Phòng khách của tôi là trường đại học của tôi. Nói thế lại có người bảo biết học thì đâu chả là trường đại học. Quán nước chè năm xu ngày xưa của các nghệ sĩ ngày trước. Vũ trường đêm màu hồng của đám trẻ bây giờ. Cái bờ nước ven hồ Tây, trẻ con bà già nhem nhuốc lội bì bõm, thò tay qua hàng rào, chạm tay ướt vào những cặp đê mê trong cà phê vườn mà xin vỏ lon bia lon cô ca. Đấy cũng là trường đại học.
Trường sở thật sự thì chay tịnh. Dạy chay. Học chay. Ngủ chay gật gù giữa hai ợ kiến thức. Tôi học đến năm thứ ba viết văn bất thành cú. Thầy khen tuyệt vời số dách năm bờ oăn. Thầy đều là thỉnh giảng của trường. Thầy đều là thực khách thường xuyên phòng khách nhà tôi. Bố tôi mời các thầy cốc tay tiệc đứng tiệc ngồi. Bàn tròn bàn vuông. Chia tay đại sứ cũ đón đại sứ mới. Giới trí thức thủ đô có dịp gặp giới ngoại giao, tiền đề cho những lời mời đến sứ quán dự chiêu đãi quốc khánh, sinh nhật quốc vương, sinh nhật nữ hoàng. Giới thầy bà rầm rập tiến vào trong cờ hoa nghênh đón bao ngày mỏi mắt chờ trông của đám ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội. Phòng khách nhà tôi thành phòng chờ, tiền trạm, trạm trung chuyển, trung tâm đảm bảo tư cách, trung tâm dịch vụ chắp nối.
Đang nói chuyện tôi mới học đến năm thứ ba. Chính xác là hai rưỡi. Học đến đó tôi mới biết mình học nhầm sang môn khảo cổ học. Được dạy cách khai quật nhẩn nha dây dưa cho tới khi tốt nghiệp chắc mới thôi. Văn học dân gian, văn chương cổ điển, trung đại, cận đại, văn chương đầu thế kỷ hai mươi, văn học hiện đại. Chỉ trừ văn chương đương đại. Thói đời người đã chết là người khá nhất trong nhà. Một tư tưởng đã xanh cỏ đáng giá hơn những điều mang trong đầu một người còn biết thắp hương. Người đã chết được khai quật, mở ván, mông má, được soi chiếu, giám định, xác định niên đại. Lật sấp lật ngửa. Dựng lên hạ xuống. Tua đi tua lại. Quay nhanh quay chậm cắt lát chồng hình.
Đến đó tôi mới biết mình sẽ thành nhà khảo cổ. Ở phòng khách các thầy vẫn bền bỉ khen ngợi trình độ học lực của con trai ông chủ tiệc. Nhưng tôi biết ngành khảo cổ xứ này còn chỗ cho mình. Tất cả đã được phân bổ chỉ tiêu chia bôi mảnh ruộng ba sào. Di sản văn hoá trống đồng có vẻ đã cạn. Thánh địa Mỹ Sơn được di sản văn hoá thế giới coi như đã tới đỉnh khảo cổ văn hoá Chàm. Thành cổ Hà Nội bắt đầu lộ thiên vội đến ngàn năm Thăng Long không thể chờ tôi là người đầu tiên phát hiện.
Tôi tự ý rời trường, theo một thầy dạy võ. Văn chả được thì võ.
Thì võ vậy. Võ sư do bạn bè dẫn mối. Mặt xương xương khả ái. Tôi không chịu được đàn ông một đống mặt một đống bụng. Võ sư chững chạc cân đối. Chỉ mỗi tội chiều cao 1 mét 55. Đàn ông 1,55 mét là lùn lắm. Dắt cái xe máy đi là không rõ người dắt xe hay xe dắt người. Buổi tập đầu tiên tôi nhìn xuống thầy từ tầm cao 1 mét 80, cao lớn thẳng thớm như thế tôi chẳng cần võ Tàu võ Tây, thầy võ nghệ cao cường cũng đố làm cho tôi cúi đầu xuống được. Tôi thách mãi thầy cũng chiều. Thầy đi qua đi lại trước pho tượng mét tám nhất quyết đứng thẳng rồi thình lình tung một quả đấm vào bụng tôi. Tôi hoảng hồn, vội gập người đẩy cái bụng thụt ra phía sau, thế là chỉ chớp mắt thầy vỗ đùi vút lên như một con chim sẻ, đậu vào cổ tôi, hai đùi kẹp chặt vít xuống lăn lóc sóng soài.
