc Mặt trận Nhân dân chúng tôi.
Nhóm thứ tư gào lên.
Tức thì cả hai nhóm nọ hô dậy đất: "Đả đảo Mặt trận Tiên phong. Đả đảo Mặt trận Nhân dân."
Bị dồn vào chân tường, Sabana phải thét lên. Như nhiều lần thét trong cung Thần Nữ:
- Ta là Nữ Thần Đồng Trinh Sabana đây.
Tất cả chựng lại giây lát. Họ mù chữ, nhưng ai cũng đã từng nhìn thấy ảnh Nữ Thần Đồng Trinh treo ở nơi công cộng. Ngờ ngợ. Nhưng rồi tất cả lại trào lên:
- Cách mạng đả đảo vua chúa, đả đảo thần linh.
Họ xúm lại giằng giật Sabana. Cô khóc òa, xua tay chối. Nhóm này đấm. Nhóm kia tát. Nhóm khác vặn tay, giật tóc, xô cho ngã dúi. Xong rồi họ lao vào nhau, hô khẩu hiệu. Đánh đấm nhau túi bụi. Cho tới lúc mệt phờ. Mỗi kẻ ngã vật ra một nơi. Chảy máu. Tóc bị giật đứt. Áo quần tả tơi.
Thế mà tất cả họ đều là đàn ba..
Thế mà té ra họ chẳng thuộc cánh nào cả.
Người ta mang xe đến làng này, ném cho một mớ khẩu hiệu và cờ. Bảo: "Ủng hô. Cánh hữu nhé." Vậy là tất cả lên xe. Người ta đến làng khác. Bảo: "Ủng hộ Mặt trận Tiên phong nhé." Cũng lên xe. Cũng đi. Tất nhiên là mỗi đầu người đã được phát hai chục rupi và hai hộp đựng suất ăn trưa ăn tối. Coi như được một chuyến đi chơi thủ đô không mất tiền.
Cuộc đấu khẩu và đấu cả tứ chi của đám đàn bà lại nổ ra, khi họ hồi sức. Cứ thế suốt đêm, Sabana đã khôn hồn trốn vào một góc xem đánh nhau. Đánh nhau và hô khẩu hiệu. Cứ như là ở trong này họ đánh gục được nhau thì ngoài kia cuộc cách mạng do lãnh tụ của họ tiến hành sẽ thắng lợi.
Cảnh sát quá quen xử lý những cuộc cách mạng kiểu này. Sáng ra, tất cả bị nhét vào những thùng xe tải bọc lưới sắt. Ra khỏi thủ đô, họ thả đám biểu tình xuống. Biết đi biểu tình thì cũng biết đường về.
Sabana lẩn thoát được khỏi tay những mụ đàn ba đêm qua. Lâu sau, con đường vãn người, Sabana tuyệt vọng ngồi lại bên đường. Biết đâu là đường quay lại thành phố.
Một bóng người đến bên cạnh: - Sabana đây rồi. Từ sáng tới giờ anh đi qua đi lại chỗ này hàng chục lần để tìm em.
Govinda! Govinda đúng là cứu tinh của cô.
Thì ra Govinda cũng bị bắt nhốt trong cùng dãy nhà tạm giam ấy. Trong khu trại nam. Người ta cũng hỏi anh thuộc cánh nào, đảng nào, sau rốt thì họ cũng lao vào đánh nhau và bỏ quên anh. Tất nhiên họ không thể bắt nạt một chàng trai kiên cường vạm vỡ như đã bắt nạt Sabana.
- Thôi để anh đưa em về tận làng. Ai mà biết được có cuộc cách mạng nào nữa hay không.
Trên chuyến xe đi về miền tây thung lũng, Sabana muốn làm cho Govinda ngạc nhiên bằng điều tiết lộ rằng cô chính là Nữ Thần Đồng Trinh.
- Anh không biết Nữ Thần Đồng Trinh là gì. Ở quê anh không thờ thần linh nào cả.
- Vậy chắc là anh không sợ em?
- Sao anh lại phải sợ em? Anh hơn em mười tuổi. Anh to lớn thế này. Và em đáng yêu như thế kia cơ mà.
Hai người về tới nhà Sabana. Căn nhà cao nhất làng. Lòe loẹt phô trương ở ngay đầu làng. Ông anh Sanjay của Sabana nay là một anh chàng hăm lăm tuổi. Chẳng còn dấu tích gì của người anh hồn nhiên ngày xưa. Mười năm qua, anh ta lo xây cái nhà, lo lấy vợ và nuôi bốn đứa em. Nhờ tất cả vào bổng lộc của cô em gái Thần Nữ gửi về. Vận may đã biến anh ta thành một gã trai lúc nào cũng sợ mất nhà mất của. Sanjay hoảng hồn như thể Thần Chết Yama giả dạng Sabana bước vào.
- Có ai gặp em trên đường không? Có ai nhìn thấy em bước vào nhà không?
Sanjay đảo mắt nhìn quanh, lắp bắp hỏi.
- Không có ai cả.
Govinda trả lời thay Sabana.
Sanjay tức thì nắm vạt áo sari phủ kín cả đầu cả mặt Sabana, rồi đẩy cô đi vội. Đi với anh ngay. Nhỡ có ai nhìn thấy em thì em sẽ chết già xó cửa mà không lấy được chồng. Cả làng đều biết em là Nữ Thần Đồng Trinh. Không một đứa trai làng nào dám lấy em làm vợ. Người ta tin rằng chồng của Thần Nữ sẽ chết non. Chết bất đắc kỳ tử.
Ra khỏi làng khá xa, Sanjay mới đứng lại:
- Nhận được tài sản của em gửi về, nhận được cả tin em sẽ trở về, anh đã nhờ sẵn một bà ở làng bên đưa em sang Ấn Độ. Bà ấy hứa sẽ kiếm cho em việc làm ở một nhà máy dệt bên ấy. Có công ăn việc làm rồi, bà ấy sẽ lo cho em một tấm chồng.
Govinda bừng bừng tức giận:
- Thôi đi, tôi biết những con mụ kiểu ấy. Tôi biết những công ăn việc làm kiểu ấy.
Govinda kể. Sabana kể. Chuyện mụ tú bà suýt mang cô đi. Sanjay cứng đờ ra. Đến như vậy, anh ta chẳng còn biết làm gì với đứa em gái tội nợ đột ngột trở về.
- Tôi mang Sabana về cho anh. Đâu có biết lại làm cho anh khổ sở thêm như vậy.
Govinda lên tiếng. Nhưng chẳng có ai biết nói gì thêm nữa.
- Cô ấy đã về đây cùng với tôi. Thôi thì hãy để cô ấy ra đi với tôi.
Sanjay thở phào. Sabana rưng rưng nước mắt.
- Làng tôi ở bên kia thung lũng. Làng Vasant. Khi nào muốn, anh có thể sang đón cô ấy về.
Sabana òa khóc, gục đầu vào ngực Govinda:
- Anh không sợ vì em đã từng là Nữ Thần Đồng Trinh hay sao?
- Anh đã nói rồi. Ở quê anh không có thần linh để sợ.
°
Tôi đã gặp đôi trai gái ấy. Khi họ đã thành vợ thành chồng.
Lạ lùng thật, cách họ một dãy núi, ở phía bên kia là cái thung lũng quê hương của Sabana. Trong cái thung lũng như lòng chảo, núi non vây tròn quây gọn xung quanh, con người ở đấy chẳng bao giờ biết đường chân trời là cái gì. Ngước mắt nhìn lên chỉ thấy núi xám xịt. Trong cái thung lũng chật hẹp quẩn quanh ấy có đủ các cuộc biểu tình lớn biểu tình nhỏ. Có đủ các nhà chứa lớn nhà chứa nhỏ. Có các Nữ Thần Đồng Trinh mới được phong thần, thay thế cựu nữ thần thất sủng vì bị chảy máu.
Thế mà chỉ vượt qua bức thành núi non, ra khỏi thung lũng, sang hẳn bên kia núi là đến một đồng bãi phì nhiêu. Ở đó có đường chân trời.
Ở đó có hai người yêu nhau. Làm ăn mà yêu nhau.
 

Xem Tiếp: ----