Đêm trước hôm rời Hà Nội sang Mỹ học, cô không sao ngủ được. Bố mẹ giục cô đi ngủ sớm để giữ sức khoẻ cho chuyến bay dài vượt đại dương sang bên kia bán cầu. Cô tắt điện để chiều lòng bố mẹ, tắt cả cái đèn ngủ nhỏ mà hàng đêm cô vẫn giữ sáng; rồi nằm trong bóng tối nghe nhạc từ một cái cassette cũ. Có hai bài hát cô mở đi mở lại trong một đĩa Folk - Country của Mỹ. Một là bài I am leaving on the jet plane của John Denver; một là bài Tie a yellow ribbon round the ole oak tree do Tony Orlando hát. Bài thứ nhất làm cô nghĩ đến phim Amageddon, một phim khá hiện đại, nên cô không thích lắm. Bài thứ hai làm cho cô thấy đau thắt trong lòng. Lời của nó thế này: Em yêu ơi, hãy buộc một dải ruy băng vàng lên cây sồi già duy nhất Cây sồi đã ở đó lâu rồi. Còn em có yêu anh nữa không? Nếu không có dải ruy băng ấy, anh sẽ tiếp tục đi và sẽ cố quên những gì chúng ta đã có vì anh là người có lỗi Em yêu ơi, anh sẽ đi nếu không nhìn thấy dải ruy băng vàng. Bác tài ơi, làm ơn nhìn hộ tôi Vì tôi không có can đảm nhìn cây sồi già duy nhất ấy Tôi là một kẻ tội nhân, và chỉ có tình yêu của cô ấy mới đem đến tha thứ Và cô ấy sẽ tha thứ nếu cô ấy buộc lên cây sồi già một dải ruy băng Cô đã nghe câu chuyện này nhiều lần rồi. Câu chuyện có thật và xảy ra vào năm 1972 ở một miền nào đó của nước Mỹ - nơi mà cô sắp đến. Chuyện kể về một người con trai phải đi tù ba năm vì phạm tội. Anh viết thư cho vợ và nhắn cô ấy nếu còn yêu và tha thứ cho anh thì hãy buộc lên cây sồi già duy nhất trong quảng trường của thị trấn họ sống một dải ruy băng vàng vào ngày anh sẽ mãn hạn tù. Nếu anh đi xe đò qua mà không thấy có dải ruy băng vàng đó, anh sẽ rời thị trấn và bỏ đi biệt tích, không quay lại làm rầy cô nữa. Chuyện cũng kể rằng ngưòi con trai này đã khóc nức nở khi anh nhìn thấy hàng trăm dải ruy băng vàng được buộc quanh cây sồi già trong quảng trường thị trấn vào buổi chiều hôm anh trở về nhà. Năm 1972, đĩa nhạc này của Tony Orlando trở thành đĩa bán chạy nhất. Tháng 12 năm đó, nước Mỹ - trong một nỗ lực cuối cùng của những kẻ sắp bại trận - đã ném bom tàn phá Hà Nội của cô vào chính những ngày Giáng Sinh. Những ngưòi mẹ, người chị Mỹ phản chiến cho chiến tranh Việt Nam bắt đầu đeo một dải ruy băng vàng trên ngực áo với thông điệp: hãy đưa những người lính trở về nhà. Năm 1991, cuộc chiến ở Iraq một lần nữa làm thay đổi ý nghĩa của dải băng vàng. Nhưng lúc nào nó cũng vẫn là niềm tin, tình yêu và tha thứ. Cô nằm nghe bài hát rất nhiều lần, rồi ngủ quên lúc nào không biết. Buổi trưa hôm sau ở sân bay Nội Bài, cô cười rất tươi, ôm hôn bạn bè, các chị em gái rồi vội vàng đi vào phòng cách ly. Hai tiếng sau, ở sân bay mới xây nằm cạnh bờ biển của Hồng Kông, cô ngồi một mình trên ghế dài mặc cho nước mắt chảy xuống. Có một người nhất định không đi tiễn cô vào ngày cô đi. Người này về sau cũng không giải thích lý do và cũng không kể anh đã làm gì vào ngày đó. Thực ra, một lời giải thích là không cần thiết. Cả anh và cô đều hiểu. Chính người này đã hẹn gặp cô vào buổi tối trước buổi tối cô nằm không ngủ. Cô và anh đi loăng quăng qua các con phố, chẳng ai nói câu gì. Đến bây giờ cô vẫn còn nhớ cảm giác đó - cảm giác ở rất gần với anh mà chẳng thể nào nói được điều gì. Mà biết nói gì? Cô đoán anh cũng ngổn ngang như cô. Hai người cứ đi. Anh đưa cô qua tất cả những con phố họ vẫn thường qua; cả những con đường dài vắng vẻ trên Hồ Tây - lúc chiều tà vẫn hay gợi nhớ đến Chiều ở Autengeui của Monet, cả những khu phố cổ náo nhiệt - chợ Hàng Da, phố Hàng Điếu, Lý Quốc Sư, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bông và Hàng Đào. Họ ngồi uống nước mía ở ngay đầu phố Hàng Điếu, chỗ ngã năm chợ. Đấy là lần duy nhất trong cả buổi tối, cô nhìn thoáng vào mặt anh. Bình thản và điềm đạm. Khi đưa cô về ngõ, anh cười, cũng không nhìn vào mặt cô, và nói: “Nhớ giữ gìn sức khoẻ, có gì thì viết thư về nhé”. Cũng chính người này, mùa hè trước đó vẫn hay chơi Passion Blue trên chiếc piano cũ của Nga mỗi khi cô ghé qua nhà. Anh cũng đưa cô đến những lớp học vẽ người xem anh vẽ. Cô đã ngồi hàng giờ trong căn phòng chật chội trên gác hai của một ông hoạ sỹ già, xem anh và các bạn đo và vẽ bằng than chì. Anh là người duy nhất trong lớp được phép vẽ sơn dầu. Hai bàn tay anh gầy có những ngón dài và xương, nắn nót đưa những nét cọ trên tấm toan trắng. Lúc nào cũng bình thản và điềm đạm như thế. Và cũng chính người này đã đi dạo với cô những tối Sapa mù sương khi bạn bè mải chơi bài hay trêu nhau. Anh mua ngô nướng và kem; đi đến khi mỏi chân thì về. Trong ba năm biết nhau, anh và cô chưa bao giờ cần nói về tình cảm của mình. Đến tận ngày cô đi cũng thế. Họ cũng chưa bao giờ cầm tay; chưa bao giờ gần gũi. Thậm chí họ cũng không có cả ý nghĩ đó. Nhưng cảm giác thì thật rõ ràng: rằng người kia luôn ở gần khi ta cần. Cả hai đều biết là có quá nhiều thời gian và việc phải làm ở phía trước. Lúc ngồi ở sân bay Hồng Kông để kệ cho nước mắt chảy, em có cảm giác như là trách móc. Trách điều gì thì em cũng không hiểu. Chỉ cảm thấy có một chút trống vắng và cảm thấy rõ ràng có cái gì đó đã ra có thể tốt hơn, chắc chắn hơn. Lần này em đi, nhanh thì 3 năm, mà lâu thì chưa biết đến bao giờ sẽ về. Một cái gì đó níu chắc chắn có lẽ là một cái em cần lúc đó. Thế mà em chỉ cảm thấy đi là đi. Nước mắt chảy một lúc thì em bắt đầu bình tĩnh lại và lôi túi sách ra lục lọi xem bạn bè với bố mẹ còn cố nhét thêm gì lúc sáng nay. Em thấy có một cái gói giấy nho nhỏ, vặn thành hình cái kẹo to, không biết của ai bỏ vào túi. Mở ra thì thấy bên trong là một cái túi nhỏ xíu bằng vải nhung đỏ rực, có dây thắt miệng màu vàng rực giống như túi của các bà già. Bên trong túi có một cái vòng bạc đeo cổ rất đẹp. Cái vòng bạc này - người mà em kể là không đi tiễn em đã đeo nó không biết từ bao giờ rồi. Em không biết ai đã bỏ nó vào túi em sáng nay. “Dear G,” - anh viết, lúc nào cũng bằng tiếng Anh, chắc viết từ văn phòng. "Are you doing fine over there? It is almost autumn here, beautiful as always. What a shame I don’t have time to enjoy it. The reason is already known: too much work. Are you doing okie, G?" Lúc nào anh cũng vẫn thế: are you doing fine? Cô có doing fine không ư? Có và không. Làm thế nào để giải thích cho anh hiểu khi mà anh không có cùng tham chiếu về nước Mỹ này? Làm thế nào để anh biết về những mệt nhọc của cuộc sống mới xa xôi, những lo toan hàng ngày; những niềm vui không có người nào xung quanh thực tâm hiểu được; những câu đùa mà những người không chung ngôn ngữ với cô chỉ có thể tán thưởng mà không bắt hết ý. Làm thế nào để cho anh hiểu được những giây phút lo thắt ruột khi một mình lo toan mọi thứ; những lúc nghe một giọng ca nữ hát “Tôi mong về Hà Nội để thương áo len cài vội một chiều đông rét mướt” mà thấy xúc động sâu tận đáy lòng; những lúc đêm muốn gọi điện hay nói chuyện về nhà mà cứ phải nói nhỏ vì các bạn cùng phòng đang ngủ; rồi những khi vui như điên vì những thành tích, những tiến bộ mới, những người bạn mới mà không thể kể cho anh vì không muốn phải dài dòng kể hết về người này người nọ. “Dear M,” - cô ấn vào nút reply: “ I am doing perfectly fine here. Yeah, what a shame you don’t find time to enjoy beautiful days in Hanoi. The reason is indeed known and confirmed silly. Are you doing okie too, M?” Em đeo cái vòng cổ bằng bạc đó từ ngày sang Mỹ. Không biết sẽ đeo đến bao giờ. Em vẫn doing fine in almost every way, except one. Cái này thì có lẽ em sẽ phải doing my way thôi. Cuộc chiến mới ở Apghanistan làm cho cả nước Mỹ nơi cô đang sống như lên cơn sốt. Khắp nơi, cô gặp những người Mỹ đeo những dải ruy băng có ba màu trắng, xanh và đỏ như màu cờ Mỹ. Người Mỹ trông chờ gì ở cuộc chiến này - cô không rõ. Một vài người bạn Mỹ của cô cách đây một tháng có đến chào cô để đi tập trận cho Hải quân tại Michigan. Cô cười và nói đùa rằng có lẽ cô cũng nên đeo một dải ruy băng đỏ, xanh, trắng cho ra vẻ. Cô dán một dải ruy băng vàng lên trước máy vi tính trong phòng riêng. Các bạn cùng nhà tò mò hỏi, cô chỉ cười và dài giọng hát vui vui: Em yêu ơi, hãy buộc một dải ruy băng vàng lên cây sồi già duy nhất Cây sồi đã ở đó lâu rồi. Còn em có yêu anh nữa không? Nếu không có dải ruy băng ấy, anh sẽ tiếp tục đi và sẽ cố quên những gì chúng ta đã có vì anh là người có lỗi Em yêu ơi, anh sẽ đi nếu không nhìn thấy dải ruy băng vàng. Phan Việt