Từ phút ấy tôi mới thực hiểu người đời nhất lé nhì lùn. Tất nhiên vế trước vẫn còn giữ trong ngoặc đơn bảo lưu.
Tôi theo võ sư được vài năm. Võ sư thêm vào phòng khách bố tôi một thực khách. Đóng bộ vào trông anh nhỏ bé xa lạ giữa đám giáo sư văn giẫm chân lên khảo cổ. Những cặp kính lão loạn viễn cận không nhìn ra bắp thịt cuồn cuộn chảy ngầm bên trong trang phục. Ông giáo sư uống nốt ly vang đỏ, bỏ cái ly vào túi áo vét mà nói một cách đầy tự tin rằng võ nghệ quá lắm chỉ đánh được dăm ba người, văn chương đánh được dăm bảy vạn người. Tôi thực hiểu thái độ võ sư khi anh lễ phép đáp rằng quả đúng thế. Tôi cười cười phụ hoạ. Nhưng kẻ quan sát nấp kín trong người tôi đã đánh tín hiệu cho võ sư, võ sư ngay lập tức thọc tay vào túi áo vét giáo sư, lôi ra cái ly pha lê Pháp trả lại bàn rồi gạt tay một cái. Cả đống ly chén bát đĩa tới tấp khắp phòng, Tề Thiên Đại Thánh đang ra tay đại náo thiên cung.
Tất nhiên chuyện tương tự như thế không hề xảy ra. Tôi chỉ tách mình ra khỏi mình một chút mà thôi. Một bó chỉ ngũ sắc thỉnh thoảng rút ra một sợi. Lúc trước tôi rút ra một sợi tôi bỏ học ở năm thứ ba. Một sợi tôi thấy võ sư đại náo đám học giả. Kẻ rút sợi là tôi sẽ còn thỉnh thoảng rút nữa.
Võ sư nhã nhặn. Tôi cũng nhã nhặn. Sự nhã nhặn giả dối này không phải là tôi. Hình như linh cảm xúi tôi hãy ngậm miệng chờ thời. Thành ra cái ly pha lê theo ông giáo sư về làm con nuôi. Bộ ly tan đàn chỉ còn lại năm. Chúng theo bố tôi về trong một chuyến đi Pháp. Ông đang lang thang trong siêu thị, thình lình chuông báo động còi báo động inh ỏi rền rĩ. Hai gã trai gốc Á vừa chạy thoát khỏi cửa, ôm hai túi đồ như ôm con chạy. Kể từ phút ấy, tất cả những người gốc Á đầu đen mũi tẹt còn lại trong siêu thị đều mang bộ mặt kẻ cắp. Cái nôi văn minh của loài người đã gửi sang châu Âu rặt những kẻ mắt một mí đưa đẩy gian xảo, ngứa ngáy tắt mắt giữa choáng váng đèn vàng châu Âu. Bố tôi không định mua gì, nhưng tình thế đã đến lúc ông không thể không mua một cái gì. Hộp cốc pha lê ông ôm qua cửa hôm ấy giống như đứa bé mà người ta bắt buộc phải có nếu muốn xuống xuồng ưu tiên đàn bà trẻ em rời khỏi tàu Titanic. Hộp cốc là cái thẻ an ninh, là một tấm biển đảm bảo trước ngực, một lời thanh minh: Không phải tôi.
Trở lại mối thâm tình gắn bó tôi và võ sư. Mối tình thân có truyền thống từ những chiến binh cổ đại. Những người trẻ với nhau khoẻ với nhau tập tành với nhau, nếu cần thì xả thân vì nhau. Môi trường của những người trai không có bóng thê nhi khi bức bách thì tự xử lý. Việc học võ tôi không thắc mắc gì. Năng lượng trẻ trai phải được giải toả, không bằng phép tinh thần thì phải bằng cái quần quật thể chất. Tôi không quan tâm đến chuyện đánh dăm ba người hay dăm ba vạn người.
Cho tới một ngày.
Quãng đường vắng. Đèn đêm đồng loã tắt hết. thình lình mấy con tôm rồ máy xông ra từ một ngõ tối. Một con vọt lên đánh võng chặn đằng trước. Hai con nướng chả ép giò hai bên. Hai con đằng sau băm băm xóc ốc. Một mũi dao lành lạnh bên sườn. Một giọng nói ngọt ngào dỗ dành anh giai cho mượn con xe. Tôi làm theo ngay. Tôi dừng xe. Xuống xe. Trao xe. Trong đầu vẫn nhớ mình có võ, võ hơi bị được hẳn hoi. Mắt vẫn thấy ở phía trước, bên kia đường một trạm xăng còn sáng đèn, một nhân viên bơm xăng rất có thể trở thành đồng minh.
Bây giờ ngồi nghĩ lại mới hiểu lúc đó tôi phản ứng như một độc giả trung thành của báo an ninh. An toàn cá nhân được thấm nhuần triệt để. Võ nghệ chủ động thì đánh được dăm ba người, khi bị động thì không đánh nổi một người. Năm năm võ Tàu bảy năm võ Tây không bằng võ củ đậu bay. Đấy là chưa kể đồng bọn trấn lột còn ẩn nấp bên đường.
Một thằng tức thì nhảy lên ngựa lên con dem của tôi. Nó thành thạo thoáng nhìn kim đồng hồ đo xăng rồi quay hỏi xin anh giai cái chìa khoá mở hộp. Thằng chó chết tinh mắt thấy xăng đã cạn, ổ khoá xe tôi đã thay bằng ổ khoá tròn, hộp xe vẫn dùng chìa cũ. Tôi lục túi quần đưa nốt cái chìa khoá hộp. Cả bọn kềnh càng nghênh ngang tiến vào trạm xăng dềnh dàng đổ đầy một bình.
Đến thế tôi chỉ muốn có một que diêm để búng vào vòi xăng. Cũng phải đến thế tôi mới mong đêm nay lũ khốn này sẽ lao vào một cuộc đua xe tan đầu nát mặt
Võ sư chia buồn về cái xe. Lại bảo tôi phản ứng thế là đúng, người giỏi võ không bao giờ dụng võ. Tôi không nghi ngờ triết lý này. Chỉ nghĩ cớ gì anh vẫn còn dạy võ, cớ gì tôi vẫn còn học võ. Triết lý thế chẳng hoá ra người không có võ mới là kẻ được trục lợi từ người có võ.
Tôi lẳng lặng bỏ võ sư. Tinh thần chiến binh, tinh thần hiệp sĩ cáo chung ở cuối thế kỉ hai mươi thực ra là quá muộn.
Tôi trở lại phòng khách. Thầy dạy võ không bao giờ trở lại phòng khách nữa. Thầy cư xử như một giáo sư thỉnh giảng tự trọng, mãn khóa rồi thì không lảng vảng, ve vãn làm gì.Các giáo sư văn chuyên gia phân tích xác ướp vẫn cầm ly cốc tay lượn vè vè khắp phòng tìm đầu ra ngoại quốc. Thêm mấy nhà dính líu đến lịch sử, máy tính, doanh nhân mới đoạt giải sao xanh. Một ông dụ tôi về với lịch sử. Tôi đã chán cái đời lang thang dở dang từ văn sang võ, gợn nghĩ có lẽ đến lúc neo đậu bến quê, tôi mỉm cười. Mỉm cười ở đây được hiểu là thôi thì nhắm mắt đưa chân. Ông sử đầu bù răng bựa tức thì có ngay vẻ mặt của người đang đồng hành với lịch sử.
Hội thảo chọn một ngành nghề cho tôi đang sôi nổi thì một âm thanh khiếm nhã thoát ra từ dưới chỗ ngồi của ông sử. Bíp một cái. Xa lông các phòng khách bây giờ có mốt bọc đồ giả da, bóng lộn trơn nhẫy và hay có hiệu quả âm thanh phụ. Bíp một cái bủm một cái bỉm một cái là chuyện thường. Rắm rởm nhiều nên lỡ có cái thứ thiệt cũng khó phân biệt. Kêu to đích thị là thùng rỗng, rắm kêu cũng như chó sủa thì không cắn, vô hại. Biết thế, tôi vẫn làm ra vẻ hơi giật mình theo kiểu tôi nghe thấy rồi đấy. Mấy vị ngồi cạnh ông sử mặt buồn ngây ngô theo lối vô can, vội vàng đưa cái nhìn sang phía ông theo kiểu tôi cũng nghe thấy từ phía ấy. Một biến thái của kiểu chối cãi không phải tôi.
Ông sử đã lường trước được sự phản bội hấp tấp của đám khách sang trọng trong một phòng khách sang trọng. Miện vẫn thao thao kể chuyện tiếu lâm “lịch sử là cái thằng cha nào mà nó bắt chúng ta gồng gánh cái sứ mệnh hao người tốn của đến thế”, miệng kể chuyện, ông đánh mông thuần thục một thao tác trượt, trượt theo kiểu nhúc nhắc bên phải một cái bên trái một cái rồi trượt sát sạt trên bề mặt giả da. Bíp. Bủm bỉm. Bủm bỉm. Những ai vừa mới thoáng nghi ngờ thì bây giờ vỡ lẽ. Chỉ tại cái xa lông. Bủm bỉm. Bủm bỉm. Bíp. Bíp.
Đến chỗ này, để tiếp tục, tôi xin phép chưa rút thêm một sợi chỉ. Mà chỉ là lật lên một lá bài hồi ức.
Ông sử không xa lạ với gia đình tôi. Ngày bà vợ ông, nay đà quá cố, đi dự hội thảo ở Mỹ, tôi mang gửi bà cầm sang cho bố tôi một cuốn sách. Hình như là một cuốn thuộc loại ngủ đi em mộng bình thường. Nước Mỹ thường xuyên mất ngủ ở Seattle cần nhiều cuốn sách như vậy. Bà vợ ông trưng bày ở phòng khách cái va li mở toang của mình, đồ lề được sắp xếp sao cho dễ thấy nhất ở bên trên là đồ lót và chiếc lược giắt đầy tóc. Mấy người ôm bọc lớn bọc nhỏ vây quanh bà, định tranh thủ gửi không cước cho chồng con em cháu bạn. Bà vẩy tay về phía cái va li chật cứng bảo còn chỗ đâu mà đút, nếu còn chỗ thì chị cho các em đút chứ chị tiếc gì. Đám người không còn chỗ đút rút lui ê chề. Chỉ còn lại mình tôi. Tôi chìa ra cuốn sách như liều an thần cho nước Mỹ. Lại điệp khúc còn chỗ thì cô cho cháu đút ngay. Ông sử phụ hoạ: Còn một chỗ nhỏ cũng cho đút. Bà vợ bảo sao mãi hôm nay mới gửi. Ông sử: Sao mãi hôm nay muộn thế mới gửi. Bà sử: Thanh niên mà thế à. Ông sử: Thanh niên mà chậm chạp thế à.
Bà quăng ra một câu, ông đớp lấy, rắc thêm một tính từ làm gia vị. Ông sử bên cạnh vợ theo kiểu bảo vệ tiếp cận sẵn sàng lấy thân mình chồm lên đón đạn thay thân chủ. Nhâu nhâu nói leo đến mức chủ cũng bực mình. Bà sử bất chợt quát chồng, thôi đi anh, rồi bảo đưa cô xem. Bà nâng cuốn sách trên tay như cân nhắc trọng lượng kích cỡ, xoa xoa bóp bóp vuốt vuốt một lát thì gật gù thôi đành, bỏ tọt vào va li. Rốt cục bà vẫn còn chỗ để đút.
Ông bà là một đôi sam quấn quýt hiếm thấy. Chỉ có những chuyến xuất ngoại của bà mới tách được họ ra. Ông nghiên cứu viết sách giảng dạy lịch sử nước Mỹ và lịch sử Ai Cập là những nơi ông chưa bao giờ đặt chân tới. Thứ ngôn ngữ tệ hại của những vùng đất ấy ông cũng không sử dụng được. Bà đi Mỹ dự hội thảo tơ tằm, bà có việc của bà, nhưng riêng tư thì như một kiều bù trừ cho chồng, một kiểu báo hận chồng đền nợ nước.
Ông thì nhìn bà ngưỡng vọng, bà như ước mơ đau đáu một đời vật vã ngược dòng lịch sử của ông. Bà bốn lăm ông năm chín, bà váy ngắn ông quần bò, đi đâu cũng ríu rít cốm non như liên đội phổ thông cơ sở. Đùng một cái bà có khối u trong não, bà đi rất nhanh. Ông quay cuồng dứt tóc gào khóc như một bà nhà quê chết đời chồng thứ ba. Khóc cho cả ba lần dồn góp. Khóc cho chứng tỏ đến lần thứ ba vẫn không chai sạn nỗi đau. Khóc cho em nghe em thấu em hỡi em hời. Khóc cho em hiểu lòng anh em ơ ơ hờ.
Xin đừng phạt vi cảnh tôi vì giữa nơi công cộng đã miêu tả nỗi đau người khác bằng nụ cười nên nhịn. Người có bộ mặt đau khổ nhất trong đám tang hôm ấy là sếp của bà sử, ông vụ trưởng kiêm trưởng ban lễ tang đọc điếu văn cũng phải bấm bụng nén cười. Tôi phải kể lể một chút như vậy để dễ hình dung hơn việc tám tháng sau ông sử cưới vợ, vợ Mỹ. Chỉ có tám tháng. Như thế ông chỉ chờ cho vợ chết để lấy vợ mới.
Từ ấy trong tôi bừng bừng kết luận vợ chết mà khóc như cha chết, khóc ơ hờ ơ hời, đánh đu lên cả quan tài làm quan tài suýt đổ, hai người con trai mười tám đôi mươi phải xông tới giật bố ra xốc nách lôi đi, khóc như thế chỉ tổ càng chóng đi lấy vợ mới. Đàn ông nhiều nước mắt và trường giọng nỉ non luôn luôn cần có vợ làm chỗ dựa, mất chỗ dựa này thì phải mau mau dựa sang chỗ khác.
Phòng khách vẫn lớp lớp người đến lớp lớp người đi. Mỗi lớp là một học kỳ chuyên tu tại chức của tôi. Một tiệc ngồi là học kỳ ba tháng có bài kiểm tra. Một tiệc đứng là học kỳ sáu tháng có tiểu luận. Tiệc trà tiệc cốc tay là bài kiểm tra giữa giờ linh tinh không kể. Tôi quen dần chả thấy phải gắng công khổ sở gì cho lắm. ta sinh ra ở một đất nước thơ ca. Ta có dân ta hầu như ai cũng biết ghép vần thành thơ, ho ra thơ thở ra văn hắt hơi ra tiểu luận.
Lại những bóng người cầm ly rượu di chuyển khắp phòng tìm đầu ra đối tác bạn đồng nghiệp. Rượu đổ chỗ này. Đĩa vỡ chỗ kia. Cả đống giấy ăn vò nhàu ném hết xuống gầm bàn gầm ghế, thói quen Dao Chỉ khó bỏ. Tất cả vì một cái nền văn học, sử học, khoa học nhân văn, khoa học com piu tơ bình dân gọi là tin học, luật học, khoa học quản trị kinh doanh. Tôi đi dạo trong rừng khoa học lòng hoang mang chưa thấy ánh đèn le lói ngôi nhà phía xa để xin trú nhờ qua đêm.
Bộ pha lê Pháp có thói quen thay thầy đổi chủ. Chẳng bao lâu một chiếc lại bỏ đi, theo về nhà ông sử. Tôi nhìn thấy ông bỏ cái ly vừa uống cạn vào túi quần, sửa sang kéo vạt áo vét che cái cục cồm cộm lềnh lệch. Chỉ khi khách khứa tan hết rồi, tôi mới chỉ cho bố thấy bộ cốc chỉ còn lại bốn chiếc. Bố như đã biết tỏng từ lâu gạt đi ngay thôi con ạ, người ta nghèo. giọng ông đầy cảm thương. Hễ có một nhân vật đáng kính sơ suất để lọt ra tiếng bíp trên xa lông, ông lại như giật mình nhìn về phía ấy, kiểu nhìn không buông tha, kiểu nhìn đòi được giải thích cho kỳ được. Tôi giống bố ở điểm này. Đám thực khách khốn khổ cứ phải giấy giụa trên xa lông, trằn mông trượt khu gây ra những âm thanh nhân tạo chứng tỏ không phải tôi. Bủm bỉm bủm bỉm. Bíp. bíp.
Thôi con ạ, người ta nghèo. trong mắt người đời ông sử không còn nghèo nữa. Lấy Mỹ cơ mà. Phòng khách nhà tôi là nơi hai đối tượng tình yêu gặp nhau, tiếng sét ái tình nổ ra ngay từ cái nhìn đầu tiên. Em là người Mỹ nhưng em tên là Hồng. Yêu nhất là cái chữ nhưng ấy, ông bảo. Chỉ là một chữ mà lịch sử phải đi hơn một trăm năm kể từ sứ thần Bùi Viện. một chữ nhưng nối giữa hai mệnh đề như nhịp cầu hoà giải.
Đến đoạn này thì tôi cho biết ông sử và cô Mỹ Rose Hồng đang gỡ bí cho câu chuyện từ đầu tới giờ thiếu tình yêu. Truyện không có yêu đương tươi mát ma nó đọc. Vậy thì để tỏ lòng biết ơn, nào ta hãy cùng đồng thanh nhắc lại lời cô. Em là người Mỹ nhưng em tên là Hồng. Một hai ba. Giọng phải hơi chơn chớt ngọng nghịu như ca sĩ Nam hát giọng Bắc. Em là người Mỹ nhưng em tên là Hồng. Một hai ba.
Cô Hồng học tiếng Việt ở Cali, một thứ tiếng Việt Hà Nội đầu những năm năm mươi thế kỷ hai mươi, sau thành giọng Bắc di cư, rồi tung tẩy một phần tư thế kỷ ở nắng gió Cali mà bây giờ thành ra một giọng chấp chới nửa ba nửa bốn như giọng Thanh. Cô Mỹ theo Việt Nam học, rất thích giai thoại lịch sử Lê Lai liều mình cứu chúa, cho nên vừa gặp ông sử là cô Mỹ mê ngay, mê cái sự liều mình của ông dạy sử Mỹ mà chưa hề đến nước Mỹ, mê sự khảng khái trí thức – nói chuyện với người Mỹ chỉ nói bằng tiếng Việt và chỉ tiếng Việt mà thôi.
Cô Mỹ đã qua ba đời tình với người gốc Việt. Cô xanh rờn bảo những bồ ấy không còn là người Việt nữa, mặc dù vẫn đầu đen mũi tẹt. Cô đã lên sân khấu cộng đồng thưa thớt dăm bảy chục người mà hát dân ca bà rằng bà rí, chồng gì mà chồng bé. Cô Mỹ cao mét bảy tám, mấy anh bạn trai chỉ đến tai, người Việt lại bảo chồng thấp vợ cao như đôi đũa lệch so sao cho vừa. Đó là thời kỳ cô Mỹ đi làm phiên dịch ở một bệnh viện cho người Việt. Bệnh nhân là những người Việt ban đêm là nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ, ban ngày thành đạt trong nghề thợ mộc, thợ may, thợ nề, thợ làm đầu, đánh máy vi tính... như cầy nhà lá vườn của cộng đồng. Một co bé mười bốn tuổi khai bệnh rằng cô nghi trong người có u. Cô Mỹ dịch thế nào mà bác sĩ chuyển co bé sang khám phụ khoa vì hiểu rằng cô bé có chửa. Về sau cô Mỹ thanh minh rằng ở đồng bằng Bắc Bộ u là mẹ, cô tưởng cô bé kia dùng tiếng lóng thử thách kho từ vựng của nữ nông thôn.
Em là người Mỹ nhưng tên em là Hồng. Chỉ một câu Tây mắm tôm làm ông sử choáng váng xây xẩm đến rần rật khắp người. Hình như hễ dính dáng đến sử học là có tính dâm dật, người ta dính cái vô độ truyền nhiễm từ các triều đại đế vương. ông sử cắp ngay cô Mỹ đi điền dã thực địa những nơi mỗi nắm đất là một pho lịch sử. Ông đưa cô Mỹ về quê. Cả làng mừng cho ông vợ chết tám tháng nay đã có người nâng khăn sửa túi. Cả làng lượn quanh cầu ao mỗi sáng cô Mỹ theo đất lề quê thói ra ngồi cầu tõm tụt quần thả mồi nuôi cá. Cả đàn cá đói hung dữ sùng sục quằn quẫy bên dưới, cô Mỹ chấp tất, cô cứ kiên cường rung rinh trên mấy nhịp cầu tre.
Tôi đã có lần nói phòng khách nhà tôi là trạm chuyển tiếp. Ai đến đó cũng ao ước có ngày được lọt qua màng lọc, lên tới phòng khách chiêu đãi của những đại sứ quán ở Hà Nội. Phòng chiêu đãi sứ quán, những đại sảnh, những banquet hall ở khách sạn sang trọng mới là cái đích vinh quang. Hoạt động tíu tít quanh năm ở những nơi này tạo nên loại người chuyên môn đi ăn tiệc. Người Á Đông coi miếng ăn là miếng nhục, để sỉ nhục được tức thị miếng ăn là to, tôn vinh cho ngồi mâm trên, chưa đến tầm thì mâm dưới, không có tầm thì ăn xó ăn niêu. Được mời đến ăn, mà Tây mời, thì cũng đáng tất bật ngược xuôi để vận động gợi ý giới thiệu tiến cử.
Bố tôi dắt tôi qua nhiều phòng chiêu đãi như vậy. Hình như ông có ý cho tôi trải nghiệm thực tế giao tiếp lễ tân để dần dà làm chủ phòng khách gia đình, để dẫn dụ đưa đẩy mối manh giữa tầng lớp chuyên gia ăn tiệc mới hình thành. Lực lượng này cũng non trẻ hãnh diện như lực lượng tư sản dân tộc, như cánh giàu xổi nouveau riche mới hình thành từ sau tám sáu.
Những bậc những nhà là thực khách thường xuyên ở phòng khách nhà tôi lần này thấy mặt trăm phần trăm ở phòng tiệc sứ quán. Một tỷ lệ đỗ đáng thèm ước cho tất cả các trường học. Ông sử tung tăng khoác tay vợ mới đi vào. Đám thực khách bản xứ phũ phàng xé toạc hai người ra làm đôi. Cô Mỹ bị quây chặt để thử thách trình độ đối đáp tiếng Việt. Ông sử bị bỏ rơi đi vẩn vơ qua rừng ly cốc cà phê.
Em là người Mỹ nhưng tên em là Hồng. Cô Mỹ được tán thưởng, tiếng Việt của cô càng uốn éo luyến láy vô tội vạ như ca sĩ Ánh Tiết. Kiểu người như cô thường không thể lấy đàn ông Âu - Mỹ. Đều thế cả những người theo mốt nhìn sang phương Đông, cải sang một cái đạo châu Á, bỏ cái dìa phuốc sét chuyển sang ăn đũa ăn bốc ngồi bệt ngồi quỳ. Họ trống vắng lạnh lùng trong xã hội của chính mình như những người bất bình thường. Không dưng chẳng có lý gì họ như thay máu, chuyển sang vật vã quay cuồng mê mẩn một nền văn hoá không thuộc về máu thịt của họ. Cô Mỹ bây giờ còn nói cười rổn rảng suồng sã hơn cả một người châu Á thường gây mất trật tự ở nơi công cộng. Sau làn áo mỏng hai hòn bi nâu thâm đội lên như thách thức. Cái cooc xê vốn dĩ thực hiện công lý một cách rất nhân văn: Trấn áp những kẻ bành trướng, nâng đỡ những kẻ sa sút, che chở những kẻ nhỏ nhoi. Cô Mỹ hôm nay ăn mặc rất thiếu tính nhân văn.
Ông sử vẫn một mình trầm tư cầm những cái ly đẹp lên ngắm nghía. Ông sắp sang Mỹ ít lâu ra mắt gia đình vợ. Môn lịch sử nước Mỹ không giúp ông đến Mỹ được, rốt cục chỉ người vợ Mỹ mới giúp được ông. Sắp sang cái nước Mỹ đến cái vỉa hè cũng lát bằng vàng rồi, ông sử vẫn không sao thản nhiên mà đi qua những chiếc ly ngoại. Rồi mối quan tâm chuyển sang bộ dao thìa dĩa bằng bạc. Tôi đến gần ông bình phẩm những vật bằng bạc chính cống. Tôi than phiền về sự sơ suất của chủ tiệc, một tài sản như thế này mà không có camêra bảo vệ trong phòng tiệc, không có cả máy báo động kim loại.
Tôi đã nhầm. Ông sử cũng tin tôi mà nhầm theo. Tàn bữa tiệc, ông chuếnh choáng khoác tay cô Mỹ ra cửa thì được bảo vệ sứ quán mời đi qua máy kiểm tra. Máy kêu reng reng có kim loại. Cô Mỹ tháo cái kiềng vàng tây ra, ông tháo đồng hồ ra, bỏ chùm chìa khoá ra. Máy vẫn kêu. Ông há mồm chỉ mấy cái răng vàng. Người ta không đếm xỉa đến răng vàng mà tìm thấy trong túi áo ông hai cái thìa bằng bạc. Trong ví đeo bên hông cô Mỹ thì một thìa ba dĩa cũng bằng bạc. Cả hai lúc ấy mới tỉnh rượu, ra sức phẫn nộ mà rằng có kẻ đã bỏ bộ đồ bạc vào túi của họ.
Cái sứ quán nọ đã lật lọng một giai đoạn kiểm tra. Người ta thông thường chỉ đặt máy dò khi khách đến. Như vậy mới là bảo vệ an ninh. Họ lại đặt máy dò khi khách đi. Như vậy là chỉ nhằm bảo vệ tài sản cho chính họ.
Từ dạo ấy bố tôi không tổ chức chiêu đãi nữa. Việc của ông đã xong. Toàn bộ khách của ông được ông un trồng bón lót nuôi dưỡng nay đã được sang tên chuyển tiếp cho các sứ quán. Đám thực khách ăn mòn bát đĩa nhà tôi cũng một đi không trở lại. Họ đang tất bật vận động gây cảm tình ở những phòng khách mới. Trong số họ rồi sẽ nhiều người đi thỉnh giảng tham quan hội thảo ở nước ngoài. Mọi con đường đều dẫn tới Rôma. Biết đâu tỉ lệ đỗ sẽ là trăm phần trăm.
Họ đi để đỗ, còn tôi ở lại đây dở dang đại học, tôi lại đỗ hàm thụ những khoá học phòng khách.
Một buổi tối chỉ có hai bố con làm cuộc tổng kiểm kê trong phòng khách. Bố tôi nhắc cái chuyện cái máy kiểm tra ngược đời ở sứ quán nọ. Bố tôi biết cả chuyện tôi thừa rõ sứ quán sẽ kiểm tra mọi người lúc ra về nhưng tôi cố tình không báo cho ông sử biết, tôi còn cố tình mời mọc bộ đồ bằng bạc với ông ta. Không có gì qua được mắt bố tôi. bây giờ cũng vậy. Bố tôi xua tay kiểm kê mà làm gì. Chắc chắn không còn bộ đồ ăn nào nguyên vẹn. Tôi cứ tính đếm một lúc mới thấy bố tôi nói đúng. Tất cả đều ly tán lưu lạc tan đàn xẻ nghé.
Cuối cùng là bộ ly pha lê Pháp, sáu chiếc còn một. Có lẽ hôm nào đó tôi sẽ đóng gói gửi nốt đến nhà ông sử cho nó khỏi lạc đàn.
Bố tôi cứ thâm trầm ngồi nhìn tôi bần thần tính đếm. Từ chỗ ông ngồi vang lên một tiếng bíp. Chẳng bao giờ kèm theo những âm thanh bủm bỉm bủm bỉm. Một người chủ tự tin như ông chẳng bao giờ thèm dùng hiệu quả âm thanh phụ để thanh minh. Ai mà biết đồ rởm hay đồ thật.